Đường Mục Tông
Đường Mục Tông (chữ Hán: 唐穆宗; 26 tháng 7, 795[1] - 25 tháng 2, 824), tên thật Lý Hằng (李恆)[1], là vị Hoàng đế thứ 13 hay 15 của nhà Đường[2] trong lịch sử Trung Quốc. Ông trị vì từ năm 820 đến 824, chỉ được 4 năm.
Đường Mục Tông 唐穆宗 | |||||||||||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
Hoàng đế Trung Hoa | |||||||||||||||||
Hoàng đế Đại Đường | |||||||||||||||||
Trị vì | 20 tháng 2 năm 820 - 25 tháng 2 năm 824 (4 năm, 5 ngày) | ||||||||||||||||
Tiền nhiệm | Đường Hiến Tông | ||||||||||||||||
Kế nhiệm | Đường Kính Tông | ||||||||||||||||
Thông tin chung | |||||||||||||||||
Sinh | 26 tháng 7, 795 | ||||||||||||||||
Mất | 25 tháng 2, 824 | (28 tuổi)||||||||||||||||
An táng | Quang lăng (光陵) | ||||||||||||||||
Thê thiếp | Cung Hi Hoàng hậu Trinh Hiến Hoàng hậu Tuyên Ý Hoàng hậu | ||||||||||||||||
Hậu duệ | xem văn bản | ||||||||||||||||
| |||||||||||||||||
Triều đại | Nhà Đường | ||||||||||||||||
Thân phụ | Đường Hiến Tông | ||||||||||||||||
Thân mẫu | Ý An Hoàng hậu |
Trong sử sách, Mục Tông là một vị Hoàng đế không quan tâm đến triều đình, chỉ ham vui chơi và đắm chìm trong tửu sắc. Các Tiết độ sứ ở Hà Bắc tam trấn đã quy phục dưới thời Đường Hiến Tông nhân cơ hội đó cũng vùng lên trở lại, uy hiếp đến triều đình. Còn trong nội bộ triều đình, hoạn quan lộng quyền, nạn tham ô tràn lan, nhà Đường bước vào thời kì suy vong.
Thân thế
sửaĐường Mục Tông bổn danh Lý Hựu (李宥), chào đời vào tháng 7 ÂL năm Trinh Nguyên thứ 11 (795), dưới thời tằng tổ là Đường Đức Tông Lý Quát tại biệt điện Đại Minh cung[1]. Vào lúc đó, ông nội ông là Đường Thuận Tông Lý Tụng đang là Hoàng thái tử[3], còn thân phụ Đường Hiến Tông Lý Thuần là Quảng Lăng Quận vương (广平郡王). Mẹ ông là Quận vương phi Quách thị, con gái của Thăng Bình Công chúa, cháu ngoại Đường Đại Tông Lý Dự, cháu nội của Quách Tử Nghi, thân phận cực kì tôn quý[4].
Trong những năm Trinh Nguyên thời Đường Đức Tông, Lý Hựu được phong làm Kiến An Quận vương (建安郡王)[5]. Năm 805, Đức Tông giá băng, Thuận Tông nối ngôi. Bảy tháng sau Thuận Tông bị hoạn quan ép phải thoái vị, trở thành Thái thượng hoàng, Thái tử Lý Thuần nối ngôi, tức là Đường Hiến Tông[6]. Trong năm 806, Kiến An vương Lý Hựu được tiến phong làm Toại vương (遂王)[7], sau được phong Diêu Lĩnh Chương Nghĩa quân Tiết độ sứ; còn Quách thị được tấn phong làm Quý phi. Mặc dù là Chính thê nhưng Quách thị không được Hiến Tông lập làm Chính cung Hoàng hậu vì Hiến Tông cho rằng Quý phi đã có thế lực lớn bên nhà mẹ, nếu phong Hậu thì các phu nhân khác sẽ e ngại mà không dám tiếp cận, nên vẫn để trống ngôi Hậu đến tận khi qua đời.
Tuy là con của vợ đích nhưng ban đầu Lý Hựu không được chọn làm Thái tử mà người được phong là huynh trưởng của ông, Lý Ninh. Đến năm 811, Thái tử Lý Ninh qua đời, theo thứ tự thì Hoàng tử thứ hai là Lễ vương Lý Khoan (李寬) lên làm Thái tử, nhưng triều thần lại đề nghị lập Hoàng đích tử Lý Hựu. Do đó, Hiến Tông sách phong Toại vương Lý Hựu làm Thái tử vào năm 812, và đổi tên thành Lý Hằng (李恆)[8]. Ban đầu Hiến Tông muốn đại thần Thôi Quần soạn biểu nhân danh Lý Khoan nhường ngôi Thái tử cho em, nhưng Thôi Quần cho rằng Lý Hằng là con của vợ đích nên vẫn được ưu tiên hơn là con của cung tần. Đường Hiến Tông đồng ý.
