Lưu Ẩn

quân phiệt cuối thời Đường và nhà Lương

Lưu Ẩn (giản thể: 刘隐; phồn thể: 劉隱; bính âm: Liú Yǐn, 874[1]–911[2][3]) là một quân phiệt vào cuối thời nhà Đường và thời nhà Lương. Ông từng giữ chức vụ Thanh Hải quân Tiết độ sứ, trị sở nay thuộc Quảng Châu, Quảng Đông.

Lưu Ẩn
Thụy hiệuTương
Tiết độ sứ Thanh Hải quân
Nhiệm kỳ
905 – 911
(tạm quyền: 901–905)
Tiền nhiệmTừ Ngạn Nhược
Kế nhiệmLưu Nghiễm
Tiết độ sứ Tĩnh Hải quân (danh nghĩa)
Nhiệm kỳ
908 – 911
Tranh chấp với Khúc Hạo (thực tế)
Tiền nhiệmKhúc Hạo
Kế nhiệmLưu Nghiễm
Thông tin cá nhân
Sinh874
Mất
Thụy hiệu
Tương
Ngày mất
911
Giới tínhnam
Gia quyến
Thân phụ
Lưu Khiêm
Thân mẫu
Vi phu nhân
Anh chị em
Nam Hán Cao Tổ
Phối ngẫu
Nghiêm phu nhân
Hậu duệ
Lưu Hoa, Công chúa Tăng Thành
Nghề nghiệpquân nhân
Quốc tịchnhà Đường, nhà Lương

Thân thế sửa

Lưu Ẩn sinh năm 874, tức dưới triều đại của Đường Hy Tông. Cha ông là Lưu Khiêm[1][4] hay còn gọi là Lưu Trí Khiêm,[5] là một viên quan nhỏ tại Quảng Châu, thủ phủ của Thanh Hải quân (khi đó gọi là Lĩnh Nam Đông đạo). Mẹ của Lưu Ẩn là Vi thị - cháu của Lĩnh Nam Đông đạo Tiết độ sứ Vi Trụ. Lưu Ẩn là con trai trưởng của Lưu Khiêm. Ông còn có hai người em trai, em ruột Lưu Đài (劉台), do Vi thị sinh, và em cùng cha khác mẹ Lưu Nham, do Đoàn thị sinh.[6] Tương truyền, Vi thị đã giết chết người thiếp Đoàn thị do ghen tuông, sau khi bà phát hiện Lưu Khiêm giấu Đoàn thị trong một căn nhà cách xa phủ. Lưu Khiêm an táng Đoàn thị. Trên một phiến đá gần mộ Đoàn thị có khắc các chữ "Ẩn", "Đài", và "Nham", Lưu Khiêm thấy vậy đã dùng ba chữ này để đặt tên cho ba người con trai.[7]

Thứ sử Phong châu sửa

Lưu Khiêm do có công đánh tan khởi nghĩa Hoàng Sào nên được nhà Đường cho làm quan tới chức Thứ sử Phong Châu (封州, nay thuộc Triệu Khánh, Quảng Đông).[4] Năm 894, Lưu Khiêm qua đời, và khi Lưu Ẩn đang trong thời kỳ để tang thì có khoảng 100 binh lính và dân thường đã lập mưu làm loạn, kết quả là họ bị Lưu Ẩn giết chết. Sau đó Lĩnh Nam Đông đạo Tiết độ sứ đương nhiệm là Lưu Sùng Quy (劉崇龜) bổ nhiệm Lưu Ẩn là 'Hữu đô áp nha' kiêm 'Hạ Thủy trấn sứ' (thuộc Nam Ninh, Quảng Tây ngày nay). Ngay sau đó, Lưu Sùng Quy thăng Lưu Ẩn là Thứ sử Phong châu.[8]

Năm 896, Tiết độ sứ mới của Lĩnh Nam Đông đạo, lúc này đã đổi tên thành Thanh Hải quân, là Tiết vương Lý Tri Nhu đã đến Thanh Hải. Tuy nhiên, thay vì nghênh tiếp, Nha tướng Quảng Châu Lô Cư (盧琚), Đàm Hoằng Kỷ (譚弘玘) lại chuẩn bị chống đối và họ tiến hành bố trí phòng thủ, Đàm Hoằng Kỷ đi trấn thủ Đoan Châu (端州, nay thuộc Triệu Khánh). Đàm Hoằng Kỷ đã cố gắng liên kết với Lưu Ẩn nhằm chống lại Lý Tri Nhu, và hứa sẽ gả con cho Lưu Ẩn. Lưu Ẩn giả bộ chấp thuận, song thực tế ông lại dùng vỏ bọc đến Đoan Châu kết hôn với con của Đàm Hoằng Kỳ để phục kích và giết chết Đàm Hoằng Kỳ. Sau đó, Lưu Ẩn tiến công Quảng Châu và giết chết Lô Cư, nghênh tiếp Lý Tri Nhu đến cai quản Quảng Châu. Lý Tri Nhu bổ nhiệm Lưu Ẩn là 'Hành quân Tư mã' của Thanh Hải quân.[9]

