Raj thuộc Anh

giai đoạn cai trị của Vương quốc Anh trên tiểu lục địa Ấn Độ từ năm 1858 đến năm 1947
(Đổi hướng từ Ấn Độ thuộc Anh)

Raj thuộc Anh (tiếng Anh: British Raj /ˈbrɪt.ɪʃ rɑː/; bắt nguồn từ tiếng Hindi: राज, chuyển tự rāj, 'vương quốc', 'nhà nước' hay 'đế quốc')[4][a] chỉ quyền cai trị của quân chủ Anh trên tiểu lục địa Ấn Độ;[6] còn gọi là Quân chủ cai trị tại Ấn Độ,[7] hay còn gọi là Cai trị trực tiếp tại Ấn Độ,[8] và kéo dài từ năm 1858 đến năm 1947.[9] Khu vực nằm dưới quyền kiểm soát của Anh thường được gọi là Ấn Độ (India) theo cách sử dụng vào đương thời, và bao gồm Ấn Độ thuộc Anh và các phiên vương quốc. Ấn Độ thuộc Anh là các khu vực do Anh quản lý trực tiếp, phiên vương quốc là khu vực do quân chủ bản địa cai trị nhưng dưới quyền tông chủ của Anh. Khu vực này đôi khi được gọi là Đế quốc Ấn Độ, nhưng là tên không chính thức.[10]

Đế quốc Ấn Độ thuộc Anh
1858–1947
Phân vùng chính trị của Raj thuộc Anh vào năm 1909, hiển thị các tỉnh Ấn Độ thuộc Anh có màu hồng và các phiên vương quốc có màu vàng
Phân vùng chính trị của Raj thuộc Anh vào năm 1909, hiển thị các tỉnh Ấn Độ thuộc Anh có màu hồng và các phiên vương quốc có màu vàng
Mối quan hệ giữa Raj thuộc Anh với Đế quốc Anh năm 1909
Mối quan hệ giữa Raj thuộc Anh với Đế quốc Anh năm 1909
Vị thếCơ cấu chính trị đế quốc (bao gồm Ấn Độ thuộc Anh[c] và các phiên vương quốc.[d]).[3]
Thủ đôCalcutta[1][a]
(1858–1911)
New Delhi
(1911/1931[b]–1947)
Ngôn ngữ chính thứcTiếng Anh là ngôn ngữ của tòa án và chính phủ.
Urdu cũng được trao địa vị chính thức tại nhiều nơi ở miền bắc Ấn Độ, cũng như các ngôn ngữ địa phương ở những nơi khác.
Tên dân cưNgười Ấn Độ, người Ấn Độ thuộc Anh
Chính trị
Chính phủChính phủ thực dân Anh
Nữ vương/Nữ vương-Nữ hoàng/Quốc vương-Hoàng đế 
• 1858–1876 (nữ vương); 1876–1901 (nữ vương-nữ hoàng)
Victoria
• 1901–1910
Edward VII
• 1910–1936
George V
• 1936
Edward VIII
• 1936–1947 (cuối)
George VI
Phó vương 
• 1858–1862 (đầu)
Charles Canning
• 1947 (cuối)
Louis Mountbatten
Quốc vụ khanh 
• 1858–1859 (đầu)
Edward Stanley
• 1947 (cuối)
William Hare
Lập phápHội đồng Lập pháp Đế quốc
Lịch sử 
10 tháng 5 năm 1857
2 tháng 8 1858
18 tháng 7 1947
có hiệu lực vào nửa đêm ngày 14–15 tháng 8 năm 1947
Kinh tế
Đơn vị tiền tệrupee Ấn Độ
Tiền thân
Kế tục
1858:
Đế quốc Mughal (pháp lý)
Công ty Đông Ấn Anh cai trị Ấn Độ (thực tế)
1947:
Quốc gia tự trị Ấn Độ
Quốc gia tự trị Pakistan
Phủ thống sứ vịnh Ba Tư
1937:
Thuộc địa Miến Điện
Thuộc địa Aden
1898:
Lãnh thổ bảo hộ Somaliland
1867:
Các khu định cư Eo biển
  1. ^ Ghi chú: Simlathủ đô mùa hè của Chính phủ Ấn Độ thuộc Anh, không phải của Raj thuộc Anh vốn bao gồm cả các phiên vương quốc.[2]
  2. ^ Tuyên bố chọn New Delhi là thủ đô vào năm 1911, nhưng thành phố này được khánh thành trong tư cách là thủ đô của Raj vào tháng 2 năm 1931.
  3. ^ giống như một liên bang của các các tỉnh do Quân chủ Anh trực tiếp quản lý thông qua Phó vương và toàn quyền Ấn Độ
  4. ^ Do các quân chủ Ấn Độ cai trị, dưới quyền tông chủ của Hoàng gia Anh được thực thi thông qua Phó vương Ấn Độ)

Dưới tên gọi Ấn Độ (India), đây là một thành viên sáng lập của Hội Quốc Liên, một nước tham dự Thế vận hội Mùa hè năm 1900, 1920, 1928, 19321936, và là một thành viên sáng lập của Liên Hợp Quốc tại San Francisco năm 1945.[11]

Hệ thống quản trị này được thiết lập vào ngày 28 tháng 6 năm 1858 sau Khởi nghĩa Ấn Độ 1857, khi quyền cai trị của Công ty Đông Ấn Anh được chuyển giao cho Quân chủ dưới danh nghĩa cá nhân Nữ vương Victoria.[12] (năm 1876, bà được tuyên là Nữ hoàng Ấn Độ). Chế độ này kéo dài đến năm 1947, khi Ấn Độ được phân chia thành hai quốc gia có chủ quyền: Liên bang Ấn Độ (sau là Cộng hòa Ấn Độ) và Pakistan (sau là PakistanBangladesh). Khi thành lập Raj vào năm 1858, Hạ Miến là một phần của Ấn Độ thuộc Anh; Thượng Miến được đưa vào năm 1886, và Miến Điện là tỉnh tự trị cho đến khi trở thành thuộc địa riêng biệt của Anh vào năm 1937.

Phạm vi địa lý sửa

Raj thuộc Anh bao trùm trên hầu như toàn bộ Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh ngày nay, ngoại trừ các vùng đất nhỏ thuộc sở hữu của các quốc gia châu Âu khác như GoaPondicherry.[13] Khu vực này rất đa dạng, bao gồm dãy núi Himalaya, các bãi bồi màu mỡ, đồng bằng Ấn-Hằng, đường bờ biển dài, rừng khô nhiệt đới, vùng cao khô cằn và hoang mạc Thar.[14] Ngoài ra, trong nhiều thời điểm, Raj thuộc Anh còn bao gồm Aden (từ 1858 đến 1937),[15] Hạ Miến (từ 1858 đến 1937), Thượng Miến (từ 1886 đến 1937), Somaliland thuộc Anh (từ 1884 đến 1898), và Các khu định cư Eo biển (từ 1858 đến 1867). Miến Điện được tách khỏi Ấn Độ và được Anh trực tiếp quản lý từ năm 1937 cho đến khi giành được độc lập vào năm 1948. Các quốc gia Đình chiến ven vịnh Ba Tư và các quốc gia khác thuộc Phủ thống sứ vịnh Ba Tư về mặt lý thuyết là các phiên vương quốc cũng như là tỉnh của Ấn Độ thuộc Anh cho đến năm 1947 và sử dụng rupee làm đơn vị tiền tệ của họ.[16]

Trong khu vực Nam Á, Ceylon gồm các vùng ven biển và phần phía bắc của đảo (nay là Sri Lanka) được nhượng cho Anh vào năm 1802 theo Hiệp ước Amiens. Các vùng ven biển này được quản lý tạm thời dưới quyền tỉnh Madras từ năm 1793 đến 1798,[17] nhưng trong những thời kỳ sau đó, các thống đốc Anh tại đảo báo cáo về London, và đảo này không thuộc về Raj. Các vương quốc NepalBhutan từng chiến đấu với người Anh, sau đó họ ký các hiệp ước với Anh và được Anh công nhận là các quốc gia độc lập.[18][19] Vương quốc Sikkim được thành lập trong địa vị một phiên vương quốc sau Hiệp ước Anh-Sikkim năm 1861; tuy nhiên, vấn đề chủ quyền vẫn chưa được xác định.[20] Quần đảo Maldives là lãnh thổ bảo hộ của Anh từ năm 1887 đến năm 1965, nhưng không phải là một phần của Ấn Độ thuộc Anh.[21]

Lịch sử sửa

1858–1868: Hậu quả khởi nghĩa, phê bình và phản ứng sửa

 
Tòa nhà Chính phủ, Calcutta của Francis Frith (thập niên 1850-1870)
 
Tòa nhà Bombay của Francis Frith (thập niên 1850-1870)

Mặc dù Khởi nghĩa Ấn Độ 1857 làm rung chuyển giới doanh nghiệp Anh tại Ấn Độ, nhưng vẫn không khiến họ sụp đổ. Cho đến trước năm 1857, đặc biệt là dưới thời Huân tước Dalhousie, người Anh hối hả xây dựng Ấn Độ, với dự tính là nơi này sẽ ngang hàng với chính nước Anh về chất lượng và sức mạnh của các tổ chức kinh tế-xã hội. Sau cuộc khởi nghĩa, họ trở nên thận trọng hơn. Người ta đã nghiên cứu nhiều về nguyên nhân của cuộc khởi nghĩa và rút ra ba bài học chính. Đầu tiên, ở mức độ thực tế, họ cảm thấy rằng cần phải có nhiều sự giao tiếp và tình bằng hữu thân thiết hơn giữa người Anh và người Ấn Độ - không chỉ giữa các sĩ quan lục quân Anh và nhân viên người Ấn Độ của họ mà còn trong cả đời sống dân sự.[22] Lục quân Ấn Độ được tổ chức lại hoàn toàn: Các đơn vị bao gồm binh sĩ người Hồi giáo và Brahmin (Bà-la-môn) của tỉnh Thống nhất Agra và Oudh bị giải tán, vì họ là những người hình thành nên cốt lõi của cuộc khởi nghĩa. Các trung đoàn mới được thành lập, như các trung đoàn người Sikh và người Baluch, họ được Anh đánh giá đã thể hiện tính kiên định với Anh trong khởi nghĩa. Kể từ đó trở đi, lục quân Ấn Độ không thay đổi về tổ chức cho đến năm 1947.[23] Cuộc điều tra nhân khẩu năm 1861 cho thấy rằng dân số người Anh tại Ấn Độ là 125.945 người. Trong số này chỉ có khoảng 41.862 người là thường dân, khoảng 84.083 người là sĩ quan và quân nhân người châu Âu trong Lục quân.[24] Năm 1880, Lục quân Ấn Độ thường trực bao gồm 66.000 lính Anh, 130.000 lính bản địa và 350.000 lính trong các quân đội phiên vương quốc.[25]

Thứ hai, họ cũng cảm thấy các phiên vương và các đại địa chủ không tham gia cuộc khởi nghĩa, theo cách nói của Huân tước Canning thì nhóm này chứng tỏ mình là "đê chắn sóng trong cơn bão".[22] Nhóm này cũng được chế độ Raj thuộc Anh khen thưởng bằng cách được hòa nhập vào hệ thống chính trị Anh-Ấn và lãnh thổ của họ được đảm bảo.[26] Đồng thời, họ cảm thấy rằng nông dân đã thể hiện sự không trung thành, dù cuộc cải cách ruộng đất quy mô lớn tại tỉnh Thống nhất từng được thực hiện vì lợi ích của họ, trong nhiều trường hợp nhóm này đã chiến đấu cho địa chủ cũ của họ để chống lại người Anh. Do đó, không có cuộc cải cách ruộng đất nào được thực hiện trong 90 năm tiếp theo: Bengal và Bihar vẫn là các lãnh địa của những đại địa chủ (không giống như Punjab và Uttar Pradesh).[27]

Thứ ba, người Anh cảm thấy hết ảo tưởng với phản ứng của người Ấn Độ trước thay đổi xã hội. Cho đến trước cuộc khởi nghĩa, họ từng nhiệt tình thúc đẩy cải cách xã hội, chẳng hạn như Huân tước William Bentinck ban lệnh cấm sati.[28] Giờ đây họ cảm thấy rằng các truyền thống và phong tục tại Ấn Độ quá mạnh mẽ và quá cứng nhắc nên không thể dễ dàng thay đổi; do đó, người Anh không can thiệp vào xã hội nữa, đặc biệt là trong các vấn đề liên quan đến tôn giáo,[29] ngay cả khi người Anh có quan điểm rất mạnh mẽ về vấn đề này (như trường hợp tái hôn của những góa phụ trẻ em theo đạo Hindu).[30] Điều này được minh chứng rõ hơn trong Tuyên bố của Nữ vương Victoria được ban hành ngay sau cuộc khởi nghĩa. Tuyên bố nói rằng 'Chúng tôi từ bỏ quyền cũng như mong muốn áp đặt nhận thức về tội lỗi của chúng tôi đối với bất kỳ thần dân nào của chúng tôi';[31] thể hiện cam kết chính thức của Anh trong việc tránh can thiệp về xã hội tại Ấn Độ.

1858–1880: Đường sắt, kênh rạch, nạn đói sửa

Trong nửa sau thế kỷ 19, nền kinh tế của Ấn Độ và Anh được gắn kết chặt chẽ, do tác động từ việc quân chủ Anh quản lý trực tiếp Ấn Độ cùng việc thay đổi công nghệ do cách mạng công nghiệp.[32] Trên thực tế, nhiều thay đổi lớn trong giao thông và thông tin liên lạc (thường được gắn liền với thời quân chủ cai trị Ấn Độ) đã được bắt đầu trước cuộc khởi nghĩa. Do Dalhousie đón nhận những bước thay đổi công nghệ đang phát triển mạnh mẽ tại Anh, Ấn Độ cũng có những phát triển nhanh chóng trong tất cả những công nghệ đó. Đường sắt, đường bộ, kênh và cầu được xây dựng nhanh chóng tại Ấn Độ, và các đường dây điện báo cũng được thiết lập nhanh chóng, để các nguyên liệu thô như bông từ nội địa Ấn Độ có thể được vận chuyển hiệu quả hơn đến các cảng như Bombay để xuất khẩu sang Anh.[33] Tương tự, hàng hóa thành phẩm từ Anh được vận chuyển trở lại để bán tại thị trường Ấn Độ đang phát triển.[34] Tại Anh, các rủi ro thị trường trong phát triển cơ sở hạ tầng sẽ do các nhà đầu tư tư nhân gánh chịu, nhưng tại Ấn Độ thì chính những người nộp thuế—chủ yếu là nông dân và lao công nông trại—là những người phải gánh chịu rủi ro, và cuối cùng số tiền lên tới 50 triệu bảng.[35] Bất chấp những chi phí này, người Ấn Độ nhận được rất ít việc làm có tay nghề. Đến năm 1920, Đường sắt Ấn Độ (Indian Railways) có mạng lưới đường sắt lớn thứ tư trên thế giới và lịch sử 60 năm xây dựng, nhưng chỉ có 10% "chức vụ cấp cao" là do người Ấn Độ nắm giữ.[36]

Cơn sốt công nghệ cũng làm thay đổi nền kinh tế nông nghiệp tại Ấn Độ: cho đến thập niên cuối của thế kỷ 19, một phần lớn nguyên liệu thô - không chỉ bông mà còn một số loại ngũ cốc thực phẩm - được xuất khẩu sang các thị trường xa.[37] Nhiều tiểu nông phụ thuộc vào những thay đổi bất chợt của những thị trường đó, nên họ đã bị mất đất, vật nuôi và công cụ vào tay những người cho vay tiền.[37] Nửa sau của thế kỷ 19 cũng ghi nhận gia tăng số lượng nạn đói quy mô lớn tại Ấn Độ. Mặc dù nạn đói không phải là điều mới tại tiểu lục địa, nhưng chúng đặc biệt nghiêm trọng trong thời kỳ này, với hàng chục triệu người chết, và bị nhiều nhà phê bình cả người Anh và người Ấn Độ đổ lỗi cho chính quyền thuộc địa.[37] Cũng có những tác động tích cực: trồng trọt mang tính thương mại dẫn đến tăng sản lượng lương thực dùng cho tiêu thụ nội địa, đặc biệt là tại vùng Punjab mới được đào kênh.[38] Mạng lưới đường sắt giúp cung cấp cứu trợ cho các nạn đói nghiêm trọng,[39] giảm đáng kể chi phí vận chuyển hàng hóa,[39] và giúp ích cho ngành công nghiệp non trẻ thuộc sở hữu của người Ấn Độ.[38] Sau Nạn đói lớn 1876–1878, báo cáo của Ủy ban Nạn đói Ấn Độ được công bố vào năm 1880, và Quy tắc Nạn đói Ấn Độ được thiết lập để quy định về quy mô nạn đói và các chương trình để ngăn chặn nạn đói.[40]

Thập niên 1880–1890: Tầng lớp trung lưu, Đảng Quốc đại sửa

Đến năm 1880, một tầng lớp trung lưu mới đã xuất hiện tại Ấn Độ và lan rộng trên khắp đất nước nhưng với mật độ thưa thớt. Hơn nữa, các thành viên trong tầng lớp này ngày càng đoàn kết từ những khích lệ và tức giận chung.[41] Tầng lớp này cảm thấy được khích lệ từ thành công của họ trong giáo dục và năng lực của họ trong việc tận dụng những lợi ích của nền giáo dục đó, chẳng hạn như việc làm cấp cao trong công vụ Ấn Độ. Sự khích lệ cũng xuất phát từ tuyên bố của Nữ vương Victoria vào năm 1858 rằng, "Chúng tôi ràng buộc với người bản địa trên các lãnh thổ Ấn Độ của chúng tôi với cùng một bổn phận trách nhiệm đã ràng buộc chúng tôi với tất cả các thần dân khác của mình."[42] Người Ấn Độ đặc biệt được khích lệ khi Canada được trao tình trạng quốc gia tự trị vào năm 1867 và thành lập một hiến pháp dân chủ tự trị.[42] Cuối cùng, sự khích lệ đến từ tác phẩm của các học giả Đông phương học đương thời như Monier Monier-WilliamsMax Müller, trong các tác phẩm này họ thể hiện Ấn Độ cổ đại giống như một nền văn minh vĩ đại. Mặt khác, sự tức giận không chỉ đến từ các sự cố kỳ thị chủng tộc dưới bàn tay của người Anh tại Ấn Độ mà còn từ các hành động của chính phủ như việc sử dụng quân đội Ấn Độ trong các chiến dịch của đế quốc (như trong Chiến tranh Anh-Afghanistan thứ hai) và những nỗ lực kiểm soát báo chí bản ngữ (như Đạo luật Báo chí bản ngữ năm 1878).[43]

Tuy nhiên, Phó vương Huân tước Ripon tiến hành đảo ngược phần nào tình trạng này bằng Dự luật Ilbert (1883), một biện pháp lập pháp đề xuất đưa các thẩm phán Ấn Độ ngang hàng với người Anh trong tỉnh Bengal, ứng phó sự bất mãn thành hành động chính trị.[44] Vào ngày 28 tháng 12 năm 1885, các chuyên gia và trí thức thuộc tầng lớp trung lưu này tập hợp tại Bombay — nhiều người được đào tạo tại các trường đại học mới do Anh thành lập tại Bombay, Calcutta và Madras, và quen thuộc với tư tưởng của các triết gia chính trị Anh, đặc biệt là những người theo chủ nghĩa vị lợi — đã thành lập Đảng Quốc đại Ấn Độ. 70 người đã bầu Womesh Chunder Bonerjee làm chủ tịch đầu tiên. Thành viên bao gồm tầng lớp ưu tú Tây hóa, và vào thời điểm đó không có nỗ lực nào được thực hiện để mở rộng nền tảng cơ sở của Đảng.

Trong 20 năm đầu tiên, Đảng Quốc đại chủ yếu tranh luận về chính sách của Anh đối với Ấn Độ. Các cuộc tranh luận của họ tạo ra một quan điểm mới của người Ấn Độ, theo đó họ cho rằng Anh phải chịu trách nhiệm về việc làm cạn kiệt của cải của Ấn Độ. Những người theo chủ nghĩa dân tộc tuyên bố rằng Anh đã làm điều này bằng việc thực hiện mậu dịch không công bằng, bằng sự hạn chế đối với ngành công nghiệp bản địa của người Ấn Độ, và bằng việc sử dụng thuế của người Ấn Độ để trả mức lương cao cho công chức Anh tại Ấn Độ.[45]

Thomas Baring từng là Phó vương Ấn Độ thời kỳ 1872–1876. Baring đạt được những thành tựu lớn với tư cách là một nhà cải cách mạnh mẽ, ông luôn nỗ lực nâng cao chất lượng chính phủ tại Raj thuộc Anh. Ông bắt đầu công cuộc cứu trợ nạn đói trên quy mô lớn, giảm thuế và vượt qua những trở ngại quan liêu trong nỗ lực giảm thiểu việc thiếu ăn cũng như giảm thiểu tình trạng bất ổn xã hội đang lan rộng. Mặc dù được chính phủ Đảng Tự do Anh bổ nhiệm, các chính sách của ông cũng giống như các phó vương do chính phủ Đảng Bảo thủ Anh bổ nhiệm.[46]

Cải cách xã hội được thực hiện cho đến thập niên 1880. Ví dụ, nhà thơ, học giả tiếng Phạn và nhà đấu tranh giải phóng phụ nữ Ấn Độ Pandita Ramabai chấp nhận việc góa phụ tái hôn, đặc biệt là những góa phụ Brahmin, sau này bà chuyển sang Cơ đốc giáo.[47] Đến năm 1900, các phong trào cải cách đã bén rễ trong Đảng Quốc đại Ấn Độ. Thành viên Đảng Quốc đại Gopal Krishna Gokhale thành lập Hội Những đầy tớ của Ấn Độ, vận động cải cách lập pháp (như luật cho phép tái hôn đối với những góa phụ trẻ em theo đạo Hindu), và các thành viên của tổ chức này đã thề sống nghèo khó, và làm việc trong cộng đồng tiện dân.[48]

Những người ôn hòa do Gokhale lãnh đạo, họ hạ thấp việc kích động công chúng, còn những "kẻ cực đoan" mới không chỉ chủ trương kích động mà còn cho rằng việc theo đuổi cải cách xã hội là xao lãng khỏi chủ nghĩa dân tộc, đến năm 1905 thì có vách sâu ngăn cách họ. Nổi bật trong số những người cực đoan là Bal Gangadhar Tilak, ông cố gắng huy động người Ấn Độ bằng cách kêu gọi một bản sắc chính trị Hindu rõ ràng, như trong các lễ hội công cộng hàng năm Ganapati mà ông khai mạc tại miền Tây Ấn Độ.[49]

1905–1911: Phân chia Bengal, Swadeshi , bạo lực sửa

Phó vương Huân tước Curzon (1899–1905) mạnh mẽ bất thường trong việc theo đuổi hiệu quả và cải cách.[50] Chương trình nghị sự của ông bao gồm việc thành lập tỉnh Biên giới Tây-Bắc; những thay đổi nhỏ trong công vụ; tăng tốc hoạt động của ban thư ký; thiết lập chế độ bản vị vàng để đảm bảo đồng tiền ổn định; thành lập Ban Đường sắt; cải cách thủy lợi; giảm nợ nông dân; giảm chi phí điện tín; nghiên cứu khảo cổ học và bảo tồn cổ vật; cải tiến trong các trường đại học; cải cách cảnh sát; nâng cao vai trò của các quốc gia bản địa; một Bộ Công Thương mới; thúc đẩy công nghiệp; sửa đổi chính sách thu thuế đất; giảm thuế; thành lập các ngân hàng nông nghiệp; thành lập Bộ Nông nghiệp; tài trợ cho nghiên cứu nông nghiệp; thành lập Thư viện Hoàng gia; thành lập Quân đoàn Thiếu sinh quân Hoàng gia; quy tắc nạn đói mới; và giảm bớt phiền toái về khói tại Calcutta.[51]

Rắc rối nảy sinh với Curzon khi ông chia khu hành chính lớn nhất của Ấn Độ thuộc Anh là tỉnh Bengal, chia nó thành tỉnh Đông Bengal và Assam có người Hồi giáo chiếm đa số và tỉnh Tây Bengal có người theo đạo Hindu chiếm đa số (các bang Tây Bengal, BiharOdisha của Ấn Độ ngày nay). Kể từ thời Huân tước William, nhiều chính quyền thuộc địa khác nhau từng dự tính phân chia Bengal, nhưng chưa bao giờ được thực hiện. Động thái phân chia Bengal của Curzon gieo mầm mống chia rẽ giữa những người Ấn Độ tại Bengal, chuyển đổi nền chính trị dân tộc chủ nghĩa trở nên khác biệt so với trước. Tầng lớp ưu tú theo đạo Hindu tại Bengal phản đối kịch liệt, trong số họ có nhiều người sở hữu đất đai tại Đông Bengal và cho nông dân Hồi giáo thuê.[52]

Do phân chia Bengal là chiến lược do Huân tước Curzon đưa ra nhằm làm suy yếu phong trào dân tộc chủ nghĩa, Bal Gangadhar Tilak khuyến khích phong trào Swadeshi và phong trào Tẩy chay.[53] Phong trào bao gồm việc tẩy chay hàng hóa nước ngoài và tẩy chay xã hội đối với bất kỳ người Ấn Độ nào sử dụng hàng hóa nước ngoài. Phong trào Swadeshi bao gồm việc sử dụng hàng hóa được sản xuất tại địa phương. Một khi hàng hóa nước ngoài bị tẩy chay, sẽ có một khoảng trống cần được lấp đầy bằng việc sản xuất những hàng hóa đó ngay tại Ấn Độ. Bal Gangadhar Tilak nói rằng phong trào Swadeshi và Tẩy chay là hai mặt của một đồng xu. Tầng lớp trung lưu quy mô lớn của người Bengal theo đạo Hindu (Bhadralok), lo ngại trước viễn cảnh người Bengal ít hơn người Bihar và Oriya trong tỉnh Tây Bengal mới, họ cảm thấy rằng hành động của Curzon là hình phạt cho sự quyết đoán chính trị của họ. Các cuộc phản đối lan rộng chống lại quyết định của Curzon chủ yếu diễn ra dưới hình thức chiến dịch Swadeshi ("mua hàng Ấn Độ") do chủ tịch Đảng Quốc đại Surendranath Banerjee lãnh đạo, và liên quan đến việc tẩy chay hàng hóa của Anh.[54]

