Thạnh Trị

Huyện thuộc tỉnh Sóc Trăng

Thạnh Trị là một huyện thuộc tỉnh Sóc Trăng, Việt Nam.

Thạnh Trị
Huyện
Huyện Thạnh Trị
Hành chính
Quốc gia Việt Nam
VùngĐồng bằng sông Cửu Long
TỉnhSóc Trăng
Huyện lỵThị trấn Phú Lộc
Trụ sở UBNDẤp I, thị trấn Phú Lộc
Phân chia hành chính2 thị trấn, 8 xã
Tổ chức lãnh đạo
Chủ tịch UBNDLâm Hoàng Nghiệp
Chủ tịch HĐNDLâm Thol
Địa lý
Tọa độ: 9°25′42″B 105°45′45″Đ / 9,42833°B 105,7625°Đ / 9.42833; 105.76250
MapBản đồ huyện Thạnh Trị
Thạnh Trị trên bản đồ Việt Nam
Thạnh Trị
Thạnh Trị
Vị trí huyện Thạnh Trị trên bản đồ Việt Nam
Diện tích287,18 km²[1]
Dân số (2019)
Tổng cộng73.596 người[1]
Mật độ256 người/km²
Khác
Mã hành chính949[2]
Mã bưu chính97
Mã điện thoại0299
Biển số xe83-P1-P2-P3-P4-T1
Số điện thoại0299.3.866.332
Số fax0299.3.866.100
Websitethanhtri.soctrang.gov.vn

Địa lý sửa

Huyện Thạnh Trị nằm ở phía tây nam tỉnh Sóc Trăng, cách thành phố Sóc Trăng 32 km, có vị trí địa lý:

Thạnh Trị là huyện nông nghiệp thuộc vùng nông thôn của tỉnh Sóc Trăng. Nằm trong vùng đất ngập nước mặn thuộc bán đảo Cà Mau, huyện này là một địa phương nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là tôm sú, tôm càng xanh và cá đồng.

Địa hình sửa

Huyện Thạnh Trị có địa hình tương đối bằng phẳng, hệ thống kênh rạch chính và nhánh phủ đều khắp huyện, rất thuận lợi để phát triển nền kinh tế nông nghiệp. Các xã vùng trũng, nhiều phèn mặn còn nhiều khó khăn như: xã Lâm Tân, Thạnh Tân, Vĩnh Thành, Thạnh Trị, Vĩnh Lợi, Châu Hưng. Các xã vùng cao thường thiếu nước phục vụ nhu cầu sản xuất ở những tháng mùa khô như: Lâm Kiết, thị trấn Phú Lộc, Hưng Lợi và một phần của xã Châu Hưng, Tuân Tức,...[1]

Khí hậu sửa

Huyện Thạnh Trị nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, cận xích đạo, quanh năm nóng ẩm, lượng mưa phong phú, các yếu tố khí tượng có sự phân hoá theo 2 mùa rõ rệt: mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10 và mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau.

  • Nhiệt độ không khí: Cao và khá ổn định qua các tháng, chênh lệch trung bình là 1 – 3°C, nhiệt độ không khí trung bình trong năm là 28°C, cao nhất là 33°C; thấp nhất là 23°C. Thời gian nóng nhất trong năm kéo dài từ tháng 3 đến tháng 4, và tháng lạnh nhất là tháng 12 đến tháng 1 năm sau.
  • Độ ẩm không khí: Trung bình trong năm khoảng 83,4%, chênh lệch độ ẩm giữa các tháng vào khoảng 9 – 10%.
  • Nắng và bức xạ mặt trời: Bình quân cả năm có 6 – 7,5 giờ nắng trong ngày. Tổng số giờ nắng trong năm là 2.372 giờ.
  • Mưa: Lượng mưa trung bình hàng năm là 1.840 mm và phân bố không đồng đều trong năm, tập trung chủ yếu vào các tháng 8, 9, 10. Mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau) hầu như không có mưa trong khi lượng bốc hơi cao dẫn đến tình trạng thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt.
  • Lượng bốc hơi nước trung bình hàng năm là 1.233 mm. Lượng bốc hơi nước trong các tháng mùa mưa khoảng 2 – 3 mm/ngày, trong các tháng mùa khô khoảng 4 – 5 mm/ngày.
  • Gió, bão: Có 2 loại hướng gió thường xuyên xuất hiện:
    • Gió mùa Tây Nam từ tháng 5 đến tháng 11, tốc độ bình quân 2 – 2,5m/s, mạnh nhất 22,6 m/s mang theo nhiều hơi nước nên thường có mưa.
    • Gió mùa Đông Bắc từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, khô và lạnh làm tăng độ bốc hơi và lượng mưa giảm rõ rệt.[1]

