Thục tần Thôi thị

(Đổi hướng từ Thục tần họ Thôi)

Hòa Kính Thục tần Thôi thị (chữ Hán: 和敬淑嬪崔氏; Hangul: 숙빈 최씨; 6 tháng 11 năm 1670 - 9 tháng 3 năm 1718), còn gọi là Dục Tường Cung (毓祥宮), là một Hậu cung tần ngự trong Nội mệnh phụ của Triều Tiên Túc Tông, mẹ đẻ của Triều Tiên Anh Tổ, và là một trong bảy người được sử gọi là Thất cung của Triều Tiên.

Hòa Kính Thục tần
和敬淑嬪
Nội mệnh phụ Triều Tiên
Thông tin chung
Sinh6 tháng 11, năm 1670
Tư đệ ở phường Dư Khánh
Mất9 tháng 3, 1718(1718-03-09) (47 tuổi)
Tư đệ ở Chương Nghĩa đồng
An tángChiêu Ninh viên (昭寧園), Kinh Kỳ đạo
Phu quânTriều Tiên Túc Tông
Hậu duệTriều Tiên Anh Tổ
Thụy hiệu
Hòa Kính Huy Đức An Thuần Tuy Phúc Thục tần
(和敬徽德安純綏福淑嬪)
Miếu hiệu
Dục Tường Cung (毓祥宮)
Tước hiệu[Thục viên; 淑媛]
[Thục nghi; 淑儀]
[Quý nhân; 貴人]
[Thục tần; 淑嬪]
Hoàng tộcNhà Triều Tiên
Thân phụChoi Hyo Won
Thân mẫuNamyang Hong thị
Thục tần Thôi thị
Hangul
숙빈 최씨
Hanja
淑嬪崔氏
Romaja quốc ngữSukbi Choissi
McCune–ReischauerSukbi Choissi
Hán-ViệtThục phi Choi thị

Tiểu sử sửa

Thục tần Thôi thị không rõ tên thật là gì, sinh vào ngày 6 tháng 11 âm lịch, năm Hiển Tông thứ 11. Bà người Haeju, là thứ nữ của Tặng Lĩnh Nghị chính Choi Hyo-won (崔孝元; 최효원, 1638 – 1672) và Trinh Kính phu nhân Namyang Hong thị (贈貞敬夫人南陽洪氏; 1639 – 1673). Ông nội của bà là Choi Tae-il (崔泰逸, 최태일), còn cụ nội tên là Choi Mal-jeong (崔末貞, 최말정). Mẹ bà là con gái của Hong Gye-nam (洪繼南, 홍계남). Ngoài ra bà có một em trai và một chị gái. Khi còn nhỏ, cha mẹ bà đều qua đời.

Năm 1677, khi được 7 tuổi thì bà nhập cung làm Thủy tứ cho Trung điện Mẫn thị.

Hậu cung tần ngự sửa

Năm 1688, Chiêu nghi Jang Ok-jeong, một tần ngự được hậu thuẫn bởi phái Namin, sinh hạ Vương tử Yi Gun. Túc Tông muốn tấn phong Chiêu nghi Jang thị lên hàng chính nhất phẩm Tần(嬪)[1] và lập Vương trưởng tử làm Vương thế tử. Sự phản đối quyết liệt của những quan lại thuộc phái Tây Nhân khiến Túc Tông vô cùng tức giận và tiến hành Hoán cục, đó gọi là Kỷ Tị hoán cục (己巳換局), loại bỏ phái Tây Nhân ra khỏi Nội các.

Năm 1689, ngày 4 tháng 5, Min Trung điện bị phế truất, Jang Ok-jeong được lập làm Vương phi. Một lần, vào ngày sinh nhật của Phế phi Min thị, nội nhân họ Choi bí mật cầu phúc cho Phế phi tại phòng của mình. Túc Tông đi qua nghe được, thấy rất cảm động và sủng hạnh bà. Năm 1693, bà được lập làm Chính tứ phẩm nội mệnh phụ Thục viên (淑媛)[2], đồng thời được ban Bảo Khánh đường (寶慶堂) tại Changdeokgung làm tẩm cung.

