Wikipedia:Cách giành chiến thắng khi tranh cãi

Wikipedia nói riêng, và các wiki nói chung, có nền tảng "mã nguồn mở". Điều này cho phép mọi người cùng tương tác và sửa đổi nội dung thông qua một phần mềm chung. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng thế giới kiến thức chung tự do này, đôi khi bạn sẽ vấp phải những cuộc tranh cãi với người khác.

Vậy, làm sao để thắng? Câu trả lời ở ngay dưới đây:

  • Luôn luôn là người phản bác sau cùng: Người ta thường rất hay quên. Nếu bạn không nói lời cuối, thì sẽ chẳng có ai nhớ bạn nói gì đâu. Nếu bạn phải lặp đi lặp lại lập luận của mình đủ 50 lần để họ nhớ được, thì cứ làm vậy đi. Tuy nhiên, đừng chép dán; họ sẽ phát chán và cho bạn ăn bơ ướp lạnh. Mỗi lần phát ngôn, hãy cố gắng sửa từ ngữ đi một ít. Khi sửa xong rồi, đoạn thảo luận của bạn sẽ trông như mới thôi.
  • Trả lời mọi ý kiến: Nếu không trực tiếp phản bác đủ tất cả mọi người, họ sẽ tưởng bạn đang né tránh. Do đó, bạn cần phải bắn trả, không được để sót người nào. Với tranh luận qua thư, thì hãy trả lời mọi thư nhận được. Nếu bạn tổng hợp được những câu mình hồi đáp, một số người sẽ tưởng nhầm rằng bạn đã nêu ra những điểm đó trong các lần thảo luận khác. Do đó, bạn cần phải luôn luôn hồi đáp, kể cả khi chỉ nói được một câu, và kể cả khi câu đó có chứa một lập luận bạn đã nói từ trước đó rồi.
  • Chỉ trả lời một ý trong mỗi lần thảo luận: Nếu bạn lập luận đủ mạnh về một câu nào đó trong ý kiến của những biên tập viên khác, thì người đó sẽ trông như thể chỉ đưa ra một luận điểm duy nhất vậy. Hơn nữa, bởi vì bạn chứng minh được câu đó sai, nên mọi người sẽ biết cả ý kiến đó không bằng được lập luận của bạn. Tuy nhiên, phải chọn một câu gần cuối nhé, vì khi đọc thảo luận, người ta chỉ cuộn xuống chứ có cuộn lên bao giờ?
  • Nhớ rằng Wikipedia là nơi thí nghiệm luật đám đông: Cách duy nhất để bạn nổi bật hẳn lên trong mớ hỗn loạn là tạo ra một đám đông. Đôi khi, có ít người đủ lý tính để ủng hộ bạn đến nỗi bạn phải tự tạo ra một đám đông cho riêng mình. Nhớ phải đặt cho họ những cái tên thật hay ho, thể hiện rõ ra là họ đang về phe bạn, bởi các tên đó sẽ khiến họ trông có vẻ hứng thú với quan điểm của bạn từ trước, và chỉ đơn thuần là đang ủng hộ vấn đề mình quan tâm, chứ không phải rối. Bạn cũng nên thảo luận bằng một địa chỉ IP (hai, mười, hoặc thậm chí hai mươi), để không ai tìm ra mối liên hệ giữa chúng với tài khoản của bạn. Làm được điều này, bạn sẽ có đa số ở phe mình, và thế là chiến thắng.
  • Mạnh dạn sửa đổi quy định: Đây là một wiki. Nếu quy định không tuân theo những gì đáng lý nên xảy ra, thì hãy sửa đổi nó. Việc sửa đổi rồi ngay lập tức trích dẫn chính trang đó sẽ khiến người khác ấn tượng: Họ không quen với quy định mới, còn bạn thì có.
