Chùa Thanh Mai là một danh lam thuộc địa phận xã Hoàng Hoa Thám, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương, Việt Nam. Chùa được Thiền sư Pháp Loa tôn giả xây dựng vào khoảng năm 1329 gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của ông, vị tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

BiaThanh Mai
Tam quan chùa với khung cảnh dưới chân núi
Vị trí
Quốc giaViệt Nam Việt Nam
Địa chỉThôn Thanh Mai, Xã Hoàng Hoa Thám, Chí Linh, Tỉnh Hải Dương
Thông tin
Tôn giáoPhật giáo
Tông pháiTrúc Lâm Yên Tử
Khởi lậpThế kỷ 14
Người sáng lậpThiền sư Pháp Loa
Quản lýGiáo hội Phật giáo Việt Nam
Trụ trìĐại đức Thích Chí Trung
 Cổng thông tin Phật giáo

Vị trí sửa

Chùa Thanh Mai vốn được xây dựng vào khoảng năm 1329 trên sườn núi Thanh Mai, hay còn gọi là núi Tam Ban (nghĩa là ba cấp núi nối liền nhau của ba tỉnh Bắc Giang-Hải Dương-Quảng Ninh, thuộc cánh cung Đông Triều), cao khoảng 200m thuộc địa phận xã Hoàng Hoa Thám, thành phố Chí Linh. Vị trí dựng chùa thuộc cấp thứ hai của ngọn núi, là khu đất bằng phẳng nhất. Chùa cách quốc lộ 18A 12 km, cách Sao Đỏ (trung tâm thành phố Chí Linh) chừng 15 km, cách thị trấn Đông Triều khoảng 17 km và thành phố Hải Dương khoảng 50 km.[1][2]

Lịch sử sửa

Chùa được xây dựng dưới thời Trần rồi trở thành đại danh lam dưới thời thiền sư Pháp Loa (1284-1330) và người kế nhiệm là thiền sư Huyền Quang (1254-1334). Nghiên cứu cho thấy bản thân Pháp Loa, cho đến năm 1329 đã mở mang và xây dựng hai khu chùa lớn là chùa Báo Ân (phủ Siêu Loại, Bắc Ninh, nay là xã Dương Quang, Gia Lâm, Hà Nội) và chùa Quỳnh Lâm, Đông Triều (Quảng Ninh), riêng chùa Báo Ân đã cho xây 33 cơ sở gồm điện Phật, gác chứa kinh và tăng đường. Ông còn dựng các am như Hồ Thiên, Chân Lạc, Yên Mã, Vĩnh Khiêm. Hạc Lai, mở rộng các khu chùa Thanh Maichùa Côn Sơn.[3] Như vậy chùa Thanh Mai không phải do Pháp Loa xây dựng mà chỉ mở rộng và phát triển thành một chốn Tổ của phái Trúc Lâm. Trải qua các biến cố lịch sử, sự tàn phá của thiên nhiên, chiến tranh ngôi chùa cổ đã sụp đổ, các cổ vật bị mất và hư hại gần hết, di tích trở thành hoang phế và bị lãng quên.

Năm 1980, với mong muốn phục dựng và bảo tồn một di tích lịch sử quan trọng, chùa đã được đầu tư khôi phục dần dần theo từng hạng mục. Năm 1992, chùa Thanh Mai đã được Bộ Văn hóa Thông tin và thế thao công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Nhưng quy mô nhỏ hẹp, lại ở nơi heo hút, đường sá đi lại khó khăn, chùa Thanh Mai vẫn bị chìm trong quên lãng. Năm 1994, Sư thầy Thích Chí Trung được cử về trụ trì tại chùa. Khi đó thực trạng ngôi chùa rơi vào cảnh hoang tàn, đổ nát. Trăn trở trước nguy cơ biến mất của di tích, sư thầy đã vận động đóng góp công đức trùng tu, khôi phục lại chùa. Từ năm 1994-2000, với sự hỗ trợ của Sở Giao thông - Vận tải và Công ty Điện lực Hải Dương, 2 km đường lên chùa được mở, 1 km đường điện chiếu sáng được mắc, tháp Viên Thông được phục dựng.[4]

