Thành viên:Lệ Xuân/Trận Hổ Lao

Trận Hổ Lao
Một phần của Tùy mạt Đường sơ

Bản đồ chiến dịch Lạc Dương – Hổ Lao
Thời gian28 tháng 5 năm 621[1]
Địa điểm
Hổ Lao quan, Hà Nam
Kết quả Chiến thắng quyết định của quân Đường
Tham chiến
Đường Hạ
Chỉ huy và lãnh đạo
Lý Thế Dân Đậu Kiến Đức  (POW)
Lực lượng
Chưa đến 10.000 100.000–120.000
Thương vong và tổn thất
không rõ 3.000 tử trận
k. 50.000 hàng binh

Trận Hổ Lao hoặc Vũ Lao,[a] hay còn được biết đến dưới một tên gọi khác là Trận Tỉ Thủy, diễn ra tại cửa ải Hổ Lao trọng yếu ở phía đông Lạc Dương, là trận đánh quyết định trong chiến dịch Lạc Dương – Hổ Lao giữa các nước Đường, Trịnh và Hạ thời Tùy mạt Đường sơ. Quân Đường dưới sự chỉ huy của Lý Thế Dân giành chiến thắng quyết định trước hai thế lực đối nghịch là Đậu Kiến Đức, người đứng đầu chính quyền nước Hạ ở Hà Bắc, và Vương Thế Sung, hoàng đế tự xưng của nước Trịnh.

Sau khi bình định các thế lực cát cứ ở Tây Bắc Trung Quốc, Lý Thế Dân tạo dựng được uy danh rất lớn trong vai trò một vị tướng. Tháng 8 năm 620, ông xuất quân đông chinh đánh Vương Thế Sung. Quân Đường tiến hành vây hãm kinh đô Lạc Dương của nước Trịnh và chiếm giữ các vùng xung quanh thuộc Hà Nam. Không thể phá vỡ vòng vây quân Đường, Vương Thế Sung trong tình thế nguy cấp đã buộc phải cầu viện Đậu Kiến Đức. Tháng 4 năm 621, Đậu Kiến Đức dẫn từ 10 đến 12 vạn quân tiến về phía tây nhằm giải vây cho Lạc Dương. Nhiều tướng lĩnh dưới trướng khuyên Lý Thế Dân nên triệt thoái về phía tây nhằm bảo vệ trung tâm quyền lực của Đường ở Sơn Tây, nhưng điều này cũng có nghĩa rằng họ sẽ phải nhường khu vực Trung Nguyên cho Đậu Kiến Đức. Không muốn tình huống trên xảy ra, Lý Thế Dân quyết định chơi một canh bạc khi chỉ dẫn một đội quân nhỏ chốt chặn tại cửa ải Hổ Lao hiểm yếu, trong khi đại quân vẫn tiếp tục ở lại bao vây Lạc Dương. Nhờ chiếm giữ các vị trí phòng thủ thuận lợi, quân Đường thành công chặn đứng các đợt tấn công của đối phương. Quân Hạ tuy đông nhưng ô hợp, không thể khai thác các điểm yếu của đối phương để đánh tạt sườn và cũng không từ bỏ Lạc Dương để tấn công căn cứ quân Đường ở Sơn Tây, khiến tình hình chiến sự rơi vào bế tắc trong nhiều tuần tiếp đó

Sau khi nhận định tình hình đã chín muồi, Lý Thế Dân lệnh cho một phần lực lượng tiến lên phía bắc làm nghi binh. Quả nhiên, Đậu Kiến Đức mắc bẫy, tiến đến dàn trận trước vị trí quân Đường. Sau khi quan sát tình hình, Lý Thế Dân án binh bất động trong nhiều giờ, đợi đến khi quân Hạ mệt mỏi sau nhiều giờ dàn trận dưới ánh nắng mặt trời. Khi nhận thấy thế trận đối phương bắt đầu xuất hiện lộn xộn, Lý Thế Dân phát động tấn công khiến đội hình quân Hạ tan vỡ còn Đậu Kiến Đức thì bị bắt sống. Trong tình thế tuyệt vọng, Vương Thế Sung không còn lựa chọn nào khác ngoài việc dâng thành đầu hàng. Hai nước Trịnh và Hạ bị Đường thôn tính. Vương Thế Sung tuy được tha chết, song Đậu Kiến Đức bị xử trảm, dẫn đến nhiều thuộc hạ cũ của ông ta, dẫn đầu bởi Lưu Hắc Thát, nổi dậy chống Đường. Trận Hổ Lao đánh dấu bước ngoặt quyết định trong thời kỳ chiến loạn diễn ra ngay sau khi nhà Tùy sụp đổ, đồng thời đặt nền móng cho công cuộc thống nhất Trung Hoa của nhà Đường.

