Kỳ hoàng hậu

hoàng hậu nhà Nguyên

Hoàn Giả Hốt Đô (chữ Hán: 完者忽都; tiếng Mông Cổ: ᠥᠯᠵᠡᠶᠢᠬᠤᠲᠤᠭ, Chuyển tự Latinh: Ölǰei Khutugh, chữ Mông Cổ: Өлзийхутаг; ? – 1369), còn biết đến với tên gọi Hoàn Giả Đô (完者都)[1] hoặc Kỳ hoàng hậu (奇皇后; 기황후; Empress Gi), là một trong những Hoàng hậu của Nguyên Huệ Tông - vị hoàng đế thứ 11 và là cuối cùng của nhà Nguyên trong lịch sử Trung Quốc.

Kỳ Hoàng hậu
奇皇后
Nguyên Huệ Tông Hoàng hậu
Chính hậu nhà Nguyên
Tại vị13651368
Tiền nhiệmBá Nhan Hốt Đô
Kế nhiệmHoàng hậu cuối cùng
Thông tin chung
Sinh?
Hạnh Châu, Cao Dương
Mất1369
Thượng Đô
Phối ngẫuNguyên Huệ Tông
Hậu duệNguyên Chiêu Tông
Thụy hiệu
Phổ Hiển Thục Thánh Hoàng hậu (普顯淑聖皇后)
Thân phụKỳ Tử Ngao

Theo sử sách, Kỳ hoàng hậu nổi tiếng là thê tử được Huệ Tông sủng ái. Cuộc đời bà trải qua nhiều thăng trầm, bị cống nạp sang nước Nguyên, về sau sinh hạ Hoàng trưởng tử Ái Du Thức Lý Đạt Lạp, cuối cùng trở thành "Đệ nhị Hoàng hậu" rồi "Chính cung Hoàng hậu" của Nguyên Huệ Tông. Thông qua địa vị Hoàng hậu và khả năng hậu cung can chính đặc thù của triều Nguyên, Kỳ hoàng hậu có ảnh hưởng lớn đối với tình hình chính trị giai đoạn Vãn kỳ của triều đại này.

Theo ghi chép từ chính sử, sự ảnh hưởng của bà đều có tích cực lẫn tiêu cực, điểm tiêu cực lớn nhất chính là âm mưu khiến Huệ Tông thiện nhượng cho con trai bà và cuộc chiến đại bại với Cao Ly chỉ vì mối thù gia tộc cá nhân của bà.

Tiểu sử sửa

Kỳ thị nguyên là người Cao Ly, xuất thân ở Hạnh Châu (幸州; 행주), nay thuộc khu vực của thành phố Goyang, tỉnh Gyeonggi. Tuy Nguyên sử không ghi lại, nhưng nghiên cứu lịch sử Hàn Quốc dựa vào Cao Ly sử thì chỉ ra cha bà có tên là Kỳ Tử Ngao (奇子敖)[2], xuất thân từ gia tộc Hạnh Châu Kỳ thị (幸州奇氏; 행주기씨), tức "Nhà họ Kỳ ở Hạnh Châu", một gia đình tiểu quý tộc khá hưng thịnh.

Ban đầu, Kỳ thị cùng nhiều cô gái khác bị Cao Ly Trung Huệ Vương lên danh sách cống cho nhà Nguyên theo chính sách "Cống nạp con người", vì sau chiến tranh Mông Cổ - Cao Ly, các vị quân chủ của Cao Ly được yêu cầu gửi một số lượng nhất định các cô gái trẻ tuổi xinh đẹp đến Đại Nguyên để hầu hạ như vợ lẽ.[3][4][5][6][7][8] Theo sắp xếp, Kỳ thị là cung nữ phụ trách dâng trà, sau được Huệ Tông chú ý mà liền trở thành phi tần. Chế độ hậu phi nhà Nguyên đơn giản, dưới Hoàng hậu chỉ có PhiTần, Kỳ thị trong thời gian này không rõ được chia vào như thế nào. Từ khi thụ sủng, Kỳ thị ngày càng được lòng Huệ Tông, ân sủng của bà còn vượt hơn cả Hoàng hậu lúc đó của Huệ Tông là Đáp Nạp Thất Lý, vốn là con gái của quyền thần Yên Thiếp Mộc Nhi. Điều này khiến Hoàng hậu ghen ghét Kỳ thị, thường xuyên ra lệnh đánh đập, ngược đãi. Theo ghi chép thì Huệ Tông không có thái độ gì với Hoàng hậu về việc này.[9][10][11]

