Cái Nước

Huyện thuộc tỉnh Cà Mau

Cái Nước là một huyện nằm ở trung tâm của tỉnh Cà Mau, Việt Nam.

Cái Nước
Huyện
Huyện Cái Nước
Chợ Cái Nước ở thị trấn Cái Nước
Hành chính
Quốc gia Việt Nam
VùngĐồng bằng sông Cửu Long
TỉnhCà Mau
Huyện lỵThị trấn Cái Nước
Trụ sở UBNDĐường 19/5, khóm 2, thị trấn Cái Nước
Phân chia hành chính1 thị trấn, 10 xã
Thành lập1978
Địa lý
Tọa độ: 8°56′16″B 105°00′42″Đ / 8,937847°B 105,011611°Đ / 8.937847; 105.011611
MapBản đồ huyện Cái Nước
Cái Nước trên bản đồ Việt Nam
Cái Nước
Cái Nước
Vị trí huyện Cái Nước trên bản đồ Việt Nam
Diện tích417 km²
Dân số (2021)
Tổng cộng138.328 người[1]
Thành thị14.817 người (11%)
Nông thôn123.511 người (89%)
Mật độ332 người/km²
Dân tộcKinh, Hoa, Khmer,...
Khác
Mã hành chính969[2]
Biển số xe69-E1
Websitecainuoc.camau.gov.vn

Địa lý sửa

Vị trí địa lý sửa

Huyện Cái Nước nằm ở trung tâm tỉnh Cà Mau, trung tâm huyện cách thành phố Cà Mau khoảng 30 km về phía tây nam theo Quốc lộ 1. Huyện có vị trí địa lý:

Huyện Cái Nước có diện tích 417 km², dân số năm 2021 là 138.328 người[1], mật độ dân số đạt 332 người/km².

Huyện Cái Nước kết nối thành phố Cà Mau với các huyện phía nam, thuộc vùng kinh tế nội địa của tỉnh (là huyện duy nhất không giáp biển).

Điều kiện tự nhiên sửa

Khí hậu sửa

Khí hậu thời tiết huyện Cái Nước cũng như của toàn tỉnh Cà Mau, mang đặc trưng khí hậu nhiệt đới gió mùa cận xích đạo, có nhiệt độ cao quanh năm, nhiệt độ trung bình 26,9 °C. Nhiệt độ trung bình cao nhất trong năm là vào tháng 4, khoảng 27,6 °C, nhiệt độ trung bình thấp nhất vào tháng Giêng, khoảng 25 °C.

Trong năm, thời tiết phân làm 2 mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau.

Về thủy văn, mặc dù không tiếp giáp với bờ biển, nhưng địa bàn huyện Cái Nước chịu tác động của cả chế độ thủy triều biển Đông và Vịnh Thái Lan. Trong đó triều biển Đông truyền vào qua sông Gành Hào, sông Bảy Háp, kênh Tắc Năm Căn… triều vịnh Thái Lan truyền vào theo cửa sông Bảy Háp, cửa Mỹ Bình… Biên độ triều các sông chịu ảnh hưởng triều biển Đông lớn hơn biên độ triều Vịnh Thái Lan, vì vậy biên độ triều trên các sông có xu hướng giảm dần từ Tây sang Đông. Do chịu sự tác động của cả hai chế độ triều biển nên chế độ dòng chảy của các sông, kênh rạch ở huyện Cái Nước khá phức tạp, hình thành nhiều khu vực giao hội nước (hay còn gọi là những "giáp nước") ở các sông lớn và các khu vực nội đồng, ảnh hưởng đến khả năng cấp thoát nước ở một số vùng, ở các khu vực này thường là nơi tồn đọng rác, chất thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Độ mặn nước sông biến đổi theo mùa, mùa khô nước các sông có độ mặn cao hơn, trong mùa khô độ mặn nước sông. Sang mùa mưa độ mặn nước sông giảm đi, nhưng do không có hệ thống cống ngăn mặn giữ ngọt nên ngay trong mùa mưa, sau những ngày không có mưa thì nước sông, kênh rạch đều có độ mặn cao. Như vậy chế độ mưa, chế độ thủy văn (độ mặn nước sông) là yếu tố chi phối nhiều đến quá trình thực hiện chuyển đổi sản xuất ở huyện Cái Nước.

Nguồn nước sửa

Đánh giá nguồn và khả năng sử dụng một số nguồn nước chủ yếu của huyện Cái Nước như sau:

  • Nước mưa: là nguồn nước chủ yếu cung cấp cho cây trồng và một phần cho sinh hoạt. Để sản xuất được một vụ lúa trên đất nuôi tôm ở huyện Cái Nước (và cũng như các nơi khác trong tỉnh Cà Mau) thì nguồn nước mưa vẫn là nguồn nước duy nhất, phải có biện pháp thủy lợi ngăn mặn, giữ ngọt tại chỗ trong mùa mưa một cách phù hợp.
  • Nước sông rạch (nguồn nước mặt): trong mùa mưa độ mặn nước sông giảm nhanh, nhưng sau khi chuyển đổi sản xuất không còn các cống ngăn mặn nên những ngày không có mưa độ mặn nước sông lại tăng cao rất nhanh.

Khi chuyển đổi sang nuôi tôm và nuôi tôm kết hợp trồng lúa, nguồn nước mặn là nguồn nước phục vụ cho nuôi tôm, nhưng mâu thuẫn với yêu cầu sản xuất luân canh một vụ lúa, vì vậy nếu không tổ chức quản lý tốt mùa vụ (nuôi tôm – trồng lúa) và không có hệ thống thủy lợi khép kín các tiểu vùng thì sản xuất lúa – tôm không đạt hiệu quả.

