Apollo 5

Chuyến bay thử nghiệm không người lái đầu tiên của Chương trình Apollo với Module Mặt Trăng

Apollo 5 (phóng ngày 22 tháng 1 năm 1968), còn gọi là AS-204, là chuyến bay không người lái đầu tiên của Mô-đun Mặt Trăng Apollo (LM), phi thuyền mà về sau đã đưa các phi hành gia lên bề mặt Mặt Trăng. Tên lửa Saturn IB mang theo LM đã cất cánh từ Mũi Kennedy vào ngày 22 tháng 1 năm 1968. Đây là một sứ mệnh thành công đối với NASA, mặc dù một nhiệm vụ thay thế cho kế hoạch ban đầu đã được triển khai do các vấn đề về lập trình.

Apollo 5
Mô-đun Mặt Trăng 1 được ghép với Spacecraft–LM adapter (SLA) nhằm chuẩn bị cho phi vụ phóng Apollo 5
Dạng nhiệm vụChuyến bay không người lái trên quỹ đạo Trái Đất của LM (B)
Nhà đầu tưNASA
COSPAR ID
  • Tầng cất cánh: 1968-007A
  • Tầng hạ cánh: 1968-007B
  • S-IVB: 1968-007C
SATCAT no.3106
Thời gian nhiệm vụ11 giờ, 10 phút
Quỹ đạo đã hoàn thành7
Các thuộc tính thiết bị vũ trụ
Thiết bị vũ trụMô-đun Mặt trăng Apollo-1
Nhà sản xuấtGrumman
Khối lượng phóng14.360 kilôgam (31.660 lb)[1]
Bắt đầu nhiệm vụ
Ngày phóng22 tháng 1 năm 1968, 22:48:09 UTC
Tên lửaSaturn IB SA-204
Địa điểm phóngMũi Kennedy, LC-37B
Kết thúc nhiệm vụ
Cách loại bỏTái thâm nhập không kiểm soát
Dừng hoạt động23 tháng 1 năm 1968 9:58 UTC
Ngày kết thúc
  • Tầng cất cánh: 24 tháng 1 năm 1968
  • Tầng hạ cánh: 12 tháng 2 năm 1968
Các tham số quỹ đạo
Hệ quy chiếuĐịa tâm
Chế độQuỹ đạo Trái Đất tầm thấp
Cận điểm167 kilômét (90 nmi)[1]
Viễn điểm222 kilômét (120 nmi)[1]
Độ nghiêng31,63 độ[1]
Chu kỳ88,4 phút[1]
Kỷ nguyên22 tháng 1 năm 1968[2]
 

Cũng như Apollo 4, chuyến bay này bị trì hoãn khá lâu, một phần do những trở ngại trong quá trình phát triển LM do Grumman Aircraft sản xuất. Tên lửa Saturn IB ban đầu dùng để đưa LM đầu tiên (LM-1) lên vũ trụ đã bị tháo gỡ trong thời gian trì hoãn và được thay thế bằng chiếc lẽ ra sẽ phóng Apollo 1 nếu vụ cháy tàu vũ trụ khiến ba phi hành gia thiệt mạng không xảy ra. LM-1 đến Trung tâm Vũ trụ Kennedy vào tháng 6 năm 1967, mở đầu nhiều tháng tiếp theo được dành ra cho việc thử nghiệm và đặt LM lên trên Saturn IB. Sau những lần trì hoãn cuối cùng do sự cố thiết bị, quá trình đếm ngược đã bắt đầu vào ngày 21 tháng 1 năm 1968, và tàu vũ trụ được phóng vào ngày hôm sau.

Một khi phi thuyền đi vào quỹ đạo và LM tách ra khỏi tầng đẩy S-IVB, chương trình thử nghiệm trên quỹ đạo bắt đầu, nhưng quá trình đốt cháy theo kế hoạch đã tự động bị hủy bỏ khi Apollo Guidance Computer (tạm dịch là "Máy tính Hướng dẫn Apollo") phát hiện thấy tàu không đi nhanh như kế hoạch. Giám đốc Chuyến bay Gene Kranz và nhóm của ông tại Kiểm soát Sứ mệnh ở Houston nhanh chóng quyết định triển khai một nhiệm vụ thay thế, trong đó mục tiêu thử nghiệm LM-1 của nó đã được hoàn thành. Nhiệm vụ thành công đến mức một sứ mệnh không người lái thứ hai nhằm thử nghiệm LM đã bị hủy bỏ, thúc đẩy kế hoạch đưa phi hành gia hạ cánh lên Mặt Trăng vào cuối thập niên 1960 của NASA.

Bối cảnh

sửa

Năm 1961, Tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy thách thức nước Mỹ đưa phi hành gia lên Mặt Trăng trước khi kết thúc thập niên 1960 và mang người đó về lại Trái Đất an toàn.[3] Sau khi trải qua cuộc tranh luận đáng kể, NASA (cơ quan hàng không vũ trụ của chính phủ Hoa Kỳ) đã đưa ra quyết định vào cuối năm 1962 rằng các sứ mệnh lên vệ tinh tự nhiên của Trái Đất sẽ sử dụng điểm hẹn quỹ đạo Mặt Trăng, theo đó toàn bộ tàu vũ trụ Apollo sẽ được đẩy lên quỹ đạo Mặt Trăng bằng tầng thứ ba của phương tiện phóng Saturn V (gọi là S-IVB). Một khi đã vào quỹ đạo, các phi hành gia đáp xuống Mặt Trăng sẽ bước vào Lunar Excursion Module (LEM) (sau gọi là mô-đun Mặt Trăng). LM sau đó sẽ tách khỏi mô-đun chỉ huy và dịch vụ (CSM) Apollo để hạ cánh xuống Mặt Trăng. Khi các phi hành gia sẵn sàng quay trở lại, họ sẽ bước vào LM, bay lên và ghép nối lại với CSM. Sau khi phi hành đoàn quay lại CSM, họ sẽ loại bỏ mô-đun Mặt Trăng và quay về Trái Đất trên CSM.[4] Năm 1962, NASA đã mời 11 công ty tham gia đấu thầu hợp đồng xây dựng LM. Ngày 7 tháng 11 năm 1962, NASA thông báo họ đã trao hợp đồng cho GrummanBethpage, New York.[5]

