Đường Hải Phòng, Thượng Hải

Đường Hải Phòng (tiếng Trung: 海防路; Hán-Việt: Hải Phòng Lộ; bính âm: Hǎifáng lù) là một con đường chạy theo hướng từ Đông sang Tây, nằm phía Bắc quận Tĩnh An, Thượng Hải, Trung Quốc. Nó bắt đầu từ đường Dư Diêu (余姚路) ở phía Tây và kết thúc tại đường Tây Tô Châu (西苏州路) ở phía Đông. Đường được xây dựng năm 1914 và có chiều dài 1.039 m.[1] Con đường được Hội đồng Khu Tô giới Thượng Hải đặt tên theo thành phố cảng tại Việt Nam.[2] Đây là con đường duy nhất mang tên một thành phố nước ngoài còn tồn tại ở Thượng Hải.[3]

Đường Hải Phòng
海防路
Thông tin tuyến đường
Được quản lý bởi Cục Giao thông quận Tĩnh An
Chiều dài1,0 km (0,6 mi)
Đã tồn tạiXây dựng năm 1914 – nay
Các điểm giao cắt chính
Đầu phía TâyĐường Thường Đức, đường Dư Diêu, nhai đạo Tào Gia Độ, quận Tĩnh An, Thượng Hải
Đầu phía ĐôngĐường Tây Tô Châu, sông Tô Châu
Vị trí
HạtQuận Tĩnh An, Thượng Hải, Trung Quốc
Hệ thống cao tốc
Quốc lộ Trung Quốc
Đường cao tốc Trung Quốc

Miêu tả sửa

Dọc theo đường có một số khu dân cư, như "khu Hải Phòng" (海防里), và gần khu Xoa Đại Giác (叉袋角) từng có một số xí nghiệp nhà máy.[1] Dọc theo độ dài hơn 1.000 m, đường Hải Phòng có độ rộng từ 6,0 đến 18 m, lòng đường rộng 3,5 đến 10 m.[4] Dọc lộ tuyến, đường bắt đầu từ đại lộ Thường Đức, trực tiếp khởi điểm là Dư Diêu, tiếp giáp vuông góc với các tuyến Tây Đường (西唐路), phố Nhân Hòa (人和街), Thiểm Tây Bắc (陝西北), Giang Ninh (江宁路), Xương Hóa (昌化路) cho tới Tây Tô Châu, đường ven sông Tô Châu – một con sông đi qua trung tâm thành phố.[Ghi chú 1]

Do nằm trong học khu của Trường Tĩnh giáo Viện (静教院), một trong những cơ sở giáo dục tốt nhất thành phố, từ năm 2014 giá cả nhà cửa tại khu vực này đã tăng vọt, với giá lên đến 80.000 – 100.000 Nhân dân tệ mỗi mét vuông mặc dù nhà cửa đã cũ kỹ và không có điểm đặc biệt nào khác.[5]

Lịch sử sửa

Đầu thế kỷ thứ 20, các thương gia Tây phương đang quản lý khu vực tô giới Thượng Hải.[Ghi chú 2] Năm 1907, chính quyền đã bỏ tiền ra mua đất canh tác giá rẻ để thành lập nhiều đường phố, trong đó có đường sau này trở thành đường Hải Phòng.[6] Họ đặt tên các đường phố chủ yếu theo các tên tuổi nước ngoài.[7] Trong các tên đường đó có một số địa danh Việt Nam, như đường Hải Phòng, đường Sài Gòn, đường Huế, đường An Nam, đường Tourane, và đường Tonquin.[8] Đường Hải Phòng được xây dựng xong trong năm 1914.[Ghi chú 3][1]

Trong thập niên 1920, khu vực giao nhau giữa đường Ferry (ngày nay là đường Tây Khang), đường Singapore (ngày nay là đường Dư Diêu), và đường Hải Phòng là khu vực sầm uất, với nhiều công trình xây dựng. Nhiều nhà ở, cửa hàng, và nhà máy mọc lên tại khu này.[9] Trung đoàn 4, Tiểu đoàn 2 Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ có một doanh trại tại số 372 đường Hải Phòng, vốn là dinh thự được xây dựng cho một gia đình người Hoa giàu có. Trong Chiến tranh Trung – Nhật, vào tháng 12 năm 1942, lực lượng Hiến binh Nhật đã bắt hơn 300 người có quốc tịch các nước Đồng Minh đang sống tại Thượng Hải và giam cầm họ tại đây – một số người trong đó bị tra tấn mà chết.[2] Ngày nay, khu vực này là một sân chơi trường học.[10]

