Nguyễn Đình Sách (1638-1697), vốn tên là Nguyễn Tiến Sách,[1] tự Dực Hiên, là danh thần nhà Lê trung hưng trong lịch sử Việt Nam.

Nguyễn Đình Sách
Tên húyNguyễn Tiến Sách
Tên chữDực Hiên
Thông tin cá nhân
Sinh
Tên húy
Nguyễn Tiến Sách
Ngày sinh
1638
Nơi sinh
Phú Thọ
Mất1697
Giới tínhnam
Học vấnTiến sĩ Nho học
Chức quanTả thị lang bộ Binh
Quốc tịchĐại Việt
Thời kỳnhà Lê trung hưng

Tiểu sử sửa

Nguyễn Đình Sách là người ở xã Văn Trưng, huyện Bạch Hạc, tỉnh Phú Thọ (nay là phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ).

Năm Canh Tuất (1670) đời Lê Huyền Tông, ông thi đỗ Tiến sĩ lúc 32 tuổi, được bổ chức quan.

Năm Canh Ngọ (1690)[2], ông cùng Chính sứ Nguyễn Quý Đức đi sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc) nộp lễ cống hàng năm. Dịp này, cùng ông Nguyễn Quý Đức hợp soạn bộ Hoa trình thi tập. Sau khi đi sứ về, ông được thăng chức Tả thị lang bộ Binh, tước Nam.

Năm 1697, Nguyễn Đình Sách mất lúc 59 tuổi, được tặng chức Thượng thư bộ Công, tước Tử.

Tác phẩm sửa

Tác phẩm của Nguyễn Đình Sách hiện còn 34 bài thơ chữ Hán chép trong Toàn Việt thi lục. Thơ ông hầu hầu hết làm trong chuyến đi sứ. Dưới đây tuyển giới thiệu 1 bài:

Phiên âm Hán-Việt:
Hán Khẩu thuật hoài
Thiều đệ tương huề tác thắng du,
Phong ai song mãn lịch Trung Châu.
Nhãn mê Triệu, Ngụy trì khu nhật,
Thần sảng Lương, Hàn khiếu vịnh thu.
Băng đậu Hán giang ngư tín đoạn,
Tuyết phi Sở tái mã đề lưu.
Trường đồ sách mịch cvo6 tình tự,
Nhất khúc ly ca tả ngã sầu.
Dịch nghĩa:
Tỏ nỗi lòng khi ở Hán Khẩu
Dắt tay nhau trên đường xa vời vợi, làm cuộc du lãm danh thắng,
Trải khắp đất Trung Châu với mái tóc gió bụi.
Mắt những mịt mùng ngày rong ruổi trên đất Hán Khẩu Triệu, Ngụy,
Sảng khoái trong thời gian ngâm nga ở đất Hàn, Lương.[3]
Băng giá đóng trên sông Hán, tin cá [4] vắng bặt,
Tuyết bay trên ải Sở, dấu chân ngựa còn lưu.
Trên đường dài tẻ ngắt không có gì vương vấn,
Một khúc ly ca tả nỗi sầu của ta.

Sách tham khảo sửa

  • Nguyễn Q. Thắng-Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (mục từ "Nguyễn Đình Sách"). Nhà xuất bản khoa học xã hội, 1992.
  • Trần Thị Băng Thanh (chủ biên), Văn học thế kỷ XV-XVII. Nhà xuất bản khoa học xã hội, 2004.

Chú thích sửa

  1. ^ Chép theo Văn học thế kỷ XV-XVII (tr. 1112). Sách Việt sử thông giám cương mụcĐại Việt lịch triều đăng khoa lục đều chép là Nguyễn Tiến Sách.
  2. ^ Chép theo Lịch triều hiến chương loại chí (mục "Nhân vật chí", tr.282) và Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam (tr. 517). Sách Văn học thế kỷ XV-XVII (tr. 1112) và Trần Văn Giáp (Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, tr. 152) đều chép là năm Tân Mùi (1691).
  3. ^ Triệu, Ngụy, Hàn, Lương là tên 4 nước thời Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc.
  4. ^ Tin cá do điển tích có người mổ bụng cá chép nhận được bức thư, lại cũng do người xưa thường làm hộp đựng thư hình cá chép để gửi đi. Do đó nói "tin cá" tức là nói đến tin tức, thư từ gửi cho nhau (theo Văn học thế kỷ XV-XVII, tr. 116).