Họ Bấc (danh pháp khoa học: Juncaceae), là một họ khá nhỏ trong thực vật một lá mầm. Hiện tại người ta công nhận khoảng 7-8 chi với khoảng 400-430 loài. Các loài trong họ Juncaceae là cây thân thảo lớn chậm, có thân rễ, và trông rất giống như các loài cỏ thật sự. Chúng thường mọc trên các loại đất kém màu mỡ trong một loạt các môi trường ẩm. Nhiều loài có thể tìm thấy ở vùng ôn đới tới hàn đới, còn tại vùng nhiệt đới thường chỉ thấy có trên các núi cao, đặc biệt đa dạng tại khu vực Andes (3 chi đặc hữu), miền nam Nam Mỹ và New Zealand (2 chi). Một vài loài bấc là cây một năm, nhưng phần lớn là cây lâu năm. Các chi đa dạng nhất là Juncus (300 loài, có lẽ cận ngành), Luzula (115 loài).

Họ Bấc
Cỏ bấc đèn (Juncus effusus)
Phân loại khoa học
Giới (regnum)Plantae
(không phân hạng)Angiospermae
(không phân hạng)Monocots
(không phân hạng)Commelinids
Bộ (ordo)Poales
Họ (familia)Juncaceae
Juss., 1789
Chi điển hình
Juncus
L., 1753
Các chi
Xem văn bản.

Đặc điểm sửa

Cây thân thảo, rất hiếm khi là cây bụi nhỏ, sống lâu năm hay một năm, mọc thành búi hay với thân rễ thẳng hoặc bò lan. Thân thẳng, hình trụ thon hay dẹp bên. Lá thường xanh và phát triển tốt trong một tổ hợp gốc trên một thân cây mọc thẳng, đôi khi suy giảm thành bao vỏ không phiến lá hay gần như không phiến lá tại gốc thân cây; bao lá thường kéo dài trên một đoạn ngắn trên cả hai mặt thành một cặp tai ngoài tại điểm nối với phiến lá; phiến lá của các lá ở gốc và trên thân cây thường thẳng hay hình chỉ, giống như lá cỏ và phẳng, hay hình trụ thon, không lông, ngoại trừ phần mép nhiều lông trên một số phiến lá giống như lá cỏ. Chúng mọc so le và thuộc dạng ba hàng lá (nghĩa là với 3 hàng lá trên thân cây, mỗi hàng lá mọc trên 1/3 đường xung quanh thân cây tính từ lá trước). Chỉ trong chi Distichia thì lá mới sắp xếp thành hai hàng. Các loài bấc trong chi Juncus có lá phẳng, không lông hay lá hình trụ. Lá của các loài địa dương mai thuộc chi Luzula thì luôn luôn phẳng và có các sợi lông dài màu trắng. Cụm hoa gồm các xim hoa liên kết lỏng lẻo, nhưng cũng có các cụm hoa đầu khá dày hay chùy hoặc ngù hoa trên ngọn và tại hai bên thân cây, hay 1 hoa. Hoa lưỡng tính hay hiếm khi là đơn tính và các loài này là đơn tính khác gốc, chủ yếu thụ phấn nhờ gió, cân đối, thường nhỏ, thường với 1 hay 2 lá bắc con tại gốc. Họ này thường có các đoạn bao hoa khô xác suy giảm với cánh hoa và lá đài không thể phân biệt. Cánh hoa hay lá đài mỏng, dạng giấy. Các đoạn của bao hoa là 3 hay 6, sắp xếp thành 1 hay 2 vòng xoắn, tự do, thường màu ánh xanh lục tới ánh nâu hay ánh đen, hiếm khi trắng hay ánh vàng, giống như mày. Nhị 3 hay 6, nếu là 6 thì 3 đối diện với các đoạn của bao hoa ở bên ngoài; chỉ nhị mỏng; bao phấn đính lưng, 2 ngăn, nứt theo khe nứt dọc; các hạt phấn thành bộ bốn. Bầu nhụy thượng, 1 ngăn hay chia thành 3 vách và 3 ngăn, hoặc cắt vách không hoàn thiện; noãn 3 và gài vào đáy bầu nhụy, hoặc nhiều và xếp hàng kép trên 3 thực giá noãn ở vách. Đầu nhụy 3, dạng nhũ (vú). Quả thường là quả nang không dày cùi thịt, 1-3 mảnh vỏ, nứt dọc theo vách ngăn. Hạt hình phỏng cầu, hình trứng hay hình thoi, nhỏ, đôi khi có phần phụ; phần phụ có đuôi; phôi thẳng, nhỏ, được che phủ bởi nội nhũ dày cùi thịt. Hạt của các loài chi Luzula phát tán nhờ kiến (Lengyel et al. 2010).

Các chi sửa

Sử dụng sửa

Lớp ruột thân cây khô của các loài trong họ này đã từng được dùng làm một loại nến hay bấc đèn. Trong tiếng Nhật bấc được gọi là 'イグサ, igusa' và được sử dụng để dệt bề mặt mềm che phủ loại thảm tatami (畳).

Tiến hóa sửa

Nhóm thân cây của họ Juncaceae có niên đại khoảng 88 triệu năm trước (Ma), nhóm chỏm cây phân kỳ khoảng 74 Ma (Janssen & Bremer 2004).

Phát sinh chủng loài sửa

Về phát sinh chủng loài, với chi Juncus có lẽ cận ngành, xem Drábková et al. (2003) và Roalson (2005). Drábková và Vlcek (2009) cũng phát hiện thấy Juncus trifidus và J. monanthos là tách biệt với phần còn lại. Cây phát sinh chủng loài của họ Bấc so với các họ khác trong bộ Hòa thảo liệt kê dưới đây là lấy theo APG III.

Poales 
Typhaceae s. l. 

Typhaceae s. s.

Sparganiaceae (Sparganium)

Bromeliaceae

Rapateaceae

Xyridaceae

Eriocaulaceae

Mayacaceae

Thurniaceae

Juncaceae

Cyperaceae

Anarthriaceae

Centrolepidaceae

Restionaceae

Flagellariaceae

Joinvilleaceae

Ecdeiocoleaceae

Poaceae

Tham khảo sửa

Liên kết ngoài sửa