Đỗ Kế Giai (1929 – 2016), nguyên là một tướng lĩnh gốc Nhảy dù của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, cấp bậc Thiếu tướng. Ông xuất thân từ những khóa đầu tiên ở trường Võ bị Quốc gia Việt Nam trong giai đoạn Quân đội Liên hiệp Pháp. Sau này, ông được chuyển sang lĩnh vực Tham mưu và Chỉ huy các đơn vị Bộ binh. Sau cùng, ông đảm nhiệm chức vụ Chỉ huy trưởng Binh chủng Biệt động quân[2].

Đỗ Kế Giai
Di ảnh Thiếu tướng Đỗ Kế Giai
Chức vụ

Chỉ huy trưởng
Binh chủng Biệt động quân
Nhiệm kỳ8/1972 – 4/1975
Cấp bậc-Chuẩn tướng
-Thiếu tướng (4/1974)
Tiền nhiệm-Đại tá Trần Công Liễu
Kế nhiệmSau cùng
Vị tríBiệt khu Thủ đô
Chỉ huy phó
Tham mưu trưởng
-Đại tá Nguyễn Quang Kiệt
-Đại tá Nguyễn Khắc Trường

Tùng sự tại Bộ Tổng Tham mưu
Nhiệm kỳ8/1969 – 8/1972
Cấp bậc-Chuẩn tướng
Vị tríBiệt khu Thủ đô

Tư lệnh Sư đoàn 18 Bộ binh
Nhiệm kỳ9/1966 – 8/1969
Cấp bậc-Đại tá
-Chuẩn tướng (11/1967)
Tiền nhiệm-Thiếu tướng Lữ Lan
Kế nhiệm-Chuẩn tướng Lâm Quang Thơ
Vị tríVùng 3 chiến thuật

Tham mưu trưởng Sư đoàn 25 Bộ binh
Nhiệm kỳ1/1965 – 9/1966
Cấp bậc-Trung tá
-Đại tá (9/1966)
Vị tríVùng 3 chiến thuật

Chiến đoàn trưởng Chiến đoàn 2
Binh chủng Nhảy dù
Nhiệm kỳ1/1962 – 1/1965
Cấp bậc-Thiếu tá (10/1959)
-Trung tá (1/1965)
Kế nhiệm-Thiếu tá Ngô Xuân Nghị
Vị tríBiệt khu Thủ đô

Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 5 Nhảy dù
Nhiệm kỳ11/1960 – 1/1962
Cấp bậc-Thiếu tá
Tiền nhiệm-Thiếu tá Ngô Xuân Soạn
Vị tríBiệt khu Thủ đô

Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6 Nhảy dù
Nhiệm kỳ8/1957 – 11/1961
Cấp bậc-Đại úy (10/1955)
-Thiếu tá (10/1959)
Tiền nhiệm-Đại úy Dư Quốc Đống
Kế nhiệm-Đại úy Tống Hồ Hàm
Vị tríQuân khu Thủ đô
Thông tin chung
Quốc tịch Hoa Kỳ
 Việt Nam Cộng hòa
SinhTháng 6 năm 1929
Bến Tre Việt Nam
Mất(2016-02-21)21 tháng 2, 2016 (87 tuổi)
Texas, Hoa Kỳ
Nguyên nhân mấtTuổi già
Nơi ởTexas, Hoa Kỳ
Nghề nghiệpQuân nhân
Dân tộcKinh
Con cái7 người con (6 trai, 1 gái):
Đỗ Hồng Nguyên
Đỗ Thị Minh Thư
Đỗ Kế Toại
Đỗ Hoàng Minh
Đỗ Đức Siêu
Đỗ Kính Tu
Đỗ Mộng Lân
Học vấnTú tài bán phần
Trường lớp-Trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho
-Trường Võ bị Liên quân Đà Lạt
-Trường Chỉ huy Tham mưu Fort Leavenworth, Hoa Kỳ
Quê quánNam Kỳ
Binh nghiệp
Thuộc Quân lực Việt Nam Cộng hòa
Phục vụ Việt Nam Cộng hòa
Năm tại ngũ1951-1975
Cấp bậc Thiếu tướng
Đơn vị Binh chủng Nhảy dù
Sư đoàn 18 Bộ binh
Sư đoàn 25 Bộ binh
Biệt động quân
Chỉ huy QĐ Liên hiệp Pháp
Quân đội Quốc gia
Quân lực Việt Nam Cộng hòa
Tham chiếnChiến tranh Việt Nam
Khen thưởng B.quốc H.chương III[1]

Tiểu sử & Binh nghiệp sửa

Ông sinh vào tháng 6 năm 1929, trong một gia đình điền chủ tại Bến Tre, miền tây Nam phần Việt Nam. Năm 1949, ông tốt nghiệp Trung học chương trình Pháp (trường Trung học Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho) với văn bằng Tú tài bán phần (Part I).