  • Nước ngầm: nước ngầm ở tỉnh Cà Mau cũng như ở khu vực huyện Cái Nước có chất lượng tốt, cơ bản không bị nhiễm mặn, thuộc nhóm nước mềm, có hàm lượng kim loại nặng thấp và chưa bị ô nhiễm (theo tiêu chuẩn VN 1995), trừ một số giếng bị nhiễm mặn do thâm nhập từ đường ống bị hở, song phần lớn ở các giếng nước có mùi bùn, một số mẫu nước bị ô nhiễm nhẹ khoáng hóa (độ khoáng hóa 1g/l), hàm lượng sắt trong nước cao (0,5 mg/l) nên nước có tính chất phèn, tuy nhiên mức bị ô nhiễm sắt thấp (theo tiêu chuẩn là 0,33 mg/l).

Nước ngầm là tài nguyên quý hiếm, vì vậy quá trình khai thác sử dụng phải được quản lý chặt chẽ, tránh các hiện tượng gây ô nhiễm và lãng phí nguồn nước ngầm. Dự báo đến năm 2020 nhu cầu khai thác sử dụng nước ngầm tăng cao, vì vậy đối với các khu đô thị, dân cư tập trung cần khai thác tổng hợp 2 – 3 tầng nước nhằm hạn chế sự thay đổi các tầng nước ngầm.

Đất đai sửa

Địa hình của huyện Cái Nước bằng phẳng, có xu hướng thấp dần từ phía Bắc xuống phía Nam, cao trình trung bình 0,5 – 0,7m so với mặt nước biển, trừ những liếp vườn trồng dừa, trồng cây ăn trái có độ cao từ 1,2 –1,5m. Mặc dù không phải là huyện ven biển, nhưng địa hình của huyện Cái Nước cũng bị chia cắt rất nhiều bởi hệ thống sông, kênh rạch.

Về địa chất: đất đai của huyện hình thành từ trầm tích đầm lầy ven biển, vì vậy nhìn chung nền đất yếu, nhất là tầng đất mặt, đây là yếu tố dẫn đến suất đầu tư cao do chi phí xử lý nền móng công trình.

Về thổ nhưỡng, theo chú giải bản đồ đất tỷ lệ 1/25.000 của huyện Cái Nước (cũ) do Phân viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp Miền Nam điều tra xây dựng năm 1988 và kết quả điều tra bổ sung năm 2000 của Phân viện Địa lý miền Nam, năm 2001 của Trường Đại học Cần Thơ thì toàn bộ đất đai của huyện Cái Nước bị nhiễm mặn và mặn phèn với các mức độ khác nhau. Kết quả điều tra cũng đã phân vùng địa lý thổ nhưỡng huyện Cái Nước thành 2 vùng khác biệt, đó là:

  • Vùng đất phù sa không được bồi, nằm ở phía bắc của huyện, ranh giới từ phía bắc kênh Mười Phải và rạch Quảng Phước (gồm các xã Thạnh Phú, Lương Thế Trân, Phú Hưng, Hưng Mỹ, Hòa Mỹ, Tân Hưng). Diện tích vùng này chiếm khoảng 21.000 ha.  Đây là vùng đất có địa hình cao, hệ thống kênh rạch thưa hơn, một số diện tích đất bị phèn, dễ bị hạn hán. Đối với sản xuất nông nghiệp, đây là vùng đất tốt, trong điều kiện giữ được nước ngọt tại chỗ có thể phát triển sản xuất lúa 2 vụ, lúa cao sản, trồng dừa. Hiện nay, đây cũng là vùng có thể phát triển sản xuất 1 vụ lúa luân canh trên đất nuôi tôm.
  • Vùng phía nam của huyện, diện tích khoảng 18.500 ha. Là vùng đất mặn, phèn tiềm tàng và phèn hoạt động, địa hình thấp hơn, hệ thống sông kênh rạch nhiều hơn, mức độ mặn nặng hơn. Đối với nông nghiệp có thể làm lúa mùa (giữ ngọt) trồng dừa. Hiện nay đã chuyển sang nuôi tôm, nuôi tôm kết hợp trồng lúa, nhưng việc trồng lúa khó khăn hơn vùng phía bắc của huyện do mức độ xâm nhập mặn nhanh hơn.

Về lý tính của đất, nhìn chung ở cả hai vùng của huyện, đất đều có thành phần cơ giới nặng, tỷ lệ sét trong đất cao.

Mặc dù có các yếu tố hạn chế, nhưng cơ bản đất đai huyện Cái nước vẫn phù hợp để phát triển sản xuất nông ngư nghiệp.

Hiện trạng sử dụng đất năm 2009 của huyện Cái Nước[3]

Đơn vị: Ha.

STT Loại đất Toàn huyện
Tổng diện tích tự nhiên 41.709,37
I Đất nông nghiệp 38.581,29
1 Đất sản xuất nông nghiệp 8.217,73
1.1 Đất trồng cây hàng năm 0,23
a Đất trồng lúa
b Đất trồng cây hàng năm khác 0,23
1.2 Đất trồng cây lâu năm 8.217,5
2 Đất lâm nghiệp 15,48
Đất rừng tự nhiên 15,48
3 Đất nuôi trồng thủy sản 30.343,28
4 Đất nông nghiệp khác 4,8
II Đất phi nông nghiệp 3.128,08
1 Đất ở 590,64
2 Đất chuyên dùng 1.379,33
3 Đất tôn giáo, tín ngưỡng 11,58
4 Đất nghĩa trang, nghĩa địa 8,54
5 Đất sông suối và mặt nước chuyên dùng 1.137,99
III Đất chưa sử dụng 0

Dân cư sửa

Dân số thời điểm 1/4/2009 của huyện Cái Nước là 137.396 người, bằng 11,3% dân số toàn tỉnh, đứng thứ 4/9 huyện, thành phố (sau thành phố Cà Mau, huyện Trần Văn Thời, huyện Đầm Dơi), mật độ dân số trung bình 328 người/km², cao hơn so với mật độ bình quân của tỉnh (227 người/km²).

Diện tích tự nhiên 417,00 km², chiếm 7,88% diện tích của tỉnh.

