Trợ giúp:Sửa đổi nhỏ

Việc nhấn chọn ô sửa đổi nhỏ dùng để báo hiệu rằng chỉ có sự khác biệt rất nhỏ giữa phiên bản hiện tại và phiên bản trước đó. Ví dụ như khi bạn sửa lỗi chính tả, thay đổi định dạng hoặc cách trình bày, sắp xếp lại thứ tự văn bản nhưng không thay đổi nội dung, v.v. Một sửa đổi nhỏ là một sửa đổi mà người thực hiện tin rằng người khác không cần phải xem lại và không bao giờ có thể là nguyên nhân gây ra một tranh cãi. Một sửa đổi thuộc loại này sẽ được đánh dấu trong lịch sử trang bằng một chữ cái "n" đậm, thường (n).

Ngược lại, một sửa đổi lớn là sửa đổi cần được các biên tập viên liên quan xem lại và chấp nhận. Do đó, bất kỳ thay đổi nào ảnh hưởng đến ý nghĩa của bài viết đều không phải là nhỏ, ngay cả khi bạn chỉ sửa đổi một từ duy nhất; ví dụ, thêm hay bớt chữ "không", dẫn đến thay đổi ý nghĩa một câu, là một sửa đổi lớn.

Vì các biên tập viên rất có thể bỏ qua các sửa đổi nhỏ trong thay đổi gần đây, sự khác biệt giữa các sửa đổi lớn và nhỏ sẽ trở nên quan trọng. Các thành viên đã đăng nhập thậm chí còn có thể chỉnh trong tùy chọn của họ không hiển thị các sửa đổi nhỏ. Nếu có thể có bất kỳ khả năng một biên tập viên khác tranh luận về một thay đổi nào đó, tốt nhất là không đánh dấu sửa đổi đó là sửa đổi nhỏ.

Những thành viên không đăng nhập vào Wikipedia không được phép đánh dấu sửa đổi nhỏ vì khả năng phá hoại. Quyền hạn được đánh dấu các thay đổi là thay đổi nhỏ cũng là một trong nhiều lý do để bạn nên đăng ký tài khoản.

Một nguyên tắc bỏ túi đó là sửa đổi nào chỉ đơn thuần là sửa lỗi chính tả, thay đổi định dạng, hoặc sắp xếp lại văn bản mà không thay đổi nội dung nên được đánh dấu là sửa đổi nhỏ.

Khi nào được đánh dấu sửa đổi là nhỏ

  • Sửa lỗi chính tả hoặc ngữ pháp
  • Định dạng đơn thuần (ví dụ, in hoa, dấu câu, hoặc in nghiêng các từ không phải tiếng Việt)
  • Định dạng không làm thay đổi ý nghĩa của trang (ví dụ, chuyển chỗ một hình, chia một đoạn văn thành hai đoạn — nhưng không làm đổi nghĩa)
  • Sửa các lỗi rõ ràng (ví dụ, đổi "Nixon từ chức năm 1874" thành "Nixon từ chức năm 1974")
  • Sửa các lỗi về hiển thị
  • Thêm hoặc sửa liên kết wiki, hoặc sửa các liên kết ngoài bị hỏng và các tham chiếu đã xuất hiện trong bài viết
  • Xóa phá hoại và viết vẽ bậy

Khi nào không được đánh dấu sửa đổi là nhỏ

  • Viết bài viết mới
  • Thêm hoặc xóa nội dung trong một bài
  • Thêm hoặc xóa các thẻ thông báo hoặc các bản mẫu trong bài viết
  • Thêm hoặc xóa tham khảo hoặc liên kết ngoài trong một bài viết
  • Thêm bình luận vào trang thảo luận

Điều cần nhớ

  • Bất cứ thay đổi nào vào nội dung văn bản (Wikitext), thậm chí nếu nó không ảnh hưởng đến cách trình bày HTML của trang (ví dụ thêm khoảng cách hay xuống dòng) vẫn được xem là thay đổi vì có sự thay đổi về cơ sở dữ liệu.
  • Đánh dấu một sửa đổi lớn là một sửa đổi nhỏ bị xem là một hành động xấu, đặc biệt nếu đó là sửa đổi xóa nội dung.
  • Lùi sửa một trang trong phần lớn trường hợp không được xem là sửa đổi nhỏ. Khi trạng thái một trang hiện đang bị tranh cãi, và đặc biệt nếu có bút chiến đang diễn ra, tốt hơn hết là không được đánh dấu bất kỳ sửa đổi nào là nhỏ. Lùi một phá hoại rõ ràng là ngoại lệ với quy tắc này.
  • Nếu bạn lỡ tay đánh dấu một sửa đổi là nhỏ khi thực sự đó là sửa đổi lớn, bạn nên thực hiện một sửa đổi thứ hai, hay sửa đổi giả, ghi chú trong tóm lược sửa đổi của sửa đổi giả rằng sửa đổi trước là sửa đổi lớn. Vì bạn đang thực hiện lần sửa đổi chính thức thứ hai, nếu chỉ mở ô sửa đổi rồi nhấn lưu trang (tức là chẳng thay đổi gì nội dung) sẽ không có hiệu quả; cũng tương tự nếu bạn thêm khoảng trống vào cuối hàng hoặc dòng trống ở cuối trang—các trường hợp này sửa đổi bị hủy và tóm lược sửa đổi bị bỏ qua. Tuy nhiên, bạn có thể, ví dụ như, thêm khoảng trắng giữa hai từ. Nó sẽ vẫn giữ nguyên wikitext nhưng được ghi nhận là một thay đổi, dù nó chẳng làm thay đổi diện mạo của trang.
  • Nếu không đồng ý rằng sửa đổi của người khác là nhỏ, hãy thảo luận qua trang Thảo luận hoặc nhắn tin đến người đóng góp, cẩn trọng để tránh gây bất đồng ("Tôi cho rằng sửa đổi của bạn dường như hơi lớn—có thể tôi quá nhạy cảm chăng?"). Đây là một giới hạn mong manh, và nhiều người viết bài sẽ cảm thấy biết ơn những phản hồi nếu họ hiểu đúng.
  • Đánh dấu sửa đổi của bạn là nhỏ cũng ảnh hưởng đến sự hiển thị trong một số danh sách theo dõi của thành viên. Ví dụ như, nếu bạn đánh dấu thảo luận trên trang thảo luận thành viên là "nhỏ", thì rất ít thành viên để ý đến lời nhắn của bạn.

Ngoại lệ

Bảo quản viên có thể lùi bán tự động các sửa đổi cuối của một trang; các kiểu lùi nhanh như vậy sẽ được phần mềm wiki đánh dấu là sửa đổi nhỏ. Tính năng lùi nhanh là để dùng cho trường hợp phá hoại, và việc lùi phá hoại cần được xem là sửa đổi nhỏ (và có thể bỏ qua trong danh sách thay đổi gần đây).

Xem thêm