Vườn quốc gia Kon Ka Kinh

Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh là một vườn quốc gia của Việt Nam, được thành lập theo Quyết định số 167/2002/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2002 của Thủ tướng chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trên cơ sở chuyển đổi và nâng cấp từ Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Ka Kinh.

Vườn quốc gia Kon Ka Kinh
IUCN II (Vườn quốc gia)
Vị trí Vườn quốc gia Kon Ka Kinh
Vị trí Vườn quốc gia Kon Ka Kinh
Vị tríTây Nguyên, Việt Nam
Thành phố gần nhấtPleiku, Kon Tum
Tọa độ14°20′0″B 108°22′0″Đ / 14,33333°B 108,36667°Đ / 14.33333; 108.36667
Diện tích417,80 km²
Thành lập2002
Cơ quan quản lýUBND tỉnh Gia Lai

Vườn quốc gia Kon Ka Kinh là một khu vực ưu tiên về bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam, khu vực và quốc tế mà trong tương lai nó còn là một địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn.

Ngoài sự đa dạng và phong phú của hệ động thực vật rừng, Vườn quốc gia Kon Ka Kinh đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ lưu vực đầu nguồn của các con sông như sông Basông Đắk Pne, cung cấp nước tưới tiêu cho hàng ngàn ha cà phê, hồ tiêu, đất nông nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt cho các huyện của tỉnh Gia LaiKon Tum. Phía tây của vườn quốc gia là một phần lưu vực của nhà máy thủy điện Yaly.

Thông tin chung sửa

Vườn quốc gia Kon Ka Kinh nằm trên cao nguyên Kon Tum, thuộc địa bàn ba huyện Mang Yang, KbangĐak Đoa của tỉnh Gia Lai. Phần trung tâm nằm ở xã Ayun, huyện Mang Yang, phía đông bắc tỉnh Gia Lai, cách thành phố Pleiku khoảng 50 km về hướng đông bắc, phân bố trên diện tích 41.780 ha với tọa độ địa lý từ 14°09′ đến 14°30′ vĩ bắc và từ 108°16′ đến 108°28′ kinh đông. Phía bắc giáp xã Đắk Roong huyện Kbang, phía nam giáp xã Hà Ra và một phần xã A Yun, xã Đắk Yă cùng huyện Mang Yang, phía đông giáp các xã Đắk Roong, Kon Pne, Kroong và Lơ Ku huyện Kbang, phía tây giáp xã Hà Đông huyện Đak Đoa.

Vườn quốc gia Kon Ka Kinh có tên trong danh sách các khu rừng đặc dụng từ năm 1986 theo Quyết định số 194/CT ngày 9 tháng 8 năm 1986 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng CHXHCN Việt Nam, với diện tích 28.000 ha nhằm bảo tồn rừng cận nhiệt đới núi cao với các loài hạt trần. Năm 1999, Viện điều tra quy hoạch rừng Việt Nam (FIPI) kết hợp với Tổ chức Chim quốc tế (BirdLife Intemational) xây dựng Dự án đầu tư thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Ka Kinh. Dự án này được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Gia Lai thẩm định, phê duyệt cùng năm, với diện tích là 41.780 ha. Vườn quốc gia Kon Ka Kinh là một trong 4 vườn quốc gia của Việt Nam (cùng Ba Bể, Chư Mom RayHoàng Liên), đồng thời là một trong 27 vườn của khu vực Đông Nam Á được công nhận là vườn di sản ASEAN[1][2].

Địa hình sửa

Độ cao của vườn quốc gia Kon Ka Kinh nằm trong khoảng từ 570 m (thung lũng sông Ba) tới 1.748 m (đỉnh Kon Ka Kinh). Các dòng suối từ phía đông vườn quốc gia cấp nước cho sông Ba, con sông chảy ngoàn ngoèo gần như theo hướng bắc-nam tới khi hợp lưu với sông A Yun rồi đổi hướng thành gần như tây bắc-đông nam để đổ vào Biển Đông gần thành phố Tuy Hòa; trong khi ở phía tây con sông là lưu vực của các sông nhánh cho sông Mê Kông. Do địa hình dốc đứng, các sông suối bắt nguồn từ vườn quốc gia thường ngắn, hẹp và chảy nhanh với nhiều thác nước.

Vườn quốc gia Kon Ka Kinh có khoảng 33.565 ha rừng tự nhiên, chiếm 80% tổng diện tích của nó. Vườn quốc gia này hỗ trợ cho một loạt các kiểu môi trường sống miền núi. Cụ thể, ở đây có khoảng 2.000 ha rừng hỗn giao lá kim và lá rộng, chứa chủ yếu là pơ mu (Fokienia hodginsii).