Đến 01/01/2017, dân số có 32.127 hộ, với 138.845 người, chiếm 11,35% dân số của tỉnh. Trong đó, có 69.683 nam và 69.162 nữ. Ở khu vực thành thị có 3.591 hộ, với 14.381 người. Ở khu vực nông thôn có 28.537 hộ, với 124.464 người.

Huyện Cái Nước có mật độ dân cư phân bố tương  đối đồng đều giữa các xã (vì không có khu vực rừng):

STT Đơn vị hành chính Diện tích tự nhiên (Ha) Dân số (người) Mật độ dân số (người/km²)
Toàn huyện 41.709 137.396 328
1 thị trấn Cái Nước 2.549 13.911 546
2 Lương Thế Trân 3.106 10.458 337
3 Thạnh Phú 3.345 13.892 415
4 Hòa Mỹ 3.463 8.820 255
5 Hưng Mỹ 3.539 11.440 323
6 Đông Hưng 3.430 10.153 296
7 Đông Thới 2.847 8.263 290
8 Phú Hưng 4.353 14.233 327
9 xã Trần Thới 4.213 12.931 307
10 xã Tân Hưng 5.610 16.593 296
11 Tân Hưng Đông 5.254 16.031 305

Lao động của huyện Cái Nước chủ yếu là lao động trẻ, số người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động chiếm 47,2% dân số của huyện (64.515 người so với dân số 136.725 người).

Số lao động tham gia trực tiếp lao động trong nền kinh tế đến cuối năm 2009 là 61.250 người; trong đó lao động trong khu vực ngư nông nghiệp chiếm 54,5% (33.400 người), khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm 19,8% (12.100 người), khu vực dịch vụ chiếm 25,7% (15.750 người). Với cơ cấu lao động như trên, cho thấy quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động của huyện có bước chuyển biến nhanh hơn so với các địa phương khác trong tỉnh (đến cuối năm 2009 tỷ lệ lao động trong khu vực nông nghiệp của tỉnh còn trên 60%).

Lịch sử sửa

Trước thế kỷ XIX, địa bàn huyện Cái Nước ngày nay là vùng đất hoang sơ, rậm rạp thuộc trấn Hà Tiên. Cư dân nơi đây ở từng cụm rải rác, chỉ tập trung nhiều ở thôn Tân Hưng. Thôn này lúc bấy giờ có khoảng 300 người chuyên sống bằng nghề nông, chủ yếu là trồng lúa nước, một số người sống ven sông với nghề bắt tôm, cua, cá. Dần dần vùng đất này trở nên trù phú, thu hút ngày càng đông người dân tứ xứ đến lập nghiệp xây dựng xóm làng.

Năm 1833, trấn Hà Tiên đổi thành tỉnh Hà Tiên, xứ Cái Thủy (Cái Nước ngày nay) thuộc tổng Quảng Xuyên, huyện Long Xuyên, tỉnh Hà Tiên. Thời Tự Đức, triều đình khuyến khích dân khẩn hoang, lập làng ở khắp vùng Nam Kỳ lục tỉnh. Dân cư các nơi đến vùng Cái Nước khẩn hoang sinh sống càng nhiều.

Trong thời kỳ chống Pháp, khi thành lập huyện Ngọc Hiển (1948) thì phần đất Cái Nước thuộc huyện Ngọc Hiển.

Năm 1951, khi chia huyện Ngọc Hiển thành 2 huyện Ngọc Hiển và Trần Văn Thời thì phần đất của huyện Cái Nước ngày nay thuộc huyện Trần Văn Thời. 

Quận Cái Nước được chính quyền Việt Nam Cộng hòa thành lập từ ngày 05 tháng 8 năm 1957, thuộc tỉnh An Xuyên, gồm có 6 xã: Hưng Mỹ, Tân Hưng Tây, Phú Mỹ, Tân Hưng Đông, Tân Hưng, Thuận Hưng. Quận lỵ đặt tại xã Cái Nước Ngọn.

Ngày 19 tháng 5 năm 1958, xã Thuận Hưng được cắt về cho quận Năm Căn.

Ngày 7 tháng 12 năm 1965, giao xã Tân Hưng về cho quận Đầm Dơi, đồng thời nhận xã Tân An từ quận Đầm Dơi chuyển qua.

Ngày 09 tháng 5 năm 1969, giao hai xã Thuận Hưng, Tân Hưng Đông về cho quận Năm Căn.

Ngày 13 tháng 9 năm 1974, giao xã Hưng Mỹ về cho quận Sông Ông Đốc cùng tỉnh.

Sau năm 1975, huyện Cái Nước thuộc tỉnh Minh Hải, gồm thị trấn Cái Đôi và 12 xã: Đông Thới, Hưng Mỹ, Phú Hưng, Phú Mỹ A, Phú Mỹ B, Quách Phẩm A, Tân Hưng, Tân Hưng Đông, Tân Hưng Tây, Trần Phán, Trần Thới, Việt Khái.

Ngày 29 tháng 12 năm 1978, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định 326-CP về việc phân vạch địa giới hành chính huyện Cái Nước thuộc tỉnh Minh Hải[4]. Theo đó, tách thị trấn Cái Đôi và 4 xã: Phú Mỹ A, Phú Mỹ B, Tân Hưng Tây, Việt Khái để thành lập huyện Phú Tân.

Huyện Cái Nước còn lại 8 xã: Đông Thới, Hưng Mỹ, Phú Hưng, Quách Phẩm A, Tân Hưng, Tân Hưng Đông, Trần Phán, Trần Thới.

Ngày 25 tháng 7 năm 1979, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định 275-CP về việc điều chỉnh địa giới một số xã thuộc huyện Cái Nước[5]. Theo đó:

  • Chia xã Tân Hưng thành bốn xã lấy tên là xã Tân Hưng, xã Thạnh Hưng, xã Phong Hưng và xã Hiệp Hưng
  • Chia xã Đông Thới thành hai xã lấy tên là xã Đông Thới và xã Tân Thới
  • Chia xã Hưng Mỹ thành ba xã lấy tên là xã Hưng Mỹ, xã Hòa Mỹ và xã Bình Mỹ
  • Chia xã Phú Hưng thành hai xã lấy tên là xã Phú Hưng và xã Phú Lộc
  • Chia xã Tân Hưng Đông thành ba xã lấy tên là xã Tân Hưng Đông, xã Tân Hiệp và xã Cái Nước
  • Chia xã Trần Phán thành hai xã lấy tên là xã Tân Trung và xã Trần Phán
  • Chia xã Quách Phẩm A thành hai xã lấy tên là xã Quách Phẩm và xã Hòa Điền.