Quân đội Liên hiệp Pháp sửa

Tháng 6 năm 1951, thi hành lệnh động viên, ông nhập ngũ vào Quân đội Liên hiệp Pháp, mang số quân: 49/118.249. Theo học khóa 5 Hoàng Diệu tại trường Võ bị Liên quân Đà Lạt,[3] khai giảng ngày 1 tháng 7 năm 1951. Ngày 24 tháng 4 năm 1952, mãn khóa tốt nghiệp với cấp bậc Thiếu úy hiện dịch.

Quân đội Quốc gia Việt Nam sửa

Sau khi ra trường, ông được chọn phục vụ trong Tiểu đoàn 3 Nhảy dù đồn trú tại Hà Nội. Sau đó chuyển biên chế sang Quân đội Quốc gia. Cuối tháng 7 năm 1954, sau Hiệp định Genėve (ngày 20 tháng 7), ông được thăng cấp Trung úy và cùng đơn vị di chuyển vào Nam đồn trú tại Nha Trang.

Quân đội Việt Nam Cộng hòa sửa

Cuối tháng 10 năm 1955, sau khi chuyển sang phục vụ cơ cấu mới là Quân đội Việt Nam Cộng hòa, ông được thăng cấp Đại úy. Tháng 8 năm 1957, ông được cử làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 6 Nhảy dù[4] thay thế Đại úy Dư Quốc Đống. Tháng 10 năm 1959, ông được thăng cấp Thiếu tá tại nhiệm.

Trung tuần tháng 11 năm 1961, ông được cử giữ chức vụ Chiến đoàn trưởng Chiến đoàn 2 Nhảy dù tân lập[5], sau khi bàn giao Tiểu đoàn 6 nhảy dù lại cho Đại úy Tống Hồ Hàm[6].

Tháng 8 năm 1963, ông được cử đi du học lớp Tham mưu cao cấp (khóa 1963 - 2) thụ huấn 16 tuần tại Học viện Chỉ huy và Tham mưu Fort Leavenworth, Kansas, Hoa Kỳ[7]. Đầu năm 1964 mãn khóa học về nước tiếp tục chức vụ cũ. Đầu năm 1965, ông được thăng cấp Trung tá và bàn giao Chiến đoàn 2 Nhảy Dù lại cho Thiếu tá Ngô Xuân Nghị. Sau đó, ông được chuyển đi làm Tham mưu trưởng Sư đoàn 25 Bộ binh do Đại tá Nguyễn Thanh Sằng làm Tư lệnh.

Tháng 9 năm 1966, ông được thăng cấp Đại tá và được bổ nhiệm làm Tư lệnh Sư đoàn 10 Bộ binh[8] thay thế Thiếu tướng Lữ Lan đi làm Chỉ huy trưởng trường Đại học Quân sự tại Đà Lạt. Ngày quốc khánh Đệ Nhị Cộng hòa 1 tháng 11 năm 1967, ông được thăng cấp Chuẩn tướng tại nhiệm. Ngày 20 tháng 8 năm 1969, ông nhận lệnh bàn giao Sư đoàn 18 lại cho Chuẩn tướng Lâm Quang Thơ.[9] Sau đó, ông được điều động về phục vụ tại Bộ Tổng tham mưu.

Tháng 8 năm 1972, ông được bổ nhiệm làm Chỉ huy trưởng Binh chủng Biệt động quân đặt tại trại Đào Bá Phước ở đường Tô Hiến Thành, quận 10, Sài Gòn (đối diện với Bộ chỉ huy Đơn vị 3 Quản trị Trung ương)[10] Ngày 1 tháng 4 năm 1974, ông được thăng cấp Thiếu tướng tại nhiệm.

Giai đoạn đầu năm 1975 sửa

Vào những ngày cuối của tháng 4, ông thừa lệnh Tổng thống Trần Văn Hương, được sự ủy nhiệm của Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng Tham mưu, đứng ra thành lập các Sư đoàn Biệt động quân gồm Sư đoàn 101 và 106, bước đầu đã hình thành nhưng quá trễ vì lực lượng của đối phương đã tiến vào sát Sài Gòn.

Sau ngày 30 tháng 4, ông bị chính quyền mới đưa đi học tập và cải tạo trong 17 năm, mãi cho đến ngày 5 tháng 5 năm 1992 ông mới được trả tự do.[27]

Ngày 26 tháng 10 năm 1993, ông được xuất cảnh theo chương trình "Ra đi có trật tự" diện H.O do Chính phủ Hoa Kỳ bảo lãnh. Sau đó, ông đoàn tụ cùng gia đình tại Garland, Tiểu bang Texas, Hoa Kỳ.

