Các thánh tử đạo Việt Nam
Các thánh tử đạo Việt Nam là danh sách những tín hữu Công giáo người Việt hoặc thừa sai ngoại quốc được Giáo hội Công giáo Rôma tuyên thánh với lý do tử đạo. Trong lịch sử Công giáo tại Việt Nam, ước tính có đến hàng trăm ngàn người đã tử vì đạo để làm chứng cho đức tin Kitô giáo. Trong số đó có 117 người đã được Giáo hoàng Gioan Phaolô II tuyên Thánh vào ngày 19 tháng 6 năm 1988.
Các Thánh tử đạo Việt Nam 117 Thánh tử đạo Việt Nam | |
---|---|
Sinh | Việt Nam, Pháp, Tây Ban Nha |
Mất | Việt Nam |
Tôn kính | Giáo hội Công giáo |
Chân phước | 27 tháng 5 năm 1900 20 tháng 5 năm 1906 2 tháng 5 năm 1909 29 tháng 4 năm 1951 bởi Giáo hoàng Lêô XIII Giáo hoàng Piô X Giáo hoàng Piô XII |
Tuyên thánh | 19 tháng 6 năm 1988, tại Rôma bởi Giáo hoàng Gioan Phaolô II |
Đền chính | Vương cung thánh đường Sở Kiện |
Lễ kính | 24 tháng 11 (hoàn vũ) Chủ nhật thứ 33 Mùa Thường niên (trọng thể tại Việt Nam) Chủ nhật đầu tháng 9 (Lịch Phụng Vụ Rôma 1962 tại Việt Nam) |
Quan thầy của | Giáo hội Công giáo tại Việt Nam |
Ảnh hưởng đến | Công giáo tại Việt Nam |
Bị bách hại | 1745 - 1862 bởi Chúa Trịnh, Nhà Tây Sơn, Nhà Nguyễn và Phong trào Văn Thân |
Lễ kính chung cho các Thánh tử đạo Việt Nam là ngày 24 tháng 11, được Giáo hội Công giáo khắp thế giới cử hành với bậc lễ theo Lịch Chung Rôma là lễ nhớ. Riêng Giáo hội Việt Nam còn cử hành lễ kính trọng thể vào Chúa nhật giữa tháng 11, trước lễ Chúa Kitô Vua. Trước đây, lễ kính các chân phước tử đạo Việt Nam được cử hành vào chủ nhật đầu tiên của tháng 9.
Thống kê
sửaTheo quốc tịch, 117 Thánh Tử đạo Việt Nam được chia ra như sau:
- 11 người gốc Tây Ban Nha: 6 giám mục và 5 linh mục dòng Đa Minh,
- 10 người gốc Pháp: 2 giám mục và 8 linh mục thuộc Hội Thừa sai Paris,
- 96 người Việt: 37 linh mục và 59 giáo dân - trong đó có 14 thầy giảng, 1 chủng sinh và một phụ nữ là bà Anê Lê Thị Thành.
Theo Việt sử, những người này đã bị giết trong những đời vua chúa sau đây:
- 2 người dưới thời chúa Trịnh Doanh (1740-1767)
- 2 người dưới thời chúa Trịnh Sâm (1767-1782)
- 2 người do sắc lệnh của vua Cảnh Thịnh (1782-1802),
- 58 người dưới thời vua Minh Mạng (1820-1841),
- 3 người dưới thời vua Thiệu Trị (1841-1847),
- 50 người dưới thời vua Tự Đức (1847-1883).