Chính trị của triều đình nhà Nguyên lúc đó được dẫn đầu bởi thừa tướng là Hữu thừa tướng Bá Nhan và Thái sư Yên Thiếp Mộc Nhi. Năm Chí Thuận thứ 4 (1333), khi Huệ Tông vừa lên ngôi thì Yên Thiếp Mộc Nhi mất[12], em trai là Tát Đôn lên thay chức "Trung thư tả thừa tướng" (中書左丞相), anh cả của Đáp Nạp Thất Lý là Thái Bình vương Đường Kỳ Thế (kế tước từ cha)[13] làm "Ngự sử đại phu" (御史大夫).[14] Sau đó Tát Đôn mất, Đường Kỳ Thế thay chú nắm chức vụ Tả thừa tướng, tiếp tục là đối trọng với Hữu thừa tướng Bá Nhan bên cánh hữu, nhưng Bá Nhan có lợi thế vì sự ủng hộ của Huệ Tông nên nắm trọn triều chính, khiến Đường Kỳ Thế bất mãn.[14] Năm Nguyên Thống thứ 3 (1335), Đường Kỳ Thế nổi loạn mưu giết Bá Nhan nhưng thất bại và bị giết chết. Đáp Nạp Thất Lý vì cứu em trai Tháp Lạp Hải (người cũng tham gia cuộc binh biến) mà bị Huệ Tông phế truất ngôi Hoàng hậu, sai đem giam cầm ở Khai Bình, cuối cùng bị Bá Nhan hạ độc chết.[9][15]

Lúc này, Huệ Tông muốn lập Kỳ thị làm Chính cung. Từ khi loại trừ được thế lực của Đường Kỳ Thế, Thừa tướng Bá Nhan khi ấy rất chuyên quyền,[16] không cho Huệ Tông toại nguyện mà hết sức phản đối nên việc này không thành.[17] Đến năm Chí Nguyên thứ 3 (1337), Huệ Tông lập Bá Nhan Hốt Đô của Hoằng Cát Lạt thị làm Kế hoàng hậu.

Hoàng hậu loạn quốc sửa

Đệ nhị Hoàng hậu sửa

Tuy không thể để Kỳ thị làm Chính hậu, Huệ Tông vẫn sủng ái Kỳ thị và ít để tâm đến Bá Nhan Hốt Đô Hoàng hậu, tuy nhiên Bá Nhan Hốt Đô là một Hoàng hậu biết phép tắc, cũng không vì thế mà oán trách. Năm Chí Nguyên thứ 5 (1339), Kỳ thị sinh Hoàng trưởng tử, đặt tên là Ái Du Thức Lý Đạt Lạp, nhân đó Sa Lạp Ban (沙剌班) tấu thỉnh Huệ Tông sách phong Kỳ thị làm Đệ nhị Hoàng hậu. Thế rồi sang năm thứ 6 (1340), tháng 4 (ÂL), Kỳ thị được lập làm Đệ nhị Hoàng hậu, cư ngụ tại Hưng Thánh cung (興聖宮)[18][19][20].

Theo lệ triều Nguyên, Hoàng đế được lập một lúc nhiều Hoàng hậu, nhưng chỉ có Trung cung là nhận Sách bảo, Kỳ thị là Hoàng hậu nhưng ở dưới Bá Nhan Hốt Đô đang là Trung cung Hoàng hậu, cho nên Kỳ thị trong giai đoạn này được biết đến với danh phận "Đệ nhị Hoàng hậu" (第二皇后) hoặc "Thứ Hoàng hậu" (次皇后). Giám sát Ngự sử tên Lý Tiết (李泌) bất bình chuyện Kỳ thị thân chỉ là một nữ nô lệ Cao Ly mà có thể trở thành Hoàng hậu, bèn can gián bằng lời truyền của Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt rằng:「"Thế Tổ có lời răn: Con cháu không được cùng nữ tử Cao Ly phụng sự Tông miếu. Nay bệ hạ tiếp ngôi Thế Tổ, cớ gì quên lời dạy của Thế Tổ, lấy đám đàn bà Cao Ly sung hậu đình, còn để lên ngôi Hậu. Đến nay tai dị xảy ra khắp nơi, động đất chấn kinh, âm thịnh mà dương suy, nào không phải vì cớ ấy? Nay thỉnh hàng Thị ấy làm Phi, Thứ sử Tam thần định vị, thiên tai có thể khỏi"」, nhưng Nguyên Huệ Tông đều không nghe.[21]

