Vũ Trinh (武楨, 1759 - 1828[1]) (楨 Trinh nghĩa là trụ cột, cơ sở; 國之楨榦 "Quốc chi trinh cán": người làm căn bản cho nhà nước), tự Duy Chu (維周) hiệu Huệ Văn tiên sinh, là một danh sĩ, luật gia, Á tướng của triều Lê trung hưng, ông còn được biết đến là tác giả[2][3] của nhiều vở Chèo cổ nổi tiếng, và là thi nhân trong lịch sử Việt Nam.

Vũ Trinh
武楨
SinhVũ Trinh
1759
Lâm Thao, Lương Tài, Bắc Ninh
Mất1828
Bắc Ninh
Quốc tịch Đại Nam
Nghề nghiệpNhà Lê trung hưng:
- Tham tri Chính sự
- Lại bộ hữu Thị lang
- Hình bộ hữu Thị lang
Nhà Nguyễn:
- Chánh sứ sang Nhà Thanh
- Hình bộ hữu Tham tri
Phối ngẫuNguyễn Thị Diên

Tiểu sử sửa

Vũ Trinh là người thôn Thọ Diên, xã Xuân Lan, tổng Lâm Thao, huyện Lương Tài, phủ Thuận An[4], trấn Kinh Bắc xưa, nay là thôn Ngọc Quan, xã Lâm Thao, huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh.

Xuất thân trong một dòng dõi khoa bảng, ông nội là Vũ Miên đậu Hội nguyên Tiến sĩ thời Lê - Trịnh, làm quan đến chức Nhập thị hành Tham tụng[5] (quyền Tể tướng), khi mất được truy tặng chức Binh bộ Thượng thư; và cha của Vũ Trinh là Vũ Chiêu thi đậu Hương giải, làm quan trải giữ các chức Phó Hiến sát sứ Sơn Nam, Tham nghị Hải Dương, rồi được tiến triều[6] làm quan đến chức Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu, Hàn lâm viện Thị chế, Tham đồng, Đề lĩnh Tứ thành quân vụ, Sơn Nam đạo Thừa chính sứ[7]. Mẹ của Vũ Trinh có xuất thân vọng tộc, người Chí Linh, tỉnh Hải Dương họ Trần húy Đoan được phong Tự phu nhân, gọi Tham tụng Trần Cảnh là ông nội.

Vũ Trinh lúc nhỏ nổi tiếng là một thần đồng[8], sách nhìn qua một lượt là đọc được[9], làm thơ hay; sách cũ cho biết[10]: "Ông Trinh thiên tư dĩnh ngộ, thuở nhỏ đã có thanh danh". Năm 17 tuổi, Vũ Trinh đỗ thủ khoa khoa thi Hương tiến (Giải nguyên), được bổ nhiệm làm Quốc Oai[11] Tri phủ. Ông có thi Hội và đậu Tam trường, và do bạo loạn xã hội cuối thời Lê, những Cống sĩ không còn được thi thố ở những khoa thi Tiến sĩ Nho học, tuy nhiên Sử liệu[12] cho biết có một vài người chưa đậu đại khoa nhưng danh tiếng còn nổi tiếng hơn cả những Tiến sĩ Nho học là: Nguyễn Du, Vũ Trinh, Nguyễn Huy Tự.

Năm 1787, sau khi Lê Chiêu Thống lên ngôi vua, ông được triệu về triều. Cũng trong năm này, tướng Tây SơnVũ Văn Nhậm kéo quân ra Bắc Hà đánh dẹp Nguyễn Hữu Chỉnh, khi ấy, Vũ Trinh và cha đã lấy gia sản để chu cấp việc quân và giúp vua Lê chạy nạn[13].

Đến cuối năm sau (1788), nhờ quân Thanh (Trung Quốc) vua Lê Chiêu Thống về lại Thăng Long, Vũ Trinh được vời giữ chức Tham tri Chính sự[14](Phó Tể tướng), kiêm Lại bộ hữu Thị lang, kiêm Hình bộ hữu Thị lang.

