Aleksey Nikolayevich của Nga

Thái tử của Đế quốc Nga
(Đổi hướng từ Aleksey Nikolayevich (Romanov))

Aleksey Nikolayevich của Nga (tiếng Nga: Алексе́й Никола́евич) (12 tháng 8 [lịch cũ 30 tháng 7] năm 1904 – 17 tháng 7 năm 1918) là thái tử (tsesarevich[ghi chú 1]) cuối cùng của Đế quốc Nga. Ông là con út và là người con trai duy nhất của Hoàng đế Nikolai IIAlix của Hessen và Rhein. Ông mắc bệnh máu khó đông từ khi sinh và được Grigori Rasputin điều trị.[3]

Aleksey Nikolayevich của Nga
Tsesarevich của Nga
Đại vương công của Nga
Aleksei năm 1916
Thông tin chung
Sinh(1904-08-12)12 tháng 8 năm 1904
Cung điện Petergof, Tỉnh Sankt-Peterburg, Đế quốc Nga
Mất17 tháng 7 năm 1918(1918-07-17) (13 tuổi)
Nhà Ipatiev, Ekaterinburg, Nga Xô viết
Tên đầy đủ
Aleksei Nikolaevich Romanov
Hoàng tộcHolstein-Gottorp-Romanov
Thân phụNikolai II của Nga
Thân mẫuAlix của Hessen và Rhein
Tôn giáoChính thống giáo Nga
Chữ kýChữ ký của Aleksey Nikolayevich của Nga

Sau Cách mạng Tháng Hai năm 1917, ông và gia đình phải sống lưu vong tại Tobolsk, Sibir. Sau khi người Bolshevik đảo chính, Aleksey, cha mẹ ông, bốn chị gái và ba người hầu đã bị hành quyết vào thời kỳ nội chiến Nga theo lệnh của Ủy ban Đặc biệt toàn Nga. Tin đồn Aleksey vẫn còn sống kéo dài đến năm 2007 thì chấm dứt khi hài cốt của ông và một người chị gái được khai quật. Ngày 17 tháng 7 năm 1998, đúng 80 năm sau ngày hành quyết, cha mẹ ông, ba người chị gái và các người hầu chính thức được cải táng tại Nhà thờ chính tòa Thánh Pyotr và Pavel. Lúc này Aleksey và chị gái Maria vẫn chưa được mai táng. Ông cùng gia quyến được Giáo hội Chính thống giáo Nga tuyên thánh và phong làm những người chịu thương khó vào năm 2000.

Ông được những người ủng hộ chủ nghĩa chính thống Nga gọi là Aleksey II, vì những người này không công nhận việc Nikolai II thoái vị để nhường ngôi cho chú Aleksey, Đại vương công Mikhail Aleksandrovich, là hợp pháp.[4]

Tiểu sử

sửa

Thân thế

sửa
 
Aleksey vào năm 1904
 
Aleksey (bên phải) và thủy thủ kiêm người giữ trẻ của ông là Andrei Derevenko trên chiếc du thuyền hoàng gia Standart (1908)

Aleksey sinh ngày 12 tháng 8 [lịch cũ 30 tháng 7] năm 1904 tại Cung điện Petergof, Tỉnh Sankt-Peterburg, Đế quốc Nga. Ông là con út và là con trai duy nhất trong số năm người con của Hoàng đế Nikolai IIAlix của Hessen và Rhein. Các chị gái ông là Nữ Đại vương công Olga, Tatiana, MariaAnastasia. Ông được song thân và các chị gái rất mực yêu thương, cưng chiều. Về sau ông còn được gọi thân mật là Alyosha (Алёша).

Aleksey chịu phép rửa tội vào ngày 3 tháng 9 năm 1904 tại nhà nguyện Cung điện Petergof. Cha mẹ đỡ đầu chính của ông là bà nội và em trai của ông nội ông, Maria FeodorovnaĐại vương công Aleksey Aleksandrovich. Những cha mẹ đỡ đầu khác bao gồm chị cả Olga, ông cố ông là Vua Christian IX của Đan Mạch, Vua Edward VII của Vương quốc Anh, Thân vương xứ WalesWilhelm II, Hoàng đế Đức. Vì Nga đang có chiến tranh với Nhật nên tất cả binh lính và sĩ quan của Lục quânHải quân Nga đều được phong làm cha đỡ đầu danh dự của ông.[5]

Lễ rửa tội này đánh dấu lần đầu tham gia một nghi lễ chính thức của nhiều thành viên trong hoàng tộc, bao gồm các con trai thứ của Đại vương công Konstantin Konstantinovich, Nữ Đại vương công Olga, Nữ Đại vương công Tatiana và em họ của Aleksey là Irina Aleksandrovna. Cha Ioann của Kronstadt đọc bài giảng, sau đó Công nương Maria Mikhailovna Golitsyna bồng thái tử tới hồ báp têm. Để đề phòng trượt chân và đánh rơi thái tử, bà đã gắn đế cao su lên giày mình. Nữ Nam tước Sophie Buxhoeveden hồi tưởng:

Cậu bé nằm trên một chiếc gối vàng được quàng quanh vai Công nương bằng một dải băng lớn cũng làm từ vàng. Cậu được bọc trong một chiếc áo choàng dệt vàng nặng trĩu lót lông chồn trắng, áo của người kế thừa hoàng vị. Một bên chiếc áo choàng được Vương công Aleksandr Sergeevich Dolgoruky là quan Đại Chủ tế của triều đình đỡ, bên kia do Bá tước [Pavel] Benkendorf đỡ, vâng mệnh chiếu chỉ được ban ra từ thông lệ và sự cẩn trọng sáng suốt. Cậu bé khóc lớn như mọi đứa trẻ bình thường khác khi Cha Yanishev đầm cậu xuống hồ. Bốn chị gái nhỏ của cậu mặc những bộ triều phục ngắn và tròn mắt nhìn nghi lễ, Olga Nikolaevna, khi ấy chín tuổi, giữ vai trò quan trọng là một trong những người mẹ đỡ đầu. Theo phong tục Nga thì Hoàng đế và Hoàng hậu không có mặt tại buổi báp têm, nhưng ngay sau nghi lễ, Hoàng đế đã đến thẳng nhà thờ. Cả ông lẫn Hoàng hậu đều thú nhận là họ rất lo lắng trong những dịp thế này, rằng Công nương có thể trượt chân hay Cha Yanishev, lúc ấy đã rất già, có thể đánh rơi đứa bé xuống hồ nước.[6]

