Cộng hòa Ả Rập Thống nhất
Cộng hòa Ả Rập Thống nhất (tiếng Ả Rập: الجمهورية العربية المتحدة al-Ǧumhūriyyah al-ʿArabiyyah al-Muttaḥidah; dịch tiếng Anh: United Arab Republic) là liên minh chính trị tồn tại trong thời gian ngắn giữa Cộng hòa Ai Cập (1953-1958) và Cộng hòa Syria (1930–1958). Liên minh được thành lập vào năm 1958 và tan rã vào năm 1961 khi Syria rút khỏi liên minh. Tuy nhiên, Ai Cập vẫn tiếp tục mang quốc hiệu là "Cộng hòa Ả Rập Thống nhất" cho đến năm 1971[3]. Tổng thống của Cộng hòa Ả Rập Thống nhất là Gamal Abdel Nasser. Trong giai đoạn 1958-1960, Cộng hòa Ả Rập Thống nhất cùng Vương quốc Mutawakkilite Yemen là các chủ thể cấu thành Hợp chúng quốc Ả Rập.
Cộng hòa Ả Rập Thống nhất
|
|||||||||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
Tên bản ngữ
| |||||||||||||||
1958–1961 | |||||||||||||||
Tổng quan | |||||||||||||||
Thủ đô | Cairo | ||||||||||||||
Ngôn ngữ thông dụng | Tiếng Ả Rập | ||||||||||||||
Tôn giáo chính | Thế tục (1958–1962)[2] Hồi giáo (1962–1971) | ||||||||||||||
Chính trị | |||||||||||||||
Chính phủ | nhà nước xã hội chủ nghĩa đơn nhất | ||||||||||||||
Tổng thống | |||||||||||||||
• 1958–1970 | Gamal Abdel Nasser | ||||||||||||||
• 1970–1971 | Anwar Sadat | ||||||||||||||
Thủ tướng | |||||||||||||||
• 1958–1962 | Gamal Abdel Nasser | ||||||||||||||
• 1962–1965 | Ali Sabri | ||||||||||||||
• 1965–1966 | Zakaria Mohieddin | ||||||||||||||
• 1966–1967 | Muhammad Sulayman | ||||||||||||||
• 1967–1970 | Gamal Abdel Nasser | ||||||||||||||
• 1970–1971 | Mahmoud Fawzi | ||||||||||||||
Lập pháp | Quốc hội | ||||||||||||||
Lịch sử | |||||||||||||||
Thời kỳ | Chiến tranh Lạnh | ||||||||||||||
• Thành lập | 1 tháng 2 1958 | ||||||||||||||
• Giải thể | 28 tháng 9 1961 | ||||||||||||||
Địa lý | |||||||||||||||
Diện tích | |||||||||||||||
• 1961 | 1.166.049 km2 (450.214 mi2) | ||||||||||||||
Dân số | |||||||||||||||
• 1961 | 32.203.000 | ||||||||||||||
Kinh tế | |||||||||||||||
Đơn vị tiền tệ | Bảng Ai Cập Bảng Syria | ||||||||||||||
Thông tin khác | |||||||||||||||
Múi giờ | UTC+2 (EET) | ||||||||||||||
• Mùa hè (DST) | UTC+3 (EEST) | ||||||||||||||
Mã điện thoại | +20 | ||||||||||||||
|
Nguồn gốc
sửaTừ năm 1957, Syria đứng bên bờ vực bị lực lượng cộng sản soán ngôi quyền lực. Nước này khi đó có đảng cộng sản được tổ chức tốt, trong khi tham mưu trưởng quân đội là Afif al-Bizri lại là một nhân vật có cảm tình với chủ nghĩa cộng sản.[4] Tổng thống Gamal Abdel Nasser của Ai Cập cho phái đoàn Syria - bao gồm cả Tổng thống Shukri al-Quwatli và Thủ tướng Khaled al-Azem - rằng họ cần phải loại trừ những người cộng sản khỏi chính phủ; tuy nhiên, phái đoàn bác lại và cảnh báo tổng thống Ai Cập rằng chỉ khi nào Syria liên minh hoàn toàn với Ai Cập thì mới chấm dứt được "mối họa cộng sản".