HMS Vanguard là một thiết giáp hạm dreadnought thuộc lớp St Vincent của Hải quân Hoàng gia Anh Quốc. Là chiếc tàu chiến thứ tám của Hải quân Anh mang cái tên này, nó là một sự cải tiến dựa trên chiếc thiết giáp hạm mang tính cách mạng Dreadnought, và được chế tạo bởi hãng đóng tàu VickersBarrow-in-Furness. Nó được thiết kế và chế tạo trong cao trào của cuộc chạy đua vũ trang Anh-Đức, và trải qua quãng đời hoạt động của nó cùng Hạm đội Nhà Anh Quốc. Khi Chiến tranh Thế giới thứ nhất nổ ra, Vanguard gia nhập Hải đội Chiến trận 1 tại Scapa Flow, và đã tham gia trận Jutland trong thành phần Hải đội Chiến trận 4. Nó tham gia tác chiến từ đầu đến cuối cuộc đụng độ hải quân lớn nhất chiến tranh này, nhưng không bị thiệt hại và tổn thất nhân mạng.

HMS Vanguard
HMS Vanguard
Thiết giáp hạm HMS Vanguard
Lịch sử
Anh Quốc
Đặt hàng 1907
Xưởng đóng tàu Vickers, Barrow-in-Furness
Đặt lườn 2 tháng 4 năm 1908
Hạ thủy 22 tháng 2 năm 1909
Nhập biên chế 1 tháng 3 năm 1910
Số phận Bị đắm do một vụ nổ, 9 tháng 7 năm 1917
Đặc điểm khái quát
Lớp tàu Lớp thiết giáp hạm St. Vincent
Kiểu tàu Thiết giáp hạm dreadnought
Trọng tải choán nước
  • 19.560 tấn Anh (19.870 t) (tiêu chuẩn)
  • 23.030 tấn Anh (23.400 t) (đầy tải)
Chiều dài 536 ft (163 m) (chung)
Sườn ngang 84 ft (26 m)
Mớn nước 27,92 ft (8,51 m)
Động cơ đẩy
  • 4 × turbine hơi nước Parsons dẫn động trực tiếp;
  • 18 × nồi hơi ống nước Babcock & Wilcox/Yarrow;
  • 4 × trục;
  • công suất 24.500 shp (18.300 kW)
Tốc độ 21,7 hải lý trên giờ (40 km/h)
Tầm xa 6.900 nmi (12.780 km; 7.940 mi) ở tốc độ 10 hải lý trên giờ (19 km/h)
Tầm hoạt động
  • 2.700 tấn Anh (2.700 t) than;
  • 850 tấn Anh (860 t) dầu
Thủy thủ đoàn tối đa 758
Vũ khí
Bọc giáp
  • đai giáp chính: 7–10 in (180–250 mm);
  • sàn tàu: 0,75–3 in (19–76 mm);
  • tháp pháo: 11 in (280 mm);
  • bệ tháp pháo: 5–9 in (130–230 mm);
  • tháp chỉ huy: 8–11 in (200–280 mm)

Ngay trước nữa đêm ngày 9 tháng 7 năm 1917 tại Scapa Flow, Vanguard chịu đựng một vụ nổ, có thể là do thuốc nổ cordite bị nóng lên trong khi lưu trữ cạnh vách ngăn liền kề một trong hai hầm đạn dành cho các tháp pháo giữa tàu "P" và "Q".[1] Nó bị chìm gần như ngay lập tức, giết chết khoảng 804 người; chỉ có ba người sống sót. Trong số những người thiệt mạng có Đại tá Hải quân Kyōsuke Eto, một tùy viên quân sự của Hải quân Đế quốc Nhật Bản, vốn là đồng minh của Hải quân Hoàng gia trong giai đoạn Liên minh Anh-Nhật. Xét về mức độ tổn thất nhân mạng, việc phá hủy Vanguard là tai nạn nổ hầm đạn thảm khốc nhất trong lịch sử Anh Quốc, và là một trong những tổn thất nhân mạng tồi tệ nhất của Hải quân Hoàng gia. Địa điểm đắm tàu ngày nay được chỉ định là một địa điểm được bảo vệ theo Đạo luật Bảo vệ Di sản Hải quân.

