Dương Khuê (楊珪,[1] 1839-1902), tự: Giới Nhu, hiệu Vân Trì; là quan nhà Nguyễn, và là nhà thơ Việt Namthế kỷ 19.

Dương Khuê
Bút danhVân Trì
Nghề nghiệpNhà thơ, quan nhà Nguyễn
Quốc tịchViệt Nam
Dân tộcKinh
Tác phẩm nổi bậtVân Trì thi thảo

Thân thế và sự nghiệp sửa

Dương Khuê là người ở làng Vân Đình, huyện Sơn Minh, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Nội (nay thuộc thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Nội).

Xuất thân trong một gia đình nhà Nho. Ông là con cả Đô ngự sử Dương Quang, và là anh ruột của danh sĩ Dương Lâm.[2]

Nhờ chuyên cần, Dương Khuê là người văn hay, chữ tốt. Năm 1864, ông đỗ Cử nhân (cùng khoa này có Nguyễn Khuyến đỗ Giải nguyên); nhưng vào kinh thi Hội, thì bị hỏng khoa đầu. Được Tùng Thiện Vương mời về nhà dạy con cháu học, ông nán lại chờ khoa thi sau. Năm Mậu Thìn (1868), thời vua Tự Đức, ông dự thi Đình đỗ Tiến sĩ.[2]

Thăng trầm nghiệp quan sửa

Ban đầu, Dương Khuê được bổ làm Tri phủ Bình Giang (Hải Dương), rồi thăng làm Bố chính.

Đầu thập niên bảy mươi của thế kỷ 19, tay lái buôn Jean Dupuis uy hiếp các quan chức người ViệtBắc Kỳ để tự do sử dụng sông Hồng, ông ở trong nhóm những sĩ phu cương quyết chống lại. Ông dâng sớ về triều xin có thái độ quyết liệt với người Pháp, bị vua Tự Đức phê là "bất thức thời vụ" (không biết thời cuộc), rồi bị giáng xuống chức Chính sứ sơn phòng lo việc khai hoang.[3]

Năm 1873, quân Pháp đánh Bắc Kỳ lần thứ nhất. Sau khi thương thuyết, họ chịu trả lại bốn thành cho triều đình Huế, thì Dương Khuê được điều động làm Án sát Hải Phòng.

Dương Khuê và vụ án ở Định-Yên: Năm 1878 ở Nam Định-Hưng Yên xảy ra một vụ nhũng lạm công quỹ khổng lồ mà số thiếu hụt về tiền, gạo, thóc lên tới hàng trăm ngàn quan. Vua Tự Đức phái quan Khoa đạo Trần Đình Liêm cùng với Bố chính Đồng Sĩ Vịnh, Án sát Nguyễn Duy Kế đến tận nơi điều tra. Trong vụ này Bố chính Phan Đức Trạch (đã chết) đã bị thuộc hạ cáo buộc là đã lấy từ kho tiền đưa cho Dương Khuê vay 100 lạng bạc (10000 quan) và Vũ Khoa vay 150 lạng bạc (15000 quan). Các lời khai của Dương Khuê và Vũ Khoa không làm triều đình hài lòng, nên Dương Khuê bị phạt trảm giam hậu (nghĩa là bị tạm giam, trong thời hạn 3-5 năm phải trả lại số tiền đã lấy, nếu không trả được thì sẽ bị thi hành án tử), Vũ Khoa bị giáng cấp và đổi nhiệm sở. Sau này nhà vua gia ân, chuẩn cho 2 ông được làm việc chuộc tội và được khai phục chức vị cũ (nguồn: Đai Nam thực lục, Quốc sử quán triều Nguyễn, Nhà xuất bản Giáo dục 2002, tập 8, trang 377-378 và 382-383)

Năm 1878, nhân lễ "ngũ tuần khánh thọ " của mình, vua Tự Đức xuống chỉ cho ông làm Đốc học Nam Định. Sau đó, ông lần lượt trải các chức: Bố chính, Tham tá Nha kinh lược Bắc Kỳ, Tổng đốc Nam Định-Ninh Bình.

Năm 1897, Toàn quyền Paul Doummer xóa bỏ điều 7 của Hòa ước Giáp Thân 1884, đặt cơ sở cho guống máy cai trị của Chính phủ bảo hộ, thì Dương Khuê xin cáo quan, lúc 58 tuổi, được tặng hàm Thượng thư bộ Binh.[2]

Mất sửa

Dương Khuê mất ngày 6 tháng 3 năm Nhâm Dần (1902). Nghe tin, bạn thân ông là Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến đã làm bài thơ Khóc bạn để viếng ông (trong đó mở đầu bằng câu: "Bác Dương thôi đã thôi rồi").

Tác phẩm của ông để lại có Vân Trì thi thảo (Bản thảo thơ Vân Trì); và một số bài ca trù, bài văn, câu đối, trướng...