[4] Theo chính trị gia Abdel Latif Boghdadi, Nasser phản đối liên minh hoàn toàn với Syria mà muốn hợp thành liên bang với nước này hơn. Tuy vậy, việc đó đối với Nasser lại không đáng sợ bằng một "cuộc tiếp quản của cộng sản" nên đã đồng ý hợp nhất hoàn toàn với Syria.[4] Sức mạnh ngày càng gia tăng của Đảng Cộng sản Syria dưới sự lãnh đạo của Khalid Bakdash đã gây lo ngại cho đảng Ba'ath cầm quyền - vốn đang phải gánh chịu cuộc khủng hoảng nội bộ do các thành viên chủ chốt nóng lòng tìm cách thoát thân.[4] Chính phủ dân chủ lên nắm quyền ở Syria kể từ sau cuộc đảo chính quân sự lật đổ chế độ Adib al-Shishakli vào năm 1954, và sức ép phải thống nhất Ả Rập đã phản ánh qua thành phần quốc hội nước này.[4]
Khi Bizri (bản thân cũng phản đối sự thống nhất Ai Cập-Syria) dẫn đầu phái đoàn thứ hai của Syria gồm các quan chức quân sự sang Ai Cập vào ngày 11 tháng 1 năm 1958 thì Nasser đã chấp nhận sáp nhập hoàn toàn hai quốc gia lại với nhau. Chỉ có những người ủng hộ sự thống nhất - trong đó có Salah al-Din Bitar và Akram El-Hourani - là biết trước về phái đoàn này, trong khi đó một ngày sau thì Quwatli và Azem mới được thông báo, khiến họ nghĩ rằng đó là một cuộc "đảo chính quân sự".[5][6] Ngày 1 tháng 2 năm 1958, Cộng hòa Ả Rập Thống nhất ra đời như một bước đi đầu tiên trong việc thành lập một nhà nước liên Ả Rập. Thời đó chủ nghĩa Liên Ả Rập rất mạnh ở Syria, và Nasser là một hình tượng anh hùng phổ biến khắp thế giới Ả Rập từ sau chiến trang Suez năm 1956. Vì thế tại Syria có sự ủng hộ đáng kể đối với việc lập liên minh với Ai Cập do Nasser nắm quyền. Các điều khoản ngoại giao được ký kết giữa những quan chức lãnh đạo hai nước, mặc dù Azem chỉ miễn cưỡng thi hành.[7] Nasser trở thành tổng thống của cộng hòa mới. Không lâu sau đó, ông tiến hành trừng trị thẳng tay cộng sản Syria và những kẻ chống đối liên minh giữa hai nước, trong đó bao gồm cả hành động cách chức Bizri và Azem.[5][8]
Những điều khoản cuối của Nasser mang đầy tính dứt khoát và không khoan nhượng: "một cuộc trưng cầu dân ý, sự giải tán các đảng phái và sự rút lui của quân đội khỏi nền chính trị". Trong khi điều đầu tiên được đa số thành phần ưu tú của Syria cho là hợp lý thì hai điều kiện sau lại cực kỳ gây quan ngại. Họ tin rằng nó có thể phá hủy đời sống chính trị tại Syria.[9]
Lịch sử thời kỳ đầu
