Ứng Thiên phủ (nhà Tống)

Ứng Thiên phủ (phồn thể: 應天府; giản thể: 应天府), còn gọi là Nam Kinh Ứng Thiên phủ, thuộc quận Hà Nam, Quy Đức quân Tiết độ sứ, ngày nay thuộc địa cấp thị Thương Khâu, tỉnh Hà Nam, là một trong Bắc Tống tứ kinh (cùng với Đông Kinh Khai Phong phủ, Tây Kinh Hà Nam phủ và Bắc Kinh Đại Danh phủ).

Lịch sử

sửa

Nguyên bản Ứng Thiên phủ thuộc về Tống châu. Thời kỳ Ngũ đại Thập quốc, triều đình Hậu Chu thiết lập Tuyên Vũ quân, sau đổi tên là Quy Đức quân.

Hậu Chu Hiển Đức năm thứ 6 (959), Hậu Chu Thế Tông Sài Vinh qua đời, con trai là Sài Vinh kế vị, phong Triệu Khuông Dẫn làm Điện Tiền Đô Điểm Kiểm kiêm Tống châu Quy Đức quân Tiết độ sứ. Hiển Đức năm thứ 7 (960), Triệu Khuông Dẫn phát động binh biến, cải hiệu Kiến Long, lấy phiên trấn của mình làm quốc hiệu, thành lập triều Tống.

Tống Thái Tông Chí Đạo năm thứ 3 (997), thiết lập Kinh Đông lộ, trị sở đặt tại Tống châu[1].

Tống Chân Tông Cảnh Đức năm thứ 3 (1006), Tống châu được thăng cấp thành Ứng Thiên phủ. Đại Trung Tường Phủ năm thứ 7 (1014), thiết lập Nam Kinh[1].

Tống Thần Tông Hi Ninh năm thứ 5 (1072), triều đình chia Kinh Đông lộ thành Kinh Đông Đông lộ và Kinh Đông Tây lộ, Ứng Thiên phủ do Kinh Đông Tây lộ quản lý[1].

Nam Tống (1127-1279)

sửa

Sau Sự kiện Tĩnh Khang, Khang vương Triệu Cấu đăng cơ tại Ứng Thiên phủ, cải niên hiệu Kiến Viêm, tuy nhiên sau đó lại bỏ thành chạy trốn về Dương Châu. Đến Thiệu Hưng năm thứ 2 (1132), tháng 9, nhà Kim chiếm Nam Kinh. Lưu Dự hạ cấp Ứng Thiên phủ, đổi tên thành Quy Đức.

Kim Hi Tông Thiên Quyến nguyên niên, Tống Cao Tông Thiệu Hưng năm thứ 9 (1138), Quy Đức phủ được trả lại cho nhà Tống, nhà Tống nhân đó cử Lộ Doãn Địch trấn thủ[2].

Kim Chương Tông Thừa An năm thứ 5, Tống Ninh Tông Khánh Nguyên năm thứ 6 (1200), nhà Kim tái chiếm Ứng Thiên, khôi phục tên gọi Quy Đức.

Tống Lý Tông Đoan Bình nguyên niên (1234), liên quân Mông Cổ-Tống diệt nhà Kim, nhà Tống dự định khôi phục Nam Kinh[3]. Tuy nhiên sự kiện Đoan Bình nhập Lạc xảy ra, toàn bộ Hà Nam rơi vào tay quân Mông Cổ, từ đó tên gọi Quy Đức được duy trì đến khi nhà Thanh sụp đổ.

Chú thích

sửa
  1. ^ a b c Tống sử》quyển 85, chí 38 – Địa lý nhất ◎ Kinh Thành Kinh Kỳ lộ Kinh Đông lộ Kinh Tây lộ: "Chí Đạo năm thứ 3, lấy Ứng Thiên, các châu Duyện-Từ-Tào-Thanh-Vận-Mật-Tề-Tể-Nghi-Đăng-Lai-Đan-Bộc-Duy-Truy, các quân Hoài Dương, Quảng Tể, Thanh Bình, Tuyên Hóa lập thành Kinh Đông lộ. Hi Ninh năm thứ 7, chia làm hai lộ Đông-Tây: Các châu Thanh-Truy-Duy-Lai-Đăng-mật-Nghi-Từ và Hoài Dương quân là Đông lộ, các châu Vận-Duyện-Tề-Bộc-Tào-Tể-Đan và Nam Kinh là Tây lộ. Nguyên Phong nguyên niên, chuyển Tề châu sang Đông, Từ châu sang Tây lộ. Nguyên Hữu nguyên niên, các vụ án hình ngục ở Kinh Đông Đông lộ và Kinh Đông Tây lộ đều sát nhập chung về Kinh Đông lộ".
  2. ^ Tống sử》quyển 29, bản kỷ 29 – Cao Tông lục: "Năm thứ 10, tháng 4, lấy Quan Văn Điện học sĩ Mạnh Dữu giữ chức Tây Kinh lưu thủ, Tư Chính Điện học sĩ Lộ Doãn Địch giữ chức Nam Kinh lưu thủ".
  3. ^ Tống sử quyển 41, bản kỷ 41 – Lý Tông nhất》: "Tháng 8, ngày Quý Dậu, chiếu: "Quận huyện Hà Nam đã mất từ lâu được khôi phục, dân chúng khó khăn, Giang Hoài chế ty phát cho quân dân gạo mạch trăm vạn thạch, niêm yết tại tam kinh Khai Phong, Ứng Thiên, Hà Nam".

Tham khảo

sửa

Tống sử chí, quyển thứ 38 – Địa lý nhất.