Khác biệt giữa bản sửa đổi của “Phiến đá Shabaka”

Nội dung được xóa Nội dung được thêm vào
Trang mới: “'''Phiến đá Shabaka''' (hoặc '''Tấm bia Shabaka''') là tên gọi của một tấm bia đá thuộc sở hữu của pharaon Shabaka, một vị…”
(Không có sự khác biệt)

Phiên bản lúc 12:34, ngày 19 tháng 1 năm 2020

Phiến đá Shabaka (hoặc Tấm bia Shabaka) là tên gọi của một tấm bia đá thuộc sở hữu của pharaon Shabaka, một vị vua của thời kỳ Vương triều thứ 25 trong lịch sử Ai Cập cổ đại.[1] Tuy nhiên, tấm bia này về sau đã được sử dụng làm tấm đá của một cối xay, và những vết xước đã làm mất đi những ký tự tượng hình trên tấm bia. Tấm bia đá này hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Anh.

Nguồn gốc

Được dựng tại đền thờ thần PtahMemphis vào cuối thế kỷ 8 TCN, tấm bia Shabaka sau đó đã được tháo dỡ (không rõ lý do) và được đưa tới Alexandria.[2] Tấm bia Shabaka, được sử dụng làm vật dằn tàu, đã được một tàu hải quân đem về nước Anh.[2] Trong chuyến hải hành này, nhiều cổ vật khác cũng đem đi dằn tàu, bao gồm phần đầu của một cây cột đá Ai Cập, những mảnh vỡ của một cột đá bazan Hy Lạp-La Mã, hai mảnh dầm cửa bằng đá quartzit của vua Senusret III, và một bức tượng quỳ bằng đá granit đen của vua Ramesses II.[3]

Năm 1805, tấm bia được trao tặng cho Bảo tàng Anh bởi bá tước George Spencer, uỷ viên quản trị của bảo tàng từ năm 1794.[2][3] Năm 1901, tấm bia Shabaka được giải mã và phiên dịch lần đầu tiên bởi nhà Ai Cập học người Mỹ, James Henry Breasted.[4]

Niên đại

Tấm bia đá này vốn là bản sao của một văn bản cổ hơn trước đó, nên điều đặt ra cho các học giả là việc xác định niên đại của nó. James Breasted, Adolf Erman, Kurt Sethe và Hermann Junker đều cho rằng, đá Shabaka có niên đại từ thời kỳ Cổ vương quốc.[5] Sở dĩ họ đưa ra quan điểm như thế là do cách diễn đạt ngôn từ trên tấm bia khá tương đồng với cách diễn đạt văn tự trên các kim tự tháp thời kỳ Cổ vương quốc, và phiến đá này cũng nhắc đến Memphis, kinh đô đầu tiên của Ai Cập.[5] Các học giả như Henri Frankfort, John Wilson, Miriam Lichtheim và Erik Iverson cũng đồng quan điểm với các học giả trên.[5]

Tuy nhiên, vào năm 1973, Friedrich Junge đã lập luận rằng, bia đá này là một tác phẩm của Vương triều thứ 25, dựa trên việc văn bản đề cập đến sự hợp nhất giữa thần PtahTatenen, tương đồng với những văn tự trước đó vào đầu thời kỳ Tân vương quốc. James Allen cũng ủng hộ quan điểm này của Junge.[6] Các học giả ngày nay cũng đồng tình rằng, bia đá Shabaka không thể có trước Vương triều thứ 19.[7]

Kích thước và chất liệu

Phiến đá có độ dài khoảng 137 cm, với chiều rộng bên trái ước tính là khoảng 91 cm và bên phải là khoảng 95 cm.[8] Phần văn tự trên đá có độ dài đo được là 132 cm, với độ rộng trung bình là 66 cm.[8] Phần lỗ hình chữ nhật ở trung tâm có kích thước là 12 x 14 cm; xung quanh là 11 đường vạch có độ dài dao động trong khoảng từ 25 đến 38 cm.[8]

Năm 1901, Breasted xác định rằng, bia đá Shabaka được chạm khắc từ một khối đá granit đen hình chữ nhật.[9] Một số học giả đồng ý với Breasted, trong khi số khác lại cho rằng, bia đá Shabaka lại được chạm từ một phiến đá bazan, hoặc từ cuội kết.[9] Phân tích của một nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Anh cho biết, bia Shabaka vốn là một mảnh đá dăm kết màu lục có nguồn gốc từ Wadi Hammamat.[9] Theo các báo cáo, vua Shabaka đã từng cho người tìm kiếm vật liệu tại khu vực này.[9] Đây là một chi tiết khá thú vị, ủng hộ phần nào việc tấm bia có niên đại từ thời của Shabaka.

