Lý An (nhà Tùy)

tướng lãnh nhà Bắc Chu và nhà Tùy

Lý An (chữ Hán: 李安,? – ?), tự Huyền Đức, người huyện Địch Đạo, quận Lũng Tây [1], tướng lãnh nhà Bắc Chunhà Tùy trong lịch sử Trung Quốc.

Lý An
Thụy hiệuHoài
Thông tin cá nhân
Mất
Thụy hiệu
Hoài
Giới tínhnam
Gia quyến
Thân phụ
Lý Úy, hoặc
Lý Cương
Anh chị em
Lý Triết
Hậu duệ
Lý Sâm, Lý Hiếu Cung, Lý Giam, Lý Khôi, Lý Quỳnh, Lý Tấn, Lý Sùng Kính, Lý Tương, Lý Triết, Lý Hiếu Mỗ
Gia tộcHoàng tộc Lý Đường
Nghề nghiệpchính khách
Quốc tịchnhà Tùy

Thân thế sửa

Ông nội là Thái úy, Trụ quốc đại tướng quân Lý Hổ nhà Tây Ngụy, được nhà Đường truy tôn Thái Tổ Cảnh hoàng đế.

Cha là Lý Úy – con trai thứ 7 của Lý Hổ, được làm đến Sóc, Yến, Hằng 3 châu thứ sử, Tương Vũ huyện công nhà Bắc Chu, được nhà Đường truy phong Thái Liệt vương.

Sự nghiệp sửa

Thời Bắc Chu sửa

An có vẻ ngoài đẹp đẽ, giỏi cưỡi ngựa bắn cung. Trong niên hiệu Thiên Hòa thời Bắc Chu Vũ đế, An được tập tước Tương Vũ công, sau đó thụ chức Nghi đồng, Tiểu tư Hữu thượng sĩ [2].

Dương Kiên làm thừa tướng (580), lấy An làm tả hữu, thăng làm Chức phương Trung đại phu [2], còn bái em của ông là Lý Triết làm Nghi đồng. Bác tư của An là Lương Châu thứ sử Lý Chương bấy giờ ở kinh sư, cùng Triệu vương Vũ Văn Chiêu mưu đồ lật đổ Dương Kiên, dụ Lý Triết làm nội ứng. Triết băn khoăn nên hỏi An, ông nói: "Thừa tướng là cha đấy, sao nỡ phản bội?" rồi ngầm tố giác với Dương Kiên. Đến khi Dương Kiên giết bọn Triệu vương, muốn khen thưởng, An cúi đầu mà nói rằng: "Há dám đem tính mạng của thúc phụ để cầu quan thưởng?" rồi dập mình mà khóc, bi thương không kìm được. Dương Kiên thấy vậy thì đổi sắc mặt mà nói rằng: "Ta vì mày mà đặc biệt giữ lại con cái của Chương." Vì thế hạ lệnh cho hữu tư chỉ làm tội một mình Lý Chương, sau đó cũng giấu việc của An không nói ra. Ít lâu sau An được thụ chức Khai phủ, tiến phong Triệu quận công.

Thời Tùy sửa

Dương Kiên soán ngôi (581), tức Tùy Văn đế, thụ An làm Nội sử thị lang, chuyển làm Thượng thư tả thừa, Hoàng môn thị lang. Trong chiến dịch bình định nhà Trần, An được làm Tư mã của Dương Tố, còn lĩnh chức Hành quân tổng quản, soái quân Thục xuôi dòng từ phía đông tiến xuống. Bấy giờ quân Trần đồn trú Bạch Sa, An nói với chư tướng rằng: "Thủy chiến không phải là sở trường của người phương bắc. Nay người Trần dựa nơi hiểm trở để đỗ thuyền, ắt khinh ta mà không phòng bị. Nhân đêm tối tập kích, có thể phá giặc đấy!" Chư tướng đều lấy làm phải. An soái quân làm tiên phong, đại phá quân Trần. Tùy Văn đế khen ngợi, ban chiếu thư úy lạo, tiến An vị Thượng đại tướng quân, trừ làm Dĩnh Châu thứ sử; mấy ngày sau chuyển làm Đặng Châu thứ sử. An xin nhận nội chức, Tùy Văn đế xem trọng tấm lòng của ông, trừ An làm Tả lĩnh tả hữu tướng quân. Ít lâu sau An được thăng làm Hữu lĩnh quân đại tướng quân, còn Lý Triết được làm Bị thân tướng quân. Cả hai anh em đều nắm cấm vệ, rất được hoàng đế tin cậy.

