Trúc thư kỉ niên (竹書紀年; bính âm: Zhushu jinian; "Biên niên sử viết trên thẻ tre") là một cuốn biên niên sử Trung Quốc cổ đại, được các nhà sử học đánh giá là nguồn tham khảo bổ sung, đối chiếu và đính chính cho một số sự kiện lịch sử cổ đại Trung Quốc[1].

Trúc thư kỷ niên

Nguồn gốc sửa

Văn bản gốc Trúc thư kỉ niên được chôn cùng với vua Ngụy Tương vương (chết năm 296 TCN), chôn ở huyện Cấp[2] và được phát hiện năm 281 thời Tấn Vũ Đế. Vì lý do này, cuốn biên niên sử tồn tại được sau vụ đốt sách chôn nho của Tần Thủy Hoàng. Trúc thư kỉ niên cùng Sử ký Tư Mã Thiên là một trong hai văn bản cổ quan trọng nhất về nước Trung Hoa buổi sơ khai.

Qua chỉnh lý, nghiên cứu, các học giả thời cổ cho rằng đây là sách sử nước Ngụy thời Chiến Quốc. Trúc thư kỉ niên bắt đầu từ thời huyền thoại (Hoàng Đế) và kéo dài tới năm 299 TCN.

Một số nội dung khác biệt với chính sử sửa

Chính sử thường đề cập Nghiêu chọn được Thuấn là người tài đức và nhường ngôi chứ không nhường ngôi cho con mình là Đan Chu. Sử sách nhiều đời sau vẫn nhắc đến sự kiện này là tấm gương mẫu mực của việc chọn người tài đức chứ không vì lợi ích riêng tư của dòng họ. Nhưng Trúc thư kỉ niên chép rằng:

"Thuấn giam Nghiêu ở Bình Dương rồi cướp lấy ngôi vua"
"Thuấn giam Nghiêu và không cho Đan Chu gặp cha"[3].

Chính sử nhắc tới việc Cao Dao được Hạ Vũ chọn kế vị nhưng mất sớm, do đó con Cao Dao là Ích được chọn. Nhưng sau này nhiều người theo con Hạ Vũ là Khải hơn nên ngôi vua thuộc về Khải. Việc chuyển giao quyền lực giữa Ích và Khải khá ôn hoà.

Trúc thư kỉ niên chép rằng giữa Khải và Ích đã nổ ra cuộc đại chiến ở Hộ Sơn; Ích định giành ngôi với Khải và bị Khải giết chết. Trong quá trình chuyển giao quyền lực chính trị, Hạ Vũ bề ngoài truyền ngôi cho Ích như quy định "chọn người hiền tài" nhiều đời trước, nhưng thực tế lại giúp con mình là Khải tăng cường lực lượng, đợi thời cơ để đánh bại Ích[4].

Sử ký chép việc Y Doãn - công thần khai quốc nhà Thương - từng bỏ Thương sang làm quan cho Hạ Kiệt, nhưng sau đó thấy Kiệt hoang dâm tàn bạo, khinh rẻ chư hầu nên Y Doãn trở lại với Thành Thang. Thành Thang vẫn một lòng kính trọng và trọng dụng Y Doãn[5].

Trúc thư kỉ niên bổ sung thêm về sự việc này: Y Doãn thực chất được Thành Thang cử sang làm gián điệp bên nhà Hạ, lợi dụng sự bất mãn của nàng Muội Hỷ khi nàng không còn được Hạ Kiệt sủng ái để lấy tin tức về tình hình Hạ Kiệt. Sau khi nắm được nội tình nhà Hạ, Y Doãn trở về với Thành Thang[6].

  • Muội Hỷ đắc sủng:

Sử sách chép việc Hạ Kiệt sủng ái Muội Hỷ, làm việc thất đức đến nỗi mất nước; Muội Hỷ cùng Kiệt chạy ra Nam Sào.

Trúc thư kỷ niên chép khác: Hạ Kiệt mang quân chinh phạt đất Manh Sơn. Manh Sơn dâng 2 người con gái đẹp là Uyển và Viêm để xin Kiệt lui quân. Hạ Kiệt bằng lòng và sủng ái hai người con gái đất Manh Sơn, lạnh nhạt với nàng Muội Hỷ. Muội Hỷ bị thất sủng nên oán hận Kiệt. Điều này đã bị Y Doãn khai thác để nắm tình hình nhà Hạ[6].

  • Dộ tin cậy

Ngoài ra còn một số ghi chép khác với chính sử như việc Tổ Ất kế vị, miếu hiệu Trung Tông,Sử ký tác là Trung Tông Thái Mậu, Giáp cốt văn tác "Trung Tông Tổ Ất" điều này cho thấy độ tin cậy của Trúc thư kỉ niên là rất cao.

Bản dịch tiếng Việt sửa

  • Trúc thư kỷ niên, Nguyễn Đức Vịnh dịch, Hà Nội: NXB Văn học và Công ty TNHH Sách và Truyền thông Việt Nam, 2021.

Xem thêm sửa

Tham khảo sửa

  • Kỳ Ngạn Thần (2007), Người Trung Quốc và những hiểu lầm về lịch sử, Nhà xuất bản Công an nhân dân.
  • Nivison D.S. (1993), "Chu shu chi nien", Early Chinese Texts: a bibliographical guide (editor—Loewe M.) p. 39–47 (Berkeley: Society for the Study of Early China).
  • Legge J. (1865), The Chinese Classics III: The Shoo King Prolegomena (Taipei: Southern Materials Center). (This contains an English translation of the Annals.)

Chú thích sửa

  1. ^ Kỳ Ngạn Thần, sách đã dẫn, tr 50
  2. ^ Thành phố Vệ Huy, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc
  3. ^ Kỳ Ngạn Thần, sách đã dẫn, tr 51-52
  4. ^ Kỳ Ngạn Thần, sách đã dẫn, tr 52-53
  5. ^ Chu Mục, Trần Thâm, sách đã dẫn, tr 44
  6. ^ a b Kỳ Ngạn Thần, sách đã dẫn, tr 51