Chi Cóc bà mụ (Alytes) là một chi của Bộ Không đuôi (hay một chi ếch) nằm trong họ cùng tên (Alytidae hay Discoglossidae). Các thành viên của chi Cóc bà mụ có thể được tìm thấy ở phần lớn lãnh thổ Châu Âu và miền Tây Bắc Châu Phi. Con đực của các loài Cóc bà mụ có tập tính mang trứng của nó và con cái trên mình[1][2], chính vì vậy những loài cóc này mang cái tên "bà mụ"[3]. Cụ thể, khi giao phối, cóc cái đẻ một chùm trứng và cóc đực thụ tinh cho chúng, sau đó cóc đực sẽ quấn những trứng đã thụ tinh này quanh chân để bảo vệ trứng không bị các loài sinh vật khác ăn mất. Khi trứng sắp nở, con đực sẽ lội qua những vũng nước nông, tạo điều kiện cho những con nòng nọc mới nở khỏi trứng có thể bơi xuống nước. Năm loài hiện có của chi Cóc bà mụ có thể được tìm thấy ở Tây Âu, Bắc Phi, và Mallorca.

Chi Cóc bà mụ
Cóc bà mụ thông thường Alytes obstetricans
Phân loại khoa học
Giới (regnum)Animalia
Ngành (phylum)Chordata
Lớp (class)Amphibia
Bộ (ordo)Anura
Họ (familia)Alytidae
Chi (genus)Alytes
Wagler, 1830
Loài

Alytes cisternasii Boscá, 1879.
Alytes dickhilleni Arntzen et García-París, 1995.
Alytes maurus Pasteur et Bons, 1962.
Alytes muletensis (Sanchíz et Adrover, 1979).
Alytes obstetricans (Laurenti, 1768).

Cóc bà mụ cũng có thể tìm thấy ở những vùng đồi núi cao 5.000–6.500 foot (1.500-2.000 mét) ở dãy Pyrénées, tỉ như tại khối núi Néouvielle. So với các loài lưỡng cư khác, lưỡi của cóc bà mụ có hình dáng khá tròn và dẹt chứ không thuôn gọn. Chính vì vậy, một trong các tên khoa học của họ cùng tên với nó, Discoglossidae, mang nghĩa là "cóc lưỡi tròn". Ở Pháp cóc bà mụ sống trong các đụn cát nằm trên bờ biển. Chúng chia sẻ khu vực sống cùng với cóc sọc vàng (Epidalea calamita).

Mô tả sửa

Chi Cóc bà mụ bao gồm năm loài, phân bổ ở Tây Âu, Bắc Phi, và đảo Mallorca. Chúng là các sinh vật ngại tiếp xúc,sống về đêm, vàsử dụng tiếng kêu đặc trưng để "liên lạc" với đồng loại. Vào ban ngày, cóc bà mụ trú ẩn dưới các tảng đá, khúc gỗ hay trong các hang đào dưới lòng đất. Chúng thích đào hang trong những vùng đất cát khô vì chất đất ở đây thích hợp cho việc đào bới bằng hai chân trước và mõm của cóc. Đến đêm chúng bò ra ngoài để kiếm ăn và sau đó lại quay về hang ẩn nấo trước khi trời sáng. Trong mùa đông, loài cóc bà mụ thông thường sẽ ngủ đông trong các hốc nhỏ hay các hang đào mà những loài vật khác bỏ lại.

Nguồn thức ăn sửa

Cóc bà mụ thường quanh quẩn ở các khu vực gần hang ổ của chúng để kiếm ăn. Giống như các loại ếch nhái khác, cóc bà mụ sử dụng chiếc lưỡi dính và dài của chúng để chụp bắt con mồi. "Nạn nhân" của chúng khá đa dạng về chủng loại, trong đó bao hàm các loại ong, ruồi, dế, bướm, rết, cuốn chiếukiến. Thức ăn của nòng nọc là các thành phần của thực vật, còn cóc non thì ăn các loại mồi tương tự nhưng có kích thước nhỏ hơn so với cóc trưởng thành. Cóc bà mụ nhai thức ăn bằng những răng nhỏ và cứng trong mồm.

Tập tính "bà mụ" sửa

Cóc đực quấn trứng xung quanh cặp chân của chúng. Khi trứng gần nở, chúng lội xuống các vũng nước nông để nòng nọc chui khỏi vỏ trứng và bơi xuống nước.

Tự vệ sửa

Giống như các loài cóc khác, Cóc bà mụ có các bướu li ti trên da chứa chất độc và chất độc sẽ phóng thích ra khi chúng bị tấn công hay bị cầm trên tay. Chất độc này mạnh đến nỗi cóc bà mụ có rất ít thiên địch, và các bướu độc cũng giúp cóc bà mụ bảo vệ các trứng mà chúng mang trên lưng. Tuy nhiên nòng nọc không sở hữu loại chất độc này và vì vậy chúng là mục tiêu dễ nuốt của các loài hay côn trùng sống dưới nước.

Danh sách các loài sửa

Danh pháp hai phần Tên thông thường
Alytes cisternasii (Boscá, 1879) Cóc bà mụ Iberia
Alytes dickhilleni (Arntzen & García Paris, 1995) Cóc bà mụ Bética
Alytes maurus (Pasteur & Bons, 1962)
Alytes muletensis (Sanchiz & Adrover, 1979) Cóc bà mụ Mallorca
Alytes obstetricans (Laurenti, 1768) Cóc bà mụ thông thường

Cóc bà mụ trong phòng thí nghiệm sửa

Quá trình chết rụng tế bào (Apoptosis) được phát hiện lần đầu trên nòng nọc của cóc bà mụ vào năm 1842 bởi Carl Vogt.

Xem thêm sửa

Chú thích sửa

  1. ^ Midwife toad ~~ Alytes obstetricans ~~ Alyte or Crapaud accoucheur
  2. ^ “Midwife toad Alytes obstetricans”. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 7 năm 2012. Truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2012.
  3. ^ “Description – Mallorcan midwife toad”. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 8 năm 2012. Truy cập ngày 31 tháng 1 năm 2012.

Tham khảo sửa

  • Carl Vogt: Untersuchungen über die Entwicklungsgeschichte der Geburtshelferkröte. (Alytes obstetricians), Solothurn: Jent und Gassman, (1842), pp 130
  • Arthur Koestler, The Case of the Midwife Toad, London: Hutchinson, 1971.