Ngày 21 tháng 2 năm 2016, ông từ trần tại nơi định cư, hưởng thọ 87 tuổi.

Huy chương sửa

–Bảo quốc Huân chương đệ tam đẳng
–Chương mỹ Bội tinh đệ nhị hạng
–Nhiều huy chương Quân sự, Dân sự khác

Gia đình sửa

  • Các con: 7 người con (6 trai, 1 gái):
    Đỗ Hồng Nguyên, Đỗ Thị Minh Thư, Đỗ Kế Toại, Đỗ Hoàng Minh, Đỗ Đức Siêu, Đỗ Kính Tu, Đỗ Mộng Lân.

Chú thích sửa

  1. ^ Bảo quốc Huân chương đệ tam đẳng (ân thưởng).
  2. ^ Binh chủng Biệt động quân vào thời điểm 1975 có 2 vị tướng là Thiếu tướng Đỗ Kế Giai xuất thân từ Nhảy dù và Chuẩn tướng Phạm Duy Tất xuất thân từ Lực lượng Đặc biệt
  3. ^ Năm 1959, đổi tên thành trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt
  4. ^ Tiểu sử Tiểu đoàn 6 Nhảy dù, xem chi tiết ở phần chú thích trong bài Tiểu sử Đại tướng Đỗ Cao Trí
  5. ^ Chiến đoàn 2 Nhảy dù được thành lập ngày 15/11/1961 cùng thời điểm với Chiến đoàn 1. Ngày 1/5/1968 Chiến đoàn 2 cải danh thành Lữ đoàn (tương đương cấp Trung đoàn Bộ binh), có 3 Tiểu đoàn tác chiến trực thuộc là Tiểu đoàn 5, 7 và 11. Lữ đoàn 2 Nhảy dù là một trong 3 Lữ đoàn chủ lực nòng cốt của Sư đoàn Nhảy dù (2 Lữ đoàn còn lại là Lữ đoàn 1 và 3. Đầu năm 1974, Sư đoàn Nhảy dù thành lập thêm Lữ đoàn 4 gồm 3 Tiểu đoàn là Tiểu đoàn 12, 14 và 15. Đầu năm 1975 đang hình thành Lữ đoàn 5, dự kiến các đơn vị trực thuộc là 3 Tiểu đoàn biệt lập 16, 17 và 18 đang hoạt động).
    Từ thành lập cho đến ngày 30/4/1975, Lữ đoàn 2 đã trải qua các sĩ quan chỉ huy sau đây:
    -Thiếu tá Đỗ Kế Giai, từ 15/11/1961 đến 30/06/1964.
    -Thiếu tá Trương Quang Ân, từ 01/07/1964 đến 24/05/1965.
    -Thiếu tá Ngô Xuân Nghị (Sinh năm 1932 tại Bến Tre, tốt nghiệp Võ bị Đà Lạt K8, về sau là Đại tá Chánh sở Công tác thuộc Nha Kỹ thuật Bộ Tổng tham mưu), từ 25/05/1965 đến 14/06/1966.
    -Thiếu tá Đào Văn Hùng (Sinh năm 1923 tại Nam Định, xuất thân từ Hạ sĩ quan trong Quân đội Pháp, về sau là Trung tá Trung đoàn trưởng Trung đoàn Bộ binh), từ 15/06/1966 đến 09/07/1968.
    -Trung tá Trần Quốc Lịch, từ 10/07/1968 đến 30/08/1972.
    -Đại tá Nguyễn Thu Lương (Sinh năm 1934 tại Hà Đông, tốt nghiệp Võ khoa Thủ Đức K4), từ 01/09/1972 đến 15/12/1973.
    -Trung tá Lê Minh Ngọc (Sinh năm 1939, tốt nghiệp Võ bị Đà Lạt K16), từ 16/12/1973 đến 01/12/1974.
    -Đại tá Nguyễn Thu Lương, từ 02/12/1974 đến 30/04/1975.
  6. ^ Đại úy Tống Hồ Hàm về sau mang cấp Trung tá.<
  7. ^ Khóa 1963-2 tham mưu cao cấp tại Đại học quân sự Hoa Kỳ có 4 sĩ quan Việt Nam Cộng hòa được nhập học gồm: Thiếu tá Đỗ Kế Giai, Trung tá Nguyễn Xuân Thịnh, Thiếu tá Nguyễn Văn Hiếu
    -Thiếu tá Đàng Thiện Ngôn (Tốt nghiệp khóa 1 Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức, sau cùng là Đại tá Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Bình Thuận (1969-1971).