Bệnh máu khó đông

sửa
 
Cung điện cũ của các hoàng đế Nga trong rừng Białowieża tại Ba Lan, nơi Aleksey gặp tai nạn đặc biệt nghiêm trọng vào đầu tháng 10 năm 1912
 
Gia đình sa hoàng tại Rostov (1913)
 
Pierre Gilliard và Aleksey
 
Aleksey và thủy thủ Derevenko
 
Nikolai II chèo thuyền cùng con trai trong Công viên Aleksandr (1911).

Aleksey bị di truyền bệnh máu khó đông từ mẹ mình. Căn bệnh này bắt nguồn từ bà cố của ông là Victoria của Anh. Năm 2009, qua phân tích gen, người ta xác định ông bị máu khó đông B gây thiếu hụt yếu tố IX, một trong những protein cần thiết của quá trình đông máu.[7][8] Ông luôn phải cẩn thận để không bị thương. Theo gia sư tiếng Pháp của ông là Pierre Gilliard, căn bệnh hiểm nghèo của ông được xem là bí mật quốc gia. Ông bệnh nghiêm trọng đến mức những vết thương nhỏ như một vết bầm, vết đứt hay chảy máu mũi cũng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Hai thủy thủ hải quân được cắt cử túc trực bên thái tử để trông nom và giám sát ông, song việc bị thương vẫn rất khó tránh khỏi. Họ cũng phải bế ông trên tay khi ông không thể tự đi bộ. Những đợt bệnh tái phát và quá trình phục hồi kéo dài vừa khiến cha mẹ ông buồn khổ, vừa ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học của ông.

Tháng 9 năm 1912, gia đình Romanov tới bãi săn bắn riêng ở rừng Białowieża. Ngày 5 tháng 9, thái tử nhảy xuống một chiếc thuyền nhẹ và va phải cọc chèo. Một vết bầm tím lớn liền xuất hiện sau vài phút và giảm kích thước trong một tuần.[9] Giữa tháng 9, cả gia đình lại chuyển đến Spała (khi ấy nằm ở Ba Lan thuộc Nga). Ngày 2 tháng 10, khi ông đi xe ngựa vào rừng, cỗ xe rung lắc đến nỗi khối máu tụ chưa lành trên đùi ông lại vỡ ra và chảy máu.[10] Thái tử được bế ra trong tình trạng gần như bất tỉnh, thân nhiệt tăng cao và nhịp tim giảm. Alix luôn túc trực bên giường ông. Ngày 10 tháng 10, một bản tin y tế xuất hiện trên các mặt báo[11] và Aleksey được lãnh bí tích xức dầu bệnh nhân. Theo lời sa hoàng, tình trạng bệnh của Aleksey lập tức chuyển biến tốt. Theo tác giả Margarita Nelipa, Robert K. Massie nói đúng khi cho rằng yếu tố tâm lý cũng đóng một vai trò quan trọng.[12] Ngày hôm sau, sức khỏe của thái tử tiếp tục cải thiện.[13] Vào ngày 9,[14] 10 hoặc 11 tháng 10 (không có nguồn ghi rõ ngày nào), Alix đã nhờ thị nữ thân cận của bà là Anna Vyrubova[15][16] tìm thần y Rasputin đến giúp đỡ. Theo lời con gái ông, Rasputin nhận được điện tín của sa hậu vào ngày 12 tháng 10 và phúc đáp bằng một bức điện tín khác vào ngày hôm sau,[17] trong đó có lời tiên tri: "Cậu nhỏ sẽ không chết. Đừng để đám bác sĩ (Eugene BotkinVladimir Derevenko) làm phiền cậu nhiều quá."[18] Ngày 19 tháng 10, bệnh tình của Aleksey thuyên giảm đáng kể và khối máu tụ biến mất, song ông phải tham gia điều trị chỉnh hình để nắn thẳng chân trái.[19]

Theo Gilliard,

Sa hoàng đã phản kháng lại sức ảnh hưởng của Rasputin trong một thời gian dài. Mới đầu ông còn chịu đựng hắn vì không dám làm nhụt lòng tin của sa hậu – thứ niềm tin đã giúp bà sống sót. Ông không muốn đuổi hắn đi, vì nếu Aleksei Nikolaevich mà chết thì trong mắt người mẹ, chính ông sẽ trở thành kẻ đã giết con trai mình.[20]

Có nhiều lời giải thích khác nhau về khả năng chữa bệnh của Rasputin, ví dụ như thôi miên, dùng thảo dược, hay lời dặn dò không để bác sĩ quấy rầy Aleksey đã giúp thái tử nhanh hồi phục. Có người đoán với những thông tin nhận được từ Anna Vyrubova là người bạn tâm giao tại triều đình của ông ta, Rasputin đã lựa đúng lúc cơ thể Aleksey đang tự hồi phục để can thiệp vào và nhận công lao về mình. Thái y Botkin quả quyết Rasputin là một gã bịp bợm và ông ta chữa bệnh bằng thuật thôi miên, nhưng phải đến năm 1913 thì Rasputin mới quan tâm đến kỹ thuật này.[21][22] Feliks Yusupov, một trong những người thù địch Rasputin, đưa ra giả thuyết ông ta đã bí mật cho Aleksey dùng thảo dược của Tây Tạng do một gã lang băm tên Pyotr Badmayev cung cấp, song triều đình Nga đã lịch sự từ chối loại thuốc này.[23][24] Theo Maria Rasputin, khả năng chữa bệnh này bắt nguồn từ sức cuốn hút của cha mình.[25] Nhưng theo Greg King thì những điều trên vẫn chưa lý giải được những lần Rasputin chữa bệnh cho thái tử dù ở xa đến 2.600 km. Theo Fuhrmann, ý tưởng dùng liệu pháp thôi miên và thảo dược được dịp nảy nở vì gia đình sa hoàng sống rất tách biệt.[26] ("Họ sống xa cách xã hội Nga đến nỗi họ gần như đang định cư ở Canada."[26][27]) Theo Moynahan, "Không có bằng chứng nào cho thấy Rasputin đã triệu hồn hay cảm thấy việc đó là cần thiết; ông ta giành được sự ngưỡng mộ bằng sức mạnh nhân cách, không phải bằng thủ thuật."[28] Theo Shelley thì Rasputin thành công là nhờ phong thái điềm tĩnh, hòa nhã và sự ấm áp ngời sức thuyết phục.[29] Radzinski lại tin Rasputin thực sự có khả năng chữa bệnh siêu nhiên, hoặc chính nhờ ông ta cầu nguyện với Chúa nên thái tử mới được cứu sống.[30]

