Mutsuki (lớp tàu khu trục)

Lớp tàu khu trục Mutsuki (tiếng Nhật:睦月型駆逐艦 - Mutsukigata kuchikukan) là một lớp bao gồm mười hai tàu khu trục hạng nhất của Hải quân Đế quốc Nhật Bản được chế tạo trong thập niên 1920.[3] Tất cả đều được đặt những cái tên thi ca truyền thống mô tả các tháng của năm âm lịch hay các tuần trăng. Một số tác giả đã xem các lớp tàu khu trục KamikazeMutsuki như là sự mở rộng của lớp Minekaze.[4] Tất cả chúng đều đã tham gia Chiến tranh Thế giới thứ hai, và không có chiếc nào sống sót qua cuộc chiến này.

Tàu khu trục Mutsuki vào năm 1930
Khái quát lớp tàu
Xưởng đóng tàu
Bên khai thác Hải quân Đế quốc Nhật Bản
Lớp trước Kamikaze
Lớp sau Fubuki
Thời gian đóng tàu 1924 - 1927
Hoàn thành 12
Bị mất 12
Đặc điểm khái quát
Kiểu tàu Tàu khu trục hạng nhất
Trọng tải choán nước
  • 1.315 tấn (tiêu chuẩn);
  • 1.445 tấn (đầy tải)
Chiều dài
  • 97,54 m (320 ft) mực nước
  • 102,72 m (337 ft) chung
Sườn ngang 9,16 m (30 ft)
Mớn nước 2,96 m (9 ft 8 in)
Động cơ đẩy
  • 2 × Turbine hơi nước Kampon[1]
  • 4 × nồi hơi ống nước Ro-Gō Kampon
  • 2 × trục
  • công suất 38.500 mã lực (28,7 MW)
Tốc độ 69 km/h (37,25 knot)
Tầm xa
  • 6.700 km ở tốc độ 26 km/h
  • (3.600 hải lý ở tốc độ 14 knot)
Thủy thủ đoàn 154
Vũ khí

Bối cảnh sửa

Cùng với việc ra đời của Hiệp ước Hải quân Washington giới hạn số lượng và kích cỡ của các tàu chiến chủ lực, Hải quân Nhật bắt đầu nhấn mạnh đến số lượng và hỏa lực của hạm đội tàu khu trục của họ như là phương các đối phó cái được cho là mối đe dọa ngày càng gia tăng từ phía Hải quân Hoa Kỳ. Lớp tàu khu trục Mutsuki là một phiên bản nối tiếp và cải biến dựa trên lớp tàu khu trục Kamikaze và được đặt hàng trong năm tài chính 1923.[5]

Cùng với các lớp MinekazeKamikaze, lớp Mutsuki hình thành nên xương sống của đội hình tàu khu trục Nhật Bản trong suốt những năm 19201930. Trong khi các lớp MinekazeKamikaze được rút khỏi các hoạt động tác chiến ở tuyến đầu do được xem là đã lạc hậu, để được giao những nhiệm vụ thứ yếu vào cuối những năm 1930, lớp Mutsuki vẫn được giữ lại như những tàu khu trục hàng đầu nhờ tầm xa hoạt động và kiểu ngư lôi mạnh mẽ mà chúng được trang bị.[6]

Thiết kế sửa

Lớp tàu khu trục Mutsuki dựa trên cùng một căn bản về thiết kế lườn của lớp Kamikaze trước đó, ngoại trừ một cấu hình mũi tàu được uốn cong kép, một đặc tính sẽ trở thành tiêu chuẩn cho mọi tàu khu trục Nhật Bản sau này.

Lớp Mutsuki là những chiếc đầu tiên được trang bị kiểu ngư lôi 610 mm (24 inch) mới được phát triển, với tầm hoạt động xa hơn và đầu đạn lớn hơn so với tất cả các kiểu ngư lôi Nhật Bản đang có. Nguyên thủy, ngư lôi Kiểu 8 được trang bị với hai ống phóng ba nòng; rồi sau đó chúng được thay thế bằng kiểu ngư lôi nổi tiếng vận hành bằng oxy ngư lôi Kiểu 93 "Long Lance" trong giai đoạn Thế Chiến II.

