Ngồi khóc trên cây

tiểu thuyết của Nguyễn Nhật Ánh

Đây là một phiên bản cũ của trang này, do TuanminhBot (thảo luận | đóng góp) sửa đổi vào lúc 11:41, ngày 29 tháng 3 năm 2017 (replaced: tháng 7, 20 → tháng 7 năm 20, tháng 6, 20 → tháng 6 năm 20 (2), tháng 4, 20 → tháng 4 năm 20 using AWB). Địa chỉ URL hiện tại là một liên kết vĩnh viễn đến phiên bản này của trang, có thể khác biệt rất nhiều so với phiên bản hiện hành.

Ngồi khóc trên cây là một tiểu thuyết dành cho thanh thiếu niên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, xuất bản lần đầu tại Việt Nam vào ngày 27 tháng 6 năm 2013 bởi Nhà xuất bản Trẻ, với phần tranh minh họa do Đỗ Hoàng Tường thực hiện. Đây là một trong các truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh, ra đời sau Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ và trước Chúc một ngày tốt lành. Tác phẩm xoay quanh mối tình hồn nhiên, trong trẻo giữa chàng sinh viên trẻ Đông và một cô bé 14 tuổi được mọi người gọi bằng cái tên "Rùa". Câu chuyện khai thác sâu vào những suy tư, trăn trở nội tâm của tuổi mới lớn trên một nền điệu gợi về tuổi thơ sống chan hòa giữa thiên nhiên rừng núi, phảng phất phong vị miền quê và tình làng xóm. Bối cảnh của tác phẩm diễn ra chủ yếu ở một ngôi làng tại Quảng Nam, quê hương của chính tác giả.

Ngồi khóc trên cây
Bìa sách Ngồi khóc trên cây, ấn hành năm 2013 bởi Nhà xuất bản Trẻ.
Thông tin sách
Tác giảNguyễn Nhật Ánh
Minh họaĐỗ Hoàng Tường
Quốc gia Việt Nam
Ngôn ngữTiếng Việt
Thể loạiTiểu thuyết thanh thiếu niên, Tiểu thuyết lãng mạn
Nhà xuất bảnNhà xuất bản Trẻ
Ngày phát hành27 tháng 6 năm 2013
Kiểu sáchSách in
Số trang344
ISBN978-604-1-02197-6
Số OCLC903915252

Không giống với nhiều tác phẩm trước đó của Nguyễn Nhật Ánh, Ngồi khóc trên cây được nhà văn đưa vào nhiều nghịch cảnh éo le, bi thương nhằm thử thách các nhân vật và giúp họ trưởng thành hơn về mặt tình cảm theo thời gian. Tác phẩm đã nằm trong tốp những quyển sách Việt Nam được nhiều người đặt mua nhất năm 2013 theo thống kê của nhiều hệ thống phân phối sách trực tuyến, đồng thời được Nhà xuất bản Trẻ đưa vào Tủ sách bán chạy nhất của họ.[1] Ngồi khóc trên cây cũng được đánh giá như một "hiện tượng xuất bản" của Việt Nam, với lượng sách in lần đầu lên đến hơn 20.000 bản, và đã phải tái bản khi còn chưa chính thức phát hành.