Gilliard, nhà sử học người Pháp Hélène Carrère d'Encausse[31] và Diarmuid Jeffreys,[32] một nhà báo, phỏng đoán Rasputin chữa bệnh bằng cách cho Aleksey ngừng sử dụng aspirin, một loại thuốc giảm đau mới có từ năm 1899.[33] Aspirin là thuốc kháng tiểu cầu và có đặc tính làm loãng máu, gây cản trở quá trình đông máu, thúc đẩy xuất huyết và có thể dẫn đến tụ máu khớp. Loại "thần dược" này có thể đã làm trầm trọng thêm tình trạng sưng và đau khớp của Aleksey.[34][35]

Aleksey và các chị ông được dạy là phải xem Rasputin như "bạn chúng ta" và phải tâm sự giãi bày với ông ta. Song thái tử ý thức rõ khả năng mình sẽ không sống đến tuổi trưởng thành. Khi ông mười tuổi, chị gái Olga thấy ông nằm ngắm mây nên hỏi ông đang làm gì. "Em thích suy nghĩ và tự hỏi," Aleksey đáp. Khi Olga hỏi ông thích nghĩ về thứ gì thì thái tử đáp, "Ôi, nhiều thứ lắm ạ. Em tận hưởng ánh nắng mặt trời và vẻ đẹp của mùa hè tới chừng nào có thể. Ai mà biết liệu một ngày nào đó em có còn được làm điều ấy hay không?"[36]

Thời thơ ấu

sửa
 
Thái tử Aleksey mặc đồng phục Nijni Novgorod Dragoons và ngồi trên lưng ngựa, đằng sau là một phần của Cung điện Aleksandr (1911)
 
Aleksey mặc quân phục trung đoàn Jaeger của Hoàng gia

Gia sư tiếng Pháp của Aleksey, Pierre Gilliard, cho biết thái tử là một cậu bé đơn sơ, sống tình cảm, song môi trường dưỡng dục với "kiểu bợ đỡ thấp hèn" của người hầu và "những lời nịnh hót xuẩn ngốc" của những người xung quanh ông lại dần làm hư ông. Có lần, khi một đoàn nông dân tới dâng quà cho Aleksey, người hầu riêng của thái tử là Derevenko đã bắt họ quỳ gối trước mặt ông. Gilliard để ý thái tử đã "xấu hổ và ngượng chín người." Khi Gilliard hỏi ông có thích nhìn người ta quỳ trước mặt mình không thì ông trả lời, "Dạ không, nhưng Derevenko nói là phải làm thế." Khi Gilliard hỏi tại sao Aleksey không "bảo Derevenko đừng làm thế nữa," thái tử đáp mình "không dám." Khi Gilliard trình bày sự việc trên với Derevenko, ông chép Aleksey đã "rất vui mừng được thoát khỏi thứ nghi lễ phiền hà này."[37]

"Aleksey là trung tâm, là tiêu điểm của tất thảy hy vọng và tình thương của một gia đình đoàn kết," Gilliard chép. "Các chị cậu tôn sùng cậu. Cậu là niềm tự hào và niềm vui của song thân mình. Khi cậu mạnh khỏe, cả cung điện biến đổi. Mọi người và vạn vật trong đó như được tắm táp dưới ánh nắng mặt trời."[38] Thái tử có nhiều nét tương đồng với mẹ mình và khá cao so với tuổi với "gương mặt dài, tinh tế như điêu khắc, những đường nét thanh tú, mái tóc màu nâu vàng ánh đồng và đôi mắt lớn có sắc xám pha xanh dương giống mẹ mình."[39] Tuy thông minh và giàu tình cảm, việc học hành của thái tử lại bị căn bệnh máu khó đông làm gián đoạn. Thái tử cũng bị chiều hư vì cha mẹ ông không nỡ trách phạt ông. Sa hoàng và sa hậu đã giao cho hai thủy thủ từ Hải quân Hoàng gia là Hạ sĩ Andrei Derevenko và phụ tá Klementy Nagorny[40] làm nhiệm vụ trông nom thái tử, giữ thái tử khỏi bị thương. Thái tử bị cấm đi xe đạp và vận động mạnh, nhưng ông vốn là một người hiếu động.