Trong thế kỷ 18 và 19, có khoảng từ 130 ngàn đến 300 nghìn người Công giáo đã chết vì đạo[cần dẫn nguồn]; riêng trong thời gian từ 1857 đến 1862, có khoảng 5 nghìn tín hữu bị giết, khoảng 40 nghìn tín hữu cùng 215 giáo sĩ, tu sĩ nam nữ đã bị bắt, bỏ tù hay lưu đày vì đạo[cần dẫn nguồn]. Trong số đó có 117 vị, tử đạo từ 1745 đến 1862, được Giáo hội Công giáo Rôma tôn vinh Chân phước qua bốn đợt:
- Ngày 27 tháng 5 năm 1900 (thời Giáo hoàng Lêô XIII): 64 người
- Ngày 20 tháng 5 năm 1906 (thời Giáo hoàng Piô X): 8 người
- Ngày 2 tháng 5 năm 1909 (thời Giáo hoàng Piô X): 20 người
- Ngày 29 tháng 4 năm 1951 (thời Giáo hoàng Piô XII): 25 người
Họ được tuyên Thánh vào ngày 19 tháng 6 năm 1988.
Danh sách 117 Thánh tử đạo Việt Nam
sửa- Ghi chú: Tên trong bảng trên được viết theo nguyên tắc: Tên Thánh tử đạo người ngoại quốc được viết theo tên gốc của họ, kèm theo tên tiếng Việt mà họ chọn khi truyền giáo. Tên Thánh tử đạo người Việt được viết: tên Thánh (phiên âm thông dụng) kèm theo họ và tên.
Dư luận ngày tuyên thánh
sửaKhi được tin về việc tuyên thánh, chính phủ Việt Nam lên tiếng phản đối vì cho rằng trong số những người sẽ được tuyên thánh, có nhiều người bị cho là tay sai của đế quốc. Tuy nhiên họ là những tín hữu đã chết vì lý do tín ngưỡng, họ bị hành quyết bởi bản án do chính tay vua, hay đại diện triều đình thời đó ký nhận. Không có bằng chứng nào cho thấy bản án này có liên quan đến chính trị, ngược lại, chỉ trưng ra lý do duy nhất: các giám mục, linh mục trong số bị kết án vì họ là đạo trưởng (giáo sĩ), các tín hữu (giáo dân) bị kết án vì họ không chịu bỏ đạo Công giáo, không chịu bước qua cây thập giá. Nói cách khác, lý do được công khai tuyên bố có tính cách hoàn toàn tôn giáo.[1]
Hà Nội khi đó nhận định, việc tuyên thánh này sẽ làm cho mối liên lạc giữa chính quyền và Giáo hội Công giáo tại Việt Nam, cũng như mối quan hệ giữa Việt Nam và Vatican thêm căng thẳng. Đài tiếng nói Việt Nam đọc lệnh của chính phủ, cấm người Công giáo cử hành lễ tuyên thánh này. Các Giám mục lẫn giáo dân Việt Nam cũng không được chính quyền cho phép sang Vatican dự lễ. Trong khi đó, khoảng hơn 10 ngàn người Công giáo Việt Nam ở hải ngoại (chủ yếu sau sự kiện thuyền nhân), nhiều người từ Pháp, Tây Ban Nha đã đến Vatican để dự lễ vì trong số người được tuyên thánh có đồng hương và đồng bào của họ[2].
Theo lời Đức Ông Vinh Sơn Trần Ngọc Thụ - cáo thỉnh viên án tuyên thánh này thì: theo thông lệ, khi xin nhật kì tuyên thánh, bao giờ cũng phải dự tính sẵn 3 ngày, để đề phòng trường hợp Tòa Thánh đã có chương trình xếp đặt nào khác thì phải thay đổi theo. Lễ tuyên thánh Việt Nam đã xin vào ngày 29 tháng 6 năm 1988 - trùng lễ kính hai Thánh Phêrô và Phaolô, nhưng người ta khuyến cáo không nên chọn vào ngày đó vì sẽ bị lễ hai Thánh quá lừng danh này lấn át mất. Sau đó có dự tính chuyển sang ngày Chủ nhật 26 tháng 6 nhưng cũng không ổn, vì hôm đó Giáo hoàng phải đi công du bên nước Áo. Chỉ còn ngày Chủ nhật 19 tháng 6, nghĩa là xếp trước cuộc công du của Giáo hoàng một tuần lễ, vì trước và sau ngày đó không còn cách nào khác. Đây là lý do duy nhất và dễ hiểu cho việc chọn ngày lễ tuyên thánh tử đạo Việt Nam là ngày 19 tháng 6, chứ không hề có chuyện nghĩ tới việc kỉ niệm ngày thành lập Quân lực Việt Nam Cộng hòa.[3]
Các trường hợp mới được phong
sửaNgày 5 tháng 3 năm 2000, Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong thầy giảng Anrê Phú Yên lên bậc chân phước. Thầy Anrê sinh năm 1625 tại tỉnh Phú Yên, được cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) rửa tội năm 15 tuổi, tử đạo ngày 26 tháng 7 năm 1644 bằng hình thức đâm và xử trảm. Thầy được coi như là vị tử đạo đầu tiên của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam.
