Bành Châu (nhà biên kịch)

nhà biên kịch Việt Nam

Bành Châu (30 tháng 9 năm 1930 – 19 tháng 12 năm 2004) là một nhà biên kịch điện ảnh Việt Nam, tác giả của nhiều bộ phim đạt được các giải thưởng trong và ngoài nước như Lũy thép Vĩnh Linh, Đường về quê mẹ, Hoa thiên lý, Đêm bến tre. Ngoài ra, ông còn là một tiến sĩ nghệ thuật học và được nhà nước Việt Nam phong tặng học hàm Phó Giáo sư.

Bành Châu
Thông tin cá nhân
Sinh
Tên khai sinh
Bành Hữu Châu
Ngày sinh
(1930-09-30)30 tháng 9, 1930
Nơi sinh
Phủ Lạng Thương, Bắc Giang
Mất19 tháng 12, 2004(2004-12-19) (74 tuổi)
Giới tínhnam
Quốc tịch Việt Nam
Nghề nghiệpBiên kịch
Gia đình
Con cái
Bành Bắc Hải
Học vịTiến sĩ
Học hàmPhó Giáo sư
Khen thưởngHuân chương Kháng chiến Huân chương Kháng chiến hạng Ba
Huân chương Kháng chiến Huân chương Kháng chiến hạng Nhất
Huân chương Lao động Huân chương Lao động hạng Nhì
Sự nghiệp điện ảnh
Năm hoạt động1955 – 2004
Đào tạoVGIK
Tác phẩm
Giải thưởng
Liên hoan phim Việt Nam 1973
Biên kịch xuất sắc
Website

Cuộc đời sửa

Bành Châu tên đầy đủ là Bành Hữu Châu, sinh ngày 30 tháng 9 năm 1930 tại thị xã Phủ Lạng Thương (nay là thành phố Bắc Giang), về sau chuyển đến sống tại thị trấn Bố Hạ, huyện Yên Thế.[1] Anh trai ông, Bành Bảo, cũng là một nhà biên kịch tài năng và nổi tiếng của nền điện ảnh Việt Nam. Cũng như nhiều thanh niên cùng thời, ông tham gia chiến tranh khá sớm. Bành Châu từng làm thợ in đá cho một tờ báo của Tỉnh đoàn Thanh niên rồi chuyển sang cơ quan tuyên truyền của tỉnh Bắc Giang. Trong giai đoạn này, ông đã bắt đầu làm thơ, ca dao và viết truyện ngắn.[2]

Năm 1950, ông trở thành học viên của Trường Văn nghệ Nhân dân Trung ương tại chiến khu Việt Bắc. Học được một thời gian thì ông bắt đầu công tác tuyên truyền tại Tây Bắc, tham gia xây dựng và trở thành thư ký toàn soạn báo Lai Châu kháng chiến. Năm 1954, sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, trung tâm chính quyền miền Bắc Việt Nam một lần nữa chuyển về Hà Nội. Bành Châu cũng theo đó mà được chuyển công tác về Xưởng phim truyện Việt Nam.[3] Từ đây, ông bắt đầu viết kịch bản và lời bình cho các phim thời sự, tài liệu. Năm 1960, ông được cử sang Liên Xô học khóa biên kịch điện ảnh tại Trường Điện ảnh Quốc gia Liên Xô (VGIK).[4][5]

Ngày 19 tháng 12 năm 2004, Bành Châu qua đời, thọ 75 tuổi.[3]

Sự nghiệp sửa

Phim tài liệu sửa

Theo quy định của nhà nước Việt Nam trong thời kỳ này, các du học sinh thuộc các ngành văn hóa nghệ thuật cần về nước để chỉnh huấn và học tập chính trị vào mỗi dịp nghỉ hè hằng năm. Cuốn kịch bản Hồng thập tự Việt Nam của Bành Châu đã ra đời trong một lần nghỉ hè này. Bộ phim ca ngợi tinh thần nhân đạo của dân tộc Việt Nam được đạo diễn bởi Nguyễn Ngọc Quỳnh và nhận được bằng khen danh dự tại Liên hoan phim quốc tế về Hồng thập tự tại Cannes. Sau khi tốt nghiệp chính quy tại Liên Xô, Bành Châu trở về nước. Dù tốt nghiệp chuyên ngành biên kịch phim truyện, Bành Châu lại được cử sang làm việc tại Xưởng phim thời sự, tài liệu.