Khi còn nhỏ, thỉnh thoảng Aleksey còn quậy phá cả khách. Có lần giữa một bữa tiệc tối trang trọng, ông đã chui xuống gầm bàn tháo giày của một vị khách nữ và đưa cho sa hoàng xem. Nikolai nghiêm nghị bắt con trai trả "chiến lợi phẩm" lại cho khách. Thái tử bèn bỏ một trái dâu tây chín vào mũi giày khách rồi mới vâng lệnh cha.[41]

Sau này Gilliard thuyết phục cha mẹ Aleksey là nên cho thái tử được quyền tự quyết nhiều hơn để ông rèn luyện tính tự chủ. Cậu bé Aleksey liền tận dụng sự tự do hãn hữu này và bắt đầu bỏ được một số tật xấu cũ của mình.[42] Các triều thần cũng cho biết căn bệnh của thái tử khiến ông dễ nhạy cảm trước thương tổn của người khác.[43] Trong Thế chiến thứ I, ông sống cùng vua cha ở trụ sở lục quân tại Mogilyov một thời gian dài và quan sát đời sống sinh hoạt của quân đội.[44] Ông cũng là một trong những thiếu sinh Hướng đạo đầu tiên của Nga.[45][46]

Tháng 12 năm 1916, Thiếu tướng John Hanbury-Williams, người đứng đầu quân đội Anh tại Stavka, nhận được tin con trai mình đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ cùng Lực lượng Viễn chinh Anh tại Pháp. Sa hoàng Nikolai sai cậu thái tử mười hai tuổi tới bầu bạn cùng người cha đang đau buồn. "Cha sai con tới bầu bạn với bác vì nghĩ đêm nay bác sẽ cô đơn lắm," Aleksey thưa cùng vị thiếu tướng.[47] Cũng như những thành viên nam khác của nhà Romanov, Aleksey bắt đầu mặc đồng phục thủy thủ và chơi trận giả từ khi còn bé. Vua cha thường để ông tham dự những buổi họp dài với các bộ trưởng để chuẩn bị cho ông trong vai trò là sa hoàng tương lai.[43] Thượng tá Mordvinov hồi tưởng về Aleksey:

Cậu có một thứ mà người Nga chúng tôi hay gọi là "trái tim vàng". Cậu dễ gắn bó với người khác, cậu mến họ và nỗ lực hết sức mình để giúp đỡ họ, nhất là khi cảm thấy có ai đó bị tổn thương một cách bất công. Tình cảm của cậu, giống như song thân cậu, chủ yếu phát xuất từ lòng thương hại. Thái tử Aleksei Nikolaevich là một cậu bé hơi làm biếng nhưng lại có tài (tôi nghĩ cậu làm biếng chính bởi vì cậu có tài), cậu dễ dàng nắm bắt mọi thứ, sắc sảo và nhạy bén trước tuổi.
Sự nhút nhát trong những năm gần đây của cậu, nhờ thường xuyên ở lại Trụ sở, đã gần như biến mất. Dầu có tính thiện và lòng trắc ẩn, cậu, không nghi ngờ gì cả, hứa hẹn sẽ có một cá tính vững vàng và tự lập trong tương lai.[48]

— A. A. Mordvinov

Stavka

sửa
 
Chân dung Aleksey vận áo khoác, mũ và huy hiệu của hạ sĩ

Trong Thế chiến thứ I, Aleksey đi cùng vua cha tới Stavka khi cha ông trở thành Tổng tư lệnh của Lục quân Nga vào năm 1915. Aleksey rất thích cuộc sống của quân nhân và tỏ ra hiếu động, nghịch ngợm. Nikolai viết trong thư gửi sa hậu, ". . . vừa từ vườn trở vào nhà với tay áo và ủng ướt sũng vì Aleksey té nước vào người bọn anh ở đài phun nước. Đó là trò yêu thích của thằng nhóc. . . từng tràng cười ngân vang. Anh phải để mắt ngó chừng kẻo mọi việc đi quá đà."[49] Theo lời thái tử thì thức ăn yêu thích của ông là "súp và cháo và bánh mì đen mà mọi quân nhân đều ăn." Mỗi ngày ông đều ăn hết cháo lấy từ bếp của quân nhân và còn khen, "Món này ngon, không như bữa trưa của chúng ta."[50] Tháng 12 năm 1915, Rasputin được mời đến xem bệnh cho Aleksey khi thái tử vô tình va phải cửa sổ của một chiếc tàu hỏa và bị chảy máu mũi.

Năm 1916, Aleksey được trao danh hiệu Chuẩn Hạ sĩ mà ông rất mực tự hào. Ông rất thích những người nước ngoài đến từ Bỉ, Anh, Pháp, Nhật Bản, Ý và Serbia. Một trong những người mà Aleksey thích là Hanbury-Williams chép: "Thời gian trôi qua, sự nhút nhát của cậu biến mất, cậu coi chúng tôi như những người bạn cũ và. . . luôn vui đùa cùng chúng tôi. Với tôi thì tôi đảm bảo mỗi chiếc cúc áo phải được cài chỉnh tề, một thói quen tự nhiên khiến tôi hết sức cẩn thận luôn để mở một hoặc hai chiếc cúc, và thế là đã có lần cậu dừng lại và bảo tôi 'lại lôi thôi nữa rồi,' sau đó thở dài vì tôi chẳng ngó ngàng gì đến những chi tiết này và ngừng lại để cẩn thận cài cúc áo vô cho tôi."

Giam giữ

sửa
 
Nikolai và Aleksey xẻ gỗ trong lúc bị giam lỏng ở Tobolsk vào mùa đông năm 1917.

Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Hai năm 1917, Nikolai II phải thoái vị, cả gia đình ông bị bắt giữ. Trong thời gian sống lưu vong tại Tobolsk, Aleksey viết trong nhật ký là mình "chán" và cầu xin "lòng thương xót" của Chúa. Thỉnh thoảng thái tử được phép chơi với Kolya là con trai bác sĩ của ông và với cậu bé phụ bếp Leonid Sednev. Khi lớn hơn chút nữa, Aleksey trở nên liều lĩnh và cố ý tự làm mình bị thương. Khi ở Sibir, ông cưỡi xe trượt lao xuống cầu thang trong nhà và bị thương ở háng. Ông xuất huyết trầm trọng đến mức không thể cùng cha mẹ và chị Maria tới Ekaterinburg vào tháng 4 năm 1918 theo chỉ thị của người Bolshevik. Vài tuần sau đó, Aleksey và ba người chị mới được đoàn tụ cùng gia đình.[51] Ông phải ngồi xe lăn trong những tuần cuối cùng còn sống.

