Nguyễn Siêu

Thủ lĩnh cát cứ địa phương gốc Hoa thời kì loạn 12 sứ quân, kiểm soát vùng Tây Phù Liệt (Thanh Trì, Hà Nội)

Nguyễn Siêu (chữ Hán: 阮超; 924 - 967) hiệu Nguyễn Hữu Công (阮右公) là một sứ quân nổi dậy thời loạn 12 sứ quân trong lịch sử Việt Nam thế kỷ 10. Ông vốn là người gốc Trung Hoa, cát cứ ở Thanh Trì (Hà Nội, Việt Nam) để xây dựng lực lượng và trở thành một sứ quân mạnh. Tháng 8 năm 967, Đinh Bộ Lĩnh thống lĩnh quân binh, cử Nguyễn Bặc làm Tiên phong đánh dẹp thế lực cát cứ của ông, tiến thêm một bước trong quá trình thống nhất, lập ra nhà nước Đại Cồ Việt trong lịch sử.

Đình Đông Phù, Thanh Trì là nơi thờ sứ quân Nguyễn Siêu

Nguồn gốc sửa

Theo thần tích thì Nguyễn Siêu là em các sứ quân Nguyễn KhoanNguyễn Thủ Tiệp. Về ba anh em sứ quân họ Nguyễn: Nguyễn Khoan, Nguyễn Thủ Tiệp, Nguyễn Siêu, theo thần tích xã Văn Uyên và xã Đông Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội thì họ là cháu của Nguyễn Hãng, người Đà Dương tỉnh Phúc Kiến. Nguyễn Hãng là danh tướng Bắc triều. Con ông là Nguyễn Nê vâng mệnh vua đem quân sang nước Việt đòi họ Khúc triều cống. Nguyễn Nê dựng bản doanh ở Thành Quả lấy vợ Việt sinh ra ba con trai vào các năm 906, 908 và 924. Sau khi Nguyễn Nê chết ba anh em tranh nhau giữ binh quyền, theo mẹ ở nước Việt gây nghiệp, người nào cũng nhiều của cải, nhiều quân quyền. Họ trở thành thủ lĩnh các sứ quân cát cứ vào khoảng năm 945.[1] Nguyễn Siêu cùng Nguyễn Khoan, Nguyễn Thủ Tiệp trở thành 3 sứ quân, cát cứ ở 3 hướng so với kinh đô Cổ Loa nhưng thường xuyên phối hợp, liên hệ chặt chẽ với nhau, hợp sức mong muốn dẹp các sứ quân khác, đưa giang sơn về một mối.[2]

Sứ quân sửa

Ngay từ thời Ngô vương trị vì, Nguyễn Siêu đã là một thủ lĩnh ngầm cát cứ ở khu vực Đông Phù Liệt. Đến khi triều đình Cổ Loa không còn đủ sức kiểm soát lãnh thổ, vua Ngô Xương Xí rời kinh đô về chiếm đóng ở Thanh Hóa, Nguyễn Siêu đã xây dựng cho mình được lực lượng cát cứ hùng mạnh, chiếm giữ vùng Tây Phù Liệt (Thanh Trì, Hà Nội ngày nay).

Nguyễn Siêu khi tách ra được thừa hưởng môn đệ trên 8.000 người, rồi phát triển lên tới trên 10 vạn, không ngừng thu phục anh hào, thế lực ngày càng mạnh.[3]

Ngày 6 tháng 6 năm Đinh Mão (tức 15 tháng 7 năm 967), Đinh Bộ Lĩnh điều một đạo quân do tướng Nguyễn Bồ chỉ huy tiến đánh sứ quân Nguyễn Siêu. Được tin Đinh Bộ Lĩnh sắp đánh, Nguyễn Siêu đem 1 vạn quân đóng ở Thanh Đàm dùng Nguyễn Trí Khả làm tiên phong, Trần Côn làm tả dực, Đỗ Cư làm hữu dực, Nguyễn Hiền làm tổng quản các đạo quân, ngày đêm luyện tập, đào hào đắp luỹ để phòng bị. Trong trận giao tranh đầu tiên Đinh Bộ Lĩnh bị mất 4 tướng là Nguyễn Bồ, Nguyễn Phục, Đinh Thiết và Cao Sơn cùng rất nhiều binh lính đều tử trận.[4]