Thiết kế và chế tạo sửa

Nguồn gốc sửa

Dự thảo ngân sách hải quân 1907-1908 được Bộ trưởng Bộ Hải quân Anh đệ trình lên Quốc hội Anh dự trù ngân quỹ để chế tạo hai thiết giáp hạm kiểu dreadnought, có dự trù tăng lên ba chiếc tùy theo kết quả thương lượng với các cường quốc hải quân khác tại Hội nghị Hague. Trong trường hợp không đạt được thỏa thuận, lớp St Vincent vốn nguyên chỉ bao gồm hai chiếc HMS Collingwood (1908)HMS St Vincent (1908), sẽ được mở rộng và bao gồm Vanguard.[2]

HMS Vanguard được đặt hàng vào ngày 6 tháng 2 năm 1908 cho xưởng tàu của hãng VickersBarrow. Nó được đặt lườn vào ngày 2 tháng 4 năm 1908 và hạ thủy vào ngày 22 tháng 2 năm 1909. Nó bắt đầu chạy thử vào tháng 11 năm 1909, hoàn tất vào tháng 2 năm 1910, và đến ngày 1 tháng 3 năm 1910 nó được nhập biên chế tại Devonport trong Hải đội thứ nhất của Hạm đội Nhà Anh Quốc.[3]

Vũ khí sửa

Dàn vũ khí chính bao gồm mười khẩu pháo BL 12 in (300 mm)/50 caliber Mark XI bố trí trên năm tháp pháo nòng đôi; bao gồm tháp pháo "A" bố trí ở sàn trước, tháp pháo "X" giữa ống khói sau và cấu trúc thượng tầng phía sau và tháp pháo "Y" ở sàn sau, tất cả được bố trí trên trục giữa tàu; cùng hai tháp pháo cánh "P" và "Q" hai bên mạn tàu ngay phía sau ống khói trước; mọi tháp pháo ngoại trừ tháp pháo "A" được đặt trên sàn chính. Tháp pháo "A" và "Y" có góc bắn khoảng 270° ra phía mũi và đuôi tàu tương ứng; tháp pháo "X" có góc bắn khoảng 100° qua hai bên mạn; còn tháp pháo cánh "P" và "Q" trên lý thuyết có góc bắn 180°, nhưng trong thực tế mọi góc bắn nhỏ hơn 30° sẽ gây ra chớp lửa đầu nòng mạnh đến mức gây hư hại cho chính cấu trúc thượng tầng của con tàu.[4] Pháo Mark XI bắn ra đạn pháo nặng 850 lb (390 kg), và có thể bắn hai phát mỗi phút, nhưng trong thực hành thường chỉ bắn một phát mỗi phút để trinh sát điểm đạn rơi.[5] Cho dù mang đến mười khẩu pháo, sự giới hạn bắn chéo qua mạn của các tháp pháo "P" và "Q" khiến một loạt bắn toàn bộ qua mạn chỉ có tám khẩu pháo.

Vào lúc hoàn tất, dàn pháo hạng hai của con tàu bao gồm hai mươi khẩu pháo QF 4 in (100 mm) 50-calibre Mk III trên các bệ nòng đơn, bố trí trên cấu trúc thượng tầng và trên nóc các tháp pháo "A" và "Y". Cho dù có bệ che chắn, khẩu pháo trên nóc tháp pháo "A" bị ảnh hưởng nặng bởi chớp lửa đầu nòng của các khẩu 4-inch lân cận trên cấu trúc thượng tầng, nên bị tháo dỡ trước khi Thế Chiến I nổ ra.[4] Các khẩu pháo khác được bố trí trên cấu trúc thượng tầng phía trước, nhưng sau này trong chiến tranh, do nhu cầu ưu tiên vũ trang cho các tàu buôn để chống lại các cuộc tấn công của tàu ngầm tại Đại Tây Dương, pháo cỡ nòng nhỏ được tháo dỡ bớt khỏi nó và các thiết giáp hạm khác. Đến năm 1917, Vanguard chỉ còn giữ lại mười ba khẩu cỡ nòng 4-inch.[4]

Vanguard còn có bốn khẩu pháo chào 3-pounder. Ngoài ra nó còn có ba ống phóng ngư lôi 18-inch, gồm một ống mỗi bên mạn và một ống phía đuôi tàu. Không có ghi nhận về việc nó từng phóng ngư lôi trong tác chiến.

