Bát bộ Kim Cương
Bát bộ Kim Cương là tám vị Hộ pháp trong Phật giáo Đại thừa trong đó có Phật giáo Việt Nam. "Kim Cương" nguyên là "Kim Cương thủ" (chữ Nho: 金剛手, dịch từ chữ Vajrapāṇi tiếng Phạn) là vị bồ tát có công bảo vệ Phật. Theo kinh Phóng Quang Bát Nhã (Pancavimsatisahasrika Prajnaparamita) và kinh Đạo Hạnh Bát Nhã (Astasahasrika Prajnaparamita) thì bất cứ ai tu thiền thành Bồ-tát trên đường thành Phật sẽ được thần Kim Cương gìn giữ bảo vệ, không bị ai phá hoại hoặc nhũng nhiễu, cho dù đó là người hay ma.[1]
Nguồn gốc
sửaHình tượng Kim Cương thủ bồ tát được cho là có nguyên gốc từ nhân vật anh hùng Heracles của Hy Lạp, truyền bá vào Ấn Độ theo chân đoàn quân viễn chinh của Alexander Đại Đế và qua thời gian trở thành vị bồ tát cầm chùy, hộ vệ cho Phật giáo.[2], điều này thể hiện qua những bức tượng hoặc bức phù điêu mô tả Kim Cang hộ pháp là một đại lực sĩ với cơ bắp cuồn cuộn.
Phật giáo Việt Nam
sửaTuy trong kinh điển chỉ nhắc đến một vị bồ tát nhưng qua sự gán ghép với Lão giáo thì tại Việt Nam thì cho là có tám vị. Bia Sùng Thiện Diên Linh (dựng 1122) ở chùa Đọi từ thời nhà Lý đã nhắc đến tám vị.[3] Tám vị thần này thường bài trí trong chùa Việt Nam như để bảo vệ Phật pháp, tín đồ và cơ sở thờ phụng Phật. Tám vị thần có tên riêng là:
- Thanh Trừ Tai
- Tích Độc Thần
- Hoàng Tùy Cầu
- Bạch Tịnh Thủy
- Xích Thanh Hỏa
- Định Trừ Tai
- Tử Hiền Thần
- Đại Thần Lực.
Tuy là tám vị nhưng cả tám được gom lại thành một đoàn thống nhất, chia ra thành hai hàng, mỗi hàng bốn vị, chứ không tách ra thờ riêng. Tám vị Kim Cương vì là Hộ pháp nên tượng trong chùa thì trang phục như võ tướng, thân mặc giáp, tay cầm khí giới như sẵn sàng xung chiến. Trong tám vị thì ba vị tô mặt trắng nét mặt nhân hậu, năm vị tô mặt đỏ với dữ tợn, để kết hợp hai chức năng "khuyến thiện" và "trừng ác" của thần linh.[4]
Mỹ thuật Việt Nam
sửaTrong các pho tượng Kim Cương nổi bật phải kể đến tượng Kim Cương bằng đá là di vật thời nhà Lý khai quật ở chùa Phật Tích, nay lưu trữ ở Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ở Hà Nội.
Tham khảo
sửa- ^ DeCaroli, Robert. Haunting the Buddha: Indian Popular Religions and the Formation of Buddhism. New York: Oxford University, 2004 (ISBN 0195168380), p. 182
- ^ Katsumi Tanabe, "Alexander the Great, East-West cultural contacts from Greece to Japan", p23.
- ^ “Tượng Kim Cương”. Bản gốc lưu trữ ngày 12 tháng 3 năm 2016. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2013.
- ^ Chu Quang Trứ. Tượng cổ Việt Nam với truyền thống điêu khắc dân tộc. Hà Nội: Mỹ thuật, 2001. tr 167-71