Đền thờ Vua Lê Đại Hành

(Đổi hướng từ Đền Vua Lê Đại Hành)

Đền Vua Lê Đại Hành là một di tích lịch sử văn hóa thuộc khu di tích quốc gia đặc biệt cố đô Hoa Lư tỉnh Ninh Bình. Đền thờ Vua Lê Đại Hành, thái hậu Dương Vân Nga, Lê Long Đĩnh, ngoài ra còn có bài vị thờ công chúa Lê Thị Phất Ngân và tướng Phạm Cự Lượng. Đền nằm cách đền vua Đinh Tiên Hoàng 300 mét, thuộc thành Đông kinh đô Hoa Lư xưa, nay là làng cổ Yên Thành, xã Trường Yên, Ninh Bình.[3]

Đền vua Lê Đại Hành
Di tích quốc gia
Đường chính đạo
Thờ phụng
Đại Hành Hoàng Đế
Lê Hoàn
941 – 1005
Công tíchđánh tan quân Tống, lập nhà Tiền Lê
Thông tin đền
Thờtôn thất Tiền Lê
Địa chỉViệt Nam tỉnh Ninh BìnhViệt Nam
Tọa độ20°17′10″B 105°54′20″Đ / 20,2862001°B 105,9056228°Đ / 20.2862001; 105.9056228
Map
Di tích quốc gia
Khu vực núi Trường Yên và đền vua Đinh, đền vua Lê
Phân loạiDi tích lịch sử – văn hóa
Ngày công nhận28 tháng 4 năm 1962
Một phần củaCố đô Hoa Lư[1]
Quyết định313-VH/VP[2]
Cổng đền Vua Lê Đại Hành
Tế hội đền Vua Lê vào dịp lễ hội cố đô Hoa Lư
Đường chính đạo đền Vua Lê Đại Hành

Đền vua Lê quy mô nhỏ hơn đền vua Đinh nên không gian trong đền khá gần gũi và huyền ảo.

Kiến trúc

sửa

Đền được xây theo kiểu nội công ngoại quốc nhưng có quy mô nhỏ hơn đền Vua Đinh. Trước mặt đền là khu quảng trường trung tâm cố đô Hoa Lư và núi Đèn nằm bên sông Sào Khê, sau đền là hào nước bảo vệ cố đô chạy dưới chân núi Đìa.

Qua Nghi môn ngoại (cửa ngoài) theo đường chính đạo lát gạch, phía bên trái là một hòn non bộ lớn, cao 3m tượng hình chim phượng múa, mỏ quay vào đền, hai cánh như đang bay. Bên tay phải là nhà Tiền bái, ở mặt tiền có hòn non bộ "Hổ phục" gồm gốc cây duối thân to có 9 núi, tuổi thọ trên 300 năm. Bên trái nhà Tiền bái có hòn non bộ có dáng "voi quỳ" được khắc hai chữ Hán "Bất di".

Theo đường chính đạo bên phải còn có hồ nước rộng. Qua Nghi môn nội (cửa trong) cũng 3 gian, theo chính đạo kiến trúc đăng đối là hai vườn hoa, tiếp đó là hai dãy nhà vọng. Ở giữa vườn hoa bên phải có hai non bộ "Phượng ấp", bên trái là hòn non bộ "Long Mã". Ở sân rồng gần gian giữa của Bái đường có long sàng bằng đá.[4]

Đền có ba toà: toà ngoài là Bái đường, toà giữa là Thiêu hương thờ Phạm Cự Lượng, người có công với vua Lê Đại Hành. Gian giữa chính cung thờ Lê Hoàn ngồi hướng về phía trước, bên phải là Lê Long Đĩnh quay về hướng bắc, bên trái là hoàng hậu Dương Vân Nga quay hướng nam về phía đền vua Đinh. Theo lý giải của dân gian thì mặc dù bà đã xuất giá làm vợ vua Lê Đại Hành nhưng vẫn hướng về người chồng cũ là Vua Đinh Tiên Hoàng. Gian bên trái chính cung thờ công chúa Lê Thị Phất Ngân, con gái Vua Lê và Dương Vân Nga đồng thời là vợ của Lý Thái Tổ sau này. Hoàng hậu Lê Thị Phất Ngân là người sinh ra vua Lý Thái Tông vào năm 1000. Sau khi nhà Lý dời đô về Thăng Long, Bà thường về chùa Duyên Ninh để trông coi lăng mộ vua cha và tác hợp cho nhiều đôi trai gái thành duyên.