Thái tử triều Đường
sửaĐường Thư không ghi nhận nhiều về những hành trạng của Lý Hằng lúc làm Thái tử. Còn theo Tư trị thông giám, quyển 240 thì vào 817, đại thần Vi Thụ được cử làm Sư phó cho Lý Hằng, nhưng lại thường bày những trò hài hước và khuyến khích sự xa xỉ của ông, nên Hiến Tông sinh ra ác cảm với Vi Thụ. Cuối cùng Vi Thụ bị đuổi khỏi triều đình và bị đầy đến Kiền Châu[9].
Trong triều, hoạn quan Thổ Đột Thừa Thôi có âm mưu phế ngôi Thái tử của Lý Hằng để đưa Lễ vương Lý Khoan (sau đổi tên là Lý Uẩn) làm Hoàng thái tử nhưng Hiến Tông không đồng tình. Vào đầu năm 820, do ảnh hưởng của việc uống quá nhiều đơn dược, tính tình của Hiến Tông trở nên khắc nghiệt và sức khỏe cũng ngày một yếu đi, Thổ Đột Thừa Thôi gấp rút chuẩn bị việc phế lập sau này. Lý Hằng do đó rất bất an cho tương lai của mình vì Thừa Thôi nắm nhiều binh quyền trong tay. Ông hỏi cữu phụ là Đại tư nông Quách Chiêu để tìm một lời khuyên, Quách Chiêu cho rằng ông chỉ cần tỏ vẻ hiếu thảo và tận tâm với Phụ hoàng, còn những việc khác không đáng ngại[10].
Do tính tình của Hiến Tông thất thường, nên các hoạn quan thường bị vua sai đánh đập dã man hoặc giết chết chỉ vì những lỗi nhỏ, do đó chúng cảm thấy rất bất an. Ngày 14 tháng 2 năm 820 (Canh Tí), Hiến Tông đột nhiên băng hà tại điện Trung Hòa[11], hưởng dương 43 tuổi. Nguyên nhân cái chết này được cho là do hoạn quan Trần Hoằng Chí hạ độc[10]. Về sau khi Đường Tuyên Tông (con trai thứ 13 của Hiến Tông) đăng cơ (846) thì có lời đồn rằng mẹ con Lý Hằng là chủ mưu đứng đằng sau vụ ám sát này, nhưng không có bằng chứng xác thực để chứng minh[12].
Thổ Đột Thừa Thôi thấy Hiến Tông đã chết, liền tập hợp thế lực chuẩn bị đưa Lễ vương Uẩn lên ngôi. Trung úy Lương Thủ Khiêm cùng các hoạn quan Mã Tiến Đàm, Lưu Thừa Giai, Vi Nguyên Tố, Vương Thủ Trừng hợp sức cùng nhau tôn phò Lý Hằng, sau đó giết Thổ Đột Thừa Thôi cùng Lễ vương Uẩn. Lý Hằng bèn đem vàng bạc ra thưởng cho đội quân Thần Sách (do hoạn quan chỉ huy) vì công trợ chúa đăng cơ. Ngày 20 tháng 2 năm 820[13] (nhằm ngày Bính Ngọ tháng 1 nhuận), Mục Tông tức vị ở điện Thái Cực. Năm đó ông được 26 tuổi, đặt niên hiệu là Trường Khánh (长庆).
Đại Đường Hoàng đế
sửaTình hình triều chính
sửaTrong lúc Mục Tông đang có tang chưa ra triều chính, hai người thầy cũ của ông là Đoàn Văn Xương, Giá bộ Ngoại lang Đinh Công Trứ và Binh bộ Lang trung Tiết Phóng được tham gia bàn bạc những việc cơ mật. Mục Tông dự định phong họ làm Tể tướng nhưng hai người này từ chối. Nhưng Mục Tông vẫn cho bãi chức của Tể tướng Hoàng Phủ Bác[14]. Triều đình cũng quy cái chết của Hiến Tông là do ngộ độc đan dược, do đó Mục Tông cho giết chết người luyện đan là Liễu Bí.
Ngày Mậu Thân 22 tháng 2, Mục Tông ra triều thân chính. Sau đó ông phong cho hai đại thần Đoàn Văn Xương và Tiêu Phủ giữ chức Trung thư Thị lang, Đồng bình Chương sự (Tể tướng). Đồng thời Mục Tông tôn mẹ là Quách Quý phi làm Hoàng thái hậu. Mục Tông vốn tính đã xa xỉ, đến khi lên ngôi lại dành nhiều thời gian chơi bời săn bắn và uống rượu, không quan tâm triều đình. Nhiều đại thần lên tiếng can ngăn nhưng Mục Tông không nghe. Ngoài ra ông cũng dành rất nhiều vàng bạc trong quốc khố cho việc phụng dưỡng Thái hậu[10]. Cũng trong mùa xuân năm 820, Tể tướng Lệnh Hồ Sở do phạm pháp nên cũng bị biếm chức, dời đến Hành châu. Thôi Thực được lên thay làm Tể tướng.
