Cố Luân Hòa Tĩnh Công chúa

công chúa nhà Thanh, con gái của vua Càn Long

Cố Luân Hòa Tĩnh công chúa (chữ Hán: 固伦和静公主; 10 tháng 8 năm 1756 - 9 tháng 2 năm 1775), Công chúa nhà Thanh, là Hoàng nữ thứ 7 của Thanh Cao Tông Càn Long Đế trong lịch sử Trung Quốc.

Cố Luân Hòa Tĩnh Công chúa
固伦和静公主
Công chúa nhà Thanh
Thông tin chung
Sinh(1756-08-10)10 tháng 8, 1756
Mất9 tháng 2, 1775(1775-02-09) (18 tuổi)
Phu quânLạp Vượng Đa Nhĩ Tể
Thân phụThanh Cao Tông
Càn Long Hoàng đế
Thân mẫuHiếu Nghi Thuần Hoàng hậu

Tiểu sử sửa

Tuổi nhỏ đính hôn sửa

Công chúa sinh ngày 15 tháng 7 (âm lịch) năm Càn Long thứ 21, mẹ là Hiếu Nghi Thuần Hoàng hậu Ngụy Giai thị. Công chúa là con gái đầu lòng và lớn nhất của Ngụy Giai thị, bà là mẹ ruột của Hoàng tử thứ 15 Vĩnh Diễm, tức Thanh Nhân Tông Gia Khánh Đế.

Trước khi Công chúa sinh vài tháng, quân Thanh chinh phạt Hãn quốc Chuẩn Cát Nhĩ, phát sinh Loạn Thanh Cổn Tạp Bốc. Trát Tát Khắc Thân vương Thành Cổn Trát Bố (成衮扎布) vâng mệnh bình định. Liền trong năm đó, Càn Long Đế quyết định cùng vị Trát Tát Khắc Thân vương này kết thông gia, đem con gái thứ 7 của mình gả cho con trai của Thành Cổn Trát Bố là Lạp Vượng Đa Nhĩ Tể (拉旺多尔济). Dòng dõi của Ngạch phò tương lai, là hậu duệ của Sách Lăng (策棱), thuộc bộ tộc Tái Âm Nặc Nhan (赛音诺颜), một trong Tứ đại bộ tộc của Khách Nhĩ Khách Mông Cổ, hậu duệ trực hệ 11 đời của Thành Cát Tư Hãn. Vốn Sách Lăng có nguyên phối chính thất, là Cố Luân Thuần Khác Công chúa, con gái thứ 10 của Khang Hi Đế. Thành Cổn Trát Bố chính là trưởng tử của Sách Lăng và Thuần Khác Công chúa.

Theo "Ngọc điệp" ghi lại, tháng 9 năm Càn Long thứ 21, Công chúa đã bị chỉ hôn. Từ hôn ước này có thể nhìn ra Càn Long Đế muốn lấy lòng Thành Cổn Trát Bố để ổn định thế cục ở Mạc Bắc. Tâm ý này của Càn Long được thổ lộ rõ ràng qua chỉ dụ:

"(Càn Long năm thứ 21, tháng 9 ngày Bính Tí): Dụ Quân Cơ đại thần, Khách Nhĩ Khách lời đồn hoành hành, tuỳ tiện làm bậy. Thành Cổn Trát Bố nghe được liền điều binh ngăn chặn, trẫm đã phong y làm tướng quân. Em trai y là Xa Bố Đăng Trát Bố mấy năm nay ở quân doanh cũng rất có cố gắng, trẫm cũng đã phong làm quận vương. Anh em bọn họ vốn là con trai của Ngạch phò, nghĩ cũng là người thân cũ, nay y (Thành Cổn Trát Bố) lập công khiến trẫm rất phấn chấn, trẫm có hai Công chúa nhỏ (Lục Công chúa của Hãn tần và Thất Công chúa của Lệnh phi), y cũng có con trai hai ba tuổi, vậy chỉ hôn làm Ngạch phò[1], khi nào vào kinh, sẽ đưa vào phủ đệ nuôi dưỡng, cho làm quen từ khi còn nhỏ."[2]