Địa chất[3] sửa

Nền địa chất của VQG Kon Ka Kinh được hình thành từ 4 nhóm đá mẹ sau:

- Nhóm đá Magma axit, chủ yếu là đá Granite.

- Nhóm đá Magma kiềm trung tính, chủ yếu là đá Bazan.

- Nhóm đá Phiến sét biến chất, chủ yếu là Phiến thạch sét, Phiến thạch mica.

- Nhóm vật chất dốc tụ ven suối, chủ yếu là phù sa mới.

Khí hậu sửa

VQG Kon Ka Kinh nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có 2 mùa phân tách khá rõ rệt trong một năm, mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11 và mùa khô bắt đầu từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau.

- Chế độ nhiệt: Nhiệt độ trung bình hàng năm từ  21- 25°C. Tháng có nhiệt độ cao nhất là tháng 5 với nhiệt độ trung bình là 25°C. Tháng có nhiệt độ thấp nhất là tháng 1 với nhiệt độ trung bình là 16°C, riêng khu vực đỉnh Kon Ka Kinh có nhiệt độ dưới 15°C.

- Lượng mưa: Tổng lượng mưa trung bình biến động từ 2.000 - 2.500 mm, lượng mưa tập trung từ tháng 5 đến tháng 11, chiếm 70 - 75% lượng mưa cả năm. Tháng có lượng mưa cao nhất là tháng 8, và thấp nhất là tháng 1.

- Độ ẩm bình quân năm: 80%, độ ẩm cao nhất vào các tháng mùa mưa với 87%, các tháng mùa khô có độ ẩm tương đối thấp, độ ẩm thấp nhất là 71%.

- Chế độ gió: Trong vùng thịnh hành 2 hướng gió chính là gió mùa Tây Nam thổi trong các tháng mùa khô và gió mùa Đông Bắc thổi trong các tháng mùa mưa. Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh nằm trong khu vực ít chịu ảnh hưởng của Bão.[4]

Thủy văn sửa

Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh có 3 hệ thống suối chính thuộc đầu nguồn của các con sông trong vùng, với nhiều nhánh suối nhỏ, có mật độ tương đối dày, phân bố tương đối đều. Đặc điểm của hệ thống suối nơi đây là về mùa mưa có lưu lượng nước khá lớn, mùa khô lại rất thấp.

   - Lưu vực sông Ba: Là hệ sông lớn nhất, được bắt nguồn từ các nhánh suối ở phía Bắc xã Đăk Roong, chảy theo hướng Bắc Nam, chảy qua Vườn Quốc gia tại tiểu khu 18 với chiều dài khoảng 11 km. Toàn bộ các hệ thống suối ở mạn sườn Đông Bắc, Đông Nam Kon Ka Kinh đều thuộc lưu vực của sông Ba, với diện tích khoảng 230 km². Mô đun dòng chảy trung bình toàn lưu vực đạt 22,2 l/s/km², vùng thượng lưu có lưu lượng dòng chảy trung bình năm cao 40-50 l/s/km². Hệ số dòng chảy lưu vực thấp, trung bình đạt 0,41.

   - Lưu vực sông Đăk Pne: Bắt nguồn từ nhiều nhánh suối ở sườn Tây dãy Kon Ka Kinh thuộc địa bàn xã Kon Pne, với diện tích lưu vực khoảng 144 km². Sông Đăk Pne chảy theo hướng Bắc, nhập với sông Đăk Bla tại huyện Kon Plông, chảy qua thành phố Kon Tum, nhập với sông Pô Kô, cung cấp nước cho Nhà máy thủy điện Ya Ly, thủy điện Sê San III...

   - Lưu vực sông A Yun: Bắt nguồn từ sườn Nam của dãy Kon Ka Kinh, với tổng diện tích lưu vực là 60 km².[5]

Sinh vật sửa

Thực vật sửa

Do đặc điểm đa dạng về địa hình, độ cao, khí hậu, đất đai và các nhân tố hình thành rừng khác đã tạo cho hệ thực vật rừng ở Vườn quốc gia Kon Ka Kinh khá phong phú và đa dạng. Đây là điểm hội tụ của các luồng thực vật sau:

Kết quả điều tra hệ thực vật rừng ở vườn quốc gia Kon Ka Kinh đã thống kê được 1022 loài thực vật thuộc 568 chi và 158 họ thực vật có mạch. Nghành khuyết thực vật 80 loài (thuộc 24 họ, 41 chi), ngành hạt trần 14 loài (thuộc 7 họ, 8 chi), ngành hạt kín 928 loài (thuộc 127 họ, 519 chi). Số loài ghi nhận mới trên cơ sở tra cứu mẫu vật đầy đủ là 119 loài, thuộc 111 chi và 59 họ thực vật có mạch.[6] Vườn quốc gia Kon Ka Kinh có hệ thực vật rất phong phú, đa dạng về thành phần loài. Đặc biệt có rất nhiều loài thực vật đặc hữu, quý hiếm cần phải bảo tồn nguồn gen như:

  1. Có 11 loài đặc hữu là: thông Đà Lạt (Pinus dalatensis), hoa khế, gõ đỏ (Afzelia xylocarpa), trắc trung (Dalbergia annamensis), xoay (Dialium cochinchinense), bọ nẹt Trung Bộ (Alchornea annamica), du moóc, song bột (Calamus poilanei), lọng hiệp, hoàng thảo vạch đỏ (Dendrobium bellatulum).
  2. Hệ thực vật rừng vườn quốc gia Kon Ka Kinh có 34 loài quý, hiếm, có giá trị bảo tồn nguồn gien và nghiên cứu khoa học, đã được ghi trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Trong tổng số 34 loài ghi trong sách đỏ, có 24 loài ghi trong sách đỏ Việt Nam, bao gồm 2 loài thuộc cấp E (đang nguy cấp, bị đe dọa tuyệt chủng), 6 loài ở cấp V (sẽ nguy cấp, có thể bị đe dọa tuyệt chủng), 7 loài thuộc cấp R (hiếm), 1 loài thuộc cấp bị đe doạ (T), và 8 loài thuộc cấp K (không biết chính xác). Theo phân loại của IUCN năm 1997 có 141 loài nằm trong sách đỏ thế giới gồm 1 loài thuộc cấp E, 2 loài bị đe dọa ở cấp V, 12 loài thuộc cấp hiếm.

Thảm thực vật chính[7] sửa

Rừng kín thường xanh, mưa ẩm nhiệt đới núi trung bình: sửa

Kiểu rừng này có tổng diện tích 26.480 ha, chiếm 63,1% tổng diện tích tự nhiên của Vườn Quốc gia, phân bố rộng tất cả các tiểu khu trong Vườn Quốc gia, từ độ cao ≥ 1.000 m, song tập trung nhiều trong vùng trung tâm, nơi có đất feralit vàng đỏ phát triển trên đá granit có độ dày từ trung bình đến dày. Nhiệt độ không khí trung bình năm nằm trong khoảng 15 - 200C, lượng mưa trung bình từ 1.500 - 2.000 mm/năm.

Tùy vào mức độ tác động của con người, mà kiểu rừng này được phân thành các kiểu phụ sau:

  • Kiểu phụ nguyên sinh rừng kín thường xanh mưa mùa nhiệt đới núi trung bình:

Có tổng diện tích 20.684,3 ha, chiếm 49,3% tổng diện tích tự nhiên của Vườn Quốc gia, phân bố khá rộng ở hầu khắp các tiểu khu trong Vườn Quốc gia, nhưng tập trung nhiều trong vùng lõi.

  • Kiểu phụ thứ sinh nhân tác rừng kín thường xanh mưa mùa nhiệt đới núi trung bình nghèo kiệt:

Có tổng diện tích 1.541,3 ha, chiếm 3,7% tổng diện tích tự nhiên, phân bố rải rác, manh mún trên khắp các tiểu khu trong Vườn Quốc gia.

  • Kiểu phụ thứ sinh nhân tác rừng kín thường xanh mưa mùa nhiệt đới núi trung bình phục hồi:

Có tổng diện tích 4.254,4 ha, chiếm 10,1% tổng diện tích tự nhiên, phân bố tập trung chủ yếu ở phía Đông của Vườn Quốc gia.