Ngày 15 tháng 7 năm Đinh Mão, Đinh Bộ Lĩnh thống lĩnh toàn quân, cử Nguyễn Bặc làm Đại tướng tiên phong dẫn theo 10.000 quân, Lê Hoàn làm tiếp ứng lĩnh 8.000 quân, Vương trực tiếp lĩnh 7.000 quân, truyền lệnh khi thấy lửa cháy và tiếng pháo nổ thì đồng loạt tiến đánh. Trước sức mạnh của quân Hoa Lư, Nguyễn Siêu chia một nửa quân ở lại giữ thành, một nửa cùng sứ tướng vượt sông Hồng tìm viện binh của các sứ tướng Lã ĐườngLý Khuê. Gần tới bờ bắc, gặp gió lớn, thuyền bị đắm. Đinh Bộ Lĩnh biết tin, bèn sai Nguyễn Đoàn cùng 10 võ sĩ lẻn vào nửa đêm phóng lửa đốt doanh trại, quân Hoa Lư nghe pháo lệnh đồng loạt đánh. Quân Nguyễn Siêu tan. Nguyễn Siêu bỏ chạy và tử trận[5]. Theo thần phả thì trận đánh quyết định diễn ra vào ngày 15 tháng 7 năm đó[6] (tức 23 tháng 8 năm 967).

Con trai Nguyễn Siêu là Nguyễn Triệu từ căn cứ Tiên Du của Nguyễn Thủ Tiệp cùng các tùy tướng đem xác ông về chôn tại bãi Phù Sa thuộc quê vợ của ông.

Căn cứ Tây Phù Liệt sửa

Theo thần tích xã Đông Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội thì sứ quân Nguyễn Siêu đóng quân trên địa bàn Tây Phù Liệt, có 100.000 binh mã trong đó 8000 quân tinh nhuệ, địa bàn cát cứ có giới hạn trong khoảng từ 30 – 40 km.

Thời kỳ các sứ quân cát cứ từng vùng để tiến lên giành quyền cai trị Tĩnh Hải quân, Nguyễn Siêu đã tiến hành xây dựng thành lũy kiên cố. Những thần tích còn để lại cho biết tuyến lũy của Nguyễn Siêu có chiều 10 km kéo dài từ làng Việt Yên qua Ngọc Hồi. Lũy được cấu tạo bằng cọc rặng tre gai đã có sẵn, bao quanh các thôn xóm, được trồng thành nhiều lớp, bên ngoài là cánh đồng nước hoặc đầm lầy. Chân cọc rào tre được đắp đất dày và vững chắc. Mãi đến thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ thì rặng tre và lũy đất vẫn là những công trình kiến trúc quân sự rất có giá trị.

Tại trung tâm căn cứ, nơi đặt đại bản doanh của Nguyễn Siêu vùng gò đồi tập trung mà hiện nay còn thấy rải rác tại các cánh đồng làng Đông Phù Liệt. Các mô Ma Cả, Ma Treo, Đường Chộ, Tam Thai… được đắp đất để cao thêm, nối liền tạo thành bức tường thành bọc lấy cánh đồng Dinh là vết tích còn để lại. Hiện nay người Việt chỉ có thể thấy một cách phác lại diện mạo căn cứ này để hiểu thêm về nghệ thuật quân sự ở thế kỷ X của các bậc tiền nhân.

Tại khu vực Tây Phù Liệt ngày nay có rất nhiều di tích cổ thờ sứ quân Nguyễn Siêu và các tướng nhà Đinh, minh chứng cho những cuộc chiến ác liệt từng diễn ra tại căn cứ quân sự này thời loạn 12 sứ quân.

Đông Phù Liệt hay Nam Phù Liệt hiện nay gồm các xã: Đông Mỹ, Vạn Phúc của huyện Thanh Trì và Duyên Thái của huyện Thường Tín còn Tây Phù Liệt gồm các xã: Tứ Hiệp, Ngũ Hiệp và phần lớn xã Liên Ninh.[7]

Được lập đền thờ sửa

 
Cổng đình làng Đông Phù, xã Đông Mỹ

Vùng đất Thanh Trì ngày nay còn 3 xã có đền và miếu thờ Nguyễn Siêu, tập trung vào 4 làng liền kề nhau: làng Việt Yên và Đông Trạch (xã Ngũ Hiệp), làng Đông Phù (xã Đông Mỹ) và làng Văn Uyên (xã Duyên Hà), riêng làng Đông Phù thờ ông làm thành hoàng vì đây là trung tâm của căn cứ Tây Phù Liệt. Người dân Đông Phù coi ông là người sáng lập làng.