Tết nguyên đán năm Tân Sửu (821), cải nguyên là Trường Khánh năm đầu[10], xá thiên hạ. Cùng lúc đó, Tiết độ sứ Tây Xuyên Vương Bá dùng vàng bạc đút lót cho hoạn quan để mong vào triều làm Tể tướng. Vì thế, Mục Tông hạ chiếu cho chiếu Vương Bá vào kinh. Tể tướng Thôi Phủ thấy vậy có lời chê trách Vương Bá là kẻ tà ác tham ô không thể làm tướng nhưng Mục Tông để ngoài tai. Thôi Phủ chán nản, cũng xin từ chức. Có chiếu giáng Thôi Phủ làm Hữu bộc xạ rồi Thượng thư bộ Lại. Nhưng rốt cục thì Vương Bá chỉ được phong làm Thượng thư bộ Hình, chưa thể làm Tể tướng. Cũng năm đó, Đoàn Văn Xương xin từ chức, Mục Tông bèn đổi Văn Xương làm Tiết độ sứ Tây châu[15] và phong Đỗ Nguyên Dĩnh lên thay làm Tể tướng.
Mùa hạ năm đó, Mục Tông theo lời hẹn cũ của Hiến Tông với Hồi Hột, bèn gả em gái là Thái Hòa Công chúa đến Hồi Cốt. Thổ Phiên nghe tin Khả hãn Hồi Cốt lấy Công chúa nhà Đường bèn đem quân cướp phá Thanh Trại bảo. Hồi Cốt bèn đưa vạn kị đến Bắc Đình giúp nhà Đường chống cự Thổ Phiên và rước Công chúa về nước.
Mùa thu năm đó, theo thỉnh cầu từ quần thần, Mục Tông xưng tôn hiệu Văn Vũ Hiếu Đức Hoàng đế và lại xá thiên hạ. Sang năm 822, khi kết thúc chiến dịch ở Hà Bắc, Mục Tông bãi chức các Tể tướng Thôi Thực rồi phong Nguyên Chẩn làm Đồng bình Chương sự, đồng thời Bùi Độ cũng được triệu về đảm nhận lại tướng vị. Sau đó có người tố cáo Nguyên Chẩn trước kia từng có âm mưu ám sát Bùi Độ. Mục Tông cho điều tra nhưng không có kết quả, rốt cục cả hai người đều bị bãi chức tướng. Bùi Độ bị giáng làm Hữu bộc xạ, còn Nguyên Chẩn làm Thứ sử Đồng châu.
Biến động ở Hà Bắc
sửaĐầu năm 820 vua Bột Hải Tuyên Vương của vương quốc Bột Hải đã tiêu diệt vương quốc Tiểu Cao Câu Ly ở Liêu Đông,[16] đe dọa biên giới đông bắc nhà Đường. Con cháu của Cao Đức Vũ (người sáng lập Tiểu Cao Câu Ly) di chuyển đến phía tây của Liêu Tây rồi bị nhà Đường (đời vua Đường Mục Tông) tiêu diệt cùng năm 820[17].
