Búng Bình Thiên, còn gọi là Hồ Nước Trời, là tên một hồ thuộc huyện An Phú, tỉnh An Giang, Việt Nam.

Búng Bình Thiên.

Vị trí sửa

 
Bản đồ

Búng Bình Thiên nằm ở phía Bắc huyện An Phú, thuộc khu vực giáp ranh của các xã Khánh An, Khánh Bình, Nhơn Hội, Quốc Thái.

Búng Bình Thiên gồm 2 hồ nước là Búng Lớn và Búng Nhỏ. Búng Nhỏ còn khá ít nước nên người ta thường ám chỉ Búng Lớn khi nói về Búng Bình Thiên (gọi tắt là Búng).

Búng Bình Thiên là một hồ nước lớn, thông với sông Bình Di ở một con rạch nhỏ, nhưng không thông với sông Hậu.

Đặc điểm sửa

Theo sách Địa chí An Giang (tập 1)[1], hồ Búng Bình Thiên[2] gồm Búng Bình Thiên lớnBúng Bình Thiên nhỏ, nằm giữa 2 sông Bình Disông Hậu tại các xã Khánh Bình, Nhơn Hội và thị trấn Long Bình (đều thuộc huyện An Phú). Điều này chưa đúng, vì theo người dân tại đây, khu vực được gọi là Búng Bình Thiên gồm: Búng Bình Thiên (người dân nơi đây gọi là Búng Lớn) và Búng Nhỏ, nằm giữa Sông Hậu và sông Bình Di (là một nhánh của Sông Hậu, chảy từ thị trấn Long Bình - huyện An Phú đến thành phố Châu Đốc - trở lại đổ vào Sông Hậu tại ngã ba sông Châu Đốc, tạo thành vòng đai sông bao quanh huyện An Phú, tỉnh An Giang). Khu vực Búng Bình Thiên gồm một phần diện tích của 3 xã: Nhơn Hội, Khánh Bình và Quốc Thái (đều thuộc huyện An Phú, tỉnh An Giang).

Trong đó, Búng Bình Thiên (hay còn gọi là Búng Lớn) có diện tích mặt nước trung bình là 193 ha, độ sâu trung bình là 6 m; Búng Nhỏ có diện tích mặt nước trung bình là 10 ha, độ sâu trung bình là 5 m[3].

Với diện tích như vậy, Búng Bình Thiên được coi là một trong những hồ nước ngọt lớn nhất miền Tây Nam Bộ[4].

Đến nay, hiện tượng nước hồ luôn trong xanh (trong khi các kênh rạch ở gần đó nước lại đục ngầu phù sa), và nước ở hồ cứ dâng lên rồi hạ xuống chứ không chảy.

Nước trong Búng thường trong xanh, không bị vẫn đục phù sa có lẽ do cấu tạo như một túi nước của Búng, chỉ thông với sông Bình Di theo hướng ngược dòng nên không bị dòng chảy làm xáo động.

Truyền thuyết sửa

Có một số truyền thuyết dân gian về sự ra đời của Búng Bình Thiên. Trong đó, có 2 phiên bản phổ biến.

Truyền thuyết kể rằng[5], ở cuối thế kỷ 18, khi đó chưa có hồ nước ở Búng Bình Thiên, vào một mùa khô hạn, một viên tướng của nhà Tây Sơn là Võ Văn Vương (hoặc Võ Duy Dương, Võ Văn Hùm, Võ Văn Cọp) khi hành quân tới khu vực Búng Bình Thiên đã dâng lễ vật cúng trời đất để tìm nước cho binh sĩ. Khi ông rút gươm đâm xuống đất thì có một dòng nước trào lên đọng thành hồ nước trong vắt. Từ đó, hồ nước được người dân đặt tên là Búng Bình Thiên hay còn gọi là Hồ Nước Trời.

Phiên bản khác thì kể rằng khi chúa Nguyễn Ánh trốn chạy quân Tây Sơn, lúc qua khu vực Búng Bình Thiên do khô hạn, không có nước uống nên đã rút gươm đâm xuống đất để xin trời ban nước[6].

Đương nhiên, cả hai câu truyện đều do người xưa đặt ra, cốt để nói lên sự linh thiêng và kì bí hồ nước.

Tên gọi sửa

Búng Bình Thiên có nghĩa là Hồ nước bình yên do Trời ban.

  • Búng: có thể hiểu nôm na là hồ nước. Theo sách Tự vị tiếng nói miền Nam của Vương Hồng Sển thì thấy có từ "bưng". Từ này gốc Khmer (trapéang) lần hồi được Việt hóa (bưng), và nó có nghĩa là: "vùng đất sình lầy lấp xấp nước, cá tôm ở nhiều, cỏ lác mọc loạn xạ"...(nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 78). Vậy, "búng" ở đây có thể là do từ "bưng" nói trại ra

Tuy nhiên, dựa Địa bạ triều Nguyễn ra đời năm 1832 thì khu vực Búng Bình Thiên từ đầu được gọi là Bình Tiên. Có thể theo thời gian, Bình Tiên bị nói trại thành Bình Thiên?[7]

Nguồn lợi sửa

Búng Bình Thiên là hồ chứa nước thiên nhiên rộng lớn, cung cấp nước ngọt sinh hoạt cho cả vùng phụ cận.

