Phạm Văn Tráng (? - 1913) còn có tên là Nguyễn Thế Trung (khi hoạt động cách mạng), là chiến sĩ thuộc Việt Nam Quang phục hội ở đầu thế kỷ 20 trong lịch sử Việt Nam.

Tiểu sử sơ lược sửa

Phạm Văn Tráng là người Bát Tràng, nay thuộc huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội.

Thuở nhỏ, ông sống tại phố Hàng Nâu, tỉnh Nam Định. Ông vốn là người gan dạ, có chí khí, giỏi văn và võ. Ông từng dạy chữ Hán tại làng Hành Thiện.

Tháng 3 năm 1907, ông hăng hái hưởng ứng phong trào Đông Kinh nghĩa thục.

Năm 1912, Việt Nam Quang phục hội được thành lập do chí sĩ Phan Bội Châu đề xướng theo chủ nghĩa dân chủ với mục đích đánh đuổi người Pháp khỏi Đông Dương, ông liền tham gia.

Tháng 12 năm đó, Phạm Văn Tráng được cử sang Nam Ninh (Trung Quốc) dự đại hội đại biểu Việt Nam Quang phục hội. Tại đây, Phạm Văn Tráng tham gia "hiệp hội tử vì nghĩa", nhận nhiệm vụ ám sát toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut và một số cộng sự đắc lực là người Việt như Hoàng Cao Khải (tổng đốc Hà Đông), Nguyễn Duy Hàn (tuần phủ Thái Bình)...nhằm "đánh thức đồng bào", "kêu gọi hồn nước".

Sau đó, ông cùng Nguyễn Khắc Cần đã bí mật đem một số quả tạc đạn trở về cất giấu ở Yên Viên (quê ông Cần, nay thuộc Gia Lâm, Hà Nội), rồi chia nhau đi thực hiện.

Ngày 12 tháng 4 năm 1913[1], Phạm Văn Tráng đứng đợi trên con đường chính của tỉnh lỵ Thái Bình. Khoảng 11 giờ 30 phút, xe kéo tuần phủ Nguyễn Duy Hàn chạy qua, ông Tráng liệng tạc đạn và giết chết viên tuần phủ.

Vào lúc 7 giờ rưỡi tối ngày 26 tháng 4 năm 1913, khi khách hàng phần nhiều là người Pháp ngồi uống rượu và ăn ở sân trước, Nguyễn Khắc Cần và Nguyễn Văn Túy[2] đã dùng tạc đạn giết chết hai trung tá Pháp là Chapuy, Mongrand và làm bị thương 6 người Pháp cùng 7 người Việt khác tại khách sạn Hà Nội trên đường Paul Bert (nay là số 2, phố Nguyễn Khắc Cần, Hà Nội)[3].

Bị quân Pháp truy lùng gắt gao, Phạm Văn Tráng và Nguyễn Khắc Cần cùng các đồng chí khác trốn sang Trung Quốc, nhưng bị bắt ở biên giới Lạng Sơn. Trong cuộc khủng bố lần này, quân Pháp đã bắt cả thảy 254 người mang về giam tại Hà Nội[4].

Ngày 29 tháng 8 năm 1913, thực dân Pháp mở phiên tòa đại hình xét xử 87 người trong ba ngày liền. Ngày 5 tháng 9, bảy người trực tiếp tham gia mưu sát, bị tuyên án tử hình, đó là Phạm Văn Tráng, Nguyễn Khắc Cần, Phạm Đệ Quý, Vũ Ngọc Thụy, Phạm Hoàng Quế, Phạm Hoàng Triết, Phạm Văn Tiên. Cường Để, Phan Bội Châu ở nước ngoài cũng bị kết án tử hình vắng mặt. Còn số người khác thì bị kết án khổ sai chung thân lưu đày biệt xứ, hoặc tù giam từ 5 đến 10 năm.

Đến ngày 24 tháng 9, bảy người bị tuyên án tử hình lần lượt bị đưa lên máy chém tại nhà lao Hỏa Lò (Hà Nội).

Có người cho rằng khi ấy Phạm Văn Tráng chỉ mới 28 tuổi.

Vinh danh sửa

Tên ông được người ta đặt cho một con đường ở Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh nhưng ghi sai là "Nguyễn Văn Tráng". Việc sửa chữa đã được bàn bạc nhiều lần nhưng vẫn như cũ.[5]

Chú thích sửa

  1. ^ Ngày tháng ghi theo tài liệu của Cục Lưu trữ (hồ sơ số 69744 của Phòng Thống sứ). Sách Đại cương lịch sử Việt Nam (Tập 2) do Đinh Xuân Lâm làm chủ biên ghi là ngày 13 (Nhà xuất bản Giáo dục, 2006, tr. 180).
  2. ^ Nguyễn Văn Túy là người ném tạc đạn. Ông là công nhân trong nhà máy xe lửa Gia Lâm (Hà Nội) và cũng là thành viên trong Việt Nam Quang phục hội. Sau khi ném tạc đạn, nhờ ông Cần nhận hết tội về mình, nên ông đã trốn được ra nước ngoài.
  3. ^ Số người chết và bị thương chép theo Histoire militaire de L'Indochine de 1664 à nos jours (1922), tr. 336 và tờ yết thị của Thống sứ Bắc Kỳ ngày 27 tháng 4 năm 1913. Dẫn lại theo Vũ Văn Tỉnh, tr. 58.
  4. ^ Số người bị Pháp bắt chép theo Đinh Xuân Lâm, sách đã dẫn, tr. 180.
  5. ^ Vì sao 38 tên đường ở TP HCM bị đặt sai?, VnExpress

Tài liệu tham khảo chính sửa

  • Vũ Văn Tĩnh, Một vài điểm xác minh về vụ ném bom ở Hà Nội năm 1913, in trong Tuyển tập công trình nghiên cứu lịch sử Thăng Long-Hà Nội (Tập 2). Nhà xuất bản Hà Nội, 2010.
  • Và một số tài liệu đã dẫn kèm theo bài viết.

Liên kết ngoài sửa