Án lệ 56/2022/AL

Án lệ thứ 56 của pháp luật Việt Nam

Án lệ 56/2022/AL về việc giải quyết tranh chấp di dời mồ mả là án lệ thứ 56 thuộc lĩnh vực dân sự của hệ thống pháp luật Việt Nam, được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua, Chánh án Nguyễn Hòa Bình ra quyết định công bố ngày 14 tháng 10 năm 2022,[2] và có hiệu lực cho tòa án các cấp trong cả nước nghiên cứu, áp dụng trong xét xử từ ngày 15 tháng 11 năm 2022.[3] Án lệ này dựa trên nguồn là Bản án dân sự sơ thẩm số 33 được ban hành 18 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện Châu Thành về tranh chấp yêu cầu chấm dứt hành vi ngăn cản di dời mồ mả, nội dung xoay quanh quyền chăm sóc, quản lý, di dời mồ mả của vợ, chồng. Án lệ này do thư ký của hai tòa án Châu Thành và Thành phố Hồ Chí Minh là Lý Văn Toán và Hồ Thị Kiều Trang đề xuất.

Án lệ 56/2022/AL
Tòa ánHội đồng Thẩm phán thông qua nguồn từ Tòa án nhân dân huyện Châu Thành
Tên đầy đủÁn lệ số 56/2022/AL về việc giải quyết tranh chấp di dời mồ mả
Phán quyếtngày 18 tháng 11 năm 2019
Trích dẫnBản án dân sự sơ thẩm số 33/2019/DS-ST về tranh chấp yêu cầu chấm dứt hành vi ngăn cản di dời mồ mả
Quyết định công bố án lệ 323/2022/QĐ-CA
Kết luận cuối cùng
Nhận định rằng người chồng chết, người vợ nhờ chôn cất người chồng trên phần đất của người thân bên nhà chồng. Sau đó, người vợ muốn di dời phần mộ của người chồng về đất của gia đình mình thì phát sinh tranh chấp. Trường hợp này, tòa án phải xác định người vợ có quyền di dời mồ mả của người chồng để quản lý, chăm sóc.[1]

Trong vụ án của án lệ, người chồng của nguyên đơn khi chết đi được mai táng ở mảnh đất của anh ruột. Sau 15 năm thì nguyên đơn có nguyện vọng được di dời hài cốt chồng về mảnh đất nhà và cũng là mảnh đất của mình nhưng gặp phải sự phản đối của hai người cháu là con anh ruột, những người đã quản lý ngôi mộ trong 15 năm đó. Nguyên đơn khởi kiện và thắng kiện, đưa ngôi mộ về đất nhà, mở ra những vấn đề pháp lý về các quyền của vợ, chồng theo văn hóa, phong tục, tập quán địa phương của Việt Nam.

Nội dung vụ án sửa

Tại Châu Thành, Kiên Giang có vợ chồng Vương Văn A và Trần Thị Thu V (gọi tắt: bà V), có đất nhà ở ấp Bình Lạc, xã Minh Hòa.[a] Ông Vương A qua đời năm 2004, chôn cất ở đất của Vương B – đất của người anh ruột ở ấp Vĩnh Hội, xã Vĩnh Hòa Phú – được đứng tên và quản lý bởi hai người con là Vương T, Vương H.[b] Việc chôn cất này là có nhờ vả và được đồng ý. Sau đó 15 năm, bà V có nguyện vọng muốn đưa hài cốt của chồng mình về chôn cất ở đất nhà Bình Lạc – nay là đất do bà đứng tên, tuy nhiên bị phản đối bởi hai người cháu, dẫn đến việc bà đệ đơn khởi kiện gửi Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, yêu cầu tòa án giải quyết buộc hai người cháu không được ngăn cản việc bà đem hài cốt của chồng về đất nhà Bình Lạc để chôn cất.[4]

Trong đơn kiện và tố tụng, nguyên đơn trình bày rằng trước khi chết thì chồng bà có tâm nguyện chôn cất tại đất nhà Bình Lạc, nhưng vào thời điểm qua đời (2004) thì phần đất của gia đình bà đang trong quy hoạch nên bà mới đem hài cốt về phần đất của anh chồng là Vương B chôn cất với ý định của bà và các con là nhờ để chờ qua quy hoạch sẽ đem hài cốt chồng của bà trở lại đất nhà chôn cất.[1] Sau 15 năm, phần đất Bình Lạc ổn định, bà muốn thực hiện theo nguyện vọng của chồng bà là đem hài cốt về Bình Lạc chôn cất nhưng hai cháu ngăn cản không đồng ý. Về phía bị đơn trình bày rằng Vương A là chú ruột của hai người, lúc chết thì có chôn cất trên phần đất của gia đình họ ở Vĩnh Hội.[4] Với yêu cầu đem hài cốt về Bình Lạc thì bị đơn không đồng ý với lý do "hài cốt hiện nay là không có người thân bên cạnh chăm sóc mồ mả", bị đơn đề nghị rằng phần mộ tạm thời để anh em họ chăm sóc, đến khi nào xác định có người thân bên cạnh thì anh em họ sẽ đồng ý để nguyên đơn di dời hài cốt. Bên cạnh đó, bị đơn trình bày rằng họ đã chăm sóc mộ khoảng 15 năm nay rồi nên không đồng ý với yêu cầu của nguyên đơn.[4]