Nội dung

Câu chuyện mở ra tại Đo Đo, một ngôi làng nhỏ ở xã Bình Quế, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Đông là một sinh viên 18 tuổi từ Sài Gòn trở về thăm làng quê nhân kỳ nghỉ hè. Đông rời làng theo gia đình vào Nam khi mới lên 8,[2] nhưng đã có một tuổi thơ vô tư, êm đềm với các trò chơi chong chóng, thả diều, tết cọng dừa, nhặt nắp keng... trên vùng đất sinh ra mình, và nay anh đang tìm lại những ký ức đẹp đẽ năm nào. Em họ của Đông là Thục rủ anh đến chợ Kế Xuyên chơi, và tại đây anh tình cờ gặp Rùa, một cô bé có hoàn cảnh đặc biệt. Ba mất sớm, mẹ bỏ đi, lại mang bệnh nặng trong mình suốt bốn năm, Rùa đã 14 tuổi nhưng chỉ mới học lớp 5 tiểu học.[3] Cái tên "Rùa" vốn do lũ trẻ trong làng đặt nhằm trêu chọc việc cô không biết đi xe đạp, và nó cũng trở thành biệt danh mọi người quen gọi cô bé.[4] Đông chỉ thực sự chú ý đến Rùa khi cô bé nấp ngoài cửa nhìn anh đọc sách vào ngày hôm sau, và từ đó nảy nở một tình bạn đẹp giữa hai người.

Thoạt đầu, Đông chỉ cảm thương Rùa bởi hoàn cảnh của cô bé, và tỏ ra bất bình khi cô bé bị bạn bè xa lánh. Tuy nhiên càng về sau, sự ngây thơ, hồn nhiên và nhân hậu của Rùa đã khiến Đông xao xuyến và bị cô bé cuốn hút từng chút một.[5] Rùa thương yêu sâu sắc những con thú nhỏ trong rừng và có thể kết bạn với chúng;[6] cô liên tục phá hỏng các bẫy thú bất chấp sự dọa nạt của những người thợ săn, chính vì vậy mà Rùa bị họ thù ghét và bịa tạc ra những lời đồn không hay.[7] Một lần Rùa cùng Đông vào khu rừng trên đồi, anh đã rất ngạc nhiên khi thấy các con thú hoang theo chân cô đến một vùng đất bí mật đằng sau thác nước. Đây là nơi Rùa giấu những con thú khỏi hoạt động săn bắt, trong đó có một chú nai con rất đẹp mà cô bé thường xuyên đến thăm và kể chuyện cho nó nghe. Trên đường trở về, sau một tai nạn nhỏ, Đông đã không cầm được lòng mình mà đặt lên môi Rùa nụ hôn đầu đời.[8]

Đông vô cùng tiếc nuối và buồn bã khi buộc phải nhanh chóng về lại Sài Gòn, mà chủ yếu là nỗi nhớ nhung da diết trong anh về cô bé Rùa. Trong một buổi tối hai ngày trước khi anh rời đi, Rùa và Đông đã thổ lộ tình cảm họ dành cho nhau, nhưng cô bé muốn anh đợi mình lớn thêm đã rồi mới nghiêm túc trao nhau sự yêu thương.[9] Không may vào trưa hôm sau, Rùa bị những người thợ săn bao vây để hỏi tội cô bé vì đã phá bẫy của họ trong lần vào rừng cùng Đông. Một trong số họ lúc nóng giận đã vô tình tiết lộ sự thật đắng cay về cái chết của ba cô, khiến Rùa rơi sâu vào mặc cảm. Về phần Đông, anh bàng hoàng và đau khổ khi được biết mình chính là anh họ của Rùa giữa lúc tình cảm hai người đã trở nên sâu đậm.[10] Anh trốn tránh việc quay lại làng suốt ba năm liền hòng quên đi mối tình đầu, nhưng hình ảnh Rùa vẫn quấn lấy anh hàng đêm, cho đến lúc một cú sốc khác xảy đến với Đông sau khi anh phát hiện mình mắc căn bệnh ung thư bạch cầu.[11]