Khẩu hiệu Bande Mataram ("Kính chào Mẹ") là lời kêu gọi tập hợp cho cả hai loại phản kháng này, cầu khẩn một nữ thần mẹ, người đại diện cho Bengal, Ấn Độ và nữ thần Hindu Kali. Sri Aurobindo chưa bao giờ vượt quá luật pháp khi biên tập tạp chí Bande Mataram; tờ báo này thuyết giáo về nền độc lập nhưng trong giới hạn hòa bình càng nhiều càng tốt. Mục tiêu của nó là Kháng cự thụ động.[55] Tình trạng bất ổn lan rộng từ Calcutta đến các vùng lân cận trong Bengal khi sinh viên trở về làng và thị trấn quê họ. Một số tham gia các câu lạc bộ thanh niên chính trị địa phương đang nổi lên tại Bengal vào thời điểm đó, một số tham gia vào các vụ cướp để tài trợ vũ khí, và thậm chí còn cố gắng lấy mạng các quan chức Raj. Tuy nhiên, các âm mưu nhìn chung đều thất bại trước động thái mãnh liệt của cảnh sát.[56] Phong trào tẩy chay Swadeshi làm giảm đến 25% lượng hàng dệt nhập khẩu từ Anh. Vải swadeshi mặc dù đắt hơn và có phần kém thoải mái hơn so với đối thủ cạnh tranh từ Lancashire (Anh), nhưng vẫn được người dân trên khắp Ấn Độ mặc để thể hiện niềm tự hào dân tộc.[57]

Thập niên 1870–1906: Phong trào xã hội Hồi giáo, Liên đoàn Hồi giáo sửa

Quan điểm phản đối phân chia Bengal có tính áp đảo, nhưng chủ yếu là từ người theo đạo Hindu. Do lo sợ trước những cải cách có lợi cho người theo đạo Hindu vốn chiếm đa số, giới tinh hoa Hồi giáo tại Ấn Độ gặp phó vương mới là Huân tước Minto vào năm 1906 và yêu cầu lập khu vực bầu cử riêng cho người Hồi giáo.[34] Đồng thời, họ yêu cầu tỷ lệ đại diện trong cơ quan lập pháp sẽ phản ánh việc người Hồi giáo là tầng lớp người cai trị cũ và họ có lịch sử hợp tác với người Anh. Điều này dẫn đến việc thành lập Liên đoàn Hồi giáo toàn Ấn tại Dacca vào tháng 12 năm 1906. Mặc dù Curzon lúc này đã từ chức vì tranh chấp với Tổng tư lệnh Ấn Độ Huân tước Kitchener và quay trở lại Anh, Liên đoàn vẫn ủng hộ kế hoạch phân chia của ông. Quan điểm của giới tinh hoa Hồi giáo, được phản ánh qua quan điểm của Liên đoàn, đã dần dần được hình thành trong ba thập niên trước đó, bắt đầu khi có tiết lộ về kết quả Điều tra nhân khẩu Ấn Độ thuộc Anh năm 1871, khi lần đầu tiên có ước tính dân số tại các khu vực có đa số là người Hồi giáo[58] (về phần mình, mong muốn lấy lòng người Hồi giáo tại Đông Bengal của Curzon nảy sinh từ những lo lắng của người Anh kể từ cuộc điều tra nhân khẩu năm 1871—và dựa trên lịch sử khi những người Hồi giáo chiến đấu chống lại người Anh trong Khởi nghĩa 1857Chiến tranh Anh-Afghanistan lần thứ hai—về việc người Hồi giáo Ấn Độ nổi dậy chống lại Đế quốc Anh[58]). Trong ba thập niên kể từ đó, các nhà lãnh đạo Hồi giáo trên khắp miền bắc Ấn Độ liên tục phải hứng chịu sự thù địch công khai từ một số nhóm chính trị và xã hội mới của người Hindu.[58] Chẳng hạn như phong trào Arya Samaj hỗ trợ các hiệp hội bảo vệ bò,[59] và do lo ngại trước số lượng người Hồi giáo trong điều tra nhân khẩu năm 1871 nên họ đã tổ chức các sự kiện "tái cải đạo" nhằm mục đích chào đón người Hồi giáo trở lại với đạo Hindu.[58] Năm 1905, khi Bal Gangadhar Tilak và Lajpat Rai cố gắng vươn lên vị trí lãnh đạo trong Đảng Quốc đại, và chính Đảng Quốc đại cũng tập hợp xung quanh chủ nghĩa tượng trưng về Kali, thì người Hồi giáo càng thêm lo sợ.[58] Chẳng hạn, nhiều người Hồi giáo không quên lời kêu gọi tập hợp "Bande Mataram" xuất hiện lần đầu trong cuốn tiểu thuyết Anand Math, nội dung trong đó là những người theo đạo Hindu chiến đấu với những kẻ áp bức theo Hồi giáo.[60] Cuối cùng, giới thượng lưu Hồi giáo, trong đó có Dacca NawabKhwaja Salimullah, nhận thức rằng một tỉnh mới có đa số dân là người Hồi giáo sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho những người Hồi giáo đang khao khát quyền lực chính trị.[60]

Đạo luật Các hội đồng Ấn Độ 1909, còn được gọi là Cải cách Morley-Minto (John Morley là quốc vụ khanh của Ấn Độ, và Minto là phó vương)—đã trao cho người Ấn Độ vai trò hạn chế trong các cơ quan lập pháp cấp trung ương và cấp tỉnh. Người Ấn Độ thuộc tầng lớp thượng lưu, địa chủ giàu có và doanh nhân được ưu đãi. Cộng đồng Hồi giáo được thành lập khu vực bầu cử riêng biệt và được trao quyền đại diện kép. Các mục tiêu khá bảo thủ nhưng chúng đã thúc đẩy nguyên tắc chọn lọc bằng bầu cử.[61]

Việc phân chia Bengal bị hủy bỏ vào năm 1911 và được công bố tại Delhi Durbar, khi Quốc vương George V đích thân đến và đăng quang làm Hoàng đế Ấn Độ. Ông tuyên bố thủ đô sẽ được chuyển từ Calcutta đến Delhi.

Các nhóm cách mạng gia tăng hoạt động trong giai đoạn này, bao gồm Anushilan Samiti tại Bengal và Phong trào Ghadar tại Punjab. Tuy nhiên, chính quyền Anh có thể nhanh chóng đè bẹp những phiến quân bạo lực, một phần là do dòng chính của giới chính trị gia Ấn Độ có học thức phản đối cách mạng bạo lực.[62]

1914–1918: Chiến tranh thế giới thứ nhất, Hiệp định Lucknow, liên minh Tự trị sửa

Chiến tranh thế giới thứ nhất là một bước ngoặt trong mối quan hệ đế quốc giữa Anh và Ấn Độ. Không lâu trước khi chiến tranh bùng nổ, Chính phủ Ấn Độ thuộc Anh cho biết rằng họ có thể cung cấp hai sư đoàn và một lữ đoàn kỵ binh, cùng với một sư đoàn nữa trong trường hợp khẩn cấp.[63] Khoảng 1,4 triệu binh sĩ Ấn Độ và Anh của Lục quân Ấn Độ thuộc Anh tham gia cuộc chiến, chủ yếu tại Iraq và Trung Đông. Hoạt động tham chiến của họ gây ra ảnh hưởng văn hóa rộng rãi, khi có tin tức lan truyền về việc cách thức những người lính Ấn Độ dũng cảm chiến đấu và hy sinh bên cạnh những người lính Anh, cũng như người lính từ các quốc gia tự trị như Canada và Úc.[64] Vị thế quốc tế của Ấn Độ tăng lên trong thập niên 1920, khi họ trở thành thành viên sáng lập của Hội Quốc Liên vào năm 1920 và tham dự Thế vận hội Mùa hè 1920 tại Antwerpen dưới tên gọi "Les Indes Anglaises" (Ấn Độ thuộc Anh).[65] Tại bên trong Ấn Độ, đặc biệt là trong các nhà lãnh đạo của Đảng Quốc đại Ấn Độ, thế chiến dẫn đến những lời kêu gọi về quyền tự trị lớn hơn cho người Ấn Độ.[64]

Khi bắt đầu Chiến tranh thế giới thứ nhất, hầu hết lục quân Anh trú tại Ấn Độ được tái triển khai sang Châu Âu và Lưỡng Hà, khiến cho cựu phó vương Huân tước Harding lo lắng về "những rủi ro liên quan đến việc lấy quân khỏi Ấn Độ".[64] Bạo lực cách mạng từng là mối lo ngại tại Ấn Độ thuộc Anh; do đó vào năm 1915, nhằm tăng cường quyền lực trong thời điểm được cho là tăng nguy cơ bị tấn công, Chính phủ Ấn Độ thuộc Anh thông qua Đạo luật Phòng thủ Ấn Độ 1915, cho phép họ giam giữ những người bất đồng chính kiến nguy hiểm mà không cần thủ tục tố tụng, và bổ sung thêm cho quyền lực mà họ đã có để bỏ tù các nhà báo mà không cần xét xử và kiểm duyệt truyền thông.[66] Theo Đạo luật Phòng thủ Ấn Độ, anh em nhà Ali bị bỏ tù vào năm 1916, và Annie Besant bị bắt vào năm 1917 dù người châu Âu thường khó bị bỏ tù hơn.[66] Giờ đây, khi cải cách hiến pháp bắt đầu được thảo luận nghiêm túc, người Anh bắt đầu xem xét cách thức để có thể đưa những người Ấn Độ ôn hòa mới nổi lên tham gia vào hoạt động chính trị lập hiến, đồng thời là cách thức để tăng cường sức mạnh của những người theo chủ nghĩa hợp hiến kiên định. Chính phủ Ấn Độ muốn chắc chắn chống lại được nếu như những người cực đoan phá hoại quá trình cải cách, và trong thời điểm đó bạo lực cực đoan đã giảm bớt do chính phủ tăng cường kiểm soát, nên họ cũng bắt đầu xem xét cách thức để kéo dài một số quyền lực thời chiến sang thời bình.[66]

Sau khi phe ôn hòa và phe cực đoan trong Đảng Quốc đại Ấn Độ chia rẽ vào năm 1906, hoạt động chính trị có tổ chức của Đảng này vẫn bị phân mảnh cho đến năm 1914, khi Bal Gangadhar Tilak được phóng thích và bắt đầu thăm dò quan điểm các nhà lãnh đạo khác của Đảng về khả năng thống nhất. Tuy nhiên, phải đến khi các đối thủ chính với Tilak là Gopal Krishna GokhalePherozeshah Mehta suy sụp vào năm 1915, Đảng Quốc đại mới đạt được thỏa thuận để nhóm từng bị lật đổ của Tilak tái gia nhập Đảng.[64] Trong phiên họp Lucknow năm 1916 của Đảng Quốc đại, những người ủng hộ Tilak có thể thúc đẩy một nghị quyết cấp tiến hơn yêu cầu người Anh tuyên bố rằng "họ có mục tiêu và ý định ... là sớm trao quyền tự quản cho Ấn Độ".[64] Ngay sau đó, những bất bình khác như vậy bắt đầu xuất hiện trong các tuyên bố công khai: Trong Hội đồng Lập pháp Đế quốc vào năm 1917, Madan Mohan Malaviya phát biểu về những kỳ vọng do chiến tranh tạo ra tại Ấn Độ, "Tôi mạo hiểm nói rằng chiến tranh đã bấm giờ ... năm mươi năm tới ... (Những) cải cách sau chiến tranh sẽ phải như vậy, ... để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân Ấn Độ là được tham gia một cách hợp pháp trong việc quản lý quốc gia của họ."[64]

Phiên họp Lucknow năm 1916 của Đảng Quốc đại cũng là nơi có nỗ lực chung ngoài dự kiến của Đảng này và Liên đoàn Hồi giáo, cơ hội này được tạo ra nhờ mối quan hệ đối tác thời chiến giữa Đức và Ottoman. Vì Sultan Ottoman thỉnh thoảng có tuyên bố quyền giám hộ các thánh địa Hồi giáo Mecca, MedinaJerusalem, và do người Anh và các đồng minh của họ đang xung đột với Ottoman, một số người Hồi giáo Ấn Độ bắt đầu thêm nghi ngờ về "tính trung lập tôn giáo" của người Anh, những nghi ngờ này nổi lên từ việc tái thống nhất Bengal vào năm 1911 do đây được cho là một quyết định thiếu thiện chí đối với người Hồi giáo.[67] Trong Hiệp định Lucknow, Liên đoàn Hồi giáo tham gia cùng Đảng Quốc đại trong đề xuất về chế độ tự quản lớn hơn, do Tilak và những người ủng hộ ông vận động; đổi lại thì Đảng Quốc đại chấp nhận các khu vực bầu cử dành riêng cho người Hồi giáo trong các cơ quan lập pháp cấp tỉnh cũng như trong Hội đồng Lập pháp Đế quốc. Vào năm 1916, Liên đoàn Hồi giáo có khoảng 500 đến 800 thành viên và vẫn chưa có lượng ủng hộ rộng rãi trong cộng đồng Hồi giáo Ấn Độ như những năm sau này; hiệp định không nhận được sự ủng hộ nhất trí trong Liên đoàn, phần lớn được đàm phán bởi một nhóm người Hồi giáo "Đảng Thanh niên" từ tỉnh Thống nhất (UP), nổi bật nhất là hai anh em MohammadShaukat Ali, họ ủng hộ sự nghiệp liên Hồi giáo;[67] tuy nhiên, nó nhận được ủng hộ từ một luật sư trẻ đến từ Bombay là Muhammad Ali Jinnah, ông về sau đảm nhận vai trò lãnh đạo trong cả Liên đoàn Hồi giáo và phong trào độc lập Ấn Độ. Trong những năm sau, hiệp định được cho là mang lại lợi ích cho các "tinh hoa" thiểu số Hồi giáo tại các tỉnh như UP và Bihar nhiều hơn so với người Hồi giáo tại các nơi họ chiếm đa số tại Punjab và Bengal; tuy nhiên, vào thời điểm đó, "Hiệp định Lucknow" là một cột mốc quan trọng trong quá trình khích động chủ nghĩa dân tộc.[67]

Năm 1916, hai Liên minh tự trị lần lượt được Tilak và Annie Besant thành lập trong Đảng Quốc đại Ấn Độ, để quảng bá chế độ tự trị với người Ấn Độ, đồng thời cũng để nâng cao tầm vóc của những người sáng lập đó trong Đảng.[68] Về phần mình, Besant cũng muốn chứng minh tính ưu việt của hình thức khích động có tổ chức mới, hình thức này từng đạt được một số thành công trong phong trào tự trị Ireland, so với bạo lực chính trị từng gây ra các đợt tai họa cho tiểu lục địa vào những năm 1907–1914.[68] Hai liên minh tập trung chú ý vào các khu vực địa lý bổ sung cho nhau: Liên minh của Tilak ở miền tây Ấn Độ, tại miền nam tỉnh Bombay, và liên minh của Besant ở phần còn lại của đất nước, nhưng đặc biệt là tại tỉnh Madras, và tại các khu vực như SindGujarat.[68] Hai liên minh đều nhanh chóng thu hút thành viên mới—khoảng ba mươi nghìn người mỗi liên minh trong vòng hơn một năm—và bắt đầu xuất bản những tờ báo giá rẻ. Tuyên truyền của họ cũng chuyển sang áp phích, tờ rơi, các bài hát chính trị-tôn giáo, và sau đó là các cuộc biểu tình quần chúng, thu hút các nhóm xã hội hoàn toàn mới như những người không phải là Brahmin, thương nhân, nông dân, sinh viên và nhân viên chính phủ cấp thấp.[68] Mặc dù chúng không đạt độ lớn hay tính chất của một phong trào quần chúng toàn quốc, nhưng các liên minh tự trị đã làm sâu sắc thêm và mở rộng thêm hoạt động khích động chính trị có tổ chức về quyền tự trị tại Ấn Độ. Chính quyền Anh phản ứng bằng cách áp đặt các hạn chế đối với các liên minh, bao gồm cấm sinh viên tham gia các cuộc họp và cấm hai nhà lãnh đạo đi đến một số tỉnh nhất định.[68]

1915–1918: Gandhi trở lại sửa

 
Mahatma Gandhi (ngồi trên xe ngựa, bên phải, đội mũ phẳng màu đen) nhận được sự chào đón nồng nhiệt tại Karachi vào năm 1916 sau khi ông trở về Ấn Độ từ Nam Phi
 
Gandhi vào thời điểm Kheda Satyagraha, 1918

Năm 1915 diễn ra sự kiện Mohandas Karamchand Gandhi trở lại Ấn Độ. Gandhi được biết đến tại Ấn Độ nhờ các cuộc biểu tình vì quyền tự do dân sự thay mặt cho người Ấn Độ tại Nam Phi, ông chọn không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào trước công chúng trong năm đầu tiên sau khi trở về, nhưng thay vào đó lại dành cả năm này để du hành, tận mắt quan sát đất nước và viết lách.[69] Gandhi từng đại diện cho cộng đồng Ấn Độ tại Nam Phi, mặc dù quy mô nhỏ nhưng nhóm này đủ đa dạng để trở thành một mô hình thu nhỏ của chính Ấn Độ. Để giải quyết thách thức nhằm gắn kết cộng đồng này lại với nhau và đồng thời đối đầu với chính quyền thực dân, ông tạo ra một kỹ thuật phản kháng bất bạo động đuoy ông gọi là Satyagraha (hay Cố gắng vì sự thật).[70] "Phản kháng thụ động" là một kỹ thuật phản kháng xã hội quen thuộc vào lúc đó, nhưng Gandhi cho đây là một chiến lược thực tế được kẻ yếu áp dụng khi đối mặt với thế lực vượt trội; còn Satyagraha đối với ông là "phương sách cuối cùng của những người có đủ mạnh mẽ... để chịu đựng được đau khổ vì chính nghĩa".[70] Ahimsa hay "bất bạo động" tạo nên nền tảng của Satyagraha, cùng với Sự thật là hai trụ cột cho quan điểm tôn giáo không chính thống của Gandhi về cuộc sống.[70]

Trong bài tiểu luận "Hind Swaraj" (1909) tại Nam Phi, Gandhi hình thành tầm nhìn của mình về swaraj, hay "tự trị" cho Ấn Độ dựa trên ba yếu tố quan trọng: tình đoàn kết giữa những người Ấn Độ thuộc các tín ngưỡng khác nhau, nhưng trên hết là giữa những người theo đạo Hindu và đạo Hồi; việc loại bỏ tiện dân khỏi xã hội Ấn Độ; và việc thực hiện swadeshi—tẩy chay hàng hóa do nước ngoài sản xuất và sự hồi sinh tiểu thủ công nghiệp Ấn Độ.[69] Ông cảm thấy hai điều đầu tiên là cần thiết để Ấn Độ trở thành một xã hội quân bình và khoan dung, một điều phù hợp với các nguyên tắc của Sự thật và Ahimsa, trong khi điều cuối sẽ làm cho người Ấn Độ tự lực hơn và giúp phá vỡ chu kỳ phụ thuộc, là thứ đang nuôi dưỡng phương hướng và tiến trình cai trị của Anh tại Ấn Độ.[69] Ít nhất là cho đến năm 1920, trong quan niệm của Gandhi về swaraj thì bản thân sự hiện diện của người Anh không phải là trở ngại; ông cho rằng thay vào đó là do người Ấn Độ bất lực trong việc tạo ra một xã hội hiện đại.[69]

Gandhi ra mắt nền chính trị Ấn Độ vào năm 1917 tại huyện Champaran của Bihar, tại đó có một nhóm nông dân tá điền bất mãn bị buộc phải trồng cây chàm và bán với giá thấp hơn thị trường cho những chủ đồn điền người Anh.[71] Khi Gandhi đến huyện, những người khích động khác tham gia cùng ông, bao gồm cả một lãnh đạo trẻ của Đảng Quốc đại là Rajendra Prasad đến từ Bihar. Khi chính quyền địa phương Anh ra lệnh Gandhi rời đi, ông từ chối vì lý do đạo đức, tạo một hình thức Satyagraha cá nhân. Dưới áp lực của Phó vương tại Delhi, chính quyền cấp tỉnh hủy bỏ lệnh trục xuất Gandhi và sau đó đồng ý tiến hành điều tra chính thức. Mặc dù cuối cùng những chủ đồn điền người Anh nhượng bộ, nhưng chúng không phải chiến thắng so với mục đích của nông dân, và do đó không tạo ra được kết quả tối ưu của một Satyagraha như Gandhi từng hy vọng; bản thân các nông dân dù hài lòng với cách giải quyết này, nhưng họ lại phản ứng kém nhiệt tình hơn với các kế hoạch trao quyền và giáo dục tại nông thôn do Gandhi khởi động theo lý tưởng swaraj của ông. Năm sau, Gandhi phát động thêm hai Satyagraha nữa đều tại Gujarat, một là tại huyện Kaira khi nông dân sở hữu đất đang phản đối việc tăng thuế đất, và một là tại thành phố Ahmedabad khi các công nhân trong một nhà máy dệt do người Ấn Độ sở hữu đang khốn cùng vì mức lương thấp. Satyagraha tại Ahmedabad diễn ra dưới hình thức Gandhi nhịn ăn và ủng hộ công nhân đình công, cuối cùng dẫn đến một cuộc dàn xếp. Mục tiêu của nông dân Kaira được biết đến nhờ Gandhi, nhưng bản thân satyagraha không thành công ngay lập tức vì chính quyền Anh không chịu lùi bước. Hoạt động tại Kaira mang lại cho Gandhi một người thay thế lâu năm khác là Vallabhbhai Patel.[72]

1916–1919: Các cải cách Montagu–Chelmsford sửa

Edwin Montagu là quốc vụ khanh của Ấn Độ, báo cáo của ông dẫn đến Đạo luật Chính phủ Ấn Độ 1919, còn được gọi là Cải cách Montford hoặc Cải cách Montagu-Chelmsford
Huân tước Chelmsford là phó vương của Ấn Độ, ông cảnh báo Chính phủ Anh phải phản ứng nhanh hơn với công luận Ấn Độ

Năm 1916, trước việc ký kết Hiệp định Lucknow và thành lập các liên minh tự trị, và nhận thức rằng thế chiến sẽ kéo dài sau thảm họa trong Chiến dịch Lưỡng Hà, phó vương mới là Huân tước Chelmsford cảnh báo rằng Chính phủ Ấn Độ cần phải phản ứng nhanh hơn với dư luận Ấn Độ.[73] Đến cuối năm, ông đề nghị người Anh thể hiện thiện chí vì xét đến vai trò của Ấn Độ trong chiến tranh, thông qua một số hành động bao gồm trao tước hiệu và danh hiệu cho các phiên vương, phong cấp sĩ quan trong lục quân cho người Ấn Độ, và loại bỏ thuế hàng hoá đối với bông vốn đang chịu nhiều chỉ trích, nhưng quan trọng nhất là thông báo về kế hoạch tương lai của Anh dành cho Ấn Độ và thể hiện một số bước đi cụ thể. Tháng 8 năm 1917, quốc vụ khanh mới của Ấn Độ thuộc Đảng Tự do Anh là Edwin Montagu công bố mục tiêu của Anh là "tăng cường mối liên kết của người Ấn Độ trong mọi nhánh hành chính, và phát triển dần các thể chế tự quản, nhằm hiện thực hóa dần một chính phủ chịu trách nhiệm tại Ấn Độ với vị thế là một bộ phận toàn vẹn của Đế quốc Anh".[73]

Montagu và Chelmsford trình bày báo cáo vào tháng 7 năm 1918 sau một chuyến đi dài tìm hiểu thực tế xuyên Ấn Độ.[74] Sau các cuộc thảo luận của chính phủ và quốc hội tại Anh, và một chuyến công du khác, Đạo luật Chính phủ Ấn Độ 1919 (còn được gọi là Cải cách Montagu–Chelmsford) được thông qua vào tháng 12 năm 1919.[74] Đạo luật mới mở rộng cả hội đồng lập pháp cấp tỉnh và Đế quốc và bãi bỏ quyền sử dụng "đa số chính thức" của Chính phủ Ấn Độ trong các cuộc bỏ phiếu bất lợi.[74] Các bộ như phòng thủ, ngoại giao, luật hình sự, truyền thông và thuế thu nhập được Phó vương và chính quyền trung ương tại New Delhi giữ lại, còn các bộ khác như y tế công cộng, giáo dục, thuế đất, quyền tự quản địa phương được chuyển giao cho các tỉnh.[74] Bản thân các tỉnh giờ đây được quản lý theo một hệ thống nhị nguyên mới, theo đó một số lĩnh vực như giáo dục, nông nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng và tự quản địa phương trở thành quyền dành riêng cho các bộ trưởng và cơ quan lập pháp của người Ấn Độ, và cuối cùng là của các cử tri Ấn Độ, trong khi những vấn đề khác như thủy lợi, thuế đất, cảnh sát, nhà tù và kiểm soát truyền thông vẫn nằm trong phạm vi của thống đốc người Anh và hội đồng hành pháp của ông.[74] Đạo luật mới cũng tạo điều kiện dễ dàng hơn cho người Ấn Độ trong việc được tiếp nhận vào các cơ quan dân sự và giới sĩ quan lục quân.