Ngày 15 tháng 10 năm 1964, nhà yêu nước trẻ tuổi Nguyễn Văn Trỗi bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa xử bắn.[6] Đây là một trong những hình tượng tiêu biểu về người chiến sĩ cách mạng Việt Nam thời bấy giờ, đã gây xúc động cho rất nhiều người. Bộ phim tài liệu Anh Nguyễn Văn Trỗi sống mãi của đạo diễn Bùi Đình Hạc đã bắt đầu khởi quay trong bối cảnh đó. Bành Châu được phân công viết kịch bản và lời bình cho bộ phim tài liệu này.[7] Về sau, bộ phim đã giành được giải bạc tại Liên hoan phim quốc tế Moskva năm 1965,[8][9] và Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 1 năm 1970.

Tiếp nối sự thành công của Anh Nguyễn Văn Trỗi sống mãi, Bành Châu bắt tay vào viết kịch bản và lời bình cho Tuổi hai mươi vào năm 1965 để kỷ niệm 20 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bộ phim đánh dấu lần thứ 2 ông hợp tác với đạo diễn Nguyễn Ngọc Quỳnh. Sau một thời gian đi thực tế tại Vĩnh Linh, ông liên tiếp cho ra đời 2 kịch bản Một ngày trực chiếnLũy thép Vĩnh Linh về sự khốc liệt của chiến tranh ở vùng đất này. Trong đó, đạo diễn của Lũy thép Vĩnh Linh chính là Nguyễn Ngọc Quỳnh. Cả 2 bộ phim đều nhận được Bông sen vàng cho phim tài liệu xuất sắc.[10][11] Năm 1973 và 1975, ông tiếp tục viết kịch bản và lời bình cho 2 bộ phim Vĩnh biệt, khách không mờiBước đường thắng lợi, đều do Nguyễn Ngọc Quỳnh đạo diễn.[12][13]

Phim truyện sửa

Sau nhiều thành tích với phim tài liệu, Bành Châu bắt đầu viết kịch bản phim truyện. Năm 1970, ông một lần nữa hợp tác với đạo diễn Bùi Đình Hạc trong bộ phim Đường về quê mẹ.[14] Kịch bản bộ phim này do Bành Châu và Bùi Đình Hạc cùng nhau biên soạn. Đây là một trong những bộ phim được đánh giá cao của Bùi Đình Hạc,[15] đã công chiếu và giành được nhiều giải thưởng ở nhiều liên hoan phim trong và ngoài nước.[16][17] Năm 1973, ông tiếp tục hợp tác với Bùi Đình Hạc thực hiện bộ phim Hoa thiên lý.[18] Mặc dù không giành được giải thưởng nhưng đây là phim Việt Nam có lượng người xem cao nhất năm 1973.[19] Ông có tất cả 4 kịch bản được in thành sách và xuất bản bao gồm Đường về quê mẹ, Hoa thiên lý, Nắng mớiCâu chuyện làng dừa. Tất cả đều được in bởi Nhà xuất bản Văn hóa. Năm 1984, ông thành công bảo vệ luận án tiến sĩ ngành Nghệ thuật học tại VGIK với đề tài "Hình tượng người chiến sĩ trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc trong điện ảnh Việt Nam".[1]

Năm 1987, ông tiếp tục viết kịch bản cho bộ phim Thằng Bờm. Đây là lần đầu tiên nhân vật Thằng Bờm, mở ra dòng phim điện ảnh cười của Xí nghiệp Phim truyện Việt Nam. Bành Châu đã xây dựng kịch bản cho bộ phim bằng cách bổ sung thêm nhiều câu chuyện dân gian.[20]

Tác phẩm sửa

Năm Phim Đạo diễn Thể loại Vai trò Ghi chú Nguồn
Biên kịch Viết lời bình Biên tập
1963 Hồng thập tự Việt Nam Nguyễn Ngọc Quỳnh Phim tài liệu
1964 Anh Nguyễn Văn Trỗi sống mãi Bùi Đình Hạc [21]
1965 Tuổi hai mươi Nguyễn Ngọc Quỳnh
1967 Đầu sóng ngọn gió Không [22]
1968 Một ngày trực chiến Nhất Hiên, Phan Trọng Quỳ [23]
1970 Lũy thép Vĩnh Linh Nguyễn Ngọc Quỳnh [24]
1971 Làng nhỏ bên sông Trà Nghiêm Phú Mỹ Không [25][26]
Đường về quê mẹ Bùi Đình Hạc Phim truyện Không [27][28]
1973 Hoa thiên lý Không [18][28]
Tiếng trống trường Thanh Huyền, Lâm Mộc Khôn Phim tài liệu [29]
Vĩnh biệt, khách không mời Nguyễn Ngọc Quỳnh [13]
1975 Bước đường thắng lợi [12]
1977 Câu chuyện làng dừa Bạch Diệp Phim truyện Không [a] [31][32]
1980 Chuyện đời không đơn giản Vũ Phạm Từ Không Không
1981 Hy vọng cuối cùng Trần Phương Không Không
1982 Ai giận ai thương? Bạch Diệp Không [33][34][35]
1985 Chi Lăng Nông Ích Đạt Phim tài liệu [36]
1987 Thằng Bờm Lê Đức Tiến Phim truyện Không [37][38][39]
1990 Thằng Cuội Đỗ Minh Tuấn Không [40][41]