Nhận xét (sơ lược) sửa

Trước đây, ông vẫn được xem là một đại biểu của khuynh hướng "thoát ly hưởng lạc" trong văn học Việt Nam ở nửa cuối thế kỷ 19. Nhà phê bình Nguyễn Tường Phượng viết: "Sinh vào lúc Nho học tàn cuộc, quốc gia mất chủ quyền nên cũng như bạn đồng thời là Chu Mạnh Trinh, Dương Khuê lấy thơ, rượu, ca xướng...để tiêu khiển". Đồng quan điểm này, GS. Phạm Thế Ngũ xếp các tác phẩm của Dương Khuê vào nhóm "Văn hành lạc và trào phúng".[4] Song gần đây, bước đầu giới nghiên cứu đã có cách lý giải mới đối với phần tâm sự của ông gửi gắm trong thơ văn. Là một viên chức buổi giao thời, đường làm quan không mấy suôn sẻ..., vì thế các sáng tác của ông, chính là một phương tiện giúp ông giải tỏa những bất mãn đối với hiện thực...

Tuy có làm thơ chữ Hán, nhưng ông nổi tiếng nhờ những bài ca trù. Với sự tinh luyện về ngôn ngữ và sự hài hòa trong thanh điệu của ông, khiến những bài ấy luôn cuốn hút người nghe.[5]

Nhìn chung, xét về lời, thơ Dương Khuê đã đạt đến trình độ "thanh thoát, uyển chuyển và hóm hỉnh".

Giới thiệu một bài ca trù sửa

Dưới đây là bài ca trù tiêu biểu và nổi tiếng của Dương Khuê:

Gặp lại cô đầu cũ
Hồng Hồng, Tuyết, Tuyết,
Mới ngày nào chửa biết cái chi chi.
Mười lăm năm thấm thoắt có xa gì!
Ngoảnh mặt lại, đã tới kỳ tơ liễu.
Ngã lãng du thời, quân thượng thiếu,
Kim quân hứa giá, ngã thành ông[6]
Cười cười nói nói thẹn thùng,
Mà bạch phát với hồng nhan chừng ái ngại.
Riêng một thú Thanh Sơn[7] đi lại,
Khéo ngây ngây dại dại với tình.
Đàn ai một tiếng dương tranh...[8]

Cảnh đẹp Tây Hồ sửa

Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.

bài thơ này nằm trong cuốn Vân Trì thi thảo.

Thông tin thêm sửa

Em Dương Khuê là Dương Lâm (1851-1920), từng giữ chức Phó Tổng tài Quốc sử quán nhà Nguyễn, Chủ bút báo Đồng Văn…Sau ông xin cáo quan về mở trường dạy học tại quê nhà. Ông là người tao nhã, yêu nước, có tài văn chương, và là một nhà giáo giỏi.[9] Trong số các cháu nội của hai ông (Dương Khuê và Dương Lâm), có những người nổi tiếng như: nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, Giáo sư-Tiến sĩ Dương Thiệu Tống, nhà thơ Dương Tuyết Lan, nhà khoa học Dương Nguyệt Ánh, nhạc sĩ Dương Thụ, nhạc sĩ kiêm thi sĩ Dương Hồng Kỳ, nhà văn Dương Vân Mai Elliott[10].

Sách tham khảo chính sửa

  • Nguyễn Huệ Chi, mục từ: "Dương Khuê" im trong Từ điển văn học (bộ mới). Nhà xuất bản Thế giới, 2004.
  • Nguyễn Q. Thắng-Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 1992.

Chú thích sửa

  1. ^ Quốc triều khoa bảng lục (bằng tiếng Trung). 1894 – qua hannom.nlv.gov.vn.
  2. ^ a b c Theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, tr. 101.
  3. ^ theo Từ điển văn học (bộ mới), tr. 355.
  4. ^ Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, quyển 3, tr. 41.
  5. ^ Lược theo GS. Nguyễn Huệ Chi, Từ điển văn học (bộ mới), tr. 356.
  6. ^ Dịch nghĩa: Lúc ta chơi bời phóng đảng là lúc ngươi còn nhỏ, bây giờ ngươi đến tuổi lấy chồng thì ta đã thành ông (già).
  7. ^ Có người cho rằng "Thanh" làng Thanh Thần. "Sơn" là Sơn Minh (sau đổi là Sơn Lãng). Đây là quê cả tác giả, và là làng có nhiều cô đầu.
  8. ^ Chép theo Việt Nam thi văn hợp tuyển của Dương Quảng Hàm. Trung tâm học liệu (Sài Gòn) xuất bản, bản in 1968, tr. 176. Có sách chép hơi khác một vài chữ. Hai chú thích trong bài đều căn cứ theo sách này.
  9. ^ Theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, mục từ Dương Lâm, tr. 101-102.
  10. ^ Nguyên Phong (26 tháng 4 năm 2013). “Báo Thanh Niên: "Số phận kỳ lạ của Mai Elliott".