Tuyệt vọng, Đông quyết định bỏ mặc lý trí mà trở lại làng Đo Đo, một phần để chia tay với những người thân của mình dù anh không có ý định cho họ biết hoàn cảnh hiện tại, mặt khác anh muốn đối mặt với chuyện tình đã để lại năm xưa với Rùa. Sau ba năm, Rùa đã trưởng thành hơn, trở thành một thiếu nữ xinh xắn và được nhiều người tìm đến dạm hỏi,[12] nhưng cô vẫn tin tưởng tuyệt đối mà nuôi lớn tình cảm trong sáng giữa mình và Đông.[13] Đông lảng tránh cô liên tục bởi anh vẫn chưa tìm ra cách tháo gỡ mối thắt chia cắt hai người, và điều này khiến Rùa vô cùng đau lòng. Đông phát hiện ra hàng đêm Rùa vẫn tìm đến nhà nhìn anh từ ngoài xa mà không dám vào, chỉ thầm lặng leo lên cây me trước cửa ngồi khóc.[14] Dứt khoát vượt qua bản thân, Đông tìm gặp bà nội của Rùa để thưa chuyện, và anh mừng rỡ khi biết họ không hề có quan hệ huyết thống như mọi người lầm tưởng.[15]

Đông quay lại thành phố để tiếp tục việc trị liệu, và đến lúc này các bác sĩ mới đính chính lại chẩn đoán cũ, theo đó anh chỉ mắc bệnh thiếu máu dinh dưỡng.[16] Tràn trề hy vọng vào một tương lai tươi sáng sau những biến động dữ dội của cuộc đời suốt thời gian qua, anh tức tốc quay lại quê hương thì chết lặng vì nghe tin Rùa đã bị nước cuốn trôi khi nỗ lực cứu những đứa trẻ bơi qua sông đến trường giữa dòng nước chảy xiết.[17] Đông suy sụp hoàn toàn và bị nhấn chìm bởi nỗi nhớ thương vô hạn. Anh dẫn hai người em họ của mình là Thục và Loan vào lại khu rừng để sống lại những kỷ niệm đã có với Rùa trước khi quyết định bỏ đi khỏi làng mà không định ngày trở lại.[18] Tại vùng đất bí mật nọ, trong lúc đau xót nhìn ngắm cảnh vật năm xưa, Đông nghe như có tiếng hát của Rùa vang vọng. Anh leo lên một cây bứa để quan sát kỹ hơn và rơi những giọt nước mắt khi bắt gặp bóng dáng người mình yêu thương.[19]

Sáng tác và phát hành

Trước tiên là tôi viết rất nhiều về thiên nhiên, viết cho các bạn trẻ có tình yêu thiên nhiên, đặc biệt là các bạn sống ở thành phố. [...] Tôi muốn gửi gắm một thông điệp là mặc dù trong xã hội hiện nay có nhiều người đối xử với nhau bạo lực, vô cảm nhưng thực ra đó chỉ là một phần của hiện thực cuộc sống. Bên cạnh những cảnh như vậy cũng còn rất nhiều người tử tế.

Nguyễn Nhật Ánh[20]

Ngồi khóc trên cây là một truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh, được ông viết xong vào ngày 7 tháng 4 năm 2013.[19] Tác phẩm viết ở ngôi kể thứ nhất, chia thành ba chương dài, mỗi chương được đề từ bằng những vần thơ do chính nhà văn sáng tác. Như phần lớn các tác phẩm trước đây, truyện tiếp tục là cầu nối dẫn vào thế giới tuổi thơ đầy màu sắc mà nhà văn Nguyễn Nhật Ánh muốn truyền tải đến độc giả. Trong truyện có hình ảnh một con ngỗng là vật nuôi của Rùa, và cảnh tượng ngỗng rượt và mổ người liên đới trực tiếp đến một kỷ niệm thời thơ ấu của nhà văn.[21] Nhà văn chia sẻ rằng so với các sáng tác trước, Ngồi khóc trên cây ít đối thoại hơn mà tập trung vào khảo sát tâm trạng và miêu tả sâu vào tâm trạng nhân vật nhiều hơn.[22] Cũng theo Nguyễn Nhật Ánh, chưa có nhân vật nào trong các tác phẩm của ông rơi vào nghịch cảnh éo le như nhân vật Rùa, và cũng chưa bao giờ ông đi sâu miêu tả nội tâm nhân vật như thế.[23] Bằng cách này, ông muốn thử xem các nhân vật sẽ hành động như thế nào khi phát hiện ra người mình thích có quan hệ huyết thống, cũng như nhiều tình huống éo le khác nữa, khiến cho câu chuyện có phần buồn.[24]