Đình Đông Phù, thuộc làng Đông Phù, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Đây là một ngôi đình cổ được cho là xây dựng từ thời Tiền Lê để thờ vị sứ quân chiếm đóng vùng Đông Mỹ. Tương truyền, khi bị Đinh Tiên Hoàng đánh bại, thi thể của Nguyễn Siêu trôi trên sông dạt vào địa phận tỉnh Hưng Yên, được nhân dân Đông Phù đưa về chôn cất rồi lập đền thờ. Lễ hội đình Đông Phù được tổ chức trong hai ngày, từ 06 đến 07 tháng Hai âm lịch hàng năm, thu hút rất nhiều nhân dân và du khách thập phương tham dự.

Ngoài ra, đình Liễu Ngoại, xã Khánh Hà, huyện Thường Tín cách xã Đông Phù 10 km cũng thờ Nguyễn Siêu làm thành hoàng làng.

Các di tích đền Hậu, đình Lạc Thủy ở xã Đông Kết và đình Trung Hà ở xã An Vĩ đều thuộc huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên cũng là những nơi thờ Nguyễn Siêu. Tương truyền sau khi bị Đinh Bộ Lĩnh đánh cho thua trận, Nguyễn Siêu chết, xác ông trôi về địa phận Khoái Châu, thi thể 3 tháng không nát, nước da vẫn tươi tắn như lúc còn sống, nhân dân địa phương phong cho là nhân thần nên đã lập đền thờ.[8]

Đền Quan Trấn Bắc ở xã Đại Tập, Khoái Châu thờ Tướng quân Nguyễn Siêu, Quan Trấn Bắc Tôn thần, một trong Thập nhị sứ quân thời Đinh Bộ Lĩnh. Tương truyền, sau khi mất, thi hài Tướng quân Nguyễn Siêu trôi về vùng cửa sông Bái Châu thuộc địa phận xã Đại Tập. Để tưởng nhớ công lao của ngài, người dân trong vùng lập đền thờ và hằng năm tổ chức lễ hội vào ngày mồng 10 tháng Giêng.[9]

Nhầm lẫn sửa

Trong lịch sử Việt Nam, người ta dễ bị nhầm lẫn sứ quân Nguyễn Siêu với Phó bảng Nguyễn Văn Siêu thời Nguyễn, vốn cũng thường được gọi tắt là Nguyễn Siêu. Tuy nhiên, 2 nhân vật này có vị trí lịch sử khác nhau và sống cách nhau hơn 800 năm.

Về tên nhân vật Nguyễn Siêu được đặt tên đường ở Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Khoa học lịch sử thành phố này đã không đồng ý với đề xuất đổi thành đường Nguyễn Văn Siêu theo đề xuất của Sở Văn hóa - thể thao TP.HCM vì có hai nhân vật khác nhau: Nguyễn Siêu (924 - 967) - một sứ quân nổi dậy trong thời loạn 12 sứ quân thế kỷ X, nay có đền thờ ở Hà Nội, Hưng Yên và Nguyễn Văn Siêu (1799 - 1872) nhà thơ, nhà văn hóa lớn thế kỷ XIX. Chỉ bổ sung thêm tên Nguyễn Văn Siêu vào quỹ tên đường thay vì chọn một trong hai.[10]

Xem thêm sửa

Chú thích sửa

  1. ^ Nguyễn Bạt Tụy 1954: Tên người Việt Nam. - In trong: tập kỷ yếu hội Khuyến Học Việt Nam, Sài Gòn, tr49-50.
  2. ^ “Đình Đông Phù”. Bản gốc lưu trữ ngày 31 tháng 10 năm 2016. Truy cập ngày 31 tháng 10 năm 2016.
  3. ^ Những nhân vật lịch sử thời Đinh Lê, Nhà xuất bản VHDT trang 142, năm 2009- Trương Đình Tưởng
  4. ^ Theo thần phả tại đình Ba DânThanh Trì, Hà Nội
  5. ^ Nguyễn Danh Phiệt, sách đã dẫn, tr 196
  6. ^ Viện Khoa học xã hội Việt Nam, sách đã dẫn, tr 729, 733 (Thần phả Nguyễn Bồ, Nguyễn Bặc; Thần phả Nguyễn Siêu)
  7. ^ Làng Đông Phù
  8. ^ “Vài nét về đền Hậu”. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 3 năm 2014. Truy cập ngày 5 tháng 3 năm 2014.
  9. ^ Đền Quan Trấn Bắc đón nhận bằng công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh
  10. ^ Đề xuất điều chỉnh 38 tên đường: Chỉnh tên đường cho đúng là tôn trọng lịch sử