Khác biệt giữa bản sửa đổi của “Chaebol”

Nội dung được xóa Nội dung được thêm vào
FxHVC (thảo luận | đóng góp)
Trang mới: “Tại Hàn Quốc, các '''Chaebol''' là một mô hình khác của tập đoàn thuộc sở hữu và điều hành bởi một gia đình. Các Chaebol của H…”
(Không có sự khác biệt)

Phiên bản lúc 14:28, ngày 13 tháng 6 năm 2011

Tại Hàn Quốc, các Chaebol là một mô hình khác của tập đoàn thuộc sở hữu và điều hành bởi một gia đình. Các Chaebol của Hàn Quốc thường mang hình thức của một công ty mẹ, và có nhiều công ty con hoạt động để đáp ứng yêu cầu vật tư và dịch vụ của công ty mẹ. Chaebol cũng thường thuộc sở hữu và do đó đặt dưới quyền quản lý của một gia đình. Do đó hầu hết các Chủ tịch hiện tại của các chaebol đã thành công là cha hoặc ông nội của họ.

Lịch sử

Sự hình thành các chaebol bắt đầu từ sau thế chiến 2. Sau khi quân Nhật ra đi năm 1945, một số doanh nhân Hàn Quốc được sở hữu các tài sản của một số doanh nghiệp Nhật Bản, một vài trong số này đã phát triển thành các chaebol. Các chaebol được hình thành bao gồm nhiều công ty có mối quan hệ liên kết về tài chính, chiến lược kinh doanh và sự điều phối chung trong hoạt động, ví dụ như Samsung, Daewoo hay LG. Nét đặc trưng của các Chaebol là toàn bộ các công ty thành viên thường do một hoặc một số ít gia đình sáng lập và nắm giữ cổ phần chi phối..

[1]

Chính sách ưu đãi

Sau cuộc binh biến năm 1961, Tổng thống Park Chung Hee quyết định cải tạo tình trạng nghèo nàn của đất nước bằng một công cuộc công nghiệp hóa thần tốc thông qua việc khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp lớn có sẵn – các chaebol. Chính phủ đưa ra kế hoạch phát triển công nghiệp, chaebol thực hiện các kế hoạch này. Để các chaebol yên tâm thực thi nhiệm vụ, chính phủ chủ động cho các chaebol vay với lãi suất rất thấp thông qua các ngân hàng nhà nước. Các ngân hàng quốc doanh còn được lệnh phải bảo lãnh nợ nước ngoài cho các chaebol, để họ có thể vừa thoải mái tiếp cận nguồn tín dụng trong nước, vừa “vô tư” đi vay nợ nước ngoài. Tổng thống Park cũng giảm thuế đánh vào các chaebol, đặc biệt là các công ty xây dựng, khi chính phủ bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng như đường cao tốc và cầu ở Hàn Quốc.

Trụ cột kinh tế

Chính nhờ những chính sách ưu đãi này, các Chaebol nhanh chóng phát triển thành các tập đoàn tầm cỡ thế giới. Cuối những năm 1980, chaebol đã chế ngự lĩnh vực công nghiệp và đặc biệt nổi tiếng về sản xuất, thương mại và các ngành công nghiệp nặng. Các chaebol được cho đã giúp nền kinh tế xứ kim chi thoát được cảnh thâm hụt mậu dịch, trở thành nước có thặng dư mậu dịch lớn kể từ năm 1986. Bước sang thập niên 90 của TK trước, Hàn Quốc “lột xác” từ một đất nước nghèo nàn bị chiến tranh tàn phá thành một trong những nước công nghiệp mới lớn nhất thế giới, người dân được hưởng chất lượng cuộc sống tương đương với các nước công nghiệp phát triển, tất cả đều được tin là công lao của các “người hùng” chaebol. Chỉ tính riêng năm 2003, tổng kim ngạch xuất khẩu của 4 chaebol Daewoo, Hyundai, LG và SK đã lên đến 111,7 tỷ USD, tương đương 58% tổng giá trị xuất khẩu của Hàn Quốc, chiếm 1/3 tổng giá trị tư bản của thị trường. Đến năm 2008, Ngân hàng Hàn Quốc cho biết nhóm 30 chaebol lớn nhất đang kiểm soát gần 40% nền kinh tế đất nước. Riêng Samsung chiếm tới 1/5 xuất khẩu của nước này. Ba chaebol lớn nhất (năm 2008) là Samsung (Ngôi sao), Hyundai (Hiện đại) và Daewoo (Vũ đài) được dân Hàn ưu ái gọi là “tam trụ” – 3 rường cột – chống giữ nền kinh tế nước nhà.