Nét độc đáo ở đền thờ vua Lê Đại Hành là nghệ thuật chạm gỗ thế kỷ 17 đã đạt đến trình độ điêu luyện, tinh xảo. Tương truyền, bà mẹ mơ thấy hoa sen mà sinh ra Lê Hoàn, trong lúc đi cấy ở cạnh ao sen. Bà đã ủ Lê Hoàn trong khóm trúc và được con hổ chúa rừng xanh ấp ủ. Sau lời cầu xin của bà mẹ con hổ bỏ đi. Sau này lớn lên Lê Hoàn đã lập ra nghiệp lớn: "Phá Tống, bình Chiêm" lừng lẫy. Vì vậy mà nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian Việt Nam của các nghệ nhân ở đây cũng thống nhất với truyền thuyết về các đề tài ca ngợi Lê Hoàn.

Nghệ thuật tạc tượng

sửa

Đền Vua Lê Đại Hành dựng trên nền cũ của cung điện thuộc cố đô Hoa Lư, kiến trúc cơ bản thuộc phong cách cuối thế kỷ XVII, đến thời Nguyễn có sự tu sửa lớn - nhất là xây dựng thêm nửa phía ngoài. Trong cung cấm của đền có ba pho tượng: Hoàng đế Lê Đại Hành ở gian giữa ngồi ngai, hoàng hậu Dương Vân Nga ở gian bên trái và vua Lê Long Đĩnh ở gian bên phải. Theo lý giải của người xưa, Dương Vân Nga là cánh tay phải của vua, là người góp công đưa ông lên ngôi hoàng đế song vì lòng vẫn hướng về đền thờ người chồng cũ Đinh Tiên Hoàng nên người xưa bố trí tượng bà ngồi ở hông bên trái. Hai pho tượng ở hai gian bên xoay ngang để cùng nhìn vào gian giữa, tạo sự tập trung tăng vẻ tôn nghiêm cho nhân vật chính Lê Đại Hành.

Mới quan sát, cả ba pho tượng này đều có dáng dấp thời Nguyễn vì nước sơn mới và những hoa văn trang trí rồng - mây - hoa - lá vừa quen thuộc ở thời Nguyễn vừa làm theo kỹ thuật uốn dán vào. Để ý kỹ hơn lại thấy có một số nét của cuối thế kỷ XVII sang thế kỷ XVIII hoa cúc trên mũ bà Dương Vân Nga rực rỡ mà gọn đẹp, hài của các tượng đều chạm mảng lớn với đầu rồng đơn giản. Tuy nhiên trên tổng quan cả ba tượng này có nhiều nét riêng tiếp nhận từ tượng thời Mạc để rồi phát triển vào những năm đầu thế kỷ XVII. Như vậy ở ba pho tượng này có ba lớp văn hóa chồng nhau, do các thời sau tu sửa đã đắp thêm vào, chồng phủ ra ngoài.

