Chiêu Hiến Nguyên Thánh Hoàng hậu (chữ Hán: 昭獻元聖皇后; ? - 1 tháng 11, 1322), tên thật Đáp kỷ (答己, tiếng Mông Cổ: ᠲᠠᠵᠢ, Chuyển tự Latinh: taǰi) là vợ của Đáp Lạt Ma Bát Lạt - con trai Hoàng thái tử Chân Kim[1] và cháu nội Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt.

Đáp Kỷ
答己
Nguyên Vũ Tông sinh mẫu
Nguyên Nhân Tông sinh mẫu
Chân dung Đáp Kỷ
Hoàng thái hậu nhà Nguyên
Tại vị13071320
Tiền nhiệmHoằng Cát Lạt Khoát Khoát Chân
Kế nhiệmHoằng Cát Lạt A Nạp Thất Thất Lý
Thái hoàng thái hậu nhà Nguyên
Tại vị1320 - 1322
Tiền nhiệmThái hoàng thái hậu đầu tiên
Kế nhiệmHoằng Cát Lạt Bốc Đáp Thất Lý
Thông tin chung
Mất1322
Phối ngẫuĐáp Lạt Ma Bát Lạt
Tên đầy đủ
Hoằng Cát Lạt Đáp Kỷ
(弘吉剌·答己)
Thụy hiệu
Chiêu Hiến Nguyên Thánh Hoàng hậu
(昭獻元聖皇后)
Hoàng tộcHoằng Cát Lạt thị (xuất thân)
Bột Nhi Chỉ Cân (hôn nhân)

Bà là sinh mẫu của Nguyên Vũ TôngNguyên Nhân Tông; bà nội của Nguyên Anh Tông, Nguyên Minh Tông, Nguyên Văn Tông; và bà ngoại của Bốc Đáp Thất Lý Hoàng hậu. Bà chưa từng được làm Hoàng hậu khi còn sống, chỉ được tôn Hoàng thái hậu sau khi Vũ Tông đăng cơ. Dưới thời Anh Tông, bà được tôn Thái hoàng thái hậu, trở thành Thái Hoàng thái hậu đầu tiên của triều đại.

Tiểu sử sửa

Đáp Kỷ sinh vào khoảng năm 1266. Xuất thân bộ tộc Hoằng Cát Lạt thị (弘吉剌氏), con gái của Hỗn Đô Thiếp Mộc Nhi (渾都帖木兒) - cháu nội của Án Trần (按陳).

Không rõ năm gả cho Đáp Lạt Ma Bát Lạt, chỉ biết năm 1281, bà sinh con trai đầu là Hải Sơn (sau là Nguyên Vũ Tông). Năm 1285 sinh con thứ Ái Dục Lê Bạt Lực Bát Đạt (sau là Nguyên Thành Tông). Bà còn một con gái là Tang Ca Lạt Cát (sau hạ giá lấy Lỗ vương Điêu Á Bất Lạt, phong Lỗ quốc Công chúa[2]).

Năm 1292, Hải Sơn chuyển đến Mạc Bắc, bỏ lại bà và Bát Đạt. Năm 1294, em chồng bà là Nguyên Thành Tông đăng cơ, tôn thân mẫu Khoát Khoát Chân làm Hoàng thái hậu. Mẫu tử bà được Thái hậu đón vào cung sinh sống, Thái hậu còn tuyển hiền sĩ Lý Mãnh dạy học cho Bát Đạt[3]. Bốc Lỗ Hãn, Hoàng hậu của Thành Tông thấy Bát Đạt thông minh cứng rắn thì muôn phần dè chừng.

6 năm sau (1300) Thái hậu băng thệ, Bốc Lỗ Hãn liền đày Đáp Kỷ và con trai đến Hoài Châu[4].

Trở lại hoàng cung sửa

Đăng ngôi Hoàng thái hậu sửa

Năm 1307, Thành Tông bạo băng, con trai ông cũng mất sớm. Hoàng hậu Bốc Lỗ Hãn can thiệp triều chính, đòi lập A Nan Đáp lên ngôi nhưng bị quần thần phản đối. Bát Đạt liên lạc Hải Sơn về Đại Đô giành ngôi, nhưng Hải Sơn đang ở Mạc Bắc nên Bát Đạt đi trước. Vài ngày sau ông bắt giam Bốc Lỗ Hãn và A Nan Đáp, rồi xử tử hai người họ[5]. Hải Sơn lên ngôi, tức Nguyên Vũ Tông, Đáp Kỷ được tôn Hoàng thái hậu.