Nội dung

Shabaka là vị vua thứ ba của Vương triều thứ 25, một vương triều được xem là hậu duệ của các vị vua cai trị Vương quốc KushNubia. Trong một lần, nhà vua đã đến thăm ngôi đền của vị thần đứng đầu Memphis, đấng tạo hóa Ptah. Trong lúc trùng tu đền thờ của thần, Shabaka được cho là đã phát hiện ra một "tác phẩm của tổ tiên", một cuộn giấy cói.[2]

Văn tự khắc trên bia đề cập đến hai nội dung quan trọng: sự thống nhất Ai Cập và câu chuyện Thần học Memphite. Thông qua đó, Shabaka khẳng định quyền cai trị hợp pháp của mình. Do đó, tấm bia này là công trình kỷ niệm quan trọng nhất đối với vua Shabaka.[2]

Bố cục[8]

  • Dòng đầu tiên của tấm bia đá liệt kê những danh hiệu hoàng gia cao quý của vua Shabaka. Cái tên [Shabaka] đã bị xóa đi và không một phần nào trong văn bản mà tên của nhà vua được phát hiện. Tuy nhiên, các học giả lại xác định được vị vua này dựa vào cái tên Neferkare trước đó, chính là tên ngai của ông ta.[10]
  • Dòng 2 cho biết, tấm bia này là bản sao của một cuộn giấy cói đã được nói đến ở trên, được tìm thấy bởi Shabaka khi ông đang thăm đền thờ Ptah.
  • Dòng 3 đến 47 mô tả việc hợp nhất của Thượng và Hạ Ai Cập dưới quyền của thần bầu trời Horus tại Memphis.
  • Dòng 48 đến 64 kể lại một câu chuyện thần thoại được gọi là Thần học Memphite. Theo đó, Ptah là vị thần chịu trách nhiệm tạo ra mọi thứ trong vũ trụ, và cũng chính ông là người tạo ra thần Atum - được xem là vua của tất cả các vị thần.[11]
  • Dòng 61 đến 64 tóm tắt toàn bộ văn bản trên.

Bị hư hại

Phần lỗ và các đường vạch trên tấm bia đá là minh chứng cho thấy nó đã không được bảo quản tốt trong thời kỳ cổ xưa. Theo các tài liệu nghiên cứu, tấm bia Shabaka bị hư hỏng như vậy là do nó đã được dùng làm tấm đá cho cối xay.[12] Tài liệu sớm nhất đã đưa ra giả thuyết này là vào năm 1821, được cất giữ tại Bảo tàng Anh.[12]

Nhiều vị trí trên tấm bia cũng đã bị tẩy xóa có chủ đích vào thời kỳ Hậu nguyên Ai Cập.[13] Điển hình là tên của thần Set (dòng 7) đã bị mất đi, một vị thần bị cho là mang nhiều tội lỗi vào thời điểm đó.[13] Ngoài ra, chính vuaPsamtik II hoặc Psamtik III (Vương triều thứ 26) đã xóa tên của Shabaka ra khỏi văn bản. Psamtik III sau đó khắc tên ông lên đó, nhưng đã bị người Ba Tư gạch đi trong cuộc chinh phạt của họ.[14]

Chú thích

  1. ^ Pat Remler (2010), Egyptian Mythology, A to Z, Nhà xuất bản Infobase Publishing, tr.177 ISBN 9781438131801
  2. ^ a b c d e Bodine, sđd, tr.5
  3. ^ a b El Hawary, sđd, tr.567-568
  4. ^ Bodine, sđd, tr.2
  5. ^ a b c Bodine, sđd, tr.10
  6. ^ Bodine, sđd, tr.10-11
  7. ^ Marc Van De Mierroop (2010), A history of Ancient Egypt, Nhà xuất bản John Wiley & Sons, tr.303 ISBN 978-1-4051-6070-4
  8. ^ a b c d Bodine, sđd, tr.7
  9. ^ a b c d Bodine, sđd, tr.6
  10. ^ Bodine, sđd, tr.9
  11. ^ Bodine, sđd, tr.18-19
  12. ^ a b El Hawary, sđd, tr.569
  13. ^ a b El Hawary, sđd, tr.570
  14. ^ El Hawary, sđd, tr.571-572

Tham khảo

  • Bodine, Joshua J. (tháng 4 năm 2009). "The Shabaka Stone: An Introduction" (PDF). Studia Antiqua 7 (1): 1 – 21.
  • El Hawary, Amr (2007). "New Findings About the Memphite Theology". Trong Goyon, Jean-Claude; Cardin, Christine (biên tập). Proceedings of the Ninth International Congress of Egyptologists. Leuven (Belgium): Peeters Publishers & Department of Oriental Studies.