Dưới thời Hiến Tông, nạn phiên trấn cát cứ về cơ bản được khống chế bởi các chiến dịch quân sự của nhà Đường, kết quả là sáu trấn lớn bị đánh diệt. Đến khi Mục Tông lên ngôi thì nạn này lại bùng lên, đặc biệt là ba trấn ở vùng Hà Bắc: Thành Đức, Ngụy Bác và Bình Lư, vốn có truyền thống cha truyền con nối. Vào mùa đông năm 820, Tiết độ sứ Thành Đức[18] là Vương Thừa Tông qua đời, các tướng dưới quyền giấu việc không phát tang để tính việc chọn người mới lên thay, không công nhận Tiết độ sứ do triều đình phái đến. Do hai con của Thừa Tông đang làm con tin trong triều nên tham mưu Thôi Toại lấy mệnh lệnh của Lương Quốc Phu nhân (tổ mẫu của Vương Thừa Tông), lập Vương Thừa Nguyên, năm đó 20 tuổi lên tiếp quản trấn Thành Đức[10]. Nhưng Vương Thừa Nguyên vốn không muốn nhận chức Tiết độ sứ, lại bị tướng sĩ ép buộc, đành tạm nhận lời, rồi sai sứ đến triều đình bảy tỏ lòng trung thành và xin từ chức. Đáp lại, Mục Tông quyết định phong cho Tiết độ sứ Ngụy Bác[19] Điền Hoằng Chính đến đảm nhận chức Tiết độ sứ ở Thành Đức, dời Vương Thừa Nguyên đến trấn Nghĩa Thành, trấn Ngụy Bác do Lý Tố tiếp quản. Cùng lúc đó lại dời Lưu Ngộ làm Tiết độ sứ Chiêu Nghĩa[20] và Điền Bố (con của Điền Hoằng Chính) là Tiết độ sứ Hà Dương[21]. Sau đó Vương Thừa Nguyên vâng mệnh rời trấn, chư tướng cố giữ lại nhưng không được đành phải chấp nhận. Điền Hoằng Chính sau đó đến tiếp quản trấn Thành Đức. Nhưng Điền lại lo sợ chư tướng ở Thành Đức vẫn hướng về họ Vương chứ không thần phục mình, bèn đem 2000 quân từ trấn Ngụy Bác đến để tự vệ nếu quân lính ở Thành Đức nổi loạn. Sau đó Điền Hoằng Chính xin triều đình cấp lương thực cho 2000 quân này, nhưng triều đình cho rằng quân sĩ Ngụy Bác tình nguyện bỏ trấn nên không có chuyện triều đình phải cấp lương cho. Cuối cùng, Điền Hoằng Chính không đủ quân lương để phân phát nên phải để 2000 quân trở về Ngụy Bác.
Năm 821, Tiết độ sứ Lư Long[22] là Lưu Tổng, người đã sát hại cha và anh (Lưu Tế và Lưu Cổn) vào năm 810), tỏ ra lo sợ khi nhiều lần mộng thấy cha anh hiện về trong giấc mơ, nên muốn từ chức để trở thành nhà sư. Triều đình hạ lệnh phong Lưu Tổng làm Tiết độ sứ Thiên Bình và dời Tiết độ sứ Tuyên Vũ Trương Hoằng Tĩnh đến đảm nhiệm ở trấn Lư Long. Trước khi làm tăng, Lưu Tổng xin triều đình ban thưởng lớn cho tướng sĩ Lư Long để họ trung thành với triều đình và cũng thỉnh cầu cắt Lư Long thành ba đạo nhỏ: ba châu U, Trác, Doanh là một đạo do Trương Hoằng Tĩnh cai quản; bốn châu Bình, Kế[23], Quy[24], Đàn do Tiết độ sứ Bình Lư[25] Tiết Bình cai quản; hai châu Doanh và Mạc làm đạo thứ ba sẽ Lư Sĩ Mai làm Quan sát sứ[10]; đồng thời cũng khuyên triều đình nên hạn chế quyền lực của Chu Khắc Dung, cháu nội của Chu Thao.
Không lâu sau Lưu Tổng chết đi. Lúc này Mục Tông cũng không quan tâm gì đến những thỉnh cầu của Lưu Tổng, các Tể tướng Thôi Thực và Đỗ Nguyên Dĩnh không phân biệt được lợi hại, nên chỉ cắt hai châu Doanh, Mạc giao cho Lư Sĩ Mai, và hầu như toàn bộ trấn Lư Long thuộc về Trương Hoằng Tĩnh. Nhưng Trương Hoằng Tĩnh lại làm mất lòng binh sĩ Lư Long[10][26] qua một số việc làm như ăn bớt tiền thưởng triều đình gửi đến cho binh sĩ, khai quật quan tài của hai giặc An, Sử (vốn được người dân trong vùng tôn kính) và ép quân lính phải phục dịch quá độ... Đến mùa thu năm 821, tướng thân cận của Trương Hoằng Tĩnh là Vi Ung có va chạm với một người lính, Vi Ung tức giận sai đánh người đó. Quân sĩ Hà Sóc vốn ghét những hành động xấu xa của Vi Ung nên không chấp hành mệnh lệnh này. Ung sai báo với Hoằng Tĩnh, Hoằng Tĩnh ra lệnh bắt giữ những ai kháng lệnh. Quân sĩ bèn hùa nhau nổi loạn, bắt giam Trương Hoằng Tĩnh và một số tướng dưới quyền Hoằng Tĩnh, trong đó có Vi Ung. Đến hôm sau, quân sĩ tỏ ra hối hận vì việc đó, nên đến tạ tội nhưng Hoằng Tĩnh không đáp lại. Quân sĩ bèn quyết định đưa Chu Hồi (cha Chu Khắc Dung) tiếp quản trấn Lư Long, nhưng Hồi từ chối, vì thế quân sĩ đưa Chu Khắc Dung thay Trương Hoằng Tĩnh[26]. Nghe tin binh sĩ U châu làm loạn, triều đình hạ lệnh biếm Trương Hoằng Tĩnh rồi phong Lưu Ngộ đến làm Tiết độ sứ Lư Long. Nhưng Lưu Ngộ ngại Chu Khắc Dung nên không nhận và còn thỉnh cầu triều đình ban cho Khắc Dung tiết việt. Ngộ trở về làm Tiết độ sứ Chiêu Nghĩa.