Các trường hợp đang được xem xét
sửaHiện nay, hơn 10 ngàn hồ sơ tuyên thánh của các tín hữu Công giáo Việt Nam đang được lưu giữ trong văn phòng của Thánh Bộ Tuyên Thánh ở Vatican.
Ngoài ra từ năm 2012, cuộc điều tra tuyên Thánh cấp giáo phận cho linh mục Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp bắt đầu được tiến hành[4]. Ông chịu tử đạo ngày 12 tháng 3 năm 1946 tại giáo họ Tắc Sậy, giáo phận Cần Thơ, thuộc xã Tân Phong, Giá Rai, Bạc Liêu. Ngày 31 tháng 10 năm 2014, Bộ Giáo lý Đức tin ra tuyên bố nihil obstat (không có gì ngăn trở) chấp thuận việc tiến hành hồ sơ tuyên thánh cho ông.[5]
Các trường hợp đang được xúc tiến nhưng không phải tử đạo
sửa- Ngày 26 tháng 3 năm 1997, Hội Thân hữu Thầy Văn (Les Amis de Van) tại Belley-Ars, Pháp đã bắt đầu mở án tuyên chân phước và tuyên thánh cho thầy Marcel Nguyễn Tân Văn. Nếu được công nhận, ông sẽ là vị Thánh hiển tu đầu tiên của châu Á.
- Ngày 22 tháng 10 năm 2010, tại Rôma, Hội đồng Tòa Thánh về Công lý và Hòa bình đã bắt đầu tiến trình xin tuyên chân phước và tuyên thánh cho vị Tôi tớ Chúa là Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận.
Hình ảnh
sửa-
Thẻ cầu nguyện năm 1906 vẽ hình các chân phước tử đạo Việt Nam được phong dưới thời Giáo hoàng Piô X
-
Cuộc tử đạo của Thánh Phêrô Hoàng Khanh
-
Cuộc tử đạo của Thánh Giuse Marchand Du
Chú thích
sửa- ^ “Niềm Tin sắt đá và đức tính kiên cường chịu đựng của các Thánh Tử Đạo Việt Nam”. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 9 năm 2015. Truy cập ngày 2 tháng 7 năm 2014.
- ^ Báo Le Figaro, Paris ngày 20 tháng 6 năm 1988 (Joseph Vandrisse)
- ^ Chung quanh lễ Phong Thánh các Anh Hùng Tử Đạo Việt Nam
- ^ “Văn phòng Cáo Thỉnh Viên vụ án phong thánh cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp chính thức lên tiếng”. Bản gốc lưu trữ ngày 6 tháng 6 năm 2012. Truy cập 9 tháng 2 năm 2015.
- ^ “Vatican chấp thuận việc tiến hành hồ sơ tuyên thánh cho cha Trương Bửu Diệp”. VietCatholic. ngày 5 tháng 12 năm 2014.
Tham khảo
sửa- Danh Sách 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam Lưu trữ 2007-04-17 tại Wayback Machine
Liên kết ngoài
sửaWikimedia Commons có thêm hình ảnh và phương tiện truyền tải về Các thánh tử đạo Việt Nam. |
- "Kỷ niệm 10 năm phong thánh" Lưu trữ 2009-10-17 tại Wayback Machine.
- "Tuyên phong 117 thánh tử đạo Việt Nam, sự kiện lịch sử cách đây 30 năm". RFI (2018).
- "Saints and Blesseds of Vietnam". GCatholic.