Cổng thông tin:Chiến tranh Napoléon


• • • Chiến tranh Napoleon • • •

Các cuộc chiến tranh của Napoléon, hay thường được gọi tắt là Chiến tranh Napoléon là một loạt các cuộc chiến trong thời hoàng đế Napoléon Bonaparte trị vì nước Pháp, diễn ra giữa các khối liên minh các nước châu Âu chống lại Đế chế thứ nhất. Trên đà các cuộc chinh phục cách mạng từ năm 1789, nước Pháp đã phát triển sức mạnh của mình rất nhanh khi đội quân của Napoléon chinh phục được phần lớn châu Âu. Tuy nhiên, sự thất bại còn nhanh hơn, bắt đầu từ sau thảm họa của cuộc tiến công nước Nga năm 1812 cho đến thất bại quyết định trong trận Waterloo năm 1815, Đế chế của Napoleon cuối cùng đã bị đánh bại hoàn toàn về quân sự và kết quả là sự phục hưng của vương triều Bourbon ở Pháp. Chiến tranh Napoléon đã giúp cách mạng hóa lực lượng quân đội các nước châu Âu, trong đó có việc sử dụng pháo binh cũng như các tổ chức quân sự. Diễn ra với một quy mô chưa từng thấy - chủ yếu là nhờ vào việc áp dụng chế độ cưỡng bách tòng quân số lượng lớn hiện đại - toàn bộ các cuộc xung đột này đã khiến cho tổng cộng khoảng 2,5 triệu người chết, trong đó 1,5 triệu là binh lính và 1 triệu thường dân.

Chiến tranh Napoleón đã dẫn đến sự tan rã của Đế quốc La Mã Thần thánh và gieo mầm cho chủ nghĩa dân tộc hình thành tại ĐứcÝ, mà sau này đã giúp dẫn đến việc thống nhất hai quốc gia này vào giữa thế kỷ 19. Đồng thời, đế quốc khắp hoàn cầu của Tây Ban Nha cũng bắt đầu tan vỡ khi chính quốc Tây Ban Nha bị nước Pháp chiếm đóng, làm suy yếu quyền kiểm soát của nó đối với các thuộc địa, mở màn cho một loạt các cuộc chiến tranh giành độc lập tại những nước châu Mỹ. Và một hệ quả trực tiếp khác của chiến tranh Napoleon là Đế quốc Anh đã trở thành cường quốc mạnh nhất thế giới trong một thế kỷ tiếp sau đó, giai đoạn được gọi là Nền hòa bình Anh.

Cho đến nay vẫn chưa có sự nhất trí về thời điểm kết thúc của cuộc Chiến tranh Cách mạng Pháp và bắt đầu của Chiến tranh Napoléon. Ban đầu người ta cho rằng thời điểm đó là vào ngày 9 tháng 11 năm 1799, khi tướng Bonaparte lên nắm quyền lãnh đạo nước Pháp sau cuộc đảo chính 18 tháng Sương mù, nhưng đa số đều quan niệm các cuộc chiến của cuộc Cách mạng Pháp kéo dài tới năm 1802 và lời tuyên chiến giữa Pháp và Anh ngày 18 tháng 5 năm 1803 - sau khi một thời gian hòa bình ngắn ngủi tiếp theo Hòa ước Amiens năm 1802 - là điểm xuất phát của các cuộc chiến tranh Napoléon. Các cuộc chiến này chấm dứt sau thất bại cuối cùng của Napoléon tại trận Waterloo ngày 18 tháng 6 năm 1815 và Hòa ước Paris thứ hai ký ngày 20 tháng 11 cùng năm đó. [ Đọc tiếp ]

