Trận Podol, còn gọi là Trận Podoll[14] là một hoạt động quân sự trong cuộc Chiến tranh Bảy tuần năm 1866[15], đã diễn ra vào ngày 26 tháng 6 năm 1866 trong chiến dịch quyết định ở xứ Böhmen[13], tại Podol – một địa điểm nằm trên sông Iser.[16] Đây là một cuộc giao chiến quyết liệt,[17] và kết thúc với chiến thắng của lực lượng tiền vệ thuộc Binh đoàn thứ nhất của quân đội Phổ dưới quyền tổng chỉ huy của Hoàng tử Friedrich Karl[18] – nói cách khác là Lữ đoàn số 15 dưới sự điều khiển của Chuẩn tướng Julius von Bose – trước "Lữ đoàn Sắt" do tướng Ferdinand Poschacher von Poschach chỉ huy thuộc Quân đoàn I của Đế quốc Áo dưới quyền chỉ huy của viên tướng Edouard Clam-Gallas[9][19]. Trận chiến Podol được xem như thắng lợi lớn đầu tiên của các lực lượng Phổ trong cuộc chiến tranh với Áo,[4] khiến cho Cam-Gallas phải phát lệnh thực hiện một cuộc rút lui hoàn toàn sau khi phải hứng chịu những thiệt hại nặng nề. Trong khi đó, quân đội Phổ thắng trận chỉ bị thiệt hại nhỏ,[10] và trận đánh này đã cho thấy tác dụng của hỏa lực khủng khiếp của súng trường nạp hậu Dreyse của người Phổ trong việc quét sạch hoàn toàn các đoàn quân hùng dũng của đối phương[2][20][21] (trước đó, chiến thuật hỏa lực của người Phổ đã giáng đòn nặng nề vào quân Áo trong trận Hühnerwasser).[9] Chiến thắng Podol và sức mạnh của súng trường nạp hậu của quân Phổ đã đặt tiền đề cho những gì còn lại của chiến dịch Böhmen.[22] Ngoài ra, thắng lợi trong trận đánh về đêm tại Podol tạo điều kiện cho quân Phổ tiến đến Gitschin theo con đường ngắn nhất.[19]

Trận chiến Podol
Một phần của cuộc Chiến tranh Áo-Phổ

Giao tranh về đêm tại Podol (1866), hình vẽ năm 1866.
Thời gian26 tháng 6 năm 1866 [1]
Địa điểm
Kết quả Quân đội Phổ giành chiến thắng lớn;[4] quân đội Áo buộc phải triệt thoái về Münchengrätz[5], và chịu thiệt hại nặng nề.
Tham chiến
Vương quốc Phổ Vương quốc Phổ Đế quốc Áo (1804–1867) Đế quốc Áo
Chỉ huy và lãnh đạo
Vương quốc Phổ Hoàng tử Friedrich Karl[6]
Vương quốc Phổ Tướng von Bose [7]
Đế quốc Áo (1804–1867) Tướng Clam-Gallas [8]
Đế quốc Áo (1804–1867) Tướng Poschacher[9]
Đế quốc Áo (1804–1867) Đại tá Von Bergou[10]
Thành phần tham chiến
Vương quốc Phổ Lữ đoàn số 15 thuộc Binh đoàn I[9][11] Đế quốc Áo (1804–1867) "Lữ đoàn Sắt" của Quân đoàn I[9][12]
Lực lượng
Không rõ 3.000 quân [12]
Thương vong và tổn thất
130 quân thương vong[13] (bao gồm sĩ quan và 118 binh lính[10]) 33 sĩ quan và 1.015 binh lính thương vong[9] (trong đó có 600 tù binh không bị thương người gốc Ba LanUkraina) [10]