Đầu năm 1789, vua nhà Tây SơnQuang Trung đem đại binh ra Bắc đánh tan quân đội nhà Thanh. Vua Lê Chiêu Thống lại phải chạy sang nhà Thanh cầu viện. Không thể theo được, Vũ Trinh trở về ẩn thân tại Hồ Sơn. Tại đây, ông dạy học và viết nên tập truyện truyền kỳ Lan Trì kiến văn lục (nối tiếp mạch văn học truyền kỳ như Lĩnh Nam chích quái của Vũ Quỳnh, Kiều Phú; Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ) dùng văn chương hàm chứa đạo lý. Trong thời gian này, Vũ Trinh được người bạn là Ngô Thì Nhậm (lúc này đang là Lại bộ Thượng thư của Tây Sơn) đề cử ra làm quan, song ông từ chối cộng tác với triều đại này. Bởi vậy Nguyễn Đề, một đại quan Tây Sơn, là anh vợ Vũ Trinh viết thơ đã ví Vũ Trinh như Bá Di, Thúc Tề[15]:

次東山偶憶蘭溪漁者[16]

東魯行車雨雪飛, 

偶懷閒客釣魚磯。 

二倫情誼心相合, 

十載窮通命每違。 

不審役形當世事, 

何如拭目看時機。 

首陽今日無人問, 

也任夷齊採盡薇。

ĐẾN ĐÔNG SƠN BỖNG NHỚ NGƯỜI CÂU CÁ Ở LAN KHÊ[17]

Đông Lỗ xe đi trong tuyết mưa,

Nhớ người nhàn khách bạn câu xưa.

Hai bên tình bạn lòng tương hợp,

Vận mệnh mười năm cùng thông chia.

Thế sự hình hài sao xét được,

Thời cơ mà ngắm có khi vừa.

Thú Dương giờ có ai thăm hỏi,

Tạm hái rau vi, Di Tề thưa.

Năm 1796, Vũ Trinh cùng với Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Hoàng, Phan Huy Ích, Nguyễn Đăng Sở, Nguyễn Đàm lập ra Thiền viện Trúc Lâm ở phố Bích Câu, bàn luận về Thiền phái Trúc Lâm. Nhóm tác giả soạn Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh được người nghiên cứu Phật học đánh giá cao, trong đó Vũ Trinh cùng Nguyễn Đăng Sở viết chú giải.

Năm 1802, sau khi nhà Tây Sơn bị đánh đổ, Vũ Trinh được Gia Long vời ra tham chính, nhận chức Thị trung học sĩ (chánh Tam phẩm) tại triều (Phú Xuân, tức Huế ngày nay). Cùng nhận chức Thị trung học sĩ với ông có Phạm Quý Thích.

Năm 1804, nhân việc đưa hài cốt vua Lê Chiêu Thống về nước, ông xin từ quan nhưng không được chấp thuận. Nhân đó, ông được cử đi khám xét việc đê[18] ở Bắc Thành, rồi lại triệu về Kinh.

