Chùa Bà Tấm
Chùa Bà Tấm (Đền thờ Nguyên phi - Hoàng thái Hậu Ỷ Lan) thuộc địa phận xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội.
Chùa Bà Tấm (Đền thờ Nguyên Phi Ỷ Lan) | |
---|---|
Vị trí | |
Quốc gia | Việt Nam |
Địa chỉ | xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội |
Thông tin | |
Tôn giáo | Phật giáo |
Tông phái | Giáo hội Phật giáo Việt Nam |
Khởi lập | thời nhà Lý. |
Người sáng lập | Nguyên phi - Hoàng thái Hậu Ỷ Lan |
Quản lý | Giáo hội Phật giáo Việt Nam |
Cổng thông tin Phật giáo | |
Lịch sử
sửaChùa Bà Tấm được xây dựng từ thời nhà Lý. Sự ra đời của ngôi chùa gắn với Nguyên phi - Hoàng thái Hậu Ỷ Lan - một nhân vật nổi tiếng của vương triều nhà Lý. Bà giỏi việc trị nước (hai lần nhiếp chính), khiến nhân tâm hoà hợp, đất nước thanh bình, nhân dân sùng Phật, tôn bà là Phật Bà Quan Âm.
Chùa này vốn do bà lập ra, bà là con gái làng này, lấy vua Lý Thánh Tông. Bà được dân gian gọi là bà Tấm - là hiện thân của lòng bao dung, đức độ và những điều tốt lành.
Vào năm 1117, khi Bà qua đời, ngôi đền thờ Bà cũng được xây dựng.
Hiện nay, chùa còn lưu giữ nhiều di vật quý mang ý nghĩa lịch sử - văn hóa như là 2 tượng sư tử (bệ thờ), kích thước rất lớn, tạo bằng đá liền khối cao 1,2m rộng 1,36m trong tư thế phủ phục, đường nét đặc biệt mềm mại. Sư tử ở đền Ỷ Lan đang vờn hòn ngọc, trên trán có trổ chữ Vương khẳng định vị trí chúa tể muôn loài, đồng thời cũng thể hiện uy quyền của vương triều.
Trong đền còn có một thành bậc bằng đá chạm nổi rồng và lân đang chạy xuống. Thành đá dài 1,3m cao 0,8m. Cùng các di vật đất nung trang trí kiến trúc thời Lý đang được lưu giữ tại di tích.
Hậu cung đền có tượng Ỷ Lan được tạo tác rất đẹp, tạc khi bà là Nguyên phi cùng 6 vị cung nữ trong triều. Gian ngoài có đặt ngai thờ và một số đồ tế khí. Trên ngai có bài vị ghi: Lý triều đệ tam Hoàng thái hậu.
Hằng năm vào ngày 19, 20, 21 tháng 2 âm lịch nhân dân 9 xã của tổng Dương Quang (từ Phú Thị đến huyện Văn Lâm - Hưng Yên) và những làng cấy ruộng hậu của đền đều lo tổ chức hội. Chính hội là ngày 19 tháng 2, tương truyền là ngày sinh của bà.
Ngoài ra, còn có nhiều bia đá thời Lê và Nguyễn (1 bia niên hiệu Dương Hoà năm thứ 7 - 1641; 1 bia niên hiệu Hoằng Định năm thứ 17 - 1617; 2 bia niên hiệu Đức Long năm thứ 7 - 1635; 1 bia niên hiệu Bảo Đại năm thứ 18 - 1943) và hệ thống chân tảng, trong đó đáng chú ý là các chân tảng bằng đá sa thạch thời Lý - Trần và nhiều di vật khác thời Lê - Nguyễn.
Lễ hội
sửaLễ hội chùa Bà Tấm (đền Ỷ Lan), xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội diễn ra hàng năm từ ngày 19 đến 21 tháng 2 âm lịch với ngày 20 là ngày chính hội. Đây là lễ hội lớn thu hút được đông đảo khách thập phương về dự.