Theo Thanh thực lụcKhiếu đình tạp lục (啸亭杂录) đều ghi lại Lạp Vượng Đa Nhĩ Tể bị tật, đi phải có người đỡ. Như Thực lục ghi:"... Hôm nay, Lạp Vượng Đa Nhĩ Tể đến trạm, y vốn chân có tật... Lạp Vượng Đa Nhĩ Tể túc trực lâu trong cung, đều có thái giám chờ giúp để sai khiến Càn Thanh môn thị vệ đỡ y"[3], và Khiếu đình tạp lục ghi:"Siêu Dũng thân vương Lạp Vượng Đa Nhĩ Tể vì bị tật, Khách Nhĩ Thấm bối lặc Đan Ba Đa Nhĩ Tể vì bị thương, đều được đặc chỉ ban kiệu"[4].

Đến tuổi thành hôn sửa

Năm Càn Long thứ 35 (1770), tháng giêng, Thất Công chúa chính thức được ban hiệu [Hòa Tĩnh], lại đặc biệt phong làm [Cố Luân công chúa; 固伦公主] - đây là danh hiệu của Hoàng đích nữ do Hoàng hậu sinh ra, mặc dù sinh mẫu của Thất công chúa là Ngụy thị khi ấy đang ở tước vị Hoàng Quý phi, trở thành công chúa đầu tiên do phi tần sinh ra của Thanh triều nhận được phong hiệu này vào ngày xuất giá. Trước đó, theo tài liệu Mãn văn bộ Lễ dâng lên, tiến hành "Phong Ngạch phò của Thất Công chúa làm Cố Luân Ngạch phò", trong đó Cố Luân Ngạch phò là tước hiệu Ngạch phò chồng của một Cố Luân công chúa, và việc định phong này trước cả khi quyết định phong Thất Công chúa làm Cố Luân công chúa.

Tháng 7 năm đó, Cố Luân Hòa Tĩnh công chúa xuất giá, bộ Lễ tấu rằng Hoà Tĩnh Công chúa khi đính hôn (Sơ định lễ; 初定礼) thì diên yến dự kiến dùng rượu 90 bình, đó là chiếu theo lệ của Cố Luân Hòa Kính Công chúa[5][6][7]. Lúc này, theo nghị lệ đời Càn Long thứ 25 (1760), thì Cố Luân công chúa sẽ diên yến 2 lần, một là Sơ định lễ, một là Thành hôn lễ; còn Hòa Thạc công chúa chỉ diên yến 1 lần là Sơ định lễ. Tuy nhiên, Càn Long Đế tại Sơ định lễ của Hòa Tĩnh công chúa vì thấy ["Số lượng quá nhiều"] nên ra chỉ cắt giảm số rượu đãi, chỉ diên yến Sơ định lễ là 35 bình rượu, giảm đi so với Sơ định lễ của Hòa Kính công chúa[8]. Bên cạnh đó, theo lệ thì tại cung của Thái hậu sẽ đãi 20 bình, nhưng cuối cùng giảm đi chỉ đãi 10 bình, là tổng 45 bình rượu[9]. Công chúa phủ đệ không tính khuôn viên có 200 phòng. Bên cạnh đó vào những dịp đi xa cần dùng Nghi trượng.

Năm Càn Long thứ 40 (1775), ngày 10 tháng 1 (âm lịch), Cố Luân Hòa Tĩnh Công chúa qua đời, khi gần 20 tuổi. Lễ nghi an táng của Công chúa, tiêu tốn 1 vạn 4300 lượng[10][11]. Khu mộ phần của Hòa Tĩnh Công chúa nay thuộc khu vực Triều Dương, Bắc Kinh.

Năm Gia Khánh thứ 21 (1816), Ngạch phò Lạp Vượng Đa Nhĩ Tể chết bệnh, được hợp táng cùng Công chúa. Còn con thừa tự của Ngạch phò là Ba Ngạn Tế Nhĩ Cát Lặc (巴彦济尔噶勒) kế tự Vương tước, con trai là Xa Đăng Ba Gia Nhĩ (车登巴咱尔) do tổ mẫu (tức chính thê của Lạp Vượng Đa Nhĩ Tể) nuôi nấng[12]. Hòa Tĩnh Công chúa vốn mất sớm, chứng tỏ Lạp Vượng Đa Nhĩ Tể sau đó đã cưới người khác, là Ngạch phò duy nhất của triều Càn Long tái hôn.