Làm quan ở Thanh Hải quân sửa

Năm 898, Thứ sử Thiệu Châu (邵州, nay thuộc Thiều Quan, Quảng Đông) là Tăng Cổn (曾袞) tiến đánh Quảng Châu, hợp binh với một tướng lĩnh Quảng Châu là Vương Côi (王瓌)- người chỉ huy một hạm đội (?). Lưu Ẩn đã đánh bại liên quân này, và đến khi tướng Thiều Châu là Lưu Đồng (劉潼) tiến công Trinh Châu (湞州) và Hàm Châu (浛州)- hai châu nay đều thuộc Thanh Viễn, Quảng Đông, Lưu Ẩn đã đánh bại và giết chết Lưu Đồng.[10]

Năm 900, Đường Chiêu Tông phái Thái bảo Môn hạ thị lang Từ Ngạn Nhược đi làm Thanh Hải quân Tiết độ sứ thay thế Lý Tri Nhu, song trước khi Từ Ngạn Nhược đến được Thanh Hải, Lý Tri Nhu đã qua đời.[11] Khi Từ Ngạn Nhược đến Thanh Hải, ông ta bổ nhiệm Lưu Ẩn làm Tiết độ phó sứ và giao phó các công việc của quân cho Lưu Ẩn.[6] Khi Từ Ngạn Nhược qua đời vào năm 901, ông đã di biểu tiến cử Lưu Ẩn làm quyền lưu hậu.[11] Sau đó, Đường Chiêu Tông đã phái Thôi Viễn đi nhậm chức Tiết độ sứ, song khi Thôi Viễn đến Giang Lăng thì ông nghe nói rằng Thanh Hải quân đầy kẻ trộm cướp, ngoài ra Thôi Viễn cũng lo ngại rằng Lưu Ẩn sẽ không chịu nhượng quyền lại cho mình, vì thế Thôi Viễn đã thỉnh lại được nhập triều. Đường Chiêu Tông chấp thuận lời thỉnh cầu của Thôi Viễn, song chưa bổ nhiệm Lưu Ẩn làm Tiết độ sứ.[12]

Năm 902, Thứ sử Kiền Châu (虔州, nay thuộc Cám Châu, Giang Tây) là Lô Quang Trù đã xuất quân tiến công Thanh Hải quân, chiếm được Thiệu Châu và bao vây Triều Châu (潮州, nay thuộc Triều Châu, Quảng Đông). Lưu Ẩn đã đánh bại và cố gắng tái chiếm Thiệu Châu. Lưu Nham đã khuyên can Lưu Ẩn không nên làm vậy vì quân của Lô Quang Trù vẫn còn mạnh, song Lưu Ẩn không nghe theo lời em mình mà vẫn tiến công Thiệu Châu. Tại thời điểm đó, mực nước sông dâng cao, và Lưu Ẩn không thể có nguồn cung cấp lương thực kịp thời. Lô Quang Trù và thuộc hạ là Đàm Toàn Bá đã tiến công và buộc Lưu Ẩn phải triệt thoái, Lô Quang Trù giữ được Thiệu Châu.[13]

Năm 904, Tuyên Vũ quân Tiết độ sứ Chu Toàn Trung kiểm soát triều đình Đường, ám sát Đường Chiêu Tông và đưa Đường Ai Đế lên thay thế. Lưu Ẩn đã hối lộ cho Chu Toàn Trung để được bổ nhiệm làm Tiết độ sứ, Chu Toàn Trung chấp thuận.[12]

Làm Tiết độ sứ sửa

Năm 905, Đường Ai Đế ban chức 'Đồng bình chương sự' cho Lưu Ẩn.[12]

Năm 907, Chu Toàn Trung buộc Đường Ai Đế phải nhường ngôi lại cho mình, lập ra triều Hậu Lương. Hậu Lương Thái Tổ tăng thêm cho Lưu Ẩn chức 'Thị trung' và phong cho Lưu Ẩn tước hiệu Đại Bành vương.[14]