Năm Chí Chính thứ 13 (1353), Hoàng trưởng tử Ái Du Thức Lý Đạt Lạp được sách lập làm Hoàng thái tử, địa vị Kỳ hậu cũng có chuyển biến.

Những khi an nhàn, Hoàng hậu Kỳ thị cũng xây dựng cho mình một hình tượng Hoàng hậu ổn trọng, bà liền lấy Nữ Hiếu kinh, Sử thư, mô phỏng hành vi của các Hoàng hậu có tiếng hiền của triều trước trong lịch sử. Gặp khi bốn phương có dâng đồ cống nạp, hoặc có vật trân quý hiếm có được tặng vào triều, Kỳ hoàng hậu đầu tiên đều sai người dâng lên Thái Miếu, sau đó mới dám ăn. Năm Chí Chính thứ 18 (1358), kinh thành gặp đói to, Hậu mệnh quan viên cứu tế. Sau cho lấy ngân lượng và gạo lụa, lại sai Viện sứ của Tư Chính viện là Phác Bất Hoa (朴不花) đến Thập nhất môn ở kinh đô thiết trí mộ táng hơn hàng nghìn xác người chết, số người đến hơn vạn, lại mệnh xây Thủy Lục Đại Hội để phổ độ cho vong hồn các nạn dân[22]. Khi con trai lớn lên, Huệ Tông cho thầy dạy Phật giáo mà không chủ trương dùng Nho giáo, thế là sư phó của Thái tử phải thỉnh mời Kỳ hậu ra khuyên, bà gặp Huệ Tông và nói:「"Thiếp tuy ở thâm cung, học vấn gì cũng không nên hồn, nhưng cũng biết từ xưa đến nay dùng Khổng Tử giáo để trị thiên hạ. Phật giáo tuy tốt, nhưng không thể dùng trị thiên hạ, Bệ hạ sao không đưa về lối chính cho Thái tử?"」, Huệ Tông nghe thấy Kỳ hậu có lý nên bèn nghe theo[23].

Ngoại nạn quốc chính sửa

Sau khi Hậu vị của mình trở nên ổn định, Kỳ thị dần bộc lộ ra dã tâm thao túng triều chính của mình. Khi ấy Nguyên Huệ Tông lâm vào trạng thái biếng nhác chính sự, Kỳ hậu cùng Hoàng thái tử Ái Du Thức Lý Đạt Lạp mưu chuyện thiện nhượng, nên ra chỉ dụ cho Phác Bất Hoa lôi kéo Thừa tướng Thái Bình (太平) làm đồng minh, nhưng Thái Bình không đáp ngay mà im lặng. Sau đó, Kỳ hậu lại triệu Thái Bình vào cung, nâng rượu ban cho, lại tự thân trước mặt Thái Bình cầu thỉnh, rốt cuộc Thái Bình cũng chấp thuận, do vậy bà và Thái tử rất cảm kích. Sau đó Huệ Tông nghe biết tâm kế của Kỳ hậu, ông bèn giận dữ mà xa lánh bà, hai tháng liền không triệu gặp. Khi ấy Phác Bất Hoa vì có Kỳ hậu nên mới được sủng ái, nay bị phe cánh đối lập hặc tấu kể tội mà biếm truất, Kỳ hậu bèn dùng Ngự sử đại phu Phật Gia Nô khuyên can biện minh, sau Phật Gia Nô lại mưu hặc tấu thêm tội trạng của Phác Bất Hoa, Kỳ hậu biết trước, bèn lấy Ngự sử hặc tấu Phật Gia Nô, khiến y bị biếm đến Triều Hà[24].