Ngày mất của Đệ nhị tổ Pháp Loa (ngày 3 tháng 3 âm lịch) được chọn làm ngày lễ hội của chùa. Hội chùa Thanh Mai diễn ra vào ngày mùng một đến mùng ba tháng Ba âm lịch hằng năm. Lễ hội được nhân dân địa phương và các tăng ni phật tử tổ chức trọng thể với nhiều nghi lễ như giảng kinh, chay đàn, mộc dục[5].

Kiến trúc và di sản sửa

 
Viên Thông Bảo Tháp, tương truyền là nơi các đệ tử táng xá lị của thiền sư Pháp Loa

Năm 1994, Đại Đức Thích Chí Trung được cử về trụ trì tại chùa. Lúc đó, các hạng mục kiến trúc đã xuống cấp nghiêm trọng. Để khôi phục lại di tích, nhà chùa đã vận động phật tử đóng góp công đức trùng tu, xây dựng lại chùa, tháp, dựng lại bia.

Năm 2002 sư thầy tiếp tục vận động các phật tử quyên góp xây dựng 10 gian nhà Tổ theo kiểu chữ "nhị" rộng 130 m2 trị giá 300 triệu và năm 2010 xây toàn bộ khu nhà bếp, công trình phụ cho nhà chùa trị giá 400 triệu đồng.[4]

Năm 2005, ngôi chùa được Nhà nước đầu tư 3 tỷ đồng xây dựng 10 gian chính điện, diện tích 180m² với kiến trúc kiểu chữ đinh, tiền đường chồng diêm 8 mái. Năm 2007, chùa tiếp tục được đầu tư 10 tỷ đồng hoàn thiện các hạng mục như tam quan, 2 gian nhà bia, 7 gian nhà khách, 7 gian nhà tăng.[5]

Hiện nay, chính điện chùa xây mới hoàn toàn, có kiến trúc kiểu chữ Đinh, với 7 gian tiền đường, 3 gian hậu cung. Kết cấu khung chùa bằng gỗ lim với 12 cột cái đường kính 50 cm, cao 7,2m và 16 cột quân đường kính 42 cm, cao 3,5m được nối theo kiểu "chồng rường bát đấu" là kiểu kiến trúc thời Trần. Mái chùa gồm 8 mái, 8 đầu đao, lợp ngói mũi hài, trên nóc đắp bờ, chính giữa đắp nổi bốn chữ Thanh Mai thiền tự. Hệ thống thờ tự hiện nay không còn giữ được pho tượng cổ nào, các tượng hoàn toàn được làm mới trong khi trùng tu. Đáng chú ý là các pho tượng đều được thếp vàng và 2 pho tượng hộ pháp uy nghi cao 3m được tạc hoàn toàn bằng gỗ mít. Cách bài trí, phối thờ tượng trong chùa theo dòng Lâm Tế tông với 6 bệ thờ.[4]

Vết tích của chùa Thanh Mai cổ chỉ còn gạch, nền chân tảng và một số bức tường theo từng khu, có khoảng chín nền chùa cũ. Các hiện vật cổ còn lưu giữ tại chùa bao gồm:

  • Viên Thông Bảo Tháp xây dựng năm 1334 trên có bia đá
  • Tháp Phổ Quang được xây dựng năm Chính Hoà thứ 23 (1702)
  • Tháp Linh Quang xây dựng năm Chính Hoà thứ 24 (1703)
  • 5 ngôi tháp mộ khác chưa xác định niên đại.
  • Trong chùa cũng còn 4 tấm bia: hai bia đá bốn mặt thời Lê, một bia thời Mạc, và một bia thời Trần là Thanh Mai Viên Thông tháp bi đã được công nhận Bảo vật quốc gia đợt 5.