Trong khi đó ở Thành Đức, tướng sĩ cũng bất hòa với Điền Hoằng Chính. Đô tri binh mã sử Vương Đình Thấu âm mưu làm loạn, nửa đêm liên kết với nha binh xông vào giết Hoằng Chính cùng liêu tá; sau đó còn giết những người không ăn cánh với mình, tự xưng là Lưu Hậu và sai người đến Trường An cầu xin tiết việt, sau đó công đánh một số châu khác. Lý Tố ở Ngụy Bác nghe tin Điền Hoằng Chính bị hại, dự định cử binh công đánh Vương Đình Thấu nhưng lại đột nhiên Lý Tố lại bệnh nặng. Triều đình bèn phong Tiết độ sứ Kinh Nguyên Điền Bố đến trấn nhậm ở Ngụy Bác; đồng thời Mục Tông hạ chiếu yêu cầu quân các trấn Ngụy Bác, Chiêu Nghĩa, Hà Đông, Nghĩa Vũ phải tập hợp lại cùng tiến đánh Thành Đức và Lư Long. Quân đội triều đình được giao cho Bùi Độ chỉ huy, Ngưu Nguyên Dực được phong làm Tiết độ sứ mới ở Thành Đức, cùng dẫn binh. Tổng cộng lực lượng của triều đình có tới 150.000 người, gấp 15 lần quân nổi dậy[26].
Tuy nhiên lúc này, quốc khố đã cạn do sự xa xỉ của Mục Tông, nên quân lương cung cấp cho quân sĩ bị thiếu. Vì thế quân triều đình (vốn không có tinh thần chiến đấu) không thể giành thắng lợi áp đảo trong những trận đầu tiên.
Từ năm 821 đến năm 824, vua Bột Hải Tuyên Vương của vương quốc Bột Hải phái con trưởng là thế tử Đại Tân Đức làm sứ giả sang nhà Đường (đời vua Đường Mục Tông) triều cống 4 lần vào các năm 821, 822, 823 và 824.[27]
Đầu năm 822, quần thần đề nghị Mục Tông nên theo phương sách của Hiến Tông đánh dẹp các trấn khi xưa, có nghĩa là xá tội cho một trấn và đánh một trấn thay vì dồn sức cho cả hai mặt trận. Do đó, Mục Tông xá tội cho Chu Khắc Dung và phong làm Tiết độ sứ Lư Long, đồng thời tiếp tục thảo phạt Vương Đình Thấu[26]. Trong khi Điền Bố vẫn cố gắng thúc ép quân sĩ chiến đấu, nên lòng quân sinh ra dao động. Họ tôn tướng Sử Hiến Thành làm Minh chủ chống lại Điền Bố. Điền Bố cố gắng tập hợp lực lượng còn trung thành với mình nhưng không có ai chịu theo, Bố bèn tự sát. Quân sĩ đưa Sử Hiến Thành về Ngụy và lập làm Ngụy Bác Lưu Hậu. Triều đình trước việc đã rồi, đành phải công nhận Sử Hiến Thành, phong ông ta làm Tiết độ sứ. Và không lâu sau đó lại công nhận luôn cả Chu Khắc Dung và Vương Đình Thấu. Từ đó đến lúc nhà Đường diệt vong (907), Hà Bắc tam trấn chỉ còn thần phục trên danh nghĩa, triều đình không sao kiểm soát được nữa[26].
Mùa thu năm 822, binh sĩ ở trấn Tuyên Vũ[28] nổi dậy chống lại Tiết độ sứ Lý Nguyện. Nhân đêm tối, quân sĩ xông vào chỗ Lý Nguyện, giết vợ ông ta là Đậu thị. Nguyện sợ hãi bèn bỏ trốn sang Trịnh châu. Quân sĩ lập Lý Giới làm Lưu Hậu. Tin này bay về kinh sư, trong triều có nhiều ý kiến khác nhau. các Tể tướng Đỗ Nguyên Dĩnh và Trương Bình Thúc cho rằng nên xoa dịu quân sĩ ở Tuyên Vũ; còn Lý Phùng Cát cho rằng nếu không đánh dẹp thì triều đình sẽ mất luôn quyền kiểm soát khu vực Dương - Hoài. Phùng Cát lại đề nghị nên bãi Lý Giới, lấy Hàn Sung thay thế trấn nhậm ở Tuyên Vũ. Sau đó Mục Tông phong cho Hàn Sung kiêm nhiệm hai trấn Tuyên Vũ, Nghĩa Thành và phong Lý Giới làm Hữu Kim Ngô Tướng quân, Lý không phụng chiếu vào bao vây Tống châu[29], nhưng bị quân của Hàn Sung, Lý Quang Nhan đánh bại. Sau cùng, quân triều đình cùng với tiến vào Tuyên Vũ. Lý Giới lúc này đã lâm bệnh, bị thủ hạ là Lý Chất giết chết. Sau đó Lý Chất đầu hàng nhà Đường[26].