Vào nửa cuối tháng 6 năm 1866, ba binh đoàn của Phổ đã xâm chiếm Böhmen và hoạch định là sẽ hội quân tại Gitschin.[11] Sau khi kéo quân đến Reichenberg, Hoàng tử Friedrich Karl – Tổng tư lệnh Binh đoàn thứ nhất của Phổ – đã ra lệnh cho đội quân chủ lực của ông chờ nghênh chiến với Binh đoàn Elbe của Áo vào ngày 26 tháng 6 năm 1866. Trong ngày hôm ấy, lực lượng tiền vệ của quân Phổ đã đến Hühnerwasser và đánh bại một đạo quân của Áo. Tuy nhiên, Friedrich Karl đã phái Sư đoàn số 8 tiến hành thám sát Liebenau. Sau một cuộc đụng độ, quân kỵ binh Áo phải rút chạy xuống Turnau tới Münchengrätz. Hoàng tử Phổ đã ra lệnh cho hai sư đoàn khác của ông tiến quân, và họ đã đến Eisenbrod và Turnau. Trong khi ấy, Sư đoàn số 8 tiếp tục bước tiến của mình,[23] và đến đêm ngày 26 tháng 6, quân tiên phong của Lữ đoàn số 15 (tướng Von Bose) đã đến Podol. Sau khi hội kiến với viên chỉ huy quân đội xứ Sachsen, Cam-Gallas quyết định tạo một cú thọc vào chiến tuyến sông Iser trước khi quân tiếp viện của Phổ nhập cuộc.[9] Và, trong đêm hôm đó, "Lữ đoàn Sắt" của Áo đã tiến quân, trong khi khi tư lệnh lữ đoàn của Áo là tướng Poschacher còn vắng mặt và Đại tá von Bergou đã chỉ huy lữ đoàn thay ông.[10] Các thành phần thuộc "Lữ đoàn Sắt" của Áo đã "chào đón" các lực lượng kỳ binh Phổ tiến xuống từ hướng bắc bằng một loạt đạn và dựng chiến lũy tại thị trấn Podoll.[9] Mặc dù bị đánh thiệt hại nặng, lính bắn súng trường của Phổ đã nhanh chóng phản hồi. Tiếng súng nổ ầm ĩ trên trận địa, song Thiếu tá Hagen – người chỉ huy của Tiểu đoàn số 2 – đã kịp thời tăng viện cho lính Jäger của Phổ[14]. Được sự tiếp viện của ba tiểu đoàn bộ binh, quân đội Phổ đã tiếp tục tiến công.[9] Quân đội Áo đã phát động một cuộc tấn công bằng lưỡi lê để đánh bật địch thủ ra khỏi Podoll,[12], và hai bên đã cận chiến khốc liệt trên đường phố để tranh giành quyền kiểm soát Podoll[9]. Trước sức mạnh khủng khiếp của súng trường nạp hậu của Phổ, với tốc độ bắn nhanh và chính xác[22], các đội hình dày đặc của Áo đã trở thành miếng mồi ngon[9][10]. Sau khi cuộc tấn công của quân Áo bị mất đà, quân Phổ với tinh thần kỷ cương cao thừa thắng đã thọc sâu và thị trấn, trên từng nẻo đường,[12] đẩy bật quân Áo qua sông Iser.[9][24] Von Poschacher cùng với Cam-Gallas bị buộc phải hủy bỏ các đợt tấn công của mình.[10]

Trong khi các lực lượng Phổ đang cầm chắc thế thượng phong tại Podol, một tiểu đoàn khác của Phổ đã vượt ngược sông Iser, nhằm tấn công vào sườn và hậu quân của các lực lượng Áo đang chiến đấu trong thị trấn. Mặc dù vậy, họ đã vấp phải hai tiểu đoàn trừ bị của Poschacher vốn đang trú ẩn trong một căn nhà đá. Cam-Gallas đã xuống lệnh cho lực lượng trừ bị của mình tiến công quân Phổ, song, mặc dù bị áp đảo hoàn toàn về quân số[9], quân đội Phổ đã đánh cho đối phương thiệt hại nặng nề[10]. Ba cuộc tấn công của quân đội Áo đã bị đánh bại, sau đó các đại đội Phổ đã rút lui do hết đạn.[9] Cuộc bại trận tại Podol đã mang lại thiệt hại gấp 10 lần, và cuối cùng đã buộc Cam-Gallas phải tiến hành rút quân về Münchengrätz vào đầu buổi sáng ngày 27 tháng 6[12].[10][25] Sự nhiệt huyết và năng động của các tướng lĩnh Phổ (trong đó có sự quyết đoán và năng nổ của tướng Von Bose), và sự thiếu quyết đoán của bộ chỉ huy quân Áo được xem là những nguyên nhân dẫn đến đại thắng của quân Phổ tại trận Podol.[19] Đồng thời, cũng như những trận đánh khác trong khúc dạo đầu của cuộc chiến, trận Podol đã chứng tỏ rõ rệt ưu thế về mặt chiến thuật của Phổ.[26] Với chiến thắng tại Podol, Von Bose đã đục thủng chiến tuyến sông Iser của Tổng tư lệnh quân đội Áo Ludwig von Benedeck, đặt tiền đề cho ba binh đoàn Phổ hợp vây quân Áo.[4]