Dưỡng mẫu Dự phi sửa

Có một lệ khá phổ biến trong cung đình nhà Thanh, các Hoàng tử và Hoàng nữ thường được nuôi ở một biệt sở hoặc các tần phi có địa vị nuôi nấng, cốt là để cho con cái hoàng thất không quá thân cận với mẹ ruột, cũng như để các tần phi để tâm hầu hạ Hoàng đế hơn. Điều này từng xảy ra đối với Ung Chính Đế, khi từ nhỏ ông được Hiếu Ý Nhân hoàng hậu Đông Giai thị nuôi nấng. Cứ theo thực tế ghi nhận, các con của Hiếu Nghi Thuần Hoàng hậu đều do người khác nhận nuôi, trong đó cụ thể có Gia Khánh Đế Vĩnh Diễm do Khánh Cung Hoàng quý phi Lục thị nhận nuôi, còn Khánh Hy Thân vương Vĩnh Lân do Dĩnh Quý phi Ba Lâm thị nhận nuôi. Các Hoàng nữ thường ít được ghi nhận cụ thể, song dựa theo một vài cứ liệu, có thể đoán chắc Cố Luân Hòa Tĩnh Công chúa do Dự phi Bác Nhĩ Tế Cát Đặc thị nhận nuôi.

Sách Thanh Cao Tông thực lục ghi nhận: "Tháng 12 năm Càn Long thứ 38. Dụ, ngày 20 tháng này. Dự phi hoăng thệ. Nghỉ triều 3 ngày. Phái Hoàng bát tử (Vĩnh Tuyền), Hoàng thập nhị tử (Vĩnh Cơ), Thất Công chúa (Hòa Tĩnh) và Thất Ngạch phò Lạp Vượng Đa Nhĩ Tế mặc tang phục."[13]. Tuy rằng không có quy định cụ thể về việc cấp Hoàng tử và Công chúa mặc tang phục cho phi tần, nhưng việc 2 vợ chồng Thất công chúa cùng mặc tang phục cho Dự phi cũng có thể là cơ sở suy đoán về mối quan hệ giữa họ. Đối chiếu với Khánh Cung Hoàng quý phi là mẹ nuôi của Gia Khánh Đế, Cửu công chúa Hòa Thạc Hòa Khác công chúa mặc tang phục, nhưng Cửu Ngạch phò Trát Lan Thái thì không, trong khi đó thì cả Gia Khánh Đế và Hoàng hậu đều chịu tang. Đối với mẹ ruột là Lệnh Ý Hoàng Quý phi, Cửu Ngạch phò Trát Lan Thái mới cùng Cửu công chúa mặc tang phục.

Bên cạnh đó, ký dụ của Càn Long gửi Nội vụ Phủ Tổng quản Mại Lạp Tốn cũng góp phần khẳng định mối quan hệ không bình thường giữa Dự phi và Thất Công chúa: "Ngày 15 tháng 9 năm Càn Long thứ 38. Phụng thượng dụ: Nay Dự phi bệnh, trước tiên hộ tống hồi kinh. Ngoàn ra lưu ý với Mại Lạp Tốn, mau báo cho Thất Công chúa biết."[14]. Sau đó khi Dự phi về kinh có ở trong phủ đệ của Thất Công chúa một thời gian. Điều này cho thấy giữa Thất Công chúa và Dự phi không thể chỉ là hảo cảm, mà khả năng rất cao rằng Dự phi đã từng nuôi lớn Thất Công chúa, và cũng vì thế mà cả hai vợ chồng công chúa đến chịu tang Dự phi.

Xét cá nhân Dự phi, vào khoảng thời gian Hòa Tĩnh Công chúa ra đời, cũng là lúc Dự phi sẩy thai không lâu trước đó, trong thư tịch cũng chứng minh sự thiện đãi khá đặc biệt của Càn Long đối với Dự phi. Có một điểm nữa là Dự phi xuất thân Mông Cổ, và Ngạch phò Lạp Vượng Đa Nhĩ Tể cũng là người Mông Cổ.