Từ đó, huyện Cái Nước có 19 xã: Bình Mỹ, Cái Nước, Đông Thới, Hiệp Hưng, Hòa Điền, Hòa Mỹ, Hưng Mỹ, Phong Hưng, Phú Hưng, Phú Lộc, Quách Phẩm, Tân Hiệp, Tân Hưng, Tân Hưng Đông, Tân Thới, Tân Trung, Thạnh Hưng, Trần Phán, Trần Thới.

Ngày 30 tháng 8 năm 1983, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định 94-HĐBT[6]. Theo đó, sáp nhập 3 xã: Lương Thế Trân, Thạnh Trung, Thạnh Phú của huyện Cà Mau vừa giải thể vào huyện Cái Nước.

Ngày 17 tháng 5 năm 1984, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định 75-HĐBT về việc phân vạch địa giới một số huyện, thị xã thuộc tỉnh Minh Hải[7]. Theo đó:

  • Chuyển 4 xã: Quách Phẩm, Trần Phán, Tân Trung, Hòa Điền thuộc huyện Cái Nước về huyện Ngọc Hiển (nay là huyện Đầm Dơi)
  • Sáp nhập toàn bộ diện tích và dân số của huyện Phú Tân vào huyện Cái Nước.

Huyện Cái Nước có thị trấn Phú Tân và 32 xã: Bình Mỹ, Cái Nước, Đông Thới, Hiệp Hưng, Hòa Mỹ, Hưng Mỹ, Lương Thế Trân, Nguyễn, Phong Hưng, Phú Hiệp, Phú Hòa, Phú Hưng, Phú Lộc, Phú Mỹ, Phú Thành, Phú Thuận, Tân Hải, Tân Hiệp, Tân Hưng Đông, Tân Hưng Tây, Tân Hưng, Tân Nghiệp, Tân Phong, Tân Thới, Thạnh Phú, Thạnh Hưng, Thạnh Trung, Trần Thới, Việt Cường, Việt Dũng, Việt Hùng, Việt Khái, Việt Thắng. Huyện lỵ đặt tại xã Cái Nước.

Ngày 14 tháng 2 năm 1987, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định 33B-HĐBT về việc phân vạch, điều chỉnh địa giới hành chính một số xã, thị trấn của huyện Cái Nước[8]. Theo đó:

  • Sáp nhập xã Thạnh Trung vào xã Lương Thế Trân
  • Sáp nhập xã Phú Lộc vào xã Phú Hưng
  • Sáp nhập xã Hòa Mỹ vào xã Hưng Mỹ.
  • Sáp nhập xã Phú Thuận vào xã Phú Mỹ
  • Sáp nhập xã Phú Thành vào xã Phú Hòa
  • Sáp nhập xã Việt Dũng vào xã Việt Khái
  • Giải thể xã Phong Hưng để sáp nhập vào xã Tân Hưng và xã Hiệp Hưng
  • Sáp nhập xã Việt Cường vào xã Việt Hùng; tách một phần dân số và diện tích của xã Việt Hùng để sáp nhập vào xã Việt Thắng
  • Giải thể xã Tân Thới để sáp nhập vào xã Trần Thới và xã Đông Thới
  • Sáp nhập xã Tân Phong vào xã Tân Nghiệp; tách một phần dân số và diện tích của xã Tân Nghiệp để sáp nhập vào thị trấn Phú Tân
  • Giải thể xã Cái Nước để thành lập thị trấn Cái Nước, thị trấn huyện lỵ huyện Cái Nước.

Huyện Cái Nước có 2 thị trấn: Cái Nước, Phú Tân và 21 xã: Bình Mỹ, Đông Thới, Hiệp Hưng, Hưng Mỹ, Lương Thế Trân, Phú Hiệp, Phú Hòa, Phú Hưng, Phú Mỹ, Tân Hải, Tân Hiệp, Tân Hưng Đông, Tân Hưng Tây, Tân Hưng, Tân Nghiệp, Thạnh Phú, Thạnh Hưng, Trần Thới, Việt Hùng, Việt Khái, Việt Thắng.

Ngày 2 tháng 2 năm 1991, Ban Tổ chức Chính phủ ban hành Quyết định 51/QĐ-TCCP về việc điều chỉnh địa giới xã, thị trấn thuộc huyện Cái Nước[9]. Theo đó:

  • Sáp nhập xã Thạnh Phú vào xã Lương Thế Trân
  • Sáp nhập xã Thạnh Hưng vào xã Tân Hưng
  • Sáp nhập xã Hiệp Hưng vào xã Đông Thới
  • Sáp nhập xã Bình Mỹ vào xã Hưng Mỹ
  • Sáp nhập xã Tân Hiệp vào xã Tân Hưng Đông
  • Sáp nhập xã Việt Thắng vào xã Trần Thới
  • Sáp nhập xã Phú Hòa vào xã Phú Mỹ
  • Hợp nhất xã Phú Hiệp, xã Tân Nghiệp và thị trấn Phú Tân thành xã Phú Tân
  • Hợp nhất xã Việt Hùng và xã Việt Khái thành xã Tân Hưng Tây mới
  • Hợp nhất xã Tân Hải với xã Tân Hưng Tây cũ thành xã Nguyễn Việt Khái.

Huyện Cái Nước còn lại thị trấn Cái Nước và 11 xã: Đông Thới, Hưng Mỹ, Lương Thế Trân, Nguyễn Việt Khái, Phú Hưng, Phú Mỹ, Phú Tân, Tân Hưng, Tân Hưng Đông, Tân Hưng Tây, Trần Thới.