Xét xử sửa

...Việc bị đơn đưa ra những lý do [không người chăm nom họ ngoài họ và họ đã chăm sóc 15 năm] để ngăn cản nguyên đơn di dời hài cốt của chồng mình là không hợp lý, bởi nguyên đơn có mối quan hệ vợ chồng với người đã mất được pháp luật cũng như các bên thừa nhận nên có quyền thăm nom, chăm sóc và quản lý mồ mả của chồng mình là phù hợp với đạo lý cũng như thuần phong, mỹ tục của người Việt Nam và đúng theo quy định áp dụng tập quán.[5]

Hội đồng xét xử, nhận định.[6]

Ngày 18 tháng 11 năm 2019, tại trụ sở 499 khu phố Minh Phú, Minh Lương, Tòa án nhân dân huyện Châu Thành mở phiên sơ thẩm.[7] Về quan hệ pháp luật tranh chấp, tòa căn cứ việc nguyên đơn yêu cầu bị đơn không được ngăn cản việc lấy hài cốt của chồng về đất nhà Bình Lạc để chôn cất, nên kết luận quan hệ pháp luật tranh chấp được xác định trong vụ án là "tranh chấp yêu cầu chấm dứt hành vi ngăn cản di dời mồ mả",[4] và tòa có thẩm quyền xét xử cho dù chưa có điều luật nào quy định cụ thể vấn đề chăm sóc, quản lý, di dời mồ mà trong vụ án này.[8] Hội đồng xét xử xét thấy trong quá trình giải quyết vụ án, các bên đều thống nhất xác định trên phần đất của bị đơn có phần mộ của Vương A; nguyên đơn là vợ hợp pháp của Vương A,[9] nay có nguyện vọng di dời hài cốt của chồng về phần đất nhà Bình Lạc để chôn cất và chăm sóc.[6] Tòa xét yêu cầu di dời hài cốt chồng của nguyên đơn là có căn cứ và phù hợp với phong tục tập quán cũng như truyền thống của người Việt Nam,[10] bởi nguyên đơn có mối quan hệ vợ chồng được pháp luật cũng như các bên thừa nhận, có các quyền đối với phần mộ của chồng theo đạo lý và pháp luật về tập quán.[6] Từ những căn cứ nhận định trên, Hội đồng xét xử xét thấy yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ nên được chấp nhận, được bảo vệ quyền dân sự,[11][12][13] do đó, buộc bị đơn phải chấm dứt hành vi cản trở việc nguyên đơn di dời hài cốt của chồng bà về Bình Lạc. Tòa tuyên xử như nhận định, ngoài ra hoàn trả 300.000 đồng án phí cho nguyên đơn, buộc bị đơn thanh toán khoản án phí này, kết cục nguyên đơn được đem hài cốt chồng từ Vĩnh Hội về Bình Lạc, thắng kiện.[14]

Hình thành án lệ sửa

Sau khi vụ việc kết thúc, bản án được ban hành, Nghiên cứu sinh, Thư ký Tòa án nhân dân huyện Châu Thành Lý Văn Toán, và Thư ký Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Hồ Thị Kiều Trang đã cùng gửi đề xuất bản án dân sự sơ thẩm này làm án lệ, soạn dự thảo về nội dung lĩnh vực dân sự có những yếu tố về văn hóa, tập quán địa phương.[15] Sau đó, đề xuất này là 1 trong 14 dự thảo án lệ vượt qua vòng đánh giá đầu tiên, việc lấy ý kiến và các kiến nghị từ công chúng và giới khoa học xã hội ngành luật ở vòng thứ hai được tiến hành từ ngày 26 tháng 5, thông qua hội thảo, và đăng tải trực tuyến trên trang tin điện tử án lệ,[16] rồi được thảo luận, cho ý kiến ở bước thứ 3 bởi Hội đồng tư vấn án lệ vào ngày 23 tháng 6 cùng năm. Hội đồng đã đánh giá và góp ý chi tiết đối với từng dự thảo án lệ, sau đó, Chủ tịch Hội đồng tư vấn án lệ Nguyễn Hòa Bình kết luận đề nghị lựa chọn 5 trong tổng số 14 dự thảo án lệ đề nghị Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét thông qua.[17] Ngày 8 tháng 9, Hội đồng Thẩm phán họp và quyết định thông qua 4 trong 5 dự thảo,[18] trong đó có bản án tranh chấp yêu cầu chấm dứt hành vi ngăn cản di dời mồ mả này, chính thức là Án lệ số 56/2022/AL.[19][20]

Ghi chú sửa

  1. ^ Vương Văn A (1945–2004), Trần Thị Thu V (1954), trú tại ấp Bình Lạc, Minh Hòa, Châu Thành.
  2. ^ Vương Minh T (1969), Vương Minh H (1961), trú tại ấp Vĩnh Hội, Vĩnh Hòa Phú, Châu Thành.