Khi ấy ở quê nhà, cha bà là Kỳ Tử Ngao đã qua đời, chỉ còn Kỳ thị gia tộc ở Cao Ly do ỷ vào bà mà kiêu hoành tác oai. Tộc trưởng của gia đình bà là anh trai cả của Kỳ thị, tên Kỳ Triệt (奇轍), sau khi Kỳ thị trở thành Thứ Hoàng hậu thì liền thăng quan tiến chức ở cố quốc, thụ tước Đức Thành Phủ viện quân (德城府院君) và giữ nhiều chức trách quan trọng của chính quyền Cao Ly, tối cao nhất là Chính thừa Đại tư đồ (政丞大司徒) hàng Tam công. Nhưng như vậy vẫn không làm thỏa mãn gia tộc Kỳ thị, Đại tư đồ Kỳ Triệt còn lôi kéo hai thế lực khác là Quyền Khiêm (權謙) cùng Lư Triệt (盧頙), đồng ý cùng nhau tạo phản lật đổ Cao Ly Cung Mẫn vương, điều này khiến Cao Ly vương phẫn nộ. Do đó năm Chí Chính thứ 16 (1356), sau khi bắt giữ Kỳ Triệt cùng đồng đảng trong một buổi Đại yến, Cao Ly vương cho giết chết Kỳ Triệt cùng 2 đồng đảng, còn ra lệnh toàn bộ Kỳ thị gia tộc và Quyền thị gia tộc cùng Lư thị gia tộc - những tộc nhân của 3 kẻ tạo phản. Điều này khiến Kỳ hoàng hậu cực kỳ phẫn uất[25]. Năm thứ 23 (1363), bà cho triệu Thái tử đến và nói:「”Con là con ta, sao không nghĩ chuyện giúp ta phục thù?”」, vì thế Kỳ hậu chủ trương cho lập tộc nhân của Cao Ly vương đang ở kinh thành làm Vương, lấy người con gia tộc Kỳ thị là Tam Bảo Nô làm Nguyên tử. Lại mệnh Đồng tri Xu Mật viện Viện sứ Thôi Thiếp Mộc Nhi (崔帖木兒) làm Thừa tướng, dùng hơn 1 vạn quân, lại chiêu mộ thêm quân binh của người Nhật. Khi qua Áp Lục Thủy, phục binh ở sẵn 4 phía, toàn quân đại bại, vỏn vẹn 17 quân kỵ trở về, chuyện này khiến Kỳ hậu cực xấu hổ[26].

Năm Chí Chính thứ 24 (1364), tháng 7, Bột La Thiếp Mộc Nhi (孛罗帖木兒) dấy binh chấn động kinh sư, Hoàng thái tử xuất bôn đánh dẹp, hạ lệnh thảo phạt Bột La Thiếp Mộc Nhi. Bột La Thiếp Mộc Nhi cả giận, đốc thúc Giám sát ngự sử Võ Khởi Tông tấu lên tố cáo Hoàng hậu phạm vào tội "Ngoại nạo quốc chính" (外撓國政), xin Huệ Tông nên đưa Kỳ hậu ra bên ngoài khác, Huệ Tông xem tấu nhưng lại không đáp. Năm thứ 25 (1365), tháng 3, Kỳ hậu bị cầm tù trong Chư Sắc Tổng quản phủ (諸色總管府), mệnh người trong đảng là Diệu Bá Nhan Bất Hoa (姚伯顏不花) trấn thủ trông coi. Tháng 4, ngày Canh Dần, Bột La Thiếp Mộc Nhi ép bức Kỳ hậu về cung, muốn giành lấy Ấn chương, giả danh Kỳ hậu mà viết thư triệu Thái tử trở về. Hoàng hậu như cũ trở về nơi bị giam, lại hiến mỹ nữ cho Bột La Thiếp Mộc Nhi, qua trăm ngày sau mới bắt đầu hồi cung. Đột ngột sau đó Bột La Thiếp Mộc Nhi chết, Kỳ hậu triệu gấp Hoàng thái tử về kinh sư, truyền chỉ lệnh cho Khoách Khuếch Thiếp Mộc Nhi cử binh sĩ đón Thái tử nhập thành, muốn nhanh chóng ép Huệ Tông nhượng vị. Khoách Khuếch Thiếp Mộc Nhi biết ý này, khi đưa đến kinh sư cách còn 30 dặm thì lập tức đưa quân về doanh trại, Hoàng thái tử rất cảm kích[27].

