Kinh Thánh Luther là một bản dịch Kinh Thánh sang tiếng Đức do Martin Luther thực hiện. Bản dịch Kinh Thánh này được in lần đầu với cả Cựu Ước và Tân Ước vào năm 1534. Công việc dịch thuật đã bắt đầu trong thời gian Luther ẩn náu tại lâu đài Wartburg.[1] Bản in năm 1534 có 117 tranh khắc gỗ, thể hiện một xu hướng tương đối mới vào thời đó (bắt đầu từ năm 1522) là dùng hình ảnh để bổ trợ cho thông điệp của bản văn.[2]

Bản Kinh Thánh năm 1534 của Luther.

Việc Martin Luther dịch Tân Ước sang tiếng Đức giúp người dân thường tiếp cận Kinh Thánh một cách dễ dàng hơn, đồng thời làm suy giảm ảnh hưởng của giáo hội. Luther đã sử dụng bản tiếng Hy Lạp của Erasmus để dịch. Trong thời gian dịch thuật, ông thường đến các thị trấn lân cận, vào các ngôi chợ để lắng nghe người dân nói chuyện với nhau nhằm có thể đưa ngôn ngữ đại chúng vào bản dịch của ông.[cần dẫn nguồn] Bản dịch Kinh Thánh của Luther đã đóng góp vào sự hình thành ngôn ngữ Đức đương đại, được xem là dấu mốc trong nền văn chương Đức. Theo Philip Schaff, nhà thần học thế kỷ 19, chỉ riêng công trình này cũng đủ để Luther được công nhận là một trong số những người đóng góp nhiều nhất cho các dân tộc nói tiếng Đức.[3]

Philip Schaff nhận xét về bản dịch này:

Thành quả lớn nhất của Luther trong thời gian ẩn náu tại Wartburg, cũng là thành tựu quan trọng nhất và hữu ích trong suốt cuộc đời ông, là bản dịch Tân Ước, qua đó ông đã mang sự giáo huấn và cuộc đời mẫu mực của Chúa Cơ Đốc và các Sứ đồ vào lòng và tâm trí của người dân Đức, như là một sự tái tạo giống y như thật. Thành quả này có thể được xem như là sự tái ấn hành phúc âm. Ông đã làm Kinh Thánh trở nên quyển sách của nhân dân, có mặt khắp mọi nơi, trong nhà thờ, trường học và gia đình.

Bản dịch Tân Ước của Luther xuất bản vào tháng 9 năm 1522. Đến năm 1534, ông hoàn tất bản dịch Cựu Ước với sự cộng tác của Johannes Bugenhagen, Justus Jonas, Caspar Creuziger, Philipp Melanchthon, Matthäus Aurogallus, và George Rörer. Luther vẫn tiếp tục chỉnh sửa bản dịch cho đến cuối đời.

Tham khảo sửa

  1. ^ Schaff-Herzog, "Luther, Martin," 72.
  2. ^ Carl C. Christensen, "Luther and the Woodcuts to the 1534 Bible," Lutheran Quarterly, Winter 2005, Vol. 19 Issue 4, pp 392–413
  3. ^ Shaff, Philip. "Luther's Translation of the Bible", History of the Christian Church, New York: Charles Scribner's Sons, 1910. Schaff quotes Hegel's Philosophie der Geschichte, p. 503: "Luther hat die Autorität der Kirche verworfen und an ihre Stelle die Bibel und das Zeugniss des menschlichen Geistes gesetzt. Dass nun die Bibel selbst die Grundlage der christlichen Kirche geworden ist, ist von der grössten Wichtigkeit; jeder soll sich nun selbst daraus belehren, jeder sein Gewissen daraus bestimmen können. Diess ist die ungeheure Veränderung im Principe: die ganze Tradition und das Gebäude der Kirche wird problematisch und das Princip der Autorität der Kirche umgestossen. Die Uebersetzung, welche Luther von der Bibel gemacht hat, ist von unschätzbarem Werthe für das deutsche Volk gewesen. Dieses hat dadurch ein Volksbuch erhalten, wie keine Nation der katholischen Welt ein solches hat; sie haben wohl eine Unzahl von Gebetbüchlein, aber kein Grundbuch zur Belehrung des Volks. Trotz dem hat man in neueren Zeiten Streit deshalb erhoben, ob es zweckmässig sei, dem Volke die Bibel indie Hand zu geben; die wenigen Nachtheile, die dieses hat, werden doch bei weitem von den ungeheuren Vortheilen überwogen; die äusserlichen Geschichten, die dem Herzen und Verstande anstössig sein können, weiss der religiöse Sinn sehr wohl zu unterscheiden, und sich an das Substantielle haltend überwindet er sie."