Đường Hải Thượng Lãn Ông, Thành phố Hồ Chí Minh
Đường Hải Thượng Lãn Ông là một tuyến đường trên địa bàn Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh.[1] Đây là con đường lớn, có lịch sử lâu đời tại khu vực Chợ Lớn, dọc hai bên đường hiện nay vẫn nhiều ngôi nhà có kiến trúc cổ cùng với nét sinh hoạt truyền thống của cộng đồng người Hoa.[2]
Dãy cửa hàng đồ trang trí trên đường | |
Tên cũ |
|
---|---|
Dài | 1.5 km (0,9 mi) |
Vị trí | Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam |
Ga tàu điện ngầm gần nhất | Ga cầu Chà Và (dự kiến) |
Tọa độ | 10°45′03″B 106°39′30″Đ / 10,750796°B 106,658277°Đ |
Từ | Đường Võ Văn Kiệt, Thành phố Hồ Chí Minh |
Nút giao chính |
|
Đến | Công viên Thăng Long |
Xây dựng | |
Hoàn thiện | Thập niên 1920 |
Other | |
Nổi tiếng vì |
Tháng 7 năm 2010, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh (nay là Sở Văn hóa và Thể thao) đã công nhận khu Hải Thượng Lãn Ông là khu phố cổ nhất của thành phố.[2]
Vị trí
sửaTuyến đường này bắt đầu từ nút giao với đường Võ Văn Kiệt đoạn giữa cầu Chà Và và cầu Nguyễn Tri Phương, đi về hướng tây và kết thúc tại đường Ngô Nhân Tịnh gần chợ Bình Tây.[1]
Khu vực các con đường Hải Thượng Lãn Ông, Lương Nhữ Học, Triệu Quang Phục được xem là phố Đông y lớn nhất Thành phố Hồ Chí Minh với hàng trăm cửa hàng, hiệu thuốc y học cổ truyền nằm san sát nhau, chuyên buôn bán các loại dược liệu đông y.[3][4][5]
Lịch sử
sửaĐường này xưa vốn là con rạch tự nhiên có lịch sử lâu đời, ban đầu là một phần của tuyến đường thủy huyết mạch nối Sài Gòn – Gia Định với miền Tây Nam Bộ xưa. Theo các sách Đại Nam nhất thống chí và Gia Định thành thông chí biên soạn vào thời Nguyễn, rạch này được gọi là sông Sài Gòn, do chảy qua phố chợ Sài Gòn (tức khu vực Chợ Lớn ngày nay)[a][6]. Trong Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức mô tả chi tiết như sau: "Tục danh sông Sài Gòn ở phía tây nam trấn; sông cũ từ cầu Thị Thông đi qua Sài Gòn đến sông Lao, quanh xa mà hẹp nhỏ, khuất khúc, nước cạn". Năm 1819, vua Gia Long cho đào đoạn sông mới nối thẳng từ cầu Thị Thông (Bà Thuồng) đến sông Mã Trường (kênh Ruột Ngựa), đặt tên là An Thông hà (sông An Thông), nay là đoạn kênh Tàu Hủ từ đường Hải Thượng Lãn Ông đến rạch Lò Gốm.[7]
Đầu thời Pháp thuộc, con rạch này vẫn là tuyến đường thủy quan trọng của thành phố Chợ Lớn, còn được biết đến với tên gọi rạch Chợ Lớn[8]. Theo học giả Vương Hồng Sển, lúc bấy giờ có một cây cầu được gọi là "Cầu Đường" bắc qua rạch, nối đại lộ Tổng Đốc Phương (đường Châu Văn Liêm ngày nay) sang chợ trung tâm Chợ Lớn (vị trí bưu điện Quận 5 ngày nay) nên rạch Chợ Lớn cũng được gọi là rạch Cầu Đường. Khoảng thập niên 1920, người Pháp cho lấp rạch để xây dựng thành hai đại lộ Gaudot và Bonhoure.[9]
Năm 1955, chính quyền Việt Nam Cộng hòa nhập hai đại lộ Gaudot và Bonhoure thành đại lộ Khổng Tử, kéo dài từ kênh Tàu Hủ đến trước chợ Kim Biên ngày nay. Năm 1975, chính quyền Cộng hòa Miền Nam Việt Nam nhập đại lộ Khổng Tử với đường Trần Thanh Cần[b] thành đường Hải Thượng Lãn Ông như hiện nay.