Xem thêm sửa

Chú thích sửa

  1. ^ Ngạch phò (tiếng Mãn: ᡝᡶᡠ, Möllendorff: efu), tương đương Phò mã, tức chồng của Công chúa.
  2. ^ Nguyên văn chữ Hán (Thanh Cao Tông thực lục): (乾隆二十一年九月丙子):谕军机大臣等,喀尔喀惑于谣言,妄行传播。成衮扎布闻言即调兵前往扶绥,朕授伊为将军。伊弟车布登扎布,数年以来在军营颇为出力,朕亦封为郡王。伊兄弟二人系额驸之子(注:二人的父亲策凌为康熙第十女纯悫公主之夫),谊属旧姻,今伊等办事奋勉可嘉,朕有小公主二人(注:即忻嫔的六格格和令妃的七格格),伊兄弟有二三岁子嗣,即指为额驸,俟可送入内地之时,即行送来种痘抚养,其幼子现在几岁,著一并奏闻."
  3. ^ Nguyên văn chữ Hán: 本日拉旺多尔济于站...、伊向有腿疾、……拉旺多尔济久直内廷。均系太监等扶掖。即御前乾清门侍卫等、亦有将伊搀扶之时。朕每日目睹。
  4. ^ Nguyên văn chữ Hán: 后超勇王拉旺多尔济以足疾,喀尔沁贝勒丹巴多尔济以受重创故,皆特旨赐轿
  5. ^ Nguyên văn chữ Hán: 光禄寺则例: 乾隆十二年和敬固伦公主初定礼暨成婚宴。皇帝御殿设席七十,羊六十三、酒七十瓶。皇太后均未与宴。皇后宫设二十,羊十八、酒二十瓶。
  6. ^ 光禄寺则例: 十五年和婉和硕公主初定礼。皇帝御殿设席六十,羊六十三、酒七十瓶。皇太后宫席三十,羊十八、酒二十瓶。十六年和婉和硕公主成婚在和亲王府筵席。
  7. ^ Quy định lễ thành hôn của Hòa Thạc công chúa, năm Ung Chính thứ 4, là 90 bình rượu: 光禄寺则例卷1~卷20, trang 502
  8. ^ Nguyên Hòa Kính công chúa là Sơ định lễ kị Thành hôn yến (初定礼暨成婚宴), trong đó chữ [Kị; 暨] ở giữa, mang nghĩa "Lễ đính hôn như Lễ thành hôn đều dùng...", tức là cả 2 lễ riêng này của Hòa Kính công chúa đều là 90 bình rượu đãi. Như vậy xem ra Hòa Tĩnh công chúa là giảm đi 1 nửa của Hòa Kính công chúa, không chỉ riêng Sơ định lễ, mà còn Thành hôn lễ.
    Xem tư liệu tại: 光禄寺则例卷1~卷20, trang 505
  9. ^ Nguyên văn chữ Hán: 光禄寺则例: 三十五年礼部奏和静固伦公主初定礼筵宴,用酒九十瓶。奉旨:酒数过多,酌量裁减。议准保和殿筵宴用酒三十五瓶,皇太后宫筵宴用酒十瓶。
  10. ^ 《奏请和敬固伦公主薨逝宜照从前和静公主薨逝之例办理事》
  11. ^ 《奏销修缮和静公主园寝银两》:先经奴才等遵旨勘估,建造和静公主园寝工程约估工料银一万四千三百十一两五钱九分,在于公主府预备修理园寝银一万两,并工部照例给发银五千两,共银一万五千两内动用办理
  12. ^ Nguyên văn chữ Hán: 嘉庆二十一年,拉旺多尔济病逝(其妻和静公主早已于乾隆四十年病逝),巴彦济尔噶勒袭扎克萨亲王,可惜福小命薄,次年死去。其妻临产,逾月生子,名车登巴咱尔,由其祖母即拉旺多尔济之妻抚养
  13. ^ Nguyên văn chữ Hán: 乾隆三十八年十二月。谕、本月二十日。豫妃薨逝。着辍朝三日。派皇八子、皇十二子、七公主、及七额驸拉旺多尔济穿孝。
  14. ^ Nguyên văn chữ Hán: 乾隆三十八年九月十五日-奉上谕:今豫妃病,先已挨站送京。将此著寄信迈拉逊,即行禀报七公主。

Tham khảo sửa