Năm 823, ở Dương Châu nhà Đường, thương nhân Tân La là Trương Bảo Cao đã trở nên tức giận trước sự đối xử của bọn hải tặc với những người đồng hương Tân La của mình, những người ở vùng đất không ổn định của nhà Đường quá cố thường trở thành nạn nhân của hải tặc ven biển hoặc kẻ cướp nội địa. Trên thực tế, các đối tượng người Tân La sống ở nhà Đường đã trở thành mục tiêu ưa thích của những tên cướp, những kẻ đã bán tù nhân của họ làm nô lệ. Mục Tông đã đi xa tới mức ban hành sắc lệnh ngăn chặn buôn bán nô lệ Tân La và ra lệnh trả lại tất cả những người Tân La bị bắt cóc về nước Tân La (đời vua Tân La Hiến Đức Vương)[30].
Chiến loạn ở An Nam đô hộ phủ
sửaThời Đường Hiến Tông, ở An Nam đô hộ phủ có người bản địa là Dương Thanh nổi lên chống lại nhà Đường, chiếm thành Tống Bình (nay là Hà Nội, Việt Nam). Đường Hiến Tông đã phái Quế Trọng Vũ sang đánh dẹp, chiếm lại thành Tống Bình, bắt được Dương Thanh và con ông ta là Dương Chí Trinh nhưng Dương Thanh đã vượt ngục. Quế Trọng Vũ giết chết Dương Chí Trinh.
Dương Chí Liệt (con của Dương Thanh) và Đỗ Sĩ Giao rút về Tạc Khẩu (thuộc Yên Mô, Ninh Bình, Việt Nam ngày nay) tiếp tục chống cự với quân Đường của Quế Trọng Vũ đến tháng 7 năm 820 thì bị đánh dẹp hẳn. Mục Tông sai Quế Trọng Vũ đánh Dương Thanh mà không thắng. Mục Tông gọi Quế Trọng Vũ quay về, phái Bùi Hành Lập sang làm An Nam đô hộ thay thế cùng năm 820. Bùi Hành Lập dẫn quân Đường đánh Dương Thanh nhưng vẫn không thắng. Mục Tông không hài lòng, gọi Bùi Hành Lập quay về, phái Vương Thừa Điển sang làm An Nam đô hộ thay thế năm 822. Vương Thừa Điển tiếp tục dân quân Đường đánh Dương Thanh nhưng lại không thắng. Mục Tông nổi giận, gọi Vương Thừa Điển quay về, phái Lý Nguyên Hỷ sang làm An Nam đô hộ thay thế cùng năm 822.
Năm 824, Lý Nguyên Hỷ dời phủ trị vào huyện Long Đỗ, Tô Lịch[31], đắp một cái thành nhỏ, gọi là La Thành, nhưng không thành công.
Dương Thanh lại vào trong người Man Lạo làm loạn, cướp phá phủ thành những năm 822 - 826, An Nam đô hộ Lý Nguyên Hỷ đánh không được, dụ không đến. Do đấy người Man Hoàng Động dẫn Hoàn Vương vào cướp.
Qua đời
sửaĐầu năm 823, Mục Tông chơi đá cầu với các hoạn quan trong cung. Lúc đó có viên hoạn quan bất cẩn làm ông ngã ngựa. Mục Tông kinh sợ, từ đó thành bệnh không thể đi lại được nữa. Các Tể tướng nhiều lần xin vào yết kiến cũng không được. Bùi Độ bèn ba lần dâng thư xin lập Thái tử. Đến tháng 12 ÂL, Mục Tông mới ra triều một lần, nhưng chỉ có thể ngồi trên giường mà thôi. Lý Phùng Cát nhân lúc đó xin lập Trữ quân, Bùi Độ cũng tán thành. Mục Tông không thể làm khác, đành hạ chiếu lập Cảnh vương Lý Đam làm Đông cung Hoàng thái tử[26].