Sau chiến tranh, khi quân đội Quốc dân Đảng rồi Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc lần lượt kiểm soát Thượng Hải, hầu hết các địa danh cũ có tên nước ngoài đã bị đổi tên vì bị cho là có sắc thái thực dân và bôi nhọ niềm tự trọng quốc gia.[7] Những đường đi hướng Bắc – Nam được đặt tên lại theo tỉnh Trung Quốc, còn các đường đi hướng Đông – Tây được đặt tên lại theo các thành phố (những tên đường đặt theo địa danh Trung Quốc có từ trước là ngoại lệ).[7] Tuy nhiên, tên Hải Phòng và An Nam vẫn được giữ nguyên.[8]

Trong thời cải cách kinh tế trong thập niên 1970 – 1980, nhiều nhà máy đã bị phá sản hay biến đổi thành thứ khác, và dần dần rời khỏi khu vực, để lại những cơ sở rộng lớn nhưng đổ nát.[9]

Tham khảo sửa

Ghi chú sửa

  1. ^ Lộ (路) tức con đường giao thông cơ bản; nhai (街) tức con đường khu phố, tập trung khu đông người, khu dân cư sinh sống.
  2. ^ Tô giới Thượng Hải được quản lý bởi Cục Quản lý Tô giới công cộng Thượng Hải (上海公共租界工部局) chủ quản từ năm 1854 đến năm 1943; bao gồm liên hiệp các nước: Anh, Pháp, Đức, Hoa Kỳ, Nga, Đan Mạch, Ý, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Na Uy, Tây Ban Nha, Hà Lan.
  3. ^ Trước đó, năm 1888, tại Liên bang Đông Dương, Tổng thống Pháp Sadi Carnot ký sắc lệnh thành lập thành phố Hải Phòng, thành phố chính thức mang tên này, nguồn gốc từ cụm từ: Hải tần phòng thủ, của nữ tướng Lê Chân đầu thế kỷ I.

Chú thích sửa

  1. ^ a b c 《上海地名志》编纂委员会编 (tháng 12 năm 1998). 上海地名志. 上海市地方志办公室. Thượng Hải: Nhà xuất bản Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải. ISBN 7-80618-527-5. Bản gốc lưu trữ ngày 30 tháng 9 năm 2018. Truy cập ngày 9 tháng 6 năm 2018.Quản lý CS1: sử dụng tham số tác giả (liên kết) Quản lý CS1: khác (liên kết)
  2. ^ a b Paul French (2010). The Old Shanghai A-Z. Hồng Kông: Nhà xuất bản Đại học Hồng Kông. tr. 112.
  3. ^ 薛理勇 (2008). 街道背后:海上地名寻踪(续篇). Thượng Hải: Nhà xuất bản Đại học Đồng Tế. tr. 207. ISBN 9787560837369.
  4. ^ “第二节 县镇级类” [Mục 2: Giao thông ở huyện, trấn]. Giao thông Thượng Hải. ngày 11 tháng 8 năm 2004. Bản gốc lưu trữ ngày 29 tháng 12 năm 2020. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2020.
  5. ^ “视频新闻”. Chính phủ Nhân dân thành phố Thượng Hải. ngày 30 tháng 4 năm 2014. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2020.[liên kết hỏng]
  6. ^ Annual Report of the Shanghai Municipal Council. Thượng Hải: Shanghai Municipal Council. 1908. tr. 184.
  7. ^ a b c Nie Xin (ngày 10 tháng 10 năm 2018). “The long and winding road to new street names”. Shanghai Daily. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2020.
  8. ^ a b “Shanghai Street Names” (PDF). CIA. ngày 8 tháng 6 năm 1953. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 23 tháng 1 năm 2017. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2020.
  9. ^ a b Li Qian (ngày 28 tháng 7 năm 2020). “LOFT opens first Chinese store in Shanghai”. SHINE. Shanghai Daily. Truy cập ngày 18 tháng 12 năm 2020.
  10. ^ Yang Zhenqi (ngày 9 tháng 4 năm 2014). “Shanghai's war prisoners”. Thời báo Hoàn Cầu. Truy cập ngày 28 tháng 12 năm 2020.