sửaNhững thành phần ưu tú trong xã hội Syria xem sự kiện đất nước sáp nhập với Ai Cập giống như một sự lựa chọn đỡ tệ hại hơn trong hai điều cùng tệ hại; họ tin các điều khoản do Nasser đặt ra là không công bằng, tuy nhiên họ không có sự lựa chọn nào khác do chính phủ đang phải gánh chịu sức ép khổng lồ. Dù vậy, mặc cho các quan ngại này, họ vẫn tin rằng Nasser sẽ dùng đảng Ba'ath làm phương tiện chính để kiểm soát Syria. Không may cho đảng này là Nasser chưa bao giờ có ý định chia sẻ quyền lực một cách công bằng. Ông lập ra hiến pháp lâm thời công bố 600 thành viên Quốc hội: gồm 400 thành viên từ Ai Cập và chỉ 200 thành viên từ Syria, đồng thời giải tán tất cả các đảng chính trị, bao gồm cả đảng Ba'ath. Nasser chỉ định bốn phó tổng thống, gồm Boghdadi và Abdel Hakim Amer cho Ai Cập và Sabri al-Assali và Akram El-Hourani cho Syria. Hiến pháp 1958 được thông qua.[10]
Mặc dù Nasser cho phép các cựu đảng viên Ba'ath được giữ các vị trí chính trị quan trọng nhưng những người này không bao giờ vươn lên các vị trí cao như người Ai Cập. Suốt hai mùa đông xuân hai năm 1959-1960, Nasser từ loại trừ người Syria khỏi các vị trí quan trọng có tầm ảnh hưởng, đơn cử ví dụ 7/13 vị trí trong Bộ Công nghiệp Syria thời đó là do người Ai Cập nắm giữ.
Tại Syria, ngày càng có nhiều sự chống đối liên minh với Ai Cập. Các quan chức quân đội Syria căm giận việc phải làm thuộc cấp của các quan chức người Ai Cập. Các bộ lạc người Bedouin ở Syria còn nhận tiền từ Ả Rập Xê Út với cam kết không trung thành với Nasser. Thêm vào đó, công cuộc cải cách ruộng đất kiểu Ai Cập gây oán hận trong lòng dân Syria do đã làm tổn hại nền nông nghiệp của họ. Lực lượng cộng sản bắt đầu thu hút thêm tầm ảnh hưởng, trong khi giới trí thức đảng Ba'ath từng ủng hộ liên minh Ai Cập-Syria thì nay phản đối hệ thống chính trị độc đảng. Nasser không tài nào đối phó được hết các vấn đề bởi Syria vẫn là mới mẻ đối với ông, và thay vì chỉ định người Syria lãnh đạo Syria thì ông lại giao trách nhiệm này cho Amer.[11]
Tại Ai Cập, tình hình có khả quan hơn. Tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc dân đạt mức 4,5%; công nghiệp tăng trưởng mạnh. Năm 1960, tổng thống quốc hữu hóa báo chí Ai Cập và biến chúng thành cái loa truyên truyền của riêng ông.[12]
Quan hệ ngoại giao
sửaCộng hòa Ả Rập Thống nhất được xem là nguy cơ to lớn đối với Jordan. Syria được cho là nơi dung dưỡng những người Jordan đang bày mưu chống lại Vua Hussein. Trong khi đó, Ai Cập lại đang là một quốc gia thù địch với sự can dự của phương Tây vào khu vực. Cách mà Hussein dùng để đáp trả là đề xuất với Faisal II của Iraq cùng thành lập một liên minh Jordan-Iraq để làm đối trọng với Cộng hòa Ả Rập Thống nhất. Nội dung của thỏa thuận này là thành lập một bộ chỉ huy quân sự chung giữa hai nước, có ngân sách quân sự chung, trong đó 80% sẽ do Iraq đóng góp còn 20% là do Jordan đóng góp. Ngoài ra, quân lính hai quốc gia cũng sẽ được trao đổi.