Hành quyết

sửa
 
Thái tử Aleksey mặc quân phục và chị gái Tatiana, 1917

Thái tử Aleksey bị xử bắn trong hầm Nhà Ipatiev tại Ekaterinburg vào ngày 17 tháng 7 năm 1918, cách sinh nhật ông chưa đầy một tháng. Vụ hành quyết do lực lượng cảnh sát mật Bolshevik dưới quyền Yakov Yurovsky thực thi. Các nhà sử học vẫn chưa thống nhất về những sự kiện thực sự xảy ra trong ngày gia đình ông bị hành quyết. Theo một lời tường thuật về vụ việc này, vào lúc nửa đêm, cả gia đình ông bị gọi dậy thay đồ để di chuyển đến nơi khác. Nikolai II bồng Aleksey xuống một căn phòng dưới hầm. Mẹ ông hỏi xin vài chiếc ghế để bà và ông ngồi xuống. Khi cả gia đình và những người hầu đã yên vị, Yurovsky mới thông báo họ sẽ bị hành quyết. Đội hành quyết bắn chết Nikolai, Alix và hai gia nhân nam trước tiên. Aleksey thì "kinh sợ" ngồi trên ghế cho đến khi các tay súng chuyển sang ông và nã đạn liên tục vào ông. Thái tử vẫn còn sống sau khi trúng đạn nên họ lại đâm ông nhiều lần bằng lưỡi lê. "Dường như không cách nào có tác dụng," Yurovsky chép. "Dù bị thương nhưng thằng bé vẫn sống." Đội hành quyết không biết Aleksey đã mặc một chiếc áo độn đầy đá quý bên dưới áo choàng và chính lớp ngọc này đã che chắn cho phần thân trên của ông. Cuối cùng Yurovsky bắn hai phát đạn vào đầu ông và ông nằm bất động.[52]

Trong nhiều thập kỷ, trước khi tất cả các thi thể được phát hiện và nhận diện, những người theo thuyết âm mưu cho rằng có người trong gia đình sa hoàng vẫn còn sống. Sau vụ ám sát, có nhiều người tự nhận mình chính là thành viên sống sót của gia đình Romanov. Những kẻ mạo nhận thái tử Aleksey gồm có Aleksey Poutziato, Joseph Veres, Heino Tammet, Michał Goleniewski và Vasily Filatov. Tuy nhiên các nhà khoa học cho rằng với căn bệnh máu khó đông thì việc ông thoát chết gần như bất khả thi.

Nhận diện hài cốt

sửa
 
Bức ảnh cuối cùng của Aleksey và Olga trên tàu hơi nước Rus tới Ekaterinburg vào tháng 5 năm 1918

Ngày 23 tháng 8 năm 2007, một nhà khảo cổ học người Nga tuyên bố đã phát hiện hai bộ xương bị cháy và không còn nguyên vẹn tại một khu vực đốt lửa trại gần Ekaterinburg, khớp với địa điểm được miêu tả trong hồi ký của Yurovsky. Các nhà khảo cổ học cho biết đây là hài cốt là của một cậu bé khoảng 10 đến 13 tuổi và một thiếu nữ khoảng 18 đến 23 tuổi.[53] Vào thời điểm bị xử bắn, Olga 22 tuổi, Tatiana 21 tuổi, Anastasia 17 tuổi một tháng còn Maria thì 19 tuổi một tháng. Aleksey còn thiếu hai tuần là đến sinh nhật lần thứ 14. Ngoài hài cốt thì các nhà khảo cổ học còn tìm thấy "mảnh vỡ của một thùng chứa axit sunfuric, đinh, những dải kim loại của một chiếc hộp gỗ và đạn với nhiều cỡ khác nhau." Hài cốt được phát hiện nhờ máy dò kim loại và đầu dò bằng thanh kim loại. Một loại vật liệu có sọc xanh trắng giống như vải cũng được phát hiện; Aleksey thường mặc một chiếc áo lót cũng có sọc xanh trắng.

Ngày 30 tháng 4 năm 2008, các giám định viên pháp y người Nga tuyên bố kết quả xét nghiệm DNA cho thấy những hài cốt trên thuộc về Thái tử Aleksey và một người chị của ông.[54] Thông tin DNA thu được từ Ekaterinburg đã được nhiều phòng thí nghiệm như Trường Y của Đại học Massachusetts xét nghiệm độc lập nhiều lần và xác nhận hai bộ hài cốt còn sót lại của nhà Romanov là thật và cả gia đình Romanov đã sống tại Nhà Ipatiev. Kết quả xét nghiệm DNA được công bố vào tháng 3 năm 2009, xác nhận hai bộ xương được phát hiện năm 2007 chính là của Thái tử Aleksey và một người chị của ông.[55][56]

Tuyên thánh

sửa

Năm 2000, Aleksey cùng gia quyến được Giáo hội Chính thống giáo Nga tuyên thánh và gọi là những người chịu thương khó. Trước đó, vào năm 1981, cả gia đình đã được Giáo hội Chính thống giáo Nga tại Hải ngoại tôn phong thánh tử đạo. Hài cốt của Sa hoàng Nikolai II, Alix của Hessen và Rhein và ba người con gái được cải táng tại Nhà thờ chính tòa Thánh Pyotr và PavelSankt-Peterburg vào ngày 17 tháng 7 năm 1998, đúng 80 năm sau ngày hành quyết.

Hài cốt của Aleksey chưa được mai táng cùng gia đình do Giáo hội Chính thống giáo Nga đòi hỏi DNA phải được xét nghiệm thêm.[57]

 
Nhà Romanov ghé thăm một trung đoàn trong Thế chiến thứ I. Từ trái sang phải là Nữ Đại vương công Anastasia, Nữ Đại vương công Olga, Sa hoàng Nikolai II, Thái tử Aleksey, Nữ Đại vương công Tatiana và Nữ Đại vương công Maria, đứng đằng sau là những người Cossack Kuban.

Tầm quan trọng trong lịch sử

sửa

Aleksey là người thừa kế ngai vàng của Đế quốc Nga. Pavel I đã ban luật cấm phụ nữ thừa kế ngai vàng (trừ khi không còn nam duệ hợp pháp, trong trường hợp đó thì quyền thừa kế sẽ thuộc về người nữ có quan hệ huyết thống gần nhất với sa hoàng cuối cùng). Luật này được ban ra để trả đũa việc mẹ ông, Ekaterina II ("Đại đế"), phế truất cha ông là Pyotr III mà theo ông là một hành động phi pháp.