Vào tháng 9 năm 1935, nhiều tàu chiến hải quân bị hư hại nặng bởi một cơn bão trong khi đang huấn luyện thực tập, bao gồm một số chiếc thuộc lớp tàu khu trục Mutsuki, gây một số tấm thép vỏ tàu bị uốn cong và cầu tàu bị hư hại. Trong những năm 1936-1937 lớp Mutsuki được tái trang bị với một cầu tàu được gia cố và gọn gàng hơn cùng thiết kế lại những tấm che kín nước cho các bệ phóng ngư lôi, cho phép sử dụng chúng trong mọi thời thiết, và do đó kéo dài tuổi thọ hữu ích của lớp tàu này.[7]

Trong giai đoạn 1941-1942, lớp tàu khu trục Mutsuki được tái trang bị khi dàn pháo chính 120 mm (4,7 inch)/45 caliber được giảm xuống hai khẩu, và bổ sung thêm mười pháo phòng không 25 mm Kiểu 96. Các thiết bị quét mìn và thả mìn được tháo dỡ, thay thế bằng bốn bộ phóng mìn sâu với 36 quả mìn.

Vào tháng 6 năm 1944, những chiếc cp̀n sống sót lại được tái trang bị, khi số lượng pháo phòng không 25 mm Kiểu 96 được tăng lên 20, và bổ sung thêm năm pháo phòng không 13 mm Kiểu 93.

Lịch sử hoạt động sửa

 
Hình ảnh về lớp tàu khu trục Mutsuki theo Văn phòng Tình báo Hải quân Hoa Kỳ

Những chiếc trong lớp Mutsuki đã hình thành nên các hải đội khu trục 5 và 6. Những chiếc MutsukiKisaragi đã tham gia Trận đảo Wake vào lúc mở màn chiến tranh Thái Bình Dương, trong đó Kisaragi bị mất trong một cuộc không kích trên đường rút lui. Mười một chiếc còn lại tham gia cuộc chiếm đóng PhilippinesĐông Ấn thuộc Hà Lan. Trong Chiến dịch quần đảo Solomon những chiếc tàu khu trục phải trải qua những hoàn cảnh nguy hiểm như những tàu vận tải nhanh trong các nhiệm vụ "Tốc hành Tokyo" nhằm tăng viện cho các đơn vị đồn trú trên các đảo trong khu vực. Mutsuki, Nagatsuki, Kikuzuki, MikazukiMochizuki bị mất do không kích trong nhiều trận đánh khác nhau tại quần đảo Solomon.[8]

Những chiếc còn sống sót đã tham gia Chiến dịch New Guinea, hầu hết trong vai trò vận chuyển "Tốc hành Tokyo". Yayoi bị mất trong một cuộc không kích ngoài khơi New Guinea và Fumizuki trong Chiến dịch Hailstone tại Truk. Vào giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến tranh, Uzuki bị mất trong cuộc tấn công bởi PT-boat Mỹ, SatsukiYūzuki bị mất bởi bởi không kích, và Minazuki cùng chung số phận bởi ngư lôi của tàu ngầm tại Philippines.

Không có tàu khu trục nào thuộc lớp Mutsuki còn sống sót qua cuộc chiến tranh.[9]

Những chiếc trong lớp sửa

Tàu Đặt lườn Hạ thủy Hoạt động Số phận
Mutsuki
(睦月) DD-19
21 tháng 5 năm 1924 23 tháng 7 năm 1925 25 tháng 3 năm 1926 Bị không kích đánh chìm tại quần đảo Solomon Islands, 25 tháng 8 năm 1942
Kisaragi
(如月) DD-21
3 tháng 6 năm 1924 5 tháng 6 năm 1925 21 tháng 12 năm 1925 Bị không kích đánh chìm ngoài khơi đảo Wake, 11 tháng 12 năm 1941
Yayoi
(彌生) DD-23
11 tháng 1 năm 1924 11 tháng 7 năm 1925 28 tháng 8 năm 1926 Bị không kích đánh chìm tại quần đảo Solomon Islands, 11 tháng 9 năm 1942
Uzuki
(卯月) DD-25
11 tháng 1 năm 1924 15 tháng 10 năm 1925 14 tháng 9 năm 1926 Bị đánh chìm tại vịnh Ormoc, 12 tháng 12 năm 1944
Satsuki
(皐月) DD-27
1 tháng 12 năm 1924 25 tháng 3 năm 1925 15 tháng 11 năm 1925 Bị không kích đánh chìm trong vịnh Manila, 21 tháng 9 năm 1944
Minazuki
(水無月) DD-28
24 tháng 3 năm 1924 25 tháng 3 năm 1926 22 tháng 3 năm 1927 Bị ngư lôi đánh chìm trong biển Celebes, 6 tháng 6 năm 1944
Fumizuki
(文月) DD-29
20 tháng 10 năm 1924 16 tháng 2 năm 1926 3 tháng 7 năm 1926 Bị không kích đánh chìm tại Truk, 18 tháng 2 năm 1944
Nagatsuki
(長月) DD-30
16 tháng 4 năm 1925 6 tháng 10 năm 1926 30 tháng 4 năm 1927 Bị đánh đắm tại quần đảo Solomon, 6 tháng 7 năm 1943
Kikuzuki
(菊月) DD-31
15 tháng 6 năm 1925 15 tháng 5 năm 1926 20 tháng 11 năm 1926 Bị không kích đánh chìm tại Tulagi, 4 tháng 5 năm 1942
Mikazuki
(三日月) DD-32
21 tháng 8 năm 1925 12 tháng 7 năm 1926 5 tháng 5 năm 1927 Bị không kích đánh chìm tại mũi Gloucester, 29 tháng 7 năm 1943
Mochizuki
(望月) DD-33
23 tháng 3 năm 1926 28 tháng 4 năm 1927 31 tháng 10 năm 1927 Bị không kích đánh chìm tại quần đảo Solomon, 24 tháng 10 năm 1943
Yūzuki
(夕月) DD-34
27 tháng 11 năm 1926 4 tháng 3 năm 1927 25 tháng 7 năm 1927 Bị không kích đánh chìm tại Cebu, 12 tháng 12 năm 1944