Tồn tại

[2]

Ỷ lại

Nhờ nguồn vốn ưu đãi dồi dào từ các ngân hàng trong nước, cộng với tâm lý “không sợ thất bại” vì biết đã có chính phủ đứng chống lưng, các chaebol bắt đầu đầu tư mạnh vào bất cứ ngành nào có tiềm năng phát triển mà không đặt nặng vấn đề lợi tức. Sự phát triển tràn lan vào các ngành kinh tế mũi nhọn đã ảnh hưởng sự tăng trưởng kinh tế vĩ mô và quá trình phát triển bền vững. Cho đến nay, nhiều người vẫn tin rằng các chaebol là “thủ phạm” chính đưa Hàn Quốc rơi vào cuộc khủng hoảng tiền tệ năm 1997.

Gia đình trị

Vấn đề của các chaebol đến từ cả bên ngoài lẫn bên trong. Thứ nhất, vì là mô hình tập đoàn kinh tế “gia đình trị”, việc quản lý điều hành của các chaebol thường mang nặng tính gia trưởng, độc đoán. Các vị trí chủ chốt thường tập trung trong tay của các thành viên trong một gia đình, dù các thành viên đó không thực sự đủ tài đủ đức. Gia đình trị khiến các lãnh đạo chaebol thực sự trở thành những “ông vua” trong các “đế chế” của họ. Không ai có thể ngăn họ trước những chiến dịch kinh doanh mạo hiểm hoặc sai lầm, cũng không ai ngăn họ vay nợ để đầu tư tràn lan. Thứ 2, sự nuông chìu quá mức của nhà nước và xã hội đã khiến các chaebol ỷ lại. Được nhà nước chống lưng, trong khi không có cơ chế can gián, các chaebol thỏa sức vay mượn để đầu tư vào đủ các lĩnh vực. Tình trạng vay mượn vô tội vạ khiến đến những năm 1990, tỷ lệ dư nợ lên đến 400% trị giá vốn sở hữu trong 30 chaebol lớn nhất. Khi cuộc khủng hoảng Đông Á 1997 ập đến, các ngân hàng nước ngoài đồng loạt không chịu cho các chaebol đảo nợ. Một nửa trong số 30 chaebol hàng đầu (trong đó có Kia, SSangyong, Sam mi, Jinro, Hanbo...) đã phá sản hoặc phải sáp nhập với các chaebol khác. Vì bảo lãnh nợ cho vốn vay nước ngoài của các chaebol, chính phủ Hàn Quốc đối mặt với khoản nợ khổng lồ hàng chục tỷ USD không có khả năng thanh toán. Tháng 12-1997, Hàn Quốc phải cam kết thi hành cải tổ để đổi lại món vay 58 tỷ USD cứu trợ từ IMF.

Tập trung quá nhiều quyền lực

Ngoài ra, sự lớn mạnh quá mức của các chaebol cũng dẫn đến nhiều vấn đề chính trị và xã hội. Thứ nhất, công cuộc công nghiệp hóa mang tên chaebol đã đẩy sự tập trung vốn và các hoạt động mang lại lợi ích kinh tế vào tay một số lượng giới hạn các gia đình - thông qua các chaebol – thay vì cho toàn xã hội. Thứ 2, sự tập trung quá nhiều quyền lực kinh tế vào các gia đình chaebol đã cho họ sức mạnh chính trị thực sự. Các chaebol có thể gây sức ép buộc các nhà làm luật phải tạo ra những đạo luật có lợi cho công việc kinh doanh của họ, hoặc thậm chí kiếm nhiều lợi cho mình hơn là phục vụ các lợi ích công. Đó là chưa kể tới những quan hệ "bẩn" giữa các chính trị gia và chaebol, được kết nối bằng các khoản tiền hối lộ, đút lót. Trong thập niên đầu của TK này, liên tiếp nhiều “ông vua” của các “đế chế” chaebol như Hyundai, Samsung, SK phải ra hầu tòa vì các cáo buộc gian lận, hối lộ, biển thủ công quỹ. Những cụ scandal này đã tạo nên một làn sóng đòi cải tổ, và thậm chí là “dẹp bỏ” mô hình chaebol. Tuy nhiên, cho đến nay nền kinh tế-chính trị Hàn Quốc vẫn chưa đủ mạnh để “giũ bỏ” các chaebol, bằng chứng là các CEO của các tập đoàn kể trên sau đó đều được giảm án hoặc hủy bỏ tố tụng.

Tham khảo

  1. ^ Công cuộc cải tổ Chaebol của Hàn Quốc
  2. ^ SGGP Online- Chaebol Hàn Quốc giữ hay bỏ?