Vì Bát Đạt có công phò trợ, lại giúp Vũ Tông xử lý triều chính ổn thỏa[3][6] nên được phong Hoàng thái đệ kiêm chức Trung thư lệnh. Tuy vậy, điều kiện để Bát Đạt kế vị là sau khi mất phải trả ngôi lại cho hậu duệ Vũ Tông, gồm Hòa Thế Lạt (sau là Nguyên Minh Tông) và Đồ Thiếp Mục Nhi (sau là Nguyên Văn Tông)[7].

Năm Chí Đại thứ 3 (1310), Vũ Tông cùng Hoàng thái đệ, các Thân vương và văn võ bá quan đến Hưng Thánh cung (兴圣宫) dâng sách bảo cho Hoàng thái hậu Đáp Kỷ, tôn hiệu cho bà là [Nghi Thiên Hưng Thánh Từ Nhân Chiêu Ý Thọ Nguyên Hoàng thái hậu; 仪天兴圣慈仁昭懿寿元皇太后].

Lưu đày cháu nội sửa

Năm 1311, Bát Đạt kế vị, tức Nguyên Nhân Tông, Đáp Kỷ vẫn là Hoàng thái hậu. Nghe lời nịnh bợ của Thiếp Mộc Điệp và gian thần Đảo Thích Sa, Nhân Tông cố ý làm trái di nguyện của Vũ Tông, phong con trai là Thạc Đức Bát Thích làm Hoàng thái tử[8]. Thái hậu không những không can, còn tiếp tay đuổi hai người con của Vũ Tông là Hòa Thế Lạt và Đồ Thiếp Mục Nhi khỏi cung để bảo toàn ngôi vị Thái tử. Việc Thái hậu thông đồng Nhân Tông, đày ải cháu nội được lý giải theo vài cách sau:

  • Năm xưa Vũ Tông từng bỏ mẹ và em trai đến Mạc Bắc sinh sống. Bà chịu muôn ngàn gian khổ: nuôi con nhỏ đơn độc, bị Bốc Lỗ Hãn chèn ép, lưu đày khỏi hoàng cung... Thời gian đó chỉ có Nhân Tông cùng bà đồng cam cộng khổ, làm tròn đạo hiếu. Sau Nhân Tông một tay giành ngai vàng, cho mẹ cuộc sống tôn quý, nhưng lại nhường Vũ Tông kế vị dù việc triều chính vẫn do mình gánh vác. Luận công lao và khổ lao, Nhân Tông mới là Hoàng đế chân chính, giúp thiên hạ thái bình. Hậu duệ của Nhân Tông, tức Thạc Đức Bát Thích là người xứng đáng nhận ngôi hơn hậu duệ của Vũ Tông;
  • Mẹ Hòa Thế Lạt và Đồ Thiếp Mục Nhi không thuộc Hoằng Cát Lạt thị, thị tộc xuất thân của Thái hậu. Nếu một trong hai kế vị, quyền lực ngoại thích sẽ rơi vào tay người ngoài, khi đó Thái hậu không thể tùy tiện can chính. Cách lý giải này được cho là nguyên nhân chính, vì sau khi Thạc Đức Bát Thích đăng cơ, tức Nguyên Anh Tông, Thái hậu cố gắng điều khiển Anh Tông trong việc triều chính.

Năm Diên Hữu thứ 7 (1320), Nhân Tông triệu tập các Thân vương và hàng trăm văn võ bá quan trong triều, dâng sách dụ cho Đáp Kỷ Hoàng thái hậu, gia tăng tôn hào của bà thành [Nghi Thiên Hưng Thánh Từ Nhân Chiêu Ý Thọ Nguyên Toàn Đức Thái Ninh Phúc Khánh Hoàng thái hậu; 仪天兴圣慈仁昭懿寿元全德泰宁福庆皇太后].

Đăng ngôi Thái hoàng thái hậu sửa

Cùng năm, Nhân Tông qua đời. Thạc Đức Bát Thích kế vị, tức Nguyên Anh Tông. Đáp Kỷ cố gắng thao túng Anh Tông nhưng không thành, bà nhận ra mình đã lầm khi Anh Tông là người mạnh mẽ và tham vọng, không yếu đuối như bà tưởng. Bà thốt lên:"Biết thế ta chẳng lập thằng oắt con cứng đầu này" rồi bỏ cuộc[9].

