Gia tộc Nehru-Gandhi (नेहरू-गान्धी परिवार), với ảnh hưởng thống trị trên Đảng Quốc Đại Ấn Độ trong hầu hết giai đoạn tiên khởi sau khi đất nước này giành độc lập, được nhiều người xem như là một triều đại chính trị đầy quyền lực. Ba thành viên của gia đình (Jawaharlal Nehru, con gái Indira Gandhi, và cháu ngoại Rajiv Gandhi) đã lãnh đạo Ấn Độ trong cương vị thủ tướng, hai trong số họ bị ám sát (Indira Gandhi và Rajiv Gandhi). Một thành viên khác của gia tộc, Sonia Gandhi, hiện là Chủ tịch Quốc hội.

Nguồn gốc sửa

Gia tộc Nehru thuộc giai cấp BrahminKashmir. Họ "Nehru" bắt nguồn từ "nehar" tiếng Hindi, có nghĩa là con kênh. Đầu thế kỷ 18, Raj Kaul rời Kashmir đến Dehli theo lệnh của Hoàng đế Mughal, Farukhsiar. Một lãnh địa với ngôi nhà cạnh bờ kênh được hoàng đế ban cho Raj Kaul theo thông lệ thời ấy nhà vua thường ban tặng đất đai cho các học giả Brahmin (Raj Kaul là học giả tiếng Ba Tưtiếng Phạn). Vì sống gần con kênh nên gia đình của Kaul được người dân ở đây gọi là Kaul-Nehrus. Về sau từ Kaul rơi rụng để chỉ còn họ "Nehru". Ông nội của Jawaharlal, Ganga Dhar Nehru, là thống đốc Dehli trong một thời gian. Sau cuộc binh biến năm 1857, gia đình Nehru dời đến Allahabad và định cư tại đây.

Vận hội chính trị của gia tộc khởi phát với Motilal Nehru (1861-1931). Ông là một luật sư ưu tú, hoạt động tích cực cho phong trào đấu tranh giành độc lập cho Ấn Độ ngay trong thời kỳ đầu. Motilal là Chủ tịch Đảng Quốc Đại, năm 1929, con trai ông, Jawaharlal Nehru (1889-1964) kế nhiệm người cha trong cương vị này. Từ lúc ấy, Jawaharlal nổi bật trên chính trường trong hình ảnh một nhà lãnh đạo có tinh thần dân tộc, và có mối quan hệ mật thiết với lãnh tụ tinh thần của dân tộc Ấn, Mohandas Gandhi (không có quan hệ huyết thống với gia tộc Nehru-Gandhi).

Cầm quyền sửa

Năm 1947, Ấn Độ giành độc lập, Jawaharlal trở thành thủ tướng và nắm giữ chức vụ cho đến khi ông từ trần năm 1964. Em gái ông, Vijaya Lakshmi Pandit (1900-1990) cũng nổi bật trên chính trường trong vai trò của một nhà ngoại giao, là đại sứ tại Liên Xô, Cao ủy tại Vương quốc Anh, và năm 1953, Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.

Nehru đề bạt người con duy nhất của ông, Indira Gandhi (1917-1984) (mang họ Gandhi sau khi kết hôn với Feroze Gandhi), vào nội các. Đến năm 1966, sau thời gian cầm quyền ngắn ngủi của Lal Bahadur Shastri, Indira trở thành thủ tướng và nắm giữ chức vụ này cho đến khi bị đánh bại trong cuộc tuyển cử năm 1977. Trong những năm cầm quyền, Indira Gandhi đề bạt con trai út của bà, Sanjay Gandhi (1946-1980) vào các vị trí chủ chốt. Hành vi lạm quyền của người con trai là một trong những lý do dẫn đến sự thất bại của chính phủ trong kỳ bầu cử năm 1977. Sanjay thiệt mạng trong một tai nạn máy bay năm 1980.

 
Rajiv, Indira và Sanjay Gandhi, khoảng thập niên 1950

Indira Gandhi trở lại nắm quyền trong năm 1980 và ở lại chức vụ này cho đến khi qua đời năm 1984. Sau khi ra lệnh tấn công vào địa điểm thờ phụng thiêng liêng nhất của đạo Sikh, Đền thờ Vàng, Indira bị ám sát bởi chính các cận vệ người Sikh của bà. Người kế nhiệm Indira Gandhi là con trai của bà, Rajiv Gandhi (1944-1991). Rajiv là một phi công hàng không dân dụng, miễn cưỡng bước vào chính trường chỉ vì khi ấy đảng Quốc Đại đang thiếu người dẫn dắt. Rajiv Gandhi bị đánh bại trong cuộc tuyển cử năm 1989, và vào lúc ông đang sẵn sàng trở lại với quyền lực thì bị ám sát bởi một kẻ đánh bom cảm tử, người này bị nghi là có dính líu đến tổ chức Hổ Tamil (LTTE). Ông để lại người vợ góa Sonia và hai con, Rahul và Priyanka.

