Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ

Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ (tiếng Anh: American Museum of Natural History, viết tắt: AMNH) là một bảo tàng lịch sử tự nhiên nằm ở Upper West Side, Manhattan, New York, Hoa Kỳ. Đây là một trong những bảo tàng lớn nhất thế giới với tổ hợp 25 tòa nhà gồm 46 gian trưng bày, phòng nghiên cứu và thư viện. AMNH có bộ sưu tập hơn 32 triệu hiện vật và đội ngũ nhân viên nghiên cứu trên 200 người, bảo tàng cũng thường xuyên tài trợ mỗi năm cho hơn 100 chuyến khảo sát thực địa.[2]

Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ
Map
Thành lập6 tháng 4 năm 1869
Vị tríCentral Park West, 79th Street
Bộ sưu tậpLịch sử tự nhiên
Lượng kháchKhoảng 4 triệu[1]
Giám đốcEllen V. Futter
Truy cập giao thông công cộngB, C, M7, M10, M11, M79, 81st Street–Museum of Natural History (IND Eighth Avenue Line)
Trang webhttp://www.amnh.org

Lịch sử sửa

 
Cánh phía Nam của bảo tàng (khoảng thập niên 1900).

Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ được thành lập năm 1869 với cơ sở ban đầu là tòa nhà Arsenal nằm tại Central Park. AMNH ra đời nhờ nỗ lực vận động của nhà khoa học Louis Agassiz thuộc Đại học Harvard, người đã thuyết phục thành công thống đốc New York John Thompson Hoffman ký quyết định thành lập bảo tàng vào ngày 6 tháng 4 năm 1869.[3] Tới năm 1877 AMNH được chuyển về địa điểm hiện nay với tòa nhà chính được xây dựng từ năm 1874 đến 1877 theo thiết kế kiểu Gothic của Calvert VauxJ. Wrey Mould.[4] Sau đó bảo tàng còn tiếp tục được mở rộng nhiều lần cho tới thập niên 1930.

Được thành lập từ năm 1880, thư viện của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ hiện lưu giữ trên 450.000 tài liệu khác nhau trong đó có nhiều tài liệu có từ thế kỷ 15 thuộc vào loại hiếm nhất trên thế giới.[5]

Trưng bày sửa

 
Mô hình cá voi xanh trong gian trưng bày Milstein Family Hall of Ocean Life.

Lịch sử tiến hóa của loài người được giới thiệu tại gian trưng bày Bernard and Anne Spitzer Hall of Human Origins. Đây là nơi duy nhất trên nước Mỹ trưng bày chuyên sâu về lịch sử tiến hóa của loài người[6] với nhiều hiện vật nổi tiếng như bộ xương hóa thạch "Lucy" (3,2 triệu năm tuổi), "Turkana Boy" (1,7 triệu năm tuổi) và một mẫu của "người vượn Bắc Kinh". Gian trưng bày còn có các bản sao những bức tranh trên vách đá Dordogne, Pháp ra đời cách đây khoảng 26.000 năm và được coi là một trong những tác phẩm nghệ thuật đầu tiên của loài người.[7]

 
Gian trưng bày hóa thạch khủng long Saurischia.

Gian Harry Frank Guggenheim Hall of Minerals của bảo tàng là nơi trưng bày các mẫu đá quý và khoáng vật hiếm. Tại đây có nhiều hiện vật nổi tiếng như viên ngọc lục bảo Patricia Emerald nặng 632 carat (126 gam),[8] viên xa-phia Star of India nặng 536 carat[9] hay khối topaz nặng 270 kg có tên Brazilian Princess.[10] Năm 1964 viên đá quý Star of India từng bị đánh cắp khỏi bảo tàng nhưng sau đó đã được tìm thấy và đưa trở lại AMNH.[11]

Gian trưng bày nổi tiếng nhất của AMNH là Theodore Roosevelt Memorial Hall nơi lưu giữ bộ sưu tập hóa thạch khủng long và các loài thú đã tuyệt chủng. Chỉ có một phần nhỏ của bộ sưu tập được giới thiệu trước công chúng, phần còn lại chủ yếu được cất giữ tại tòa nhà 10 tầng Childs Frick Building. Trong các mẫu hóa thạch nổi tiếng trưng bày tại đây phải kể tới hóa thạch gần như nguyên vẹn bộ xương khủng long Tyrannosaurus rex hay hóa thạch voi ma mút Mammuthus.[12]

Tham khảo sửa

  1. ^ “America's 25 Most Visited Museums - ForbesTraveler.com”. Truy cập ngày 18 tháng 3 năm 2009.[liên kết hỏng]
  2. ^ “American Museum of Natural History - Overview and Programs”. Truy cập ngày 18 tháng 2 năm 2009.
  3. ^ “Timeline: The History of the American Museum of Natural History”. Bản gốc lưu trữ ngày 11 tháng 2 năm 2009. Truy cập ngày 18 tháng 2 năm 2009.
  4. ^ Preston, Douglas (1986). Dinosaurs in the Attic: An Excursion into the American Museum of Natural History. New York: St. Martin's Press. ISBN 0-312-10456-1.
  5. ^ “AMNH Library - About the Library”. Bản gốc lưu trữ ngày 24 tháng 2 năm 2009. Truy cập ngày 3 tháng 3 năm 2009.
  6. ^ Osborn, Henry Fairfield (ngày 21 tháng 4 năm 1921). “The Hall of the Age of Man in the American Museum”. Nature. 107: 236–240.
  7. ^ Wilford, John Noble (ngày 9 tháng 2 năm 2007). “Meet the Relatives. They're Full of Surprises”. The New York Times. Truy cập ngày 4 tháng 3 năm 2009.
  8. ^ “The Patricia Emerald”. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 5 năm 2009. Truy cập ngày 4 tháng 3 năm 2009.
  9. ^ “Star of India”. Bản gốc lưu trữ ngày 22 tháng 1 năm 2009. Truy cập ngày 4 tháng 3 năm 2009.
  10. ^ Susan Heller Anderson & Dunlap, David W. (ngày 11 tháng 12 năm 1985). “Museum of Natural History Gets 21,327 Carats”. The New York Times. Truy cập ngày 18 tháng 3 năm 2009.Quản lý CS1: sử dụng tham số tác giả (liên kết)
  11. ^ “The AMNH Gem and Mineral Collection”. Truy cập ngày 14 tháng 1 năm 2009.
  12. ^ “Fossil Halls”. Truy cập ngày 18 tháng 3 năm 2009.

Liên kết ngoài sửa

  • AMNH - Trang web chính thức