Tại nước láng giềng Liban, Tổng thống Camille Chamoun - đối thủ của Nasser - tỏ ra lo lắng trước sự thành lập Cộng hòa Ả Rập Thống nhất. Các phe phái ủng hộ Nasser tại Liban (chủ yếu gồm dân Hồi giáo và Druze) bắt đầu đụng độ với những tín đồ Công giáo Maronite nhìn chung ủng hộ Chamoun, gây ra cuộc nội chiến Liban lần thứ nhất vào tháng 5 năm 1958. Mặc dù Nasser không thèm muốn gì Liban khi xem đó là một trường hợp đặc biệt[13] nhưng ông cảm thấy cần phải hỗ trợ những người ủng hộ ông bằng cách cung cấp tiền, vũ khí hạng nhẹ và huấn luyện sĩ quan cho quân của Abdel Hamid Sarraj.[14] Ngày 14 tháng 7 năm 1958, các quan chức quân đội Iraq tiến hành đảo chính lật đổ vương triều Iraq mà mới vừa trước đó đã thành lập Liên bang Ả Rập với Jordan. Nasser tuyên bố công nhận chính phủ mới này, đồng thời phát biểu rằng "mọi cuộc tấn công nhằm vào Iraq cũng bị xem như hành động tấn công Cộng hòa Ả Rập Thống nhất". Ngay hôm sau, thủy quân lục chiến Hoa Kỳ đổ bộ lên Liban trong khi lực lượng đặc nhiệm Anh đổ bộ lên Jordan nhằm ngăn các quốc gia này rơi vào tay các lực lượng ủng hộ Nasser. Đối với Nasser, Cách mạng 14 tháng 7 đã mở đường tiến tới chủ nghĩa dân tộc Ả Rập.[15] Dẫu cho phần đông các thành viên trong Hội đồng Chỉ huy Cách mạng Iraq muốn sáp nhập Iraq với Cộng hòa Ả Rập Thống nhất nhưng tân Tổng thống Abdel Karim Qasim lại phản đối điều này. Tác giả Said K. Aburish cho rằng trong số các lý do của việc này, có nguyên nhân do Nasser đã từ chối hợp tác cũng như khuyến khích với lực lượng đảo chính một năm trước, vả lại Qasim xem Nasser là mối đe dọa cho quyền lực tuyệt đối của ông tại Iraq.[16]
Tháng 7 năm 1958, Chính phủ Hoa Kỳ thuyết phục Chamoun không ra tranh cử nhiệm kỳ hai, mở đường cho Fuad Chehab trở thành tổng thống mới của Liban. Khi Nasser và Chehab gặp nhau tại biên giới Liban-Syria, Nasser giải thích rằng ông không bao giờ muốn thống nhất với Liban, nhưng chỉ khi Liban không biến thành căn cứ chống Cộng hòa Ả Rập Thống nhất. Kết quả mà cuộc gặp này mang lại là sự chấm dứt cuộc khủng hoảng Liban, trong đó Nasser ngừng hỗ trợ những người ủng hộ ông và Hoa Kỳ đặt ra hạn chót cho việc rút quân khỏi khu vực.[17]
Ban đầu, Iraq chính là quốc gia dành nhiều ủng hộ nhất cho Cộng hòa Ả Rập Thống nhất. Nước này từng tìm cách gia nhập liên minh trong giai đoạn 1960-1961 và sau đó sẽ là tái thống nhất với liên minh sau năm 1963 với việc đề xuất tái thành lập Cộng hòa Ả Rập Thống nhất gồm ba nước Ai Cập, Iraq và Syria. Một lá cờ mới cũng ra đời với ba ngôi sao tượng trưng cho ba nước hợp thành liên minh. Tuy nhiên, liên minh này đã không thành hình. Dù vậy, Iraq vẫn tiếp tục dùng lá cờ ba ngôi sao và về sau biến nó thành quốc kỳ của đất nước mình.
Quốc kỳ
sửaQuốc kỳ Cộng hòa Ả Rập Thống nhất dựa trên Cờ giải phóng Ai Cập có từ Cách mạng Ai Cập 1952 nhưng có hai ngôi sao để tượng trưng cho hai phần của Cộng hòa. Hiện đây vẫn là quốc kỳ Syria. Năm 1963, Iraq thông qua quốc kỳ có hình thức tương tự với ba ngôi sao nhằm thể hiện mong muốn của Iraq là gia nhập Cộng hòa Ả Rập Thống nhất.