Năm 1807, Vũ Trinh được cử làm Giám thí (Phó chủ khảo) trường thi Sơn Tây[19]. Cũng năm này, ông làm Chánh sứ sang Yên Kinh[20] (燕京, tức Bắc Kinh), cùng Phó sứ Ngô Nhân Tịnh để tuế cống.
Năm 1809, ông được cử làm Chánh sứ đi Yên Kinh mừng Gia Khánh thượng thọ ngũ tuần[21]. Trên đường đi qua núi Tướng Đài (Hàng Châu), ông có cảm khái viết bài thơ được lưu lại, lại có viết Sứ Yên thi tập.
Mùa xuân tháng 1 năm 1811, Gia Long sai Tổng trấn Bắc Thành là Nguyễn Văn Thành sung chức Tổng tài sửa định luật lệ. Tờ dụ chỉ rõ: "Bọn khanh nên hết lòng khảo xét những pháp lệnh điển lệ của bản triều, tham hợp với điều luật đời Hồng Đức và nước Đại Thanh, lấy bỏ cân nhắc mà làm thành sách. Trẫm sẽ sửa chữa cho đúng để ban hành"[22]. Nguyễn Văn Thành mời Vũ Trinh và Trần Hựu cùng tham gia biên soạn bộ luật Gia Long.
Tháng 12 năm 1811, Vũ Trinh nhậm mệnh biên soạn Phàm lệ soạn sử nói về các thể lệ làm sử[23]. Sau đó, Gia Long duyệt bản Phàm lệ này đã cử Nguyễn Văn Thành giữ chức Quốc sử quán Tổng tài, Phạm Như Đăng giữ chức Phó Tổng tài[24]. Nguyễn Văn Thành kính trọng tài năng của Vũ Trinh, cho con là Nguyễn Văn Thuyên (cũng là phò mã của vua nhà Nguyễn) theo học.
Năm 1813, ông được cử đi làm Giám thí trường thi Quảng Đức[19], khoa thi này 8 tỉnh thi chung tại 1 trường Quảng Đức, chấm lấy đỗ 9 người trong đó có Thuyên. Cũng trong năm này, ông được thăng Hình bộ hữu Tham tri (tòng Nhị phẩm).

Năm 1816, Nguyễn Văn Thuyên bị vu oan bởi một bài thơ. Vũ Trinh là một đại quan ở bộ Hình lại là thầy của Thuyên nên có ý bênh vực, song Thuyên vẫn không khỏi tội. Chẳng những vậy, ông bị đoạt hết phẩm hàm[25] và bị đưa đến phố Hội An (Quảng Nam) để an trí, tại đây ông giảng dạy để tự túc, người theo học rất đông, có hơn 10 học trò thi đậu[26]. Sau gặp ân xá, Vũ Trinh xin về; các học trò xin lưu lại và lập đền thờ ngay khi ông còn sống[27]. Đến năm 1828, ông trở về quê nhà được vài hôm thì mất, thụy là Mẫn Trực.

Nhận định sửa

Đại Nam liệt truyện viết: Vũ Trinh học vấn sâu rộng, văn chương điển lệ. Thời Gia Long mới lập, các chiếu sách văn từ hầu hết do một mình Vũ Trinh làm. Tác phẩm của Vũ Trinh có tập thơ "Sứ Yên", tập thơ " Cung oán" và tập "Kiến văn lục" lưu hành ở đời[9].

Ngô Thì Hoàng của Ngô gia văn phái viết: Vũ Trinh sẵn ôm tài chí kinh bang tế thế, song gặp thời ngang trái, mới lẫn tăm hơi chốn lều tranh...Vũ Trinh là người có học vấn uẩn súc...

Trần Danh Lưu viết: Thầy học vấn uyên bác, tầm nhìn bao la. Tử, Sử, Bách gia không loại sách nào không đọc. Từ sau khi đổi đời, thầy náu mình chốn điền viên, thỉnh thoảng cũng đùa chơi với ngọn bút, nghiên mực, ghi những điều nghe được, thấy được thành sách...Bởi văn chương của thầy, xuất thì thành long phượng trên hồ, xử thì thành dáng núi trời thu, lưu hành khắp nơi khắp chốn.

Cống sĩ Nguyễn Tạo[28] cũng nhận xét trong tác phẩm Lan Trì kiến văn lục: "Văn pháp phô diễn lưu lợi xác thực, không phù hoa, không gian sáp, chính là một tay viết văn sành sỏi rất đáng kính phục."