  8. ^ Đầu năm 1967, tướng Giai có sáng kiến đổi tên Sư đoàn 10 thành Sư đoàn 18 Bộ binh và được Bộ Tổng Tham mưu chấp thuận
  9. ^ Tướng Thơ trước đó là Chỉ huy trưởng trường Bộ binh Thủ Đức
  10. ^ Cố Đại tá Đào Bá Phước (Nguyên là Trung tá Chỉ huy trưởng Liên đoàn 5 BĐQ, bị tử trận trong trận Mậu Thân 1968 ở Chợ Lớn do trực thăng Mỹ bắn lầm, được truy thăng Đại tá. Bộ Tổng Tham mưu lấy tên ông đặt tên cho doanh trại Bộ Chỉ huy Biệt động quân Trung ương ở đường Tô Hiến Thành, quận 10, Sài Gòn).
  11. ^ Đại tá Nguyễn Quang Kiệt sinh năm 1931 tại Vĩnh Long, tốt nghiệp khóa 1 Võ khoa Thủ Đức
  12. ^ Đại tá Nguyễn Khắc Trường sinh năm 1926 tại Hà Nội, tốt nghiệp khóa 5 Võ bị Liên quân Đà Lạt
  13. ^ Chữ viết tắt (Biệt Động Quân)
  14. ^ Đại tá Nguyễn Đức Khoái sinh năm 1929 tại Bắc Ninh, tốt nghiệp khóa 2 Võ khoa Thủ Đức
  15. ^ Kiêm Tư lệnh SĐ 101 BĐQ tân lập với đơn vị cơ hữu là các Liên đoàn 31, 32 và 33 trước đó trực thuộc Bộ chỉ huy BĐQ Quân khu 3
  16. ^ Đại tá Nguyễn Thành Chuẩn sinh năm 1930 tại Vĩnh Long, tốt nghiệp khóa 6 Võ bị Liên quân Đà Lạt
  17. ^ Sư đoàn 106 BĐQ với Bộ tư lệnh (đang hình thành) đặt tại Trường đua Phú Thọ, Sài Gòn. Đơn vị cơ hữu là quân số còn lại của các Liên đoàn 11, 12, 14 và 15 (di tản về từ Quân khu 1) và quân số còn lại của các Liên đoàn 21, 22, 23, 24 và 25 (di tản về từ Quân khu 2)
  18. ^ Đại tá Nguyễn Văn Lộc sinh năm 1932 tại Ba Xuyên, tốt nghiệp khóa 5 Võ bị Liên quân Đà Lạt
  19. ^ Trung tá Đặng Toàn, tốt nghiệp khóa 10 Võ bị Đà Lạt
  20. ^ Đại tá Cao Văn Ủy sinh năm 1933 tại Hả Đông, tốt nghiệp khóa 7 Võ bị Đà Lạt
  21. ^ Đại tá Nguyễn Kim Tây tốt nghiệp khóa 10 Võ bị Đà Lạt
  22. ^ Đại tá Vũ Phi Hùng sinh năm 1931 tại Hà nội, tốt nghiệp khóa 3 Võ khoa Thủ Đức
  23. ^ Đại tá Trần Kim Đại sinh năm 1933 tại Sài Gòn, tốt nghiệp khóa 3 Võ khoa Thủ Đức
  24. ^ Đại tá Lê Quý Dậu sinh năm 1933, tốt nghiệp khóa 3 Đặc biệt Hiện dịch Đồng Đế. Có quyết định thăng cấp Đại tá vào trung tuần tháng 4/1975
  25. ^ Đại tá Lê Tất Biên sinh năm 1934, tốt nghiệp khóa 10 Võ bị Đà Lạt. Có quyết định thăng cấp Đại tá vào trung tuần tháng 4/1975
  26. ^ Đại tá Nguyễn Văn Biết sinh năm 1930 tại Chợ Lớn, tốt nghiệp Võ khoa Nam Định
  27. ^ Có 8 cựu tướng Việt Nam Cộng hòa được trả tự do sau cùng vào năm 1992 chia thành 2 đợt:
    -Đợt 1 (tháng 2 năm 1992)
    Các Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, Phạm Duy TấtMạch Văn Trường.
    -Đợt 2 (tháng 5 năm 1992)
    Các Thiếu tướng Trần Bá Di, Lê Minh Đảo và Đỗ Kế Giai, các Chuẩn tướng Trần Quang KhôiLê Văn Thân.
    -Xem bài: Tướng lĩnh Việt Nam Cộng hòa bị tù lưu đày

Tham khảo sửa

  • Trần Ngọc Thống, Hồ Đắc Huân, Lê Đình Thụy (2011). Lược sử Quân lực Việt Nam Cộng hòa.