Nhân dịp ra mắt Ngồi khóc trên cây, Nhà xuất bản Trẻ đã tổ chức hai cuộc thi viết "Nhìn hình minh họa đoán nội dung truyện" và "Nguyễn Nhật Ánh và tôi".[1] Cuốn sách, được giới thiệu như một thế giới kỳ diệu và xinh đẹp, một tình yêu đầu đời trong trẻo, với những cảm xúc nhớ thương, đợi chờ khắc khoải…, phát hành ngày 27 tháng 6 năm 2013 dưới dạng hai ấn bản là bản thường bìa mềm và bản đặc biệt bìa cứng. Cả hai ấn bản có khoảng 30 tranh minh họa và thẻ đánh dấu trang do họa sĩ Đỗ Hoàng Tường thực hiện, riêng bản đặc biệt có thêm bốn tranh màu làm phụ bản.[25] Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã tham dự ba buổi ký tặng độc giả nhân dịp ra mắt tác phẩm vào các ngày 27, 30 tháng 6 và 7 tháng 7 tại Thành phố Hồ Chí MinhHà Nội.[26]

Đón nhận

Nhà xuất bản Trẻ đã in Ngồi khóc trên cây hai lần với tổng số 30.000 bản bìa mềm và 3.000 bản bìa cứng. Trong lần in đầu tiên, tác phẩm được in với số lượng hơn 20.000 bản, nhưng đã phải nhanh chóng tái bản lần một ngay từ khi chưa phát hành chính thức.[23][26][27] Điều này được ví như một hiện tượng rất hiếm hoi trong lĩnh vực xuất bản của Việt Nam nhiều năm trở lại đây.[28] Tuy nhiên kỷ lục đó về sau đã bị Chúc một ngày tốt lành, tác phẩm tiếp theo của Nguyễn Nhật Ánh, vượt xa với lượng bản in lên đến 50.000 bản.[29] Nhiều cửa hàng sách, các trang mạng mua bán sách trực tuyến đã đặt gần hết số lượng sách phát hành dù sách chưa được xuất hiện trên thị trường.[30] Ngồi khóc trên cây trở thành một trong những tác phẩm được đặt mua hàng đầu trên các trang web thương mại điện tử lớn như Tiki, Vinabook,[23] và đứng thứ Tư trong tốp 12 quyển sách Việt Nam bán chạy nhất năm 2013. Có hơn 8.000 độc giả tham gia cuộc thi "Nhìn hình minh họa đoán nội dung truyện" tổ chức trên mạng xã hội Facebook.[22] Quyển sách cũng được giới thiệu trong chuyên mục Mỗi ngày 1 cuốn sách phát sóng ngày 13 tháng 7 năm 2013 trên kênh VTV1 của Đài Truyền hình Việt Nam, qua lời khuyên đọc nhấn mạnh: "Với cuốn sách mới này, một lần nữa người đọc lại được Nguyễn Nhật Ánh tặng món quà quý giá: lòng tin rằng điều tốt có thật trên đời." Tính đến quý I năm 2015, Ngồi khóc trên cây đã trải qua mười lần tái bản.[31]