Chính vị Trung cung sửa

Cũng trong năm Chí Chính thứ 25, tháng 8 (ÂL), Chính cung Hoàng hậu là Bá Nhan Hốt Đô băng thệ. Tháng 12 cùng năm, các đại thần Trung thư tỉnh tấu lập Đệ nhị Hoàng hậu Kỳ thị làm Kế hoàng hậu, Huệ Tông không đáp. Sau lại tấu đổi Tư Chính viện làm Sùng Chính viện, mà Trung Chính viện cũng kiêm Kỳ hậu làm chủ, Huệ Tông mới bèn cho tiến hành lễ thụ Sách bảo cho Kỳ hoàng hậu, đồng thời cũng ra chỉ cải họ Kỳ của bà thành Túc Lương Hợp thị (肅良合氏) để thuận lý thành chương cho bà kế vị Trung cung, cũng lệnh truy tặng 3 đời tước Vương[28].

Sách văn viết:

Kết cục sửa

Vào những năm cuối đời Chí Chính, triều đình nhà Nguyên đại loạn, khởi nghĩa nông dân khắp nơi. Năm Chí Chính thứ 28 (1368), thủ lĩnh khởi nghĩa Khăn Đỏ tên là Chu Nguyên Chương nổi dậy đánh đuổi được quân Nguyên khỏi Trung Quốc, dành quyền tự chủ cho người Hán, thiết lập nhà Minh trong lịch sử Trung Quốc rồi sai Từ Đạt kéo 25 vạn quân Bắc tiến tấn công vào kinh đô nhà Nguyên. Nguyên Huệ Tông sai Khoách Khuếch Thiếp Mộc Nhi điều động binh lực nghênh chiến nhưng thất bại. Cùng đường, Huệ Tông mang quần thần và gia quyến chạy khỏi Đại Đô đến Thượng Đô, Mông Cổ. Tại đây, ông lập ra nhà Bắc Nguyên và xưng Khả hãn.

Năm sau (1369), Kỳ hoàng hậu qua đời, không rõ bao nhiêu tuổi.[29] Cũng trong năm đó quân Minh đánh đến Thượng Đô, Huệ Tông phải chạy lên Ứng Xương. Sau đó, Huệ Tông vì kiết lỵ mà qua đời, Thái tử Ái Du Thức Lý Đạt Lạp kế vị, tức Nguyên Chiêu Tông, truy thuỵ hiệu cho bà là Phổ Hiển Thục Thánh Hoàng hậu (普顯淑聖皇后).

Trong văn hóa đại chúng sửa

Năm Phim điện ảnh và truyền hình Diễn viên Nhân vật
2005 Shin Don Kim Hye-ri Hoàng hậu Ki
2013 Hoàng hậu Ki Ha Ji Won Ki Seung Nyang (Ki Thừa Nương)