Dáng chung của cả ba pho tượng này là thế ngồi hơi dướn lên, cẳng chân trên đến đùi quá ngắn như thể từ một khối gỗ liền bị hạn chế chiều dày, gợi lại những tượng đá và nhất là phù điêu đá nổi cao ở thời Mạc, do đó người ngồi ngai hay bục cứ như bị toài xuống. Hai cánh tay dưới cũng bị thu ngắn để bàn tay úp đúng trên đùi. Tượng Hoàng đế Lê Đại Hành đội mũ bình thiên tuy thời sau thêm nhiều, song phía trước mũ còn chạm nổi chữ Vương to theo như mũ tượng các đức vua Mạc thế kỷ trước. Tóc của Lê Đại HànhLê Long Đĩnh không làm thành mảng tam giác chảy xuống bệ như các tượng thời Nguyễn, mà đều cắt ngắn đến gáy, còn tóc bà Dương Vân Nga được tết một dải chảy sau tai xuống vai rồi chia ra túm về bả vai đằng trước túm ra sau lưng, giống như các tượng Quan Âm thời Mạc và chuẩn bị cho tượng giữa thế kỷ XVII. Điều đặc biệt lý thú là ở tượng Lê Ngọa Triều có bối tử ở sau lưng không bị sơn phủ lớp trang trí mới nên trong đồ án ô vuông còn rất rõ con rồng chạm đơn giản, rất giống với hình rồng trên hai tấm bia Hoằng Định nói trên, các tượng này đều ở thế ngồi tự tin, nghiêm chỉnh mà thoải mái, dáng toàn thân cân đối là sự chuẩn bị cho tượng khoảng giữa thế kỷ XVII. Khuôn mặt hoàng đế Lê Đại Hành phương phi, đầy đặn, sáng láng. Khuôn mặt Dương Vân Nga trông rất hiền thục và mang nét chân dung riêng, khuôn trăng đầy đặn, phúc hậu. Đây là những tượng đẹp mở đầu cho loạt tượng chân dung thời Lê trung hưng.

Ảnh

sửa
 
Khu trưng bày cổ vật cạnh đền
 
đường vào làng cổ Trường Yên
 
Cửa Bắc cố đô Hoa Lư
 
Rồng vàng trong lễ hội cố đô Hoa Lư
 
Một góc thành Đông (thành ngoài)
 
Du khách tham quan đền Vua Lê
 
Khuôn viên
 
Cổng đền
 
Sân rồng

Các đền thờ Lê Hoàn khác

sửa
Sơ đồ phân bố các di tích thờ Vua ở Ninh Bình với các nơi thờ Lê Hoàn tô màu xanh

Tính đến năm 2014, các nhà nghiên cứu đã thống kê được 47 nơi thờ Lê Đại Hành ở Việt Nam (trong đó có 16 nơi thờ riêng, 5 nơi phối thờ Vua với Đô Hồ phu nhân; 3 nơi phối thờ với Thái hậu Dương Vân Nga và 23 nơi thờ với các vị thần khác).

Ninh Bình là tỉnh có nhiều di tích thờ Lê Hoàn nhất với 13 nơi thờ tự nằm ở nửa phía nam của tỉnh trong khi các đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng nằm ở nửa phía bắc tỉnh này. Ninh Bình là vùng đất kinh đô của đất nước dưới thời Lê Hoàn, các đền thờ tập trung nhiều ở quanh khu di tích cố đô Hoa Lư như đình Yên Thành (xã Trường Yên), đền Trung Trữ (xã Ninh Giang, Hoa Lư) và các ngôi đền ở phía nam tỉnh thường gắn với những tuyến đường thủy mà nhà vua đi qua khi đánh dẹp Chiêm Thành như đền Đồng Bến (thành phố Ninh Bình), đền Yên Lâm (Lai Thành, Kim Sơn); đền Ngọc Lâm xã Yên Lâm; đền Từ Đường và đền Quảng Công xã Yên Thái; đền Vua Lê Đại Hành xã Yên Thắng (Yên Mô)... Vào dịp lễ hội cố đô Hoa Lư, các đền này và các di tích thờ danh nhân thời Tiền Lê trong khu vực đều tham gia lễ rước kiệu và chân nhang các danh nhân về đền Vua Lê Đại Hành tham gia lễ hội.

Tham khảo

sửa
  1. ^ Quyết định 08/2001/QĐ-BVHTT ngày 13 tháng 3 năm 2001 của Bộ Văn hóa-Thông tin
  2. ^ “Quyết định 313-VH/VP xếp hạng những di tích, danh thắng cảnh toàn miền Bắc”. Thư viện pháp luật.
  3. ^ Thông tư 06/2019/TT-BTNMT ngày 28/06/2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Ban hành Danh mục địa danh dân cư... phục vụ lập bản đồ tỉnh Ninh Bình. Thuvien Phapluat Online, 2019. Truy cập 10/08/2019.
  4. ^ Đền vua Lê

Liên kết ngoài

sửa