Khác biệt giữa bản sửa đổi của “Norman Morrison”

Nội dung được xóa Nội dung được thêm vào
nKhông có tóm lược sửa đổi
Không có tóm lược sửa đổi
Dòng 45:
 
Vợ của Morrison và hai người con gái đã tới Việt Nam vào năm 1999 và họ đã gặp [[nhà thơ]] [[Tố Hữu]], người đã sáng tác bài thơ "Emily, con ơi". Emily là tên con gái của Morrison. Trước khi chết anh đã bế con, khi đó mới được 1 tuổi, đặt trước cửa [[Lầu Năm Góc|Bộ quốc phòng Mỹ]] trước khi anh tự thiêu.
 
Rất nhiều người Việt Nam đã quen thuộc với hình ảnh "người cha" trong bài thơ "Emily con ơi" của Tố Hữu. Đó chính là Norman Morrison, người tự thiêu để phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam ngày 2/11/1965. Nhân ngày Độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, TS xin giới thiệu về người bạn Mỹ này của nhân dân Việt Nam.
 
Cái chết của anh đã gây xôn xao dư luận nước Mỹ thời kỳ đó và để lại một hình ảnh không bao giờ quên trong lòng người dân Việt Nam. 34 năm sau ngày định mệnh ấy, vợ anh, Anne Morrison Welsh đã cùng các con tới thăm Việt Nam. Tại mảnh đất cách nước Mỹ tới nửa vòng trái đất ấy, với tất cả những xúc cảm buồn vui lẫn lộn, bà Anne lần hồi trở về quá khứ....
 
Người đàn ông "phức tạp"
 
Anne Welsh lớn lên tại Union Grove, hạt Iredell, bang Bắc Carolina và tốt nghiệp trường Granite Falls High tại hạt Caldwell. Kết thúc năm thứ 2 đại học Duke, Anne tới Chautauqua, New York để tìm việc làm trong kỳ nghỉ hè. Cô tìm được công việc hầu phòng tại một khách sạn, nơi Norman Morrison thường giúp khách trọ lấy đồ giặt là. Một đêm chủ nhật nọ, sau một buổi cầu nguyện thường lệ, Morrison đưa cô trở về khách sạn. Bắt đầu từ đó, hai người hò hẹn.
 
Họ làm lễ cưới sau khi Anne tốt nghiệp năm 1957. Đây là cặp uyên ương đầu tiên tổ chức hôn lễ tại phòng họp của các tín đồ Quakers (còn gọi là Cộng đồng bạn hữu tôn giáo), khu vực Durham.
 
Là một thanh niên đẹp trai với mái tóc màu nâu hạt dẻ và đôi mắt sâu thẳm, Morrison có một cá tính khá phức tạp. Dù đam mê thị trường chứng khoán, song anh lại là người sống rất thanh bạch và tiết kiệm. Anh có thể nhảy rất giỏi song lại không thể hoà âm đúng nhạc. Và dù là một người sống khép kín, nhưng anh lại có thiên hướng muốn trở thành một cố vấn về tinh thần cho người khác.
 
Tại trường dòng Thần học phương Tây, Morrison đặc biệt bị cuốn hút bởi những nguyên tắc của phái Quaker trong đó có cam kết đi theo chủ nghĩa hoà bình. Tháng 9/1959, đúng vào lúc cơn bão Gracie tràn về nơi họ cư trú, Morrison đưa vợ và con đầu lòng của hai người là Ben chuyển tới Charlotte, bang Bắc Carolina nơi anh thành lập Hội các bạn hữu Charlotte. Tại trường phổ thông Đông Mecklenburg, anh tham gia giảng dạy về Kinh phúc âm. Vào dịp cuối tuần, anh thường tổ chức cho sinh viên cao đẳng tham gia vào những hoạt động tình nguyện giúp sửa chữa đồ đạc cho người dân sống ở khu vực lân cận.
 
Năm 1962, khi đứa con thứ hai Christina ra đời, hai vợ chồng chuyển tới Baltimore, bang Maryland. Lúc này Morrison xin làm thư ký điều hành Hội các bạn hữu Stony Run.
 
Từ khi Mỹ tham gia cuộc chiến tại Việt Nam, Morrison luôn trăn trở. Anh coi chính sách ngoại giao mà chính quyền Mỹ theo đuổi lúc đó hoàn toàn mang tính chất "can thiệp" và "thiển cận". Anh luôn có niềm tin rằng dân tộc Việt Nam phải có quyền tự vạch ra tương lai cho chính mình. Khi cuộc chiến càng trở nên khốc liệt, Morrison cùng những người bạn của anh bắt đầu lên tiếng phản đối.
 
Hy sinh
 
 
Chân dung Ngọn đuốc phản chiên Norman Morrison trên bàn thờ.
 