Nikolai II phải thoái vị vào ngày 15 tháng 3 [lịch cũ ngày 2 tháng 3] năm 1917. Ông nhường ngôi cho Thái tử Aleksey khi ấy mới mười hai tuổi và thái tử tức vị dưới chế độ nhiếp chính. Sau đó Nikolai đã bàn luận với các thái y cùng những người khác có mặt ở đó và được biết mình và Aleksey sẽ bị chia cách. Không muốn con trai phải xa gia đình, Nikolai bèn sửa văn kiện thoái vị để nhường ngôi cho Đại vương công Mikhail Aleksandrovich của Nga, tức em trai ông. Được mách rằng sự an nguy của bản thân sẽ không được đảm bảo, Mikhail từ chối kế vị khi chưa được sự chấp thuận của người dân thông qua một cuộc bầu cử do Quốc hội Lập hiến tổ chức. Cuộc bầu cử này đã không diễn ra và giá trị pháp lý của việc Nikolai thay đổi văn kiện thoái vị vẫn cần được nghiên cứu thêm.[58]

 
Nikolai II, Aleksey, Tatiana và Nikita

Căn bệnh máu khó đông của Aleksey là một phần quan trọng trong quá trình khuếch trương quyền lực của Grigori Rasputin. Một trong những việc làm đã vô tình tạo điều kiện cho nhà Romanov sụp đổ của Rasputin là nói với Nikolai II nước Nga sẽ giành thắng lợi trong cuộc chiến nếu sa hoàng thân chinh nắm quyền kiểm soát Lục quân Nga. Làm theo lời Rasputin là một hành động thất sách bởi sa hoàng không có kinh nghiệm chinh chiến. Alix, một người vô cùng mộ đạo, thì trông cậy Rasputin và tin tưởng khả năng chữa bệnh cho Aleksey của ông ta, việc mà các bác sĩ chính thống không làm được. Chủ đề này đã được khai thác trong tác phẩm Nicholas and Alexandra của Robert K. Massie.

Việc phải chăm sóc cho Aleksey đã làm Sa hoàng Nikolai II và cả gia đình Romanov xao lãng khỏi việc triều chính và cuộc chiến.[59]

 
Đảo Thái tử Aleksey nằm ở phía đông nam Đất Hoàng đế Nikolai II trên một tấm bản đồ Đế quốc Nga năm 1915

Đảo Thái tử Aleksey (tiếng Nga: Остров Цесаревича Алексея), sau này đổi thành Maly Taymyr, được đoàn thám hiểm thủy đạc Bắc Băng Dương năm 1913 – do Boris Vilkitsky dẫn đầu – thay mặt Dịch vụ Thủy đạc Nga đặt tên theo tên ông để tỏ lòng tôn kính.[60]

Danh hiệu

sửa
  •   Đế quốc Nga:
    • Order of St. Andrew the Apostle the First-Called, Knight, ngày 11 tháng 8 năm 1904[61][62]
    • Order of St. Aleksandr Nevsky, Knight, ngày 11 tháng 8 năm 1904[62]
    • Order of St. Anna, Knight 1st Class, ngày 11 tháng 8 năm 1904[62]
    • Order of St. Stanislav, Knight 1st Class, ngày 11 tháng 8 năm 1904[62]
    • Imperial Order of the White Eagle, Knight, ngày 11 tháng 8 năm 1904[62]
    • St. Georgy Medal, 4th class, ngày 17 tháng 10 năm 1915[62]
  •   Pháp: Bắc Đẩu Bội tinh, Hạng nhất, ngày 8 tháng 7 năm 1914[63]
  •   Thụy Điển: Royal Order of the Seraphim, Knight, ngày 27 tháng 6 năm 1909[61]
  •   Thụy Điển: Royal Order of the Seraphim, Knight, ngày 27 tháng 6 năm 1909[61]
  •   Ý: Order of the Annunciation, Knight, 1909[61]

Gia phả

sửa

Sơ đồ truyền bệnh máu khó đông

sửa

Xem thêm

sửa

Ghi chú

sửa
  1. ^ Tước hiệu tsesarevich thường bị nhầm lẫn với tsarevich. Hai từ này có nghĩa hoàn toàn khác nhau: tsarevich là tước hiệu được ban cho các con trai của sa hoàng, còn tsesarevich là tước hiệu được ban cho thái tử, tức người thừa kế của Hoàng đế Nga kể từ thời Pyotr I.[1][2] Các tài liệu tiếng Anh thường gọi Aleksei Nikolaevich là tsarevich, nhưng tước hiệu chính thức của ông là tsesarevich.