Một số lượng lớn người Ấn Độ lúc này được trao quyền bầu cử, nhưng trong bầu cử ở cấp quốc gia chỉ 10% tổng số nam giới trưởng thành có quyền này, nhiều người trong số họ vẫn mù chữ.[74] Trong các cơ quan lập pháp cấp tỉnh, người Anh tiếp tục thực hiện một số quyền kiểm soát bằng cách dành riêng ghế cho các nhóm lợi ích đặc biệt được họ cho là có tính hợp tác hoặc hữu ích. Các ứng cử viên ở nông thôn nhìn chung có thiện cảm với quyền cai trị của Anh và ít đối đầu hơn, nên họ được phân bổ nhiều ghế hơn so với thành thị.[74] Ghế đại biểu cũng được dành riêng cho những người không phải Brahmin, các địa chủ, doanh nhân và cử nhân đại học. Nguyên tắc "đại diện cộng đồng" được tái khẳng định, khi có các ghế dành riêng cho người Hồi giáo, người Sikh, Cơ đốc nhân Ấn Độ, người Anh-Ấn và người châu Âu thường trú trong cả hội đồng lập pháp cấp tỉnh và Đế quốc.[74] Cải cách Montagu-Chelmsford mang đến cho người Ấn Độ cơ hội đáng kể nhất cho đến khi đó để thực thi quyền lập pháp, đặc biệt là ở cấp tỉnh; tuy nhiên cơ hội này bị hạn chế do số lượng cử tri đủ điều kiện vẫn còn hạn chế, do ngân sách nhỏ dành cho các nhà lập pháp cấp tỉnh, và do có các ghế dành riêng cho lợi ích đặc biệt và nông thôn để làm công cụ kiểm soát của Anh.[74] Phạm vi của nó không làm thỏa mãn giới lãnh đạo chính trị Ấn Độ, Annie Besant phát biểu đây là một điều gì đó "không xứng đáng để nước Anh đề xuất và Ấn Độ chấp nhận".[75]

1917–1919: Đạo luật Rowlatt sửa

 
Thẩm phán người Anh Sidney Rowlatt chủ trì Ủy ban Rowlatt đề xuất luật chống nổi loạn chặt chẽ hơn

Năm 1917, khi Montagu và Chelmsford đang biên soạn báo cáo của họ, một ủy ban do thẩm phán người Anh Sidney Rowlatt chủ trì được giao nhiệm vụ điều tra "các âm mưu cách mạng", với mục tiêu không công khai là mở rộng quyền lực thời chiến của chính phủ.[73] Ủy ban Rowlatt trình bày báo cáo vào tháng 7 năm 1918 và xác định ba khu vực có nguy cơ nổi loạn: Bengal, tỉnh BombayPunjab.[73] Để chống lại các hành động lật đổ trong những khu vực này, ủy ban khuyến nghị chính phủ sử dụng các quyền lực khẩn cấp giống như quyền lực thời chiến, như xét xử các vụ án xúi giục nổi loạn bằng hội đồng gồm ba thẩm phán và không có bồi thẩm đoàn, giám sát của chính phủ đối với nơi ở của nghi phạm,[73] và chính quyền cấp tỉnh có quyền bắt giữ và giam giữ nghi phạm trong các cơ sở giam giữ ngắn hạn mà không cần xét xử.[76]

 
Tiêu đề về Dự luật Rowlatt (1919) trên một tờ báo theo chủ nghĩa dân tộc tại Ấn Độ. Tất cả những người Ấn Độ không phải là quan chức trong Hội đồng Lập pháp đã bỏ phiếu chống lại dự luật này.[76]

Khi Thế chiến thứ nhất kết thúc, xu thế kinh tế cũng có thay đổi. Đến cuối năm 1919, 1,5 triệu người Ấn Độ đã từng phục vụ trong lực lượng vũ trang, tham chiến hoặc không tham chiến, và ngân khố Ấn Độ đã cung cấp 146 triệu bảng Anh cho chiến tranh.[77] Việc tăng thuế cùng với gián đoạn trong mậu dịch quốc nội và quốc tế đã khiến chỉ số giá cả chung ở Ấn Độ tăng gần gấp đôi trong khoảng thời gian từ 1914 đến 1920.[77] Cựu chiến binh trở về tạo ra cuộc khủng hoảng thất nghiệp ngày càng gia tăng, đặc biệt là tại Punjab,[78] và lạm phát sau chiến tranh dẫn đến bạo loạn vì lương thực tại các tỉnh Bombay, Madras và Bengal,[78] tình hình trở nên tồi tệ hơn do bất lợi thời tiết trong gió mùa 1918–19 và từ việc trục lợi và đầu cơ.[77] Dịch cúm toàn cầu và Cách mạng Bolshevik năm 1917 làm tăng thêm nỗi lo lắng chung; dân chúng lo sợ dịch bệnh,[78] còn quan chức lo sợ cách mạng tại Ấn Độ.[79]

Nhằm đối phó với một cuộc khủng hoảng có thể xảy ra, chính phủ lúc này soạn thảo các khuyến nghị của ủy ban Rowlatt thành hai dự luật Rowlatt.[76] Edwin Montagu miễn cưỡng cho phép xem xét dự luật về mặt lập pháp, với tuyên bố "ngay từ cái nhìn đầu tiên, tôi ghê tởm đề xuất về việc duy trì Đạo luật Phòng thủ Ấn Độ trong thời bình ở mức độ mà Rowlatt và bạn bè của ông ấy nghĩ là cần thiết."[73] Trong cuộc thảo luận và bỏ phiếu sau đó tại Hội đồng Lập pháp Đế quốc, tất cả các thành viên Ấn Độ đều lên tiếng phản đối các dự luật. Tuy nhiên, Chính phủ Ấn Độ có thể sử dụng "đa số chính thức" của mình để đảm bảo các dự luật được thông qua vào đầu năm 1919.[73] Tuy nhiên, trước phản đối của người Ấn Độ nên thứ được thông qua là một phiên bản hạn chế hơn bản dự luật đầu tiên, nó cho phép các quyền lực ngoài tư pháp nhưng chỉ trong thời hạn đúng ba năm, và chỉ truy tố "các phong trào vô chính phủ và cách mạng", loại bỏ hoàn toàn là dự luật thứ hai liên quan đến việc sửa đổi Bộ luật Hình sự Ấn Độ.[73] Mặc dù vậy, khi được thông qua, Đạo luật Rowlatt mới đã khuấy động sự phẫn nộ lan rộng khắp Ấn Độ, và đưa Gandhi lên vị trí hàng đầu trong phong trào dân tộc chủ nghĩa.[76]

1919–1939: Jallianwala, bất hợp tác, Đạo luật Chính phủ Ấn Độ 1935 sửa

 
Gandhi và Besant trên đường tới một cuộc hội họp tại Madras vào tháng 9 năm 1921.

Thảm sát Jallianwala Bagh diễn ra tại thành phố Amritsar có đa số cư dân là người Sikh. Sau nhiều ngày bất ổn, Chuẩn tướng Reginald E.H. Dyer cấm chỉ các cuộc hội họp công cộng và đến ngày 13 tháng 4 năm 1919, Lục quân Ấn Độ thuộc Anh nổ súng vào một cuộc tụ tập không vũ trang của hàng nghìn người dù không cảnh báo. Chính phủ Ấn Độ báo cáo có 379 người chết và 1.100 người bị thương.[80] Đảng Quốc đại ước tính số người chết gấp ba lần. Dyer bị cách chức nhưng ông trở thành một anh hùng được tán dương tại Anh.[81] Các nhà sử học nhìn nhận sự kiện này là một bước quyết định hướng tới kết thúc quyền cai trị của Anh tại Ấn Độ.[82]

Năm 1920, sau khi chính phủ Anh không chịu nhượng bộ, Gandhi bắt đầu chiến dịch bất hợp tác, thúc đẩy nhiều người Ấn Độ trả lại các tặng thưởng và danh hiệu của Anh, từ chức trong các cơ quan công vụ, và một lần nữa tẩy chay hàng hóa Anh. Ngoài ra, Gandhi tổ chức lại Đảng Quốc đại, biến nó thành một phong trào quần chúng và mở rộng quyền thành viên đến cả những người Ấn Độ nghèo nhất. Gandhi dừng phong trào bất hợp tác vào năm 1922 sau sự kiện tại Chauri Chaura, nhưng phong trào lại hồi sinh vào giữa thập niên 1920.

Ủy ban Simon tại Anh được giao nhiệm vụ tiến hành cải cách hiến pháp tại Ấn Độ, họ thực hiện một chuyến thăm vào năm 1928, dẫn đến các cuộc biểu tình rộng rãi khắp cả nước.[83] Vào năm 1925, các cuộc biểu tình bất bạo động của Đảng Quốc đại được tiếp tục, lần này là tại Gujarat và do Patel lãnh đạo, ông tổ chức cho nông dân từ chối nộp thuế đất do thuế này bị tăng thêm; do thành công của cuộc biểu tình này, gọi là Bardoli Satyagraha, Gandhi trở lại với hoạt động chính trị tích cực.[83]

Trong phiên họp thường niên tại Lahore, Đảng Quốc đại Ấn Độ dưới chủ trì của Jawaharlal Nehru đưa ra yêu cầu về Purna Swaraj (tiếng Hindustan: "độc lập hoàn toàn"). Tuyên bố do Ủy ban công tác của Đảng Quốc đại biên soạn, bao gồm Gandhi, Nehru, Patel và Chakravarthi Rajagopalachari. Gandhi sau đó lãnh đạo một phong trào bất tuân dân sự rộng lớn, lên đến đỉnh điểm trong Tuần hành Muối vào năm 1930, khi hàng nghìn người Ấn Độ thách thức thuế muối bằng cách tuần hành ra biển và tự làm muối. Gandhi cùng nhiều người bị bắt, nhưng chính phủ Anh cuối cùng nhượng bộ, và đến năm 1931, Gandhi tới London để đàm phán về cải cách mới tại Hội nghị Bàn tròn.

Nhân viên và sinh viên Học viện Quốc gia, Lahore, sau phong trào bất hợp tác. Đứng, thứ tư từ phải sang là Bhagat Singh.
Nhân viên và sinh viên Học viện Quốc gia, Lahore, sau phong trào bất hợp tác. Đứng, thứ tư từ phải sang là Bhagat Singh.

Tại địa phương, quyền kiểm soát của Anh nằm ở Công vụ Ấn Độ (Indian Civil Service, ICS), nhưng họ ngày càng phải đối mặt với những khó khăn. Ngày càng có ít thanh niên tại Anh muốn tham gia, còn người Ấn Độ liên tục mất lòng tin, dẫn đến suy thoái về chất lượng và số lượng. Đến năm 1945, người Ấn Độ chiếm ưu thế về số lượng trong ICS và kết quả là lòng trung thành bị chia rẽ giữa Đế quốc và nền độc lập.[84] Tài chính của Raj phụ thuộc vào thuế đất, và điều này trở thành vấn đề trong thập niên 1930. Epstein lập luận rằng sau năm 1919, việc thu thuế đất ngày càng trở nên khó khăn hơn. Do Raj đàn áp bất tuân dân sự sau năm 1934, quyền lực của các cơ quan thu thuế tạm thời gia tăng, nhưng sau năm 1937, họ bị các chính quyền cấp tỉnh mới do Đảng Quốc đại kiểm soát buộc phải trả lại đất bị tịch thu. Thế chiến thứ hai bùng nổ giúp củng cố xu thế này, trước phong trào Rời khỏi Ấn Độ, những người thu thuế phải dựa vào lực lượng quân sự, và đến năm 1946–47 thì quyền kiểm soát trực tiếp của Anh nhanh chóng biến mất trên phần lớn vùng nông thôn.[85]

Năm 1935, sau Hội nghị bàn tròn, Quốc hội Anh thông qua Đạo luật Chính phủ Ấn Độ 1935, cho phép thành lập các hội đồng lập pháp độc lập trong tất cả các tỉnh của Ấn Độ thuộc Anh, lập nên một chính phủ trung ương hợp nhất cả các tỉnh và các phiên vương quốc, và bảo vệ các nhóm thiểu số Hồi giáo. Hiến pháp Ấn Độ độc lập sau này được dựa trên đạo luật này.[86]

Đạo luật năm 1935 quy định nhiều quyền tự trị hơn cho các tỉnh của Ấn Độ, với mục tiêu xoa dịu tình cảm dân tộc chủ nghĩa. Đạo luật quy định một nghị viện quốc gia và một cơ quan hành pháp nằm dưới tầm ảnh hưởng của chính phủ Anh, nhưng những người cai trị các phiên vương quốc tìm cách ngăn chặn việc thực thi nó. Những phiên vương quốc này vẫn thuộc quyền kiểm soát hoàn toàn của quân chủ kế tập của họ, và không có chính phủ của nhân dân. Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử, Đảng Quốc đại tăng số lượng thành viên cơ sở từ 473.000 vào năm 1935 lên 4,5 triệu vào năm 1939.[87]

Trong bầu cử cấp tỉnh năm 1937, Đảng Quốc đại giành chiến thắng tại bảy trong số mười một tỉnh của Ấn Độ thuộc Anh.[88] Các chính quyền của Đảng Quốc đại được thành lập trong các tỉnh này, với quyền lực rộng rãi. Các quan chức Raj ngạc nhiên trước việc cử tri ủng hộ rộng rãi Đảng Quốc đại, vì họ từng xem Đảng này là một đoàn thể nhỏ của giới tinh hoa.[89] Người Anh tách tỉnh Miến Điện khỏi Ấn Độ thuộc Anh vào năm 1937, và cấp cho thuộc địa này một hiến pháp mới yêu cầu lập một hội đồng được bầu cử hoàn toàn, với nhiều quyền lực được trao cho người Miến Điện. Tuy nhiên, điều này được cho là một âm mưu nhằm loại trừ người Miến Điện khỏi bất kỳ cải cách nào khác cho Ấn Độ.[90]

1939–1945: Thế chiến thứ hai sửa

 
A. K. Fazlul HuqThủ tướng Bengal đầu tiên được bầu, lãnh đạo của K. P. P. và là đồng minh quan trọng của Liên đoàn Hồi giáo toàn Ấn.
 
Subhas Chandra Bose (thứ hai từ trái) cùng với Heinrich Himmler (phải), 1942
 
Bộ tem "Chiến thắng" do Chính phủ Ấn Độ phát hành nhằm kỷ niệm chiến thắng của Đồng minh trong Thế chiến thứ hai

Khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng phát vào năm 1939, phó vương là Huân tước Linlithgow tuyên chiến nhân danh Ấn Độ mà không tham vấn các nhà lãnh đạo Ấn Độ, khiến các bộ trưởng cấp tỉnh của Đảng Quốc đại từ chức để phản đối. Ngược lại, Liên đoàn Hồi giáo ủng hộ Anh trong nỗ lực chiến tranh và duy trì quyền kiểm soát chính phủ tại ba tỉnh lớn là Bengal, Sind và Punjab.[91]

Mặc dù Liên đoàn Hồi giáo từng là một đoàn thể nhỏ của giới tinh hoa vào năm 1927 với chỉ 1300 thành viên, nhưng họ phát triển nhanh chóng sau khi trở thành một tổ chức tiếp cận được với quần chúng, đạt tới 500.000 thành viên tại Bengal vào năm 1944, 200.000 tại Punjab và hàng trăm nghìn tại các nơi khác.[92] Jinnah lúc này đã ở vị thế thuận lợi về sức mạnh để đàm phán với người Anh.[93] Jinnah liên tục cảnh báo rằng người Hồi giáo sẽ bị đối xử bất công trong một Ấn Độ độc lập do Đảng Quốc đại thống trị. Ngày 24 tháng 3 năm 1940 tại Lahore, Liên đoàn thông qua "Nghị quyết Lahore", yêu cầu rằng, "các khu vực người Hồi giáo chiếm đa số về số lượng như các khu vực Tây-Bắc và Đông của Ấn Độ phải được hợp lại để tạo thành các nhà nước độc lập, trong đó các đơn vị cấu thành sẽ được tự trị và có chủ quyền."[94] Mặc dù có các chính trị gia Hồi giáo quan trọng cấp quốc gia khác như lãnh đạo Đảng Quốc đại Ab'ul Kalam Azad, và các chính trị gia Hồi giáo có ảnh hưởng cấp khu vực như A. K. Fazlul Huq của Đảng Krishak Praja cánh tả tại Bengal, Fazl-i-Hussain của Đảng Liên minh Punjab do địa chủ chi phối và Abd al-Ghaffar Khan của đảng Khudai Khidmatgar thân Đảng Quốc đại tại tỉnh Biên giới Tây-Bắc,[95] trong sáu năm tiếp theo, người Anh ngày càng xem Liên đoàn là đại diện chính của người Hồi giáo Ấn Độ.

Đảng Quốc đại mang tính thế tục và phản đối mạnh mẽ việc có bất kỳ nhà nước tôn giáo nào.[92] Họ khẳng định Ấn Độ có sự thống nhất tự nhiên, và liên tục đổ lỗi cho người Anh thực hiện chiến thuật "chia để trị" nhằm thúc đẩy người Hồi giáo tự nghĩ mình khác biệt với người theo đạo Hindu. Jinnah bác bỏ khái niệm về một Ấn Độ thống nhất, và nhấn mạnh rằng các cộng đồng tôn giáo là điều cơ bản hơn một chủ nghĩa dân tộc giả tạo. Ông tuyên bố học thuyết hai quốc gia,[96] phát biểu tại Lahore vào ngày 23 tháng 3 năm 1940:

[Hồi giáo và Hindu giáo] không phải chỉ về tôn giáo theo nghĩa chặt chẽ của từ này, mà trên thực tế là về những trật tự xã hội khác nhau và riêng biệt và sẽ là một giấc mơ rằng người theo đạo Hindu và đạo Hồi có thể phát triển một dân tộc chung ... Người Hindu và người Hồi giáo thuộc hai tôn giáo, triết lý, phong tục xã hội và văn học khác nhau [sic]. Họ không kết hôn hay ăn chung với nhau và thực sự họ thuộc về hai nền văn minh khác nhau, chủ yếu dựa trên những ý tưởng và quan niệm trái ngược nhau ... Để ràng buộc hai dân tộc như vậy dưới một quốc gia duy nhất, một là thiểu số và một là đa số sẽ dẫn đến sự bất mãn ngày càng tăng, và khiến bất kỳ cơ cấu nào có thể xây dựng được cho chính phủ quốc gia này chung cuộc đều sẽ bị hủy diệt.[97]

Lục quân Ấn Độ chính quy vào năm 1939 gồm khoảng 220.000 lính bản địa, nhưng lực lượng này được mở rộng gấp 10 lần trong chiến tranh,[98] và các đơn vị hải quân và không quân cỡ nhỏ được thành lập. Hơn hai triệu người Ấn Độ tình nguyện tòng quân trong Lục quân Anh, họ đóng một vai trò quan trọng trong nhiều chiến dịch, đặc biệt là tại Trung Đông và Bắc Phi. Thương vong ở mức vừa (so với thế chiến), với 24.000 người thiệt mạng; 64.000 người bị thương; 12.000 người mất tích (có thể đã chết) và 60.000 người bị bắt tại Singapore vào năm 1942.[99]

London thanh toán phần lớn chi phí cho Lục quân Ấn Độ, dẫn đến nợ quốc gia của Ấn Độ được xoá; họ kết thúc chiến tranh với khoản thặng dư 1.300 triệu bảng Anh. Ngoài ra, việc Anh chi mạnh tay cho trang thiết bị sản xuất tại Ấn Độ (như quân phục, súng trường, súng máy, pháo dã chiến và đạn dược) khiến sản lượng công nghiệp gia tăng nhanh chóng, như dệt may (tăng 16%), thép (tăng 18%) và hóa chất (tăng 30%). Các tàu chiến nhỏ được chế tạo, và một nhà máy sản xuất máy bay được mở tại Bangalore. Hệ thống đường sắt với 700.000 nhân viên bị đánh thuế để giới hạn do nhu cầu vận chuyển tăng vọt.[100]

Năm 1942, Chính phủ Anh cử phái đoàn Cripps đến nhằm đạt được sự hợp tác của những người dân tộc chủ nghĩa Ấn Độ trong nỗ lực chiến tranh, đổi lấy là lời hứa Ấn Độ độc lập ngay khi chiến tranh kết thúc. Các quan chức hàng đầu tại Anh, đáng chú ý nhất là Thủ tướng Winston Churchill, không ủng hộ Phái đoàn Cripps, và các cuộc đàm phán với Đảng Quốc đại sớm tan vỡ.[101]

Đảng Quốc đại phát động Phong trào Rời khỏi Ấn Độ vào tháng 7 năm 1942 để yêu cầu người Anh rút quân ngay lập tức khỏi Ấn Độ, nếu không sẽ phải đối mặt với tình trạng bất tuân dân sự trên toàn quốc. Vào ngày 8 tháng 8, Raj bắt giữ tất cả các nhà lãnh đạo Đảng Quốc đại ở cấp quốc gia, cấp tỉnh và địa phương, giam giữ hàng chục nghìn người trong số họ cho đến năm 1945. Đất nước nổ ra các cuộc biểu tình tuần hành bạo lực do sinh viên và sau đó là các nhóm chính trị nông dân lãnh đạo, đặc biệt là tại miền Đông tỉnh Thống nhất, Bihar và miền tây Bengal. Lục quân Anh đang hiện diện đông đảo trong thời chiến đã đè bẹp phong trào trong hơn sáu tuần.[102] Tuy nhiên, một bộ phận của phong trào đã thành lập chính phủ lâm thời ngầm trên vùng biên giới với Nepal trong một thời gian.[102] Tại các vùng khác của Ấn Độ, phong trào ít tự phát hơn và phản kháng ít gay gắt hơn; tuy nhiên, chúng kéo dài lẻ tẻ cho đến mùa hè năm 1943.[103]

Subhas Chandra Bose là một cựu lãnh đạo phe cấp tiến trong Đảng Quốc đại, là Chủ tịch Đảng từ năm 1938 đến năm 1939.[104] Tuy nhiên, ông bị trục xuất khỏi Đảng vào năm 1939 do những khác biệt với giới chỉ huy cấp cao,[105] và sau đó bị người Anh quản thúc tại gia trước khi trốn khỏi Ấn Độ vào đầu năm 1941.[106] Ông quay sang Đức Quốc xã và Đế quốc Nhật Bản để được giúp đỡ nhằm giành độc lập cho Ấn Độ bằng vũ lực.[107] Được Nhật Bản hỗ trợ, ông tổ chức Lục quân Quốc dân Ấn Độ, bao gồm phần lớn là binh lính Ấn Độ thuộc Lục quân Ấn Độ thuộc Anh bị quân Nhật bắt trong Trận Singapore. Khi tình thế chuyển sang bất lợi cho mình, người Nhật ủng hộ một số chính phủ bù nhìn và lâm thời tại các khu vực bị chiếm đóng, như tại Miến Điện, Philippines và Việt Nam, cùng với Chính phủ lâm thời Azad Hind do Bose chủ trì.[107]

Đến giữa năm 1944, Lục quân Anh ngăn chặn rồi đẩy lui cuộc tấn công U-Go của Nhật Bản, bắt đầu giai đoạn thành công trong Chiến dịch Miến Điện. Lục quân Quốc dân Ấn Độ của Bose phần lớn đã tan rã trong cuộc giao tranh tại Miến Điện, những thành phần còn lại đầu hàng khi Singapore bị tái chiếm vào tháng 9 năm 1945. Bose qua đời trên một chiếc máy bay bị rơi tại Đài Loan.[108] Bose dù không thành công nhưng đã khơi dậy tình cảm yêu nước tại Ấn Độ.[109]

1946–1947: Độc lập, phân chia sửa

 
Các thành viên của phái đoàn Nội các tới Ấn Độ năm 1946 họp với Muhammad Ali Jinnah. Ngoài cùng bên trái là Huân tước Pethick Lawrence; ngoài cùng bên phải là Stafford Cripps
 
Tỷ lệ người theo đạo Hindu theo huyện, 1909
 
Tỷ lệ người Hồi giáo theo huyện, 1909

Tháng 1 năm 1946, một số vụ binh biến nổ ra trong lực lượng vũ trang, bắt đầu là vụ việc các quân nhân Không quân Anh thất vọng do việc hồi hương họ về Anh bị chậm chạp.[110] Tình hình đạt đến đỉnh điểm với cuộc binh biến Hải quân Hoàng gia Ấn Độ tại Bombay vào tháng 2 năm 1946, tiếp theo là những vụ việc khác tại Calcutta, MadrasKarachi. Mặc dù các cuộc binh biến nhanh chóng bị đàn áp, nhưng chúng thúc đẩy chính phủ Công đảng mới tại Anh hành động, và kết quả là Phái đoàn Nội các tới Ấn Độ do Quốc vụ khanh Ấn Độ Huân tước Pethick Lawrence đứng đầu, và bao gồm cả Stafford Cripps.[110]

Cũng vào đầu năm 1946, có yêu cầu về các cuộc bầu cử mới tại Ấn Độ. Khi chiến tranh kết thúc năm 1945, chính quyền thuộc địa xét xử ba sĩ quan trong Lục quân Quốc dân Ấn Độ bại trận của Bose, buộc tội họ phản quốc. Ban lãnh đạo Đảng Quốc đại dù có mâu thuẫn tư tưởng với lực lượng này nhưng chọn cách bào chữa cho các sĩ quan bị cáo buộc.[111] Các sự kiện kết tội các sĩ quan, công chúng phản đối kịch liệt việc kết tội, và cuối cùng họ được ân xá, đã tạo ra sự tuyên truyền tích cực cho Đảng Quốc đại, giúp ích cho Đảng sau đó thắng cử tại 8 trong số 11 tỉnh.[112] Tuy nhiên, các cuộc đàm phán giữa Đảng Quốc đại và Liên đoàn Hồi giáo gặp trở ngại trong vấn đề phân chia Ấn Độ. Jinnah tuyên bố ngày 16 tháng 8 năm 1946 là ngày Hành động trực tiếp, tuyên bố mục tiêu là nêu bật một cách hòa bình yêu cầu về một quê hương Hồi giáo tại Ấn Độ thuộc Anh. Ngày hôm sau, các cuộc bạo loạn giữa người theo đạo Hindu và đạo Hồi nổ ra tại Calcutta và nhanh chóng lan rộng khắp Ấn Độ thuộc Anh. Đến tháng 9, một chính phủ lâm thời được thành lập do Đảng Quốc đại lãnh đạo, với Jawaharlal Nehru là thủ tướng thống nhất của Ấn Độ.[113]

Cũng trong năm đó, do ngân sách kiệt quệ vì Thế chiến, và chính phủ Công đảng nhận thức được rằng họ không được trong nước yêu cầu hay quốc tế ủng hộ, cũng như không thể tin cậy quân bản địa trong việc tiếp tục kiểm soát một Ấn Độ thuộc Anh ngày càng náo động,[114][115] Anh quyết định chấm dứt quyền cai trị của họ tại Ấn Độ, và đến đầu năm 1947 thì Anh tuyên bố ý định chuyển giao quyền lực không muộn hơn tháng 6 năm 1948.[91]

Khi độc lập đến gần, bạo lực giữa người theo đạo Hindu và đạo Hồi tại các tỉnh Punjab và Bengal vẫn tiếp tục mà không suy giảm. Do Lục quân Anh không được chuẩn bị cho khả năng bạo lực gia tăng, phó vương mới là Louis Mountbatten, đã ấn định ngày chuyển giao quyền lực, chỉ cho chưa đầy sáu tháng để các bên đồng thuận về một kế hoạch độc lập.[91][116] Khi Anh chấm dứt quyền cai trị tại Ấn Độ vào tháng 8 năm 1947, Ấn Độ bị phân chia, hai quốc gia riêng biệt là Ấn Độ và Pakistan được thành lập.[117]