Quốc hữu hóa
sửaTháng 6 năm 1960, Nasser cố gắng mở ra cuộc cải cách kinh tế nhằm đưa kinh tế Syria đi đúng hướng với khu vực nhà nước chiếm chủ đạo ở Ai Cập. Không may, những thay đổi này không giúp được gì nhiều cho cả hai nền kinh tế. Thay vì đẩy mạnh khu vực tư nhân phát triển thì Nasser lại lao vào một làn sóng quốc hữu hóa chưa từng có tiền lệ ở cả Syria và Ai Cập. Việc này bắt đầu vào tháng 7 năm 1961 mà không thông qua tham vấn ý kiến của các quan chức kinh tế đứng đầu ở Syria.[18] Nguyên ngành buôn bán vải bông cũng như tất cả doanh nghiệp xuất nhập khẩu đều rơi vào tay chính phủ. Ngày 23 tháng 7 năm 1961, Nasser thông báo quốc hữu hóa ngân hàng, công ty bảo hiểm và mọi ngành công nghiệp nặng. Ông cũng mở mang các nguyên tắc công bằng xã hội của mình. Diện tích đất đai tối đa mà một người được nắm bị giảm từ 200 xuống còn 100 feddan. Lãi suất đối với nông dân giảm mạnh đến nỗi gần như là 0 ở một số trường hợp. Tất cả các thu nhập trên 10.000 bảng[cần giải thích] đều phải chịu thuế 90%. Người lao động được phép cử đại diện trong các ban quản trị. Họ cũng có quyền hưởng 25% lợi nhuận của doanh nghiệp. Số giờ lao động bình quân mỗi ngày giảm từ tám giờ xuống thành bảy giờ trong khi lương vẫn giữ nguyên.[19]
Sụp đổ
sửaMặc dù kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng nguyên do thực sự dẫn đến sự cáo chung của Cộng hòa Ả Rập Thống nhất là do Nasser không có khả năng tìm ra mô hình hệ thống chính trị thích hợp cho chế độ mới. Nasser miễn cưỡng trong việc chia sẻ quyền lực chính trị. Mặc dù Amer cho phép một số sự tự do hóa về kinh tế nhằm xoa dịu giới doanh nhân Syria nhưng trò gian lận của ông trong những cuộc bầu cử Liên minh Quốc gia (đảng độc quyền, thay thế cho Ba'ath với sự trợ giúp của Đại tá Abdul Hamid Sarraj - một sĩ quan Syria có cảm tình với Nasser - đã chọc điên các vị lãnh đạo Ba'ath. Ba'ath chỉ thắng 5% tổng số ghế tại các ủy ban cấp cao, trong khi các đảng bảo thủ truyền thống lại giành đa số.[20] Sarraj được chỉ định làm người đứng đấu Liên minh Quốc gia ở Syria, và đến mùa xuân năm 1960 thì lên thay Amer để giữ chức trong Hội đồng Hành pháp Syria. Thời Sarraj, Syria bị cai trị bởi lực lượng an ninh tàn bạo có nhiệm vụ đàn áp mọi sự chống đối chế độ.
Sự kiểm soát to lớn đang gia tăng trong khu vực công được song hành cùng việc thúc đẩy tập quyền hóa. Nasser bãi bỏ chính quyền địa phương để thay bằng một chính quyền trung ương. Chính quyền này điều hành từ Damas từ tháng 2 đến tháng 5 và điều hành từ Cairo trong những tháng còn lại của năm. Sarraj được thuyên chuyển đến Cairo, và tại đây ông này nhận ra rằng mình chỉ còn nắm rất ít thực quyền. Ngày 15 tháng 9 năm 1961, Sarraj trở về Syria và từ chức vào ngày 26 tháng 9 cùng năm.[21] Do không còn bất kỳ đồng minh thân cận nào để giám sát Syria nên Nasser không thấy được tình trạng náo động ngày càng gia tăng trong quân đội. Ngày 28 tháng 9, một nhóm sĩ quan tiến hành đảo chính và tuyên bố Syria độc lập khỏi Cộng hòa Ả Rập Thống nhất. Mặc dù những người cầm đầu cuộc đảo chính tỏ ra sẵn sàng thương lượng tái lập liên minh với các điều kiện mà theo họ là đặt Syria ngang bằng với Ai Cập, nhưng Nasser từ chối thỏa hiệp. Ban đầu ông định gửi quân tới lật độ chế độ mới nhưng đã bỏ ý này từ sau khi người ta báo cho ông rằng đồng minh Syria cuối cùng của ông đã bị đánh bại.[22] Trong những bài phát biểu sau vụ đảo chính, Nasser tuyên bố ông sẽ không bao giờ từ bỏ mục đích thông nhất toàn bộ Ả Rập, mặc dù từ đó về sau ông không còn đạt được thắng lợi hữu hình nào trên con đường thực hiện mục đích này nữa.