Arun Nehru, anh em họ của Rajiv Gandhi, là bộ trưởng năng lượng rồi bộ trưởng nội vụ trong chính phủ Gandhi, nhưng lại bỏ sang đảng đối thủ Janata Dal.

Sonia Gandhi sửa

Sau khi Rajiv Gandhi bị ám sát, đảng Quốc Đại được đặt dưới quyền lãnh đạo của thủ tướng P.V. Narasimha Rao. Sau thất bại trong cuộc tổng tuyển cử năm 1996, quyền lãnh đạo đảng về tay Sitaram Kesri, một chính trị gia lão thành gắn bó với Indira Gandhi. Suốt trong giai đoạn này, Sonia Gandhi (goá phụ cựu Thủ tướng Ấn Độ Rajiv Gandhi) cố giữ bà và các con đứng bên ngoài chính trường vì không muốn lặp lại số phận thảm khốc của chồng và nhạc mẫu.

Trong khi ấy, nhiều đảng viên trung thành luôn mong đợi sự xuất hiện của một thành viên thuộc Gia tộc Nehru-Gandhi trong cương vị lãnh đạo đảng. Dần dà, Sonia Gandhi chịu thuyết phục để tham gia tích cực vào các hoạt động của Đảng Quốc Đại, chẳng bao lâu bà thấy mình đang ở ngay trung tâm quyền lực, buộc Kersi phải từ chức và nắm giữ chức vụ chủ tịch năm 1998 trong sự đồng thuận của đảng.

Giai đoạn kế tiếp chứng kiến sự gia tăng ảnh hưởng của Sonia Gandhi trên chính trường. Trong cuộc tổng tuyển cử toàn Ấn năm 2004, bà được đề cử tranh chức thủ tướng, đảng Quốc Đại và các đồng minh là nhóm lớn nhất tại Lok Sabha (Hạ viện) với sự ủng hộ của những đảng Cộng sản từ bên ngoài. Lúc đầu, mọi thành phần trong liên minh và các đảng Cộng sản đều chấp nhận bà cho chức vụ thủ tướng. Song đảng Bharatiya Janata (BJB) và một vài nhóm Hindu bảo thủ tổ chức những cuộc tuần hành trên toàn quốc phản kháng việc một người nước ngoài đảm nhiệm chức vụ thủ tướng.

Ngày 18 tháng 5 năm 2004, Sonia Gandhi từ chối chức thủ tướng và đề cử Tiến sĩ Manmohan Singh. Cũng trong kỳ bầu cử này, con trai của bà, Rahul Gandhi, đắc cử vào quốc hội, đại diện cho thế hệ thứ năm của Gia tộc Nehru-Gandhi bước vào chính trường Ấn Độ. Cô con gái, Priyanka Vadra Gandhi, không ra tranh cử nhưng tham gia vận động cho đảng. Nhiều nhà lãnh đạo và những người ủng hộ bày tỏ sự hậu thuẫn dành cho Priyanka vào vị trí lãnh đạo đảng nếu cô chấp nhận cuộc đời hoạt động chính trị.

Di sản của Sanjay sửa

Vợ góa của Sanjay Gandhi, Maneka, và con trai, Varun, do đánh mất quyền lực trong đảng Quốc Đại sau cái chết của Sanjay, quyết định gia nhập đảng BJB. Trước đó, Maneka Gandhi đã gia nhập đảng đối lập Janata Dal và trở thành bộ trưởng nghiệp đoàn trong chính phủ VP Singh sau khi Rajiv Gandhi bị thất bại trong kỳ bầu cử năm 1989. Bà tiếp tục tranh cử tại Pilibhit, bang Uttar Pradesh, thất cử năm 1991 và thắng cử năm 1996. Trong các kỳ bầu cử năm 19981999, Maneka rời bỏ đảng Janata Dal và ra tranh cử với tư cách ứng viên độc lập có sự hậu thuẫn của đảng Bharatiya Janata (BJB). Bà ủng hộ chính phủ Liên minh Dân chủ Quốc gia do BJB lãnh đạo và được bổ nhiệm bộ trưởng đặc trách Công bằng và Quyền lực Xã hội. Trong kỳ tổng tuyển cử năm 2004, cùng con trai, Varun Gandhi, bà chính thức gia nhập đảng BJB. Maneka tái đắc cử trong khi Varun chưa đủ tuổi tranh cử.

Truyền thống sửa

Gia tộc Nehru-Gandhi là điển hình nổi bật nhất trong truyền thống kế thừa vị trí lãnh đạo trong chính trường của một số nền dân chủ châu Á. Hầu hết những "triều đại" này đều có truyền thống kế thừa theo cách người vợ góa hoặc con gái nối tiếp sự nghiệp chính trị của những nhà lãnh đạo nam giới:

Xem thêm sửa

Tham khảo sửa

Liên kết ngoài sửa