 
Người tị nạn Hồi giáo trong lăng mộ Humayun

Vào ngày 15 tháng 8 năm 1947, xuất hiện Quốc gia tự trị Pakistan (sau là Cộng hòa Hồi giáo Pakistan) với Muhammad Ali Jinnah là toàn quyền; và Quốc gia tự trị Ấn Độ, (sau là nước Cộng hòa Ấn Độ) với Jawaharlal Nehruthủ tướng, và phó vương Louis Mountbatten trở thành toàn quyền đầu tiên của Ấn Độ mới. Các buổi lễ chính thức diễn ra tại Karachi vào ngày 14 tháng 8 và tại New Delhi vào ngày 15 tháng 8. Điều này được thực hiện để Mountbatten có thể tham dự cả hai buổi lễ.[118]

Đại đa số người Ấn Độ vẫn ở nguyên khi độc lập, nhưng tại các khu vực biên giới có hàng triệu người (Hồi giáo, đạo Sikh và đạo Hindu) di dời qua biên giới mới được lập. Đường biên giới mới tại Punjab chia đôi các vùng của người Sikh, và xảy ra nhiều cảnh đổ máu; do Gandhi hiện diện tại Bengal và Bihar nên cơn nóng giận của cộng đồng tại đây được xoa dịu, bạo lực được hạn chế hơn. Tổng cộng, khoảng 250.000 đến 500.000 người ở cả hai bên biên giới mới đã chết trong bạo lực, gồm cả người tị nạn và cư dân thuộc ba tôn giáo.[119]

Niên biểu các sự kiện lớn sửa

Thời kỳ Phó vương Sự kiện lớn
1 tháng 11 năm 1858 –
21 tháng 3 năm 1862
Tử tước Canning[120] Tái tổ chức Lục quân Ấn Độ thuộc Anh năm 1858 (Lục quân Ấn Độ đương thời và sau này)
Bắt đầu xây dựng (1860): Đại học Bombay, Đại học MadrasĐại học Calcutta
Bộ luật Hình sự Ấn Độ được thông qua thành luật năm 1860.
Nạn đói Thượng Doab 1860–1861
Đạo luật Các hội đồng Ấn Độ 1861
Thành lập Sở Nghiên cứu Khảo cổ học Ấn Độ năm 1861
James Wilson tổ chức lại hải quan, áp đặt thuế thu nhập, lập ra tiền giấy.
Đạo luật Cảnh sát Ấn Độ 1861: thành lập Cảnh sát Đế quốc, sau này được gọi là Cơ quan Cảnh sát Ấn Độ.
21 tháng 3 năm 1862 –
20 tháng 11 năm 1863
Bá tước Elgin Phó vương qua đời sớm tại Dharamsala năm 1863
12 tháng 1 năm 1864 –
12 tháng 1 năm 1869
John Lawrence, Bt[121] Chiến tranh Duar Anh-Bhutan (1864–1865)
Nạn đói Orissa 1866
Nạn đói Rajputana 1869
Thành lập Bộ Thủy lợi
Thành lập Cục Lâm nghiệp Đế quốc năm 1867 (nay là Cục Lâm nghiệp Ấn Độ).
"Quần đảo Nicobar được thôn tính và hợp nhất vào Ấn Độ 1869"
12 tháng 1 năm 1869 –
8 tháng 2 năm 1872
Bá tước Mayo[122] Thành lập Bộ Nông nghiệp
Mở rộng lớn về đường sắt, đường bộ và kênh mương
Đạo luật Các hội đồng Ấn Độ 1870
Quần đảo Andaman và Nicobar trở thành một lãnh thổ do ủy viên trưởng quản lý (1872).
Ám sát Huân tước Mayo tại quần đảo Andaman.
3 tháng 5 năm 1872 –
12 tháng 4 năm 1876
Huân tước Northbrook[122] Nạn đói Bihar 1873–1874 được ngăn chặn nhờ nhập khẩu gạo từ Miến Điện.
Gaikwad của Baroda bị truất ngôi vì cai trị yếu kém;
Đạo luật Các hội đồng Ấn Độ 1874
Thân vương xứ Wales đến thăm vào 1875–76, là Quốc vương Edward VII sau này.
12 tháng 4 năm 1876 –
8 tháng 6 năm 1880
Huân tước Lytton Baluchistan trở thành lãnh thổ do ủy viên trưởng cai quản
Nữ vương Victoria được tuyên bố (vắng mặt) là Nữ hoàng Ấn Độ tại Delhi Durbar năm 1877.
Nạn đói Lớn 1876–1878: 5,25 triệu người chết.
Thành lập Ủy ban Nạn đói năm 1878–80 dưới quyền Richard Strachey.
Đạo luật Rừng Ấn Độ 1878
Chiến tranh Anh-Afghanistan lần thứ hai.
8 tháng 6 năm 1880 –
13 tháng 12 năm 1884
Hầu tước Ripon[123] Kết thúc Chiến tranh Anh-Afghanistan lần thứ hai.
Bãi bỏ Đạo luật Báo chí Bản ngữ năm 1878. Dàn xếp về Dự luật Ilbert.
Đạo luật chính quyền địa phương mở rộng quyền tự quản từ cấp thị trấn đến quốc gia.
Đại học Punjab được thành lập tại Lahore vào năm 1882
Quy tắc Nạn đói do Chính phủ Ấn Độ ban hành năm 1883.
Thành lập Ủy ban Giáo dục. Xây dựng các trường học bản địa, đặc biệt là cho người Hồi giáo.
Bãi bỏ thuế nhập khẩu đối với bông và hầu hết các loại thuế quan. Mở rộng đường sắt.
13 tháng 12 năm 1884 –
10 tháng 12 năm 1888
Bá tước Dufferin[124][125] Thông qua Dự luật Thuê đất Bengal
Chiến tranh Anh-Miến lần thứ ba.
Ủy ban Biên giới chung Anh-Nga được chỉ định phụ trách biên giới Afghanistan. Ván Cờ Lớn diễn ra toàn diện.
Báo cáo của Ủy ban Dịch vụ công năm 1886–87, việc thành lập Công vụ Đế quốc (sau này là Công vụ Ấn Độ (ICS), và ngày nay là Cục Hành chính Ấn Độ)
Đại học Allahabad thành lập năm 1887
Lễ mừng 60 năm trị vì của Nữ vương Victoria năm 1887.
10 tháng 12 năm 1888 –
11 tháng 10 năm 1894
Hầu tước Lansdowne[126] Tăng cường phòng thủ biên giới Tây Bắc. Thành lập Quân phục vụ Đế quốc bao gồm các trung đoàn do các phiên vương quốc đóng góp.
Đại lý Gilgit được cho thuê vào năm 1899
Quốc hội Anh thông qua Đạo luật Các hội đồng Ấn Độ 1892, mở cửa Hội đồng Lập pháp Đế quốc cho người Ấn Độ.
Cuộc cách mạng tại phiên vương quốc Manipur và việc quân chủ phục hồi quyền cai trị sau đó.
Đỉnh cao của Ván Cờ Lớn. Thiết lập Đường Durand giữa Ấn Độ thuộc Anh và Afghanistan,
Các công trình đường sắt, đường bộ và thủy lợi được bắt đầu tại Miến Điện. Biên giới giữa Miến Điện và Xiêm La được hoàn tất vào năm 1893.
Đồng rupee sụt giảm, do đồng bạc trên toàn thế giới mất giá liên tục (1873–93).


Đạo luật Nhà tù Ấn Độ 1894

11 tháng 10 năm 1894 –
6 tháng 1 năm 1899
Bá tước Elgin Tái tổ chức Lục quân Ấn Độ (từ Hệ thống cấp tỉnh thành bốn bộ tư lệnh).
Thỏa thuận Pamir với Nga, 1895
Chiến dịch Chitral (1895), chiến dịch Tirah (1896–97)
Nạn đói Ấn Độ 1896–1897 bắt đầu tại Bundelkhand.
Bệnh dịch hạch thể hạch tại Bombay (1896), bệnh dịch hạch thể hạch tại Calcutta (1898); bạo loạn sau các biện pháp phòng chống bệnh dịch hạch.
Thành lập hội đồng lập pháp cấp tỉnh tại Miến Điện và Punjab.
6 tháng 1 năm 1899 –
18 tháng 11 năm 1905
Huân tước Curzon xứ Kedleston[127][128] Thành lập tỉnh Biên giới Tây-Bắc dưới quyền ủy viên trưởng (1901).
Nạn đói Ấn Độ 1899–1900.
Bệnh dịch hạch thể hạch quay trở lại, 1 triệu người chết
Đạo luật Cải cách Tài chính 1899; Quỹ dự trữ vàng được tạo ra cho Ấn Độ.
Đạo luật Chuyển nhượng đất đai Punjab
Thành lập Bộ Công Thương.
Nữ vương Victoria qua đời (1901); Nhà tưởng niệm Victoria tại Calcutta trở thành một nhà trưng bày quốc gia về cổ vật, nghệ thuật và lịch sử Ấn Độ.


Lễ đăng quang Durbar tại Delhi (1903); Edward VII được tuyên bố (vắng mặt) là Hoàng đế Ấn Độ.
Anh viễn chinh Tây Tạng (1903–04)
Tỉnh Tây-Bắc và Oudh được đổi thành tỉnh Thống nhất vào năm 1904
Đạo luật Tái tổ chức đại học Ấn Độ (1904).
Hệ thống hóa việc bảo tồn và phục hồi các di tích cổ theo Đạo luật Bảo tồn di tích cổ Ấn Độ.
Mở đầu ngành ngân hàng nông nghiệp theo Đạo luật Hiệp hội tín dụng hợp tác 1904
Phân chia Bengal; tỉnh mới Đông Bengal và Assam dưới quyền của một phó thống đốc.
Cuộc điều tra dân số năm 1901 cho thấy tổng dân số là 294 triệu, bao gồm 62 triệu tại các phiên vương quốc và 232 triệu tại Ấn Độ thuộc Anh.[129] Khoảng 170.000 người là người châu Âu. 15 triệu đàn ông và 1 triệu phụ nữ biết chữ. Trong độ tuổi đi học, có 25% nam và 3% nữ đi học. Có 207 triệu người theo đạo Hindu và 63 triệu người theo đạo Hồi, cùng với 9 triệu Phật tử (tại Miến Điện), 3 triệu Cơ đốc nhân, 2 triệu người theo đạo Sikh, 1 triệu người theo đạo Jain và 8,4 triệu người theo thuyết vật linh.[130]

18 tháng 11 năm 1905 –
23 tháng 11 năm 1910
Bá tước Minto[61] Thành lập Bộ Đường sắt
Công ước Anh-Nga 1907
Đạo luật Các hội đồng Ấn Độ 1909 (hay Cải cách Minto–Morley)
Thành lập Bộ Giáo dục vào năm 1910
23 tháng 11 năm 1910 –
4 tháng 4 năm 1916
Huân tước Hardinge Quốc vương George VVương hậu Mary đến thăm vào năm 1911: lễ kỷ niệm với vị thế Hoàng đế và Hoàng hậu Ấn Độ trong Delhi Durbar cuối cùng
Quốc vương George V tuyên bố thành lập thành phố mới New Delhi để thay thế Calcutta làm thủ đô của Ấn Độ.
Đạo luật Tòa án Tối cao Ấn Độ 1911
Xây dựng New Delhi, 1912–1929
Thế chiến thứ nhất, Lục quân Ấn Độ trong: Mặt trận phía Tây, Bỉ, 1914; Đông Phi thuộc Đức (Trận Tanga, 1914); Chiến dịch Lưỡng Hà (Trận Ctesiphon, 1915; Cuộc vây hãm Kut, 1915–16); Trận Galliopoli, 1915–16
Đạo luật Phòng thủ Ấn Độ 1915
4 tháng 4 năm 1916 –
2 tháng 4 năm 1921
Huân tước Chelmsford Lục quân đội Ấn Độ trong: Chiến dịch Lưỡng Hà (Bagdad thất thủ, 1917); Chiến dịch Sinai và Palestine (Trận Megiddo, 1918)
Đạo luật Rowlatt, 1919
Đạo luật Chính phủ Ấn Độ 1919 (hay Cải cách Montagu–Chelmsford)
Thảm sát Jallianwala Bagh, 1919
Chiến tranh Anh-Afghanistan lần thứ ba, 1919
Đại học Rangoon thành lập vào năm 1920.
Đạo luật Hộ chiếu Ấn Độ năm 1920: Hộ chiếu Ấn Độ thuộc Anh được phát hành
2 tháng 4 năm 1921 –
3 tháng 4 năm 1926
Bá tước Reading Đại học Delhi thành lập vào năm 1922.
Đạo luật Bồi thường cho người lao động Ấn Độ 1923
3 tháng 4 năm 1926 –
18 tháng 4 năm 1931
Huân tước Irwin Đạo luật Công đoàn Ấn Độ 1926, Đạo luật Rừng Ấn Độ 1927
Bổ nhiệm Ủy ban Hoàng gia Lao động Ấn Độ, 1929
Hội nghị bàn tròn Hiến pháp Ấn Độ, Luân Đôn, 1930–32, Hiệp định Gandhi-Irwin, 1931.
18 tháng 4 năm 1931 –
18 tháng 4 năm 1936
Bá tước Willingdon New Delhi được khánh thành làm thủ đô của Ấn Độ, 1931.
Đạo luật Bồi thường cho người lao động Ấn Độ 1933
Không quân Hoàng gia Ấn Độ được thành lập vào năm 1932.
Học viện Quân sự Ấn Độ được thành lập vào năm 1932.
Đạo luật Chính phủ Ấn Độ 1935
Thành lập Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ
18 tháng 4 năm 1936 –
1 tháng 10 năm 1943
Hầu tước Linlithgow Đạo luật Thanh toán tiền lương Ấn Độ 1936
Miến Điện được quản lý độc lập sau năm 1937
Bầu cử cấp tỉnh tại Ấn Độ 1937
Phái đoàn Cripps đến Ấn Độ, 1942.
Lục quân Ấn Độ Chiến trường Địa Trung Hải và Trung Đông (Chiến dịch Bắc Phi): (Chiến dịch Compass, Chiến dịch Crusader, Trận El Alamein thứ nhất, Trận El Alamein thứ hai. Chiến dịch Đông Phi, 1940, Chiến tranh Anh-Iraq, 1941, Chiến dịch Syria-Liban, 1941, Anh-Xô xâm chiếm Iran, 1941)
Lục quân Ấn Độ trong Trận Hong Kong, Trận Malaya, Trận Singapore
Chiến dịch Miến Điện bắt đầu vào năm 1942.
1 tháng 10 năm 1943 –
21 tháng 2 năm 1947
Tử tước Wavell Lục quân đội Ấn Độ trở thành lực lượng quân tình nguyện lớn nhất trong lịch sử với 2,5 triệu người.
Thế chiến thứ hai: Chiến dịch Miến Điện, 1943–45 (Trận Kohima, Trận Imphal)
Nạn đói Bengal năm 1943
Lục quân Ấn Độ trong Chiến dịch Ý (Trận Monte Cassino)
Phái đoàn Nội các đến Ấn Độ 1946
Bầu cử Ấn Độ năm 1946.
21 tháng 2 năm 1947 –
15 tháng 8 năm 1947
Tử tước Mountbatten Đạo luật Độc lập Ấn Độ 1947 của Quốc hội Anh được ban hành ngày 18 tháng 7 năm 1947.
Đường Radcliffe, tháng 8 năm 1947
Phân chia Ấn Độ, tháng 8 năm 1947
Văn phòng Ấn Độ và chức vụ Quốc vụ khanh về Ấn Độ bị bãi bỏ; trách nhiệm cấp bộ tại Anh về quan hệ với Ấn Độ và Pakistan được chuyển giao cho Văn phòng Quan hệ Thịnh vượng chung.

Ấn Độ thuộc Anh và các phiên vương quốc sửa

Ấn Độ trong thời kỳ Raj thuộc Anh được tạo thành từ hai loại lãnh thổ: Ấn Độ thuộc Anh và các quốc gia bản địa (hay phiên vương quốc).[131] Trong Đạo luật Giải thích 1889, Quốc hội Anh thông qua các định nghĩa sau trong Khoản 18:

(4.) Cụm từ "Ấn Độ thuộc Anh" sẽ có nghĩa là tất cả các lãnh thổ và địa điểm nằm trong lãnh địa của Bệ hạ và hiện tại được Bệ hạ cai trị thông qua Toàn quyền Ấn Độ hoặc thông qua bất kỳ thống đốc hoặc quan chức nào khác là cấp dưới của Toàn quyền Ấn Độ.

(5.) Cụm từ "Ấn Độ" sẽ có nghĩa là Ấn Độ thuộc Anh cùng với bất kỳ lãnh thổ nào của bất kỳ vương công hoặc tù trưởng bản địa nào nằm dưới quyền tông chủ của Bệ hạ, được thực hiện thông qua Toàn quyền Ấn Độ, hoặc thông qua bất kỳ thống đốc hoặc quan chức nào khác là cấp dưới của Toàn quyền Ấn Độ.[3]

Nói chung, thuật ngữ "Ấn Độ thuộc Anh" (British India) từng được sử dụng (và vẫn được sử dụng) để chỉ các khu vực thuộc quyền cai trị của Công ty Đông Ấn Anh tại Ấn Độ từ năm 1600 đến năm 1858.[132] Thuật ngữ này cũng được sử dụng để chỉ "người Anh tại Ấn Độ".[133]

Các thuật ngữ "Đế quốc Ấn Độ" ("Indian Empire" hay "Empire of India") không được sử dụng trong luật pháp. Quốc vương Anh được chính thức gọi là Nữ hoàng hoặc Hoàng đế Ấn Độ và thuật ngữ này thường được sử dụng trong một số phát biểu của Nữ vương Victoria. Ngoài ra, một huân chương hiệp sĩ, Huân chương tối cao của Đế quốc Ấn Độ, được đặt ra vào năm 1878.

Tại 175 phiên vương quốc, một số trong đó có quy mô lớn nhất và quan trọng nhất, quyền tông chủ đối với họ được thực thi bởi chính phủ trung ương Ấn Độ thuộc Anh dưới quyền phó vương (nhân danh quân chủ Anh). Khoảng 500 phiên vương quốc còn lại bị phụ thuộc vào chính quyền cấp tỉnh của Ấn Độ thuộc Anh dưới quyền một thống đốc, phó thống đốc hoặc ủy viên trưởng (tùy từng trường hợp).[134] Sự phân biệt rõ ràng giữa "lãnh địa" (dominion) và "quyền tông chủ" (suzerainty) là trong lĩnh vực thẩm quyền của các tòa án: luật pháp của Ấn Độ thuộc Anh dựa trên các luật được Quốc hội Anh thông qua, và quyền lập pháp được các luật đó trao cho các chính quyền khác nhau của Ấn Độ thuộc Anh, cả ở cấp trung ương và địa phương; ngược lại, tòa án của các phiên vương quốc nằm dưới thẩm quyền của các quân chủ tương ứng.[134]

Các tỉnh lớn sửa

Vào đầu thế kỷ 20, Ấn Độ thuộc Anh bao gồm tám tỉnh, các tỉnh do thống đốc hoặc phó thống đốc quản lý.

Diện tích và dân số (không bao gồm các quốc gia bản địa phụ thuộc) k. 1907[135]
Tỉnh của Ấn Độ thuộc Anh
(và lãnh thổ ngày nay)
Tổng diện tích Dân số năm 1901
(triệu)
Lãnh đạo
hành chính
Assam
(Assam, Arunachal Pradesh, Meghalaya, Mizoram, Nagaland)
130.000 km2
(50.000 dặm vuông Anh)
6 Uỷ viên trưởng (Lieutenant-Governor)
Bengal
(Bangladesh, Tây Bengal, Bihar, JharkhandOdisha)
390.000 km2
(150.000 dặm vuông Anh)
75 Phó thống đốc (Lieutenant-Governor)
Bombay
(Sindh và một phần Maharashtra, GujaratKarnataka)
320.000 km2
(120.000 dặm vuông Anh)
19 [[Thống đốc hội đồng (Governor-in-Council)
Burma
(Myanmar)
440.000 km2
(170.000 dặm vuông Anh)
9 Phó thống đốc
tỉnh Trung và Berar
(Madhya Pradesh và một phần Maharashtra, ChhattisgarhOdisha)
270.000 km2
(100.000 dặm vuông Anh)
13 Uỷ viên trưởng
Madras
(Andhra Pradesh, Tamil Nadu và một phần Kerala, Karnataka, OdishaTelangana)
370.000 km2
(140.000 dặm vuông Anh)
38 Thống đốc hội đồng
Punjab
(Punjab, Islamabad, Punjab, Haryana, Himachal Pradesh, ChandigarhDelhi)
250.000 km2
(97.000 dặm vuông Anh)
20 Phó thống đốc
tỉnh Thống nhất
(Uttar PradeshUttarakhand)
280.000 km2
(110.000 dặm vuông Anh)
48 Phó thống đốc

Trong thời kỳ phân chia Bengal (1905–1913), các tỉnh mới Assam và Đông Bengal được thành lập với tư cách là do phó thống đốc cai quản. Vào năm 1911, Đông Bengal được tái thống nhất với Bengal, và các tỉnh mới ở phía đông là Assam, Bengal, Bihar và Orissa.[135]

Các tỉnh nhỏ sửa

Ngoài ra, có một số tỉnh nhỏ do ủy viên trưởng quản lý.:[136]

Tỉnh nhỏ của Ấn Độ thuộc Anh
(và lãnh thổ ngày nay)
Tổng diện tích bằng km2
(sq mi)
Dân số năm 1901
(nghìn)
Lãnh đạo
hành chính
Ajmer-Merwara
(một phần của Rajasthan)
7.000
(2.700)
477 Uỷ viên trưởng mặc nhiên
Quần đảo Andaman và Nicobar
(Quần đảo Andaman và Nicobar)
78.000
(30.000)
25 Uỷ viên trưởng
Baluchistan thuộc Anh
(Balochistan)
120.000
(46.000)
308 Uỷ viên trưởng mặc nhiên
Coorg
(huyện Kodagu)
4.100
(1.600)
181 Uỷ viên trưởng mặc nhiên
tỉnh Biên giới Tây-Bắc
(Khyber Pakhtunkhwa)
41.000
(16.000)
2.125 Uỷ viên trưởng

Phiên vương quốc sửa

Một phiên vương quốc (princely state), còn gọi là một quốc gia bản địa (native state) hoặc một quốc gia Ấn Độ (Indian state), là một quốc gia chư hầu của Anh tại Ấn Độ, trên danh nghĩa có một quân chủ là người bản địa, tuân theo liên minh phụ thuộc.[137] Có 565 phiên vương quốc khi Ấn Độ và Pakistan độc lập khỏi Anh vào tháng 8 năm 1947. Họ không phải là một phần của Ấn Độ thuộc Anh (tức là các tỉnh), vì chúng không do Anh cai trị trực tiếp. Những phiên vương quốc lớn có các hiệp ước với Anh quy định các quyền lợi của các vương công; nhưng vương công tại những phiên vương quốc nhỏ có ít quyền lợi. Anh kiểm soát các vấn đề đối ngoại, quốc phòng và hầu hết thông tin liên lạc của các phiên vương quốc. Anh cũng tạo ảnh hưởng về tổng thể đối với hoạt động nội chính của các phiên vương quốc, một phần là thông qua việc cấp hoặc từ chối công nhận các cá nhân cai trị. Mặc dù có gần 600 phiên vương quốc, nhưng đại đa số đều rất nhỏ và giao công việc quản lý chính phủ cho người Anh. Khoảng hai trăm phiên vương quốc có diện tích nhỏ hơn 25 kilômét vuông (10 dặm vuông Anh).[137] Dấu tích cuối cùng của Đế quốc Mughal tại Delhi nằm dưới thẩm quyền của Công ty từ trước khi Raj thuộc Anh ra đời, họ cuối cùng bị bãi bỏ và tịch biên do ủng hộ Khởi nghĩa 1857.[138][139]

Các phiên vương quốc được nhóm lại thành các đại lý (agency) và phủ thống sứ (residency).

Tổ chức sửa

 
Charles Wood (1800–1885) định hình chính sách giáo dục của Anh tại Ấn Độ và là Quốc vụ khanh Ấn Độ từ năm 1859 đến năm 1866.

Sau Khởi nghĩa Ấn Độ 1857 (thường được người Anh gọi là Cuộc binh biến Ấn Độ), Đạo luật Chính phủ Ấn Độ 1858 thực hiện những thay đổi trong việc cai trị Ấn Độ ở ba cấp độ:

  1. trong chính phủ đế quốc tại London,
  2. trong chính phủ trung ương tại Calcutta,
  3. trong chính quyền cấp tỉnh (presidency và sau là province).[140]

Theo đó, tại London lập ra một quốc vụ khanh về Ấn Độ có cấp bậc nội các và Hội đồng Ấn Độ gồm 15 thành viên, và các thành viên này được yêu cầu phải phải có ít nhất 10 năm kinh nghiệm tại Ấn Độ, và đạt được điều kiện này không quá mười năm trước.[141] Quốc vụ khanh (secretary of state) là người xây dựng các chỉ dẫn về chính sách để truyền đạt tới Ấn Độ, nhưng trong hầu hết các trường hợp, ông vẫn được yêu cầu phải tham vấn ý kiến của Hội đồng, đặc biệt là trong các vấn đề liên quan đến chi tiêu ngân sách của Ấn Độ. Đạo luật vạch ra một hệ thống "chính phủ kép", theo đó Hội đồng sẽ đóng vai trò vừa là cơ quan kiểm soát những sự thái quá trong việc hoạch định chính sách của đế quốc và vừa là cơ quan có kiến thức chuyên môn cập nhật về Ấn Độ. Tuy nhiên, quốc vụ khanh cũng có quyền lực khẩn cấp đặc biệt cho phép ông đưa ra các quyết định đơn phương, và trên thực tế ý kiến chuyên môn của Hội đồng đôi khi bị lỗi thời.[142] Từ năm 1858 đến năm 1947, có 27 cá nhân giữ chức quốc vụ khanh của Ấn Độ và chỉ đạo Văn phòng Ấn Độ; một số người trong đó là: Charles Wood (1859–1866), Hầu tước Salisbury (1874–1878; sau là thủ tướng Anh), John Morley (1905–1910; người khởi xướng Cải cách Minto–Morley), E. S. Montagu (1917–1922; kiến trúc sư của Cải cách Montagu–Chelmsford), và Frederick Pethick-Lawrence (1945–1947; người đứng đầu Phái đoàn Nội các tới Ấn Độ 1946). Quy mô của Hội đồng Cố vấn giảm đi trong nửa thế kỷ tiếp theo, nhưng quyền lực của họ vẫn không thay đổi. Năm 1907, lần đầu tiên có hai người Ấn Độ được bổ nhiệm vào Hội đồng.[143]

 
Huân tước Canning là vị Toàn quyền Ấn Độ dưới thời Công ty cai trị và là phó vương Ấn Độ đầu tiên dưới thời quân chủ cai trị
 
Huân tước SalisburyQuốc vụ khanh Ấn Độ từ 1874 đến 1878.