Chú thích sửa

  1. ^ Kha Thiệu Vân (1919), Quyển 26, Huệ Tông 4 - Chiêu Tông
  2. ^ Kyung Moon Hwang (2010), tr. 56
  3. ^ Katharine Hyung-Sun Moon (1997), tr. 40
  4. ^ Walraven & Breuker (2007), tr. 57
  5. ^ Campbell, Miers & Miller (2009), tr. 136
  6. ^ Jinwung Kim (2012), tr. 172
  7. ^ Ki-baek Yi (1984), tr. 157
  8. ^ Winchester (2009), tr. 225
  9. ^ a b Lily Xiao Hong Lee & Sue Wiles (2014)
  10. ^ Hội đồng biên soạn nhà Minh (1976), Quyển 114, Liệt truyện 1: 初,徽政院使禿滿迭兒進為宮女,主供茗飲,以事順帝。后性穎黠,日見寵幸。後答納失里皇后方驕妬,數箠辱之。
  11. ^ Kyung Moon Hwang (2010), tr. 57
  12. ^ Hội đồng biên soạn nhà Minh (1976), Quyển 38, Bản kỷ 38: 三年八月己酉,文宗崩,燕鐵木兒請文宗后立太子燕帖古思,后不從,而命立明宗次子懿璘只班,是為寧宗。十一月壬辰,寧宗崩,燕鐵木兒復請立燕帖古思,文宗后曰:「吾子尚幼,妥懽貼睦爾在廣西,今年十三矣,且明宗之長子,禮當立之。」乃命中書右丞闊里吉思迎帝于靜江。至良鄉,具鹵簿以迓之。燕鐵木兒既見帝,並馬徐行,具陳迎立之意,帝幼且畏之,一無所答。於是燕鐵木兒疑之。故帝至京,久不得立。適太史亦言帝不可立,立則天下亂,以故議未決。遷延者數月,國事皆決於燕鐵木兒,奏文宗后而行之。俄而燕鐵木兒死,后乃與大臣定議立帝,且曰:「萬歲之後,其傳位於燕帖古思,若武宗、仁宗故事。」諸王宗戚奉上璽綬勸進。
  13. ^ Hội đồng biên soạn nhà Minh (1976), Quyển 38, Bản kỷ 38: 唐其勢襲父封為太平王,進階金紫光祿大夫。
  14. ^ a b Hội đồng biên soạn nhà Minh (1976), Quyển 138, Liệt truyên 25: 燕鐵木兒既死,妥懽貼睦爾始即位,是為順帝。乃以撒敦為左丞相,唐其勢為御史大夫。。。是時,撒敦已死,唐其勢為中書左丞相,伯顏獨用事。
  15. ^ Ч.Содбилэг (2010), tr. 262
  16. ^ Hội đồng biên soạn nhà Minh (1976), Quyển 138, Liệt truyên 25: 然伯顏自誅唐其勢之後,獨秉國鈞,專權自恣,變亂祖宗成憲,虐害天下,漸有姦謀。帝患之。
  17. ^ Hội đồng biên soạn nhà Minh (1976), Quyển 114, Liệt truyện 1: 答納失里既遇害,帝欲立之,丞相伯顏爭不可。
  18. ^ Hội đồng biên soạn nhà Minh (1976), Quyển 114, Liệt truyện 1: 答納失里既遇害,帝欲立之,丞相伯顏爭不可。伯顏罷相,沙剌班遂請立為第二皇后,居興聖宮,改徽政院為資正院。
  19. ^ Kim Tông Thụy (1452): “忠惠王后元年(庚辰年,元惠宗后至元六年),“元封奇氏为第三皇后。后,本国人,总部散郎子敖之女,生皇太子爱猷识理达腊。”
  20. ^ Kha Thiệu Vân (1919), Quyển 23, Huệ Tông 1: 夏四月己丑,有事於太廟。庚寅,同知樞密院事鐵木兒達識為中書右丞。丙午,封馬札兒臺為忠王,賜號答刺罕,馬札兒臺固辭。是月,立高麗女奇氏為第二皇后。
  21. ^ Kha Thiệu Vân (1919), Quyển 104, Liệt truyện 1: 先是,後為第二皇后時,監察御史李泌言:「世祖有誓:子孫不得與高麗女子共事宗廟。陛下踐世祖之位,何忍忘世祖之言,乃以高麗女並位宮中。今災​​異屢起,河決地震,盜賊滋蔓,皆陰盛陽微之漸。乞仍降為妃,庶使三辰定位,災異可息。」不聽。卒成亡國之禍云。