Thủy văn sửa

Chế độ thủy văn của huyện chịu ảnh hưởng lớn bởi hệ thống kênh đào Quản Lộ – Phụng Hiệp, thông qua hệ thống kênh trục và kênh nội đồng.[1]

Lịch sử sửa

Vùng đất Thạnh Trị được khai phá vào đầu thế kỷ 19 trong chính sách khai hoang vùng Châu thổ sông Cửu Long của triều Nguyễn. Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử và điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, nhưng với tinh thần đoàn kết giữa 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa đã biến vùng đất Thạnh Trị vốn sình lầy, bưng biền như câu truyền miệng "muỗi kêu như sáo, đỉa lềnh như bánh canh" thành những cánh đồng cò bay thẳng cánh, đầy ắp lúa vàng.

Địa lý hành chính của Thạnh Trị nhiều lần thay đổi theo sự biến thiên của lịch sử. Năm 1868, Thạnh Trị là một số thôn thuộc tổng Thạnh An, huyện Phong Thạnh thuộc hạt Ba Xuyên.

Năm 1876, thực dân Pháp chiếm 3 tỉnh miền Tây, lập nên tỉnh Sóc Trăng, trong đó Thạnh Trị là phần đất chính chịu sự cai trị, chủ yếu chúng vơ vét lúa gạo và của cải của người dân. Vì thế, thời điểm này hàng loạt đồn điền Tây ra đời như Đồn điền Gressier, Bắc Tam Băng, Jordan và kéo theo đó là nhiều ra máy xay lúa, kho chứa lúa gạo lớn hình thành ở vùng Châu Hưng, nên ngày nay còn lưu truyền địa danh Ông Kho.

Tháng 1 năm 1958, Thạnh Trị là một quận của tỉnh Ba Xuyên, gồm 2 tổng với 10 xã là tổng Thạnh An có 5 xã: Thạnh Trị, Châu Hưng, Châu Thới, Thạnh Kiết (Thạnh Qưới và Lâm Kiết cũ), Gia Hòa; tổng Thạnh Lợi có 5 xã: Vĩnh Lợi, Mỹ Quới, Vĩnh Quới, Tuân Tức và Tân Long.

Ngày 17 tháng 1 năm 1969, chuyển quận lỵ Thạnh Trị từ chợ Ngã Năm, xã Vĩnh Qưới đến Phú Lộc, xã Thạnh Trị.

Ngày 16 tháng 6 năm 1969, chính quyền Việt Nam Cộng hòa thành lập quận Ngã Năm thuộc tỉnh Ba Xuyên trên cơ sở tách 4 xã: Tân Long, Mỹ Quới, Vĩnh Lợi, Vĩnh Quới thuộc quận Thạnh Trị và xã Vĩnh Tân thuộc quận Long Mỹ, tỉnh Chương Thiện. Quận lỵ Ngã Năm đặt tại xã Vĩnh Qưới.

Tháng 2 năm 1976, huyện Thạnh Trị thuộc tỉnh Hậu Giang, bao gồm 2 thị trấn: Phú Lộc, Ngã Năm và 9 xã: Châu Hưng, Lâm Kiết, Long Tân, Mỹ Quới, Tân Long, Thạnh Trị, Tuân Tức, Vĩnh Lợi, Vĩnh Quới.