Tại Calcutta, toàn quyền vẫn là người đứng đầu Chính phủ Ấn Độ, và lúc này ông thường được gọi là phó vương vì ông có vai trò thứ yếu là đại diện của Quân chủ đối với các phiên vương quốc có chủ quyền trên danh nghĩa. Tuy nhiên, bây giờ ông chịu trách nhiệm trước quốc vụ khanh tại London và thông qua người này là trước Quốc hội. Một hệ thống "chính phủ kép" từng được áp dụng trong thời kỳ Công ty Đông Ấn cai trị Ấn Độ kể từ Đạo luật Ấn Độ 1784 của Pitt. Toàn quyền tại thủ đô Calcutta và thống đốc trong mỗi tỉnh (Madras hoặc Bombay) đều được yêu cầu tham vấn ý kiến hội đồng cố vấn của mình; chẳng hạn, các lệnh hành pháp tại Calcutta được ban hành dưới danh nghĩa "Toàn quyền trong Hội đồng" (Governor-General-in-Council, tức là Toàn quyền với sự cố vấn của Hội đồng). Hệ thống "chính phủ kép" của Công ty bị chỉ trích, do từ khi hệ thống này ra đời đã có mối thù cách quãng giữa Toàn quyền và Hội đồng của ông ta. Tuy nhiên, Đạo luật năm 1858 không tạo ra những thay đổi lớn trong quản trị.[143] Tuy nhiên, trong những năm ngay sau đó, cũng là những năm tái thiết sau cuộc khởi nghĩa, Phó vương là Huân tước Canning nhận thấy việc ra quyết định tập thể của Hội đồng quá tốn thời gian trước các công việc cấp bách, vì vậy ông đã yêu cầu "hệ thống bộ trưởng" của một hội đồng hành pháp, trong đó công việc của mỗi bộ được giao cho và trở thành trách nhiệm của một thành viên hội đồng duy nhất.[143] Các quyết định thông thường của bộ được thành viên này tự mình đưa ra, nhưng những quyết định quan trọng cần có sự đồng thuận của toàn quyền, và nếu không có sự đồng ý đó thì cần phải có sự thảo luận của toàn thể Hội đồng hành pháp. Bước đổi mới này trong việc quản trị Ấn Độ được ban hành trong Đạo luật Các hội đồng Ấn Độ 1861.

Nếu Chính phủ Ấn Độ cần ban hành luật mới, Đạo luật Các hội đồng cho phép thành lập một Hội đồng Lập pháp - mở rộng Hội đồng Hành pháp với tối đa 12 thành viên bổ sung, mỗi thành viên được bổ nhiệm với nhiệm kỳ hai năm - với một nửa số thành viên là các quan chức chính phủ người Anh (được gọi là "chính thức") và được phép bỏ phiếu, và nửa còn lại bao gồm người Ấn Độ và người Anh cư trú tại Ấn Độ (được gọi là không chính thức) và chỉ giữ tư cách cố vấn.[144] Tất cả các luật do hội đồng lập pháp tại Ấn Độ ban hành, cho dù là Hội đồng Lập pháp Đế quốc tại Calcutta hay là cấp tỉnh tại Madras và Bombay, đều bắt buộc phải được quốc vụ khanh tại London phê chuẩn cuối cùng; điều này khiến quốc vụ khanh thứ hai là Charles Wood mô tả Chính phủ Ấn Độ là "một chế độ chuyên quyền được kiểm soát từ mẫu quốc".[143] Việc bổ nhiệm người Ấn Độ vào Hội đồng Lập pháp là để ứng phó với các yêu cầu sau cuộc khởi nghĩa năm 1857, đáng chú ý nhất là từ Sayyid Ahmad Khan, nhằm tham vấn nhiều hơn với người Ấn Độ, tuy nhiên những người Ấn Độ được bổ nhiệm đều thuộc tầng lớp quý tộc địa chủ, thường được chọn vì lòng trung thành của họ, và không mang tính đại diện.[145] Mặc dù vậy, "...  những tiến bộ nhỏ trong việc thực hiện chính phủ đại diện là nhằm mục đích cung cấp van an toàn cho việc bày tỏ quan điểm của công chúng, vốn đã bị đánh giá sai lầm nghiêm trọng trước cuộc khởi nghĩa".[146] Các vấn đề của Ấn Độ giờ đây cũng được xem xét kỹ lưỡng hơn trong Quốc hội Anh và được thảo luận rộng rãi hơn trên báo chí Anh.[147]

Khi Đạo luật Chính phủ Ấn Độ 1935 được ban hành, Hội đồng Ấn Độ bị bãi bỏ, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 4 năm 1937, và một hệ thống chính phủ sửa đổi được ban hành. Quốc vụ khanh Ấn Độ đại diện cho Chính phủ Ấn Độ tại Anh. Một nhóm cố vấn với số lượng từ 8–12 cá nhân hỗ trợ cho ông, ít nhất một nửa trong số họ phải từng giữ chức vụ tại Ấn Độ tối thiểu 10 năm và đã thôi chức trên hai năm trước khi được bổ nhiệm làm cố vấn cho quốc vụ khanh.[148]

Phó vương và Toàn quyền Ấn Độ là một người do quân chủ bổ nhiệm, thường giữ chức vụ trong 5 năm mặc dù không có nhiệm kỳ cố định, và nhận mức lương hàng năm là 250.800 rupee một năm (18.810 bảng).[148][149] Ông đứng đầu một Hội đồng Hành chính của Phó vương và mỗi thành viên trong đó chịu trách nhiệm về một bộ của chính phủ trung ương. Chức vụ Toàn quyền Hội đồng do phó vương và toàn quyền đồng thời nắm giữ, với tư cách là đại diện cho quân chủ trong mối quan hệ với các phiên vương quốc Ấn Độ. Từ ngày 1 tháng 4 năm 1937, chức vụ này được thay thế bằng "Đại diện của Bệ hạ về việc thực hiện các chức năng của Quân chủ trong quan hệ với các phiên vương quốc Ấn Độ", hoặc "Đại diện quân chủ". Hội đồng hành chính được mở rộng đáng kể trong Chiến tranh thế giới thứ hai, và đến năm 1947 bao gồm 14 thành viên (bộ trưởng), mỗi người trong số họ kiếm được mức lương là 66.000 rupee mỗi năm (4.950 bảng). Các chức vụ bộ trưởng trong giai đoạn 1946–1947 là:

  • Quan hệ đối ngoại và thịnh vượng chung
  • Nội vụ và Thông tin và Phát sóng
  • Thực phẩm và vận chuyển
  • Giao thông và đường sắt
  • Lao động
  • Công nghiệp và Vật tư
  • Công trình, Mỏ và Điện
  • Giáo dục
  • Phòng thủ
  • Tài chính
  • Thương nghiệp
  • Truyền thông
  • Y tế
  • Tư pháp

Từ năm 1946 về trước, phó vương nắm giữ chức vụ bộ trưởng phụ trách quan hệ đối ngoại và thịnh vượng chung, đồng thời đứng đầu Bộ Chính trị với tư cách là đại diện của Quân chủ. Mỗi bộ do một bộ trưởng (secretary) lãnh đạo, riêng Bộ Đường sắt do một ủy viên trưởng đường sắt (Chief Commissioner of Railways) đứng đầu và dưới quyền một bộ trưởng.[150]

Phó vương và toàn quyền cũng là người đứng đầu Cơ quan lập pháp lưỡng viện của Ấn Độ, bao gồm thượng viện (Hội đồng Nhà nước, Council of State) và hạ viện (Đại hội lập pháp, Legislative Assembly). Phó vương là người đứng đầu Hội đồng Nhà nước, trong khi Đại hội Lập pháp được thành lập lần đầu vào năm 1921 và đứng đầu là một chủ tịch được bầu cử (do Phó vương bổ nhiệm từ năm 1921 đến năm 1925). Hội đồng Nhà nước bao gồm 58 thành viên (32 người được bầu, 26 người được đề cử), trong khi Đại hội Lập pháp bao gồm 141 thành viên (26 quan chức được đề cử, 13 người khác được đề cử và 102 người được bầu). Hội đồng Nhà nước có nhiệm kì 5 năm và Đại hội Lập pháp có nhiệm kỳ 3 năm, nhưng Phó vương có thể giải tán sớm hơn hoặc muộn hơn. Cơ quan lập pháp Ấn Độ được trao quyền ban hành luật cho tất cả những người cư trú tại Ấn Độ thuộc Anh, bao gồm tất cả các thần dân Anh cư trú tại Ấn Độ, và cho tất cả thần dân Ấn Độ thuộc Anh cư trú bên ngoài Ấn Độ. Nếu như được đồng thuận từ Quốc vương-Hoàng đế và sau khi các bản sao của đạo luật được đề xuất đã được đệ trình lên cả hai viện của Quốc hội Anh, Phó vương có thể gạt bỏ cơ quan lập pháp và trực tiếp ban hành bất kỳ biện pháp nào vì lợi ích được cho là của Ấn Độ thuộc Anh hoặc cư dân nơi đây nếu nảy sinh nhu cầu.[151]

Đạo luật Chính phủ Ấn Độ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 4 năm 1936, theo đó thành lập các tỉnh mới là Sind (tách khỏi tỉnh Bombay) và Orissa (tách khỏi tỉnh Bihar và Orissa). Miến Điện và Aden trở thành thuộc địa riêng biệt theo đạo luật này từ ngày 1 tháng 4 năm 1937, do đó không còn là một phần của Đế quốc Ấn Độ. Từ năm 1937 trở đi, Ấn Độ thuộc Anh được chia thành 17 đơn vị hành chính: ba tỉnh (presidency) Madras, Bombay và Bengal, và 14 tỉnh (province) là tỉnh Thống nhất, Punjab, Bihar, tỉnh Trung bộ và Berar, Assam, tỉnh Biên giới Tây-Bắc ( NWFP), Orissa, Sind, Baluchistan thuộc Anh, Delhi, Ajmer-Merwara, Coorg, Quần đảo Andaman và Nicobar và Panth Piploda. Các presidency và tám province đầu tiên nằm dưới quyền một thống đốc (governor), trong khi sáu province sau cùng do một ủy viên trưởng (chief commissioner) cai quản. Phó vương trực tiếp quản lý các tỉnh có ủy viên trưởng thông qua ủy viên trưởng tương ứng, trong khi các tỉnh dưới quyền thống đốc được phép tự trị nhiều hơn theo Đạo luật Chính phủ Ấn Độ.[152][153] Các tỉnh do thống đốc đứng đầu có cơ quan lập pháp lưỡng viện cấp tỉnh (tại các presidency, tỉnh Thống nhất, Bihar và Assam) hoặc cơ quan lập pháp đơn viện (tại Punjab, tỉnh Trung bộ và Berar, tỉnh Biên giới Tây-Bắc, Orissa và Sind). Thống đốc của mỗi presidency hoặc province đại diện cho Quân chủ và được các bộ trưởng (minister) hỗ trợ, những người này được bổ nhiệm từ các thành viên trong cơ quan lập pháp cấp tỉnh. Mỗi cơ quan lập pháp cấp tỉnh có nhiệm kỳ 5 năm, trừ những trường hợp đặc biệt như điều kiện thời chiến. Tất cả các dự luật được cơ quan lập pháp cấp tỉnh thông qua đều được thống đốc ký hoặc bác bỏ, người này cũng có thể ban hành các tuyên bố hoặc ban hành sắc lệnh trong khi cơ quan lập pháp tạm nghỉ, khi có nhu cầu.[153]

Mỗi tỉnh bao gồm một số phân khu (division), mỗi phân khu do một ủy viên (commissioner) đứng đầu và được chia thành các huyện (district). Huyện là các đơn vị hành chính cơ bản, và đứng đầu mỗi huyện là một quan chấp hành (magistrate), quan thu thuế (collector) hoặc phó ủy viên (deputy commissioner); năm 1947, Ấn Độ thuộc Anh bao gồm 230 huyện.[153]

Hệ thống pháp luật sửa

 
Xe voi của Maharaja (đại vương) xứ Rewa, tại Delhi Durbar năm 1903

Radhika Singha lập luận rằng sau năm 1857, chính phủ thuộc địa đã củng cố và mở rộng cơ sở hạ tầng thông qua hệ thống tòa án, thủ tục pháp lý và các đạo luật. Luật mới hợp nhất các tòa án của Quân chủ và của Công ty Đông Ấn Anh cũ, và ban hành một bộ luật hình sự mới cũng như các bộ luật tố tụng dân sự và hình sự mới, chủ yếu dựa trên luật pháp Anh. Trong những năm 1860–1880, Raj thiết lập việc đăng ký bắt buộc về khai sinh, khai tử và kết hôn, cũng như việc nhận con nuôi, chứng thư tài sản và di chúc. Mục tiêu là tạo ra một hồ sơ công chúng ổn định và có thể sử dụng được, và có thể xác minh danh tính. Tuy nhiên, các thành phần Hồi giáo và Ấn Độ giáo đều có phản đối, họ phàn nàn rằng các thủ tục mới về điều tra dân số và đăng ký có nguy cơ làm lộ quyền riêng tư của phụ nữ. Phong tục Purdah quy định cấm chỉ phụ nữ nói tên chồng hoặc chụp ảnh. Một cuộc điều tra dân số trên toàn Ấn Độ được tiến hành từ năm 1868 đến năm 1871, thường sử dụng tổng số nữ giới trong một hộ gia đình thay vì tên cá nhân. Các nhà cải cách của Raj muốn theo dõi về mặt thống kê các nhóm được cho là thực hiện giết trẻ sơ sinh nữ, gái mại dâm, người bệnh phong và hoạn quan.[154]

Murshid lập luận rằng ở một khía cạnh nào đó, phụ nữ bị hạn chế hơn do quá trình hiện đại hóa luật pháp. Họ vẫn bị ràng buộc bởi những quy định khắt khe về tôn giáo, đẳng cấp và phong tục của mình, nhưng giờ đây lại bị phủ lên các quan điểm của thời Victoria tại Anh. Quyền thừa kế về sở hữu và quản lý tài sản của họ bị hạn chế; luật mới của Anh có phần còn khắc nghiệt hơn. Các phán quyết của tòa án hạn chế quyền lợi của người vợ thứ hai và con của họ về quyền thừa kế. Người phụ nữ phải thuộc về cha hoặc chồng thì mới có bất kỳ quyền nào.[155]

Kinh tế sửa

Xu hướng kinh tế sửa

 
Một đồng vàng Mohur mô tả Nữ vương Victoria (1862)

Tỷ trọng GDP toàn cầu của Ấn Độ đã giảm mạnh từ trên 20% xuống dưới 5% trong thời kỳ thuộc địa.[156] Các nhà sử học bị chia rẽ gay gắt về các vấn đề lịch sử kinh tế, khi trường phái Dân tộc chủ nghĩa (theo sau Nehru) cho rằng Ấn Độ vào thời kỳ cuối do Anh cai trị nghèo hơn so với thời kỳ đầu, và sự bần cùng hóa này xảy ra là do người Anh.[157]

Mike Davis viết rằng phần lớn hoạt động kinh tế tại Ấn Độ thuộc Anh là vì lợi ích của nền kinh tế Anh, và được thực hiện không ngừng nghỉ thông qua các chính sách đàn áp kiểu đế quốc của Anh, gây ra những hậu quả tiêu cực cho người dân Ấn Độ. Điều này được cụ thể hoá qua việc Ấn Độ xuất khẩu một lượng lớn lúa mì sang Anh: Mặc dù nạn đói lớn cướp đi sinh mạng của từ 6 đến 10 triệu người vào cuối thập niên 1870, nhưng những hoạt động xuất khẩu này vẫn không bị cản trở. Chính phủ thuộc địa cam kết thực hiện nền kinh tế tự vận hành, và đã từ chối can thiệp vào hoạt động xuất khẩu này hoặc cung cấp bất kỳ biện pháp cứu trợ nào.[158]

Công nghiệp sửa

Công ty Đông Ấn Anh mất địa vị độc quyền nhà nước vào năm 1813, sau đó lượng hàng hóa Anh được nhập khẩu vào Ấn Độ tăng lên đột ngột, bao gồm dệt may thành phẩm. Chẳng hạn từ khoảng 1 triệu yard vải bông năm 1814 lên 13 triệu vào năm 1820, 995 triệu vào năm 1870, lên 2.050 triệu vào năm 1890. Người Anh áp đặt "thương mại tự do" lên Ấn Độ, trong khi châu Âu lục địa và Hoa Kỳ dựng lên hàng rào thuế quan khắc nghiệt là từ 30% đến 70% đối với việc nhập khẩu sợi bông hoặc cấm hoàn toàn. Do kết quả của hàng nhập khẩu giá rẻ từ một nước Anh công nghiệp hóa hơn, lĩnh vực công nghiệp quan trọng nhất của Ấn Độ là ngành dệt bị thu hẹp. Chẳng hạn như trong giai đoạn 1870–1880, các nhà sản xuất Ấn Độ chỉ sản xuất được 25%–45% lượng tiêu thụ của địa phương. Quá trình phi công nghiệp hóa ngành công nghiệp sắt của Ấn Độ thậm chí còn diễn ra sâu rộng hơn trong thời kỳ này.[159]

Doanh nhân Jamsetji Tata bắt đầu sự nghiệp công nghiệp của mình vào năm 1877 với Công ty Xe chỉ, Dệt và Sản xuất Central India tại Bombay. Trong khi các nhà máy khác của Ấn Độ sản xuất sợi thô giá rẻ (và sau này là vải) sử dụng bông sợi ngắn địa phương và máy móc giá rẻ nhập khẩu từ Anh, Tata đã làm tốt hơn nhiều bằng cách nhập khẩu bông sợi dài đắt tiền từ Ai Cập và mua máy móc trục vòng phức tạp hơn từ Hoa Kỳ, để xe được sợi mịn hơn có thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ Anh.[160]

Vào thập niên 1890, ông đưa ra kế hoạch chuyển sang ngành công nghiệp nặng bằng nguồn vốn của Ấn Độ. Chế độ Raj không cung cấp vốn, nhưng nhận thức được vị thế ngày càng suy giảm của Anh so với Hoa Kỳ và Đức trong ngành thép, họ muốn có các nhà máy thép tại Ấn Độ. Họ hứa sẽ mua bất kỳ lượng thép dư thừa nào mà Tata không thể bán được.[161]

Dưới quyền Dorabji Tata, Công ty Gang thép Tata (TISCO) bắt đầu xây dựng nhà máy tại Jamshedpur thuộc Bihar vào năm 1908, sử dụng công nghệ của Hoa Kỳ chứ không phải của Anh.[162] Theo "Từ điển Tiểu sử quốc gia Oxford", TISCO trở thành nhà sản xuất gang thép hàng đầu tại Ấn Độ và là "biểu tượng của kỹ năng kỹ thuật, năng lực quản lý và sự tinh tế trong kinh doanh của Ấn Độ".[160] Giống như hầu hết các doanh nhân lớn của Ấn Độ, gia đình Tata là những người theo chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ, nhưng họ không tin tưởng vào Đảng Quốc đại vì thấy Đảng này có vẻ quá thù địch với chế độ Raj, quá theo chủ nghĩa xã hội và quá ủng hộ các công đoàn..[163]

Đường sắt sửa

 
Mạng lưới đường sắt của Ấn Độ vào năm 1871, tất cả các thành phố lớn là Calcutta, Bombay và Madras, Delhi, đều được kết nối.
 
Mạng lưới đường sắt của Ấn Độ vào năm 1909, khi đó là mạng lưới đường sắt lớn thứ tư trên thế giới
 
"Nhà ga tàu hoả tráng lệ nhất thế giới", chú thích của bức tranh du lịch lập thể về ga cuối Victoria, Bombay, được hoàn thành vào năm 1888.

Ấn Độ đã xây dựng hệ thống đường sắt hiện đại vào cuối thế kỷ 19, hệ thống này lớn thứ tư trên thế giới. Lúc đầu, đường sắt do tư nhân sở hữu và vận hành. Chúng được vận hành bởi các quản trị viên, kỹ sư và thợ thủ công người Anh. Lúc đầu chỉ có công nhân phổ thông là người Ấn Độ.[164]

Công ty Đông Ấn Anh (và sau này là chính phủ thuộc địa) khuyến khích các công ty đường sắt mới của các nhà đầu tư tư nhân, với kế hoạch cung cấp đất và đảm bảo lợi nhuận hàng năm lên tới 5% trong những năm đầu hoạt động. Các công ty phải xây dựng và vận hành các tuyến đường theo hợp đồng thuê 99 năm, nhưng chính phủ có quyền mua lại chúng sớm hơn.[165] Hai công ty đường sắt mới, Great Indian Peninsular Railway (GIPR) và East Indian Railway Company (EIR) bắt đầu xây dựng và vận hành các tuyến gần Bombay và Calcutta vào năm 1853–54. Tuyến đường sắt chở khách đầu tiên tại Bắc Ấn Độ được khai trương vào năm 1859, giữa Allahabad và Kanpur. Cuối cùng, năm công ty của Anh đã sở hữu toàn bộ hoạt động kinh doanh đường sắt tại Ấn Độ,[166] và vận hành theo một kế hoạch tối đa hóa lợi nhuận.[167] Hơn nữa, không có quy định nào của chính phủ đối với các công ty này.[166]

Năm 1854, Toàn quyền Huân tước Dalhousie đã xây dựng kế hoạch xây dựng một mạng lưới các tuyến đường sắt trục chính nối các khu vực chính của Ấn Độ. Được khuyến khích từ sự bảo lãnh của chính phủ, dòng vốn đầu tư đổ vào và hàng loạt công ty đường sắt mới được thành lập, dẫn đến việc mở rộng nhanh chóng hệ thống đường sắt tại Ấn Độ.[168] Không lâu sau, một số phiên vương quốc lớn đã xây dựng hệ thống đường sắt của riêng họ, và mạng lưới đường sắt lan rộng đến các khu vực mà nay thuộc các bang Assam, RajasthanAndhra Pradesh. Tổng chiều dài của mạng lưới này tăng từ 1.349 đến 25.495 kilômét (838 đến 15.842 mi) trong khoảng thời gian từ 1860 đến 1890, chủ yếu tỏa vào nội lục từ ba thành phố cảng lớn là Bombay, Madras và Calcutta.[169]

Sau Khởi nghĩa Sepoy năm 1857, và sau đó là Quân chủ cai trị Ấn Độ, đường sắt được cho là công cụ phòng thủ chiến lược của người châu Âu, cho phép quân đội di chuyển nhanh chóng để khuất phục những bất ổn từ người bản địa và bảo vệ người Anh.[170] Do đó, đường sắt đóng vai trò giống như một công cụ của chính quyền thuộc địa để kiểm soát Ấn Độ vì chúng là "một công cụ chiến lược, phòng thủ, chinh phục và hành chính thiết yếu" cho Dự án Đế quốc.[171]

Hầu hết việc xây dựng đường sắt là do các công ty Ấn Độ thực hiện và do các kỹ sư người Anh giám sát.[172] Hệ thống này được xây dựng rất chắc chắn, sử dụng khổ rộng, đường ray chắc chắn và cầu vững chắc. Đến năm 1900, Ấn Độ đã có đầy đủ các dịch vụ đường sắt với quyền sở hữu và quản lý đa dạng, hoạt động trên các mạng lưới khổ rộng, khổ mét và khổ hẹp. Năm 1900, chính phủ tiếp quản mạng lưới của GIPR, nhưng công ty tiếp tục quản lý nó.[172] Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, đường sắt được sử dụng để vận chuyển quân đội và ngũ cốc đến các cảng Bombay và Karachi trên đường đến Anh, Lưỡng HàĐông Phi. Do hạn chế trong vận chuyển thiết bị và phụ tùng từ Anh, việc bảo trì trở nên khó khăn hơn nhiều; các công nhân trọng yếu nhập ngũ; các xưởng được chuyển sang chế tạo đạn dược; trong khi đầu máy xe lửa, toa xe và đường ray của toàn bộ một số tuyến đã được chuyển đến Trung Đông. Đường sắt khó có thể theo kịp nhu cầu ngày càng tăng.[173] Đến cuối chiến tranh, đường sắt đã xuống cấp vì thiếu bảo trì và không có lợi nhuận. Năm 1923, cả GIPR và EIR đều được quốc hữu hóa.[174][175]

Headrick chỉ ra rằng cho đến thập niên 1930, cả tuyến của Raj và của các công ty tư nhân đều chỉ thuê các giám sát viên, kỹ sư xây dựng và thậm chí cả nhân viên vận hành là người châu Âu, chẳng hạn như kỹ sư đầu máy. Công việc lao động chân tay nặng nhọc được giao lại cho người Ấn Độ. Chính quyền thuộc địa chủ yếu quan tâm đến phúc lợi của người lao động châu Âu, và bất kỳ cái chết nào của người Ấn Độ đều "bị bỏ qua hoặc chỉ được nhắc đến như một con số thống kê lạnh lùng."[176][177] Chính sách của chính phủ yêu cầu việc đấu thầu các hợp đồng đường sắt phải được thực hiện tại Văn phòng Ấn Độ tại London, do vậy loại trừ hầu hết các công ty Ấn Độ.[175] Các công ty đường sắt mua hầu hết phần cứng và phụ tùng của họ tại Anh. Ấn Độ có các xưởng bảo trì đường sắt, nhưng hiếm khi được phép sản xuất hoặc sửa chữa đầu máy xe lửa.[178]

Ấn Độ là một ví dụ về việc Đế quốc Anh đổ tiền và chuyên môn của mình vào một hệ thống được xây dựng rất tốt, được thiết kế cho mục đích quân sự (sau Khởi nghĩa năm 1857), với hy vọng rằng nó sẽ kích thích ngành công nghiệp. Hệ thống này được xây dựng quá mức và quá đắt so với lượng hàng hóa nhỏ được vận chuyển. Christensen (1996) kết luận rằng việc biến đường sắt trở thành một công cụ của nhà nước đã cản trở sự thành công, chi phí đường sắt không thể được điều chỉnh theo nhu cầu đương đại của đường sắt hoặc hành khách.[179]

Thủy lợi sửa

Raj thuộc Anh đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng, bao gồm kênh rạch và hệ thống thủy lợi.[180] Kênh sông Hằng dài tới 560 kilômét (350 dặm) từ Haridwar đến Cawnpore (nay là Kanpur), và cung cấp nước cho hàng nghìn km kênh phân phối. Đến năm 1900, Raj có hệ thống thủy lợi lớn nhất thế giới. Một câu chuyện thành công là Assam, từng là một vùng rừng rậm vào năm 1840 nhưng đến năm 1900 đã có 1.600.000 hécta (4.000.000 mẫu Anh) đất canh tác, đặc biệt là các đồn điền chè. Tổng cộng, lượng đất được tưới tăng gấp 8 lần. Nhà sử học David Gilmour nói:[181]

Đến thập niên 1870, nông dân tại các huyện được kênh sông Hằng tưới tiêu rõ ràng được hưởng điều kiện ăn, ở và mặc tốt hơn trước; vào cuối thế kỷ, mạng lưới kênh mới tại Punjab tạo ra một tầng lớp nông dân thậm chí còn thịnh vượng hơn.