Bao quanh chùa Thanh Mai là một khu rừng phong tạo nên một cảnh quan đặc trưng riêng cho phong cảnh chùa. Vào mùa đông - xuân, khi rừng phong chuyển màu lá sẽ tạo ra con đường dẫn lên chùa rải lá phong nhiều màu: đỏ, cam, vàng, nâu. Nếu con đường lên chùa chỉ rải rác lá phong đỏ thì từ chùa đi lên phía trên núi lá phong càng dày đặc. Vào sâu trong rừng, có những cây phong cổ thụ vươn mình cao lớn, những cây phong con lớp nọ, lớp kia đỏ vàng đặc biệt.[6]

Bia "Thanh Mai Viên Thông tháp bi" sửa

Bia "Thanh Mai Viên Thông tháp bi"
青梅圓通塔碑
Bảo vật quốc gia số 6, đợt 5
 
Bia "Thanh Mai Viên Thông tháp bi" (lớn hơn, bên phải)
Chất liệuĐá
Chiều cao131 cm
Chiều rộng82 cm
Chiều dày14 cm
Hệ chữ viếtChữ Hán
Niên đại1362
Thời kỳ/Văn hóaThời Trần
Hiện lưu trữ tạiChùa Thanh Mai, Hải Dương

Bia Thanh Mai Viên Thông tháp bi là tấm bia có niên đại tuyệt đối, có giá trị lớn khi nghiên cứu lịch sử Phật giáo nói riêng và lịch sử văn hóa Việt Nam nói chung. Bia được dựng năm 1362, hơn 30 năm sau ngày Pháp Loa viên tịch (Viên Thông tháp là nơi táng xá lị Pháp Loa phía sau chùa), đã ghi lại thân thế sự nghiệp của ông, đồng thời là một biên niên sử Phật giáo và những sinh hoạt tín ngưỡng Phật giáo của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thời Trần.[7]

Tình trạng hiện vật sửa

Năm 1994, Sư thầy Thích Chí Trung về trụ trì chùa Thanh Mai thì tấm bia nằm ngổn ngang lẫn với những tấm bia khác, rùa đá và các hiện vật khác. Nhà chùa đã mang tấm bia này gắn lên lưng rùa đá rồi cho đặt tại vị trí như hiện nay. Chính vì bị vất ngổn ngang ngoài trời, mưa nắng nên tấm bia này đã bị bào mòn, nhiều chữ trên bia mờ hẳn.[5]

Bia hiện được đặt trong nhà bia có mái che phía trước Chính điện. Bia cao 131 cm (không tính bệ rùa đá), rộng 82 cm, dày 14 cm. Bia đặt trên lưng một con rùa đá còn nguyên vẹn, đủ đầu, mai, đuôi, bốn chân đều có 5 móng.

Do nhiều chữ trên bia đã mờ nên hiện nay vẫn chưa có bản dịch đầy đủ và chính xác của toàn bộ văn bia "Thanh Mai Viên Thông tháp bi". Các nhà nghiên cứu dịch văn bia dựa trên bản gốc chữ Hán trên bia và một số văn bản khác cũng nói đến cuộc đời Đệ nhị tổ Pháp Loa như[7]:

  • Phần "Đệ nhị tổ niên phả thực lục" trong sách Tam tổ thực lục (kí hiệu A.786 tại Viện nghiên cứu Hán Nôm)
  • "Đệ nhị đại tổ bi trùng tu sự tích kí" (thác bản N°13506-13510 tại Viện nghiên cứu Hán Nôm) khắc năm Tự Đức thứ 9 (1866) dựa trên văn bia năm Chính Hòa thứ 5 (1684) tại chùa Hương Hải (xã Hoàng Hoa Thám, Chí Linh)
  • Bản dịch bia Thanh Mai năm 2002 của nhà nghiên cứu Cảnh Tuệ Linh (Đại học Trung Chính, Đài Loan)

Mỹ thuật sửa

Bia được tạo tác bằng đá xanh nguyên khối được đặt trên lưng rùa đá. Chính giữa mặt trước trán bia đề 6 chữ "Thanh Mai Viên Thông tháp bi" chia làm hai hàng, chữ khắc theo kiểu Triện thư cách điệu (triện ngạch). Thân bia khắc bài minh được viết theo kiểu Lệ thư, chữ viết mềm mại, thần thái sống động[5].