Cũng trong năm này, thấy trong triều chỉ có một mình Ngưu Tăng Nhụ từ chối quà tặng của Hàn Hoằng lúc ông này sắp mất, nên Mục Tông phong Ngưu Tăng Ngụ làm Trung thư Thị lang, Đồng bình Chương sự. Lúc đó trong triều Ngưu Tăng Nguh và Lý Đức Dụ (con của Lý Phùng Cát) là những người được dự đoán sẽ làm Tể tướng, nhưng Lý Đức Dụ lại không được chọn mà phải làm Chiết Tây[32] quan sát sứ đến 8 năm. Do đó Lý Đức Dụ oán hận Ngưu Tăng Nhụ, hai họ Ngưu - Lý cũng kết phái trong triều để chống đối nhau trong mấy mươi năm, sử gọi là Ngưu Lý đảng tranh. Trong lúc đó Lý Phùng Cát liên kết với hoạn quan Vương Thủ Trừng mưu chống lại Bùi Độ, tạo thành một thế lực lớn. Phùng Cát và Thủ Trừng oán ghét Bùi Độ nên bày mưu kiềm chế Độ. Do vậy Bùi Độ bị giáng chức làm Tiết độ sứ Sơn Nam Tây Đạo[33], mất quyền bình chương sự.
Trong năm 823, bệnh tình của Mục Tông dần thuyên giảm, nhưng đến ngày 23 tháng 2 năm 824 thì bệnh lại tái phát. Đến ngày 25 tháng 2, bệnh trở nặng, bèn hạ chiếu cho Thái tử Lý Đam giám quốc. Các đại thần dâng sớ muốn xin Hoàng thái hậu Quách thị lâm triều xưng chế, nhưng Thái hậu dẫn việc Võ Tắc Thiên mà từ chối. Cùng đêm 25 tháng 2, Mục Tông băng hà ở tẩm điện, thụy hiệu đầy đủ Duệ Thánh Văn Huệ Hiếu Hoàng đế (睿聖文惠孝皇帝). Ngày 29 tháng 2 (Canh Tí), Thái tử Lý Đam lên ngôi, tức Đường Kính Tông[34].
Gia đình
sửa- Thân phụ: Đường Hiến Tông Lý Thuần.
- Thân mẫu: Ý An Hoàng hậu Quách thị (懿安皇后郭氏, ? - 851), con gái Thăng Bình Công chúa và Quách Ái, cháu nội của Quách Tử Nghi.
Hậu phi
sửa- Cung Hi Hoàng hậu Vương thị (恭僖皇后王氏, ? - 845), người Việt Châu. Sinh Đường Kính Tông Lý Đam.
- Trinh Hiến Hoàng hậu Tiêu thị (貞獻皇后蕭氏, ? - 847), người huyện Mân (Phúc Kiến). Sinh Đường Văn Tông Lý Ngang.
- Tuyên Ý Hoàng hậu Vi thị (宣懿皇后韋氏), xuất thân cung nữ. Sinh ra Đường Vũ Tông Lý Viêm.
- Võ Quý phi (武貴妃), vốn là Tài nhân (才人), sau được Đường Văn Tông truy tặng Quý phi.
- Dương Hiền phi (杨贤妃), sinh ra An vương Lý Dung.
- Trương Chiêu nghi (張昭儀).
- Trịnh Tài nhân (郑才人).
Hoàng tử
sửa- Cảnh vương → Đường Kính Tông Lý Đam, mẹ là Cung Hi Hoàng hậu Vương thị.
- Giang vương → Đường Văn Tông Lý Ngang, mẹ là Trinh Hiến Hoàng hậu Tiêu thị.
- Không rõ.
- Không rõ.
- Không rõ.
- Chương vương → Sào Huyền công → Tề vương → Hoài Ý Thái tử Lý Thấu [懷懿太子李凑], mẹ không rõ.
- Không rõ.
- An vương Lý Dung [安王李溶], mẹ là Dương Hiền phi.
- Dĩnh vương → Đường Vũ Tông Lý Viêm, mẹ là Tuyên Ý Hoàng hậu Vi thị.
- Nghĩa Phong Công chúa (义丰公主), mẹ là Võ Quý phi, lấy Vi Xử Nhân (韦处仁), mất khoảng năm Hàm Thông.
- Hoài Dương Công chúa (淮阳公主), mẹ là Trương Chiêu nghi, lấy Liễu Chánh Nguyên (柳正元).
- Duyên An Công chúa (延安公主), lấy Đậu Hoán (窦浣).
- Kim Đường Công chúa (金堂公主), mẹ là Trịnh Tài nhân, ban đầu phong là Tấn Lăng Công chúa (晋陵公主), lấy Quách Trọng Cung (郭仲恭), mất năm Càn Phù.