Chính sách sửa

 
Công binh và lính đánh mìn Madras của Nữ vương, 1896

Trong nửa sau của thế kỷ 19, do Quân chủ Anh cai trị trực tiếp Ấn Độ và do thay đổi công nghệ từ cách mạng công nghiệp, nền kinh tế của Ấn Độ và Anh được gắn kết chặt chẽ.[182] Trên thực tế, nhiều thay đổi lớn trong giao thông vận tải và thông tin liên lạc (thường bị gắn với thời quân chủ cai trị Ấn Độ) được bắt đầu từ trước Khởi nghĩa. Do Dalhousie đón nhận cuộc cách mạng công nghệ đang diễn ra tại Anh, Ấn Độ cũng chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của tất cả những công nghệ đó. Đường sắt, đường bộ, kênh mương và cầu được xây dựng nhanh chóng tại Ấn Độ, và các đường dây điện báo cũng được thiết lập nhanh chóng, để nguyên liệu thô, chẳng hạn như bông, từ nội địa Ấn Độ có thể được vận chuyển hiệu quả hơn đến các cảng như Bombay để xuất khẩu sang Anh.[183] Tương tự như vậy, hàng hóa thành phẩm từ Anh cũng được vận chuyển trở lại một cách hiệu quả để bán tại thị trường Ấn Độ đang phát triển. Các dự án đường sắt lớn được bắt đầu một cách nghiêm túc, và các công việc chính phủ trong ngành đường sắt thu hút một số lượng lớn người theo đạo Hindu thuộc đẳng cấp cao tham gia. Công vụ Ấn Độ có uy tín và được trả lương cao, và duy trì trung lập về mặt chính trị.[184] Nhập khẩu vải bông từ Anh chiếm hơn một nửa thị trường Ấn Độ vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.[185] Đến thập niên 1850, các nhà máy bông đầu tiên được mở tại Bombay, đặt ra thách thức đối với hệ thống sản xuất tại nhà dựa vào lao động gia đình.[186]

Đối với hầu hết dân số Ấn Độ, thuế tại Ấn Độ giảm trong thời kỳ thuộc địa; khi thu thuế đất chiếm 15% thu nhập quốc dân của Ấn Độ trong thời kỳ Mughal, so với 1% vào cuối thời kỳ thuộc địa. Tỷ lệ thu nhập quốc dân của nền kinh tế làng xã tăng từ 44% trong thời kỳ Mughal lên 54% vào cuối thời kỳ thuộc địa. Theo giá năm 1990, GDP bình quân đầu người của Ấn Độ giảm từ 550 đô la vào năm 1700 xuống còn 520 đô la vào năm 1857, nhưng sau đó tăng lên 618 đô la vào năm 1947.[187]

Tác động kinh tế sửa

Các nhà sử học tiếp tục tranh luận liệu mục đích lâu dài của việc người Anh cai trị là để thúc đẩy sự phát triển kinh tế của Ấn Độ, hay để bóp méo và trì hoãn nó. Năm 1780, chính trị gia bảo thủ người Anh Edmund Burke nêu vấn đề về lập trường đối với Ấn Độ: Ông kịch liệt công kích Công ty Đông Ấn Anh, tuyên bố rằng Warren Hastings và các quan chức hàng đầu khác đã hủy hoại nền kinh tế và xã hội Ấn Độ. Nhà sử học Ấn Độ Rajat Kanta Ray (1998) tiếp tục đường lối công kích này, cho rằng nền kinh tế mới do người Anh mang lại vào thế kỷ 18 là một hình thức "cướp bóc" và là một thảm họa đối với nền kinh tế truyền thống của Đế quốc Mughal.[188] Ray cáo buộc người Anh làm cạn kiệt nguồn lương thực và tiền tệ cũng như áp đặt thuế cao, góp phần gây ra nạn đói Bengal 1770 khủng khiếp, khiến một phần ba người dân Bengal thiệt mạng.[189]

P. J. Marshall cho rằng nghiên cứu học thuật gần đây đã diễn giải lại quan điểm cho rằng sự thịnh vượng dưới thời Mughal trước đây đã nhường chỗ cho nghèo đói và hỗn loạn.[190] Ông lập luận rằng việc người Anh tiếp quản Ấn Độ không tạo ra bất kỳ sự đột phá nào so với quá khứ. Người Anh trao phần lớn quyền kiểm soát cho những người cai trị Mughal cấp khu vực, và duy trì một nền kinh tế nhìn chung là thịnh vượng trong suốt phần còn lại của thế kỷ 18. Marshall lưu ý rằng người Anh hợp tác với các chủ ngân hàng Ấn Độ và tăng nguồn thu thuế thông qua các cơ quan quản lý thuế địa phương và giữ nguyên mức thuế cũ thời Mughal.

Công ty Đông Ấn Anh thừa hưởng một hệ thống thuế nặng nề chiếm tới 1/3 sản phẩm của những người trồng trọt Ấn Độ.[188] Chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ vốn cho người Anh là những kẻ xâm lược ngoại bang, đoạt quyền bằng vũ lực và làm bần cùng hóa toàn bộ Ấn Độ, nhưng Marshall trình bày cách giải thích (được nhiều học giả tại Ấn Độ và phương Tây ủng hộ) rằng người Anh không có toàn quyền kiểm soát, mà thay vào đó họ là những người chơi trong một trò chơi chủ yếu là của người Ấn Độ, trong đó việc họ vươn lên nắm quyền phụ thuộc vào sự hợp tác với giới tinh hoa Ấn Độ.[190] Marshall thừa nhận rằng phần lớn những điều trong cách giải thích của ông vẫn còn gây nhiều tranh cãi trong giới sử học.[191]

Nhân khẩu sửa

 
Cuộc điều tra nhân khẩu năm 1921 tại Raj thuộc Anh cho thấy có 69 triệu người theo đạo Hồi và 217 triệu người theo đạo Hindu trên tổng dân số là 316 triệu người.

Năm 1600, dân số tại lãnh thổ sau này trở thành Raj thuộc Anh là 100 triệu người, và con số này gần như không thay đổi cho đến thế kỷ 19. Dân số Raj đạt 255 triệu theo cuộc điều tra nhân khẩu đầu tiên tại Ấn Độ được thực hiện vào năm 1881.[192][193][194][195]

Các nghiên cứu về dân số Ấn Độ kể từ năm 1881 tập trung vào các chủ đề như tổng dân số, tỷ suất sinh và tử, tỷ lệ tăng trưởng, phân bố địa lý, tỷ lệ biết chữ, sự phân chia nông thôn và thành thị, các thành phố có một triệu người và ba thành phố lớn: Delhi, Đại BombayCalcutta.[196]

Tỷ suất tử giảm trong thời kỳ 1920–1945, chủ yếu là do tiêm chủng sinh học. Các yếu tố khác bao gồm thu nhập tăng và điều kiện sống tốt hơn, dinh dưỡng được cải thiện, môi trường an toàn và sạch sẽ hơn, cũng như các chính sách y tế và chăm sóc y tế của nhà nước tốt hơn.[197]

Tình trạng quá tải nghiêm trọng tại các thành phố gây ra những vấn đề lớn về sức khỏe cộng đồng, được nêu trong một báo cáo chính thức từ năm 1938:[198]

Tại các khu vực đô thị và công nghiệp... những địa điểm chật chội, giá đất cao và người lao động cần phải sống gần nơi làm việc của mình ... tất cả đều có xu hướng làm gia tăng tình trạng tắc nghẽn và quá đông đúc. Tại các trung tâm sầm uất nhất, những ngôi nhà được xây san sát nhau, các mái hiên chạm vào nhau và nhà thường quay lưng lại với nhau .... Không gian có giá trị đến mức, thay vì là đường phố, các con đường ngoằn ngoèo là lối đi duy nhất tới các căn nhà. Việc không chú ý đến vệ sinh thường được thể hiện bằng các đống rác thối rữa và các vũng nước thải, còn việc thiếu nhà vệ sinh làm tăng thêm tình trạng ô nhiễm chung về không khí và đất.

Trong thời Raj thuộc Anh, Ấn Độ trải qua một số nạn đói tồi tệ nhất từng được ghi lại, bao gồm Nạn đói lớn 1876–1878 khi có 6,1 triệu đến 10,39 triệu người Ấn Độ thiệt mạng[199]nạn đói ở Ấn Độ 1899–1900 khi có 1,25 đến 10 triệu người Ấn Độ thiệt mạng.[200] Nghiên cứu gần đây, bao gồm công trình của Mike DavisAmartya Sen,[201] cho rằng các nạn đói tại Ấn Độ trở nên trầm trọng hơn do các chính sách của Anh tại Ấn Độ.

 
Trẻ em chết đói trong nạn đói Bengal 1943

Đại dịch tả thứ nhất bắt đầu tại Bengal, đến năm 1820 thì lan rộng khắp Ấn Độ. Mười nghìn quân Anh và vô số người Ấn Độ đã chết trong đại dịch này. Ước tính số người chết tại Ấn Độ từ năm 1817 đến năm 1860 vượt quá 15 triệu. 23 triệu người khác chết trong khoảng thời gian từ 1865 đến 1917.[202] Đại dịch hạch thứ ba bắt đầu tại Trung Quốc vào giữa thế kỷ 19, cuối cùng giết chết 10 triệu người chỉ riêng tại Ấn Độ.[203] Waldemar Haffkine chủ yếu làm việc tại Ấn Độ và trở thành nhà vi sinh vật học đầu tiên phát triển và triển khai vắc-xin chống bệnh tả và bệnh dịch hạch.

Sốt được xếp hạng là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Ấn Độ trong thế kỷ 19.[204] Ronald Ross làm việc tại Calcutta, vào năm 1898 chứng minh được rằng muỗi truyền bệnh sốt rét, khi đang làm nhiệm vụ tại Deccan.[205]

Năm 1881 có khoảng 120.000 bệnh nhân bệnh phong. Chính phủ trung ương thông qua Đạo luật người phong năm 1898, quy định điều khoản pháp lý về việc cưỡng bức giam giữ người mắc bệnh phong tại Ấn Độ.[206] Theo chỉ đạo của Mountstuart Elphinstone, một chương trình được triển khai để tuyên truyền tiêm vắc-xin bệnh đậu mùa.[207] Tiêm chủng hàng loạt ở Ấn Độ làm giảm đáng kể tỷ lệ tử vong do bệnh đậu mùa vào cuối thế kỷ 19.[208] Năm 1849, gần 13% tổng số ca tử vong tại Calcutta là do bệnh đậu mùa.[209] Từ năm 1868 đến năm 1907, có khoảng 4,7 triệu người chết vì bệnh đậu mùa.[210]

Robert Grant chú ý đến việc thành lập một tổ chức có hệ thống tại Bombay để truyền đạt kiến thức y tế cho người bản địa.[211] Năm 1860, Grant Medical College trở thành một trong bốn trường cao đẳng được công nhận về giảng dạy các khóa học có bằng cấp (cùng với Elphinstone College, Deccan College và Government Law College, Mumbai).[190]

Tôn giáo sửa

Tôn giáo tại Ấn Độ thuộc Anh (1891)[212][213]:171
Tôn giáo 1891
Dân số %
Brahman (Đạo Hindu) 207.731.727 72%
Musalman (Hồi giáo) 57,321,164 20%
Thuyết vật linh 9.280.467 3%
Phật giáo 7.131.361 2%
Cơ đốc giáo 2.284.380 1%
Đạo Jain 1.416.638 0.5%
Hoả giáo 89.904 0.03%
Do Thái giáo 17.194 0.01%
Khác 42.763
Tổng dân số 287.223.431 100%
Tôn giáo tại Ấn Độ thuộc Anh (1921)[214]
Tôn giáo 1921
Dân số %
Đạo Hindu 216.734.586 69%
Hồi giáo 68.735.233 22%
Thuyết vật linh 9.774.611 3%
Phật giáo 11.571.268 4%
Cơ đốc giáo 4.754.064 2%
Đạo Jain 1.178.596 0.4%
Đạo Sikh 3.238.803 1%
Tổng 316.128.721 100%

Giáo dục sửa

 
Đại học Lucknow do người Anh thành lập vào năm 1867

Thomas Babington Macaulay trình bày cách diễn giải kiểu Whig của ông về lịch sử Anh, đó là một sự tiến bộ đi lên luôn dẫn đến nhiều tự do hơn và nhiều tiến bộ hơn. Macaulay đồng thời là nhà cải cách hàng đầu tham gia vào việc chuyển đổi hệ thống giáo dục của Ấn Độ. Ông dựa vào ngôn ngữ Anh để Ấn Độ có thể cùng mẫu quốc tiến lên vững chắc. Macaulay đi theo Burke trong việc nhấn mạnh quy tắc đạo đức, và thực hiện nó trong thực tiễn các cuộc cải cách trường học, trao cho Đế quốc Anh một sứ mệnh đạo đức sâu sắc là "văn minh hóa người bản địa".

Giáo sư Karuna Mantena của Đại học Yale lập luận rằng sứ mệnh khai hóa văn minh không kéo dài lâu, bà nói rằng những nhà cải cách nhân từ là những kẻ thua cuộc trong các cuộc tranh luận quan trọng, chẳng hạn như những cuộc tranh luận sau cuộc khởi nghĩa năm 1857 tại Ấn Độ, và vụ bê bối Edward Eyre đàn áp tàn bạo khởi nghĩa Vịnh Morant tại Jamaica năm 1865. Lời hùng biện vẫn tiếp tục nhưng chúng trở thành bằng chứng ngoại phạm cho nền cai trị yếu kém và phân biệt chủng tộc của người Anh. Người ta không còn tin rằng người bản địa có thể thực sự tiến bộ, thay vào đó họ phải bị cai trị bằng bàn tay rắn, các cơ hội dân chủ bị trì hoãn vô thời hạn, kết quả là:

Các nguyên lý trung tâm của chủ nghĩa đế quốc tự do đã bị thách thức khi xảy ra nhiều hình thức nổi dậy, phản kháng và bất ổn tại các thuộc địa, thúc đẩy việc đánh giá lại trên phạm vi rộng....sự cân bằng giữa 'chính phủ tốt' với cải cách xã hội bản địa, vốn là cốt lõi trong diễn ngôn của đế quốc tự do, sẽ phải đối mặt với sự hoài nghi tăng lên.[215]

Nhà sử học người Anh Peter Cain đã thách thức Mantena, cho rằng những người theo chủ nghĩa đế quốc thực sự tin rằng sự cai trị của Anh sẽ mang đến cho thần dân những lợi ích của 'tự do có trật tự', nhờ đó nước Anh có thể hoàn thành nghĩa vụ đạo đức và đạt được sự vĩ đại của riêng họ. Phần lớn cuộc tranh luận diễn ra ngay tại Anh, và những người theo chủ nghĩa đế quốc nỗ lực thuyết phục người dân rằng sứ mệnh khai hóa văn minh đang được tiến hành tốt đẹp. Chiến dịch này nhằm tăng cường sự ủng hộ trong nước dành cho đế quốc, và Cain cho rằng do đó nhằm củng cố thẩm quyền đạo đức của tầng lớp tinh hoa đang điều hành Đế quốc.[216]

 
Đại học Calcutta được thành lập vào năm 1857, là một trong ba đại học nhà nước hiện đại lâu đời nhất tại Ấn Độ.

Các trường đại học tại Calcutta, Bombay và Madras được thành lập vào năm 1857, ngay trước Cuộc khởi nghĩa. Đến năm 1890, khoảng 60.000 người Ấn Độ đã trúng tuyển, chủ yếu trong các ngành khai phóng hoặc pháp luật. Khoảng một phần ba tham gia vào lĩnh vực hành chính công, và một phần ba khác trở thành luật sư. Kết quả là Ấn Độ có một bộ máy công chức nhà nước chuyên nghiệp được giáo dục rất tốt. Đến năm 1887, trong số 21.000 người được bổ nhiệm vào các vị trí công vụ cấp trung, 45% do người theo đạo Hindu nắm giữ, 7% do người Hồi giáo nắm giữ, 19% là người Âu-Á (cha là người châu Âu và mẹ là người Ấn Độ) và 29% là người châu Âu. Trong số 1.000 vị trí công vụ cấp cao nhất, hầu hết đều do người Anh nắm giữ, thường có bằng cấp từ Oxford hay Cambridge.[217] Chính phủ thường xuyên làm việc với các nhà từ thiện địa phương, họ cho mở 186 trường đại học và học viện cấp đại học vào năm 1911; họ tuyển sinh 36.000 sinh viên (hơn 90% là nam giới). Đến năm 1939, số lượng cơ sở tăng gấp đôi và số lượng tuyển sinh lên tới 145.000. Chương trình giảng dạy tuân theo các tiêu chuẩn cổ điển của Anh do Oxford và Cambridge đặt ra, nhấn mạnh vào văn học Anh và lịch sử châu Âu. Tuy nhiên, đến thập niên 1920, các hội sinh viên trở thành điểm nóng của chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ.[218]

Công việc truyền giáo sửa

 
Nhà thờ lớn St. Paul được xây dựng vào năm 1847 và từng là toà giám mục của Giám mục Calcutta, người này từng là giám mục đô thành của Giáo hội Ấn Độ, Miến Điện và Ceylon.[219]

Năm 1889, Thủ tướng Anh Robert Gascoyne-Cecil tuyên bố "Chúng ta không chỉ có nghĩa vụ mà còn có lợi ích khi thúc đẩy việc truyền bá Cơ đốc giáo càng xa càng tốt trên khắp ngang dọc của Ấn Độ".[220]

Lục quân Ấn Độ thuộc Anh phát triển cũng khiến nhiều giáo sĩ Anh giáo đến Ấn Độ.[221] Sau khi Hội Truyền giáo Giáo hội (Church Mission Society) của Giáo hội Anh giáo đến vào năm 1814, Giáo phận Calcutta của Giáo hội Ấn Độ, Miến Điện và Ceylon (CIBC) được hình thành, và Nhà thờ lớn St. Paul được xây dựng vào năm 1847.[222] Đến năm 1930, Giáo hội Ấn Độ, Miến Điện và Ceylon có mười bốn giáo phận trên khắp Đế quốc Ấn Độ.[223]

Người truyền giáo từ các giáo phái Cơ đốc giáo khác cũng đến Ấn Độ thuộc Anh; các nhà truyền giáo Luther đến Calcutta vào năm 1836 và đến "năm 1880 đã có hơn 31.200 người theo Cơ đốc giáo Luther trải rộng tại 1.052 ngôi làng".[220] Phong trào Giám lý bắt đầu đến Ấn Độ vào năm 1783 và thành lập các hội truyền giáo với trọng tâm là "giáo dục, mục vụ y tế và truyền bá Phúc âm".[224][225] Vào thập niên 1790, các tín đồ Cơ đốc từ Hội Truyền giáo LondonHội Truyền giáo Baptist bắt đầu thực hiện công việc truyền giáo tại Đế quốc Ấn Độ.[226] Tại Neyoor, Bệnh viện Hội Truyền giáo London "tiên phong cải tiến hệ thống y tế công cộng để điều trị bệnh tật, trước ngay cả các nỗ lực có tổ chức do tỉnh Madras thuộc địa thực hiện, giảm đáng kể tỷ lệ tử vong".[227]

Christ Church College (1866) và St. Stephen's College (1881) là hai trong số các tổ chức giáo dục trực thuộc giáo hội nổi bật được thành lập dưới thời Raj thuộc Anh.[228] Trong các cơ sở giáo dục được thành lập dưới thời Raj thuộc Anh, các văn bản Cơ đốc giáo là một phần của chương trình giảng dạy, đặc biệt là Kinh Thánh.[229] Trong thời kỳ Raj thuộc Anh, các nhà truyền giáo Cơ đốc giáo phát triển hệ thống chữ viết cho các ngôn ngữ Ấn Độ từng không có chữ viết.[230][231] Các nhà truyền giáo Cơ đốc giáo tại Ấn Độ cũng nỗ lực nâng cao khả năng đọc viết và cũng tham gia vào các hoạt động xã hội, chẳng hạn như đấu tranh chống mại dâm, đấu tranh cho quyền tái hôn của góa phụ và cố gắng ngăn chặn tình trạng tảo hôn ở phụ nữ.[232] Đối với phụ nữ, các hội truyền giáo zenana trở thành một phương pháp phổ biến để cải đạo họ sang Cơ đốc giáo.[229]

Di sản sửa

Có đồng thuận cũ giữa các nhà sử học cho rằng thẩm quyền đế quốc của Anh khá vững chắc từ năm 1858 đến Thế chiến thứ hai. Tuy nhiên, gần đây cách giải thích này đã bị thách thức. Ví dụ, Mark Condos và Jon Wilson cho rằng thẩm quyền đế quốc thường xuyên bấp bênh. Nỗi lo lắng của nhiều thế hệ quan chức tạo ra một nền hành chính hỗn loạn với sự gắn kết tối thiểu. Nền hành chính không ở trong trạng thái tự tin để có khả năng hành động theo ý muốn, các nhà sử học nhận thấy nó ở trong trạng thái bị trói buộc về mặt tâm lý và không có khả năng hành động ngoại trừ trong phạm vi trừu tượng, quy mô nhỏ hoặc ngắn hạn. Trong khi đó, Durba Ghosh đưa ra một cách tiếp cận khác.[233]

Tác động tư tưởng sửa

Khi Ấn Độ giành được độc lập và sau khi giành được độc lập, quốc gia này duy trì các thể chế trung ương của Anh như chính phủ nghị viện, bầu cử một người một phiếu bầu, và pháp trị thông qua các tòa án phi đảng phái.[188] Họ cũng giữ lại các sắp xếp thể chế của Raj như công vụ, quản lý các phân vùng, trường đại học và sàn giao dịch chứng khoán. Một thay đổi lớn là việc loại bỏ các phiên vương quốc trước đây. Metcalf cho rằng trong suốt hai thế kỷ, giới trí thức Anh và các chuyên gia Ấn Độ đặt ưu tiên cao nhất là mang lại hòa bình, thống nhất và chính phủ tốt cho Ấn Độ.[234] Họ đưa ra nhiều phương pháp đua tranh để đạt được mục tiêu. Ví dụ: Cornwallis đề xuất biến Zamindar tại Bengal thành loại địa chủ kiểu Anh, kiểm soát sự vụ địa phương như tại Anh.[234] Munro đề nghị giao thiệp trực tiếp với nông dân. William Jones và các nhà Đông phương học đã quảng bá tiếng Phạn, trong khi Macaulay quảng bá ngôn ngữ Anh.[235] Zinkin lập luận rằng về lâu dài, điều quan trọng nhất về di sản của Raj là hệ tư tưởng chính trị của Anh được người Ấn Độ tiếp quản sau năm 1947, đặc biệt là niềm tin vào sự thống nhất, dân chủ, pháp trị và một sự bình đẳng nhất định vượt ra khỏi đẳng cấp và tín ngưỡng.[234] Zinkin nhận thấy điều này không chỉ trong Đảng Quốc đại mà còn trong những người dân tộc chủ nghĩa Hindu trong Đảng Bharatiya Janata, khi họ đặc biệt nhấn mạnh đến các truyền thống Hindu.[236][237]

Tác động văn hoá sửa

Việc Anh thuộc địa hóa Ấn Độ đã ảnh hưởng đáng kể đến văn hóa Ấn Độ. Ảnh hưởng đáng chú ý nhất là tiếng Anh vươn lên thành ngôn ngữ hành chính và ngôn ngữ chung của Ấn Độ và Pakistan (và cũng ảnh hưởng lớn đến các ngôn ngữ bản địa tại Nam Á)[238] tiếp theo là sự pha trộn giữa kiến trúc bản địa và kiến trúc Goth/Saracen. Tương tự, ảnh hưởng của các ngôn ngữ và văn hoá Ấn Độ cũng có thể được nhận thấy tại Anh; ví dụ, nhiều từ vựng Ấn Độ du nhập vào tiếng Anh, và cả việc tiếp nhận ẩm thực Ấn Độ.

Các môn thể thao có nguồn gốc từ Anh (ban đầu là khúc côn cầu, sau đó là cricket thay thế, còn bóng đá cũng phổ biến tại một số nơi nhất định tại tiểu lục địa)[239][240] được gắn bó thành một phần của văn hóa Nam Á dưới thời Raj thuộc Anh, còn các trò chơi truyền thống của Ấn Độ phần lớn đã bị thu hẹp trong quá trình này.[241] Trong thời Raj, binh lính Anh sẽ chơi các môn thể thao của Anh để duy trì thể lực, vì tỷ lệ tử vong của người nước ngoài tại Ấn Độ vào thời điểm đó ở mức cao, cũng như để duy trì tinh thần Anh; Theo lời của một nhà văn giấu tên, chơi các môn thể thao Anh là cách để những người lính "tự vệ trước ma lực của xứ sở".[242] Mặc dù người Anh thường loại trừ người Ấn Độ khỏi cuộc chơi của họ trong thời kỳ Công ty Đông Ấn cai trị, nhưng theo thời gian, họ bắt đầu xem việc truyền bá các môn thể thao của Anh vào cộng đồng bản địa là một cách để truyền bá các giá trị Anh.[242][243] Đồng thời, một số người thuộc tầng lớp thượng lưu Ấn Độ bắt đầu hướng tới thể thao Anh như một cách thích nghi với văn hóa Anh, và do đó giúp họ nâng cao địa vị;[244][245] sau này có nhiều người Ấn Độ hơn bắt đầu chơi các môn thể thao của Anh với nỗ lực đánh bại người Anh trong môn thể thao của chính họ,[246] một cách để chứng minh rằng người Ấn Độ ngang hàng với những thực dân Anh.[247]

Xem thêm sửa

Ghi chú sửa

  1. ^ lại bắt nguồn từ Sanskrit rājya, có nghĩa là 'vương quyền', 'vương quốc' hoặc 'nhà nước'.[5]
  2. ^ Ngồi từ trái sang phải là: Jiddhu Krisnamurthi, Besant và Charles Webster Leadbeater.
  3. ^ Vị hoàng đế còn lại duy nhất trong thời kỳ này là Edward VIII (trị vì từ tháng 1 đến tháng 12 năm 1936), nhưng không phát hành bất kỳ loại tiền Ấn Độ nào dưới tên ông.