Bối cảnh lịch sử

sửa

Những năm cuối triều Tùy Dạng Đế (trị. 604–618), chính quyền triều Tùy bắt đầu lung lay. Chi phí nhân lực và vật lực khổng lồ nhằm phục vụ tham vọng chinh phục Cao Câu Ly của Dạng Đế đi kèm với hàng loạt thiên tai gây ra bất ổn tại các địa phương. Những thất bại về mặt quân sự cũng khiến uy tín và tính chính danh của hoàng đế bị suy giảm trầm trọng trong mắt văn võ bá quan. Tuy nhiên, bất chấp những bất ổn ngày một leo thang trong nước, Dạng Đế vẫn tiếp tục tái khởi động cuộc chiến ở bán đảo Triều Tiên và chỉ nhận ra mức độ nghiêm trọng của tình hình khi đã quá muộn. Sau khi các cuộc khởi nghĩa lan rộng trên phạm vi toàn quốc, Dạng Đế tháo chạy đến Giang Đô vào năm 616 và tiếp tục ở lại đây cho tới khi bị Vũ Văn Hóa Cập sát hại vào năm 618.

Trong bối cảnh trên, các quan lại, quý tộc, hào trưởng địa phương nổi lên tranh giành quyền lực, trong đó có chín người nổi bật nhất. Một số thủ lĩnh nổi dậy xưng đế, số khác tạm thời thỏa mãn bằng những tước hiệu khiêm tốn hơn như "công" hoặc "vương". Trong số những thủ lĩnh trên, một trong những nhân vật nổi bật nhất là Đường công Lý Uyên, giữ chức lưu thủ Thái Nguyên ở Tây Bắc. Là một nhân vật có danh vọng thuộc dòng dõi gia đình quý tộc có quan hệ huyết thống với các hoàng đế nhà Tùy, Lý Uyên nghiễm nhiên trở thành một ứng viên sáng giá cho ngôi vị thiên tử. Không chỉ nằm gần hai đô thành là Đại Hưng (Trường An) và Lạc Dương, Thái Nguyên–với địa hình đồi núi–sở hữu đặc điểm địa lý hoàn hảo cho việc phòng thủ. Mùa thu năm 617, Lý Uyên cùng các con Lý Thế Dân và Lý Kiến Thành khởi binh tiến về phía nam. Trong một chiến dịch chớp nhoáng, Lý Uyên đánh bại quân Tùy và chiếm thành Trường An vào ngày 9 tháng 11 cùng năm. Sau đó, Lý Uyên khống chế ấu chúa Dương Hựu và đến ngày 16 tháng 6 năm 618 thì chính thức xưng đế, kiến lập triều Đường, tức Đường Cao Tổ.

Trong các chiến dịch năm 618–620, quân Đường dưới sự chỉ huy của một Lý Thế Dân tài ba thành công tiêu diệt các thế lực quân sự cát cứ ở tây bắc, đồng thời đẩy lui cuộc tiến công của Lưu Vũ Chu–người từng chiếm được Thái Nguyên trong thời gian ngắn. Bất chấp những thắng lợi sơ khởi này, Đường vẫn cần phải mở rộng thế lực tới đồng bằng Hoa Bắc và khu vực thuộc các tỉnh Hà Bắc và Hà Nam ngày nay. Theo sử gia Howard J. Wechsler thì bước đi này quyết định xem liệu Đường "có tiếp tục là một chính quyền địa phương cát cứ hay liệu họ có thể thống nhất thiên hạ hay không". Đầu năm 620, hai thế lực chính kiểm soát khu vực Hà Bắc và Hà Nam là Vương Thế SungĐậu Kiến Đức. Vương Thế Sung vốn là một tướng cũ nhà Tùy, sau khi đánh bại Ngõa Cương quân của Lý Mật, ông thu phục tàn quân Ngõa Cương và thâu tóm khu vực Hà Nam, sau đó tự xưng là hoàng đế nước Trịnh, định đô ở Lạc Dương. Đậu Kiến Đức vốn xuất thân là đạo tặc, sau khi nổi dậy chống Tùy vào năm 611, ông dần mở rộng thế lực, sau đó khống chế hoàn toàn khu vực Hà Bắc. Từ căn cứ tại Minh Châu, Đậu Kiến Đức từng bước mở rộng phạm vi thế lực về phía nam đến sông Hoàng Hà và tự xưng là "Hạ vương". Tương tự hai nước Trịnh và Đường, chính quyền nước Hạ tiếp tục sử dụng bộ máy hành chính cũ của nhà Tùy để duy trì quyền kiểm soát lên các vùng đất nội thuộc phạm vi thế lực của mình.

Ghi chú

sửa
  1. ^ Sử Đường gọi Hổ Lao quan là Vũ Lao quan do kỵ húy tổ phụ của Đường Cao Tổ là Lý Hổ.

Chú thích

sửa
  1. ^ Graff 2000, tr. 83.