Xem thêm

Tham khảo

  1. ^ a b Thanh Kiều (26 tháng 6 năm 2013). “Nguyễn Nhật Ánh với 'Ngồi khóc trên cây': Luôn chối từ bạo lực”. Báo Thể thao & Văn Hoá. Thông tấn xã Việt Nam. Truy cập ngày 31 tháng 10 năm 2015.
  2. ^ Nguyễn Nhật Ánh (2013), tr. 179: "Năm tám tuổi, tôi từng học thầy Điền khi vô lớp ba. Đó cũng là năm cuối cùng tôi ở làng."
  3. ^ Nguyễn Nhật Ánh (2013), tr. 42: "Mười bốn tuổi lẽ ra phải học lớp chín như thằng Thục. Nhưng con Rùa vẫn học lớp năm trường làng."
  4. ^ Nguyễn Nhật Ánh (2013), tr. 19: "Cái tên đó là do tụi em đặt. [...] Bây giờ cả làng đều gọi nó bằng cái tên đó. Bà nội cũng gọi nó là con Rùa."
  5. ^ Nguyễn Nhật Ánh (2013), tr. 134–136: "Dường như có một sự thôi thúc vô hình ở bên trong tôi. Tôi không biết có phải tôi đã yêu con Rùa hay không. [...] Con người lạ lùng của con Rùa khiến người khác e ngại, xa lánh nhưng đối với tôi lại có một sức hấp dẫn đặc biệt. [...] Trái tim tôi cũng bị trái tim con Rùa thu hút, chắc vậy!"
  6. ^ Nguyễn Nhật Ánh (2013), tr. 136: "Con Rùa có mối quan hệ thân thiện và một tình yêu sâu sắc dành cho các con vật. Tôi từng tận mắt chứng kiến con Rùa nói chuyện với bọn chúng."
  7. ^ Nguyễn Nhật Ánh (2013), tr. 130: "Và tôi hiểu tại sao cánh thợ săn trong làng rất ghét con Rùa, tại sao họ phao những tin nhảm nhí để mong thầy Điền cấm con Rùa vào rừng."
  8. ^ Nguyễn Nhật Ánh (2013), tr. 131: "[...] một cảm giác thiết tha gần gũi đột ngột lấp đầy tôi và hoàn toàn không tự chủ, tôi cúi xuống hôn lên môi nó."
  9. ^ Nguyễn Nhật Ánh (2013), tr. 146: "Nhưng bây giờ em còn nhỏ. Anh đợi thêm một thời gian nữa cho em kịp lớn lên anh nhé!"
  10. ^ Nguyễn Nhật Ánh (2013), tr. 186: "Bây giờ, đã biết tôi và con Rùa là anh em chú bác, thế nhưng mỗi lần nhớ đến nó lòng tôi không hiểu sao vẫn tràn ngập yêu thương."
  11. ^ Nguyễn Nhật Ánh (2013), tr. 202: "Nghe mình bị ung thư máu, thoạt đầu tôi cũng phát hoảng nhưng dần dần tôi trấn tĩnh được."
  12. ^ Nguyễn Nhật Ánh (2013), tr. 267: "Mùa cọng dừa năm nay, nó đã là cô thiếu nữ xinh đẹp, thậm chí trong làng đã có kẻ tới nhà mối mai dạm hỏi."
  13. ^ Nguyễn Nhật Ánh (2013), tr. 250–251: "Câu chuyện con Rùa cương quyết chờ đợi tôi khiến tôi cảm động đến không tài nào chợp mắt được. [...] Con Rùa lớn lên, tình cảm đó cũng lớn lên cùng với nó hồn nhiên như cây cỏ lớn lên dưới ánh mặt trời."
  14. ^ Nguyễn Nhật Ánh (2013), tr. 241: "Chính nước mắt của con Rùa đọng thành sương, rơi trên tóc tôi nãy giờ đó thôi. [...] Tối hôm qua hôm kia em cũng đến đây. Em ngồi trên cây me ba ngày liền xem anh đang làm gì mà không lên chơi với em."
  15. ^ Nguyễn Nhật Ánh (2013), tr. 255: "Con và con Rùa không có bà con gì hết con à."
  16. ^ Nguyễn Nhật Ánh (2013), tr. 292: "Tôi chỉ bị thiếu máu dinh dưỡng do các hồng cầu bị phá hủy."