 
Tiểu sử sơ lược Norman Morrison
 
Norman Morrison sinh ngày 29/12/1933 tại Erie, bang Pennsylvania. Anh tốt nghiệp Cao đẳng Chautauqua, New York năm 1952.
 
Bốn năm tiếp theo đó, anh theo học Cao đẳng Wooster, tại Ohio chuyên ngành về tôn giáo. Khi tốt nghiệp, anh nhận bằng cử nhân và một bằng chứng nhận giảng dạy phổ thông môn lịch sử và nghiên cứu xã hội.
 
Năm 1956, anh theo học trường Thần học phương Tây, bây giờ là trường Pittsburgh Presbyterian. Năm sau, anh đăng ký học Đại học Edinburg tại Scotland. Sau 5 tháng du lịch châu Âu và Trung Đông, anh trở về Mỹ và lại tiếp tục theo học trường Pittsburgh. Năm 1959, anh nhận bằng cử nhân khoa Thần học. Cùng năm này, anh trở thành một tín đồ phái Quaker. Anh tham gia Hội các bạn hữu ở Pittsburg và sau đó chuyển tới Charlotte, bang Bắc Carolina để thành lập hội tại đây.
 
Morrison cũng tham gia giảng dạy Kinh Cựu ước và Tân ước tại trường phổ thông Đông Mecklenburg từ năm 1961-1962. Năm 1962, gia đình anh chuyển đến Baltimore, bang Maryland nơi anh trở thành thư ký cho Hội Stony Run.
Trong thời gian trước khi Morrison "ra đi", anh tham gia tích cực vào phong trào phản đối cuộc chiến tranh leo thang tại Việt Nam. Anh viết thư gửi các tín đồ Quaker tại Washington và lên kế hoạch tổ chức các buổi cầu nguyện, hội thảo vì hoà bình, thậm chí còn vận động hành lang tại Washington. Anne vợ anh hoàn toàn ủng hộ chồng, song vì lúc này cô đã là mẹ của 3 đứa con nhỏ, nên sự phản đối chiến tranh của cô chỉ dừng ở mức "phụ đạo".
 
Càng ngày, Morrison càng trở nên bị ám ảnh bởi việc quân đội Mỹ giết hại những người dân thường vô tội Việt Nam. Anh không thể chấp nhận con số thương vong về người mà cuộc chiến phi nghĩa ấy đang gây ra, cả đối với người Việt Nam và binh sĩ Mỹ. Anh tin rằng nếu cuộc chiến này tiếp tục, đến một lúc nào đó, nó sẽ giáng một đòn nặng nề lên lương tâm của người Mỹ.
 
Nửa cuối năm 1965, hầu như ngày nào, hai vợ chồng Morrison cũng nói chuyện về Việt Nam. Anne chia sẻ những suy nghĩ của chồng về cuộc chiến. Cả hai đều xúc động và bàng hoàng trước sự hy sinh của các nhà sư Việt Nam và một tín đồ lớn tuổi phái Quaker ở Detroit là Alice Herz. Họ cũng giống anh, đều phản đối cuộc chiến tại Việt Nam. Ngoài vợ, Morrison còn thảo luận với một người bạn thân về các phong trào phản đối chiến tranh. Anh tin vào lương tri và "ánh sáng của trái tim".
 
Vào ngày 2/11/1965 định mệnh, vì bị cảm lạnh, anh trở về nhà từ chỗ làm để chuẩn bị cho lớp giảng Kinh thánh. Morrison và vợ nói chuyện rất nhiều vào hôm đó. Khoảng trưa, Anne đặt con út của hai người, bé Emily mới gần 1 năm tuổi vào nôi để bé ngủ. Trong khi cô chuẩn bị món súp hành kiểu Pháp và pho mát cho bữa trưa, hai người lại nói chuyện về cuộc chiến Việt Nam. Lúc này, hai con đầu là Ben 6 tuổi và Christina 5 tuổi đều đang ở trường.
 
"Chúng ta đã làm mọi điều có thể. Bây giờ, ta có thể làm gì hơn nữa?", Morrison nói với vợ, vẫn giọng bình thản vốn có.
 
"Em không biết", Anne trả lời, "Em chỉ nghĩ rằng chúng ta không được nản chí".
 
Đến giữa buổi chiều, Anne lái xe tới trường đón Ben và Christina. Cô cứ nghĩ Morrison sẽ dành thời gian còn lại của buổi chiều ở nhà. "Nếu như tôi biết điều gì sẽ xảy ra, tôi có lẽ sẽ ngăn chặn anh ấy bằng mọi giá", Anne nhớ lại. Nhưng Morrison đã viết cho cô một bức thư ngắn gọn, bế Emily khỏi nôi và lái xe 1 tiếng đồng hồ tới Washington, D.C. Tới nơi, anh gửi lá thư cho Anne tại bưu điện và tới Lầu Năm Góc vào lúc chạng vạng tối.
 