Tham khảo sửa

  1. ^ “Calcutta (Kalikata)”, The Imperial Gazetteer of India, IX, Published under the Authority of His Majesty's Secretary of State for India in Council, Oxford at the Clarendon Press, 1908, tr. 260, lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 5 năm 2022, truy cập ngày 24 tháng 5 năm 2022, —Capital of the Indian Empire, situated in 22° 34' N and 88° 22' E, on the east or left bank of the Hooghly river, within the Twenty-four Parganas District, Bengal
  2. ^ “Simla Town”, The Imperial Gazetteer of India, XXII, Published under the Authority of His Majesty's Secretary of State for India in Council, Oxford at the Clarendon Press, 1908, tr. 260, lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 5 năm 2022, truy cập ngày 24 tháng 5 năm 2022, —Head-quarters of Simla District, Punjab, and the summer capital of the Government of India, situated on a transverse spur of the Central Himālayan system system, in 31° 6' N and 77° 10' E, at a mean elevation above sea-level of 7,084 feet.
  3. ^ a b Interpretation Act 1889 (52 & 53 Vict. c. 63), s. 18.
  4. ^ McGregor, R. S. (1993), Oxford Hindi-English Dictionary, Oxford University Press, tr. 860, ISBN 978-0-19-563846-2, raj (noun, masculine): kingdom, realm, state, empire
  5. ^ "raj, n.", OED Online, Oxford University Press, 2021, lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 11 năm 2021, truy cập ngày 20 tháng 9 năm 2021
  6. ^ * Hirst, Jacqueline Suthren; Zavros, John (2011), Religious Traditions in Modern South Asia, London and New York: Routledge, ISBN 978-0-415-44787-4, lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 9 năm 2023, truy cập ngày 24 tháng 5 năm 2022
  7. ^ * Steinback, Susie L. (2012), Understanding the Victorians: Politics, Culture and Society in Nineteenth-Century Britain, London and New York: Routledge, tr. 68, ISBN 978-0-415-77408-6, lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 9 năm 2023, truy cập ngày 24 tháng 5 năm 2022
  8. ^ * Glanville, Luke (2013), Sovereignty and the Responsibility to Protect: A New History, University of Chicago Press, tr. 120, ISBN 978-0-226-07708-6, lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 9 năm 2023, truy cập ngày 23 tháng 8 năm 2020
  9. ^ * Vanderven, Elizabeth (2019), “National Education Systems: Asia”, trong Rury, John L.; Tamura, Eileen H. (biên tập), The Oxford Handbook of the History of Education, Oxford University Press, tr. 213–227, 222, ISBN 978-0-19-934003-3, lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 9 năm 2023, truy cập ngày 24 tháng 5 năm 2022
  10. ^ Bowen, H. V.; Mancke, Elizabeth; Reid, John G. (2012), Britain's Oceanic Empire: Atlantic and Indian Ocean Worlds, C. 1550–1850, Cambridge University Press, tr. 106, ISBN 978-1-107-02014-6
  11. ^ Mansergh, Nicholas (1974), Constitutional relations between Britain and India, London: His Majesty's Stationery Office, tr. xxx, ISBN 978-0-11-580016-0, truy cập ngày 19 tháng 9 năm 2013
  12. ^ Kaul, Chandrika. “From Empire to Independence: The British Raj in India 1858–1947”. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 6 năm 2016. Truy cập ngày 3 tháng 3 năm 2011.
  13. ^ Smith, George (1882). The Geography of British India, Political & Physical. London: John Murray. Truy cập ngày 2 tháng 8 năm 2014.
  14. ^ Baten, Jörg (2016). A History of the Global Economy. From 1500 to the Present. Cambridge University Press. tr. 247. ISBN 978-1-107-50718-0.
  15. ^ Marshall (2001), p. 384
  16. ^ Subodh Kapoor (tháng 1 năm 2002). The Indian encyclopaedia: biographical, historical, religious ..., Volume 6. Cosmo Publications. tr. 1599. ISBN 978-81-7755-257-7.
  17. ^ Codrington, 1926, Chapter X:Transition to British administration
  18. ^ “Nepal: Cultural life”. Encyclopædia Britannica Online. 2008. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 11 năm 2015.
  19. ^ “Bhutan”. Encyclopædia Britannica Online. 2008. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 6 năm 2022. Truy cập ngày 2 tháng 6 năm 2022.
  20. ^ “Sikkim | History, Map, Capital, & Population”. Britannica (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 1 tháng 8 năm 2017. Truy cập ngày 2 tháng 12 năm 2022.
  21. ^ “Maldives | History, Points of Interest, Location, & Tourism”. Britannica (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 2 tháng 12 năm 2022.
  22. ^ a b Spear 1990, tr. 147
  23. ^ Spear 1990, tr. 145–46
  24. ^ Ernst, W. (1996). “European Madness and Gender in Nineteenth-century British India”. Social History of Medicine. 9 (3): 357–82. doi:10.1093/shm/9.3.357. PMID 11618727.
  25. ^ Robinson, Ronald Edward, & John Gallagher. 1968. Africa and the Victorians: The Climax of Imperialism. Garden City, NY: Doubleday 'Send the Mild Hindoo:' The Simultaneous Expansion of British Suffrage and Empire∗” (PDF). Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 25 tháng 2 năm 2009. Truy cập ngày 15 tháng 2 năm 2009.
  26. ^ Spear 1990, tr. 149–150
  27. ^ Spear 1990, tr. 150–151
  28. ^ Spear 1990, tr. 150
  29. ^ Spear 1990, tr. 147–48
  30. ^ Spear 1990, tr. 151
  31. ^ “East India Proclamations” (PDF). sas.ed.ac.uk. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 4 tháng 3 năm 2012. Truy cập ngày 6 tháng 11 năm 2021.
  32. ^ (Stein 2001, tr. 259), (Oldenburg 2007)
  33. ^ (Oldenburg 2007), (Stein 2001, tr. 258)
  34. ^ a b (Oldenburg 2007)
  35. ^ (Stein 2001, tr. 258)
  36. ^ (Stein 2001, tr. 159)
  37. ^ a b c (Stein 2001, tr. 260)
  38. ^ a b Metcalf & Metcalf 2006, tr. 126.
  39. ^ a b Metcalf & Metcalf 2006, tr. 97.
  40. ^ Brennan, L. (1984). “The Development of the Indian Famine Codes: Personalities, Politics, and Policies”. Trong Currey, Bruce; Hugo, Graeme (biên tập). Famine: As a Geographical Phenomenon. Springer Dordrecht. ISBN 978-94-009-6395-5.
  41. ^ Spear 1990, tr. 169
  42. ^ a b Majumdar, Raychaudhuri & Datta 1950, tr. 888
  43. ^ F.H. Hinsley, ed. The New Cambridge Modern History, Vol. 11: Material Progress and World-Wide Problems, 1870–98 (1962) contents Lưu trữ 18 tháng 10 2017 tại Wayback Machine pp. 411–36.
  44. ^ Spear 1990, tr. 170
  45. ^ Bose & Jalal 2004, tr. 80–81
  46. ^ James S. Olson and Robert S. Shadle, Historical Dictionary of the British Empire (1996) p. 116
  47. ^ Helen S. Dyer, Pandita Ramabai: the story of her life (1900) online
  48. ^ Ludden 2002, tr. 197
  49. ^ Stanley A. Wolpert, Tilak and Gokhale: revolution and reform in the making of modern India (1962) p 67
  50. ^ Michael Edwardes, High Noon of Empire: India under Curzon (1965) p. 77
  51. ^ Moore, "Imperial India, 1858–1914", p. 435
  52. ^ McLane, John R. (tháng 7 năm 1965). “The Decision to Partition Bengal in 1905”. Indian Economic and Social History Review. 2 (3): 221–37. doi:10.1177/001946466400200302. S2CID 145706327.
  53. ^ Ranbir Vohra, The Making of India: A Historical Survey (Armonk: M.E. Sharpe, Inc, 1997), 120
  54. ^ V. Sankaran Nair, Swadeshi movement: The beginnings of student unrest in South India (1985) excerpt and text search
  55. ^ Peter Heehs, The lives of Sri Aurobindo (2008) p. 184
  56. ^ Bandyopadhyay 2004, tr. 260
  57. ^ Wolpert 2004, tr. 273–274
  58. ^ a b c d e (Ludden 2002, tr. 200)
  59. ^ (Stein 2001, tr. 286)
  60. ^ a b (Ludden 2002, tr. 201)
  61. ^ a b Manmath Nath Das (1964). India under Morley and Minto: politics behind revolution, repression and reforms. G. Allen and Unwin. ISBN 978-0-04-954002-6. Truy cập ngày 21 tháng 2 năm 2012.
  62. ^ Robb 2002, tr. 174
  63. ^ India's contribution to the Great War. Calcutta: Govt of India. 1923. tr. 74.
  64. ^ a b c d e f Brown 1994, tr. 197–98
  65. ^ Belgium Olympic Committee (1957). “Olympic Games Antwerp. 1920: Official Report” (PDF). LA84 Foundation. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 7 tháng 10 năm 2018. Truy cập ngày 9 tháng 12 năm 2016.
  66. ^ a b c Brown 1994, tr. 201–02
  67. ^ a b c Brown 1994, tr. 200–01
  68. ^ a b c d e Brown 1994, tr. 199
  69. ^ a b c d Brown 1994, tr. 214–15
  70. ^ a b c Brown 1994, tr. 210–13
  71. ^ Brown 1994, tr. 216–17
  72. ^ Balraj Krishna, India's Bismarck, Sardar Vallabhbhai Patel (2007) ch. 2
  73. ^ a b c d e f g h Brown 1994, tr. 203–04
  74. ^ a b c d e f g h i Brown 1994, tr. 205–07
  75. ^ Chhabra 2005, tr. 2
  76. ^ a b c d Spear 1990, tr. 190
  77. ^ a b c Brown 1994, tr. 195–96
  78. ^ a b c Stein 2001, tr. 304
  79. ^ Ludden 2002, tr. 208
  80. ^ Nick Lloyd (2011). The Amritsar Massacre: The Untold Story of One Fateful Day p. 180
  81. ^ Sayer, Derek (tháng 5 năm 1991). “British Reaction to the Amritsar Massacre 1919–1920”. Past & Present. 131 (131): 130–64. doi:10.1093/past/131.1.130. JSTOR 650872.
  82. ^ Bond, Brian (tháng 10 năm 1963). “Amritsar 1919”. History Today. 13 (10): 666–76.
  83. ^ a b Markovits 2004, tr. 373–74
  84. ^ Potter, David C. (tháng 1 năm 1973). “Manpower Shortage and the End of Colonialism: The Case of the Indian Civil Service”. Modern Asian Studies. 7 (1): 47–73. doi:10.1017/S0026749X00004388. JSTOR 312036. S2CID 146445282.
  85. ^ Epstein, Simon (tháng 5 năm 1982). “District Officers in Decline: The Erosion of British Authority in the Bombay Countryside, 1919 to 1947”. Modern Asian Studies. 16 (3): 493–518. doi:10.1017/S0026749X00015286. JSTOR 312118. S2CID 143984571.
  86. ^ Low 1993, tr. 40, 156
  87. ^ Piers Brendon, The Decline and Fall of the British Empire: 1781–1997 (2008) p. 394
  88. ^ Low 1993, tr. 154
  89. ^ Muldoon, Andrew (2009). “Politics, Intelligence and Elections in Late Colonial India: Congress and the Raj in 1937” (PDF). Journal of the Canadian Historical Association. 20 (2): 160–88. doi:10.7202/044403ar. S2CID 154900649. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 15 tháng 9 năm 2018. Truy cập ngày 15 tháng 9 năm 2018.; Muldoon, Empire, politics and the creation of the 1935 India Act: last act of the Raj (2009)
  90. ^ "Sword For Pen". Time. 12 April 1937.
  91. ^ a b c Dr Chandrika Kaul (3 tháng 3 năm 2011). “From Empire to Independence: The British Raj in India 1858–1947”. History. BBC. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 6 năm 2016. Truy cập ngày 2 tháng 8 năm 2014.
  92. ^ a b “India and Pakistan win independence”. History.com. History. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 7 năm 2014. Truy cập ngày 2 tháng 8 năm 2014.
  93. ^ Ramachandra Guha, India After Gandhi: The History of the World's Largest Democracy (2007) p. 43
  94. ^ “Muslim Case for Pakistan”. University of Columbia. Lưu trữ bản gốc ngày 15 tháng 7 năm 2019. Truy cập ngày 10 tháng 6 năm 2019.
  95. ^ Robb 2002, tr. 190
  96. ^ Stephen P. Cohen (2004). The Idea of Pakistan. Brookings Institution Press. tr. 28. ISBN 978-0-8157-1502-3.
  97. ^ D. N. Panigrahi (2004). India's partition: the story of imperialism in retreat. Routledge. tr. 151–52. ISBN 978-1-280-04817-3.
  98. ^ Tarin, Omer; Dando, Neal (Autumn 2010). “Memoirs of the Second World War: Major Shaukat Hayat Khan”. Durbar: Journal of the Indian Military Historical Society (Critique). 27 (3): 136–37.
  99. ^ Roy, Kaushik (2009). “Military Loyalty in the Colonial Context: A Case Study of the Indian Army during World War II”. Journal of Military History. 73 (2).
  100. ^ John F. Riddick, The history of British India: a chronology (2006) p. 142
  101. ^ Gupta, Shyam Ratna (tháng 1 năm 1972). “New Light on the Cripps Mission”. India Quarterly. 28 (1): 69–74. doi:10.1177/097492847202800106. S2CID 150945957.
  102. ^ a b Metcalf & Metcalf 2006, tr. 206–07
  103. ^ Bandyopadhyay 2004, tr. 418–20
  104. ^ Stein 2010, tr. 305, 325": Jawaharlal Nehru and Subhas Bose were among those who, impatient with Gandhi's programmes and methods, looked upon socialism as an alternative for nationalistic policies capable of meeting the country's economic and social needs, as well as a link to potential international support. (p. 325) (p. 345)"
  105. ^ Low 2002, tr. 297.
  106. ^ Low 2002, tr. 313.
  107. ^ a b Low 1993, tr. 31–31.
  108. ^ Wolpert 2006, tr. 69.
  109. ^ Stein 2001, tr. 345.
  110. ^ a b Judd 2004, tr. 172–73
  111. ^ Judd 2004, tr. 170–71
  112. ^ Judd 2004, tr. 172
  113. ^ Sarvepalli Gopal (1976). Jawaharlal Nehru: A Biography. Harvard University Press. tr. 362. ISBN 978-0-674-47310-2. Truy cập ngày 21 tháng 2 năm 2012.
  114. ^ Hyam 2007, tr. 106
  115. ^ Brown 1994, tr. 330 Sarkar 2004, tr. 418 Metcalf & Metcalf 2006, tr. 212
  116. ^ “Indian Independence”. British Library: Help for Researchers. British Library. Lưu trữ bản gốc ngày 11 tháng 8 năm 2018. Truy cập ngày 2 tháng 8 năm 2014. portal to educational sources available in the India Office Records
  117. ^ “The Road to Partition 1939–1947”. Nationalarchives.gov.uk Classroom Resources. National Archives. Bản gốc lưu trữ ngày 14 tháng 2 năm 2015. Truy cập ngày 2 tháng 8 năm 2014.
  118. ^ Ian Talbot and Gurharpal Singh, The Partition of India (2009), passim
  119. ^ Maria Misra, Vishnu's crowded temple: India since the Great Rebellion (2008) p. 237
  120. ^ Michael Maclagan (1963). "Clemency" Canning: Charles John, 1st Earl Canning, Governor-General and Viceroy of India, 1856–1862. Macmillan. tr. 212. Truy cập ngày 21 tháng 2 năm 2012.
  121. ^ William Ford (1887). John Laird Mair Lawrence, a viceroy of India, by William St. Clair. tr. 186–253.
  122. ^ a b Sir William Wilson Hunter (1876). A life of the Earl of Mayo, fourth viceroy of India. Smith, Elder, & Company. tr. 181–310.
  123. ^ Sarvepalli Gopal (1953). The viceroyalty of Lord Ripon, 1880–1884. Oxford University Press. Truy cập ngày 21 tháng 2 năm 2012.
  124. ^ Briton Martin, Jr. "The Viceroyalty of Lord Dufferin", History Today, (Dec 1960) 10#12 pp. 821–30, and (Jan 1961) 11#1 pp. 56–64
  125. ^ Sir Alfred Comyn Lyall (1905). The life of the Marquis of Dufferin and Ava. 2. tr. 72–207.
  126. ^ Sir George Forrest (1894). The administration of the Marquis of Lansdowne as Viceroy and Governor-general of India, 1888–1894. Office of the Supdt. of Government Print. tr. 40.
  127. ^ Michael Edwardes, High Noon of Empire: India under Curzon (1965)
  128. ^ H. Caldwell Lipsett (1903). Lord Curzon in India: 1898–1903. R.A. Everett.
  129. ^ The Imperial Gazetteer of India. I. Oxford: Clarendon Press. 1909. tr. 449. Lưu trữ bản gốc ngày 24 tháng 2 năm 2021. Truy cập ngày 20 tháng 2 năm 2021.
  130. ^ Ernest Hullo, "India", in Catholic Encyclopedia (1910) vol. 7 online Lưu trữ 23 tháng 2 2021 tại Wayback Machine
  131. ^ “India”. World Digital Library. Lưu trữ bản gốc ngày 25 tháng 8 năm 2014. Truy cập ngày 24 tháng 1 năm 2013.
  132. ^ Edney, Matthew H. (1997). Mapping an Empire: The Geographical Construction of British India, 1765–1843. University of Chicago Press. ISBN 978-0-226-18488-3. 4. Hawes, Christopher J. (1996). Poor Relations: The Making of a Eurasian Community in British India, 1773–1833. Routledge. ISBN 978-0-7007-0425-5. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 9 năm 2023. Truy cập ngày 9 tháng 11 năm 2020.
  133. ^ The Imperial Gazetteer of India. II. Oxford: Clarendon Press. 1908. tr. 463, 470.
  134. ^ a b Imperial Gazetteer of India vol. IV 1909, tr. 60
  135. ^ a b Imperial Gazetteer of India vol. IV 1909, tr. 46
  136. ^ Imperial Gazetteer of India vol. IV 1909, tr. 56
  137. ^ a b Markovits 2004, tr. 386–409
  138. ^ Ahmed, Waqas; Khan, Muhammad Hayat; Ul Haq, Sami (1 tháng 6 năm 2022). “علم الإشارة في سورة الفاتحة من خلال تفسير معارف القرآن للکاندهلوي نموذجا”. Al-Duhaa. 3 (1): 90–103. doi:10.51665/al-duhaa.003.01.0186. ISSN 2710-3617. S2CID 251601027.
  139. ^ Kumari, Savita (2016). “Art and Politics: British Patronage in Delhi (1803–1857)”. Art of the Orient (bằng tiếng Anh). 5: 217–229. doi:10.11588/ao.2016.0.8820. ISSN 2658-1671. Lưu trữ bản gốc ngày 17 tháng 11 năm 2022. Truy cập ngày 17 tháng 11 năm 2022.
  140. ^ Moore 2001a, tr. 422–46
  141. ^ Moore 2001a, tr. 424
  142. ^ Brown 1994, tr. 96
  143. ^ a b c d Moore 2001a, tr. 426
  144. ^ Metcalf & Metcalf 2006, tr. 104
  145. ^ Peers 2006, tr. 76
  146. ^ {{Harvnb|Bayly |1990|p=195}
  147. ^ Peers 2006, tr. 72, Bayly 1990, tr. 72
  148. ^ a b p. 103–05, "India – Government and Constitution", The Statesman's Year-Book 1947, Steinberg, S.H., Macmillan, New York
  149. ^ pp. 133–34, "India – Currency, Weights and Measures", The Statesman's Year-Book 1947, Steinberg, S.H., Macmillan, New York
  150. ^ pp. 106–07, "India – Government and Constitution", The Statesman's Year-Book 1947, Steinberg, S.H., Macmillan, New York
  151. ^ p. 106–07, "India – Government and Constitution", The Statesman's Year-Book 1947, Steinberg, S.H., Macmillan, New York
  152. ^ pp. 104–05, "India – Government and Constitution", The Statesman's Year-Book 1947, Steinberg, S.H., Macmillan, New York
  153. ^ a b c p. 108, "India – Government and Constitution", The Statesman's Year-Book 1947, Steinberg, S.H., Macmillan, New York
  154. ^ Singha, Radhika (tháng 2 năm 2003). “Colonial Law and Infrastructural Power: Reconstructing Community, Locating the Female Subject”. Studies in History. 19 (1): 87–126. doi:10.1177/025764300301900105. S2CID 144532499.
  155. ^ Tazeen M. Murshid, "Law and Female Autonomy in Colonial India", Journal of the Asiatic Society of Bangladesh: Humanities, (June 2002), 47#1 pp. 25–42
  156. ^ Maddison, Angus (2006). The World Economy Volumes 1–2. OECD Publishing. tr. 638. doi:10.1787/456125276116. ISBN 978-92-64-02261-4.
  157. ^ Peter Robb (tháng 11 năm 1981). “British Rule and Indian "Improvement"”. The Economic History Review. 34 (4): 507–23. doi:10.1111/j.1468-0289.1981.tb02016.x. JSTOR 2595587.
  158. ^ Davis 2001, tr. 37
  159. ^ Paul Bairoch, "Economics and World History: Myths and Paradoxes", (1995: University of Chicago Press, Chicago) p. 89
  160. ^ a b Brown, F. H.; Tomlinson, B. R. (23 tháng 9 năm 2004). “Tata, Jamshed Nasarwanji [Jamsetji] (1839–1904)”. Oxford Dictionary of National Biography . Oxford University Press. doi:10.1093/ref:odnb/36421. Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2012. (yêu cầu Đăng ký hoặc có quyền thành viên của thư viện công cộng Anh.)
  161. ^ Bahl, Vinay (tháng 10 năm 1994). “The Emergence of Large-Scale Steel Industry in India Under British Colonial Rule, 1880–1907”. Indian Economic and Social History Review. 31 (4): 413–60. doi:10.1177/001946469403100401. S2CID 144471617.
  162. ^ Headrick 1988, tr. 291–92.
  163. ^ Markovits, Claude (1985). Indian Business and Nationalist Politics 1931–39: The Indigenous Capitalist Class and the Rise of the Congress Party. Cambridge University Press. tr. 160–66. ISBN 978-0-511-56333-1.
  164. ^ I. D. Derbyshire (1987). “Economic Change and the Railways in North India, 1860–1914”. Modern Asian Studies. 21 (3): 521–45. doi:10.1017/s0026749x00009197. JSTOR 312641. S2CID 146480332.
  165. ^ R.R. Bhandari (2005). Indian Railways: Glorious 150 years. Ministry of Information and Broadcasting, Government of India. tr. 1–19. ISBN 978-81-230-1254-4.
  166. ^ a b Laxman D. Satya, "British Imperial Railways in Nineteenth Century South Asia", Economic and Political Weekly 43, No. 47 (November 2008): 72.
  167. ^ Hurd, John M. (1983). “Irrigation and Railways: Railways”. Trong Kumar, Dharma; Desai, Meghnad (biên tập). The Cambridge Economic History of India. 2. Cambridge University Press. tr. 751. ISBN 978-0-521-22802-2.
  168. ^ Thorner, Daniel (2001). “The pattern of railway development in India”. Trong Kerr, Ian J. (biên tập). Railways in Modern India. New Delhi: Oxford University Press. tr. 83–85. ISBN 978-0-19-564828-7.
  169. ^ Hurd, John (2001). “Railways”. Trong Kerr, Ian J. (biên tập). Railways in Modern India. New Delhi: Oxford University Press. tr. 149. ISBN 978-0-19-564828-7.
  170. ^ Barbara D Metcalf and Thomas R Metcalf, A Concise History of India (Cambridge: Cambridge University Press, 2002), 96.
  171. ^ Ian Derbyshire, 'The Building of India's Railways: The Application of Western Technology in the Colonial Periphery, 1850–1920', in Technology and the Raj: Western Technology and Technical Transfers to India 1700–1947 ed, Roy Macleod and Deepak Kumar (London: Sage, 1995), 203.
  172. ^ a b “History of Indian Railways”. Irfca.org. IRFCA. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 11 năm 2012. Truy cập ngày 2 tháng 8 năm 2014.
  173. ^ Headrick 1988, tr. 78–79.
  174. ^ Appletons' annual cyclopaedia and register of important events of the year: 1862. New York: D. Appleton & Company. 1863. tr. 690.
  175. ^ a b Khan, Shaheed (18 tháng 4 năm 2002). “The great Indian Railway bazaar”. The Hindu. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 7 năm 2008. Truy cập ngày 2 tháng 8 năm 2014.
  176. ^ Satya, 73.
  177. ^ Derbyshire, 157-67.
  178. ^ Headrick 1988, tr. 81–82.
  179. ^ Christensen, R. O. (tháng 9 năm 1981). “The State and Indian Railway Performance, 1870–1920: Part I, Financial Efficiency and Standards of Service”. The Journal of Transport History. 2 (2): 1–15. doi:10.1177/002252668100200201. S2CID 168461253.
  180. ^ for the historiography, see D'Souza, Rohan (2006). “Water in British India: the making of a 'colonial hydrology' (PDF). History Compass. 4 (4): 621–28. CiteSeerX 10.1.1.629.7369. doi:10.1111/j.1478-0542.2006.00336.x. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 9 năm 2023. Truy cập ngày 20 tháng 1 năm 2015.
  181. ^ Gilmour, David (2007) [First published 2005]. The Ruling Caste: Imperial Lives in the Victorian Raj. Macmillan. tr. 9. ISBN 978-0-374-53080-8.
  182. ^ Stein 2001, tr. 259
  183. ^ Bear, Laura (2007). Lines of the Nation: Indian Railway Workers, Bureaucracy, and the Intimate Historical Self. Columbia University Press. tr. 25–28. ISBN 978-0-231-14002-7.
  184. ^ Burra, Arudra (tháng 11 năm 2010). “The Indian Civil Service and the nationalist movement: neutrality, politics and continuity”. Commonwealth and Comparative Politics. 48 (4): 404–32. doi:10.1080/14662043.2010.522032. S2CID 144605629.
  185. ^ Tomlinson 1993, tr. 105, 108
  186. ^ Brown 1994, tr. 12
  187. ^ Maddison, Angus (2006). The World Economy Volumes 1–2. OECD Publishing. tr. 111–14. doi:10.1787/456125276116. ISBN 978-92-64-02261-4.
  188. ^ a b c “Britain in India, Ideology and Economics to 1900”. Fsmitha. F. Smith. Lưu trữ bản gốc ngày 7 tháng 10 năm 2014. Truy cập ngày 2 tháng 8 năm 2014.
  189. ^ Rajat Kanta Ray, "Indian Society and the Establishment of British Supremacy, 1765–1818", in The Oxford History of the British Empire: vol. 2, "The Eighteenth Century" ed. by P. J. Marshall, (1998), pp. 508–29
  190. ^ a b c “Impact of British Rule on India: Economic, Social and Cultural (1757–1857)” (PDF). Nios.ac.uk. NIOS. Lưu trữ (PDF) bản gốc ngày 8 tháng 8 năm 2014. Truy cập ngày 2 tháng 8 năm 2014.
  191. ^ P.J. Marshall (1998). "The British in Asia: Trade to Dominion, 1700–1765", in The Oxford History of the British Empire: vol. 2, The Eighteenth Century ed. by P. J. Marshall, pp. 487–507
  192. ^ Romaniuk, Anatole (2014). “Glimpses of Indian Historical Demography”. Canadian Studies in Population. 40 (3–4): 248–51. doi:10.25336/p6hw3r. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 4 năm 2015. Truy cập ngày 25 tháng 1 năm 2015.
  193. ^ Parameswara Krishnan, Glimpses of Indian Historical Demography (Delhi: B.R. Publishing Corporation 2010) ISBN 978-8176466387
  194. ^ Kingsley Davis, The Population of India and Pakistan (Princeton University Press, 1951).
  195. ^ Kingsley Davis (19 tháng 4 năm 1943). “The population of India”. Far Eastern Survey. 12 (8): 76–79. doi:10.2307/3022159. JSTOR 3022159.
  196. ^ Khan, J.H. (2004). “Population growth and demographic change in India”. Asian Profile. 32 (5): 441–60.
  197. ^ Klein, Ira (1990). “Population growth and mortality in British India: Part II: The demographic revolution”. Indian Economic and Social History Review. 27 (1): 33–63. doi:10.1177/001946469002700102. S2CID 144517813.
  198. ^ Klein, "Population growth and mortality in British India: Part II: The demographic revolution", p. 42
  199. ^ Davis 2001, tr. 7
  200. ^ Davis 2001, tr. 173
  201. ^ Sen, Amartya. Development as Freedom. ISBN 978-0-385-72027-4 ch 7
  202. ^ The 1832 Cholera Epidemic in New York State Lưu trữ 13 tháng 5 2015 tại Wayback Machine, By G. William Beardslee
  203. ^ Infectious Diseases: Plague Through History Lưu trữ 17 tháng 8 2008 tại Wayback Machine, sciencemag.org
  204. ^ Malaria Lưu trữ 10 tháng 9 2007 tại Wayback Machine – Medical History of British India, National Library of Scotland 2007.
  205. ^ “Biography of Ronald Ross”. The Nobel Foundation. Lưu trữ bản gốc ngày 29 tháng 4 năm 2012. Truy cập ngày 15 tháng 6 năm 2007.
  206. ^ Leprosy – Medical History of British India Lưu trữ 10 tháng 9 2007 tại Wayback Machine, National Library of Scotland 2007
  207. ^ “Other histories of smallpox in South Asia”. Smallpoxhistory.ucl.ac.uk. 18 tháng 7 năm 2006. Bản gốc lưu trữ ngày 16 tháng 4 năm 2012. Truy cập ngày 29 tháng 4 năm 2012.
  208. ^ “Feature Story: Smallpox”. Vigyanprasar.gov.in. Bản gốc lưu trữ ngày 5 tháng 3 năm 2012. Truy cập ngày 29 tháng 4 năm 2012.
  209. ^ Rogers, L (tháng 1 năm 1945). “Smallpox and Vaccination in British India During the Last Seventy Years”. Proc. R. Soc. Med. 38 (3): 135–40. doi:10.1177/003591574503800318. PMC 2181657. PMID 19993010.
  210. ^ “Smallpox – some unknown heroes in smallpox eradication”. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 1 năm 2015. Truy cập ngày 9 tháng 1 năm 2015.
  211. ^ “Sir JJ Group of Hospitals”. Grantmedicalcollege-jjhospital.org. Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 4 năm 2012. Truy cập ngày 29 tháng 4 năm 2012.
  212. ^ Frazer, R.W. (1897). British India. The story of nations. G. P. Putnam's sons. tr. 355. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 5 năm 2023. Truy cập ngày 8 tháng 5 năm 2023.
  213. ^ India Census Commissioner (1891). “General report on the census of India, 1891”. JSTOR saoa.crl.25352825. Lưu trữ bản gốc ngày 2 tháng 4 năm 2023. Truy cập ngày 2 tháng 4 năm 2023.
  214. ^ United States Department of Commerce (1924). Trade and Economic Review for 1922 No.34 . Bureau of Foreign and Domestic Commerce. tr. 46. Lưu trữ bản gốc ngày 13 tháng 5 năm 2023. Truy cập ngày 8 tháng 5 năm 2023.
  215. ^ Mantena, Karuna (2010). “The Crisis of Liberal Imperialism” (PDF). Histoire@Politique. 11 (2): 3. doi:10.3917/hp.011.0002. Bản gốc (PDF) lưu trữ ngày 19 tháng 10 năm 2017. Truy cập ngày 1 tháng 2 năm 2016.
  216. ^ Cain, Peter J. (2012). “Character, 'Ordered Liberty', and the Mission to Civilise: British Moral Justification of Empire, 1870–1914”. Journal of Imperial and Commonwealth History. 40 (4): 557–78. doi:10.1080/03086534.2012.724239. S2CID 159825918.
  217. ^ Moore 2001a, tr. 431
  218. ^ Zareer Masani (1988). Indian Tales of the Raj p. 89
  219. ^ Buchanan, Colin (2015). Historical Dictionary of Anglicanism (bằng tiếng Anh). Rowman & Littlefield Publishers. tr. 117. ISBN 978-1-4422-5016-1.
  220. ^ a b Kanjamala, Augustine (2014). The Future of Christian Mission in India (bằng tiếng Anh). Wipf and Stock Publishers. tr. 117–19. ISBN 978-1-62032-315-1.
  221. ^ Tovey, Phillip (2017). Anglican Baptismal Liturgies (bằng tiếng Anh). Canterbury Press. tr. 197. ISBN 978-1-78622-020-2. Chú thích có tham số trống không rõ: |1= (trợ giúp)
  222. ^ Dalal, Roshen (2014). The Religions of India (bằng tiếng Anh). Penguin Books Limited. tr. 177. ISBN 978-8184753967.
  223. ^ The Indian Year Book (bằng tiếng Anh). Bennett, Coleman & Company. 1940. tr. 455. Lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 9 năm 2023. Truy cập ngày 10 tháng 2 năm 2018.
  224. ^ Abraham, William J.; Kirby, James E. (2009). The Oxford Handbook of Methodist Studies (bằng tiếng Anh). Oxford University Press. tr. 93. ISBN 978-0-19-160743-1.
  225. ^ Yrigoyen, Charles Jr. (2014). T&T Clark Companion to Methodism (bằng tiếng Anh). Bloomsbury Publishing. tr. 400. ISBN 978-0-567-66246-0.
  226. ^ Frykenberg, Robert Eric; Low, Alaine M. (2003). Christians and Missionaries in India: Cross-cultural Communication Since 1500, with Special Reference to Caste, Conversion, and Colonialism (bằng tiếng Anh). William B. Eerdmans Publishing Company. tr. 127. ISBN 978-0-8028-3956-5.
  227. ^ Lucyk, Kelsey; Loewenau, Aleksandra; Stahnisch, Frank W. (2017). The Proceedings of the 21st Annual History of Medicine Days Conference 2012 (bằng tiếng Anh). Cambridge Scholars Publishing. tr. 237. ISBN 978-1-4438-6928-7.
  228. ^ Carpenter, Joel; Glanzer, Perry L.; Lantinga, Nicholas S. (2014). Christian Higher Education (bằng tiếng Anh). Wm. B. Eerdmans Publishing. tr. 103. ISBN 978-1-4674-4039-4.
  229. ^ a b Crane, Ralph; Mohanram, Radhika (2013). Imperialism as Diaspora: Race, Sexuality, and History in Anglo-India (bằng tiếng Anh). Oxford University Press. tr. 86. ISBN 978-1-78138-563-0.
  230. ^ Kanjamala, Augustine (2014). The Future of Christian Mission in India (bằng tiếng Anh). Wipf and Stock Publishers. tr. 120. ISBN 978-1-63087-485-8.
  231. ^ Bhaṭṭācāryya, Haridāsa (1969). The Cultural Heritage of India (bằng tiếng Anh). Ramakrishna Mission Institute of Culture. tr. 60. ISBN 978-0-8028-4900-7.
  232. ^ Mullin, Robert Bruce (2014). A Short World History of Christianity (bằng tiếng Anh). Westminster John Knox Press. tr. 231. ISBN 978-1-61164-551-4.
  233. ^ Joshua Ehrlich, "Anxiety, Chaos, and the Raj." Historical Journal 63.3 (2020): 777–787.
  234. ^ a b c “Ideology and Empire in Eighteenth-Century India: the British in Bengal”. History.ac.uk. History. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 8 năm 2014. Truy cập ngày 2 tháng 8 năm 2014.
  235. ^ Thomas R. Metcalf, The New Cambridge History of India: Ideologies of the Raj (1995), pp. 10–12, 34–35
  236. ^ Zinkin, Maurice (tháng 10 năm 1995). “Legacies of the Raj”. Asian Affairs (Book Review). 26 (3): 314–16. doi:10.1080/714041289. ISSN 0306-8374.
  237. ^ Y. K. Malik and V. B. Singh, Hindu Nationalists in India: the rise of the Bharatiya Janata Party (Westview Press, 1994), p. 14
  238. ^ Hodges, Amy; Seawright, Leslie (26 tháng 9 năm 2014). Going Global: Transnational Perspectives on Globalization, Language, and Education (bằng tiếng Anh). Cambridge Scholars Publishing. ISBN 978-1-4438-6761-0.
  239. ^ “What India was crazy about: Hockey first, Cricket later, Football, Kabaddi now?”. India Today (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 4 tháng 1 năm 2023.
  240. ^ “World Cup 2022: How football fever is gripping cricket-crazy India”. BBC News (bằng tiếng Anh). 19 tháng 11 năm 2022. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 4 tháng 1 năm 2023.
  241. ^ Love, Adam; Dzikus, Lars (26 tháng 2 năm 2020). “How India came to love cricket, favored sport of its colonial British rulers”. The Conversation (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 31 tháng 12 năm 2022. Truy cập ngày 4 tháng 1 năm 2023.
  242. ^ a b Sen, Ronojoy (27 tháng 10 năm 2015). Nation at Play: A History of Sport in India (bằng tiếng Anh). Columbia University Press. ISBN 978-0-231-53993-7.
  243. ^ “Batting for the British Empire: how Victorian cricket was more than just a game”. HistoryExtra (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 4 tháng 1 năm 2023.
  244. ^ Disappearance of Traditional games by the imitation of Colonial Culture through the Historical parameters of Cultural Colonialism Lưu trữ 26 tháng 11 2022 tại Wayback Machine Md Abu Nasim https://dergipark.org.tr/ Lưu trữ 1 tháng 8 2019 tại Wayback Machine
  245. ^ Service, Tribune News. “Beating British at their own game”. Tribuneindia News Service (bằng tiếng Anh). Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 4 tháng 1 năm 2023.
  246. ^ “Why Indians love cricket”. The Economist. ISSN 0013-0613. Lưu trữ bản gốc ngày 4 tháng 1 năm 2023. Truy cập ngày 4 tháng 1 năm 2023.
  247. ^ 'The Revenge of Plassey': Football in the British Raj”. LSE International History. 20 tháng 7 năm 2020. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 2 năm 2023. Truy cập ngày 4 tháng 1 năm 2023.