Thủ khoa hiện đại Vũ Tú nhận xét: "Dưới góc độ triết lý hành động của Nho giáo là quan niệm chính thống của thời đại ấy, danh nhân Vũ Trinh đã hoàn thành xuất sắc vai trò của một Nho sĩ: về mặt tư tưởng ông là người trung với nước, về trước tác rất đa dạng và đặc sắc, và ở cả 2 triều đại Lê-Trịnh và Nguyễn sơ đều là quan chức lớn có công lao, có những dấu ấn tốt đẹp để lại trong lịch sử nước ta."

Gia đình sửa

Phu nhân ông Vũ Trinh là bà Nguyễn Thị Diên (con gái Đại tư đồ, Tham tụng Nguyễn Nghiễm với bà Trần Thị Tần); là chị ruột của đại thi hào Nguyễn Du (giống như dòng dõi họ Vũ của Vũ Trinh, dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền cũng là một vọng tộc khoa bảng có nhiều người làm quan chức lớn, 2 gia đình là môn đăng hộ đối).

Vũ Trinh là thông gia với danh sĩ Ngô Thì Hoàng, thuộc dòng họ Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm ở Tả Thanh Oai.

Tác phẩm sửa

Một số tác phẩm được biết đến nay có:

  • Lan Trì kiến văn lục, gồm 45 truyện ngắn Văn dĩ tải đạo viết bằng chữ Hán theo mạch truyện truyền kỳ. Mỹ thuật gia-Thủ khoa hiện đại Vũ Tú đã nhận xét về Lan Trì kiến văn lục: “Thông qua 45 thiên truyện, tác giả muốn đề cao đạo lý; và thể hiện ẩn ý tâm sự hoài Lê của một vị trung thần.”
  • Cung oán thi tập (tập thơ viết về nỗi sầu muộn của người cung nữ bị giam cầm tuổi xuân trong cung cấm).
  • Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh - Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Sở, Vũ Trinh...hợp soạn.
  • Ngô tộc truy viễn đàn phả - Trần Danh Án, Phạm Giáp Thiên, Vũ Huy Tấn, Vũ Trinh...hợp soạn.
  • Phàm lệ soạn sử, là cơ sở của sự thành lập Quốc sử quán triều Nguyễn.
  • Sứ Yên thi tập (tập thơ chữ Hán viết về đi sứ Yên Kinh).
  • Hoàng Việt luật lệ[29]- Nguyễn Văn Thành, Vũ Trinh, Trần Hựu hợp soạn; tác phẩm dựa trên cơ sở chủ yếu là Đại Thanh luật lệ, với những yếu tố chỉnh sửa, cập nhật cho phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam thời Nguyễn.
  • Vũ Trinh còn là soạn giả các vở Chèo Công chúa Lạc Xương, Lưu Bình - Dương Lễ, Chu Mãi Thần, Hán Sở...[30], và có soạn một số bài bi ký.

Thời kỳ Gia Long là thời thịnh của thơ văn chữ Nôm với ba tác phẩm lớn thuộc hạng kinh điển: Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự, Truyện Kiều của Nguyễn Du; và một bài Văn tế tướng sĩ trận vong không rõ tác giả do Thành Quận công Nguyễn Văn Thành đọc, có ý kiến cho rằng danh sĩ Vũ Trinh là soạn giả của bài Văn tế tướng sĩ trận vong - áng văn tuyệt bút chữ Nôm thời Nguyễn.

Vũ Trinh là người đầu tiên được Nguyễn Du nhờ đọc duyệt và bình Truyện Kiều khi còn ở dạng bản thảo, các lời bình của Vũ Trinh dùng chữ Hán bằng mực đen. Câu "Nợ tình chưa trả cho ai; Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan" trong Truyện Kiều của Nguyễn Du lấy điển tích ở truyện Thanh Trì tình trái trong Lan Trì kiến văn lục của Vũ Trinh.