Trán bia trang trí đôi rồng có mào thời Trần chầu hai bên, hướng vào triện ngach. Viền ngoài bia trang trí hoa văn dây cuốn cách điệu. Chân bia trang trí hoa văn sóng nước hình núi đặc trưng thời Lý - Trần (hoa văn như ý). Mặt sau không có hoa văn, triện ngạch dù có đủ đường viền hoa văn xung quanh và phần cách chia của triện, nghĩa là nội dung khung hình của mặt trước và mặt sau là đồng bộ[7].

Văn bản học sửa

Hai mặt bia khắc hơn 5000 chữ Hán. Nội dung chữ đã mờ nhiều, có chỗ đọc rõ hoặc đoán được. Mặt trước gồm 39 dòng, mỗi dòng 68 chữ. Mặt sau gồm 42 dòng, đa phần là mỗi dòng 68 chữ, cuối bia có vài dòng rất ít chữ.

Văn bản do Thị giả Trung Minh tập hợp và soạn, được Huyền Quang khảo đính lại. Bia đá được đệ tử Trí Nhu xuất tiền mua, Thiệu Tuệ viết chữ, Kim Sơn và một đệ tử nữa (mờ tên) phụng khắc vào năm Đại Trị thứ 5 (1362) khi cả Pháp Loa và Huyền Quang đều đã viên tịch[7].

Văn bia cho biết những thông tin giá trị về văn bản chữ Hán thời Trần:

  • Đầu tiên là việc kỵ húy chữ Nguyệt (月) (tên bà Thiện Đạo quốc mẫu, mẹ đẻ Thiên Cảm hoàng hậu). Toàn bộ chữ "nguyệt" trên bia đã được viết thiếu một nét ngang trong lòng chữ.
  • Thứ hai là việc đài chữ (chữ liên quan đến vua, hoàng tộc, triều đình thì bỏ một khoảng trống phía trước và viết dòng sau nhô cao lên) triệt để trên toàn bộ văn bản, không như nhiều văn bản Phật giáo chỉ đài một số chỗ hoặc không hề đài.

Nội dung sửa

Nội dung văn bia ghi lại nhiều thông tin quan trọng về thiền phái Trúc Lâm và phật giáo Việt Nam thời Trần.

Năm 1314, các đệ tử của Pháp Loa cho xây dựng nhiều tháp, chùa ở khắp nơi[8]:

Sư tạo hơn 1300 tượng Phật lớn nhỏ, hơn 100 tượng bằng đất, dựng hai ngôi chùa lớn và 5 tòa tháp, lập hơn 200 tăng xá, độ hơn 15.000 tăng ni, in bộ kinh Đại tạng.

Năm 1328, thiền sư (Pháp Loa) cho đúc một pho tượng Di Lặc và tâu xin nhà vua cho được rước tượng từ nền điện lên bảo tọa để dát vàng. Văn bia viết:

Niên hiệu Khai Thái năm thứ nhất (1324), ngày 12 tháng 11 năm Giáp Tý, Bảo Từ hoàng thái hậu xin với Phổ tuệ Minh Giác tôn giả, tổ thứ hai dòng Trúc Lâm cho dựng tượng Di Lặc cao 6 thước. Tư đồ Văn Huệ Vương và Thượng Trân thái trưởng công chúa xin cúng chín nghìn lạng hoàng kim để đúc pho tượng ấy. Con trai trưởng của công chúa Nhật Trân là Thuận Ứng cúng 50 mẫu ruộng ở trang Hoa Lưu để làm của Tam bảo chùa Quỳnh Lâm. Tư đồ Văn Huệ Vương thiền sư, Thượng Trân thái trưởng công chúa cúng 300 mẫu ruộng ở Cự Linh, Gia Lâm; lại cúng ruộng ở trang Vân Động, tất cả cộng là 1 nghìn mẫu và 1 nghìn nam nữ gia nô vào chùa Quỳnh Lâm. Vào năm Mậu Thìn niên hiệu Khai Thái thứ 5 (1328) tháng 3, Bảo Từ hoàng thái hậu, Bảo Huệ quốc mẫu mời sư đến chùa Quỳnh Lâm tập hợp sư sãi mười phương diễn giảng Đại Thừa chân kinh, lại lập đàn chay 10 ngày cầu cho Trần Anh Tông hoàng đế Bồ Tát. Minh Tông hoàng đế Bồ Tát phê chuẩn lời tâu của sư chùa cho cấm quân đến rước tượng Phật Di Lặc đặt lên điện và thếp vàng”.[8]