Trì hoãn

sửa

Cũng như Apollo 4, đã có một số trì hoãn nghiêm trọng xảy ra đối với Apollo 5. Nguyên nhân chính dẫn đến sự chậm trễ của Apollo 5 là do LM bị chậm tiến độ. Giám đốc Chương trình Apollo, Thiếu tướng Samuel C. Phillips ban đầu hy vọng rằng chuyến bay thử nghiệm không người lái của LM-1, mô-đun Mặt Trăng đầu tiên, sẽ được phóng vào tháng 4 năm 1967. Ước chừng có sáu tháng để kiểm tra và thử nghiệm phương tiện, NASA đã yêu cầu Grumman giao LM-1 đến Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Florida trước tháng 9 năm 1966, nhưng do khó khăn trong việc sản xuất LM-1 nên việc giao hàng liên tục bị trì hoãn. Ngày giao hàng vẫn chưa chắc chắn khi AS-206, phương tiện phóng Saturn IB dự định sẽ đưa LM-1 lên quỹ đạo, được dựng lên tại Tổ hợp Phóng 37 vào tháng 1 năm 1967. Sau vụ hỏa hoạn khiến phi hành đoàn Apollo 1 thiệt mạng vào tháng đó, phương tiện phóng dự định dành cho Apollo 1, AS-204, đã được chuyển từ Tổ hợp Phóng 34 sang Tổ hợp Phóng 37 và thay thế AS-206.[6] Công việc này được tiến hành vì AS-204 là chiếc Saturn IB cuối cùng có đầy đủ thiết bị nghiên cứu và phát triển, đồng thời, khi chuyến bay có người lái bị tạm dừng, NASA muốn sử dụng tầng đẩy đó cho chuyến bay đầu tiên của LM.[7][a]

Mục tiêu

sửa
 
LM-1 được vận chuyển tới bởi máy bay Super Guppy, ngày 23 tháng 6 năm 1967

Mục tiêu của Apollo 5 là nhằm xác minh hoạt động của các hệ thống con LM. Trong chuyến bay, các động cơ cất cánh và hạ cánh sẽ bị đốt cháy. Một cuộc thử nghiệm "fire in the hole" sẽ được tiến hành để xác minh rằng tầng cất cánh vẫn có thể đốt cháy khi được gắn vào tầng hạ cánh. Quy trình này sẽ được sử dụng trên bề mặt Mặt Trăng và trong trường hợp việc hạ cánh xuống Mặt Trăng bị hủy bỏ. Nó liên quan đến việc tắt tầng hạ cánh, chuyển quyền điều khiển và năng lượng sang tầng cất cánh, và khởi động động cơ cất cánh trong khi hai tầng vẫn đang được kết hợp. Thuật ngữ "fire in the hole" bắt nguồn từ một câu cửa miệng trong khai thác mỏ khi chất nổ sắp được sử dụng.[9][10][11] Cuộc thử nghiệm bổ sung là nhằm kiểm tra xem động cơ LM có thể khởi động lại sau lần sử dụng đầu tiên hay không.[12] Ngoài việc thử nghiệm các hệ thống LM, Apollo 5 còn phải thử nghiệm Instrument Unit trong cấu hình bay của Saturn V.[13]

Người ta dự đoán rằng tầng cất cánh của LM-1 sẽ tồn tại trên quỹ đạo khoảng hai năm trước khi quay trở lại bầu khí quyển và tan rã, còn tầng hạ cánh là trong khoảng ba tuần.[14]

Ghi chú

sửa
  1. ^ Launch vehicle AS-206 was subsequently designated for a potential second uncrewed flight of the LM, and when this proved unnecessary, was placed in long-term storage. It was renovated for crewed flight and flew in 1973 as the launch vehicle for Skylab 2, taking the first crew to that space station.[8]

Tham khảo

sửa
  1. ^ a b c d e “Apollo 5”. NASA Space Science Data Coordinated Archive. Truy cập ngày 26 tháng 9 năm 2016.
  2. ^ McDowell, Jonathan. “SATCAT”. Jonathan's Space Pages. Truy cập ngày 23 tháng 3 năm 2014.
  3. ^ “Apollo 11 Mission Overview”. NASA. 21 tháng 12 năm 2017. Truy cập ngày 14 tháng 2 năm 2019.
  4. ^ Orloff & Harland 2006, tr. 25–26.
  5. ^ Orloff & Harland 2006, tr. 26.
  6. ^ Benson & Faherty 1978, tr. 435.
  7. ^ Astronautics 1967, tr. 81.
  8. ^ LaPage, Andrew (25 tháng 5 năm 2018). “SA-206: The Odyssey of a Saturn IB”. Drew ex Machina. Truy cập ngày 12 tháng 9 năm 2021.
  9. ^ Brooks 1979, tr. 242.
  10. ^ Press Kit, tr. 2–4.
  11. ^ Kranz 2000, tr. 215.
  12. ^ Press Kit, tr. 2.
  13. ^ Orloff & Harland 2006, tr. 139.
  14. ^ Press Kit, tr. 5.