Xem thêm
sửa- Chủ nghĩa Liên Ả Rập
- Hợp chúng quốc Ả Rập (1958–1961) - Ai Cập, Syria và Vương quốc Mutawakkilite Yemen
- Liên bang Ả Rập (1958) - Vương quốc Iraq và Jordan
- Liên bang Cộng hòa Ả Rập (1972–1977) - Libya, Ai Cập, Sudan và Syria
- Xâm lược Kuwait (1990-1991) - Iraq, Kuwait
- Lịch sử Ai Cập hiện đại
- Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất
Tham khảo
sửaChú thích
sửa- ^ Egypt 1960–1979 - nationalanthems.info
- ^ Baer, Gabriel (2003) [First published 1964]. Population and Society in the Arab East. Volume 11 of The International Library of Sociology: The Sociology of Development . Routledge. tr. 75. ISBN 978-0-415-17578-4.
According to the temporary constitution of the UAR of March 1958, the provisions concerning a state religion or the president's religion were repealed, to be reintroduced into the National Charter of the UAR (Egypt) in May 1962.
- ^ Liên Hợp Quốc. Yearbook of the United Nations 2003. Berman Press. tr. 1540.[liên kết hỏng]
- ^ a b c d e United Arab Republic (U.A.R.) (historical republic, Egypt-Syria), Encyclopædia Britannica
- ^ a b Aburish 2004, tr. 150–151
- ^ Podeh 1999, tr. 43
- ^ Podeh 1999, tr. 49
- ^ Podeh 1999, tr. 44–45
- ^ Palmer 1966, tr. 53
- ^ Aburish 2004, tr. 162–163
- ^ Aburish 2004, tr. 185
- ^ Aburish 2004, tr. 189–191
- ^ Aburish 2004, tr. 164
- ^ Aburish 2004, tr. 166
- ^ Aburish 2004, tr. 169–170
- ^ Aburish 2004, tr. 172
- ^ Aburish 2004, tr. 173
- ^ Stephens 1971, tr. 338
- ^ Stephens 1971, tr. 329–30
- ^ Stephens 1971, tr. 337
- ^ Stephens 1971, tr. 338–9
- ^ Stephens 1971, tr. 340
Sách
sửa- Aburish, Said K. (2004), Nasser, the Last Arab, New York: St. Martin's Press, tr. 151, ISBN 0-31-228683-X
- Palmer, Monte (1966), The United Arab Republic: An Assessment of Its Failure, 20, Middle East Journal, tr. 50–67
- Podeh, Elie (1999), The Decline of Arab Unity: The Rise And Fall of the United Arab Republic, Sussex Academic Press, ISBN 1-84519-146-3
- Stephens, Robert (1971), Nasser: A Political Biography, New York: Simon and Schuster, ISBN 0-14-021687-1
Liên kết ngoài
sửaWikimedia Commons có thêm hình ảnh và phương tiện truyền tải về Cộng hòa Ả Rập Thống nhất. |
- Cộng hòa Ả Rập Thống nhất, Encyclopedia.com (tiếng Anh)
- Syria: A Country Study (tiếng Anh)