Ngày 29 tháng 8 năm 1994, Chính phủ ban hành Nghị định 109-CP về việc thành lập thị trấn Cái Đôi Vàm thuộc huyện Cái Nước[10]. Theo đó, thành lập thị trấn Cái Đôi Vàm trên cơ sở điều chỉnh một phần diện tích và dân số của xã Nguyễn Việt Khái.

Ngày 6 tháng 11 năm 1996, tỉnh Cà Mau được tái lập, huyện Cái Nước trở lại thuộc tỉnh Cà Mau.[11]

Ngày 25 tháng 6 năm 1999, thành lập xã Việt Thắng trên cơ sở 3.865,27 ha diện tích tự nhiên và 10.300 người của xã Trần Thới.[12]

Ngày 22 tháng 4 năm 2003, thành lập xã Tân Hải trên cơ sở 4.233,56 ha diện tích tự nhiên và 9.532 người của xã Phú Tân.[13]

Từ đó, huyện Cái Nước có 2 thị trấn: Cái Nước, Cái Đôi Vàm và 13 xã: Đông Thới, Hưng Mỹ, Lương Thế Trân, Nguyễn Việt Khái, Phú Hưng, Phú Mỹ, Phú Tân, Tân Hải, Tân Hưng, Tân Hưng Đông, Tân Hưng Tây, Trần Thới, Việt Thắng.

Ngày 17 tháng 11 năm 2003, Chính phủ ban hành Nghị định 138/2003/NĐ-CP về việc thành lập huyện Phú Tân thuộc tỉnh Cà Mau[14]. Theo đó, tái lập huyện Phú Tân trên cơ sở 44.595 ha diện tích tự nhiên và 109.642 người của huyện Cái Nước, gồm thị trấn Cái Đôi Vàm và 6 xã: Phú Mỹ, Phú Tân, Tân Hải, Việt Thắng, Tân Hưng Tây, Nguyễn Việt Khái.

Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, huyện Cái Nước còn lại 39.514 ha diện tích tự nhiên và 136.619 người với có 8 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm thị trấn Cái Nước và 7 xã: Lương Thế Trân, Phú Hưng, Hưng Mỹ, Tân Hưng, Tân Hưng Đông, Đông Thới, Trần Thới.

Ngày 23 tháng 11 năm 2004, Chính phủ ban hành Nghị định 192/2004/NĐ-CP về việc thành lập một số xã thuộc huyện Cái Nước[15]. Theo đó:

  • Thành lập xã Thạnh Phú trên cơ sở 3.111 ha diện tích tự nhiên và 13.725 người của xã Lương Thế Trân
  • Thành lập xã Hòa Mỹ trên cơ sở 3.860,20 ha diện tích tự nhiên và 9.326 người của xã Hưng Mỹ
  • Thành lập xã Đông Hưng trên cơ sở 3.283,40 ha diện tích tự nhiên và 10.299 người của xã Đông Thới.

Hành chính sửa

 
Bản đồ hành chính huyện Cái Nước

Huyện Cái Nước có 11 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Cái Nước (huyện lỵ) và 10 xã: Đông Hưng, Đông Thới, Hòa Mỹ, Hưng Mỹ, Lương Thế Trân, Phú Hưng, Tân Hưng, Tân Hưng Đông, Thạnh Phú, Trần Thới.

Kinh tế - xã hội sửa

Huyện Cái nước nằm ở vị trí trung tâm tỉnh Cà Mau, nằm trên 2 trục giao thông chính của tỉnh Cà Mau (tuyến Quốc lộ 1 Cà Mau – Năm Căn dài nhất tỉnh, tuyến đường liên huyện Vàm Đình – Cái Nước – Đầm Dơi). Vì vậy có điều kiện phát triển nhanh, nhất là về dịch vụ. Trong đó, trục giao thông Bắc – Nam là tuyến Quốc lộ 1 chạy từ Thành phố Cà Mau đến thị trấn Năm Căn (1 đoạn của tuyến đường Hồ Chí Minh và đây cũng là tuyến đường Hành lang ven biển phía Nam của Tiểu vùng kinh tế MêKông mở rộng (Hà Tiên – Cà Mau – Năm Căn). Các cầu trên tuyến đường này đã được đầu tư xây dựng (cầu Đầm Cùng cũng sẽ hoàn thành vào năm 2011). Đây là tuyến liên kết phát triển các trung tâm kinh tế đô thị Cà Mau, Năm Căn (đang chủ trương xây dựng thành khu kinh tế Năm Căn).

Trục giao thông Đông – Tây là tuyến đường Cái Đôi Vàm – Vàm Đình – Cái Nước – Đầm Dơi, ngoài ra từ huyện còn có tuyến đường Rau Dừa – Rạch Ráng (huyện Trần Văn Thời).

Như vậy huyện Cái Nước được kết nối với các huyện tiếp giáp bằng các tuyến đường quốc lộ, tuyến đường tỉnh là một thuận lợi cơ bản để giao lưu kinh tế xã hội, lan tỏa phát triển.

Các xã phía bắc của huyện, tiếp giáp với thành phố Cà Mau nên sẽ là vùng tiếp nhận sự lan tỏa các yếu tố phát triển từ thành phố Cà Mau khá nhanh, nhất là dọc theo tuyến Quốc lộ 1 từ cầu Lương Thế Trân đến Rau Dừa. Tuy nhiên, cũng cần chú ý đến những vấn đề phát sinh của những vùng ven đô, đây là những vùng có thể chịu tác động mạnh do sự phát triển tự phát nếu không được quản lý chặt chẽ về quy hoạch phát triển.