Ngày 21 tháng 4 năm 1979, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 174-CP[3] về việc:

  • Chia xã Vĩnh Quới thành 2 xã: Vĩnh Quới và Vĩnh Biên
  • Chia xã Tuân Tức thành 2 xã: Tuân Tức và Thạnh Cường
  • Chia xã Vĩnh Lợi thành 2 xã: Vĩnh Lợi và Vĩnh Tân
  • Chia xã Mỹ Quới thành 3 xã: Mỹ Quới, Lê Hoàng Chu và Mai Thanh Thế
  • Chia xã Châu Hưng thành 2 xã: Châu Hưng và Nam Quang
  • Chia xã Tân Long thành 2 xã: Tân Long và Dân Hòa.

Ngày 7 tháng 7 năm 1982, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định 111-HĐBT[4] về việc:

  • Chia xã Lâm Kiết thành 2 xã: Lâm Kiết và Lâm Tân
  • Chia xã Thạnh Trị thành 2 xã: Thạnh Trị và Thạnh Tân.

Từ đó, huyện Thạnh Trị có 2 thị trấn và 18 xã trực thuộc.

Ngày 16 tháng 9 năm 1989, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định 128-HĐBT[5] về việc:

  • Sáp nhập xã Thạnh Cường vào xã Tuân Tức
  • Sáp nhập xã Vĩnh Tân vào xã Vĩnh Lợi
  • Sáp nhập 2 xã: Lê Hoàng Chu và Mai Thanh Thế vào xã Mỹ Qưới
  • Sáp nhập xã Nam Quang vào xã Châu Hưng
  • Sáp nhập xã Dân Hòa vào xã Tân Long.

Ngày 26 tháng 12 năm 1991, Quốc hội khóa VIII thông qua Nghị quyết chia tỉnh Hậu Giang thành tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng[6], huyện Thạnh Trị thuộc tỉnh Sóc Trăng, bao gồm 2 thị trấn: Phú Lộc, Ngã Năm và 12 xã: Châu Hưng, Lâm Kiết, Lâm Tân, Long Tân, Mỹ Quới, Tân Long, Thạnh Tân, Thạnh Trị, Tuân Tức, Vĩnh Biên, Vĩnh Lợi, Vĩnh Quới.

Ngày 1 tháng 4 năm 2003, Chính phủ ban hành Nghị định 31/2003/NĐ-CP[7] về việc:

  • Thành lập xã Vĩnh Thành trên cơ sở 2.562,47 ha diện tích tự nhiên và 4.795 nhân khẩu của xã Vĩnh Lợi
  • Thành lập xã Long Bình trên cơ sở 2.963 ha diện tích tự nhiên và 7.812 nhân khẩu của xã Tân Long
  • Thành lập xã Mỹ Bình trên cơ sở 2.107 ha diện tích tự nhiên và 4.925 nhân khẩu của xã Mỹ Quới.

Từ đó, huyện Thạnh Trị bao gồm 2 thị trấn: Phú Lộc, Ngã Năm và 15 xã: Châu Hưng, Lâm Kiết, Lâm Tân, Long Bình, Long Tân, Mỹ Bình, Mỹ Quới, Tân Long, Thạnh Tân, Thạnh Trị, Tuân Tức, Vĩnh Biên, Vĩnh Lợi, Vĩnh Quới, Vĩnh Thành.

Ngày 31 tháng 10 năm 2003, Chính phủ ban hành Nghị định số 127/2003/NĐ-CP[8] về việc tách thị trấn Ngã Năm và 7 xã: Tân Long, Long Bình, Mỹ Quới, Mỹ Bình, Long Tân, Vĩnh Quới, Vĩnh Biên để thành lập huyện Ngã Năm (nay là thị xã Ngã Năm).

Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, huyện Thạnh Trị còn lại 28.817,42 ha diện tích tự nhiên và 84.444 người với 9 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm thị trấn Phú Lộc và 8 xã: Châu Hưng, Lâm Kiết, Lâm Tân, Thạnh Tân, Thạnh Trị, Tuân Tức, Vĩnh Lợi, Vĩnh Thành.

Ngày 23 tháng 12 năm 2009, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 64/NQ-CP[9]. về việc thành lập thị trấn Hưng Lợi trên cơ sở điều chỉnh 1.947,19 ha diện tích tự nhiên và 11.901 nhân khẩu của xã Châu Hưng.

Huyện Thạnh Trị có 2 thị trấn và 8 xã như hiện nay.