Thành tựu sửa

Huân chương sửa

Danh sách giải thưởng sửa

Năm Lễ trao giải Hạng mục Tác phẩm Kết quả Nguồn
1963 Liên hoan phim Cannes Hồng thập tự Việt Nam Bằng khen [1]
1965 Liên hoan phim quốc tế Moskva lần thứ 4 Phim tài liệu Anh Nguyễn Văn Trỗi sống mãi Huy chương bạc [1][42]
1967 Liên hoan phim quốc tế Moskva lần thứ 5 Đầu sóng ngọn gió Huy chương vàng [43]
1970 Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 1 Anh Nguyễn Văn Trỗi sống mãi Bông sen vàng [44]
Đầu sóng ngọn gió Bông sen vàng [43]
Một ngày trực chiến Bông sen vàng [10]
1971 Liên hoan phim quốc tế Leipzig (en) Làng nhỏ ven sông trà Bồ câu vàng [45]
Liên hoan phim quốc tế Moskva lần thứ 7 Lũy thép Vĩnh Linh Huy chương vàng [46][11]
1972 Liên hoan phim quốc tế Karlovy Vary Giải thưởng Ban giám khảo
(khu vực ÁPhi, Mỹ Latinh)
Đường về quê mẹ Giải Nhất [27][47]
1973 Giải thưởng Hội Điện ảnh Việt Nam Tác giả kịch bản văn học Đoạt giải
Liên hoan phim quốc tế New Delhi Phim hay nhất Đoạt giải [1][28]
Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 2 Phim truyện điện ảnh Bông sen vàng [27]
Biên kịch xuất sắc Đoạt giải [48][49]
Phim tài liệu Lũy thép Vĩnh Linh Bông sen vàng [50]
Làng nhỏ ven sông trà Bông sen vàng
Liên hoan phim quốc tế Leipzig (en) Tiếng trống trường Bồ câu vàng [45]
1975 Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 3 Bằng khen [51]
1988 Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 8 Phim truyện điện ảnh Thằng Bờm Giải đặc biệt [52]

Ghi chú sửa

  1. ^ Bộ phim ban đầu tên Đêm Bến Tre.[30]