• • • Các trận chiến • • •

Trận Eylau

Trận Eylau là một trận đánh lớn trong cuộc Chiến tranh Liên minh thứ tư trong những cuộc chiến tranh của Napoléon, diễn ra từ ngày 7 cho đến ngày 8 tháng 2 năm 1807. Trong trận chiến này, quân Pháp do đích thân Hoàng đế Napoléon Bonaparte thống lĩnh đã kịch chiến với liên quân Nga - Phổ do Tướng Levin August, Bá tước von Bennigsen và Tướng Anton Wilhelm von L'Estocq chỉ huy, với kết quả là một đòn chặn đứng nặng nề của liên quân Nga - Phổ vào Napoléon I. Tuy Napoléon I làm chủ bãi chiến trường, quân đội của ông chịu thiệt hại hết sức nặng nề mà không đạt được mục tiêu nào, do đó đây là trận đánh đâu tiên mà ông và Đội quân vĩ đại của mình bị chặn đứng. Với trận Eylau, lực lượng Quân đội Phổ đã giữ được niềm huy hoàng của mình. Đây cũng trận đánh bất thành nhất của Napoléon I kể từ sau cuộc xâm lược Ai Cập. Trận Eylau được xem là một chiến công của viên Sĩ quan Tham mưu Phổ là Gerhard von Scharnhorst, đập tan ý đồ chấm dứt nhanh gọn cuộc chiến tranh của Napoléon I. Trận đánh này cũng ghi dấu hiệu quả của các chiến binh Mamluk của Napoléon I. Khác với đại thắng Austerlitz (1805), vận động bước ngoặt của quân Pháp trong trận Eylau đã thất bại. Quân Pháp và quân Nga đều tuyên bố chiến thắng. Trận đánh này đã đem lại thiệt hại rất lớn cho cả hai bên tham chiến (30.6% quân Pháp và 27.7% quân Nga). Napoléon I phải hoảng hốt trước cảnh tượng này. Tuy nhiên, quân Pháp thê thảm hơn do phần lớn các đơn vị của họ đều bị hủy hoại ; trận đánh còn thể hiện hỏa lực khủng khiếp của lực lượng Pháo binh Nga thời bấy giờ. Đến cả những Tuyên cáo hùng hồn của Quân đội Pháp cũng không thể che giấu sự tàn khốc của trận đánh này. Trong khi ấy, sự kiệt quệ của cả hai đoàn quân khiến cho họ không thể tổ chức những chiến dịch lớn trong vòng vài tháng sau đó. Quân sĩ Pháp trở nên đói khát, thiếu chu cấp. Và, thảm kịch của Đội quân vĩ đại trong trận Eylau cũng có chút điểm đáng so sánh với thảm bại của Napoléon I trong cuộc xâm lăng nước Nga vào năm 1812. Ngoài ra, một ý nghĩa của trận chiến đẫm máu này là tầm quan trọng của lực lượng Quân đội Phổ trong những cuộc chiến tranh của Napoléon : sự ứng chiến đúng lúc của họ đã cứu vãn Quân đội Nga khỏi thất bại. Quân đội Phổ thời phong kiến cũ đã thể hiện bản lĩnh của mình ngay cả trong khó khăn, và lập nên chiến công ban đầu cho công cuộc hồi phục của họ kể từ sau trận Jena (1806). [ Đọc tiếp ]


• • • Một vài hình ảnh • • •

Trận Waterloo diễn ra vào ngày chủ nhật 18 tháng 6 năm 1815 tại một địa điểm gần Waterloo, thuộc Bỉ ngày nay. Đây là một trong những trận đánh nổi tiểng nhất và cũng là dấu chấm hết cho cuộc chiến tranh Napoléon. Quân đội Đế chế Pháp dưới sự chỉ huy của Napoléon Bonaparte đã bị đánh bại bởi liên quân của Liên minh thứ bảy. Thất bại ở trận đánh này đã đặt dấu chấm hết cho ngôi vị Hoàng đế Pháp của Napoléon và vương triều một trăm ngày của ông.

• • • Vài mẫu tiểu sử • • •

Mikhail Kutuzov (16 tháng 9 năm 174528 tháng 4 năm 1813) là một vị Nguyên soái trong lịch sử Nga. Tên tuổi của ông gắn liền với giai đoạn hùng mạnh của Đế quốc Nga vào cuối thế kỷ 18 - đầu thế kỷ 19. Bằng khả năng về quân sự và ngoại giao của mình, Kutuzov đã phục vụ hết mình cho ba Nga hoàng nhà Romanov: Ekaterina II (1762 - 1797), Pavel I (1797 - 1801) và Aleksandr I (1801 - 1825). Với những đóng góp không nhỏ trong lịch sử quân sự nước Nga, ông được xem là một trong những vị Nguyên soái kiệt xuất dưới thời Ekaterina II. Ông đã tham gia trấn áp cuộc khởi nghĩa của Liên minh Bar của Ba Lan, cùng với 3 cuộc Chiến tranh Nga-Thổ Nhĩ Kỳ (ông từng bị mất một mắt) và Chiến tranh Napoléon, chỉ huy Quân đội Nga trong 2 trận đánh lớn: trận Austerlitztrận Borodino. Nhưng, tên tuổi ông trở nên nổi tiếng hơn cả vì công lao to lớn trong cuộc Chiến tranh Pháp-Nga năm 1812. Khi đó, ông đã thay Barca de Tolly lãnh đạo quân dân Nga nhử quân Pháp tiến sâu vào nước Nga rồi tổ chức phản công đánh bại cuộc xâm lược của Napoléon, tạo nên bước ngoặt của Chiến tranh Napoléon. Với chiến thắng này, ông được phong làm Vương công xứ Smolensk. Để kỷ niệm chiến thắng này, người Nga đã xây dựng bia tưởng niệm ông vào năm 1973 tại Matxcơva. Tên ông còn được đặt cho một loại huân chương của Liên Xô (cũ) trong cuộc chiến tranh Xô-Đức (1941-1945). Kutuzov cũng như thắng lợi của ông trước cuộc tấn công của người Pháp đã khiến cho giới sử học Liên Xô luôn đề cao ông. [ Đọc tiếp ]