Tuy Thạnh Trị có nhiều lần thay đổi về hành chính, địa lý và dân cư,... Song về cơ bản vẫn giữ được nét riêng biệt về lịch sử truyền thống của vùng đất nhiều đau thương nhưng cũng rất anh hùng. Hơn hết tình đoàn kết của 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa cùng cộng cư trên địa bàn đã tạo thêm sức sống mới, góp phần xây dựng quê hương Thạnh Trị anh hùng ngày một phát triển.

Hành chính sửa

Huyện Thạnh Trị có 10 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 2 thị trấn: Phú Lộc (huyện lỵ), Hưng Lợi và 8 xã: Châu Hưng, Lâm Kiết, Lâm Tân, Thạnh Tân, Thạnh Trị, Tuân Tức, Vĩnh Lợi, Vĩnh Thành.

Kinh tế - xã hội sửa

Năm 2020, quy mô nền kinh tế của huyện tiếp tục phát triển khá tốt. Một số công trình kết cấu hạ tầng quan trọng đã và đang thực hiện đầu tư xây dựng, tạo động lực mới phát triển kinh tế xã hội. Đời sống người dân Thạnh Trị liên tục có những bước cải thiện đáng kể. Tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 7%. Các khu vực từng bước điều chỉnh đúng hướng, khu vực I đạt 49,34% giảm 7,71% so năm 2015; khu vực II đạt 5,32% ổn định so với năm 2015, khu vực III đạt 45,34% tăng 7,91% so với năm 2015 (năm 2015). Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người đạt 54 triệu đồng, tăng 58,8% so với năm 2015 (năm 2015 là 34 triệu đồng).[1]

Dân số sửa

Toàn huyện có diện tích tự nhiên 28.759,96 ha. Dân số tính đến năm 2010 là 86.093 người, trong đó người Kinh là 53.041 người, chiếm 61,60% dân số; người Khmer là 29.535 người, chiếm 34,31%; người Hoa là 3.486 người, chiếm 4,05%; dân tộc khác 7 người. Huyện Thạnh Trị có mật độ dân số vào loại thấp nhất của tỉnh Sóc Trăng: 299 người/km².[10]

Huyện Thạnh Trị có diện tích là 28.090 ha, dân số 86.262 người.

Huyện Thạnh Trị có diện tích là 287,47 km², dân số năm 2016 là 86.864 người. Trong đó: dân số thành thị 27.407 người chiếm 32%, dân số nông thôn 59.457 người chiếm 68%, mật độ dân số đạt 302 người/km².

Huyện Thạnh Trị có 287,18 km², dân số năm 2019 là 73.596 người, thành phần dân số gồm 3 dân tộc chính: Kinh, Hoa, Khmer). Mật độ dân số bình quân 256.28 người/km², thấp hơn so với mật độ dân số chung của tỉnh (mức trung bình của tỉnh 362 người/km²). Dân cư của huyện phân bố không đồng đều giữa các đơn vị hành chính xã, thị trấn, đa số tập trung với mật độ cao tại các xã, thị trấn, khu vực trung tâm nơi có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế.[1]

Giáo dục sửa

  • Trường THPT Trần Văn Bảy tại ấp III, thị trấn Phú Lộc
  • Trường THCS Phú Lộc tại số 42B, ấp III, thị trấn Phú Lộc
  • Trường THCS&THPT Thạnh Tân tại ấp BI, xã Thạnh Tân
  • Trường THCS&THPT Hưng Lợi tại thị trấn Hưng Lợi.

Giao thông sửa

Giao thông đường bộ sửa

Hệ thống giao thông đường bộ của huyện bao gồm[1]:

  • Quốc lộ 1: đi qua huyện với chiều dài tuyến là 6,3 km. Đây là tuyến giao thông đối ngoại quan trọng nhất đi qua huyện, nối với tỉnh Bạc Liêu về phía Nam và các huyện Mỹ Xuyên, thành phố Sóc Trăng, huyện Châu Thành, Kế Sách, thành phố Cần Thơ, các tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Long và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về hướng Đông Bắc. Đây là một lợi thế quan trọng của huyện trong vùng.
  • Quốc lộ 61B: từ Quốc lộ 1 tại thị trấn Phú Lộc qua thị xã Ngã Năm tới thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang với chiều dài 11,21 km, mặt đường láng nhựa rộng 6m. Đây là tuyến quan trọng thứ 2 của huyện nối với tỉnh Hậu Giang.
  • Đường tỉnh 937B: từ Quốc lộ 1A tại thị trấn Phú Lộc qua thị trấn Hưng Lợi, xã Châu Hưng và xã Vĩnh Lợi sang tỉnh Bạc Liêu với chiều dài tuyến 15,6 km, mặt đường láng nhựa rộng 5m.
  • Đường tỉnh 938: từ thành phố Sóc Trăng qua huyện Mỹ Tú, huyện Thạnh Trị, thị xã Ngã Năm tới đường tỉnh 937B tại xã Vĩnh Lợi với chiều dài tuyến 12,77 km, mặt đường đá 4m, nền đường 6m.
  • Đường tỉnh 940: từ huyện Mỹ Tú qua huyện Thạnh Trị tới huyện Mỹ Xuyên, thị xã Vĩnh Châu, vùng kinh tế biển Sóc Trăng với chiều dài tuyến 7,02 km, mặt đường láng nhựa rộng 3,5m, nền đường rộng 6m.
  • Đường huyện: có 10 tuyến với tổng chiều dài 122,38 km, mặt đường láng nhựa hoặc bê tông xi măng và đường đất.
  • Đường đô thị: có 28 tuyến với tổng chiều dài là 10,635 km, mặt đường láng nhựa và bê tông xi măng.
  • Giao thông nông thôn: có 154 tuyến với tổng chiều dài 385,13 km chủ yếu là đường bê tông xi măng và một số đường đất.
  • Mật độ giao thông bộ của huyện Thạnh Trị tính theo diện tích là 0,64 km/km² (mật độ của tỉnh là 0,35 km/km²).
  • Mật độ đường giao thông tính theo dân số là 2,16 km/1.000 dân (của tỉnh Sóc Trăng là 0,9 km/1.000 dân).

Giao thông đường thủy sửa

Huyện Thạnh Trị có mạng lưới giao thông đường thủy khá phát triển. Qua địa bàn huyện có 4 tuyến đường thủy do tỉnh quản lý với chiều dài là 39 km và 125 km tuyến sông, kênh do huyện quản lý với tổng chiều dài là 463,2 km.[1]

Chú thích sửa

  1. ^ a b c d e f g h i “Dự thảo quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 huyện Thạnh Trị”. HĐND & UBND huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng. 12 tháng 10 năm 2021.
  2. ^ Tổng cục Thống kê
  3. ^ “Quyết định 174-CP năm 1979 về việc điều chỉnh địa giới một số xã thuộc tỉnh Hậu Giang”.
  4. ^ “Quyết định 111-HĐBT năm 1982 về việc phân vạch địa giới một số xã thuộc tỉnh Hậu Giang”.
  5. ^ Quyết định 128-HĐBT về việc phân vạch, điều chỉnh địa giới một số xã thuộc các huyện Châu Thành, Mỹ Xuyên, Ô Môn, Phụng Hiệp, Thốt Nốt, Vị Thanh, Vĩnh Châu, tỉnh Hậu Giang
  6. ^ “Nghị quyết về việc phân vạch lại địa giới hành chính một số tỉnh do Quốc hội ban hành”.
  7. ^ “Nghị định 31/2003/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành lập xã thuộc huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng”.
  8. ^ “Nghị định 127/2003/NĐ-CP về việc thành lập huyện Ngã Năm thuộc tỉnh Sóc Trăng”.
  9. ^ “Nghị quyết số 64/NQ-CP năm 2009 về việc điều chỉnh địa giới hành chính các xã để thành lập thị trấn thuộc các huyện: Thạnh Trị, Long Phú; điều chỉnh địa giới hành chính huyện Long Phú và huyện Mỹ Xuyên để thành lập huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng”.
  10. ^ “Lịch sử hình thành”. Cổng thông tin điện tử huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng. 7 tháng 9 năm 2018.

Tham khảo sửa