Lúc này, nhân viên Lầu Năm Góc bắt đầu tan sở. Nhiều người thấy Morrison tiến gần về phía toà nhà, một tay cầm một chiếc bình cỡ 4 lít còn tay kia ôm đứa con nhỏ xíu. Khi chỉ còn cách văn phòng của Bộ trưởng Quốc phòng Robert McNamara khoảng 30m, anh trút dầu lên người và châm lửa.
 
Trên thực tế, hầu như không ai biết chính xác điều gì đã xảy ra sau đó cùng những chi tiết liên quan tới bé Emily. Lời khai của các nhân chứng tại hiện trường có nhiều điểm mâu thuẫn với nhau. Người thì nói Morrison ôm chặt Emily cho tới khi mọi người chạy tới giằng bé ra khỏi tay anh. Người khác thì nói trước khi lửa bùng lên, Morrison đã đặt bé vào một chỗ an toàn. Trong cuốn "Người sống và người chết" của Paul Hendrickson, tác giả đã trích lời kể của Thiếu tá Richard Lundquist, người tìm thấy bé Emily trên đất. Ông bế Emily lên và đưa tới khu vườn gần Lầu Năm Góc. Tại đây, ông không nhớ đã trao bé cho một người phụ nữ có mang theo chăn hay cho cảnh vệ Lầu Năm Góc. Một nhân chứng khác là Trung tá Charles S. Johnson kể lại ông đã phải giằng Emily ra khỏi tay Morrison. Nhưng khi nghĩ kỹ lại, ông thừa nhận có thể đã nhớ lầm.
 
Dù mọi việc sau đó diễn ra như thế nào, một điều hoàn toàn chắc chắn rằng bé Emily đã sống sót và được Anne đón về ngay trong đêm đó.
 
 
 
Vợ và các con gái của Morrison trồng cây lưu niệm trong chuyến thăm Việt Nam năm 1999.
Trở lại câu chuyện của ngày 2/11/1965, khi Anne trở về nhà vào buổi chiều, cô thấy nhà cửa trống không. Cô cứ nghĩ Morríon đã đưa Emily tới thăm các thành viên lớn tuổi của hội các bạn hữu Quaker. Cô bắt đầu nấu bữa chiều thì điện thoại reo.
 
"Cô có biết điều gì đã xảy ra tại Washington không?", giọng nói của một phóng viên tờ Newsweek vang lên ở đầu dây bên kia. Anne dường như bắt đầu cảm thấy có gì đó khủng khiếp đang xảy ra. Khi cô trả lời: "Không", người phóng viên nói sự việc liên quan tới chồng cô và dè dặt thông báo về cuộc biểu tình. Rồi anh ta gợi ý Anne nên gọi điện cho trạm y tế quân đội tại Pháo đài Myer.
 
Anne làm theo gợi ý, và được một sĩ quan tiếp. Ông ta nói Morrison đã bị bỏng nặng.
 
"Emily vẫn ổn phải không", Anne lo lắng hỏi.
 
"Vâng", viên sĩ quan trả lời.
 
Anne không thể có can đảm để hỏi tiếp liệu Morrison còn sống hay không. Sau khi nhờ một vài người bạn trông giúp Ben và Christina, cô lái xe cùng 2 người khác tới Washington để đón Emily. Cô viết một cáo phó để bạn bè đăng trên báo, với nội dung:
 
"Norman Morrison đã hy sinh ngày hôm nay để bày tỏ sự phẫn nộ của anh trước những tổn thất về người mà cuộc chiến tranh Việt Nam đang gây ra. Anh phản đối sự can thiệp quân sự quá mức của chính phủ....".
 
Ngày hôm sau, 3/11/1965, tờ Washington Post đưa tin về sự kiện này với tiêu đề: "Người đàn ông tự thiêu tại Lầu Năm Góc, đứa con trên tay được cứu thoát". Tờ New York Time thì giật tít: "Con của tín đồ phái Quaker vẫn an toàn".
 
Tìm hiểu động cơ
 
Một ngày sau khi Morrison chết, Anne nhận được lá thư anh gửi qua đường bưu điện. Trên phong bì chính là chữ viết của anh và địa chỉ nơi gửi từ Washington, D.C. Anne run rẩy mở lá thư, trong lòng hy vọng cơn ác mộng ngày hôm trước chỉ là hư ảo và sự thật, Morrison vẫn còn sống.
 