Văn bia còn cho biết chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) là chốn tổ của giáo hội Trúc Lâm, nơi san khắc các bộ kinh Phật[8]. Bia cũng nhắc đến việc đúc tượng Thiên Thủ Đại Bi (tức là tượng "Quan âm nghìn mẳt nghìn tay"). Tại Việt Nam, thời điểm xuất hiện tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay vẫn còn là vấn đề đang được thảo luận. Hiện mới biết được tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay chùa Bút Tháp là có niên đại xác định sớm nhất 1658 dù loại tượng này đã xuất hiện sớm hơn nhiều. Cho đến nay đã tìm thấy ba bia thời Trần nhắc đến loại tượng này là Bia Đại Bi Diên Minh (1327), Bia chùa Che (Phú Xuyên, Hà Nội) (1328) và Bia Thanh Mai ở mặt trước, dòng thứ ba tính từ cuối:

Đại Khánh bát niên, Tân Dậu, Thượng phẩm Hoài Ninh hầu thỉnh sư chú Thiên Thủ Đại Bi nhất tôn

Nghĩa là:"Năm Đại Khánh thứ 8 là năm Tân Dậu (1321), thượng phẩm Hoài Ninh hầu xin sư (tức là Pháp Loa) đúc một pho tượng Đại bi nghìn tay".[9] Tượng Quan âm ở đây đúc bằng đồng. Như vậy, tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay đã tồn tại ít nhất là từ thời Trần (đầu thế kỉ XIV). Đây là loại tượng chịu ảnh hưởng của Mật tông, như vậy câu văn này còn chứng minh sự ảnh hưởng của Mật tông lên Phật giáo Việt Nam khiến điện thờ thời Trần đã có loại tượng Quan âm nghìn mắt nghìn tay.[10].

Bài thơ Vãn Pháp Loa tôn giả đề Thanh Mai tự sửa

Trên bia Thanh Mai còn khắc bài thơ Vãn Pháp Loa tôn giả đề Thanh Mai tự (挽法螺尊者題青梅寺 - Viếng thiền sư Pháp Loa đề thơ chùa Thanh Mai). Văn bản trên bia Thanh Mai được xác định là bản gốc của bài thơ được các sách sau này như Toàn Việt thi lục, Việt âm thi tập, Hoàng Việt thi tuyển và cả Tạp chí Nam Phong chép lại[11].

Bài thơ trên bia Thanh Mai không hề có phần đầu đề. Vì vậy khi biên soạn các tập thơ, các tác giả sau này đã đặt tiêu đề cho bài thơ. Việt âm thi tập hiện là bản sớm nhất có ghi tên bài thơ như trên, ngoài ra còn có dòng chữ Tôn giả Nhân Tông Anh Tông thời nhân phụ chú phía dưới tiêu đề bài thơ. Trong đó, chữ "Anh Tông" được viết dấu nháy ở trên để kiêng húy. Như vậy, có thể nói, "Việt âm thi tập" là văn bản đầu tiên đến nay tìm được có ghi tiêu đề bài thơ và ảnh hưởng đến các sưu tập về sau. Từ đó, hầu hết sách báo in lại bài thơ đều ghi nhầm tác giả là Trần Anh Tông, kể cả Tổng tập văn học Việt Nam Tập 2 (xuất bản năm 2000) vẫn còn in sai.[11][12]