  • Đối phương là những kẻ phá hoại: Nếu không thể sửa đổi quy định, thì hãy tự quyết định nó nói gì. Nếu bạn không đồng ý với cách diễn đạt, thì làm gì có đồng thuận? Bất kể ai không nghĩ như bạn rõ ràng là đang cố ý làm giảm giá trị nội dung đó. Bạn có thể lùi sửa, cấm, cấm chỉ, hay làm bất cứ việc gì cần thiết, nếu những ý kiến phá hoại của họ gây ảnh hưởng đến đóng góp của bạn.
  • Giả sử rằng bạn thông minh và có lý tính hơn nhiều so với đối phương: Giả định này thường rất an toàn. Nếu họ thông minh được như bạn, hẳn họ đã đồng ý với bạn rồi! Nhờ vậy, bạn có thể lập luận trên quan điểm ưu tiên về trí thức và luân lý. Việc chỉ ra rằng cách người khác nhìn cũng sẽ gần giống như bạn nếu họ chịu suy ngẫm vấn đề lâu và kỹ càng được như bạn là một phản bác rất hiệu quả. Họ cãi lại thế nào được chứ? Họ tốn cả đống thời gian ra để lo cho dự án cá nhân, còn bạn đã là người thủ hộ kiên định cho quan điểm của mình ngay từ khi mới tham gia.
  • Hãy nhớ ý nghĩa thực sự của NPOV: NPOV có nghĩa là "nobody may delete a POV" ("không ai được xoá quan điểm cá nhân"). Để bài viết có NPOV, mọi quan điểm đều phải nằm trong đó, tức là, dù thế nào đi nữa, ý kiến của bạn cũng luôn có chỗ. Những người muốn xoá bỏ giả thuyết của bạn, dù nhỏ đến mức nào, đều đang không tuân theo NPOV, hay nói cách khác là đang đi ngược lại một trong năm cột trụ cơ bản của Wikipedia. Hãy khuyến khích họ thêm quan điểm cá nhân của chính họ vào bài, để mọi bài trung lập và có tính đại diện hơn.
  • Nếu bạn đứng một mình, thì tức là bạn đúng: Ban đầu, mọi thiên tài vĩ đại và quan điểm của họ đều đứng một mình, còn lũ ngu xuẩn thì cứ cố bám lấy những lối tư duy cổ hủ và sai lệch. Do đó, nếu bạn là người duy nhất bảo vệ điều gì đó mà bạn cho là sẽ giải quyết được vấn đề tồn đọng của wiki, thì tức là bạn đang đi trước đám đông. Đã đứng một mình thì đừng bao giờ lùi lại: việc bị phản đối chỉ cho thấy những thiên kiến đó cần cách xử lý của bạn đến mức nào thôi. Nếu họ nói bạn chỉ có một mình, hãy đanh thép trả lời lại rằng: "Wikipedia không phải là chính thể dân chủ."
  • Biết quyền của mình: Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ bảo vệ quyền tự do thể hiện của bạn, và việc cấm đoán rõ ràng là đang xâm phạm đến quyền lợi đó. Hơn nữa, các luật bảo vệ tiêu thụ của bang và liên bang sẽ trừng phạt những trang web mà một mặt thì tung tin quảng bá rằng "ai cũng có thể sửa đổi", mặt khác lại ngấm ngầm ngăn cấm bạn. Nếu bị cấm, hãy viết ngay một bản tường trình; các cơ quan chức năng hoặc có liên quan sẽ rất vui được nghe bạn nói đấy. Nếu bị kiểm định, Đạo luật Thông tin Tự do sẽ buộc Wikimedia tiết lộ kết quả cho bạn, nên dù họ có nói "không thể" bao nhiêu lần đi nữa, thì cũng đừng có tin, mà hãy thẳng thừng đáp: "Tôi tự biết các quyền lợi hợp pháp của mình."
  • Đừng tự nhục: Việc sử dụng những từ như "tôi nghĩ" hay "theo tôi" sẽ làm giảm hiệu quả của lập luận. Bạn phải luôn tin rằng ý kiến của bản thân là thứ duy nhất hợp lý, dù có gì xảy ra đi nữa. Và, dù phản đối là một điều ngu ngốc, thì vì trí tuệ chân thuần, bạn vẫn phải nói ra. Hãy mạnh tay đưa cả trí thông minh của đối phương ra mà nghi vấn, để họ tự nhận ra được kiểu cách suy nghĩ dốt nát của mình, và rồi sẽ nghiêng về phía bạn.