PGS. Vũ Duy Mền viết về ý nghĩa của Lan Trì ngư giả (người câu cá hiệu Lan Trì) trong thời loạn[31]: Phải chăng ông muốn làm như Lã Vọng[32] "câu thời; câu thế" mong gặp được chân chúa thánh minh để thi thố tài năng cứu vãn thời thế.

Vinh danh sửa

Tên của danh nhân Vũ Trinh hiện nay đã được đặt cho một con phố tại thị trấn Thứa (huyện Lương Tài).

Chú thích sửa

  1. ^ Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam - mục từ "Vũ Trinh", Nhà xuất bản Khoa học xã hội (1992) - Nguyễn Quyết Thắng - Nguyễn Bá Thế
  2. ^ “Dấu ấn văn hóa Bắc Ninh”. skhcn.bacninh.gov.vn. Truy cập ngày 16 tháng 4 năm 2023.
  3. ^ “TCHN”. www.hannom.org.vn. Truy cập ngày 16 tháng 4 năm 2023.
  4. ^ Dưới thời Lê, phủ Thuận An có 5 huyện: Gia Lâm, Siêu Loại, Văn Giang, Gia Định, Lương Tài. Phủ Thuận An: Ở phía tây nam trấn Kinh Bắc, cõi đất xa rộng. Sông Thiên Đức vòng quanh năm huyện. Núi Đông Cứu là nơi có tiếng hơn cả trong một phủ. Cổ tích có chùa Pháp Vân, chùa Đại Bi, đền Lệ Mật. Về khoa mục, huyện Gia Lâm đứng đầu rồi đến huyện Lương Tài, huyện Văn Giang, huyện Gia Định, huyện Siêu Loại
  5. ^ Vào thời Lê-Trịnh, chức Tham tụng còn được gọi là Thừa tướng là chức quan cao nhất hệ thống chính trị. Đây là tên gọi của Tể tướng, trong những thời kỳ khác nhau có tên gọi có sự thay đổi khác nhau. Từ điển tiếng Pháp dịch từ Tham tụng là Premier Dignitaire de la cour (sous les Lê et les Trinh).
  6. ^ Đặc tứ Tiến triều (đặc biệt phong hàm quan triều)
  7. ^ Thừa chính sứ: Chức quan đặt từ thời Quang Thuận (1460- 1469). Năm Bính Tuất (1466) Lê Thánh Tông chia nước ta làm 12 đạo. Mỗi đạo đặt chức Đô ty và Thừa ty. Đặt chức Thừa chính sứ (trưởng quan) và Thừa chính phó sứ; dưới có Tham chính, Tham nghị.
  8. ^ Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam - Tập 1 - NXB Thế giới 1997-Hà Nội, trang 821
  9. ^ a b Đại Nam liệt truyện, mục "Vũ Trinh" - Quốc sử quán triều Nguyễn
  10. ^ Đại Nam nhất thống chí, tỉnh Bắc Ninh, Nha văn hóa-Tổng bộ Văn hóa xã hội 1966. Dịch giả: Nguyễn Tạo
  11. ^ Thời Lê trung hưng, Phủ Quốc Oai gồm các huyện Đan Phượng, Từ Liêm, Thạch Thất, Yên Sơn, Phúc Lộc (sau là Phúc Thọ) thuộc tỉnh Sơn Tây (Việt sử cương mục tiết yếu. Quyển IV)
  12. ^ Huấn địch thập điều (NXB Phủ Quốc Vụ Khanh 1971-Sài Gòn)-Lê Hữu Mục, trang 15
  13. ^ Hoàng Lê nhất thống chí, Hồi 11 chép: Cha Vũ Trinh là Vũ Chiêu làm tờ biểu xin dâng hai trăm lạng bạc để tiêu vào việc quân. Vua nhận số bạc ấy, bèn dùng nhà Chiêu làm nơi hành tại.
  14. ^ Khâm định Việt sử Thông giám cương mục - Quốc sử quán triều Nguyễn