Chú thích sửa

  1. ^ B. Dexter Hoyos, Truceless War: Carthage's Fight for Survival, 241 to 237, trang 45
  2. ^ a b "Men who have made the new German empire. A series of brief biographic sketches"
  3. ^ Blackwood's Magazine, Tập 100, trang 253
  4. ^ a b c Geoffrey Wawro, The Franco-Prussian War: The German Conquest of France in 1870-1871, trang 131
  5. ^ "Wars of the century and the development of military science"
  6. ^ Trevor Nevitt Dupuy, Curt Johnson, David L. Bongard, The Harper encyclopedia of military biography , trang 261
  7. ^ United Service Institution of India, Journal of the United Service Institution of India, Tập 1-2, trang 91
  8. ^ Gordon Alexander Craig, Theodor Fontane, trang 75
  9. ^ a b c d e f g h i j k l m n Geoffrey Wawro, The Austro-Prussian War: Austria's War with Prussia and Italy in 1866, các trang 131-134.
  10. ^ a b c d e f g h i Gordon A. Craig, The Battle of Königgrätz: Prussia's Victory Over Austria, 1866, các trang 51-54.
  11. ^ a b Day Otis Kellogg, William Robertson Smith, The Encyclopaedia Britannica: latest edition. A dictionary of arts, sciences and general literature, Tập 3, trang 140
  12. ^ a b c d e Christopher M. Clark, Iron Kingdom: The Rise And Downfall of Prussia, 1600-1947, trang 540
  13. ^ a b MacGregor Knox, Williamson Murray, The Dynamics of Military Revolution, 1300-2050, trang 109
  14. ^ a b Henry Montague Hozier (sir.), The Seven weeks' war, các trang 164-168.
  15. ^ Tony Jaques, Dictionary of Battles and Sieges: A Guide to 8,500 Battles from Antiquity Through the Twenty-First Century, Tập 3, trang 805
  16. ^ "A short history of Germany"
  17. ^ Frank Moore Colby, Talcott Williams, The New international encyclopaedia, Tập 20, trang 744
  18. ^ "Political history of recent times, 1816-1875, with special reference to Germany"
  19. ^ a b c "Modern war"
  20. ^ John Douglas Cook, Philip Harwood, Walter Herries Pollock, Frank Harris, Harold Hodge, The Saturday Review of Politics, Literature, Science and Art, Tập 23, trang 148
  21. ^ Sir Alexander Malet, The overthrow of the Germanic confederation by Prussia in 1866, Tập 1, trang 408
  22. ^ a b Robert A. Doughty, Warfare in the Western World: Military operations from 1600 to 1871, trang 479
  23. ^ Germany 1815-90; Vol II 1852-71, trang 275
  24. ^ Royal United Services Institute for Defence Studies, Journal of the Royal United Services Institute for Defence Studies, Tập 28, trang 58
  25. ^ George Bradshaw, Bradshaw's illustrated hand-book to Germany, trang 125
  26. ^ Steven T. Ross, From Flintlock to Rifle: Infantry Tactics, 1740-1866, trang 177

Đọc thêm sửa

Liên kết ngoài sửa