Tham khảo sửa

  1. ^ a b c d e Phạm Vĩnh (2002), tr. 90.
  2. ^ “ĐỀ ÁN Sửa đổi, bổ sung Ngân hàng dữ liệu phục vụ việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Bắc Giang” (PDF). Cổng thông tin điện tử Bắc Giang. 21 tháng 8 năm 2020.
  3. ^ a b “Nghệ sĩ Bành Châu-một đại thụ của làng điện ảnh qua đời”. Báo Nhân Dân. 21 tháng 12 năm 2004. Truy cập ngày 17 tháng 5 năm 2022.
  4. ^ Nguyễn Thị Hồng Ngát (31 tháng 10 năm 2017). “Nhớ VGIK!”. Báo Quân đội nhân dân. Truy cập ngày 17 tháng 5 năm 2022.
  5. ^ “Kỷ niệm 90 năm Cách mạng Tháng Mười Nga (7.11.1917-7.11.2007): Mối tình điện ảnh không biên giới”. Báo điện tử Tổ Quốc. 3 tháng 11 năm 2007. Truy cập ngày 17 tháng 5 năm 2022.
  6. ^ Shore, Zachary (2015). “Provoking America: Le Duan and the Origins of the Vietnam War”. Journal of Cold War Studies. 17 (4): 93. ISSN 1520-3972.
  7. ^ Nhiều tác giả (2007), tr. 479.
  8. ^ Sovetskiĭ ėkran: dvukhnedel'nyĭ illi͡ustrirovannyĭ zhurnal (bằng tiếng Nga). Moscow: Soi͡uz rabotnikov kinematografii SSSR. 1965. tr. 1. OCLC 6937408178.
  9. ^ Boris Alekseevich Vvedenskiĭ (1966). Большая советская энтсиклопедия: Ежегодник [Đại bách khoa toàn thư Xô Viết: Niên giám] (bằng tiếng Nga). Moskva: Nhà xuất bản Bách khoa toàn thư Liên Xô. tr. 564. ISSN 0523-9613. OCLC 1536704.
  10. ^ a b Phan Bích Hà (2003), tr. 366.
  11. ^ a b Viện Nghiên cứu Lịch sử và Lý thuyết điện ảnh (1971), tr. 138.
  12. ^ a b “Danh Mục Phim Tư Liệu - Bước đường thắng lợi”. Bảo tàng Hồ Chí Minh. Truy cập ngày 26 tháng 5 năm 2022.
  13. ^ a b Hội điện ảnh Hà Nội (2000), tr. 199.
  14. ^ Lê Ngọc Minh (17 tháng 8 năm 2005). “Điện ảnh Việt Nam cần một cuộc tập hợp lớn”. Báo Nhân Dân điện tử. Truy cập ngày 24 tháng 11 năm 2022.
  15. ^ Ngô Phương Lan (7 tháng 1 năm 2022). “Phát triển nội lực điện ảnh Việt Nam để có tác phẩm xứng tầm”. Báo Quân đội nhân dân. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 5 tháng 2 năm 2022.
  16. ^ Hoài Trấn; Tường Vi (17 tháng 12 năm 2014). “Bộ đội Cụ Hồ trong phim của NSND Bùi Đình Hạc”. Báo Quân đội nhân dân. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 5 tháng 2 năm 2022.
  17. ^ Nông Hồng Diệu (3 tháng 6 năm 2018). “Phim Việt ra thế giới - Đường xa vạn dặm?”. Báo điện tử Tiền Phong. Lưu trữ bản gốc ngày 6 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 5 tháng 2 năm 2022.
  18. ^ a b Nguyễn Thụ (1984), tr. 75.
  19. ^ Nhiều tác giả (2007), tr. 482.
  20. ^ Quảng Đức Nguyên (9 tháng 2 năm 1988). “Cô gái trên sông và Thằng Bờm - Hai bộ phim đang làm xôn xao dư luận”. Báo Tiền Phong. 6: 5. ISSN 0191-2097. OCLC 6945115.
  21. ^ Hoàng Thanh và đồng nghiệp (2003), tr. 87.
  22. ^ Hoàng Thanh và đồng nghiệp (2003), tr. 104.
  23. ^ Hoàng Thanh và đồng nghiệp (2003), tr. 107.
  24. ^ Hoàng Thanh và đồng nghiệp (2003), tr. 108.
  25. ^ Hoàng Thanh và đồng nghiệp (2003), tr. 174.
  26. ^ Trung Sơn (2004), tr. 160.
  27. ^ a b c Hoàng Thanh và đồng nghiệp (2003), tr. 258.
  28. ^ a b c Nhiều tác giả (2007), tr. 481.
  29. ^ Trần Trọng Đăng Đàn (2010d), tr. 808.
  30. ^ Ngô Mạnh Lân và đồng nghiệp (2005), tr. 188.
  31. ^ Nhiều tác giả (2007), tr. 93.
  32. ^ Vũ Hà (1978), tr. 59.
  33. ^ Nông Quốc Chấn (1983), tr. 21.
  34. ^ Nguyễn Thụ (1984), tr. 128.
  35. ^ Nhiều tác giả (2007), tr. 807.
  36. ^ Nông Quốc Chấn (1985), tr. 109.
  37. ^ C.Khuê (24 tháng 2 năm 2013). “Thằng Bờm trên VTV1”. Tuổi Trẻ Online. Truy cập ngày 17 tháng 5 năm 2022.
  38. ^ Ngô Mạnh Lân và đồng nghiệp (2005), tr. 245.
  39. ^ Phạm Duy Đức (2006), tr. 115.
  40. ^ Viện nghệ thuật và lưu trữ điện ảnh (1994), tr. 332.
  41. ^ Tú Ngọc (2000), tr. 964.
  42. ^ Hoàng Thanh và đồng nghiệp (2003), tr. 94.
  43. ^ a b Phạm Vũ Dũng (2000), tr. 264.
  44. ^ Trần Duy Hinh (2003), tr. 66.
  45. ^ a b Hồng Lực (2000), tr. 84.
  46. ^ Tuyết Loan (30 tháng 4 năm 2017). “Máu và lửa sau "Lũy thép Vĩnh Linh". Báo Nhân Dân. Truy cập ngày 10 tháng 2 năm 2022.
  47. ^ Bành Bảo (1986), tr. 182.
  48. ^ Hoài Trấn; Tường Vi (17 tháng 12 năm 2014). “Bộ đội Cụ Hồ trong phim của NSND Bùi Đình Hạc”. Báo Quân đội nhân dân. Lưu trữ bản gốc ngày 5 tháng 2 năm 2022. Truy cập ngày 5 tháng 2 năm 2022.
  49. ^ Nguyễn Thị Mỹ Dung (2001), tr. 142.
  50. ^ Hoàng Thanh và đồng nghiệp (2003), tr. 170.
  51. ^ Ngô Mạnh Lân và đồng nghiệp (2005), tr. 616.
  52. ^ “Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 8 đã kết thúc”. Báo Lao Động. 13: 8. 31 tháng 3 năm 1988.

Nguồn sửa

Liên kết ngoài sửa