Lịch sử tên gọi sửa

Hải quân Đế quốc Nhật Bản thoạt tiên có kế hoạch chỉ đánh số cho những chiếc trong lớp Mutsuki do số lượng lớn tàu chiến mà Hải quân Nhật dự định chế tạo trong Chương trình Kế hoạch Hạm đội 8-8. Điều này tỏ ra rất không quen thuộc đối với thủy thủ đoàn, và là nguồn gốc của sự nhầm lẫn thường xuyên trong liên lạc. Đến tháng 8 năm 1928, chúng lại được đặt tên như cách thông thường.[10]

Tên đặt khi hoàn tất Phiên âm Nghĩa Đổi tên 1 tháng 8 năm 1928
第十九号駆逐艦 Dai-19-Gō Kuchikukan Tàu khu trục số 19 Mutsuki (睦月)
第二十一号駆逐艦 Dai-21-Gō Kuchikukan Tàu khu trục số 21 Kisaragi (如月)
第二十三号駆逐艦 Dai-23-Gō Kuchikukan Tàu khu trục số 23 Yayoi (彌生)
第二十五号駆逐艦 Dai-25-Gō Kuchikukan Tàu khu trục số 25 Uzuki (卯月)
第二十七号駆逐艦 Dai-27-Gō Kuchikukan Tàu khu trục số 27 Satsuki (皐月)
第二十八号駆逐艦 Dai-28-Gō Kuchikukan Tàu khu trục số 28 Minatsuki (水無月)
第二十九号駆逐艦 Dai-29-Gō Kuchikukan Tàu khu trục số 29 Fumizuki (文月)
第三十号駆逐艦 Dai-30-Gō Kuchikukan Tàu khu trục số 30 Nagatsuki (長月)
第三十一号駆逐艦 Dai-31-Gō Kuchikukan Tàu khu trục số 31 Kikuzuki (菊月)
第三十二号駆逐艦 Dai-32-Gō Kuchikukan Tàu khu trục số 32 Mikazuki (三日月)
第三十三号駆逐艦 Dai-33-Gō Kuchikukan Tàu khu trục số 33 Mochizuki (望月)
第三十四号駆逐艦 Dai-34-Gō Kuchikukan Tàu khu trục số 34 Yūzuki (夕月)

Xem thêm sửa

  Tư liệu liên quan tới Mutsuki class destroyers tại Wikimedia Commons

Tham khảo sửa

Chú thích sửa

  1. ^ Riêng Yayoi trang bị 2 × turbine hơi nước Metropolitan-Vickers; Nagatsuki: 2 × turbine hơi nước Escher Wyss AG Zoelly.
  2. ^ Kikuzuki, Mikazuki, MochizukiYūzuki còn được trang bị 2 máy cắt dây mìn ngầm
  3. ^ Jentsura, Warships of the Imperial Japanese Navy, 1869-1945
  4. ^ Jones, Daniel H. (2003). “IJN Minekaze, Kamikaze and Mutsuki class Destroyers”. Ship Modeler's Mailing List (SMML. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 8 năm 2008. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2010.
  5. ^ Globalsecurity.org, IJN Mutsuki class destroyers
  6. ^ Evans. Kaigun: Strategy, Tactics, and Technology in the Imperial Japanese Navy
  7. ^ Juntsura. Warships of the Imperial Japanese Navy, 1869–1945
  8. ^ Morison. The Struggle for Guadalcanal, August 1942 – February 1943
  9. ^ Brown. Warship Losses of World War Two
  10. ^ Nishida, Hiroshi. “Materials of IJN: Mutsuki class destroyer”. Imperial Japanese Navy. Bản gốc lưu trữ ngày 21 tháng 7 năm 2012. Truy cập ngày 10 tháng 8 năm 2010.

Thư mục sửa

Liên kết ngoài sửa