Năm 1693, tháng 10, Thục viên Choi thị sinh hạ Vương tử Vĩnh Thọ (永壽), nhưng 2 ngày sau thì chết yểu. Sang năm 1694, ngày 1 tháng 6, Phế phi Min được phục vị, Vương phi Jang thị bị phế vị trở lại tước Hy tần (禧嬪). Ngày 13 tháng 9, cùng năm đó bà sinh hạ Vương tử Lý Khâm (李昑), tức Triều Tiên Anh Tổ về sau. Khi ấy, Lý Khâm được phong tước Diên Nhưng quân (延礽君). Năm đó, bà được tấn phong làm Tòng nhị phẩm Thục nghi (淑儀)[3]. Về sau bà sinh hạ 1 vương tử nữa nhưng cũng bị chết yểu.

Năm 1695, vào dịp sinh nhật Diên Nhưng quân, bà được nâng lên hàng Tòng nhất phẩm Quý nhân (貴人)[4]. Năm 1699, để kỉ niệm việc Trung điện Min thị phục vị, bà lại được tấn phong lên hàng Chính nhất phẩm Thục tần (淑嬪)[1], ngang hàng với Jang Hy tần.

Năm 1701, Trung điện Mẫn thị qua đời một cách đột ngột, có thuyết cho rằng do bị bệnh từ những ngày bị lưu đày. Nhà vua ban thụy hiệu cho Vương hậu là Nhân Hiển Vương hậu (仁顯王后). Căn cứ Túc Tông thực lục (肅宗實錄) và Đan Nham mạn lục (丹巖漫錄) của Mẫn Trấn Viễn (閔鎮遠), Thôi Thục tần đã tố cáo với Túc Tông rằng Trương Hy tần đã dùng thuật vu cổ (巫蠱之術) để ám hại Trung điện Mẫn thị. Ngày 10 tháng 10, năm đó, Trương Hy tần bị xử tử bằng độc dược, thọ 42 tuổi. Sau khi chết, Trương Hy tần vẫn được giữ nguyên tước hiệu nhằm đảm bảo địa vị của Thế tử Lý Quân.

Năm 1702, Túc Tông sắc phong Gyeongju Kim thị làm Kế phi, đồng thời ra chiếu chỉ cấm các Hậu cung từ nay về sau không được lên làm Vương phi nhằm ngăn chặn những âm mưu của các Tần ngự nhằm đoạt ngôi Trung điện, ông cũng ban chỉ Thế tử Lý Quân nhận Kế phi Kim thị làm dưỡng mẫu. Năm 1703, con trai của Thôi Thục tần là Diên Nhưng quân được Kim Kế phi yêu mến và nhận làm dưỡng tử.

Cuối đời sửa

Năm 1716, Thôi Thục tần lâm bệnh nặng, chuyển về sống tại Lê Hiện cung (梨峴宮, 이현궁) mà Túc Tông đã ban chuẩn cho bà năm 1704. Năm 1718, vào ngày 9 tháng 3, Thôi Thục tần qua đời ở Lê Hiện cung, hưởng thọ 48 tuổi, được chôn cất tại Chiêu Ninh viên (昭寧園) ở Pha Châu.

Năm 1724, Diên Nhưng quân lên ngôi vua, tức Triều Tiên Anh Tổ. Để tận hiếu với mẫu thân, Cảnh Tông truy tặng cho mẫu thân thụy hiệu Huy Đức (徽德), khắc trên bia mộ những câu chuyện chính ông viết về bà qua ký ức và đặt bốn trụ đá đặt ở bốn góc mộ, đồng thời xây dựng Dục Tường miếu (毓祥廟) trong Xương Đức cung để thờ phụng bà.

Năm 1744, Triều Tiên Anh Tổ tiếp tục truy tôn cho Choi Thục tần làm Hòa Kính Huy Đức An Thuần Tuy Phúc Thục Tần (和敬徽德安純綏福淑嬪) và truy tặng cho bà miếu hiệu Dục Tường Cung (毓祥宮).

Trong văn hoá đại chúng sửa

Xem thêm sửa

Chú thích sửa

  1. ^ a b Chính nhất phẩm trong Nội mệnh phụ
  2. ^ Tòng tứ phẩm trong Nội mệnh phụ
  3. ^ Tòng nhị phẩm trong Nội mệnh phụ
  4. ^ Tòng nhất phẩm trong Nội mệnh phụ