Tham khảo

sửa
  1. ^ Macedonsky, Dimitry (2005–2006). “Hail, Son of Caesar! A Titular History of Romanov Scions”. European Royal History Journal. 8.3 (XLV): 19–27.
  2. ^ Burke's Royal Families of the World II. Burke's Peerage Ltd. 1980. tr. 65. ISBN 978-0-85011-029-6.
  3. ^ “Alexis”. Encloypaedia Britannica. Truy cập ngày 22 tháng 4 năm 2019.
  4. ^ “The Abdication of Nicholas II: 100 Years Later”. The Russian Legitimist. Truy cập ngày 30 tháng 1 năm 2018.
  5. ^ Buxhoeveden, Sophie (1928). The Life and Tragedy of Alexandra Feodorovna. Longman.
  6. ^ Buxhoeveden, 1928.
  7. ^ Price, Michael (ngày 8 tháng 10 năm 2009). “Case Closed: Famous Royals Suffered From Hemophilia”. ScienceNOW Daily News. AAAS. Lưu trữ bản gốc ngày 12 tháng 10 năm 2009. Truy cập ngày 9 tháng 10 năm 2009.
  8. ^ Rogaev, Evgeny I.; và đồng nghiệp (ngày 8 tháng 10 năm 2009). “Genotype Analysis Identifies the Cause of the "Royal Disease". Science. 326 (5954): 817. doi:10.1126/science.1180660. PMID 19815722. Bản gốc lưu trữ ngày 13 tháng 10 năm 2009. Truy cập ngày 9 tháng 10 năm 2009.
  9. ^ Nelipa, Margarita. Alexei; Russia's Last Imperial Heir: A Chronicle of Tragedy. tr. 76–77.
  10. ^ Rappaport, Helen (2014). Four Sisters: The Lost Lives of the Romanov Grand Duchesses. Pan Books. tr. 179.
  11. ^ Nelipa, Margarita. “Chương III”. Alexei; Russia's Last Imperial Heir: A Chronicle of Tragedy. tr. 84.
  12. ^ Massie, Robert K. (1967). “Chương 14”. Nicholas and Alexandra.
  13. ^ Nelipa, Margarita. “Chương III”. Alexei; Russia's Last Imperial Heir: A Chronicle of Tragedy. tr. 85–86.
  14. ^ Fuhrmann, Joseph T. (2013). Rasputin: The Untold Story. Hoboken, New Jersey: John Wiley & Sons, Inc. tr. 101. ISBN 978-1-118-17276-6.
  15. ^ Vyrubova, Anna (1923). Memories of the Russian Court. tr. 94.
  16. ^ Moe, Ronald C. (2011). Prelude to the Revolution: The Murder of Rasputin. Aventine Press. ISBN 1593307128.
  17. ^ Rasputin, Maria. The Real Rasputin. tr. 72.
  18. ^ Fuhrmann, Joseph T. (2013). Rasputin: The Untold Story. Hoboken, New Jersey: John Wiley & Sons, Inc. tr. 100–101. ISBN 978-1-118-17276-6.
  19. ^ Nelipa, Margarita (2015). Alexei; Russia's Last Imperial Heir: A Chronicle of Tragedy. tr. 93.
  20. ^ Gilliard, Pierre (1921). Thirteen Years at the Russian Court. Dịch bởi F. Appleby Holt . London: Hutchinson & Co. tr. 177–178. Truy cập ngày 7 tháng 6 năm 2015.
  21. ^ Pares, Bernard (1939). The Fall of the Russian Monarchy: A Study of the Evidence. Luân Đôn: Jonathan Cape. tr. 138.
  22. ^ Fuhrmann, Joseph T. Rasputin: The Untold Story. Hoboken, New Jersey: John Wiley & Sons, Inc. tr. 103. ISBN 978-1-118-17276-6.
  23. ^ Buxhoeveden, Sophie. “Chương XV: A Mother's Agony – Rasputin”. The Life and Tragedy of Alexandra.
  24. ^ Moe, Ronald C. (2011). Prelude to the Revolution: The Murder of Rasputin. Aventine Press. ISBN 1593307128.
  25. ^ Rasputin, Maria (1934). My Father.
  26. ^ a b Pares, Bernard (ngày 6 tháng 1 năm 1927). “Rasputin and the Empress: Authors of the Russian Collapse”. Foreign Affairs. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2014.
  27. ^ Rappaport, Helen (2014). Four Sisters: The Lost lives of the Romanov Grand Duchesses. Pan Books. tr. 117.
  28. ^ Moynahan, Brian (1997). Rasputin: The Saint Who Sinned. Random House. tr. 165. ISBN 0306809303.
  29. ^ Shelley, Gerard (1925). The Speckled Domes: Episodes of an Englishman's Life in Russia. tr. 60.
  30. ^ Radzinski, Edvard (2000). The Rasputin File. Doubleday. tr. 77.
  31. ^ Carrère d'Encausse, Hélène (1996). Nicolas II, la transition interrompue [Nicolas II, the interrupted transition]. Fayard. tr. 147.
  32. ^ Jeffreys, Diarmuid (2004). Aspirin: The Remarkable Story of a Wonder Drug. Bloomsbury Publishing.
  33. ^ Jestice, Phyllis biên tập (2004). Holy People of the World: A Cross-cultural Encyclopedia. ABC-CLIO. tr. 743. ISBN 978-1576073551.
  34. ^ Lichterman, B. L. (2004). “Aspirin: The Story of a Wonder Drug”. BMJ. 329 (7479): 1408. doi:10.1136/bmj.329.7479.1408. PMC 535471.
  35. ^ Munsey, Cecil (tháng 1–tháng 2 năm 2007). “HEROIN® and ASPIRIN®: The Connection! & The Collection! - Part II” (PDF). Bottles and Extras: 17. Kiểm tra giá trị ngày tháng trong: |date= (trợ giúp)
  36. ^ Massie, Robert K. (ngày 1 tháng 1 năm 2013). Nicholas and Alexandra: The Tragic, Compelling Story of the Last Tsar and his Family. Head of Zeus.
  37. ^ Gilliard, Pierre. “Influence of Rasputin - Vyrubova - My Tutorial Troubles - Pierre Gilliard - Thirteen Years at the Russian Court”. alexanderpalace.org. Lưu trữ bản gốc ngày 8 tháng 10 năm 2010. Truy cập ngày 30 tháng 10 năm 2010.
  38. ^ Massie, Robert K. (1967). Nicholas and Alexandra. tr. 137.
  39. ^ Massie, Robert K. Nicholas and Alexandra: The Tragic, Compelling Story of the Last Tsar and his Family. tr. 144.
  40. ^ Kurth, Peter (1998). Tsar: The Lost World of Nicholas and Alexandra. Allen & Unwin. tr. 74. ISBN 1-86448-911-1.