Vỏ giáp sửa

Toàn bộ lườn tàu ở mực nước được bảo vệ ở một chừng mực nào đó. Đai giáp chính dày 10 in (250 mm) kéo dài từ một điểm ngang mép trước của bệ tháp pháo "A" cho đến cuối tháp pháo "Y". Một lớp giáp dày 2 in (51 mm) mở rộng từ đai giáp cho đến hết mũi và đuôi con tàu. Một đai giáp trên dày 8 in (200 mm) mở rộng bên trên toàn bộ chiều dài của đai giáp chính. Vách ngăn sau dày 8 in (200 mm) đặt ngang con tàu giữa các đầu cuối của đai giáp chính. Phía trước có hai vách ngăn: một dày 5 in (130 mm) phía trước bệ tháp pháo "A", và một dày 4 in (100 mm) ở khoảng giữa vách trước và đuôi tàu. Vỏ giáp của sàn tàu thay đổi theo một cấu trúc phức tạp, dựa trên sự hiện diện hay vắng mặt của các cấu trúc bên trên. Kể từ trên xuống, vỏ giáp của sàn chính dày 0,75–1,5 in (19–38 mm); sàn giữa dày 1,75 in (44 mm); và sàn dưới dày 1,5–3 in (38–76 mm). Các mặt tháp pháo có vỏ giáp dày 11 in (280 mm), trong khi bệ tháp pháo dày 5–9 in (130–230 mm), mỏng hơn ở những nơi được bảo vệ bởi các cấu trúc lân cận. Tháp chỉ huy có vỏ giáp dày 8–11 in (200–280 mm), một lần nữa thay đổi dựa trên mức độ được bảo vệ bởi các cấu trúc lân cận.[6]

Động lực sửa

Vanguard được cung cấp động lực bởi bốn turbine hơi nước Parsons dẫn động trực tiếp đến bốn trục chân vịt. Hơi nước được cung cấp từ 18 nồi nơi Babcock and Wilcox ống lớn với áp suất hoạt động 235 psi (1.620 kPa), cho phép có được công suất tối đa 24.500 shp (18.300 kW) và một tốc độ thiết kế 21 kn (39 km/h). Khi chất đầy nhiên liệu gồm 2.700 tấn Anh (2.700 t) than và 850 tấn Anh (860 t) dầu, nó có tầm xa hoạt động 6.900 nmi (12.800 km) ở tốc độ đường trường 10 kn (19 km/h).[7] Khi chạy thử máy, nó vượt hơn tốc độ thiết kế, đạt đến 22,1 kn (40,9 km/h) ở công suất 25.800 shp (19.200 kW).[8]

Lịch sử hoạt động sửa

 
Thiết giáp hạm HMS Vanguard (1909)

Sau khi được đưa vào hoạt động, Vanguard gia nhập Hạm đội Grand, tham gia các cuộc tập trận thường kỳ. Nó có mặt trong cuộc Duyệt binh Hạm đội Đăng quang ngày 24 tháng 6 năm 1910, rồi trải qua một đợt tái trang bị trong những năm 1911-1912. Cùng với phần lớn hạm đội, nó chuyển đến Scapa Flow vào ngày 29 tháng 7, lúc đó là căn cứ chính của hạm đội chiến trận trong thời gian chiến tranh. Vào ngày 1 tháng 9 năm 1914, lúc khoảng 18 giờ 00, nó nổ súng nhắm vào cái được cho là một tàu ngầm, nhưng không thể được xác nhận sau đó.

Vào tháng 4 năm 1916, nó được điều động sang Hải đội Chiến trận 4, một động thái làm thay đổi vị trí của nó trong chuỗi chỉ huy nhưng không thay đổi vị trí địa lý. Vào ngày 31 tháng 5, nó lên đường cùng với Hạm đội Grand, và đã hiện diện trong trận Jutland; và sau khi hạm đội chiến trận được bố trí, Vanguard ở vị trí thứ 16 trong hàng chiến trận. Nó tham gia đối đầu với tốp đầu của Hạm đội Biển khơi Đức, rồi với lực lượng tàu chiến-tuần dương Đức. Không rõ là nó có bắn trúng đích hay không, nhưng bản thân nó không bị trúng phát nào. Nó cùng với hạm đội quay trở về Scapa Flow sau đó.[3]