Theo quy hoạch phát triển các khu công nghiệp của tỉnh Cà Mau được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ở phía bắc của huyện Cái Nước có Khu công nghiệp Hòa Trung (nằm ở địa bàn xã Lương Thế Trân huyện Cái Nước và xã Lý Văn Lâm của thành phố Cà Mau) đã được thành lập và cho triển khai đầu tư giai đoạn I (quy mô toàn khu là 352 ha, giai đoạn I là 130,67 ha, trong đó thuộc địa bàn huyện Cái Nước là 136 ha, giai đoạn I là 58 ha). Đây là khu công nghiệp chế biến thủy sản tập trung, có sức thu hút đầu tư mạnh vì thuận lợi cả giao thông thủy và giao thông đường bộ), là điều kiện rất quan trọng để tăng trưởng và chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế trên địa bàn huyện.

Nông nghiệp sửa

Sản xuất ngư – nông nghiệp tiếp tục phát triển, từng bước khắc phục tình trạng độc canh con tôm sau lúc chuyển đổi sản xuất. Nhiều mô hình sản xuất và đối tượng cây trồng, con nuôi có giá trị kinh tế cao đã và đang phát triển nhiều nơi trong huyện.

Sản xuất thủy sản: diện tích mặt nước nuôi thủy sản năm 2005 của huyện (chủ yếu là nuôi tôm) là 31.626 ha, chiếm 11,3% diện tích nuôi toàn tỉnh, diện tích này được ổn định liên tục hàng năm cho đến nay. Năng suất, sản lượng nuôi trồng hàng năm tăng lên, năm 2005 đạt 15.207 tấn (có 10.748 tấn tôm), đạt bình quân gần 500 kg/ha (riêng tôm đạt bình quân 331 kg/ha); năm 2009 đạt 21.500 tấn, có 12.720 tấn tôm; năm 2010 ước đạt 25.000 tấn (có 13.800 tấn tôm), tăng bình quân hàng năm 10,93%.

Tôm nuôi của huyện chủ yếu là nuôi quảng canh cải tiến, diện tích nuôi tôm công nghiệp còn ít, năm 2010 khoảng 120 ha, diện tích nuôi phân tán ở tất cả các xã (mỗi xã chỉ có một số hộ có điều kiện về vốn mới thả nuôi), năng suất bình quân 4 tấn/ha, nuôi tôm công nghiệp phát triển chậm vì nhu cầu vốn đầu tư lớn (ít hộ có khả năng đầu tư) và tỷ lệ rủi ro còn cao. Diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến cho năng suất cao đạt khoảng 800 ha; phần lớn diện tích nuôi các hộ đều thả nuôi tôm kết hợp với nuôi cua, cá. Mô hình sản xuất nuôi tôm luân canh trồng lúa ở một số xã mang lại hiệu quả cao, bền vững, nhưng do hệ thống thủy lợi chưa được khép kín đồng bộ nên diện tích nuôi tôm luân canh với sản xuất một vụ lúa chưa nhiều, những nơi chưa khép vùng thủy lợi hay bị tràn mặn, bị hạn nên hiệu quả không cao. Phong trào nuôi cá ao đìa nước ngọt, nước lợ (ao trong đất vườn nhà), nhất là các loài cá có giá trị cao như cá chình, cá bống tượng, toàn huyện đã có khoảng 180 ha nuôi cá tập trung ở các xã ven Quốc lộ 1 (Thạnh Phú, Hưng Mỹ, Phú Hưng).

Về sản xuất nông nghiệp: từ sau chuyển đổi cơ cấu sản xuất sang nuôi tôm, diện tích trồng lúa của huyện còn rất ít, năm 2001 còn khoảng gần 1.500 ha, năm 2005 còn 1.118 ha, năm 2006 là 783 ha. Những năm gần đây do lúa có giá và nông dân đã nhận thức được tầm quan trọng của mô hình sản xuất bền vững nên đã tích cực trồng luân canh lúa trên đất nuôi tôm, năm 2009 gieo cấy trên 4.435 ha, nhưng do bị tràn mặn và nắng hạn bị thiệt hại 735 ha, diện tích cho thu hoạch khoảng trên 3.500 ha, sản lượng lúa 12.250 tấn; ước thực hiện năm 2010 gieo cấy 4.500 ha lúa trên đất nuôi tôm, sản lượng lúa dự kiến đạt 15.750 tấn. Diện tích lúa chủ yếu tập trung ở các xã Phú Hưng, Thạnh Phú, Hòa Mỹ, Hưng Mỹ và một phần ở xã Lương Thế Trân, Tân Hưng, Tân Hưng Đông.

Việc sản xuất các cây trái khác cũng từng bước hồi phục, diện tích bắp khoảng 18 ha, diện tích rau đậu khoảng 200 ha, cây dừa khoảng 1.800 ha (diện tích dừa cho thu hoạch khoảng 1.500 ha).

Quy mô đàn gia súc, gia cầm cũng giảm nhiều so với trước khi chuyển sang nuôi tôm, do sản lượng lương thực thấp và do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đàn heo năm 2008 -2009 đạt 14.000 con, năm 2010 ước đạt 25.000 con, đàn gia cầm năm 2009 đạt 68 nghìn con, năm 2010 ước đạt khoảng 90 nghìn con.

Hiện trạng sản xuất ngư nông nghiệp của huyện Cái Nước

phân theo địa bàn xã, thị trấn:

Đơn vị Diện tích Trong đó (ha) SL lúa SLTS TĐ:SL Đàn heo
nuôi TS Lúa tôm Chuyên tôm Tôm CN (tấn) (tấn) Tôm (tấn) (con)
Toàn huyện 31626 4500 24406 120 15750 25000 13800 25000
TT Cái Nước 1946 1831 5 1540 820 1500
xã Tân Hưng Đông 4496 300 3931 15 1050 3550 1910 2000
xã Đông Thới 2318 2073 5 1830 970 2100
xã Đông Hưng 2500 2305 5 1980 1030 2100
xã Trần Thới 3030 2795 5 2400 1250 2700
xã Hòa Mỹ 2600 800 1663 17 2800 2050 1210 2300
xã Hưng Mỹ 2310 800 1375 5 2800 1830 1040 2300
xã Tân Hưng 4251 300 3491 20 1050 3360 1840 2600
xã Phú Hưng 3102 1000 1884 8 3500 2450 1390 2500
xã Thạnh Phú 2573 1100 1128 5 3850 2030 1160 2600
xã Lương Thế Trân 2500 200 1930 30 700 1980 1180 2300

Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp sửa

Công nghiệp chế biến thủy sản được tăng cường đầu tư, từng bước đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Khu công nghiệp Hòa Trung đã thu hút được 10 dự án công nghiệp, trong đó có 7 dự án nhà máy chế biến thủy sản đã đầu tư đi vào hoạt động, làm tăng nhanh giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2005 đạt 145,72 tỷ đồng (giá cố định 1994), năm 2008 đạt 216 tỷ đồng, năm 2009 đạt 260 tỷ đồng, năm 2010 dự kiến đạt 300 tỷ đồng, tăng bình quân hàng năm giai đoạn 2006 – 2010 khoảng 15%.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 8 nhà máy chế biến thủy sản với công suất trên 20.000 tấn/năm, bao gồm: Công ty cổ phần thực phẩm thủy sản xuất khẩu (Fine food), Công ty cổ phần chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Hòa Trung; Công ty Đại Dương, Công ty CBXK thủy sản Việt Hải, Công ty XNK Huỳnh Hương, Công ty TNHH chế biến XNK thủy sản Minh Châu, nhà máy CBTS XK Nam Long (Cadovimex). Ngoài ra còn có một số Công ty sản xuất chế biến Chitin, D- Glutamine Hydrochride từ đầu vỏ tôm như: Công ty TNHH Kim Hồng, Công ty Đại Phát, Công ty TNHH kỹ nghệ sinh hóa Quốc Thanh - Việt Trung đã đầu tư và đang hoạt động trong Khu công nghiệp Hòa Trung (cụm phía Nam thuộc địa bàn huyện Cái Nước).

Sản lượng thủy hải sản chế biến năm 2009 đạt 14.800 tấn, chiếm gần 20% sản lượng chế biến thủy hải sản của tỉnh Cà Mau. Sản lượng Chitin, Dglucosamin đạt khoảng 1.000 tấn.

Sản xuất tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn được duy trì và phát triển, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.

Các ngành dịch vụ sửa

Các ngành dịch vụ đã đóng vai trò quan trọng trong kinh tế huyện, năm 2010 chiếm tỷ trọng 33,8% tổng giá trị tăng thêm của huyện, đáp ứng được yêu cầu phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân.

Mạng lưới bán lẻ được phân bố rộng khắp, đáp ứng tốt cung cấp hàng hóa ở tận vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Hiện nay trên địa bàn huyện có 7 chợ với tổng số 1.600 điểm kinh doanh và 1.800 hộ kinh doanh. Trong đó chợ thị trấn Cái Nước có quy mô chợ loại 2 (500 điểm kinh doanh), là trung tâm thương mại có quy mô trung bình, vừa đáp ứng nhiệm vụ bán lẻ, vừa bán buôn. Các chợ ở xã có quy mô chợ loại 3 gồm các chợ: chợ Rau Dừa xã Hưng Mỹ, chợ Đầm Cùng xã Trần Thới, chợ Cái Rắn xã Phú Hưng, chợ Nhà Phấn xã Thạnh Phú, chợ xã Tân Hưng. Theo số liệu điều tra năm 2007 của Cục Thống kê Cà Mau, trên địa bàn huyện Cái Nước có 4.638 cơ sở cá thể kinh doanh thương mại, dịch vụ. Tuy nhiên, nhìn chung dịch vụ thương mại ở nông thôn huyện phát triển còn hạn chế, chưa giải quyết được nhiều lao động.

Dịch vụ vận tải hành khách và hàng hóa tăng nhanh, đáp ứng được nhu cầu sản xuất kinh doanh và đi lại của nhân dân. Toàn huyện có 750 hộ kinh doanh dịch vụ vận tải, kho bãi tập trung ở thị trấn Cái Nước, xã Đông Hưng, Hòa Mỹ, Tân Hưng. Dịch vụ vận tải phát triển nhanh do giao thông đường bộ phát triển, tuyến xe buýt Tắc Vân – Đầm Cùng (chạy qua địa bàn huyện) với 6 xe hoạt động hiệu quả, lượng khách đông. Tuyến xe buýt thị trấn Cái Nước – thị trấn Cái Đôi Vàm với cự ly 25 km cũng mới được quy hoạch và đi vào hoạt động. 

Các dịch vụ bưu chính, viễn thông phát triển nhanh, bảo đảm thông tin liên lạc với chất lượng ngày càng cao và tiện lợi. Đến cuối năm 2009 toàn huyện Cái Nước có 126.031 thuê bao điện thoại (trong đó có 18.383 máy điện thoại cố định, 727 máy di động thuê bao trả sau và 106.921 máy di động trả trước); bình quân đạt 89,31 máy/100 người dân (điện thoại cố định đạt bình quân 13,03 máy/100 người dân). Dịch vụ Internet cũng bước đầu phát triển đến các xã trong huyện.

Giáo dục sửa

Y tế sửa

Hệ thống y tế của huyện bao gồm: bệnh viện đa khoa khu vực huyện Cái Nước có quy mô 350 giường, là bệnh viện quy mô phục vụ liên huyện các huyện phía nam của tỉnh Cà Mau. Bệnh viện này đang được đầu tư xây dựng theo chương trình nâng cấp bệnh viện đa khoa tuyến huyện, nhưng tiến độ triển khai còn chậm. Mạng lưới y tế tuyến xã được tăng cường, 10/11 xã đã đạt chuẩn quốc gia về y tế  xã (còn lại xã Lương Thế Trân do mới chia tách đang được đầu tư xây dựng).

Toàn huyện hiện có 331 cán bộ y tế và 34 cán bộ dược, trong đó số bác sĩ là 75 người, dược sĩ cao cấp 1 người, bình quân có 5,5 bác sĩ/1 vạn dân, tương đương với bình quân của toàn tỉnh Cà Mau. Các trạm y tế xã đều có bác sĩ phục vụ. Các cơ sở khám chữa bệnh, quầy thuốc tư nhân được quản lý đúng quy định.