Bên cạnh đó, nó còn là "túi cá đồng" tự nhiên rất phong phú, là điểm du lịch lý thú vì cảnh quan hãy còn khá nguyên sơ, và còn vì những món ăn dân dã mang đậm chất của một thời đi mỡ cõi, như: chuột nướng, lẩu mắm, cá linh kho, cá lóc nướng trui...

Do khai thác quá mức và sự suy giảm nguồn thủy sản tự nhiên, hàng năm chính quyền địa phương phải thả cá giống vào Búng để cải thiện. Chính phú Đan Mạch cũng tài trợ nhiều lồng bè nuôi cá bằng plastic cho người dân nhưng cũng không hiệu quả.

Trong đợt hạn hán đầu năm 2016, mực nước trên Búng Bình Thiên đã xuống thấp kỉ lục, có nơi còn lộ cả phần đáy hồ[8].

Du lịch sửa

 
Thánh đường Hồi giáo Mas Jid Khoy Ri Yah ở bên bờ Búng Lớn, xã Nhơn Hội.

Cách Búng Bình Thiên khoảng vài trăm mét là tới làng của người Chăm với nhiều nét sinh hoạt văn hóa rất riêng và đặc sắc. Người Chăm sống dọc bên bờ Búng Lớn (Nhơn Hội), Búng Nhỏ (Khánh Bình) và Đồng Ky (Quốc Thái).

Hiện nay, dịp lễ 2 tháng 9 hàng năm, huyện An Phú tổ chức lễ hội Liên hoan Văn hóa mùa nước nổi Búng Bình Thiên.

Theo kế hoạch, trong tương lai Búng Bình Thiên sẽ trở thành khu du lịch bảo tồn văn hóa, nghỉ ngơi và giải trí nằm trong tuyến du lịch thuộc khu kinh tế cửa khẩu Tịnh Biên kết hợp với các điểm du lịch hành hương là Miếu Bà Chúa Xứ, Lăng Thoại Ngọc Hầu và các núi thuộc vùng Bảy Núi.

Miêu tả Búng Bình Thiên, trong sách Việt Nam đất nước giàu đẹp (tập 2) có đoạn:

An Giang có nhiều ao hồ thiên nhiên. Đặc biệt, ở An Phú có Búng Bình Thiên. Đây là biển hồ của tỉnh, là một thắng cảnh thiên nhiên, quanh năm mênh mông nước biếc, lộng bóng mây trời. Búng Bình Thiên còn là cái ổ sinh sản cá tôm của vùng sông Hậu. Dài theo ven sông, trục lộ, bờ kênh, ẩn hiện những mái nhà núp bóng trong vườn cây sum suê bốn mùa hoa thơm trái ngọt. Vì là nơi đầu nguồn đất thấp, đồng bào thường dựng nhà sàn cao, cất bè nuôi cá hoặc ở ghe, cuộc sống sinh hoạt thường diễn ra trên mặt nước...[9]

Chú thích sửa

  1. ^ Địa chí An Giang (tập 1), tr. 122.
  2. ^ Búng: hiện chưa có nhà chuyên môn nào giải thích. Tuy nhiên, tra trong sách Tự vị tiếng nói miền Nam của Vương Hồng Sển thì thấy có từ "bưng". Từ này gốc Khmer (trapéang) lần hồi được Việt hóa (bưng), và nó có nghĩa là: "vùng đất sình lầy lấp xấp nước, cá tôm ở nhiều, cỏ lác mọc loạn xạ"...(nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 78). Vậy, "búng" ở đây có phải là do từ "bưng" nói trại ra hay không, cần phải truy cứu thêm.
  3. ^ Tuy nhiên, theo Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh An Giang và sách Việt Nam đất nước giàu đẹp (tập 2, tr. 344), thì Búng Bình Thiên rộng khoảng 300 ha vào mùa khô, và tỏa rộng cả ngàn ha vào mùa nước nổi, với độ sâu trung bình là 4 m.
  4. ^ Nguồn: Kỷ lục An Giang 2009, (tr. 23) và Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh An Giang [1] Lưu trữ 2011-01-09 tại Wayback Machine.
  5. ^ Đây là thông tin dựa theo bản tin của đài truyền thanh huyện An Phú nhăn dịp chào mừng Liên hoan Văn hóa mùa nước nổi Búng Bình Thiên hàng năm.
  6. ^ Phiên bản này phổ biến theo lời của các vị cao niên và dân địa phương.
  7. ^ “Tản mạn về địa danh và truyền thuyết Búng Bình Thiên”.
  8. ^ “Thăm "hồ nước trời" mùa cạn đáy”. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 4 năm 2016. Truy cập ngày 22 tháng 4 năm 2016.
  9. ^ Việt Nam đất nước giàu đẹp (tập 2), tr. 344.

Sách tham khảo sửa

  • Nhiều người soạn, Việt Nam đất nước giàu đẹp (tập 2). Nhà xuất bản Sự Thật, 1983.
  • Nhiều người soạn, Địa chí An Giang (tập 1). do Chính quyền tỉnh tổ chức biên soạn và ấn hành năm 2003.
  • Nhiều người soạn, Kỷ lục An Giang 2009, Nhà xuất bản Thông Tấn, 2010.

Liên kết ngoài sửa