Tham khảo sửa

Chú thích sửa

  1. ^ a b Án lệ 56/2022/AL, tr. 1.
  2. ^ Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Quyết định 323/QĐ-CA về việc công bố án lệ.
  3. ^ Quyết định 323/QĐ-CA, Điều 2: Quyết định về thời điểm áp dụng xét xử.
  4. ^ a b c d Án lệ 56/2022/AL, tr. 2.
  5. ^ Bộ luật Dân sự 2015, khoản 1 Điều 5:
    "Tập quán là quy tắc xử sự có nội dung rõ ràng để xác định quyền, nghĩa vụ của cá nhân, pháp nhân trong quan hệ dân sự cụ thể, được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, được thừa nhận và áp dụng rộng rãi trong một vùng, miền, dân tộc, cộng đồng dân cư hoặc trong một lĩnh vực dân sự."
  6. ^ a b c Án lệ 56/2022/AL, tr. 3.
  7. ^ Toà án nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, Bản án dân sự sơ thẩm số 33/2019/DS-ST ngày 18 tháng 11 năm 2019.
  8. ^ Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, khoản 2 Điều 4:
    "Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.
    Vụ việc dân sự chưa có điều luật để áp dụng là vụ việc dân sự thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật dân sự nhưng tại thời điểm vụ việc dân sự đó phát sinh và cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu Tòa án giải quyết chưa có điều luật để áp dụng.
    Việc giải quyết vụ việc dân sự quy định tại khoản này được thực hiện theo các nguyên tắc do Bộ luật dân sự và Bộ luật này quy định."
  9. ^ Bộ luật Dân sự 2015, khoản 1 Điều 39:
    "Cá nhân có quyền kết hôn, ly hôn, quyền bình đẳng của vợ chồng, quyền xác định cha, mẹ, con, quyền được nhận làm con nuôi, quyền nuôi con nuôi và các quyền nhân thân khác trong quan hệ hôn nhân, quan hệ cha mẹ và con và quan hệ giữa các thành viên gia đình.
    Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha, mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha, mẹ của mình."
  10. ^ Bộ luật Dân sự 2015, khoản 1 Điều 7:
    "Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự phải bảo đảm giữ gìn bản sắc dân tộc, tôn trọng và phát huy phong tục, tập quán, truyền thống tốt đẹp, tình đoàn kết, tương thân, tương ái, mỗi người vì cộng đồng, cộng đồng vì mỗi người và các giá trị đạo đức cao đẹp của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam."
  11. ^ Bộ luật Dân sự 2015, Điều 11: Các phương thức bảo vệ quyền dân sự.
  12. ^ Bộ luật Dân sự 2015, Điều 14: Bảo vệ quyền dân sự thông qua cơ quan có thẩm quyền.
  13. ^ Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Điều 4: Quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.
  14. ^ Án lệ 56/2022/AL, tr. 3–4.
  15. ^ Yến Châu (ngày 30 tháng 10 năm 2022). “Án lệ số 56 về tranh chấp di dời mồ mả”. Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh (báo). Lưu trữ bản gốc ngày 10 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 30 tháng 10 năm 2022.
  16. ^ “Tòa án nhân dân tối cao tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý đối với 14 dự thảo án lệ”. Trang tin điện tử án lệ. ngày 26 tháng 5 năm 2022. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 9 tháng 11 năm 2022.
  17. ^ “Tòa án nhân dân tối cao tổ chức họp Hội đồng tư vấn án lệ cho ý kiến các dự thảo án lệ”. Trang tin điện tử án lệ. ngày 23 tháng 6 năm 2022. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 9 tháng 11 năm 2022.
  18. ^ Bích Ngân (ngày 27 tháng 10 năm 2022). “4 án lệ được áp dụng trong xét xử từ ngày 15.11.2022”. Báo Thanh niên. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 9 tháng 11 năm 2022.
  19. ^ “Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua 04 án lệ mới”. Trang tin điện tử án lệ. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 9 tháng 11 năm 2022.
  20. ^ Hồng Vân (ngày 31 tháng 10 năm 2022). “Thêm 4 án lệ được áp dụng trong xét xử”. Bảo vệ Pháp luật. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 11 tháng 11 năm 2022.

Thư mục sửa

Liên kết ngoài sửa