Ngày 11 tháng 3 ÂL (19 tháng 4 DL), Anh Tông tôn Đáp Kỷ làm Thái hoàng thái hậu. Một tháng sau tăng tôn hào của bà thành [Nghi Thiên Hưng Thánh Từ Nhân Chiêu Ý Thọ Nguyên Toàn Đức Thái Ninh Phúc Khánh Huy Văn Sùng Hữu Thái hoàng thái hậu; 仪天兴圣慈仁昭懿寿元全德泰宁福庆徽文崇佑太皇太后]. Sách văn viết:

Ngày 22 tháng 9 ÂL (1 tháng 11 DL) năm Chí Trị thứ 2 (1322), Thái hoàng thái hậu mắc bệnh qua đời, thọ 56 tuổi. Ngày 17 tháng 3 năm sau, Anh Tông truy phong tổ mẫu quá cố là [Chiêu Hiến Nguyên Thánh Hoàng hậu; 昭献元圣皇后], đưa vào Tông miếu thờ phụng.

Gia quyến sửa

  • Thân mẫu: Không rõ.
  • Con trai:
  1. Nguyên Vũ Tông Hải Sơn;
  2. Nguyên Nhân Tông Ái Dục Lê Bạt Lực Bát Đạt.
  • Con gái:
  1. Lỗ quốc Công chúa Tang Ca Lạt Cát, hạ giá lấy Lỗ vương Điêu Á Bất Lạt.
  • Cháu nội:
  1. Nguyên Minh Tông Hòa Thế Lạt, con trai Nguyên Vũ Tông;
  2. Nguyên Văn Tông Đồ Thiếp Mục Nhĩ, con trai Nguyên Vũ Tông;
  3. Nguyên Anh Tông Thạc Đức Bát Lạt, con trai Nguyên Nhân Tông.
  • Cháu ngoại:
  1. Bốc Đáp Thất Lý, con gái Công chúa Tang Ca Lạt Cát, Hoàng hậu của Nguyên Văn Tông.

Chú thích sửa

  1. ^ Nguyên sử, quyển 115 - Liệt truyện 2: Thuận Tông (Đáp Lạt Ma Bát Lạt)
  2. ^ Lily Xiao Hong Lee & Sue Wiles (2014)
  3. ^ a b Hội đồng biên soạn nhà Minh (1976), tr. 480, Quyển 22, Vũ Tông Bản kỷ 1
  4. ^ Franke & Twitchett (1994), tr. 505
  5. ^ "Nửa cuối triều đại nhà Nguyên"
  6. ^ Yoshikawa Kojiro. Gen no shotei no Bungaku, tr. 234.
  7. ^ Hội đồng biên soạn nhà Minh (1976), tr. 639, Quyển 31, Minh Tông Bản kỷ
  8. ^ Franke & Twitchett (1994), tr. 527
  9. ^ Atwood (2004), tr. 532

Tham khảo sửa

  • Hội đồng biên soạn nhà Minh (1976). Tống Liêm; Triệu Huân; Vương Y (biên tập). Nguyên sử (bằng tiếng Trung). Trung Hoa thư cục. ISBN 9787101003260.
  • Franke, Herbert; Twitchett, Denis C. (1994). The Cambridge History of China: Volume 6, Alien Regimes and Border States, 907-1368 [Lịch sử Trung Quốc của Cambridge: Chính sách đối ngoại và các vùng biên giới, 907-1368] (bằng tiếng Anh). Cambridge University Press. doi:10.1017/CHOL9780521243315. ISBN 9781139054744.
  • Lily Xiao Hong Lee; Sue Wiles (2014). Biographical Dictionary of Chinese Women, Volume II: Tang Through Ming 618 - 1644 [Từ điển về tiểu sử phụ nữ Trung Quốc, tập II: từ Đường đến Minh 618-1644]. Routledge. ISBN 9780765643148.
  • Atwood, Christopher P. (2004). Encyclopedia of Mongolia and the Mongol Empire [Bách khoa toàn thư về Mông Cổ và Đế chế Mông Cổ] (PDF). Facts on File. ISBN 978-0816046713. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 12 tháng 1 năm 2021. Truy cập ngày 4 tháng 11 năm 2020.