- Thanh Nguyên Công chúa (清源公主), mắt năm Thái Hòa.
- Nhiêu Dương Công chúa (饶阳公主), lấy Quách Trọng Từ (郭仲词).
- Nghĩa Xương Công chúa (义昌公主), xuất gia làm Đạo sĩ, mất năm Hàm Thông.
- An Khang Công chúa (安康公主), xuất gia làm Đạo sĩ.
Chú thích
sửa- ^ a b c Cựu Đường thư, quyển 16.
- ^ Do trước đó có Đường Trung Tông và Đường Duệ Tông trị vì hai lần không liên tục, cùng Đường Thương Đế không được nhiều sử gia công nhận
- ^ Cựu Đường thư, quyển 14
- ^ Cựu Đường thư, quyển 52
- ^ Tân Đường thư, quyển 8
- ^ Tư trị thông giám, quyển 236
- ^ Tư trị thông giám, quyển 237
- ^ Tư trị thông giám, quyển 238
- ^ Nay thuộc Cam Châu, Giang Tây, Trung Quốc
- ^ a b c d e f g Tư trị thông giám, quyển 241.
- ^ Cựu Đường thư, quyển 15
- ^ Tư trị thông giám, quyển 248
- ^ “中央研究院 兩千年中西曆轉換”. Truy cập 15 tháng 2 năm 2015.
- ^ Tân Đường thư, quyển 167
- ^ Cựu Đường thư, quyển 167
- ^ 王小甫:新罗北界与唐朝辽东[liên kết hỏng]
- ^ 《渤海国史》,魏国忠、朱国忱、郝庆云著,中国社会科学出版社,ISBN 7-5004-5251-9
- ^ Trụ sở nay thuộc Thạch Gia Trang, Hà Bắc, Trung Quốc
- ^ Trụ sở nay thuộc Hàm Đan, Hà Bắc, Trung Quốc
- ^ Sơn Tây, Trung Quốc hiện nay
- ^ Lạc Dương, Hà Nam, Trung Quốc hiện nay
- ^ Nay thuộc thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc
- ^ Thiên Tân, Trung Quốc hiện nay
- ^ Trương Gia Khẩu, Hà Bắc hiện nay
- ^ Trụ sở nay thuộc Thái An, Sơn Đông, Trung Quốc
- ^ a b c d e f g Tư trị thông giám, quyển 242.
- ^ "Từ cha của Đại Nhân Tú, đến Kiến Hưng vào năm sau, tổ tiên thứ tư của ông ấy là Đại Dã Bột và là em trai của Đại Tộ Vinh. Đại Nhân Tú đã tấn công các bộ lạc khác nhau ở Hải Bắc, mở ra một vương quốc vĩ đại và lập nên những thành tựu to lớn. Mười sáu lần triều cống vào năm Nguyên Hòa (niên hiệu của vua Đường Hiến Tông), bốn lần triều cống vào năm Trường Khánh (niên hiệu của vua Đường Mục Tông), hai lần triều cống vào năm Bảo Lịch (niên hiệu của vua Đường Kính Tông). Năm Thái Hòa thứ tư của vua Đường Văn Tông, Đại Nhân Tú qua đời, thụy hiệu là Tuyên Vương" Theo Tân Đường thư (新唐书)
- ^ Khai Phong, Hà Nam, Trung Quốc hiện nay
- ^ Thương Khâu, Hà Nam, Trung Quốc ngày nay
- ^ Chong Sun Kim, "Slavery in Silla and its Sociological and Economic Implications", in Andrew C. Nahm, ed. Traditional Korea, Theory and Practice (Kalamazoo, MI: Center for Korean Studies, 1974), p. 33.
- ^ Tô Lịch giang thần: Khi xưa có người tên là Tô Lịch, làm quan Lịch ở huyện Long Đỗ, nhà ở cạnh con sông nhỏ. Nhà ấy ba đời nhân nhượng ở chung với nhau, được cất lên đỗ khoa Hiếu Liêm, và được tinh hiểu cửa nhà, vì thế ở làng ấy cũng đặt là làng Tô Lịch. Đến đời vua Mục Tông nhà Đường, Lý Nguyên Hỷ sang làm Đô Hộ, lập dinh phủ ở trong thành Long Biên. Nguyên Hỷ thấy cửa bắc thành ấy, có con sông chảy ngược, sơ người sinh ra bụng làm phản, muốn cắm phủ chỗ khác, mà đắp ra thành La Thành.
- ^ Trấn Giang, Giang Tô, Trung Quốc ngày nay
- ^ Hán Trung, Thiểm Tây, Trung Quốc ngày nay
- ^ Tư trị thông giám, quyển 243
- ^ Tân Đường thư: Chư đế công chúa liệt truyện[liên kết hỏng]