Năm 908, Sở vương Mã Ân đã phái Bộ quân Đô chỉ huy sứ Lã Sư Chu (呂師周) tiến công Lĩnh Nam, chiếm được 6 châu của Thanh Hải quân là: Chiêu Châu (昭州, nay thuộc Quế Lâm, Quảng Tây), Hạ Châu (賀州, nay thuộc Hạ Châu, Quảng Tây), Phú Châu (富州, nay thuộc Hạ Châu), Ngô Châu (梧州, nay thuộc Ngô Châu, Quảng Tây), Mông Châu (蒙州, nay cũng thuộc Ngô Châu), và Cung Châu (龔州, nay thuộc Quý Cảng, Quảng Tây).[15]

Cũng vào năm 908, niên hiệu Khai Bình (開平) thứ hai, Hậu Lương Thái Tổ phái Thiện bộ lang trung Triệu Quang Duệ (趙光裔) và Hữu bổ khuyết Lý Ân Hành (李殷衡) làm sứ giả đến chỗ Lưu Ẩn để sách phong Lưu Ẩn làm Tiết độ sứ của cả hai quân là Thanh Hải quân và Tĩnh Hải quân (靜海, tương đương Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ Việt Nam và một phần Quảng Tây, trị sở nay thuộc Hà Nội, Việt Nam). Lưu Ẩn tiếp nhận sách phong, song giữ Triệu Quang Duệ và Lý Ân Hành ở lại, không cho phép họ trở về triều đình Hậu Lương.[15] Điều đó có nghĩa là người Trung Quốc vẫn muốn chiếm lại Việt Nam.[16] Sự cai trị vững vàng của Khúc HạoTĩnh Hải quân khiến họ Lưu ở Quảng Châu không dám nhòm ngó tới phương nam.

Năm 909, Hậu Lương Thái Tổ phong Lưu Ẩn là Nam Bình vương.[15]

Vào khoảng năm 910 hay trước đó, Lưu Ẩn phái Lưu Nham xuất quân tiến đánh Ninh Viễn quân (寧遠, trị sở nay thuộc Ngọc Lâm, Quảng Tây), bao gồm thủ phủ Dung Châu (容州) và Cao Châu (高州, nay thuộc Mậu Danh, Quảng Đông) đang do Bành Cự Chiêu (龐巨昭) cai quản, song Lưu Nham đã chiến bại trước Bành Cự Chiêu. Tuy nhiên, do tin rằng mình không thể chiếm ưu thế trước Lưu Ẩn, Bành Cự Chiêu đã đầu hàng nước Sở và dâng Ninh Viễn vào năm 910. Mã Ân phái Thứ sử Hoành Châu là Diêu Ngạn Chương (姚彥章) xuất quân đến trú tại Dung Châu.[15]

Cũng vào năm 910, Hậu Lương Thái Tổ phong Lưu Ẩn là Nam Hải vương.[6]

Năm 911, Lưu Ẩn lâm bệnh. Ông đã kịp tuyên bố Tiết độ phó sứ Lưu Nham làm quyền lưu hậu trước khi qua đời vào ngày Đinh Hợi tháng Ba (tức 4 tháng 4). Sau đó, Lưu Nham nắm quyền cai quản quân.[2]

Năm 917, Lưu Nham lập quốc Nam Hán, đã truy tôn Lưu Ẩn là "Tương Đế", thụy hiệu "Liệt Tông", táng tại Đức lăng.

Lưu Ẩn có hai nữ nhi: Tăng Thành công chúa được gả cho hoàng đế Đại Trường Hòa Trịnh Nhân Mân, còn Thanh Viễn công chúa Lưu Hoa được gả cho Thái tử nước Mân Vương Diên Quân.

Tham khảo sửa

  1. ^ a b Tân Ngũ Đại sử, quyển 65.
  2. ^ a b Tư trị thông giám, quyển 268.
  3. ^ [1]Viện Nghiên cứu Trung ương (Đài Loan) Chuyển hoán lịch Trung-Tây 2000 năm.
  4. ^ a b Cựu Ngũ Đại sử, quyển 135.
  5. ^ Tân Đường thư, quyển 190.
  6. ^ a b c Thập Quốc Xuân Thu (十國春秋), quyển 58.
  7. ^ Thập Quốc Xuân Thu, quyển 60.
  8. ^ Tư trị thông giám, quyển 259.
  9. ^ Tư trị thông giám, quyển 260.
  10. ^ Tư trị thông giám, quyển 261.
  11. ^ a b Tư trị thông giám, quyển 262.
  12. ^ a b c Tư trị thông giám, quyển 265.
  13. ^ Tư trị thông giám, quyển 263.
  14. ^ Tư trị thông giám, quyển 266.
  15. ^ a b c d Tư trị thông giám, quyển 267.
  16. ^ Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn, Lương Ninh, sách đã dẫn, tr 293
Tiền nhiệm:
Khúc Thừa Dụ
Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ (danh nghĩa)
908 - 911
Kế nhiệm:
Lưu Nghiễm (danh nghĩa)