Thư mục sửa

Tổng quát sửa

  • Allan, J., T. Wolseley Haig, H. H. Dodwell. The Cambridge Shorter History of India (1934), 996 pp.
  • Bandhu, Deep Chand. History of Indian National Congress (2003), 405 pp.
  • Bandyopadhyay, Sekhar (2004), From Plassey to Partition: A History of Modern India, Orient Longman. Pp. xx, 548., ISBN 978-81-250-2596-2.
  • Bayly, C. A. (1990), Indian Society and the Making of the British Empire (The New Cambridge History of India), Cambridge and London: Cambridge University Press. Pp. 248, ISBN 978-0-521-38650-0.
  • Brown, Judith M. (1994) [First published 1984], Modern India: The Origins of an Asian Democracy, Oxford University Press. Pp. xiii, 474, ISBN 978-0-19-873113-9.
  • Bose, Sugata; Jalal, Ayesha (2004) [First published 1998], Modern South Asia: History, Culture, Political Economy (ấn bản 2), Routledge, ISBN 978-0-415-30787-1
  • Chhabra, G. S. (2005) [First published 1971], Advanced Study in the History of Modern India, III , New Delhi: Lotus Press, tr. 2, ISBN 978-81-89093-08-2, lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 9 năm 2023, truy cập ngày 15 tháng 9 năm 2018
  • Copland, Ian (2001), India 1885–1947: The Unmaking of an Empire (Seminar Studies in History Series), Harlow and London: Pearson Longmans. Pp. 160, ISBN 978-0-582-38173-5
  • Coupland, Reginald. India: A Re-Statement (Oxford University Press, 1945)
  • Dodwell H. H., ed. The Cambridge History of India. Volume 6: The Indian Empire 1858–1918. With Chapters on the Development of Administration 1818–1858 (1932) 660 pp. online edition; also published as vol 5 of the Cambridge History of the British Empire
  • Gilmour, David. The British in India: A Social History of the Raj(2018); expanded edition of The Ruling Caste: Imperial Lives in the Victorian Raj (2007) Excerpt and text search
  • Herbertson, A.J. and O.J.R. Howarth. eds. The Oxford Survey of the British Empire (6 vol 1914) online vol 2 on Asia pp. 1–328 on India
  • James, Lawrence. Raj: The Making and Unmaking of British India (2000)
  • Judd, Denis (2004), The Lion and the Tiger: The Rise and Fall of the British Raj, 1600–1947, Oxford and New York: Oxford University Press. Pp. xiii, 280, ISBN 978-0-19-280358-0.
  • Louis, William Roger, and Judith M. Brown, eds. The Oxford History of the British Empire (5 vol 1999–2001), with numerous articles on the Raj
  • Low, D. A. (1993), Eclipse of Empire, Cambridge University Press, ISBN 978-0-521-45754-5
  • Ludden, David E. (2002), India And South Asia: A Short History, Oxford: Oneworld, ISBN 978-1-85168-237-9
  • Majumdar, Ramesh Chandra; Raychaudhuri, Hemchandra; Datta, Kalikinkar (1950), An advanced history of India
  • Majumdar, R. C. ed. (1970). British paramountcy and Indian renaissance. (The History and Culture of the Indian People) Bombay: Bharatiya Vidya Bhavan.
  • Mansingh, Surjit The A to Z of India (2010), a concise historical encyclopaedia
  • Marshall, P. J. (2001), The Cambridge Illustrated History of the British Empire, 400 pp., Cambridge and London: Cambridge University Press., ISBN 978-0-521-00254-7.
  • Markovits, Claude (2004), A History of Modern India, 1480–1950, Anthem Press, ISBN 978-1-84331-004-4, lưu trữ bản gốc ngày 22 tháng 9 năm 2023, truy cập ngày 18 tháng 6 năm 2015
  • Metcalf, Barbara D.; Metcalf, Thomas R. (2006), A Concise History of Modern India (Cambridge Concise Histories), Cambridge and New York: Cambridge University Press. Pp. xxxiii, 372, ISBN 978-0-521-68225-1
  • Moon, Penderel. The British Conquest and Dominion of India (2 vol. 1989) 1235pp; the fullest scholarly history of political and military events from a British top-down perspective;
  • Oldenburg, Philip (2007), “India: Movement for Freedom”, Encarta Encyclopedia, Bản gốc lưu trữ ngày 31 tháng 10 năm 2009
  • Panikkar, K. M. (1953). Asia and Western dominance, 1498–1945, by K.M. Panikkar. London: G. Allen and Unwin.
  • Peers, Douglas M. (2006), India under Colonial Rule 1700–1885, Harlow and London: Pearson Longmans. Pp. xvi, 163, ISBN 978-0-582-31738-3.
  • Riddick, John F. The history of British India: a chronology (2006) excerpt and text search, covers 1599–1947
  • Riddick, John F. Who Was Who in British India (1998), covers 1599–1947
  • Robb, Peter (2002), A History of India, Palgrave Macmillan, ISBN 978-0-230-34549-2
  • Sarkar, Sumit (2004) [First published 1983], Modern India, 1885–1947, Delhi: Macmillan, ISBN 978-0-333-90425-1
  • Smith, Vincent A. (1958) The Oxford History of India (3rd ed.) the Raj section was written by Percival Spear
  • Somervell, D.C. The Reign of King George V, (1936) covers Raj 1910–35 pp. 80–84, 282–91, 455–64 online free
  • Spear, Percival (1990) [First published 1965], A History of India, Volume 2, New Delhi and London: Penguin Books. Pp. 298, ISBN 978-0-14-013836-8.
  • Stein, Burton (2001) [First published 1998], A History of India, Oxford University Press, ISBN 978-0-19-565446-2.
  • Stein, Burton (2010) [First published 1998], A History of India (ấn bản 2), John Wiley & Sons, ISBN 978-1-4443-2351-1, lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 7 năm 2023, truy cập ngày 13 tháng 2 năm 2016.
  • Thompson, Edward, and G.T. Garratt. Rise and Fulfilment of British Rule in India (1934) 690 pages; scholarly survey, 1599–1933 excerpt and text search
  • Wolpert, Stanley (2004), A New History of India (ấn bản 7), Oxford and New York: Oxford University Press, ISBN 978-0-19-516677-4.
  • Wolpert, Stanley, ed. Encyclopedia of India (4 vol. 2005) comprehensive coverage by scholars
  • Wolpert, Stanley A. (2006), Shameful Flight: The Last Years of the British Empire in India, Oxford University Press, ISBN 978-0-19-539394-1

Chuyên đề sửa

Lịch sử kinh tế và xã hội sửa

  • Anstey, Vera. The economic development of India (4th ed. 1952), 677pp; thorough scholarly coverage; focus on 20th century down to 1939
  • Ballhatchet, Kenneth. Race, Sex, and Class under the Raj: Imperial Attitudes and Policies and Their Critics, 1793–1905 (1980).
  • Chaudhary, Latika, et al. eds. A New Economic History of Colonial India (2015)
  • Derbyshire, I. D. (1987), “Economic Change and the Railways in North India, 1860–1914”, Population Studies, 21 (3): 521–45, doi:10.1017/s0026749x00009197, JSTOR 312641, S2CID 146480332
  • Chaudhuri, Nupur. "Imperialism and Gender." in Encyclopedia of European Social History, edited by Peter N. Stearns, (vol. 1, 2001), pp. 515–521. online emphasis on Raj.
  • Dutt, Romesh C. The Economic History of India under early British Rule (1901); The Economic History of India in the Victorian Age (1906) online
  • Gupta, Charu, ed. Gendering Colonial India: Reforms, Print, Caste and Communalism (2012)
  • Hyam, Ronald. Empire and Sexuality: The British Experience (1990).
  • Kumar, Dharma; Desai, Meghnad (1983), The Cambridge Economic History of India, 2, Cambridge University Press, ISBN 978-0-521-22802-2, lưu trữ bản gốc ngày 23 tháng 9 năm 2023, truy cập ngày 15 tháng 9 năm 2018
  • Lockwood, David. The Indian Bourgeoisie: A Political History of the Indian Capitalist Class in the Early Twentieth Century (I.B. Tauris, 2012) 315 pages; focus on Indian entrepreneurs who benefited from the Raj, but ultimately sided with the Indian National Congress.
  • O'Dell, Benjamin D (2014). “Beyond Bengal: Gender, Education, And The Writing Of Colonial Indian History”. Victorian Literature and Culture. 42 (3): 535–551. doi:10.1017/S1060150314000138. S2CID 96476257.
  • Roy, Tirthankar (Summer 2002), “Economic History and Modern India: Redefining the Link”, The Journal of Economic Perspectives, 16 (3): 109–30, doi:10.1257/089533002760278749, JSTOR 3216953
  • Sarkar, J. (2013, reprint). Economics of British India ... Third edition. Enlarged and partly rewritten. Calcutta: M.C. Sarkar & Sons.
  • Simmons, Colin (1985), “'De-Industrialization', Industrialization and the Indian Economy, c. 1850–1947”, Modern Asian Studies, 19 (3): 593–622, doi:10.1017/s0026749x00007745, JSTOR 312453, S2CID 144581168
  • Sinha, Mrinalini. Colonial Masculinity: The 'Manly Englishman' and the 'Effeminate Bengali' in the Late Nineteenth Century (1995).
  • Strobel, Margaret. European Women and the Second British Empire (1991).
  • Tirthankar, Roy (2014), “Financing the Raj: the City of London and colonial India 1858–1940”, Business History, 56 (6): 1024–1026, doi:10.1080/00076791.2013.828424, S2CID 153716644
  • Tomlinson, Brian Roger (1993), The Economy of Modern India, 1860–1970, New Cambridge history of India, III.3, Cambridge University Press, tr. 109, ISBN 978-0-521-36230-6
  • Tomlinson, Brian Roger (tháng 10 năm 1975), “India and the British Empire, 1880–1935”, Indian Economic and Social History Review, 12 (4): 337–380, doi:10.1177/001946467501200401, S2CID 144217855

Chép sử và ký ức sửa

  • Andrews, C.F. (2017). India and the Simon Report. Routledge reprint of 1930 first edition. tr. 11. ISBN 978-1-315-44498-7.
  • Durant, Will (2011, reprint). The case for India. New York: Simon and Schuster.
  • Ellis, Catriona (2009). “Education for All: Reassessing the Historiography of Education in Colonial India”. History Compass. 7 (2): 363–75. doi:10.1111/j.1478-0542.2008.00564.x.
  • Gilmartin, David (2015). “The Historiography of India's Partition: Between Civilization and Modernity”. The Journal of Asian Studies. 74 (1): 23–41. doi:10.1017/s0021911814001685. S2CID 67841003.
  • Major, Andrea (2011). “Tall tales and true: India, historiography and British imperial imaginings”. Contemporary South Asia. 19 (3): 331–32. doi:10.1080/09584935.2011.594257. S2CID 145802033.
  • Mantena, Rama Sundari. The Origins of Modern Historiography in India: Antiquarianism and Philology (2012).
  • Moor-Gilbert, Bart. Writing India, 1757–1990: The Literature of British India (1996) on fiction written in English.
  • Mukherjee, Soumyen. "Origins of Indian Nationalism: Some Questions on the Historiography of Modern India". Sydney Studies in Society and Culture 13 (2014). online.
  • Nawaz, Rafida, and Syed Hussain Murtaza. "Impact of Imperial Discourses on Changing Subjectivities in Core and Periphery: A Study of British India and British Nigeria". Perennial Journal of History 2.2 (2021): 114–130. online.
  • Nayak, Bhabani Shankar. "Colonial world of postcolonial historians: reification, theoreticism, and the neoliberal reinvention of tribal identity in India". Journal of Asian and African Studies 56.3 (2021): 511–532. online.
  • Parkash, Jai. "Major trends of historiography of revolutionary movement in India – Phase II". (PhD dissertation, Maharshi Dayanand University, 2013). online.
  • Philips, Cyril H. ed. Historians of India, Pakistan and Ceylon (1961), reviews the older scholarship.
  • Stern, Philip J (2009). “History and Historiography of the English East India Company: Past, Present, and Future”. History Compass. 7 (4): 1146–80. doi:10.1111/j.1478-0542.2009.00617.x.
  • Stern, Philip J. "Early Eighteenth-Century British India: Antimeridian or antemeridiem?". Journal of Colonialism and Colonial History 21.2 (2020), pp. 1–26, focus on C.A. Bayly, Imperial Meridian online.
  • Whitehead, Clive (2005). “The historiography of British imperial education policy, Part I: India”. History of Education. 34 (3): 315–329. doi:10.1080/00467600500065340. S2CID 144515505.
  • Winks, Robin, ed. Historiography (1999), vol. 5 in William Roger Louis, eds. The Oxford History of the British Empire.
  • Winks, Robin W. The Historiography of the British Empire-Commonwealth: Trends, Interpretations and Resources (1966).
  • Young, Richard Fox, ed. (2009). Indian Christian Historiography from Below, from Above, and in Between India and the Indianness of Christianity: Essays on Understanding – Historical, Theological, and Bibliographical – in Honor of Robert Eric Frykenberg.

Đọc thêm sửa

  Tư liệu liên quan tới British Raj tại Wikimedia Commons   Trích dẫn liên quan tới Raj thuộc Anh tại Wikiquote   Hướng dẫn du lịch Raj thuộc Anh từ Wikivoyage   Định nghĩa của raj thuộc anh tại Wiktionary

  • Judd, Denis. The lion and the tiger: the rise and fall of the British Raj, 1600–1947 (Oxford University Press, 2005). online
  • Malone, David M., C. Raja Mohan, and Srinath Raghavan, eds. The Oxford handbook of Indian foreign policy (2015) excerpt pp 55–79.
  • Simon Report (1930) vol 1, wide-ranging survey of conditions
  • Editors, Charles Rivers (2016). The British Raj: The History and Legacy of Great Britain's Imperialism in India and the Indian subcontinent.
  • Keith, Arthur Berriedale (1912). Responsible government in the dominions. The Clarendon press., major primary source

Niên giám và hồ sơ thống kê sửa