  22. ^ Chữ Hán là [水陸大會], một dạng lễ pháp siêu độ trong Phật giáo của người Hán, cũng gọi Thủy Lục Pháp Hội (水陸法會), trong đó “Thủy Lục” nói đến vong hồn dã quỷ trong dân gian. Đây được xem là loại lễ pháp siêu độ cao cấp nhất, bắt đầu nở rộ từ đời Đường, mục đích là siêu độ vong hồn, cứu rỗi chúng sinh.
  23. ^ Kha Thiệu Vân (1919), Quyển 104, Liệt truyện 1: 太子既長,帝為建端本堂,命儒臣教授國法。帝與太子多受佛戒,帝師因啟後曰:「太子向學佛法頗開悟,今乃使習孔子教,鞏壞真性。」後曰:「我雖居深宮,不明道德,嘗聞自古及今治天下者,須用孔子教,捨此則為異端。佛法雖好,不可以治天下,安可使太子不讀書耶?」帝師慚退。
  24. ^ Hội đồng biên soạn nhà Minh (1976), Quyển 114, Liệt truyện 1: 時帝頗怠於政治,后與皇太子愛猷識理達臘遽謀內禪,遣朴不花諭意丞相太平,太平不答。復召太平至宮,舉酒賜之,自申前請,太平依違而已,由是后與太子銜之。而帝亦知后意,怒而疏之,兩月不見。朴不花因后而寵幸,既被劾黜,后諷御史大夫佛家奴為之辯明。佛家奴乃謀再劾朴不花,后知之,反嗾御史劾佛家奴,謫居潮河。
  25. ^ Hội đồng biên soạn Triều Tiên (1451), Quyển 33, Liệt truyện 44: 元遣轅子完者不花,改冊榮安王為敬王,又追封三代為王授轍大司徒。時權謙、盧鑠俱納女於元,有寵轍與謙等,聲勢相倚,知天下亂,自念積惡*歛{斂}怨,恐一朝勢去難保。預謀自安以親戚腹心,布列權要,陰樹黨援,將圖大逆,閱諸道兵器,詐為詔使,扇動訛言,密諭期會約,以舉事。王先知之,托以曲宴,令宰樞皆會宮庭,遣判密直洪義宰,臣裴天慶等,召轍、鑠、謙及轍子贊成事有傑侄完者不花,謙子萬戶恆舍人和尚鑠子行省郎中濟等,轍、謙先赴密直慶千興黃石奇。判事申青等密白王曰: 「二人已至,其餘子侄及盧鑠父子未至,若事洩變起不虞,不如早圖.」 王然之,即令密直姜仲卿、大護軍睦仁吉*、於達赤李蒙大等,伏壯士,出其不意,椎擊轍,應手而僕。謙走避,追及於紫門殺之,血濺宮門,遂殺轍從者二人屍於朱橋。義為兵所害,奇權麾下狼狽四散,禁衛四番軍士一時俱發劍槊交於路。仲卿等率兵至鑠家,捕殺之,屍於北泉洞路上。有傑偕天慶詣闕道,聞變走匿,完者不花、濟恆和尚等及支黨皆逃竄。命中外搜捕,沒入三家奴婢於義成德泉,有備諸倉。 無賴之徒多乘亂攘奪,宮城戒嚴,自宰執至胥徒備兵仗宿衛。
  26. ^ Hội đồng biên soạn nhà Minh (1976), Quyển 114, Liệt truyện 1: 初,奇氏之族在高麗者,怙勢驕橫,高麗王怒,盡殺之。二十三年,后謂皇太子曰:「汝何不為我復讎耶?」遂立高麗王族人留京師者為王,以奇族之子三寶奴為元子。遣同知樞密院事崔帖木兒為丞相,用兵一萬,并招倭兵,共往納之。過鴨綠水,伏兵四起,乃大敗,餘十七騎而還,后大慚。
  27. ^ Hội đồng biên soạn nhà Minh (1976), Quyển 114, Liệt truyện 1: 二十四年七月,孛羅帖木兒稱兵犯闕,皇太子出奔冀寧,下令討孛羅帖木兒。孛羅帖木兒怒,嗾監察御史武起宗言后外撓國政,奏帝宜遷后出于外,帝不答。二十五年三月,遂矯制幽于諸色總管府,令其黨姚伯顏不花守之。四月庚寅,孛羅帖木兒逼后還宮,取印章,偽為后書召太子。后仍回幽所,後又數納美女於孛羅帖木兒,至百日,始還宮。及孛羅帖木兒死,召皇太子還京師,后傳旨令廓擴帖木兒以兵擁皇太子入城,欲脅帝禪位。廓擴帖木兒知其意,至京城三十里外,即遣軍還營,皇太子復銜之。事見擴廓帖木兒傳。
  28. ^ Hội đồng biên soạn nhà Minh (1976), Quyển 46, Thuận Đế Bản kỷ 9: 十二月乙卯,詔立次皇后奇氏為皇后,改奇氏為肅良合氏,詔天下,仍封奇氏父以上三世皆為王爵。
  29. ^ Kha Thiệu Vân (1919), Quyển 104, Liệt truyện 1

Tham khảo sửa