  • Nếu các cách trên đều không có hiệu quả, thì hãy nhớ là Jimbo về phe bạn: Wikipedia được tạo ra để trở thành trang bách khoa toàn thư mở mà bất kỳ ai cũng có thể sửa đổi. "Bất kỳ ai" rõ ràng là có cả bạn rồi. Những người bịt miệng bạn đang cố tình cản trở điều đó, tức là đi ngược tinh thần chung của cả dự án. Việc nhờ Jimbo vào cuộc, bằng cách đặt một lời nhắn ngắn gọn trên trang Thảo luận Thành viên của ông (tầm 6, 7 đoạn gì đó là đủ), sẽ khiến tất cả đối phương phải nhận ra lỗi lầm của mình.
  • Yêu cầu chú thích (kể cả số trang) đối với mọi luận điểm: Nếu có ai dẫn ra được, thì cứ lờ thẳng đi là xong. Những tác phẩm hay nghiên cứu kinh điển trong ngành thì hẳn là đã cũ cả, nghĩa là không còn chính xác. Nếu bạn chưa bao giờ nghe qua, thì dù có hay ho thế nào đi nữa, thứ họ dẫn cũng chỉ là loại sách rẻ tiền, self-help vớ vẩn mà đám thanh niên thích vừa đọc vừa uống cà phê rồi chụp ảnh đăng vài dòng trạng thái lên mạng cho ra vẻ có học thức, lấy "lai", "xe", "phêm" thôi. Dẫu tác giả có là chuyên gia đầu ngành, tỷ phú hay giáo sư ở Harvard đi nữa, thì cũng chẳng thông minh bằng bạn. Bạn giỏi hơn họ nhiều. Nếu có cả một ban biên tập đứng sau tác phẩm đó, thì bạn cứ nhắm thẳng mặt người dẫn mà nói đoạn người đó trích là do một gã tay mơ thêm vào, còn nhà xuất bản thì không chịu hiệu đính lại. Trong trường hợp một tay dở nào đó nhồi hàng tấn nguồn vào lập luận của hắn, thì cứ chọn một, rồi chỉ trích càng mạnh càng tốt. Nếu bị yêu cầu chứng minh, thì bạn cũng đừng lo, cứ nói đó là kiến thức cơ bản, rồi quẳng cho bọn khăng khăng đòi nguồn câu này: "Tự tra Google đi."
  • Đừng bao giờ ngừng tranh luận: Nếu cuộc tranh luận không tiến đến đâu mà chỉ chạy vòng vòng, thì nói với đối phương rằng dự án này hết hy vọng rồi, và bạn sẽ rời Wikipedia mãi mãi. Hãy bảo họ Wikipedia không còn như trước đây nữa, và rồi họ sẽ thấy có lỗi khi nhận ra rằng khi ấy bạn đã đúng đến thế nào. Nhớ đặt một thông điệp u sầu trên trang thành viên của bạn nhé, rồi quay lại tranh luận sau. Nếu lũ đần kia có hỏi "tưởng bạn đi rồi?", thì hãy phán ngược lại là bạn không thích lằng nhằng với bọn đầu đất. Đừng quên tỏ vẻ bất bình và bày tỏ nỗi lòng của kẻ bị hiếp đáp mỗi khi có thể.
  • Giải thích vì sao bạn là chuyên gia trong chủ đề: Bạn có thể tự làm tăng sức nặng cho lập luận của mình bằng cách nói rằng bản thân là chuyên gia trong chính chủ đề đó. Không cần cung cấp bằng chứng, hồ sơ hay tài liệu gì cả, vì những kẻ nghi ngờ sẽ bị buộc tội không giữ thiện ý.

Xem thêm sửa