Các nhà nghiên cứu hiện nay đã xác định đây là bài thơ của Trần Minh Tông bởi năm 1330, khi Pháp Loa viên tịch thì Anh Tông mất đã lâu rồi (1320). Minh Tông đã viếng Pháp Loa, ban tên hiệu khi thiền sư viên tịch, lại ban 10 lượng vàng để xây tháp. Việc hoàng đế Minh Tông là tác giả bài thơ cũng đã được ghi rõ trên bia Thanh Mai.[11][13]

Nguyên văn bài thơ và phiên âm như sau:

Dịch nghĩa:

Dịch thơ:

Chú thích sửa

  1. ^ Việt Cường (2017), Độc đáo bảo vật chùa Thanh Mai, Báo điện tử Đại Đoàn Kết, truy cập ngày 1 tháng 6 năm 2020
  2. ^ Theo bản giới thiệu đặt tại chùa Thanh Mai, Hoàng Hoa Thám, Chí Linh, Hải Dương
  3. ^ Hà Văn Tấn - Phạm Ngọc Long - Nguyễn Văn Kự (2013), Chùa Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới, tr. 25, ISBN 9786047706495
  4. ^ a b c Đức Tùy (2015), Kiến trúc độc đáo chùa Thanh Mai, Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Cổng thông tin Phật giáo, truy cập ngày 17 tháng 5 năm 2020
  5. ^ a b c d Kim Xuyến (2017), Bảo vật quốc gia ở chùa Thanh Mai, Ban quản lý di tích Chí Linh, truy cập ngày 17 tháng 5 năm 2020
  6. ^ Huy An (2019), Lá phong đỏ bên mái chùa cổ, Báo điện tử Quân đội nhân dân, truy cập ngày 17 tháng 5 năm 2020
  7. ^ a b c d Phạm Văn Tuấn (2014), Khảo về Thanh Mai Viên Thông tháp bi, Thư viện số tài liệu nội sinh, Đại học quốc gia Hà Nội: Tạp chí Hán Nôm số 6 (127) - 2014, truy cập ngày 17 tháng 5 năm 2020
  8. ^ a b c Đinh Khắc Thuận (2013), “Văn bia thiền phái Trúc Lâm”, Đề tài mã số VII1.4-2013.12, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (NAFOSTED): Trang điện tử Quỹ Hỗ trợ bảo tồn Di sản văn hóa Việt Nam, truy cập ngày 17 tháng 5 năm 2020
  9. ^ Hà Văn Tấn (2019), Chữ trên đá, chữ trên đồng - Minh văn và lịch sử, Nhà Xuất Bản Tri Thức, ISBN 9786049438820
  10. ^ Lê Thị Bé (2016), Chùa Thanh Mai - Những giá trị lịch sử, văn hóa, Ban quản lý khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc: Tạp chí Văn hóa Thể thao và Du lịch, số 3 (114) tháng 5 - 2016, Bản gốc lưu trữ ngày 20 tháng 9 năm 2020, truy cập ngày 17 tháng 5 năm 2020
  11. ^ a b c d Phạm Văn Tuấn (2016), Văn bản bài thơ viếng Pháp Loa của Trần Minh Tông, Học viện Phật giáo Việt Nam: Tạp chí Khuông Việt số 36 tháng 11/2016, tr. 59, truy cập ngày 18 tháng 5 năm 2020
  12. ^ Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia (2000), “Trần Thuyên (Trần Anh Tông)”, Vãn Pháp Loa tôn giả đề Thanh Mai tự (Đề chùa Thanh mai viếng Pháp Loa tôn giả), Nhà xuất bản Khoa học xã hội, tr. 381
  13. ^ a b Viện Văn học (1998) Thơ văn Lý - Trần, Tập II - Quyển thượng, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, trang 808.
  14. ^ Tạp chí Nam Phong, số 114, 1927, trang 50