Nhìn chung, ngành  Y tế huyện đã cơ bản bảo đảm yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân; công tác y học dự phòng, các chương trình y tế quốc gia, phòng chống các bệnh xã hội, công tác truyền thông dân số và kế hoạch hoá gia đình được coi trọng đã xử lý kịp thời các ổ dịch, không để bùng phát diện rộng, góp phần giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng đạt 96%; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi giảm còn 17,45%. 

Giao thông sửa

  • Tuyến Quốc lộ 1 được nâng cấp, mở rộng với quy mô đường cấp IV đồng bằng, đi qua địa bàn huyện 38 km (từ cầu Lương Thế Trân đến bến phà Đầm Cùng). Tuyến quốc lộ này tạo điều kiện phát triển, nhất là các địa phương ven Quốc lộ.
  • Tuyến đường liên huyện Phú Tân – Cái Nước – Đầm Dơi là tuyến giao thông trục ngang của tỉnh Cà Mau, đi qua địa bàn huyện. Tuyến đường có quy mô đường cấp VI đồng bằng, riêng đoạn Cái Nước - Vàm Đình đang được nâng cấp lên đường cấp V đồng bằng từ nguồn vốn của Ngân hàng thế giới.
  • Đường giao thông nông thôn: đến nay giao thông nông thôn của huyện Cái Nước đang được đầu tư phát triển nhanh. Phong trào xây dựng giao thông nông thôn (lộ bêtông xi măng và cầu) phát triển mạnh do được tỉnh hỗ trợ vốn và huy động nhân dân đóng góp (theo chương trình xây dựng đường lộ và 1.588 cây cầu nông thôn của tỉnh). Mỗi năm huyện xây dựng được hàng chục km đường nông thôn các loại. Tổng chiều dài đường bộ trong toàn huyện có đến cuối năm 2009 là 483 km, trong đó đường nhựa 75 km, đường bêtông 418 km.

Du lịch sửa

Huyện Cái Nước không phải là địa bàn trọng tâm phát triển du lịch của tỉnh, tuy nhiên cũng có thể khai thác phát triển một số dịch vụ du lịch của vùng ven thành phố Cà Mau, đó là các dịch vụ phục vụ ngày nghỉ cuối tuần bằng các mô hình nhà nghỉ kết hợp ăn uống, vui chơi giải trí. Một số điểm có thể đón khách du lịch tham quan như:

- Sân chim Chà Là: thuộc địa bàn xã Đông Hưng, có diện tích 15,48 ha (diện tích có rừng năm 2009 là 10 ha), là một trong những sân chim có diện tích lớn của tỉnh Cà Mau, với hệ thực vật phong phú (theo tài liệu nghiên cứu có khoảng 80 loài) và tập trung nhiều loài chim khác nhau. Hiện tại sân chim Chà Là đã có tuyến đường giao thông đấu nối nên sẽ thuận lợi cho việc phát triển dịch vụ du lịch.

- Khu căn cứ Tỉnh ủy tại Lung Lá – Nhà Thể (xã Thạnh Phú). Đây là khu di tích lịch sử cách mạng, là công trình văn hóa lịch sử để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, kết hợp tham quan du lịch, nhất là các hoạt động về nguồn cho tuổi trẻ. 

Chú thích sửa

  1. ^ a b Ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở trung ương. Dân số đến 01 tháng 4 năm 2019 - tỉnh Cà Mau. Truy cập ngày 27 tháng 11 năm 2020.
  2. ^ Tổng cục Thống kê
  3. ^ Số liệu Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau
  4. ^ “Quyết định 326-CP năm 1979 về việc phân vạch địa giới các huyện và thị xã thuộc tỉnh Minh Hải”.
  5. ^ “Quyết định 275-CP năm 1979 về việc điều chỉnh địa giới một số xã và thị trấn thuộc tỉnh Minh Hải”.
  6. ^ “Quyết định 94-HĐBT năm 1983 về việc phân vạch địa giới thị xã Cà Mau và các huyện Cà Mau, Giá Rai, Thới Bình, Cái Nước thuộc tỉnh Minh Hải”.
  7. ^ “Quyết định 75-HĐBT năm 1984 về việc phân vạch địa giới một số huyện, thị xã thuộc tỉnh Minh Hải”.
  8. ^ “Quyết định 33B-HĐBT năm 1987 về việc phân vạch, điều chỉnh địa giới hành chính một số xã, phường, thị trấn của các thị xã Bạc Liêu, Cà Mau và các huyện Cái Nước, Đầm Dơi, Ngọc Hiển, Vĩnh Lợi, Giá Rai, Hồng Dân, Thới Bình, Trần Văn Thời thuộc tỉnh Minh Hải”.
  9. ^ Quyết định 51/QĐ-TCCP điều chỉnh địa giới phường, xã thuộc thị xã Bạc Liêu và huyện Cái Nước, tỉnh Minh Hải
  10. ^ Nghị định 109-CP thành lập thị trấn Cái Đôi Vàm thuộc huyện Cái Nước, tỉnh Minh Hải
  11. ^ “Nghị quyết về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh”.
  12. ^ “Nghị định 42/1999/NĐ-CP về việc thành lập xã thuộc các huyện Đầm Dơi, Trần Văn Thời, Cái Nước và Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau”.
  13. ^ “Nghị định 41/2003/NĐ-CP về việc thành lập xã thuộc các huyện Cái Nước và U Minh, tỉnh Cà Mau”.
  14. ^ “Nghị định 138/2003/NĐ-CP về việc thành lập các huyện Năm Căn và Phú Tân, tỉnh Cà Mau”.
  15. ^ “Nghị định 192/2004/NĐ-CP về việc thành lập xã thuộc các huyện Cái Nước và Phú Tân, tỉnh Cà Mau”.

Liên kết ngoài sửa