Tình trạng tuyến đường
sửaTrước đây, khu vực tiểu đảo trên đoạn đường từ bờ kênh Tàu Hủ đến đường Lương Nhữ Học bị nhiều người dân xây dựng nhà trái phép[10]. Khi triển khai xây dựng đại lộ Đông – Tây (đại lộ Võ Văn Kiệt) và xây dựng mới cầu Chà Và, thành phố cũng đã tiến hành giải tỏa các ngôi nhà này để mở rộng đường và cải tạo lại cảnh quan khu vực.[11]
-
Một căn nhà cổ trên đường Hải Thượng Lãn Ông. Đây từng là nơi đặt trụ sở hiệu buôn Thông Hiệp của doanh nhân Quách Đàm (1863–1927), người có công trong việc xây dựng chợ Bình Tây
-
Tượng đài Phan Đình Phùng tại vòng xoay trước Bưu điện Trung tâm Chợ Lớn (Bưu điện Quận 5)
-
Hội quán Nhị Phủ (Miếu Nhị Phủ) tại góc đường Hải Thượng Lãn Ông và Phùng Hưng. Đây là một ngôi miếu cổ của người Hoa Phúc Kiến tại Chợ Lớn
Ghi chú
sửa- ^ Đây là sông Sài Gòn dưới thời nhà Nguyễn, còn sông Sài Gòn ngày nay lúc bấy giờ được gọi là sông Tân Bình hay sông Bến Nghé.
- ^ Đây là con đường nối từ nút giao đường Tháp Mười – Ngô Nhân Tịnh đến chợ Kim Biên.
Chú thích
sửa- ^ a b “Bản đồ thành phố”. Cổng thông tin điện tử Thành phố Hồ Chí Minh. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 4 tháng 6 năm 2022.
- ^ a b Anh Huy (19 tháng 1 năm 2021). “Rực rỡ sắc xuân ở đường Hải Thượng Lãn Ông”. Trang tin điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 3 năm 2021. Truy cập ngày 4 tháng 6 năm 2022.
- ^ Nguyễn Oanh (28 tháng 2 năm 2017). “Tuần lễ Đông y trên phố cổ Sài Gòn thu hút nhiều du khách quốc tế”. VietnamPlus, TTXVN. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 4 tháng 6 năm 2022.
- ^ Gia Thuận (16 tháng 2 năm 2017). “TP Hồ Chí Minh phát triển phố Đông y thành điểm hấp dẫn khách du lịch”. Báo Tin tức - TTXVN. Lưu trữ bản gốc ngày 14 tháng 7 năm 2017. Truy cập ngày 5 tháng 6 năm 2022.
- ^ Ngô Đồng (24 tháng 2 năm 2017). “Phố Đông y: 'Nhà thuốc' lớn nhất Sài Gòn trở thành điểm đến du lịch”. Chuyên trang Công an TPHCM. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 3 năm 2021. Truy cập ngày 4 tháng 6 năm 2022.
- ^ Quốc sử quán triều Nguyễn (1992). Đại Nam nhất thống chí – Tập 5. Nhà xuất bản Thuận Hóa. tr. 215.
- ^ Trịnh Hoài Đức (1972). Gia Định thành thông chí (Tập thượng – Quyển I và II). Nha Văn hóa – Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa. tr. 42.
- ^ Sơn Hòa (10 tháng 4 năm 2016). “Những kênh rạch xưa thành đại lộ đẹp nhất Sài Gòn”. Báo điện tử VnExpress. Lưu trữ bản gốc ngày 27 tháng 4 năm 2022. Truy cập ngày 4 tháng 6 năm 2022.
- ^ Vương Hồng Sển (1969). Sài Gòn năm xưa. Nhà sách Khai Trí. tr. 154–155. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 4 tháng 6 năm 2022.
- ^ Bến Nghé-Bến Thành: xưa và nay. Nhà xuất bản Thanh Niên. 2005. tr. 292–293.
- ^ Ngươn Đán (23 tháng 7 năm 2006). “Dự án tiểu đảo đường Hải Thượng Lãn Ông bị "treo"”. Báo điện tử Sài Gòn Giải Phóng. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 7 năm 2022. Truy cập ngày 5 tháng 6 năm 2022.
Liên kết ngoài
sửa- “Khám phá Sài Gòn - Khu phố Hải Thượng Lãn Ông”. Báo Thanh Niên. 23 tháng 10 năm 2019.