Ngự đài sở (kanji: 御台所; hiragana: みだいどころ; Midaidokoro), đầy đủ hơn là Ngự đài bàn sở (御台盤所; みだいばんどころ; Midaibandokoro) là một tước vị dành cho Chính thất của Shogun Mạc phủ.

Bắc Điều Chính Tử - vị phu nhân đầu tiên sử dụng danh vị Ngự đài sở.
Trúc Sơn điện - Ngự đài sở đầu tiên của gia tộc Tokugawa.
Nhất Điều Mỹ Hạ Tử - vị Ngự đài sở cuối cùng trong lịch sử Nhật Bản.

Từ nguyên sửa

"Ngự đài" (御台; Midai) trong tiếng Nhật vốn có nghĩa là cái bàn đặt thức ăn cho những người có phấm giá cao quý thời phong kiến. "Đài bàn sở" (台盤所; Daiban dokoro) là khu cung thất để ăn uống của Hoàng gia hay tầng lớp quý tộc Nhật Bản. "Đài sở" (台所; Dai dokoro) là nơi nấu ăn cho Hoàng gia.

Ngự đài bàn sở là cái tên có ý nói Chính thất của Tướng quân là người quản lý, chăm lo khu vực hậu cung, vốn là nơi có nhà bếp chế biến thức ăn cho Tướng quân.

Lịch sử sửa

Danh vị này bắt đầu dùng như danh vị của Chính thất Mạc phủ từ thời Kamakura, người đầu tiên chính thức sử dụng là Bắc Điều Chính Tử (北条政子; Hōjō Masako) - Chính thê của Minamoto no Yoritomo (源 頼朝; Nguyên Lại Triều).

Trong lịch sử Nhật Bản, danh vị này thường làm người ta liên tưởng ngay đến các chính thất của các Chinh Di Đại Tướng quân Mạc phủ Tokugawa của thành Edo. Ở Đại áo, địa vị của Ngự đài sở cực cao quý, là người phụ nữ có địa vị tôn kính nhất. Từ thời shogun thứ 3 là Tokugawa Iemitsu, các Ngự đại sở đều xuất thân từ một trong Ngũ nhiếp gia (五摄家; Sekke) bao gồm: Nhất Điều gia (一条家; Ichijō), Nhị Điều gia (二条家; Nijō), Cửu Điều gia (九条家; Kujō), Cận Vệ gia (近衛家; Konoe) và Ưng Tư gia (鷹司家; Takatsukasa). Nếu không nằm trong năm gia tộc này, thì cũng là người trong Hoàng thất Nhật Bản. Nếu không xuất thân từ năm gia tộc này mà chỉ là nhà bình thường, thì cũng phải lấy thân phận "con gái nuôi" của một trong năm nhà đó.

Tuy có thân phận cao quý, nhưng quyền lực thực tế trong Đại áo lại nằm trong đại tổng quản nữ quan, gọi là Ngự niên ký (御年寄; Otoshiyori). Nếu shogun kế nhiệm là trắc thất sinh ra, hoặc xuất thân từ một nhánh khác của nhà Tokugawa, thì tuy Ngự đài sở vẫn là địa vị cực cao, song thực tế hoàn toàn bù nhìn vì họ không phải là mẹ đẻ của shogun, lại cũng không có quyền quản lý như Ngự niên ký, không ít người có biệt hiệu "đồ trang trí trong nhà Tướng quân".

Do Ngự đài sở có xuất thân từ tầng lớp quý tộc cấp cao, thường quan hệ chặt chẽ với triều đình ở Kinh Đô - nơi vốn không nắm thực quyền cai trị, nên phần nhiều số phận của các phu nhân này đều không được gia tộc tướng quân sủng hạnh. Trường hợp của Tĩnh Khoan viện, dù được tướng quân Iemochi hết mực yêu thương nhưng cuộc hôn nhân của họ rất ngắn ngủi, chỉ 5 năm (1861-1866) và không để lại hậu duệ nào cả.

Các Ngự đài sở thường là không được phép có con vì Mạc phủ Tokugawa lo ngại nếu Ngự đài sở mà sinh được con trai thì triều đình sẽ dựa vào mối liên kết với đứa con này mà nhúng tay vào chính sự.

Nếu shogun qua đời sớm, theo thông lệ thì cả Ngự đài sở và Trắc thất sẽ lấy hiệu Nữ viện (女院; Nyōin) như một dấu hiệu phụ nữ goá bụa, nhưng khác với các trắc thất phải cùng con trai rời khỏi thành Edo đến vùng đất được phong tại các phiên khắp đất nước thì Ngự đài sở vẫn có thể ở lại Đại áo, thậm chí lấy thân phận tiên tướng quân phu nhân mà tham dự chuyện chính sự của Mạc phủ (như trường hợp của Thiên Chương viện). Trong trường hợp này, để phân biệt với các Ngự đài sở kế nhiệm, các Ngự đài sở góa phụ sẽ được gọi là Đại Ngự đài sở (大御台所; Ōmidai dokoro).

Các Ngự đài sở nhà Tokugawa sửa

Xem thêm sửa

Tham khảo sửa