Năm Khai Hoàng thứ 8 (588), Đột Quyết xâm phạm biên thùy, triều đình lấy An làm Hành quân tổng quản, theo Dương Tố ra đánh. An đi riêng ra Trường Xuyên, gặp địch đang vượt sông, giao chiến rồi phá được. Năm Nhân Thọ đầu tiên (601), triều đình cho An ra làm Ninh Châu thứ sử.

Con trai của An là Lý Quỳnh, con trai của Triết là Lý Vĩ còn ẵm ngữa đã được nuôi dạy trong cung, lên 8, 9 tuổi mới trở về nhà, cho thấy gia đình của An thân thiết với hoàng gia như thế nào! Tùy Văn đế từng nhắc lại việc thời làm thừa tướng, nhân đó thương xót anh em An diệt thân báo nước, hạ chiếu ca ngợi, rồi bái An, Triết đều làm Trụ quốc, ban 500 xúc lụa, 100 thớt ngựa, 1000 con dê. An nói với thân nhân rằng: "Tuy gia tộc được bảo toàn, nhưng thúc phụ gặp vạ. Nay nhận chiếu này, đau thẹn đều có." Vì thế An sụt sùi thương cảm, không thể kìm được. Từ trước An đã có bệnh, đến nay trở nặng mà mất.

An hưởng thọ 53 tuổi, thụy hiệu là Hoài. Đường Cao Tổ dựng nước, truy phong An làm Tây Bình Hoài vương.

Hậu nhân sửa

  • Lý Quỳnh: đời Tùy được nối tước Triệu quận công, sang đời Đường được nối tước Tây Bình vương.
  • Lý Sâm: được nhà Đường phong Tương Vũ quận vương.
  • Lý Hiếu Cung: được nhà Đường phong Hà Gian Nguyên vương.
  • Lý Giam: được nhà Đường phong Tế Bắc quận vương.
  • Lý Côi: được nhà Đường phong Hán Dương quận vương.

Tham khảo sửa

  • Tùy thư quyển 50, liệt truyện 15 – Lý An truyện
  • Bắc sử quyển 75, liệt truyện 63 – Lý An truyện
  • Cựu Đường thư quyển 60, liệt truyện 10 – Tông thất truyện: Tương Vũ vương Sâm
  • Tân Đường thư quyển 78, liệt truyện 3 – Tông thất truyện: Tương Vũ quận vương Sâm

Chú thích sửa

  1. ^ Nay là huyện Lâm Thao, địa cấp thị Định Tây, Cam Túc
  2. ^ a b Tùy thư, tlđd chép là Thiếu sư Hữu thượng sĩ; Bắc sử, tlđd chép là Tiểu tư Hữu thượng sĩ. Thượng sĩ (上士) là quan giai đời Chu, xếp dưới Hạ đại phu, xếp trên Trung sĩ, Hạ sĩ. Năm 556, quyền thần Vũ Văn Thái nhà Tây Ngụy tiến hành phục cổ, mô phỏng quan chế nhà Chu, thiết lập Lục quan: thiên quan, địa quan, xuân quan, hạ quan, thu quan, đông quan, hình thành cơ cấu Lục phủ. Trong đó Hạ quan phủ tương đương với Binh bộ đời sau, đứng đầu là Đại tư mã khanh, phụ tá là Tiểu tư mã Thượng đại phu, Hạ quan phủ Đô thượng sĩ, thuộc quan là Lĩnh quân tư mã Trung đại phu, Chức phương Trung đại phu, Lại bộ Trung đại phu, Tư sĩ Trung đại phu, Tư huân Trung đại phu, Tả hữu vũ bá Trung đại phu, Binh bộ Trung đại phu, Đại ngự Trung đại phu, Tư hữu Trung đại phu, Tư xạ hạ đại phu, Giá bộ Trung đại phu, Vũ tàng Trung đại phu. Dưới quyền Tư hữu trung đại phu là Tiểu tư Hữu hạ đại phu, Tiểu tư Hữu thượng sĩ, Tiểu tư Hữu trung sĩ, Hạt nhung Hữu hạ đại phu, Trai Hữu hạ đại phu, Tân Hữu thượng sĩ, Đạo Hữu thượng sĩ, Điền Hữu thượng sĩ. Tiểu tư (小司) ý nói tiểu quan; Vương Phù (nhà Hán) – Tiềm phu luận, Trung quý có câu "Từ công khanh trở xuống đến tiểu tư, thường trái với Thiên quan đấy." Uông Kế Bồi chú thích: "Tiểu tư, nói kẻ thấp kém trong quan chức đấy."