  17. ^ Nguyễn Nhật Ánh (2013), tr. 306: "Nhưng một hôm nước xiết, trong lúc cứu các đứa bé hơn bị nước cuốn, con Rùa đã kiệt sức vào phút chót nên không thể bơi được vào bờ."
  18. ^ Nguyễn Nhật Ánh (2013), tr. 315: "Lần này vào lại Sài Gòn, không biết chừng nào tôi mới quay về lần nữa."
  19. ^ a b Nguyễn Nhật Ánh (2013), tr. 341: "Đầu óc lơ lơ lửng lửng, tôi không biết tôi ngồi xuống chạc cây từ lúc nào. [...] Chỉ có nước mắt tuôn ra dàn dụa trên mắt tôi, thi nhau rơi xuống…"
  20. ^ Thanh Mai (7 tháng 7 năm 2013). “Nguyễn Nhật Ánh đưa "Ngồi khóc trên cây" ra Hà Nội”. Báo điện tử VOV. Đài Tiếng nói Việt Nam. Truy cập ngày 31 tháng 10 năm 2015.
  21. ^ Mai Quỳnh Nga (10 tháng 7 năm 2013). “Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Tìm về tuổi thơ trên toa tàu ký ức”. Báo Công an nhân dân điện tử. Bộ Công an Việt Nam. Truy cập ngày 31 tháng 10 năm 2015.
  22. ^ a b Thu Huệ (26 tháng 6 năm 2013). “Nguyễn Nhật Ánh ra mắt Ngồi khóc trên cây”. Tuổi Trẻ Online. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Truy cập ngày 31 tháng 10 năm 2015.
  23. ^ a b c Khắc Thi (26 tháng 6 năm 2013). “Sách mới của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Chưa phát hành đã tái bản”. Sài Gòn Giải Phóng Online. Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh. Truy cập ngày 31 tháng 10 năm 2015.
  24. ^ Thiên Hương (25 tháng 6 năm 2013). “Nguyễn Nhật Ánh ra mắt "Ngồi khóc trên cây". Thanh Niên Online. Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Truy cập ngày 31 tháng 10 năm 2015.
  25. ^ Hiền Đỗ (22 tháng 6 năm 2013). “Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh kể chuyện 'Ngồi khóc trên cây'. VnExpress. FPT. Truy cập ngày 31 tháng 10 năm 2015.
  26. ^ a b Nguyễn Việt Hà (26 tháng 6 năm 2013). “Ngồi khóc tuổi thơ”. Tuổi Trẻ Online. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Truy cập ngày 31 tháng 10 năm 2015.
  27. ^ Diệp Yến (25 tháng 6 năm 2013). “Sách Nguyễn Nhật Ánh tái bản trước khi phát hành”. Báo Người lao động điện tử. Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh. Truy cập ngày 31 tháng 10 năm 2015.
  28. ^ Hoa Nguyễn (26 tháng 6 năm 2013). “Tạo dựng thế giới đẹp và trong trẻo qua từng trang sách”. Báo Công an nhân dân điện tử. Bộ Công an Việt Nam. Truy cập ngày 1 tháng 11 năm 2015.
  29. ^ Hồ Hương Giang (28 tháng 2 năm 2014). “Nguyễn Nhật Ánh lại ra sách, tiếp tục gây sốt kỷ lục”. VietNamNet. Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam. Truy cập 13 tháng 5 năm 2014.
  30. ^ Gia Thuận (25 tháng 6 năm 2013). "Ngồi khóc trên cây" - Hoài nhớ tuổi thơ trong trẻo”. VietnamPlus. Thông tấn xã Việt Nam. Truy cập ngày 31 tháng 10 năm 2015.
  31. ^ Nguyễn Nhật Ánh (2015) [Xuất bản lần đầu năm 2013]. Ngồi khóc trên cây (ấn bản 10). Thành phố Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Trẻ. ISBN 978-604-1-02197-6.
Thư mục