  15. ^ Bá Di, Thúc Tề: 2 vị thánh hiền con vua nước Cô-trúc, gặp thời loạn, bỏ lên núi ở ẩn, hái rau vi để bảo toàn khí tiết.
  16. ^ 中越緬泰詩史, 中華文化出版事業委員會, 1958 - 彭國棟
  17. ^ Lan Khê: tên cũ của làng Xuân Lan
  18. ^ Năm Giáp Tý (1804), vua sai quan lại Bắc Thành lấy dân đi sửa - đắp đê, sau điều vị quan triều là Vũ Trinh đi trông coi. Vua dụ rằng: “Việc phòng luật rất quan hệ, lợi hại đến đời sống của dân, trẫm rất chú ý, người (Vũ Trinh) phải cẩn thận”. Trích: Lịch sử hình thành hệ thống đê Hà Nội - Trần Văn Tư , Đào Minh Đức-Viện Địa chất-VAST
  19. ^ a b Quốc triều Hương khoa lục - Cao Xuân Dục
  20. ^ mục Chánh sứ của Việt Nam sang Trung Quốc thời Nguyễn, trang từ điển Chánh sứ
  21. ^ Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ chép: Thị niên trị Gia Khánh hoàng đế ngũ tuần khánh tiết, hựu dĩ Thị trung Vũ Trinh sung Chánh sứ.
  22. ^ Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, Tập 1, Nhà xuất bản Giáo dục, 2002, tr. 807- 808
  23. ^ Quốc triều Chính biên toát yếu - Cao Xuân Dục
  24. ^ Quốc sử quán triều Nguyễn: Đại Nam thực lục, Tập 1, Nhà xuất bản Giáo dục, 2002, tr. 828.
  25. ^ Hoàng Việt long hưng chí - Ngô Giáp Đậu
  26. ^ Nghiên cứu Huế, Tập 5, trang 196, Trung tâm nghiên cứu Huế, 2003
  27. ^ Quốc sử di biên - Phan Thúc Trực
  28. ^ Nguyễn Tạo: là Cống sĩ thi đậu năm 1919, hiệu Tu Trai, người Quảng Ngãi, sau làm chuyên viên Hán học cho Bộ Quốc gia Giáo dục - Việt Nam cộng hòa
  29. ^ “皇越律例-Nôm Preservation Foundation”.
  30. ^ Tạp chí Hán Nôm - Số phát hành 68-73, Viện nghiên cứu Hán Nôm, Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam, 2005
  31. ^ PGS. Vũ Duy Mền, Vũ Trinh - người câu cá ao làng Xuân Lan: Cách nhìn tổng quan về con người, gia tộc và sự nghiệp của danh nhân Vũ Trinh
  32. ^ Lã Vọng (呂望): bậc hiền tướng, khai quốc công thần của triều Chu và là quân chủ khai lập nước Tề tồn tại từ thời Tây Chu đến thời Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Tên tự của Vũ Trinh là Duy Chu (維周) có nghĩa là gìn giữ nhà Chu, cũng phù hợp với lời PGS. Vũ Duy Mền nhận định.

Tham khảo sửa

  • Quốc sử quán triều Nguyễn - Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ
  • Nguyễn Thế Long - Bang giao Đại Việt: triều Nguyễn
  • PGS. Lê Văn Tấn, Vũ Trinh: Từ mẫu hình kẻ sĩ hành đạo trong thời loạn đến tư cách một nhà văn tài năng
  • GS. Nguyễn Huệ Chi, mục từ "Vũ Trinh" trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
  • PGS. Nguyễn Đăng Na, Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại (Tập 1). Nhà xuất bản Giáo dục, 1997.
  • [Vũ Trinh (nguyên tác)-Hàn Thế Du (chỉnh lý)] Vở chèo Lưu Bình-Dương Lễ

Liên kết ngoài sửa