Rừng kín thường xanh, mưa ẩm nhiệt đới núi thấp: sửa

Kiểu rừng này có diện tích 7.956,2 ha, chiếm 18,9% tổng diện tích tự nhiên, phân bố rải rác ở các khu vực vùng biên phía Đông, Đông Bắc, Tây Nam, Tây Bắc của Vườn Quốc gia, ở những nơi có độ cao ≤ 1.000 m, lượng mưa bình quân năm từ 1.500 - 2.000 mm, nhiệt độ không khí trung bình năm từ 15 - 20 0C. Cấu trúc và thành phần các họ thực vật cây gỗ lá rộng tạo rừng của kiểu rừng này cũng tương tự như đối với kiểu rừng kín thường xanh mưa mùa nhiệt đới núi trung bình. Tùy vào mức độ tác động vào rừng, mà kiểu rừng này đượcchia thành các kiểu rừng chính như sau:

  • Kiểu phụ nguyên sinh rừng kín thường xanh mưa mùa nhiệt đới núi thấp.
  • Kiểu phụ thứ sinh nhân tác rừng kín thường xanh mưa mùa nhiệt đới núi thấp nghèo kiệt.
  • Kiểu phụ thứ sinh nhân tác rừng kín thường xanh mưa mùa nhiệt đới núi thấp phục hồi.

Rừng hỗn giao cây lá rộng lá kim mưa mùa nhiệt đới núi trung bình

Diện tích 1.780,8 ha, chiếm 4,2% diện tích tự nhiên, phân bố chủ yếu ở đai cao ≥ 1.000 m tại vùng trung tâm của Vườn Quốc gia. Cấu trúc của kiểu rừng này được chia thành 4 tầng khá rõ ràng:

Rừng tre nứa sửa

Có diện tích nhỏ (640,7 ha), chiếm 1,5% tổng diện tích và phân bố rải rác ở  một số vùng ven của Vườn Quốc gia. Rừng được hình thành trên đất làm nương rẫy bị thoái hoá.

Rừng trồng sửa

Có diện tích 180,0 ha, chiếm 0,4 % tổng diện tích tự nhiên, chủ yếu là rừng Thông 3 lá, mật độ trồng 1.600 cây/ha, cây sinh trưởng tốt, trữ lượng bình quân của rừng khoảng 50 - 70 m3/ha.

Động vật sửa

Kết quả tổng hợp các công trình điều tra đa dạng sinh học tại Vườn Quốc Gia Kon Ka Kinh đã công bố cho đến tháng 8 năm 2011 cho thấy hệ động vật của Vườn rất đa dạng và phong phú với tổng số 556 loài, thuộc 91 họ và 30 bộ. Trong tổng số 556 loài động vật có xương sống và 205 loài động vật không có xương sống (như bướm) thuộc 10 họ trong bộ Cánh vẩy (Lepidoptera).[8]

Hệ động vật rừng vườn quốc gia Kon Ka Kinh có 16 loài đặc hữu là:

Ngoài những loài mới phát hiện và những loài có giá trị đặc hữu nêu trên, hệ động vật rừng vườn quốc gia Kon Ka Kinh còn có 38 loài thú quý hiếm, có giá trị bảo tồn nguồn gen và nghiên cứu khoa học, được ghi trong sách đỏ Việt Nam và Thế giới. Cụ thể:

  1. Lớp Thú: 10 loài, trong đó có 9 loài ghi trong sách đỏ thế giới, 7 loài ghi trong sách đỏ Việt Nam.
  2. Lớp Chim: 14 loài, trong đó có 8 loài ghi trong sách đỏ thế giới và 11 loài ghi trong sách đỏ Việt Nam.
  3. Các lớp Bò sát, Ếch nhái: 14 loài ghi trong sách đỏ Việt Nam.

Chú thích sửa

  1. ^ Nguồn: www.aseansec.org
  2. ^ Theo kết quả truy cập ngày 3 tháng 10 năm 2007 tại www.aseanbiodiversity.org Lưu trữ 2007-02-16 tại Wayback Machine thì số vườn di sản ASEAN đã là 35 và Việt Nam có thêm Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, nhưng bỏ sót Vườn quốc gia Chư Mom Ray.
  3. ^ “Địa chất VQG Kon Ka Kinh”. Truy cập ngày 8 tháng 4 năm 2023.
  4. ^ “Khí hậu VQG Kon Ka Kinh”. Truy cập ngày 8 tháng 4 năm 2023.
  5. ^ “Thủy văn VQG Kon Ka Kinh”. Truy cập ngày 8 tháng 4 năm 2023.
  6. ^ “Báo cáo kết quả điều tra thiết lập Danh lục động, thực vật rừng tại VQG Kon Ka Kinh năm 2011 của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật”. Truy cập ngày 8 tháng 4 năm 2023.
  7. ^ “Thảm thực vật VQG Kon Ka Kinh”. Truy cập ngày 8 tháng 4 năm 2023.
  8. ^ “Kết quả tổng hợp các công trình điều tra đa dạng sinh học”. Truy cập ngày 8 tháng 4 năm 2023.

Tham khảo sửa