Giấy chứng nhận kết hôn

Văn bản hành chính xác nhận hôn nhân

Giấy chứng nhận kết hôn hay giấy đăng ký kết hôn, trước đây còn gọi là Hôn thú hay giấy giá thú là một loại giấy tờ hộ tịch nhân thân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc các chủ thể khác công nhận và xác nhận một người có vợ hay có chồng theo quy định của luật pháp về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn.

Một giấy hôn thú năm 1883 tại Michigan

Tại Mỹ sửa

Sau khi bang California cho phép hôn nhân đồng giới, tòa án đã yêu cầu chính quyền phải sửa đổi lại giấy chứng nhận kết hôn theo xu hướng phi giới tính, vì thế trên giấy chỉ ghi là Bên A (Party A) và Bên B (Party B). Tuy nhiên, nhiều cặp không thích ghi như vậy mà muốn gọi bằng cô dâu-chú rể như truyền thống do đó bang California đã sử dụng mẫu giấy chứng nhận kết hôn mới có bổ sung các ô vuông nhỏ để điền thêm thông tin xác nhận là cô dâu (bride) hay chú rể (groom).[1]

Tại Việt Nam sửa

Theo quy định tại Luật Hôn nhân và Gia đình của Việt Nam thì khi có yêu cầu kết hôn và đương sự gửi hồ sơ xin kết hôn, sau khi nhận đủ giấy tờ hợp lệ, cơ quan đăng ký kết hôn kiểm tra hồ sơ đăng ký kết hôn. Việc xác nhận tình trạng hôn nhân nói trên có thể xác nhận trực tiếp vào Tờ khai đăng ký kết hôn hoặc bằng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.[2] Pháp luật quy định nam nữ muốn đăng ký kết hôn thì phải được chính quyền địa phương xác nhận còn độc thân.[3]

Khi làm thủ tục kết hôn[4], đại diện cơ quan đăng ký kết hôn xác nhận lại một lần nữa, nếu hai bên đồng ý thì đại diện cơ quan đăng ký kết hôn trao Giấy chứng nhận kết hôn cho hai bên.[5] Hai bên nam, nữ ký vào Giấy chứng nhận kết hôn và Sổ đăng ký kết hôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ký và cấp cho mỗi bên vợ, chồng một bản chính Giấy chứng nhận kết hôn.[6]

Điều kiện đăng ký kết hôn tại Việt Nam sửa

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, nam, nữ muốn kết hôn với nhau phải đáp ứng các điều kiện như sau:[7]

- Về độ tuổi: Nam phải từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ phải từ đủ 18 tuổi trở lên. Nếu kết hôn khi chưa đủ độ tuổi này sẽ được gọi là tảo hôn.[8]

- Việc kết hôn phải được thực hiện trên tinh thần tự nguyên của hai bên nam, nữ, không có sự ép buộc.

- Hai bên không bị mất năng lực hành vi dân sự.

- Việc kết hôn giữa hai bên không được vi phạm điều cấm như: kết hôn giả tạo, cưỡng ép kết hôn...

Cho đến thời điểm hiện nay, pháp luật Việt Nam vẫn chưa thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính (thay vì trước kia là cấm). Tuy nhiên, mặc dù không được thừa nhận nhưng những người đồng tính hoàn toàn có thể sống chung với nhau, tổ chức đám cưới, các hành vi này không phải là hành vi trái pháp luật.

Xử phạt vi phạm hành chính về đăng ký kết hôn tại Việt Nam sửa

Theo quy định tại Nghị định 82/2020/NĐ-CP[9] của Chính phủ. Nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây thì các bên có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về đăng ký kết hôn tại Việt Nam:

Thứ nhất, đối với hành vi tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để làm thủ tục đăng ký kết hôn. Người thực hiện hành vi này có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng.

Thứ hai, nếu cho người khác sử dụng giấy tờ của mình để làm thủ tục đăng ký kết hôn hoặc sử dụng giấy tờ của người khác để làm thủ tục đăng ký kết hôn; cung cấp thông tin, tài liệu hoặc cam đoan, làm chứng sai sự thật về tình trạng hôn nhân để làm thủ tục đăng ký kết hôn thì người thực hiện hành vi có thể bị phạt từ 3 triệu đến 5 triệu đồng.

Chú thích sửa

  1. ^ California (Mỹ): Giấy chứng nhận kết hôn mới
  2. ^ Nghị định Về đăng ký và quản lý hộ tịch
  3. ^ “Một người được cấp... 2 giấy chứng nhận kết hôn! Pháp luật Sức khỏe và Dinh dưỡng”. Người Lao động. Truy cập 7 tháng 6 năm 2014.
  4. ^ Thủ tục đăng ký kết hôn mới nhất
  5. ^ LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH VN
  6. ^ “Đăng ký kết hôn công dân Việt Nam”. Bản gốc lưu trữ ngày 18 tháng 11 năm 2012. Truy cập 7 tháng 6 năm 2014.
  7. ^ LuatVietnam (3 tháng 5 năm 2021). “Làm giấy đăng ký kết hôn cần những gì? Bao lâu thì có?”. LuatVietnam (bằng tiếng vietnamese). Truy cập ngày 22 tháng 4 năm 2024.Quản lý CS1: ngôn ngữ không rõ (liên kết)
  8. ^ LuatVietnam (24 tháng 3 năm 2022). “Tảo hôn là gì? Tảo hôn bị phạt thế nào?”. LuatVietnam (bằng tiếng vietnamese). Truy cập ngày 22 tháng 4 năm 2024.Quản lý CS1: ngôn ngữ không rõ (liên kết)
  9. ^ Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. “Nghị định số 82/2020/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã”. vanban.chinhphu.vn. Truy cập ngày 22 tháng 4 năm 2024.