  41. ^ Massie, Robert K. Nicholas and Alexandra: The Tragic, Compelling Story of the Last Tsar and his Family. tr. 136–143.
  42. ^ Massie, Robert K. Nicholas and Alexandra: The Tragic, Compelling Story of the Last Tsar and his Family. tr. 145.
  43. ^ a b Massie, Robert K. Nicholas and Alexandra: The Tragic, Compelling Story of the Last Tsar and his Family. tr. 136–146.
  44. ^ Massie, Robert. Nicholas and Alexandra: The Tragic, Compelling Story of the Last Tsar and his Family. tr. 296.
  45. ^ “National Organisation of Russian Scouts – History and Traditions”. Pine Tree Web. Lưu trữ bản gốc ngày 9 tháng 5 năm 2008. Truy cập ngày 16 tháng 4 năm 2008.
  46. ^ Gileff, Nikita (tháng 10 năm 1998). “National Organisation of Russian Scouts (NORS)”. nors-australia.home-business-host.com. NORS Australia. Bản gốc lưu trữ ngày 26 tháng 2 năm 2009. Truy cập ngày 16 tháng 4 năm 2008.
  47. ^ Massie, Robert K. Nicholas and Alexandra: The Tragic, Compelling Story of the Last Tsar and his Family. tr. 307.
  48. ^ Zeepvat, Charlotte (2004). The Camera and the Tsars: A Romanov Family Album. Sutton Publishing Limited. tr. 20.
  49. ^ Massie, Robert K. “Chương 21: Stavka”. Nicholas and Alexandra: The Tragic, Compelling Story of the Last Tsar and his Family.
  50. ^ “Цесаревич Алексей Николаевич”. tsaarinikolai.com. 2010. Truy cập ngày 15 tháng 6 năm 2019.
  51. ^ King, Greg; Wilson, Penny. The Fate of the Romanovs.[liên kết hỏng]
  52. ^ King và Wilson, tr. 309–310
  53. ^ Harding, Luke (ngày 25 tháng 8 năm 2007). “Bones found by Russian builder finally solve riddle of the missing Romanovs”. The Guardian. Moskva. Truy cập ngày 15 tháng 6 năm 2019.
  54. ^ “DNA confirms identity of czar's children”. The Irish Times. ngày 1 tháng 5 năm 2008. Lưu trữ bản gốc ngày 16 tháng 6 năm 2019. Truy cập ngày 16 tháng 6 năm 2019.
  55. ^ Chi tiết về việc xét nghiệm hài cốt gia đình sa hoàng được chép trong Rogaev, E.I., Grigorenko, A.P., Moliaka, I.K., Faskhutdinova, G., Goltsov,A., Lahti, A., Hildebrandt, C., Kittler, E.L.W. and Morozova, I., "Genomic identification in historical case of Nicholas II Royal family", Proceedings of the National Academy of Sciences, (2009). DNA ty thể của Aleksandra, Aleksei và Maria giống hệt nhau và thuộc nhóm đơn bội H1. DNA ty thể của Nikolai thuộc nhóm đơn bội T2. Trình tự sinh học của họ được công bố trên GenBank với mã số FJ656214, FJ656215, FJ656216 và FJ656217.
  56. ^ “DNA proves Bolsheviks killed all of Russian czar's children”. CNN. ngày 11 tháng 3 năm 2009. Truy cập ngày 20 tháng 6 năm 2019.
  57. ^ Luhn, Alec (ngày 11 tháng 9 năm 2015). “Russia agrees to further testing over 'remains of Romanov children'. The Guardian. Truy cập ngày 22 tháng 6 năm 2019.
  58. ^ Kerensky, A. F. (1927). “Chapter I: The Four Days that Ended the Russian Monarchy”. The Catastrophe. Marxists Internet Archive.
  59. ^ Massie, Robert K. (1967). Nicholas and Alexandra.
  60. ^ Barr, William (1975). “Severnaya Zemlya: The Last Major Discovery”. Geographical Journal. 141: 59–71. doi:10.2307/1796946. JSTOR 1796946.
  61. ^ a b c d Almanach de Gotha. Justus Perthes. 1918. tr. 81.
  62. ^ a b c d e f “великий князь и наследник цесаревич Алексей Николаевич” [Đại vương công và Thái tử Aleksei Nikolaevich]. regiment.ru. Bản gốc lưu trữ ngày 7 tháng 4 năm 2020. Truy cập ngày 18 tháng 6 năm 2019.
  63. ^ Wattel, Michel; Wattel, Béatrice (2009). Les Grand’Croix de la Légion d’honneur — De 1805 à nos jours, titulaires français et étrangers. Archives et Culture. tr. 520. ISBN 9782350771359.
  64. ^ a b Nicholas II, Tsar of Russia tại Encyclopædia Britannica (tiếng Anh)
  65. ^ a b Gelardi, Julia P. (ngày 1 tháng 4 năm 2007). Born to Rule: Five Reigning Consorts, Granddaughters of Queen Victoria. St. Martin's Press. tr. 10. ISBN 9781429904551. Truy cập ngày 15 tháng 7 năm 2018.
  66. ^ a b Alexander III, Emperor of Russia tại Encyclopædia Britannica (tiếng Anh)
  67. ^ a b c d “Christian IX”. The Danish Monarchy. Bản gốc lưu trữ ngày 3 tháng 4 năm 2005. Truy cập ngày 14 tháng 7 năm 2018.
  68. ^ a b Willis, Daniel A. (2002). The Descendants of King George I of Great Britain. Clearfield Company. tr. 717. ISBN 978-0-8063-5172-8.
  69. ^ a b c d e f Louda, Jiří; Maclagan, Michael (1999). Lines of Succession: Heraldry of the Royal Families of Europe. London: Little, Brown. tr. 34. ISBN 978-1-85605-469-0.
  70. ^ a b Alexander II, Emperor of Russia tại Encyclopædia Britannica (tiếng Anh)
  71. ^ a b c d Zeepvat, Charlotte. Heiligenberg: Our Ardently Loved Hill. Published in Royalty Digest. No 49. July 1995.
  72. ^ a b Vammen, Tinne (ngày 15 tháng 5 năm 2003). “Louise (1817–1898)”. Dansk Biografisk Leksikon (bằng tiếng Đan Mạch).
  73. ^ a b Ludwig Clemm (1959), “Elisabeth”, Neue Deutsche Biographie (NDB) (bằng tiếng Đức), 4, Berlin: Duncker & Humblot, tr. 444–445Quản lý CS1: postscript (liên kết); (full text online)

Đọc thêm

sửa

Liên kết ngoài

sửa