Vào xế chiều ngày 9 tháng 7 năm 1917, thủy thủ của con tàu tiến hành thực tập các lối thoát hiểm trong trường hợp phải bỏ tàu. Vanguard neo đậu ở phần phía Bắc của Scapa Flow lúc khoảng 18 giờ 30 phút. Không ghi nhận được bất kỳ điều gì khác thường cho đến khi con tàu phát nổ lúc 23 giờ 20 phút, và đắm ở tọa độ 58°51′24″B 3°06′22″T / 58,8566°B 3,1062°T / 58.8566; -3.1062. 804 người đã thiệt mạng trong tai nạn này, và chỉ có ba người sống sót.

Một ủy ban điều tra đã lắng nghe lời khai của nhiều người chứng kiến trên những con tàu khác. Họ thống nhất với nhau rằng có một vụ nổ nhỏ kèm một ánh chớp trắng giữa cột ăn-ten trước và tháp pháo "A", tiếp nối sau một chốc bởi hai vụ nổ lớn hơn.[9] Ủy ban điều tra đã quyết định rằng, căn cứ vào những cân nhắc dựa trên những chứng cứ thực tế, họ chấp nhận những kết luận rằng vụ nổ chính xảy ra tại hầm đạn tháp pháo "P" hoặc "Q", hoặc cả hai. Một lượng lớn các mảnh vỡ rơi trúng các tàu lân cận, một phần các mảnh vỡ kích thước 5–6 ft (150–180 cm) rơi trúng chiếc thiết giáp hạm Bellerophon. Chúng được cho là phù hợp với cấu trúc của chiếc tàu chị em, có nguồn gốc từ phòng phát điện trung tâm, củng cố cho giả thuyết rằng vụ nổ bắt đầu từ phần trung tâm của con tàu.

Cho dù vụ nổ xảy ra rõ ràng là do kích nổ các liều thuốc cordite trong hầm đạn chính, nguyên nhân của việc này không rõ ràng, và có một loạt các giả thuyết được đưa ra. Ủy ban điều tra nhận thấy một số thuốc phóng cordite vốn được tạm thời tháo dỡ vào tháng 12 năm 1916 đã vượt quá hạn sử dụng an toàn. Có khả năng chúng được kích nổ một cách tự nhiên, nhưng điều này không được chứng minh rõ ràng.[10] Cũng ghi nhận rằng một số nồi hơi đang hoạt động, và một số cửa kín nước vốn phải đóng kín khi tác chiến đã được mở ra khi con tàu ở trong cảng. Người ta cho rằng điều này góp phần khiến nhiệt độ tăng cao một cách nguy hiểm tại các hầm đạn. Kết luận cuối cùng của ủy ban điều tra cho rằng một đám cháy bắt đầu từ hầm đạn pháo 4-inch, có thể do nhiệt độ tăng cao gây kích nổ tự nhiên thuốc phóng cordite, lan sang một hay các hầm đạn pháo chính đã gây ra vụ nổ.[3]

Tham khảo sửa

Chú thích sửa

  1. ^ http://www.historyofwar.org/articles/weapons_st_vincent_class_battleships.html
  2. ^ Parkes 1990, tr. 503
  3. ^ a b c Burt 1986, tr. 86
  4. ^ a b c Parkes 1990, tr. 503-505
  5. ^ Brown 2003, tr. 37
  6. ^ Parkes 1990, tr. 503-504
  7. ^ Burt 1986, tr. 76
  8. ^ Parkes 1990, tr. 506
  9. ^ ADM 116/1615A
  10. ^ Brown 2003, tr. 169

Thư mục sửa

  • Breyer, Siegfried (1973). Battleships and Battle Cruisers 1905–1970. Doubleday and Company. ISBN 978-0-385-07247-2.
  • Brown, D.K. (2003). The Grand Fleet: Warship Design and Development 1906–1922. Caxton Editions. ISBN 1-84067-531-4.
  • Burt, R. A. (1986). British Battleships of World War One. Annapolis, Maryland: Naval Institute Press. ISBN 0-87021-863-8.
  • Parkes, Oscar (1990). British Battleships (ấn bản 1957). Annapolis, MD: Naval Institute Press. ISBN 1-55750-075-4.

Liên kết ngoài sửa