Trong phong bì là lá thư viết lời chào tạm biệt của Morrison:
 
"Anne yêu quý, đừng chỉ trích anh. Đã nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng, anh chỉ cầu nguyện được thấy điều anh phải làm. Sáng nay, thật tình cờ anh đã thấy nó, rõ ràng như điều anh biết vào đêm thứ sáu, tháng 8/1955 rằng em sẽ trở thành vợ anh....Hãy hiểu rằng anh yêu các con, nhưng phải hành động vì những đứa trẻ trong ngôi làng của vị linh mục".
 
Kèm theo bức thư là một bài viết của nhà báo Pháp Jean Larteguy được Morrison đánh dấu bằng mực đỏ. Rõ ràng đây chính là bài báo Morrison đã đọc vào buổi sáng ngày 2/11/1965. Bài viết có tựa đề: "Một linh mục kể về việc quân đội Mỹ đã đánh bom nhà thờ và sát hại đồng bào ông" đầu tiên được đăng tải trên tờ Paris Match từ ngày 2/10/1965. Trong bài, linh mục có tên là Cha Currien, người bị thương mà tác giả Larteguy gặp tại bệnh viện Thánh Paul, Sài Gòn kể rằng: "Tôi đã chứng kiến các tín đồ sùng đạo bị đốt cháy bởi bom napalm. Tôi đã thấy thi thể của phụ nữ và trẻ em nằm rải rác. Tôi cũng thấy những ngôi làng bị giày xéo.....".
 
Trong cuốn "Người sống và người chết", Paul Henrickson cho rằng những năm tháng đấu tranh chống lại cuộc chiến tranh leo thang tại Việt Nam đã lên tới đỉnh điểm khi Morrison đọc bài báo đó. Có thể chính hình ảnh những trẻ em bị thiệt mạng tại Việt nam đã khiến Morrison đi tới quyết định mang Emily theo cùng. Về sau này, Emily có viết lại rằng: "Không biết điều gì đã xảy ra với tôi, tôi tin rằng cha mang tôi theo là để cho mọi nguời thấy hình tượng về thảm hoạ và sự mất mát của chiến tranh...".
 
"Nhân chứng" McNamara
 
Vào buổi chiều ngày 2/11/1965, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara có một cuộc họp với các quan chức Lầu Năm Góc. Đang giữa cuộc họp, phụ tá của ông thông báo về sự náo loạn bên ngoài. Khi McNamara bước tới cửa sổ, ông thấy các nhân viên y tế và một thi thể được cuộn trong vải trắng.
 
"Đó là cái gì?", ông hỏi người phụ tá....
 
Về sau, khi nhớ lại sự kiện này, McNamara viết: "Cái chết của Morrison là một thảm hoạ không chỉ cho gia đình anh mà cho cả tôi và nước Mỹ. Đó là lời phản đối rõ ràng nhất trước hành động huỷ diệt cuộc sống của người dân Việt Nam và rất nhiều binh sĩ trẻ Mỹ". Ông nói thêm rằng, sau thảm hoạ này, ông đã phải kiềm chế những cảm xúc của mình. Nhìn lại phong trào phản đối chiến tranh, ông cho rằng: "Có thể hơi ngạc nhiên, song tôi rất cảm thông với suy nghĩ của những người phản đối cuộc chiến"...
 
Tưởng nhớ
 
Ngay sau khi Morrison chết, hình ảnh của anh đã được cả thế giới, nhất là người dân Việt Nam ngưỡng mộ. Đã có những bài thơ viết về anh, điển hình như bài "Emily con ơi" của nhà thơ cách mạng Tố Hữu. Thậm chí, chính phủ Việt Nam đã phát hành một con tem để tưởng nhớ Morrison....
 
Cuốn: "Người sống và người chết" của tác giả Paul Hendrickson.
 
34 năm sau ngày Morrison mất, vợ anh và các con gái đã có chuyến đi tới Việt Nam tháng 4/1999. Tại đây, bà đã gặp những người dân Việt Nam và cảm nhận được tình yêu, lòng ngưỡng mộ của người Việt Nam đối với Morrison. Nó đã tạo ra sự thay đổi lớn trong nhận thức của bà và các con. Khi trở lại nước Mỹ, bà Anne có viết lại những cảm xúc này:
 
"Thật cảm động khi chúng tôi được nghe những câu chuyện kể về tình cảm mà rất nhiều người Việt Nam dành cho Morrison khi biết anh tự thiêu để phản đối cuộc chiến Mỹ tiến hành tại Việt Nam. Hơn tất cả, chúng tôi nghẹn ngào trước những giọt nước mắt của họ khi kể lại dù đã hơn 30 năm trôi qua. Tôi như cảm thấy Morrison đã bắn một mũi tên của tình yêu thương và sự đồng cảm từ trái tim anh tới trái tim của người Việt Nam và mũi tên ấy vẫn còn nằm nguyên vẹn ở đó....".
 
 
==Xem thêm==